Xử lý nghiêm doanh nghiệp “phớt lờ” bảo vệ môi trường

Thứ Tư, 27/11/2024, 08:56

Sau khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực, có quy định Giấy phép môi trường là thủ tục bắt buộc theo quy định song đến nay, nhiều doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi tập trung trên địa bàn Hà Tĩnh vẫn “phớt lờ”.

Ngày 1/11/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh có tờ trình đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty CP May thể thao chuyên nghiệp Nghi Xuân, trụ sở tại thôn Hồng Mỹ, xã Xuân Mỹ, huyện Nghi Xuân về hành vi thực hiện vận hành chính thức dự án Nhà máy may Pro Sports Nghi Xuân nhưng không có giấy phép môi trường theo quy định. Mức đề xuất xử phạt hành chính với số tiền 320 triệu đồng. 

Dự án Nhà máy may Pro Sports Nghi Xuân đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng theo quy định phải có giấy phép môi trường trước khi vận hành thử nghiệm công trình xử lý nước thải. Từ ngày 15/3/2024, doanh nghiệp này đã đưa dự án vào hoạt động, thực hiện sản xuất sản phẩm may, xuất bán ra thị trường. Nhà máy đã vận hành chính thức nhưng không có giấy phép môi trường là vi phạm quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 14 Nghị định số 45/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường.

Nhà máy may Pro Sports Nghi Xuân được khởi công xây dựng vào tháng 4/2022 với tổng vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng trên diện tích đất 7ha. Dự án có công suất thiết kế 2.000 lao động, 32 dây chuyền may và sản lượng ước đạt 30 triệu sản phẩm/năm, trong đó 80% sản phẩm xuất khẩu sang Mỹ. Quá trình đầu tư xây dựng dự án, doanh nghiệp đã bị xử phạt hành chính về các hành vi vi phạm PCCC và chiếm đất nông nghiệp. 

Xử lý nghiêm doanh nghiệp “phớt lờ” bảo vệ môi trường -0
Hơn 80% các cơ sở chăn nuôi tập trung quy mô lớn ở Hà Tĩnh chưa có giấy phép môi trường.

Trước đó, vào tháng 8/2024, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 285 triệu đồng đối với trang trại chăn nuôi tập trung của ông Phan Công Vũ có địa chỉ tại thôn Đông Xuân, xã Kỳ Tây (Kỳ Anh) vì không có giấy phép môi trường và một số hành vi vi phạm khác. Ngoài phạt tiền, trang trại này còn bị đình chỉ hoạt động 9 tháng, buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong 60 ngày. Ngày 20/9, một trang trại chăn  nuôi tập trung khác đóng tại xã Lâm Hợp, huyện Kỳ Anh của ông Trần Hữu Cần cũng bị xử phạt hành chính số tiền 237,5 triệu đồng về các hành vi thực hiện không đúng, không đầy đủ một trong các nội dung quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định và xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh, Giấy phép môi trường là thủ tục bắt buộc theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Thế nhưng, hiện nay gần 80% trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn trên địa bàn lại thiếu giấy phép quan trọng này. Trong số 80 cơ sở chăn nuôi lợn đã được UBND cấp tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh mới chỉ có 16 cơ sở được cấp giấy phép môi trường hoặc giấy phép xả thải, đạt tỷ lệ 20%. Nguyên nhân của việc các doanh nghiệp chậm thực hiện, hoặc tiến độ thực hiện công tác thẩm định, phê duyệt chưa đảm bảo là do hiện trạng xây dựng các công trình bảo vệ môi trường tại các cơ sở hầu như chưa đảm bảo, không đồng bộ, không đúng quy trình kỹ thuật. Buộc các doanh nghiệp phải xây dựng bổ sung hoặc cải tạo đảm bảo theo quy định, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải phải đảm bảo đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường mới đủ điều kiện được cấp giấy phép theo quy định.

Trên địa bàn huyện Vũ Quang hiện có 11 trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn, trong đó 7 trang trại chăn nuôi lợn thịt liên kết với Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam, quy mô từ 600 – 1.200 con/lứa, song hầu như đến nay phần lớn đều chưa được cấp giấy phép môi trường. Để chấn chỉnh, ngày 21/10/2024, UBND huyện Vũ Quang đã ban hành văn bản đôn đốc thực hiện các quy định bảo vệ môi trường. Trước đó, vào ngày 18/7/2024, huyện Vũ Quang cũng đã ban hành văn bản đôn đốc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, song các doanh nghiệp, trang trại vẫn “phớt lờ”. Thị xã Kỳ Anh có Khu kinh tế Vũng Áng là nơi tập trung hàng trăm doanh nghiệp của tỉnh Hà Tĩnh, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Theo thống kê của UBND thị xã Kỳ Anh, mặc dù đã đốc thúc thường xuyên song đến thời điểm hiện nay, nhiều chủ dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn chưa thực hiện cấp giấy phép môi trường theo quy định. 

Ngày 29/8/2024, địa phương này đã có văn bản đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc công tác bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Thị xã Kỳ Anh giao trách nhiệm cho các xã, phường chủ động liên hệ, trực tiếp làm việc với tất cả các dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn để truyền đạt, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện. Đối với các chủ dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trên địa bàn, khẩn trương rà soát thực hiện lập hồ sơ cấp giấy phép môi trường, đăng ký môi trường trình cấp có thẩm quyền cấp phép theo quy định. Theo Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh, ngày 16/11/2022, Ban Quản lý Khu kinh tế cũng đã có văn bản về việc thực hiện cấp giấy phép môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 gửi các chủ đầu tư, doanh nghiệp hoạt động tại các Khu kinh tế Vũng Áng, Cầu Treo và Khu công nghiệp Gia Lách, yêu cầu các doanh nghiệp khẩn trương rà soát, thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, một số doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện cấp Giấy phép môi trường, đăng ký môi trường theo đúng quy định. 

Ông Phan Lam Sơn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh cho biết, từ tháng 3/2023 đến nay, Sở này đã có văn bản gửi các doanh nghiệp và địa phương, hướng dẫn chi tiết việc thực hiện một số quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường để các chủ dự án đầu tư, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ biết và chấp hành quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Nguyên nhân chính của việc khó được cấp giấy phép môi trường, theo ông Sơn thì hầu hết các trang trại trên địa bàn Hà Tĩnh xây dựng không đúng quy hoạch nên khi thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép mất nhiều thời gian, kinh phí. 

Cùng với đó, việc bổ sung, điều chỉnh các hạng mục công trình xử lý chất thải để hồ sơ đạt tiêu chuẩn cũng rất phức tạp. Trong thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung rà soát, đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi lợn đã được phê duyệt báo cáo tác động môi trường trên địa bàn thực hiện việc đề xuất cấp giấy phép môi trường; tăng cường kiểm soát công tác bảo vệ môi trường, thực hiện các hồ sơ, thủ tục về môi trường tại các doanh nghiệp, nếu phát hiện hành vi vi phạm hành chính sẽ tiến hành xử phạt theo quy định.

Thiên Thảo
.
.