“Tôi viết về ngành Công an với sự cảm phục sâu sắc”
Là một cái tên quen thuộc trong sân khấu với nhiều vở diễn gây tiếng vang nhưng đây là lần đầu tiên anh thử sức viết về lực lượng Công an nhân dân.
- Thời gian qua khán giả biết đến anh qua nhiều vở kịch đề tài lịch sử là chính. Tại sao lần này anh lại quyết định viết về ngành Công an?
+ Các kịch bản sân khấu của tôi bao gồm nhiều đề tài, thậm chí có những kịch bản tôi viết chỉ để cho mình đọc là chính bởi chắc sẽ rất khó để dàn dựng, bởi chúng khác với những kịch bản của ngày hôm nay. Tôi không bó buộc mình ở bất cứ đề tài nào. Còn về ngành Công an, đúng là chỉ gần đây tôi mới có ý định viết. Là bởi, có một thời gian, tôi hay đi dựng kịch phong trào cho các chiến sỹ Cảnh sát cơ động.
Tiếp xúc với họ, tôi thấy được nhiều điều thú vị và tất nhiên, có quá nhiều chuyện hay để kể. Không chỉ đơn giản là những chiến công, hay thậm chí những vui buồn trong tình cảm, mà ở họ, tôi nhìn thấy tinh thần trách nhiệm ăn sâu vào máu, mà có thể coi như một thứ bản năng được rèn giũa. Điều đó làm tôi thích thú, bởi vì ngày hôm nay, nét tính cách ấy không còn nhiều nữa.
Cảnh trong vở “Người con của Vạn Thắng Vương”, đoàn chèo Ninh Bình dàn dựng, kịch bản Nguyễn Toàn Thắng. |
- “Ngọn gió trong đêm” có phải là kịch bản đầu tiên anh viết về ngành Công an hay không?
+ Đây là kịch bản đầu tiên tôi viết về ngành Công an, với sự cảm phục sâu sắc. Có một số ngành mà dù có nhiều chuyện đến đâu tôi vẫn luôn giành niềm tin, đó chính là y tế, giáo dục và Công an. Với tôi, đó là những ngành mà người đại diện luôn được đào tạo để làm đúng mọi thứ. Ta có thể lên án một nhân viên biến chất, đồng ý, nhưng không được mất niềm tin vào ngành ấy.
- Ngành Công an có nhiều lực lượng khác nhau, vở diễn của anh thể hiện hình ảnh người chiến sĩ Công an thuộc lực lượng nào, thông điệp của vở diễn mà anh muốn gửi gắm đến khán giả là gì?
+ Tôi chọn hình ảnh người chiến sỹ Cảnh sát cơ động, là một trong những hình ảnh khó thể hiện nhất do đặc thù công việc. Với điều kiện của sân khấu hiện nay, tái hiện cảnh đuổi bắt trên đường phố hay cảnh ra quân của lực lượng 141 gần như là bất khả thi. Chính vì thế, tôi cũng đã phải sửa kịch bản lại đôi chút để dễ dàn dựng mà vẫn nói được điều cần nói.
Thông điệp vở diễn của tôi gói gọn ngay trong tên kịch bản. Người chiến sỹ Cảnh sát chính là ngọn gió lành trong đêm. Ngọn gió trong đêm làm ta thấy sảng khoái, như được vỗ về. Ngoài ra, đây còn là hình ảnh ẩn dụ để nói về sự mất mát, những hy sinh của những chiến sỹ Công an trong thời bình. Chọn ngành Công an, họ chấp nhận điều ấy. Và chính sự chấp nhận ấy sẽ làm cho khán giả xúc động.
- Viết về hình tượng người chiến sĩ Công an, anh quan tâm đến vấn đề gì nhiều nhất, và cái khó nhất anh gặp phải là gì?
+ Khi viết về hình tượng người chiến sỹ Công an, điều tôi quan tâm nhất là làm sao phải không biến họ thành những anh hùng theo kiểu huyền thoại, nhưng từ những chi tiết nhỏ nhất phải bộc lộ được khí chất của người Công an. Điều khó nhất với tôi là có quá nhiều mẫu nhân vật khiến tôi cảm phục, và làm cách nào để trộn lẫn các mẫu nhân vật ấy vào nhau thành ra một nhân vật vừa quen biết vừa độc đáo.
Tôi sợ nhất kiểu sáng tác nhân vật mà lấy nguyên mẫu từ một người cụ thể, bởi làm như thế lại khiến nhân vật nhiều khi trở nên xa lạ và thậm chí hoang đường. Trong cuộc sống thực, nhân vật luôn phi thường và thậm chí phi logic, nhưng nếu ta mang tất cả những điều ấy lên sân khấu mà không gọt giũa đi, thì vở diễn sẽ trở nên không thể tin được.
- Để hiểu được công việc của người chiến sĩ Công an, người cầm bút thường phải dành thời gian đi thực tế trước khi ngồi vào bàn viết. Những chuyến đi thực tế của anh được hiểu như thế nào?
+ Những chuyến đi thực tế của tôi có thể hiểu là những lần đi làm phim về đề tài phòng chống ma tuý khi còn ở Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương. Hay cũng có thể hiểu là những năm lêu lổng thời thiếu niên. Hay cũng có thể là những lần làm việc với các đơn vị trong ngành Công an với việc dàn dựng các tiết mục văn nghệ quần chúng.
Thực ra, nếu để được gọi là những chuyến đi thực tế thì như thế hơi ít, nhưng với tôi lại là điều hay. Bởi nhiều khi, nếu tiếp xúc sâu quá, đến một lúc nào đó, tôi lại coi những hy sinh ấy của họ trở nên điều phải làm bởi đó là nghề nghiệp của họ, thì có khi lại khó viết. Bởi vì, tôi đã gặp một số anh hùng thực sự, họ luôn coi đó là chuyện bình thường, và đúng là điều đó khiến tôi lúng túng thực sự trong việc sáng tác về họ.
Viết về ngành Công an luôn là trăn trở của nhà viết kịch Nguyễn Toàn Thắng (ảnh minh họa). |
- Trước khi viết kịch bản sân khấu và trở thành một trong những tác giả có nhiều vở diễn được dàn dựng nhất trong vài ba năm trở lại đây, anh còn viết văn và đã xuất bản sách viết cho thiếu nhi, rồilàm báo, có lúc làm thơ nữa. Trong những thứ viết đó anh thấy thứ nào “khổ sở” nhất?
+ Với tôi, viết kịch là khổ sở nhất. Một truyện ngắn tôi chỉ cần ba bốn tiếng đồng hồ là có thể xong khoảng 5.000chữ, báo thì nhanh hơn nữa. Là bởi, tôi nghĩ rất nhiều, để đến khi dồn được mọi thứ thì viết nhanh cho liền mạch cảm xúc và quan trọng hơn là giữ được nhịp.
Một trong những điều tôi để ý nhất trong việc viết, đó chính là nhịp của câu chữ, của kết cấu, của cảm xúc. Thế nên, truyện hay báo không làm tôi khổ sở cho lắm. Nhưng kịch làm tôi quá vất vả, ở chỗ mỗi lần viết một kịch bản mới, tôi gần như phải quên hết những cái đã làm, bởi nếu không khéo, sẽ dùng lại những thủ pháp, những chi tiết mà mình vừa sử dụng ở kịch bản trước.
Vả lại, tôi rất nghiêm khắc với mình, ở chỗ là nếu không tìm được cách kể chuyện mới, thì thôi đừng viết. Thậm chí, kể cả tìm ra cách kể mới về những nhân vật đã quá quen thuộc và nói thẳng ra là dễ được dàn dựng, tôi cũng dừng lại. Mỗi kịch bản với tôi gần như một công trình, và không được phép cái sau giống hay na ná cái trước.
Cảnh trong vở “Vì sao lạc xứ” của Nhà hát cải lương Việt Nam, kịch bản Nguyễn Toàn Thắng. |
- Đại dịch COVID-19 vừa rồi là một phép thử đối với rất nhiều lĩnh vực trong đó có văn học nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng. Một số ngành như âm nhạc, điện ảnh, xuất bản đã nhanh chóng tìm được cách tiếp cận mới với công chúng của mình thông qua công nghệ, mạng internet. Nhưng sân khấu hình như vẫn chậm chạp chưa có những thay đổi cho thích ứng với tình hình mới. Anh nghĩ thế nào về nhận định này?
+ Bản thân sân khấu là loại hình nghệ thuật lâu đời, cho nên tôi nghĩ, nếu có dùng những cách tiếp cận mới chưa chắc đã đem lại nhiều thành công. Vấn đề tiên quyết nhất vẫn là chất lượng tác phẩm và quan trọng nhất là cách nghĩ mới. Tuy nhiên, đây là chuyện lâu dài, không phải một sớm một chiều. Vả lại, cái gì cũng có thịnh có suy, sân khấu giờ đang suy và thậm chí rơi xuống đáy, nhưng là để bắt đầu cho vòng quay trở lại. Chỉ có điều, nhiều khi người ta bỏ qua cơ hội ấy chỉ vì những lý do ngoài nghệ thuật.
- Là tác giả có nhiều kịch bản được dàn dựng, cũng đồng nghĩa với việc anh có cơ hội tiếp xúc nhiều với các đơn vị sân khấu cả tư nhân và công lập, anh thấy khó khăn nhất của các đoàn hiện nay là gì?
+ Để trả lời một cách chung chung nhất thì tôi xin phép không trả lời, bởi những điều ấy đã có nhiều người nắm rõ hơn tôi. Cái khó nhất mà tôi thấy ở đây là ở chỗ, ở các đoàn vẫn còn rất nhiều nghệ sỹ khao khát với nghề, thậm chí lao ra đường kiếm sống chỉ để chờ có dịp quay lại rực rỡ trên sân khấu, mà nhiều khi cơ hội không có. Làm sao để những người sẵn sàng sống chết với nghề được toả sáng trên sân khấu, đó là điều tôi ước mong. Bản thân nghệ sỹ không tận hiến, thì làm sao mong khán giả đến với mình?
- Xin cảm ơn nhà viết kịch Nguyễn Toàn Thắng.