Chung tay xây dựng những căn nhà mơ ước
Sau bao năm sống trong những ngôi nhà tạm bợ, dột nát, giờ đây hàng nghìn hộ dân ở Đắk Lắk đã có được những căn nhà mơ ước. Những căn nhà không chỉ nhận được sự hỗ trợ, quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhà hảo tâm mà ở đó, còn có những giọt mồ hôi, những tình cảm sâu sắc của hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ ở địa phương...
Xã nghèo sẽ hết cảnh nhà tạm bợ
Trong cái nắng như đổ lửa cuối tháng Ba, chúng tôi có dịp trở lại cùng cán bộ, chiến sĩ Công an xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk tìm hiểu đời sống của bà con người dân tộc Xơ Đăng sinh sống trên địa bàn. Không phải hôm nay tôi mới đến xã vùng cao Ea Yiêng mà nhiều lần trước đây, tôi đã đặt chân đến vùng đất này trong những chuyến công tác. Bởi vậy, trong trí nhớ tôi, vùng đất này vẫn còn nhiều khó khăn so với những địa phương khác.
Minh chứng là khi đi sâu vào các thôn bản, dọc đường chúng tôi không khó để bắt gặp những căn nhà rách nát lợp bằng mái tôn cũ kỹ, tường xây bằng gạch không được tô trét hoặc ghép bằng những tấm ván đã lâu ngày mối mọt, hay những ngôi nhà gỗ xiêu vẹo chực chờ một trận gió to có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
Nói về cái khó của địa phương, ông Trần Văn Long, Chủ tịch UBND xã Ea Yiêng chia sẻ, xã Ea Yiêng là xã vùng 3, một trong những xã nghèo nhất của tỉnh Đắk Lắk. Với tỷ lệ hộ nghèo hiện còn chiếm 30% dân số, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 90%, chủ yếu là đồng bào Xơ Đăng, sinh sống chủ yếu bằng nghề nông. Những năm qua, Ea Yiêng được Nhà nước đầu tư nhiều công trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, giảm nghèo nhưng đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn.
“Hiện xã còn 224 căn nhà tạm, nhà dột nát. Trong đó có nhiều hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo không thể lao động hoặc ít có khả năng lao động. Nhiều hộ gia đình không thể thoát nghèo”, ông Long dẫn chứng.
Theo Chủ tịch UBND xã Ea Yiêng, mấy năm trở lại đây mỗi năm xã Ea Yiêng xóa được vài căn nhà tạm nhưng không thấm vào đâu, như muối bỏ bể. Do nhiều hộ gia đình không có khả năng lao động nên lãnh đạo xã phải xuống tận nơi trực tiếp cầm bay hỗ trợ ngày công xây nhà cho người dân. “Ở UBND xã chúng tôi vẫn nói đùa với nhau rằng, cán bộ xã bây giờ thành thợ cả, thợ phó, phụ hồ hết cả rồi”, ông Long cười nói.
Cũng theo lời ông Long, thực hiện chương trình chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn toàn tỉnh Đắk Lắk vừa qua, xã Ea Yiêng được hỗ trợ xây dựng 100 căn nhà mới, sửa chữa 124 căn nhà. “Như vậy, sau khi hoàn thành, trên địa bàn xã sẽ không còn cảnh nhà dột nát, nhà tạm bợ nữa. Địa phương sẵn sàng huy động các nguồn lực cùng các nhà hảo tâm hỗ trợ người dân xóa đi những căn nhà tạm, nhà dột nát để người dân ổn định cuộc sống”, ông Long phấn khởi.
Là một trong những gia đình được hỗ trợ xây nhà mới, những ngày qua, vợ chồng chị Thiêm (SN 1984, người Xơ Đăng) đang tất bật dọn khoảng đất trống để nhà thầu xây dựng đổ nguyên vật liệu chuẩn bị cho ngày khởi công xây nhà. Thấy chúng tôi đến thăm, chị Thiêm không giấu được niềm vui chia sẻ, anh chị có 4 người con đang độ tuổi ăn học nhưng chỉ có vài sào đất nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Suốt nhiều năm qua, gia đình chị sinh sống trong căn nhà dột nát, chật chội chừng 12m2. Cứ đến mùa mưa, cả gia đình thay nhau dùng các vật dụng hứng nước từ mái tôn mục nát đổ xuống nhà. Có đêm cả gia đình phải thức trắng vì không còn chỗ nào khô ráo để ngủ.
“Gia đình đã dời căn nhà cũ sang một bên để lấy chỗ xây dựng nhà mới. Hôm qua đơn vị thi công đã đổ vật liệu xây dựng và hy vọng ít tháng nữa chúng tôi có một căn nhà mới để ở. Tôi xin cảm ơn Nhà nước đã quan tâm, hỗ trợ xây dựng căn nhà mà cả gia đình mơ ước bấy lâu nay”, chị Thiêm xúc động nói.
Nằm cách xã Ea Yiêng hơn chục cây số, những ngày qua, hàng chục cán bộ, chiến sĩ Công an xã Krông Búk, huyện Krông Pắk cũng đang tất bật xuống địa bàn để hỗ trợ người dân và cùng nhà thầu chung tay đẩy nhanh tiến độ xây nhà cho hộ nghèo trên địa bàn.
Thiếu tá Nguyễn Anh Tú, Trưởng Công an xã Krông Búk cho biết, toàn xã có 5 buôn với 7 thôn, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 56%. Qua rà soát, trên địa bàn có 16 căn nhà cần được xây dựng mới và 1 căn nhà cần được hỗ trợ kinh phí để sửa chữa. Đây là những căn nhà tạm bợ, dột nát cuối cùng của xã tại thời điểm khảo sát.
“Thời gian qua, Công an xã đã cùng với chính quyền tổ chức rà soát các hộ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình có công với cách mạng để hỗ trợ xây nhà, sửa chữa nhà đúng đối tượng. Sau khi chọn đúng đối tượng, xã đã tổ chức khởi công ngay sau khi có chỉ đạo. Chính quyền và Công an xã cũng thường xuyên xuống tận nơi để nắm bắt, giám sát để đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình”, Thiếu tá Tú cho hay.
Điển hình như gia đình anh Y Mác Byă (SN 1996, trú tại buôn Krông Búk, xã Krông Búk) có 3 sào đất nên hàng ngày anh phải đi làm thuê nuôi gia đình. Dù lấy vợ 8 năm, có 1 người con học lớp 2 nhưng gia đình anh Y Mác Byă đang phải sống chung nhà của mẹ nên được hỗ trợ xây dựng nhà. “Từ lâu, tôi ước mơ có một căn nhà nhỏ của riêng mình nhưng làm mãi chẳng dư được đồng nào. Nay được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà, tôi rất xúc động. Có căn nhà vững chắc để sinh sống, tôi sẽ yên tâm để làm ăn, thoát nghèo. Hiện, đơn vị thi công đã múc móng, đổ đá nên tôi hy vọng căn nhà sớm hoàn thành”, anh Y Mác Byă chia sẻ.
Mệnh lệnh từ trái tim!
Để cùng chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo theo lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu xây mới trong năm 2025. Đợt này, tỉnh Đắk Lắk xây dựng 4.285 căn nhà với tổng kinh phí hơn 342 tỷ đồng, phấn đấu hoàn thành và bàn giao cho người dân trước ngày 30/10/2025. Ngoài ra, tỉnh Đắk Lắk cũng sẽ hỗ trợ sửa chữa nhà cho hơn 1.120 hộ gia đình.
Thiếu tướng Lê Vinh Quy, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài chính, các địa phương và đơn vị liên quan chỉ đạo xây dựng 4.285 căn nhà để trao tặng cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trong năm 2025. Ngay sau khi có đề án, ngày 2/3 vừa qua, Công an tỉnh Đắk Lắk - Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh năm 2025 đã tổ chức đồng loạt lễ khởi công xây dựng nhà cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn địa bàn tỉnh.
“Đây là đề án hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo lớn nhất từ trước tới nay trên địa bàn. Đề án có ý nghĩa hết sức to lớn, góp phần cùng với chính quyền địa phương triển khai thực hiện hiệu quả công tác an dân, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của một bộ phận người dân”, Thiếu tướng Lê Vinh Quy nói.
Thiếu tướng Lê Vinh Quy nhấn mạnh, đây là một mệnh lệnh, một mệnh lệnh xuất phát từ trái tim, nhiệm vụ chính trị quan trọng của Công an các cấp trong năm nay. “Do đó, bên cạnh sự vào cuộc của cán bộ, chiến sĩ Công an thì các cơ quan, đơn vị liên quan cần tích cực giúp đỡ các hộ dân tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý đối với các trường hợp đất chưa đủ điều kiện xây nhà. Kêu gọi, vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ cả về tinh thần, vật chất. Huy động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, người lao động hỗ trợ ngày công, giúp các hộ gia đình cùng với nhà thầu sớm hoàn thành công trình. Các đơn vị thi công cần xác định đây là công trình an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo nên cần tập trung nhân công triển khai xây dựng nhà bảo đảm chất lượng, quyết tâm hoàn thành xây dựng 4.285 căn nhà và bàn giao cho người dân sử dụng trước ngày 15/8”, Thiếu tướng Quy nhấn mạnh.
Cũng theo lời Thiếu tướng Quy, khi đời sống người dân ổn định, các vấn đề xã hội như tệ nạn, trộm cắp, hay mâu thuẫn gia đình cũng có xu hướng giảm, từ đó góp phần duy trì an ninh và trật tự xã hội. Chính vì vậy, công cuộc xoá nhà tạm, xây mái ấm không chỉ mang giá trị vật chất mà còn chứa đựng ý nghĩa tinh thần to lớn, góp phần xây dựng một xã hội công bằng, nhân ái và phát triển thịnh vượng.