“Từ thiện trá hình” - một thủ đoạn cần lên án

Thứ Bảy, 30/11/2024, 08:19

Thời gian vừa qua, các cụm từ như “từ thiện phông bạt”, “trục lợi từ thiện” được nhiều người nhắc đến để lên án các hành vi lợi dụng từ thiện nhằm đánh bóng tên tuổi, làm màu, trục lợi cá nhân. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có một loại thủ đoạn lợi dụng từ thiện cũng đáng bị lên án, tạm gọi là “từ thiện trá hình”, đi từ thiện nhưng để che giấu, làm bình phong cho việc thực hiện các hành vi vi phạm khác.

Từ thiện được hiểu là những việc làm tốt lành, xuất phát từ lòng yêu thương của con người, với mục đích giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, một số đối tượng đã lợi dụng hoạt động từ thiện để thực hiện các hành vi tuyên truyền mê tín dị đoan, tán phát tài liệu về các loại hình “hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới” hoạt động trái pháp luật. Hành vi trên đã gây hoang mang dư luận, làm mất ổn định xã hội và tiềm ẩn các vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự.

Sau siêu bão Yagi (cơn bão số 3), Công an tỉnh Tuyên Quang đã phát hiện và đồng thời cũng nhận được một số phản ánh của người dân về việc nhận quà từ thiện mà trong đó có kèm theo sách, ảnh, đồ vật (móc chìa khóa, thiệp, thẻ chúc mừng) in các đường link mà khi truy cập vào những đường link này đều có nội dung hướng dẫn người dân tập luyện, tu tập theo một loại hình “đạo lạ”, có nguồn gốc ở nước ngoài.

Ngày 15/9, Công an xã Bình An, huyện Lâm Bình trong quá trình đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn xã đã phát hiện Đoàn thiện nguyện có logo “Chuyến xe 0 đồng” khi đến trao quà từ thiện cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn có phát kèm một bọc nilon, bên trong có một cuốn sách có tiêu đề “Sức khỏe là vàng”, một thẻ “Chân - Thiện - Nhẫn” in đường link, một móc treo hoa sen có in hai đường link, một móc chìa khóa in hai đường link và một túi nhỏ có chứa 24 hạt đậu.

Ngày 28/9, anh V.K.T ở xã Ngọc Hội, huyện Chiêm Hóa trình báo với cơ quan Công an về việc một đoàn thiện nguyện đến quán ăn của gia đình ăn cơm, trước khi rời đi có tặng cho anh một móc treo hình hoa sen và tờ rơi có dòng chữ “CHÂN, THIỆN, NHẪN, HẢO”, in đường link. Cùng ngày, anh T.P.P ở xã Tri Phú, huyện Chiêm Hóa trình báo với cơ quan Công an về việc con trai anh được người của một đoàn thiện nguyện tặng cho một móc treo hình hoa sen và tờ rơi có dòng chữ “CHÂN, THIỆN, NHẪN, HẢO”, in đường link.

Công an huyện Chiêm Hóa đã nhanh chóng xác minh sự việc, phát hiện đoàn thiện nguyện với danh nghĩa các doanh nghiệp tại Hà Nội và Hưng Yên gồm 8 người đến một số xã của địa bàn huyện Chiêm Hóa để thực hiện chương trình thiện nguyện, tặng quà cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi cơn bão số 3. Qua kiểm tra các suất quà trước khi trao tặng cho các hộ dân thì phát hiện trong một số gói quà của đoàn thiện nguyện trên có kèm theo một tờ thiệp, bên ngoài in hình hoa sen, bên trong in dòng chữ “Kính Trời, Tín Thần, Trọng Đức, Hành Thiện, Gặp hung hóa cát, Gặp dữ hóa lành, Vạn sự bình an”.

Qua nghiên cứu, nhận thấy các sách, ảnh, đồ vật trên đều có nội dung tuyên truyền, quảng bá về Pháp luân công, tạm gọi là “tổ chức”, có nhiều hoạt động phản văn hóa, phủ nhận khoa học hiện đại, đã gây ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của một số người tham gia, tiềm ẩn các yếu tố phức tạp liên quan đến an ninh, trật tự. Lực lượng Công an và chính quyền địa phương đã yêu cầu các đoàn thiện nguyện chỉ tặng các mặt hàng từ thiện theo đăng ký với chính quyền địa phương, không được tặng kèm các tài liệu, sách ảnh, thẻ như trên.

Từ các vụ việc kể trên và trao đổi của một số địa phương khác, có thể nhận thấy thủ đoạn hoạt động của số đối tượng này rất tinh vi, được che giấu khéo léo, với vỏ bọc hoàn hảo, khó phát hiện. Các đối tượng thường là một nhóm học viên đang cùng tu tập theo một loại hình “hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới” chưa được pháp luật công nhận, số này tổ chức các đoàn đi từ thiện với danh nghĩa tặng quà cho các hộ nghèo, hộ bị thiệt hại do thiên tai, bão lũ...

Ngoài bao bì, hộp quà thường có in logo của “tổ chức”. Số lượng quà tặng lớn, có giá trị cao, hòng gây thiện cảm với chính quyền và nhân dân các địa phương. Địa bàn chúng nhắm đến thường là các xã ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các loại hình “hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới” trái pháp luật, là điều kiện thuận lợi để các đối tượng tuyên truyền, lôi kéo người dân tham gia nhằm phát triển “tổ chức”.

Trong các gói quà từ thiện, chúng sắp xếp, đóng gói hàng hóa cùng với một số sách, ảnh của người sáng lập “tổ chức”, các loại thiệp, thẻ có nội dung quảng bá về loại hình này. Khi phát quà từ thiện, ngoài những mặt hàng đã thông báo với chính quyền địa phương, số này còn bố trí từ một đến hai người đứng riêng (có khi là trẻ em để tránh bị nghi ngờ) phát thêm các loại sách, tài liệu, móc khóa, thiệp, thẻ có nội dung tuyên truyền, quảng bá về “tổ chức” cho những người đến nhận quà từ thiện. Đề nghị chính quyền địa phương cung cấp danh sách các hộ gia đình được nhận quà, số điện thoại để sau đó tiếp tục liên hệ tuyên truyền, lôi léo người dân tham gia.

Ngoài ra, các đối tượng còn có thủ đoạn là gửi hàng cứu trợ, bên trong có chứa một số tài liệu, sách, ảnh, thẻ tuyên truyền, quảng bá về loại hình “hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới” cho một tổ chức từ thiện khác, để chuyển quà tặng đến người dân. Vì tin tưởng, nên tổ chức từ thiện không kiểm tra kỹ các mặt hàng cứu trợ đã tiếp nhận, do vậy đã vô tình chuyển số quà tặng kèm các tài liệu tuyên truyền về “hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới” trái pháp luật đến người dân. Các đối tượng cầm đầu sử dụng một công ty bình phong để thực hiện hoạt động thiện nguyện kết hợp tuyên truyền, quảng bá về “tổ chức”.

5-2.jpg -0
Sách, thẻ, móc khóa các đối tượng tặng kèm cùng với quà từ thiện.

Bên cạnh thủ đoạn lợi dụng từ thiện, các đối tượng cũng dùng thủ đoạn lợi dụng hoạt động xã hội khác (như hội nghị, hội thảo, chữa bệnh, hội nhóm tư vấn, chăm sóc sức khỏe...); thành lập các hội, nhóm, câu lạc bộ, công ty bán hàng đa cấp, thông qua truyền thông, đường bưu điện gửi tài liệu, băng, đĩa, video để tuyên truyền, hướng dẫn tập luyện, sinh hoạt; lợi dụng sơ hở của các cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực báo chí, xuất bản đăng tin, bài, in, phát tán “kinh sách”, tài liệu, lịch quảng bá về “đối tượng cầm đầu”, lừa dối dư luận cho rằng Nhà nước đã công nhận “tổ chức” để tuyên truyền, công khai “tổ chức” và hoạt động. Lập các trang web, in, sao tài liệu, chia sẻ trên các trang mạng xã hội (như Facebook, Zalo, Telegram...), kết hợp với hoạt động phát tài liệu tại các nơi tập trung đông người, khu dân cư để lôi kéo, lừa bịp, ép buộc người dân tham gia.

Nhìn chung hoạt động của số đối tượng trên đều mang tính chất tuyên truyền mê tín dị đoan, phản khoa học, có nguy cơ xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, gây chia rẽ gia đình, mất đoàn kết trong cộng đồng, mất ổn định xã hội, tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Hoạt động lợi dụng từ thiện chỉ để làm vỏ bọc cho việc tuyên truyền, quảng bá các loại hình “hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới” hoạt động trái pháp luật, với mục đích phát triển “tổ chức” của các đối tượng là hành vi lừa gạt nhân dân, lấy cái tốt đẹp để che giấu cho cái xấu phát triển, mưu đồ tư lợi cá nhân, cần phải bị xã hội lên án mạnh mẽ.

Thời gian vừa qua, Công an tỉnh Tuyên Quang đã chủ động tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tuyên Quang các văn bản chỉ đạo, biên soạn tài liệu tuyên truyền về thủ đoạn hoạt động của các đối tượng để triển khai đến UBND các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong đấu tranh, phản bác, ngăn chặn hoạt động tuyên truyền các loại hình “hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới” hoạt động trái pháp luật vào địa bàn tỉnh.

Lực lượng Công an và chính quyền cấp cơ sở đã tích cực tuyên truyền đến từng hộ dân và được nhân dân đồng tình, ủng hộ, tích cực giúp đỡ trong quá trình đấu tranh với các đối tượng, qua đó đã góp phần đảm bảo an ninh, trật tự tại địa bàn. Nhờ làm tốt công tác phòng ngừa nên các vụ việc trên đều được phát hiện, ngăn chặn từ sớm, không để xảy ra các hậu quả đáng tiếc, không gây dư luận xấu trong nhân dân.

Qua đây, khuyến cáo chính quyền các địa phương, các tổ chức từ thiện chính thống và nhân dân cần nâng cao cảnh giác, kiểm tra kỹ trước khi tiếp nhận các mặt hàng cứu trợ, không nhận những mặt hàng không đảm bảo, không tiếp tay cho kẻ xấu hoạt động; tích cực tham gia tuyên truyền, phản bác các loại hình “hiện tượng tín ngưỡng, tôn giáo mới” hoạt động trái pháp luật, qua đó góp phần xây dựng môi trường xã hội ổn định, lành mạnh và văn minh..

Bùi Thị Cẩm Thương
.
.