Bài cuối: Niềm vui trong những ngôi nhà mới
Những ngôi nhà "3 cứng", "2 ổn định" xuất phát từ chủ trương nhân văn, ý nghĩa của Bộ Công an, việc thực thi quyết liệt, kịp thời của Công an các địa phương và lực lượng phối hợp đã giúp nhiều hộ dân có nơi ở an toàn, vững chãi qua mưa bão. Điều này càng thể hiện rõ hơn khi nhóm phóng viên chúng tôi trực tiếp đến những ngôi nhà mới để nghe những người dân xúc động trải lòng...
"Nếu không có nhà của Bộ Công an, có khi chúng tôi đã bỏ mạng"
Đây là tâm sự chân thành của chị Hoàng Thị Huyền ở xóm Văn La 2, xã Lam Vỹ, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên. Nhờ sự "hoa tiêu" của cán bộ Phòng Công tác đảng và công tác chính trị Công an tỉnh Thái Nguyên, tôi vượt qua quãng đường 50km từ TP Thái Nguyên đến huyện miền núi Định Hoá, và từ đây theo chân Trung tá Phan Thanh Trường, Đội trưởng Đội Tham mưu Công an huyện, người con của quê hương Định Hoá, được ví như "thổ địa" của vùng để đến xóm Văn La 2, xã Lam Vỹ sau khi vòng vèo qua các thung lũng với những cánh đồng lúa tít tắp, xanh mướt sắc thu, cảnh đẹp như tranh vẽ. Song càng vào sâu trong núi, đường càng hiểm trở khó đi, để đến nhà chị Huyền phải qua một ngầm tràn nước chảy xiết mà chỉ cần mưa lũ về thì nơi đây sẽ bị cô lập. Càng vào nhà chị, đất đá sạt trượt nhiều nơi khiến đoàn phải đi bộ mấy trăm mét.
Nhà chị Huyền bên cạnh là núi nhưng cao và an toàn hơn hẳn nơi ở cũ - nơi nhà và chuồng trại đã bị vùi lấp. Anh Thêm, chồng chị, vồn vã pha nước mời đoàn, vừa tranh thủ gọi điện thoại giục vợ về, chị là cán bộ Tổ bảo vệ ANTT ở cơ sở của xóm Văn La 2. So với hôm khánh thành, nhà chị Huyền được gia cố thêm phần mái ở trước nhà và phần bếp cạnh bên để đảm bảo an toàn hơn, tránh mưa nắng.
"Chiều 30/7, mưa bão, đường vào nhà ngập sâu, tôi bảo hai con không ngủ ở nhà mà sang nhà bà nội. Đến tối, hai vợ chồng định đi ngủ thì chỗ chuồng lợn có 1 cái cây sập xuống, bà nội như linh tính, gọi điện thoại bảo tôi: "Không ngủ ở nhà nữa, sang nhà mẹ mà ngủ". Khoảng 19h, nước lên, hai vợ chồng cầm điện thoại và mỗi người một bộ quần áo, lội bì bõm sang nhà bà để ngủ, nhưng cả đêm cũng không ngủ được vì mưa to quá, đất lở ầm ầm...", chị Huyền nhớ lại. Khoảng 6h30 ngày 31/7, nhà bà nội bị sập chuồng lợn, chị Huyền và em dâu đang ra xem thì nghe như tiếng nổ, "ùm một phát", quay sang thì thấy nhà chị Huyền sập hết toàn bộ. Mưa to quá, bà con chòm xóm cũng chạy vào, xem cái gì vớt vát được thì lấy ra hộ, may là "trời còn thương", lấy được 7 bao thóc, để trong chái bếp bị đùn ra, còn nhà bị sập hết không còn gì. Chuồng lợn có hai ngăn, vợ chồng chị bèn di chuyển lợn sang một ngăn, một ngăn hai vợ chồng ở tạm, con thì gửi nhà bà nội...
Hôm 22/8, khởi công làm nhà, Đại tá Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an và Thượng tá Nguyễn Hoàng Trí Kháng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên cũng phải đi đường vòng xa thêm 5km, tăng bo bằng xe máy, rồi cuốc bộ cả cây số bùn đất nhão nhoét mới vào được nhà chị Huyền. Đến nơi, ai cũng cám cảnh, xót xa trước hình ảnh hai vợ chồng co ro trong khu chuồng lợn. Căn nhà mới được xây trên nền đất ông nội để lại cho hai anh em anh Thêm, ngăn làm đôi. Lực lượng chức năng giúp chị Huyền hoàn thành thủ tục, giấy tờ để thi công gấp rút, đến 1/9 thì hoàn thành, vừa hay đón Tết Độc lập trong nhà mới. Nhưng quan trọng hơn, nếu không có căn nhà chắc chắn ấy thì có thể vợ chồng chị không còn cả cơ hội ngồi nói chuyện với chúng tôi.
"Vừa rồi, bão số 3 làm sạt một nửa quả đồi, vùi hết chuồng lợn khiến đàn lợn 9 con của chúng tôi thoát được bão số 2 thì nay đã bị vùi hết, cả bếp gas, giường, chăn chiếu... Chúng tôi thành người…vô sản. May mắn có nhà của Bộ Công an xây cho, nếu không có khi chúng tôi đã phải bỏ mạng trong cơn bão số 3 vừa qua. Tôi còn được nhận quà của Bộ trưởng Bộ Công an nữa, vui lắm nhà báo ạ, không biết nói gì hơn, tôi gửi lời cảm ơn chân thành đến Bộ trưởng, Văn phòng Bộ Công an, Công an tỉnh Thái Nguyên, Công an huyện Định Hoá và các ban, ngành đã giúp đỡ chúng tôi...", chị Huyền xúc động chia sẻ. Chị cũng đã tự gửi gắm nỗi lòng của mình qua lá thư viết tay cảm ơn Bộ trưởng Lương Tam Quang mà Báo CAND đã đăng trước đây không lâu.
Được biết, dịp bão số 3 về, nhà mẹ chồng chị Huyền hai tầng kiên cố, song ta luy phía sau nhà bị sạt hết, lo sợ không an toàn nên cả nhà lại phải sơ tán đến nhà mới của chị Huyền để trú. Mưa bão cũng làm sạt chuồng bò, ngập nước, không có chỗ gửi nên gia đình chị đành bán 4 con bò, lấy tiền làm mái che phía bếp và trước nhà để giúp căn nhà kiên cố, vững chãi hơn trước giông bão. Giờ thì chị Huyền yên tâm mỗi lúc đi làm nhiệm vụ bảo đảm ANTT ở cơ sở, anh Thêm tranh thủ tìm việc làm thuê nuôi hai con ăn học. Dù khó khăn vẫn đầy rẫy trước mắt nhưng điều lớn nhất họ lại không còn phải bận lòng là nỗi lo thiệt hại tính mạng, tài sản do thiên tai, sạt lở đất, vùi lấp nhà cửa, gia súc...
"Căn nhà giúp tôi gượng dậy sau nỗi đau mất 4 người thân"
Trong chuyến công tác tại tỉnh Bắc Kạn, tôi có cơ hội đến thăm nhà anh Nông Văn Lầu (SN 2003), dân tộc Mông tại thôn Khuổi Ún, xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm, một trong 3 hộ dân tại đây được Bộ Công an hỗ trợ xây dựng nhà đợt đầu tiên. Căn nhà chắc chắn, ở đối diện bên kia đường liên xã với căn nhà cũ, tạo sự tương phản, đối lập khi một bên là khu vực đổ nát, sạt lở đất vùi lấp nhà, một bên là căn nhà tường vàng mái đỏ mới tinh, sạch đẹp lắp ghép theo mẫu của Bộ Công an.
0h ngày 18/6, mưa lớn gây sạt lở đất khiến 4 người thân trong gia đình anh đang ngủ bị vùi lấp, tử vong, gồm bố, mẹ anh Lầu, em dâu và người cháu. "Khi đó, tôi đang đi làm khu công nghiệp Điềm Thuỵ tại huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. 4h, được người nhà báo tin dữ, tôi phóng xe máy trong mưa từ khu công nghiệp một mạch về đây", anh kể. Mất 2 tiếng anh mới về đến nơi, người bơ phờ, đầu óc trống rỗng bởi nhà không còn lại gì, khung cảnh tan hoang hết cả, lực lượng chức năng mới chỉ tìm thấy thi thể bố, mẹ, đang tiếp tục tích cực đào bới, tìm kiếm từ đống đổ nát chất chứa đất đá. "Hơn 6h thì tìm thấy tất cả mọi người, tôi rụng rời, bởi nỗi đau quá lớn...", người đàn ông nghẹn ngào nhớ lại ký ức đau thương.
Anh cho biết, trong lúc rối ren, bản thân anh không nghĩ được gì. Nhờ lực lượng Công an và chính quyền địa phương, bà con lối xóm giúp đỡ rất nhiều. Đặc biệt là căn nhà được làm trên nền đất ông nội để lại, sau sự việc, anh cũng phải nhờ hỗ trợ từ một phần đất của chú để đủ nền làm nhà. "May mà có nhà chắc chắn, bão số 3 vừa rồi chúng tôi an toàn, dù nhiều nơi tiếp tục bị sạt lở đất, chính nhà chú tôi ở dưới kia cũng bị sạt. Thực sự, chúng tôi rất biết ơn...", anh tâm sự.
Khi tôi đến thăm nhà anh Nông Văn Lầu cũng đúng vào ngày vui anh vừa tổ chức đám cưới. Niềm vui nhà mới đã tiếp thêm động lực để anh lập gia đình, xây dựng cuộc sống mới sau nỗi đau mất đi 4 người thân. "Bố mẹ mất hết rồi, tôi là anh cả, sau còn em trai và em gái thì em trai cũng bị mất vợ, em gái đi học ở xa, nên tôi muốn lấy vợ về để cùng nhau xây dựng mái ấm gia đình, là chủ hộ, chăm lo cho các em...", anh Lầu nói. Vợ anh ở Thái Nguyên, hai người quen nhau khi làm cùng khu công nghiệp. Biết là trước mắt còn nhiều gian khó, song tôi thấy trong ánh mắt của vợ chồng anh Lầu ánh lên niềm vui, niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn. Mong là, trong căn nhà mới mà Bộ Công an vừa hỗ trợ đã giúp anh gượng dậy, nhen nhóm những ước mơ, dự định, thì mọi thứ đều trở thành hiện thực, và niềm vui càng được nhân lên gấp bội khi bên cạnh anh có người vợ mới cưới đồng hành...
Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh Ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn:
Chủ trương nhân văn, cấp thiết giúp bà con sớm ổn định cuộc sống
Nhân chuyến công tác tại tỉnh Bắc Kạn, phóng viên Báo CAND đã có cuộc phỏng vấn ngắn đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn về chủ trương của Bộ Công an hỗ trợ làm nhà cho các hộ dân bị thiệt hại bởi thiên tai, bão lũ.
PV: Đồng chí đánh giá như thế nào về chủ trương hỗ trợ làm nhà cho các hộ dân bị hỏng nhà, mất nhà sau mưa bão của Bộ Công an? Chủ trương này có ý nghĩa ra sao đối với một tỉnh vùng cao còn nhiều khó khăn như Bắc Kạn, thưa đồng chí?
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Hoàng Duy Chinh: Từ đầu năm 2024 đến nay, do ảnh hưởng của mưa bão, nhất là cơn bão số 2, cơn bão số 3, trên địa bàn Bắc Kạn xảy ra tình trạng giông lốc, ngập úng, sạt lở đất, làm 8 người chết, 7 người bị thương, sạt lở ta luy, hư hỏng hơn 5.000 nhà ở, cùng nhiều công trình, hoa màu, vật nuôi... với tổng thiệt hại gần 986 tỷ đồng. Để khắc phục hậu quả, tỉnh đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các bộ, ban, ngành Trung ương và một số địa phương, trong đó có Bộ Công an. Có thể nói, làm nhà cho các hộ dân bị mất nhà, hỏng nhà bởi thiên tai là một chủ trương rất nhân văn, ý nghĩa và hết sức cấp thiết của Bộ Công an, giúp bà con nhanh chóng có ngay một căn nhà để vượt qua khó khăn trước mắt, sớm ổn định cuộc sống. Thay mặt cấp uỷ, chính quyền địa phương và bà con nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn, chúng tôi trân trọng cảm ơn Bộ Công an. Chủ trương này càng có ý nghĩa đối với một tỉnh vùng cao còn nhiều khó khăn, nguồn lực hạn chế như Bắc Kạn, đồng thời qua đây cũng tạo mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa nhân dân với cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là lực lượng CAND, góp phần tăng cường thế trận an ninh nhân dân, bảo đảm ANTT trên địa bàn.
PV: Chủ trương thì ở Bộ, còn việc triển khai phụ thuộc hầu hết ở cơ sở. Theo đồng chí, lực lượng Công an tỉnh Bắc Kạn đã thực sự vào cuộc quyết liệt hỗ trợ bà con làm nhà, giúp dân phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ?
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn Hoàng Duy Chinh: Công an là một trong những lực lượng nòng cốt trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, phòng thủ dân sự trên địa bàn. Mưa bão về thì CBCS Công an bất kể ngày đêm toả ra các địa bàn, bám làng, bám bản để hỗ trợ người dân. Sau khi Bộ Công an có chủ trương hỗ trợ làm nhà, Công an tỉnh Bắc Kạn đã chủ động triển khai thực hiện sát sao, quyết liệt, bài bản, huy động các lực lượng phối hợp chính quyền địa phương chung sức, đồng lòng, tiến hành rà soát, lên kế hoạch, tổ chức san lấp mặt bằng, thi công rất nhanh, lắp ghép nên những ngôi nhà vững chắc, hoàn thành trước thời hạn, giúp các hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai sớm có chỗ ở mới và tái thiết cuộc sống với tinh thần "lúc dân cần, lúc dân khó, có Công an". Thay mặt lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn, tôi ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà Công an tỉnh Bắc Kạn đạt được thời gian qua, đã chủ động bảo đảm ANTT, làm tốt công tác an sinh xã hội, giúp dân phòng, chống, khắc phục hậu quả bão lũ, hỗ trợ bà còn làm nhà, tái thiết cuộc sống. Và thực tế, sau các cơn bão vừa qua, những căn nhà của Bộ Công an rất chắc chắn, trở thành chỗ trú ẩn an toàn của người dân trước thiên tai khắc nghiệt...
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!
- Bộ Công an bàn giao 1.300 căn nhà cho hộ nghèo, cận nghèo ở Trà Vinh
- Bộ Công an chỉ đạo hỗ trợ xây dựng nhanh nhất cho các hộ dân bị mất nhà do bão lũ
- Chuyện về địa bàn đầu tiên tổ chức "làm điểm" (bài 2)
- Ghi ở vùng đất có nhiều hộ dân cần hỗ trợ làm nhà sau cơn bão số 3 (bài 3)
- Nhiều cách làm sáng tạo, vượt tiến độ (bài 4)