Nghĩa cử của gia đình liệt sĩ, nhà báo Phạm Văn Hướng
Chương trình "Ngày Chủ nhật Đỏ" được tổ chức vào những ngày đầu năm mới 2025 đã thu hút sự tham gia đăng ký, trực tiếp hiến máu của hơn 800 bạn trẻ, người dân, cán bộ, viên chức trên địa bàn. Điều đáng quý, tại đây, có hàng chục trường hợp đăng ký hiến mô, tạng, trong đó có vợ và hai con gái của liệt sĩ, nhà báo Phạm Văn Hướng.
Ngày 12/1 vừa qua, Ban Thường vụ Thành Đoàn phối hợp với Bệnh viện Trung ương Huế, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP Huế cùng một số đơn vị tổ chức "Ngày Chủ nhật Đỏ" lần thứ 17 năm 2025.
Năm nay, bên cạnh hiến máu tình nguyện, hành trình "Ngày Chủ nhật Đỏ" lần đầu tiên phát động và triển khai nội dung đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người. Tại đây, đã tiếp nhận 28 trường hợp đơn đăng ký. Đặc biệt trong số này có 3 trường hợp là mẹ và 2 con gái cùng đăng ký hiến mô, tạng. Đó là chị Nguyễn Thị Khanh (SN 1973) cùng 2 người con gái là Phạm Thiên Hà (SN 1999) và Phạm Hồng Anh (SN 2003, trú tại phường Xuân Phú, quận Thuận Hóa, TP Huế).
Được biết, chị Khanh hiện đang là giáo viên tiếng Anh của Trường THPT Hai Bà Trưng (TP Huế); em Phạm Thiên Hà đang công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự TP Huế với cấp bậc Trung úy. Còn em Phạm Hồng Anh đang là sinh viên năm thứ 4 của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội. Chị Khanh và em Hà, em Anh chính là vợ và 2 con của liệt sĩ, nhà báo Phạm Văn Hướng.
Chị Nguyễn Thị Khanh chia sẻ: "Từ khi ông xã mất đi, mình và hai con rất đau đớn. Nhất là thời điểm anh qua đời, hai con lúc đó đang tuổi ăn tuổi học hụt hẫng, mất mát khi thiếu vắng tình thương, sự chăm sóc của bố. Và sau này nhiều lần chứng kiến những bệnh nhân bị bệnh thận, gan, tim… qua đời do không có nguồn tạng để ghép khiến người thân của họ luôn dằn vặt, đau đớn cũng không kém phần mình và hai con mất đi chồng, bố. Từ đó, mình luôn suy nghĩ rằng cần làm việc gì đó để chia sẻ với mọi người để không ai trải qua đau đớn như ba me con mình nữa".
Nhằm sẻ chia với những mảnh đời kém may mắn mang trong mình trọng bệnh, 3 mẹ con chị Khanh quyết định đăng ký hiến mô, tạng. "Nhìn những phụ nữ có con tình nguyện hiến tạng, mình ngưỡng mộ lắm. Anh Hướng hy sinh khi làm nhiệm vụ cứu người, còn những người hy sinh phần thân thể mình để cứu được 4-5 mạng sống có điểm giống nhau đều là cứu người khiến mình rất cảm phục", giọng nghèn nghẹn, chị Khanh bộc bạch thêm.
"Việc đăng ký hiến mô, tạng rất hay và ý nghĩa, nên em và người thân muốn tham gia. Sau này mình dẫu có mất đi thì những cơ quan trên cơ thể mình vẫn có thể đem lại sự sống cho người khác. Nếu ai cảm thấy sau khi mình mất đi mà vẫn muốn làm việc gì đó ý nghĩa cho đời thì nên đăng ký hiến mô, tạng", em Phạm Thiên Hà - con gái liệt sĩ, nhà báo Phạm Văn Hướng nhắn nhủ.
Ngày 12/10/2020, anh Phạm Văn Hướng được phân công làm phóng viên trong đoàn công tác của Sở Chỉ huy tiền phương Quân khu 4 cứu trợ lũ lụt tại tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là TP Huế).
Gần trưa, khi nhận thông tin thủy điện Rào Trăng 3 thuộc địa phận xã Phong Xuân (huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế nay là thị xã Phong Điền, TP Huế) sạt lở, đất đá vùi lấp 17 công nhân, Đoàn cán bộ họp khẩn và quyết định lên đường vào hiện trường cứu các công nhân gặp nạn. Sau nhiều giờ liền trèo đèo, vượt lũ, khuya cùng ngày, Đoàn công tác cứu nạn đang ở cách hiện trường vụ thủy điện Rào Trăng khoảng 16km thì gặp mưa lớn, nước lũ tràn về, cả đoàn phải vào nghỉ tạm tại Trạm bảo vệ rừng 67.
Đêm hôm đó lũ cuồn cuộn từ thượng nguồn đổ về, ngọn núi cao hơn 100m gần nơi các anh tạm lánh ập xuống, phủ trùm 2 gian nhà của Trạm bảo vệ rừng 67. Anh Phạm Văn Hướng cùng 12 cán bộ, chiến sĩ bị vùi lấp dưới hàng trăm ngàn khối bùn đất.
Ghi nhận sự hy sinh quên mình vì nhân dân, vì Tổ quốc, ngày 16/10/2020, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định truy tặng Bằng "Tổ quốc ghi công" cho 13 liệt sĩ, trong đó có nhà báo Phạm Văn Hướng.
Liệt sĩ Phạm Văn Hướng (SN 1968, trú tại xã Liên Hoa, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) thời điểm hy sinh là Trưởng phòng Thông tin - Tuyên truyền thuộc Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên Huế. Trước đó, anh đã có 20 năm công tác tại Đài Truyền thanh Truyền hình huyện miền núi A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là TP Huế). Năm 2013, anh được chuyển đến công tác tại Cổng thông tin điện tỉnh Thừa Thiên Huế. Ở vị trí nào anh cũng dấn thân với nghề, luôn có mặt ở những điểm nóng bão lũ, nguy hiểm, nơi khó khăn để kịp thời cung cấp thông tin trên địa bàn đến với nhân dân. (Hải Lan)