Phỏng vấn một nghệ sĩ kịch nói

Thứ Năm, 22/05/2025, 10:46

PV: Xin chào nghệ sĩ. Làm sao tôi có thể biết được cảm xúc thật của anh? Thú thật là khi anh cười hay khóc cũng làm tôi thận trọng.

Nghệ sĩ (NS): Đa nghi thì mới làm được ký giả. Khi rời sân khấu thì tôi và nhà báo cũng đâu khác gì nhau. Khi xem đá bóng ngoài sân vận động, thấy cú sút tung lưới thì tôi cũng gào lên và đôi khi sút vào ghế của khán giả phía trước. Chỉ khi dưới ánh đèn sân khấu thì tôi phải khóc cười với tiến trình vở kịch mà thôi.

PV: Có chuyện rằng tại châu Âu có một diễn viên diễn vai phản diện giỏi đến mức một sĩ quan ngồi xem đã tưởng thật, bèn rút súng kết liễu diễn viên ngay trên sân khấu. Sau đó anh này bừng tỉnh và anh ta đã tự sát. Hai ngôi mộ của họ ở gần nhau. Một tấm bia ghi nghệ sĩ xuất sắc nhất thế giới, tấm bia kia ghi khán giả xuất sắc nhất thế giới.

Phỏng vấn một nghệ sĩ kịch nói -0
Minh họa: Lê Tâm.

NS: Có một câu chuyện song hành, thủ lĩnh trường phái kịch sử thi Đức Bertolt Brecht cho rằng lẽ ra cần phải ghi là một diễn viên và một khán giả xoàng nhất thế giới.

PV: Sao lại thế ạ?

NS: Cứ để tôi nói. Thủ lĩnh Trường phái hiện thực tâm lý là đạo diễn Nga Konstantin Stanislavski chủ trương diễn như thật tới chân tơ kẽ tóc, khiến người xem quên mất thực tại và chìm đắm trong câu chuyện. Với cụ Bertolt Brecht thì cho rằng không được làm khán giả mất ý thức rằng họ đang xem kịch. Vở kịch mang lại cảm xúc chân thực nhưng vẫn phải khiến khán giả tỉnh táo để suy ngẫm và phê phán. Quan điểm then chốt là phá vỡ "bức tường thứ tư".

PV: Nghệ thuật mà lại chém đinh chặt sắt quá nhỉ. Có bao nhiêu “bức tường” thưa anh?

NS: Sân khấu cổ châu Âu cho rằng có 3 “bức tường”, bên phải, bên trái và phía sau diễn viên. Nghệ sĩ hồi đó giới hạn trong 3 “bức tường đó”. “Bức tường thứ tư” là khán giả trước mặt diễn viên. Bertolt Brecht cho rằng diễn viên cần phá vỡ rào cản này để tương tác hai chiều với khán giả. Khi đó vở diễn mới thực sự thành công.

PV: À! Tôi có thấy điều này trong kịch Việt Nam và thậm chí trong những bộ phim trên thế giới.

NS: Đầu thế kỷ 20 thì những điều này rất mới đối với phương Tây nhưng thực ra lại là rất cũ so với nghệ thuật truyền thống của các cụ nhà mình. Trong tuồng, chèo thì các đào, kép của tuồng, chèo bao giờ cũng có màn chào sân, tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ? Mọi điệu bộ, bối cảnh đều ước lệ, chỉ trên một chiếc chiếu mà khi là sân rồng vua ngự, lúc là sông dữ sóng cả hay thành lũy sa trường. Người xem biết thừa nhân vật, câu chuyện nhưng họ vẫn xem để thưởng ngoạn những sáng tạo của từng đào, kép. Họ chấp nhận mọi ước lệ chứ không bị “lừa”. Lừa dối khán giả là một tội đấy.

PV: Có vẻ như bác hơi nặng lời.

NS: Gần đây, không ít người đã sử dụng công nghệ thông minh nhân tạo deepfake làm giả hình ảnh, video, giọng nói để tạo ra những tác phẩm giả. Rất nhiều người xem, đặc biệt là người lớn tuổi đã thổn thức rơi lệ trước những tác phẩm giả đó.

PV: Đúng là deepfake có vai trò giải trí. Tôi đã thấy những đoạn video giả về các nguyên thủ thế giới với những cử chỉ không nghiêm túc.

NS: Ban đầu chỉ là giải trí thôi nhưng đã có nhiều người lạm dụng deepfake đã bịa ra hình ảnh, video như tư liệu lịch sử. Những người nhẹ dạ lại chia sẻ những lịch sử giả này. Thí dụ, họ nhân bản một cô gái đẹp nao lòng thành một tổ du kích mỹ miều, bịa ra những đoạn video giả về bộ đội. Để phát hiện, cần có đủ kiến thức lịch sử và biết hoài nghi. Nếu làm deepfake kỹ hơn thì dễ vàng thau lẫn lộn, những thước phim tư liệu thật quay chụp bằng mồ hôi và máu sẽ có nguy cơ bị thay thế.

PV: Quá nguy hiểm cho thế hệ tương lai. Vậy làm sao đây?

NS: Các nước trên thế giới đã biết sợ deepfake và tìm cách đối phó. Mỹ, EU, Anh quốc đã ra những đạo luật chống gian lận deepfake. Trung Quốc từ 2023 ra quy định yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ deepfake phải xác minh danh tính người dùng và thông báo rõ ràng khi nội dung được tạo ra bằng AI để tránh gây nhầm lẫn cho công chúng.

PV: Thật đáng sợ. Ở nước ta việc đối phó với “giặc” deepfake này cũng gấp như giặc lửa, giặc nước. Xin cảm ơn nghệ sĩ!

Lê Thị Liên Thông
.
.