Thuốc lá điện tử đang là vấn nạn học đường

Thứ Bảy, 20/05/2023, 08:01

Chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại Việt Nam, thế nhưng các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như: thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá nung nóng (TLNN) đang có tỷ lệ người sử dụng, nhất là trong giới trẻ đang gia tăng, bất chấp những tác hại khôn lường...

Tại một Trường THCS có uy tín ở trung tâm TP Huế (Thừa Thiên – Huế), một giáo viên cho biết, trong lớp mà giáo viên này chủ nhiệm có 45 học sinh thì đã có đến 13 em hút TLĐT. Điều đáng báo động là một số học sinh cho biết đã hút TLĐT từ lớp 6, lớp 7 và kéo dài đến nay nhưng dường như gia đình vẫn không biết.

Thuốc lá điện tử đang là vấn nạn học đường -0
Hơn 1.000 sản phẩm thuốc lá điện tử không rõ nguồn gốc được Công an TP Huế phát hiện tại cơ sở kinh doanh Vape Gia Minh.

Thử một vòng quanh các quán cà phê ở gần trường THCS, THPT tại các địa bàn: TP Huế, thị xã Hương Thủy, huyện Phú Vang… (Thừa Thiên-Huế) sẽ không khó bắt gặp cảnh học sinh tụm năm, tụm bảy hút TLĐT, đánh bạc. Nhiều người quan niệm, hút TLĐT đang là “mốt” trong giới học sinh hiện nay.

“Ban đầu em sử dụng cũng vì tò mò. Thấy bạn bè rủ rê, bảo là để thể hiện bản lĩnh, nhìn rất “ngầu” nên em cũng dùng thử cho biết. Theo dõi trên mạng xã hội, em thấy người nổi tiếng ở nước ngoài đã sử dụng thuốc lá điện tử này và thấy rất thích thú. Có nhiều người bảo TLĐT này có hại, nhưng cũng có nhiều người bảo là không hại gì cả”, em N.N.T.T., học sinh lớp 9 một Trường THCS trên địa bàn TP Huế cho biết. Khi được hỏi tiền đâu để mua TLĐT, em T. cho biết “4-5 bạn cùng lớp nhịn ăn sáng, uống nước để góp tiền mua TLĐT hút chung”.

Ths Nguyễn Văn Cương, cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, qua phản ánh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở giáo dục và phương tiện thông tin đại chúng cho thấy hiện nay việc sử dụng các sản phẩm TLĐT, TLNN đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng, đặc biệt trong đối tượng học sinh. Thời gian gần đây, số học sinh ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử đã được ghi nhận ở nhiều tỉnh, thành phố.

Đơn cử, ngày 22/8/2022, 7 học sinh Trường THPT Dân lập Yên Hưng, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh chia nhau một điếu thuốc lá điện tử rồi cùng nhau hút, sau đó cảm thấy chóng mặt và nôn trong lớp. Cả nhóm được đưa đi cấp cứu. Tương tự, vừa qua, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) tiếp nhận 4 học sinh (SN 2008) nhập viện cấp cứu do sử dụng TLĐT.

Thuốc lá điện tử (ENDs) là thiết bị sử dụng pin làm nóng dung dịch điện tử (e-liquid) để tạo ra sol khí/khói cho người dùng hít vào, chứa chất tạo mùi, hòa tan trong Propylene Glycol hoặc/và Glycerin. Thành phần chính của dung dịch điện tử, bên cạnh nicotin, còn có propylene glycol và các chất tạo hương vị. Nicotin ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thanh, thiếu niên như: làm suy yếu sự trưởng thành não bộ của thanh, thiếu niên với những hậu quả ngắn hạn và hậu quả lâu dài nghiêm trọng đó là nghiện, rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập và rối loạn tâm thần...

Năm 2015, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở 34 tỉnh, thành phố chỉ khoảng 0,2% đến nay đã tăng 18 lần lên khoảng 3,6%. Các sản phẩm thuốc lá mới được đưa vào Việt Nam chủ yếu qua đường nhập lậu, xách tay và người tiêu dùng có thể dễ dàng mua bất hợp pháp các sản phẩm thuốc lá mới trên internet, các trang mạng xã hội…

Theo cơ quan Công an, TLĐT, TLNN ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của thanh, thiếu niên và có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện đồng thời với TLĐT, TLNN ảnh hưởng đến sức khỏe, an ninh trật tự xã hội. Một trinh sát Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, hiện có nhiều loại sản phẩm TLĐT trộn lẫn hóa chất, hương vị hấp dẫn giới trẻ, đặc biệt nguy hiểm khi các đối tượng xấu lợi dụng trộn lẫn chất ma túy có trong dung dịch.

Ngoài ra, sản phẩm TLĐT đa phần không có nguồn gốc, xuất xứ, giá thành lại rẻ nên tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng TLĐT ngày càng nhiều. Trước tình hình đó, lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế đã bắt, thu giữ nhiều vụ mua bán trái phép TLĐT và phụ kiện không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Theo chủ hàng, số TLĐT trên được mua thông qua các đơn đặt hàng trên mạng xã hội để bán kiếm lời. Điển hình, mới đây, ngày 9/5, Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP Huế phát hiện tại cơ sở kinh doanh Vape Gia Minh (địa chỉ 227 đường Trần Phú, phường Trường An, TP Huế) đang bày bán hơn 1.000 sản phẩm hàng hoá gồm: máy hút TLĐT, tinh dầu TLĐT, Pod TLĐT… không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp.

Điều đáng nói, cơ sở này đăng ký giấy phép kinh doanh cà phê, giải khát nhưng bên ngoài thường xuyên đóng kín cửa và bên trong thì bày bán TLĐT. Theo cơ quan Công an, quá trình đấu tranh cho biết, khách hàng của điểm kinh doanh này ở nhiều tỉnh, thành, phần lớn là giới trẻ. Hiện, cơ quan Công an đang tiến hành giám định toàn bộ sản phẩm tinh dầu TLĐT tại cơ sở Vape Gia Minh để xác định có tiền chất ma túy hay không.

Theo cơ quan Công an, hiện nay nhiều thanh, thiếu niên đang đua đòi, tìm mua TLĐT để hút theo trào lưu mới. Tuy nhiên, TLĐT chưa được Bộ Y tế cấp phép, chưa có các cơ quan chức năng kiểm định độ an toàn, chất lượng sản phẩm. Theo hiệu trưởng một số trường học trên địa bàn ở TP Huế, ngoài thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở học sinh không sử dụng TLĐT trong các tiết chào cờ và có chế tài khi phát hiện, bắt quả tang học sinh khi hút, song rất khó để buộc các cháu không hút hoặc cai hẳn.

Để làm được điều đó, cần nhiều sự uốn nắn, giáo dục, định hướng từ gia đình, người thân và xã hội. Cục Quản lý Khám, chữa bệnh vừa đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường hoạt động kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, sử dụng TLĐT, TLNN, shisha. Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế tăng cường phối hợp với Sở GD&ĐT cung cấp thông tin và phổ biến rộng rãi về tác hại của các sản phẩm TLĐT cho học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn quản lý...

Hải Lan
.
.