Viết tiếp bài Một dự án "nhà vườn" vừa "vênh"… luật, vừa lãng phí: Dấu hiệu hợp thức hóa sai phạm
Sau vệt bài viết nhiều kỳ của Báo CAND (phát hành ngày 27, 28 và 29/12/2024), lãnh đạo huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) có văn bản phản hồi cảm ơn Báo CAND đã quan tâm, đồng hành cùng địa phương.
"Ngay sau khi nhận được thông tin của quý báo, đồng chí Bí thư Huyện ủy Tô Văn Hùng cũng đã chủ trì cuộc họp để nghe UBND huyện báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra; đồng thời, chỉ đạo UBND huyện khẩn trương đôn đốc các đơn vị chức năng sớm thực hiện để có kết quả giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho công dân, tránh gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp", văn bản của Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết.
Tuy nhiên, bên cạnh nội dung giải trình từ phía huyện, tiếp tục mở rộng tìm hiểu một số dấu hiệu vi phạm pháp luật tại dự án Khu dân cư kinh tế "Nhà vườn" Hòa Ninh, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng (gọi tắt là dự án "nhà vườn") rộng trên 53ha, nằm cạnh Khu du lịch Bà Nà Hill, PV Báo CAND phát hiện ra điều khó ngờ.
Tự ý điều chỉnh quy hoạch và chuyển mục đích sử dụng đất hàng loạt
Theo Kết luận thanh tra số 13/KL-STNMT ngày 8/12/2020 của Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng (KLTT số 13) về việc chấp hành pháp luật về đất đai tại dự án "Nhà vườn" vừa kể, UBND huyện Hòa Vang, Ban QLDA đã thiếu trách nhiệm trong việc quản lý quy hoạch khi tách thửa đối với 51 trường hợp và hợp thửa đối với 17 trường hợp - không đúng với quy hoạch được duyệt tại Quyết định số 2860/QĐ-UB ngày 13/5/2003 của UBND TP Đà Nẵng về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500 Tổng mặt bằng khu dân cư kinh tế "nhà vườn"; không đúng với Luật Đất đai 2003 và Quyết định số 19/2006/QĐ-UBND ngày 10/3/2026 của UBND TP Đà Nẵng quy định về quản lý quy hoạch trên địa bàn.
Cũng xin được nhắc lại, dự án "nhà vườn" được phân gần 300 lô nền, trong đó có hàng trăm lô nền có quy cách - diện tích "khủng", từ trên 1.000 đến 5.000m2 và được UBND huyện Hòa Vang duyệt, giao đất cho người sử dụng là đất thổ cư (đất ở nông thôn).
Một dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng khác được chỉ ra, đó là UBND huyện Hòa Vang đã tự ý điều chỉnh quy hoạch, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất không đúng với sơ đồ vị trí và cơ cấu các loại đất theo quyết định phê duyệt ban đầu (2003) của Chủ tịch UBND thành phố. Cụ thể, có 27 trường hợp điều chỉnh quy hoạch và 8 lô đất chuyển mục đích sử dụng từ khu đất công trình công cộng sang đất ở.
"Việc điều chỉnh quy hoạch, chuyển mục đích nêu trên, UBND huyện đã phối hợp với Viện Quy hoạch và Sở Xây dựng đề lập quy hoạch chi tiết TL 1/500 nhưng chưa trình UBND thành phố phê duyệt mà đã thực hiện là không đúng quy định.
Trách nhiệm này thuộc về UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện, Ban Quản lý dự án và cũng có một phần trách nhiệm của Viện Quy hoạch thành phố và Sở Xây dựng", KLTT số 13 chỉ rõ và kiến nghị UBND thành phố: Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND huyện Hòa Vang, Viện Quy hoạch xây dựng thành phố kiểm tra, rà soát, tham mưu UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh Tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết TL 1/500 dự án phù hợp với hiện trạng sử dụng đất.
Đáng chú ý, quá trình thực hiện khắc phục hậu quả sai phạm theo nội dung kiến nghị trong KLTT số 13 vừa nêu, đã có biểu hiện sai phạm tiếp theo. Cụ thể, ngày 03/3/2021, Chánh Văn phòng UBND thành phố Văn bản 552/VP-ĐTĐT truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND thành phố về việc xử lý Kết luận thanh tra số 13, ghi rõ: "Giao Sở Xây dựng có văn bản hướng dẫn UBND huyện Hòa Vang phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra rà soát, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt điều chỉnh Tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết TL 1/500 dự án phù hợp với hiện trạng sử dụng".
Quán triệt chỉ đạo này, ngày 8/3/2021, lãnh đạo Sở Xây dựng có Công văn số 1477/SXD-KTHT gửi UBND huyện Hòa Vang nêu rõ bên cạnh việc phối hợp theo như chỉ đạo vừa kể, còn lưu ý huyện phải "căn cứ các quy định hiện hành".
Trong quá trình tìm hiểu vụ việc, cụ thể vào cuối tháng 12/2024, PV Báo CAND cũng đã đặt câu hỏi liên quan vấn đề này tại buổi làm việc với ông Tô Văn Hùng - Bí thư Huyện ủy Hòa Vang, người từng ký ban hành KLTT số 13 khi còn ở vị trí Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng. Tại buổi làm việc, ông Hùng cũng đồng quan điểm với chúng tôi rằng, việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết là việc rất khó do có liên quan đến quyền lợi của nhiều người dân đang giữa quyền sử dụng đất.
Nhắc đến một nguyên tắc cơ bản (được quy định trong Luật Quy hoạch 2017 - PV), đó là cơ quan có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt việc điều chỉnh quy hoạch, ông Tô Văn Hùng cho biết, căn cứ khi xem xét điều chỉnh quy hoạch phải đảm bảo rơi vào một trong các điều kiện được pháp luật quy định (Điều 53 Luật Quy hoạch 2017 - PV).
"Không phải muốn điều chỉnh là điều chỉnh đâu. Nếu điều chỉnh… tầm bậy, không rơi vào những trường hợp phải điều chỉnh thì lại tiếp tục sai", ông Tô Văn Hùng nói và tiếp tục nêu một nguyên tắc của việc điều chỉnh, đó là không được làm thay đổi mục tiêu chính của quy hoạch, trừ một số trường hợp quy định. Bí thư Huyện ủy Hòa Vang còn nhấn mạnh yếu tố "nhà vườn" khi nhắc lại mục tiêu ban đầu của dự án này với chúng tôi và nhấn mạnh rằng, nếu cắt xén cho nền nhỏ lại thì khó đảm bảo đặc thù đó.
Lộ dấu hiệu càng sửa… càng sai
Trong khi thực tế, chỉ tròn một tháng kể từ ngày Sở Xây dựng có văn bản như kể trên, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang đã chỉ đạo bên dưới (Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phòng Tài chính và Kế hoạch, Phòng TN&MT) phối hợp đơn vị chức năng cấp tập thực hiện và hoàn thành nhiều phần việc để đến ngày 7/4/2022, ký ban hành Quyết định số 1467/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết TL 1/500 Khu đất công trình công cộng, khu đất có ký hiệu Q và một phần các khu đất có ký hiệu KV3, KV4, KV6, I, N, O, T, T và R thuộc Khu dân cư kinh tế "nhà vườn" Hòa Ninh.
Được Chủ tịch UBND huyện Phan Văn Tôn giải trình rằng "thành phố đã ủy quyền để huyện ký điều chỉnh" nhưng khi đọc tới, đọc lui phần nội dung căn cứ của Quyết định 1467/QĐ-UBND vừa kể, chúng tôi không tìm thấy có một văn bản nào khác ngoài văn bản của Văn phòng UBND TP và Sở Xây dựng (như chúng tôi đã dẫn), cùng với Quyết định số 2860/QĐ-UB ngày 13/5/2003 của UBND TP Đà Nẵng về việc Quy hoạch Tổng mặt bằng khu kinh tế "nhà vườn" và KLTT số 13.
Còn với các văn bản luật được viện dẫn trong Quyết định 1467/QĐ-UBND, chúng tôi cũng không thấy có Luật Quy hoạch 2017 - luật có quy định đến việc điều chỉnh Quy hoạch chi tiết của UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mà Bí thư Huyện ủy đã nhắc đến vài nội dung cơ bản liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết tại buổi làm việc với PV Báo CAND.
Cho đến gần trưa 15/1, ông Phan Văn Tôn cung cấp tiếp cho chúng tôi 2 văn bản và cho rằng "huyện đã thực hiện theo tinh thần các văn bản này". Tuy nhiên, rà đọc kỹ từng câu, từng chữ của Thông báo số 112/TB-UBND ngày 7/12/2020 (Kết luận của Chủ tịch UBND thành phố tại cuộc họp ngày 20/11/2000); và Công văn 7000/SXD-QHKT ngày 2/10/2000 của Sở Xây dựng (V/v thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng trên địa bàn thành phố), chúng tôi cũng không tìm thấy câu chữ nào cụ thể gắn với dự án "nhà vườn".
Điều quan trọng hơn khi cả KLTT số 13, Văn bản 552/VP-ĐTĐT của Văn phòng UBND thành phố và Công văn 1477/SXD-KTHT của Sở Xây dựng và cả Quyết định 1467/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang đều được ban hành sau thời điểm các văn bản kể trên nhưng cũng không hề đề cập, viện dẫn…
Trở lại với nội dung Quyết định số 1467/QĐ-UBND mà Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang ký ban hành, tổng diện tích đất điều chỉnh cục bộ quy hoạch lên đến 121.010m2, bao gồm điều chỉnh tăng thêm số lô (tại một phần các khu đất có ký hiệu KV6, I, N, O, T, Q, R) từ 44 lô thành 80 lô đều là "đất ở nhà vườn"; điều chỉnh đất công trình công cộng và một phần các khu đất có ký hiệu KV3, KV4 thành 9 lô "đất ở nhà vườn".
Quan tâm và theo dõi các bài viết trên Báo CAND về vụ việc này, sau khi nghe chúng tôi cập nhật thêm tình hình việc khắc phục sai phạm theo KLTT số 13, một cán bộ hưu trí xâu chuỗi vấn đề khá hình tượng: "Anh A là cấp trên của B. A giao cho B làm cái bánh chưng nhưng B làm sai, làm thành tô phở nên bị A tuýt còi, yêu cầu phải khắc phục làm đúng ý của A lúc đầu (vẫn là bánh chưng). Giờ anh B lại hợp thức hóa cái sai đó bằng quyết định điều chỉnh lại do chính anh B ký ban hành. Kết quả: Quy hoạch ban đầu là làm cái bánh chưng, nhưng rốt cuộc thành tô phở. Liệu vậy có phải là cách làm đúng? Đây có phải là dấu hiệu hợp thức hóa sai phạm bằng quyết định điều chỉnh quy hoạch?". Xin nhường câu trả lời lại cho cấp thẩm quyền của TP Đà Nẵng.
Theo xác nhận của lãnh đạo huyện Hòa Vang, đến thời điểm 15/1/2025, UBND thành phố và lãnh đạo Sở TN&MT TP Đà Nẵng vẫn chưa có ý kiến gì trước các kết quả thực hiện việc khắc phục sai phạm theo Kết luận số 13 từ phía huyện Hòa Vang.
Theo Điều 53 Luật Quy hoạch 2017, việc điều chỉnh quy hoạch được thực hiện khi có một trong các căn cứ: (1) Có sự điều chỉnh mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực làm thay đổi mục tiêu của quy hoạch; (2) Có sự điều chỉnh của quy hoạch cao hơn làm thay đổi nội dung quy hoạch hoặc có sự mâu thuẫn với quy hoạch cùng cấp; (3) Có sự thay đổi, điều chỉnh địa giới hành chính làm ảnh hưởng đến tính chất, quy mô không gian lãnh thổ của quy hoạch; (4) Do tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu, chiến tranh làm thay đổi mục tiêu, định hướng, tổ chức không gian lãnh thổ của quy hoạch; (5) Do biến động bất thường của tình hình kinh tế - xã hội làm hạn chế nguồn lực thực hiện quy hoạch; (6) Do sự phát triển của khoa học, công nghệ làm thay đổi cơ bản việc thực hiện quy hoạch; (7) Do yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, cũng trong ngày 7/4/2022 (ngày Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang ký ban hành Quyết định 1467/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết TL1/500 Khu dân cư kinh tế "nhà vườn" Hòa Ninh), huyện Hòa Vang tổ chức cuộc họp kiểm điểm trách nhiệm 6 cán bộ lãnh đạo huyện, gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang qua các giai đoạn từ năm 2004 - 2015. Cụ thể: Ông Trần Văn Trường, nguyên Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện (giai đoạn 2010-2015); ông Đặng Thương, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện (1/10/2005 đến 7/2015) và nguyên Chủ tịch UBND huyện (từ 8/2015 đến 9/2019); ông Võ Văn Thương, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện (5/2004 đến 8/2005); ông Đặng Phú Hành, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện (từ 7/2010 đến 8/2020); ông Phan Văn Tôn, nguyên Phó trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch (2010-2012), nguyên Chánh Văn phòng UBND huyện (1/2012 - 6/2016) và hiện Chủ tịch UBND huyện; ông Lê Đức Trí, nguyên Trưởng phòng TN&MT (từ 4/2010 đến 4/2014) và hiện Phó Chủ tịch HĐND huyện.
Trước đó, UBND huyện đã tổ chức kiểm điểm 11 cá nhân là lãnh đạo Ban Quản lý dự án, Phòng Tài chính- Kế hoạch huyện, Phòng TN&MT.
Tuy nhiên, như Báo CAND từng phản ánh, tất cả cũng chỉ dừng lại ở mức độ "rút kinh nghiệm sâu sắc", không trường hợp nào bị xem xét, kỷ luật dù là hình thức nhẹ nhất.