Thức ăn đường phố với nỗi lo ngộ độc (bài 1)
Từ thu mua lợn bệnh, lợn chết về giết mổ giữa khu dân cư, hay hàng tấn thực phẩm đã bị phân huỷ, bốc mùi chuẩn bị tuồn vào thị trường Tết, đến nơi chế biến có chuột chạy, mất vệ sinh, thực phẩm để trực tiếp dưới nền đất, sản xuất xúc xích rởm…là thực trạng đang diễn ra trong dịp Tết năm nay. Hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm với hàng trăm người phải nhập viện, thậm chí có người tử vong từ thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể, hàng quán vỉa hè... đang là vấn đề báo động về công tác quản lý an toàn thực phẩm (VSATTP) hiện nay.
Nhức nhối “xiên bẩn” vỉa hè
Có mặt ở phố Cửa Bắc, phường Quán Thánh, quận Ba Đình (Hà Nội) vào giờ tan học buổi trưa, theo ghi nhận của phóng viên, nhiều hàng bán rong và những hàng ăn nhanh, xiên bẩn tấp nập học sinh. Con phố này cạnh hai trường học là THPT Phan Đình Phùng và THCS Nguyễn Tri Phương. Từng tốp học sinh ào đến hai chiếc xe đạp chở thực phẩm rong đứng chờ giờ tan học.
Một xe bày bán nhiều loại “xiên bẩn” có giá từ 3-5 nghìn đồng/xiên được nhiều học sinh lựa chọn. Một xe khác thì bán mì trộn nước sốt có giá 10 nghìn đồng/cốc. Mì được đựng vào các thùng nhựa, khi được hỏi, người bán hàng cho biết: “Học sinh chỉ bán giá này thôi, nước sốt để riêng, khi nào có khách thì mới rưới vào”. Ngoài mì trộn, người này còn bán cả trà sữa giá rẻ 10 nghìn đồng/cốc. Vì là giờ giữa trưa, học sinh tan học có lẽ đã đói nên không quan tâm đến nguồn gốc thực phẩm. Có em cho biết, thường xuyên mua thức ăn nhanh, “xiên bẩn” quanh cổng trường.
Ở phía đối diện, hàng “xiên bẩn” bày bán trên vỉa hè với hàng chục món cũng đông học sinh vào ăn. “Xiên bẩn” ở đây có rất nhiều loại với nhiều màu sắc bắt mắt, bày trên sạp không che đậy, phơi ngoài vỉa hè tấp nập người qua lại. Khi chúng tôi hỏi khách hàng là hai bạn nam nữ thì được trả lời: “Mùi vị của các loại thịt xiên giống nhau, chủ yếu được chiên giòn nên ăn khá ngon”. Theo quan sát của chúng tôi, “xiên bẩn” được để trong các túi to, người bán hàng đổ ra khay mỗi loại một ít. Khách lựa loại nào thì được đem đi chiên giòn. Những chai nước sốt, nước tương không có nhãn mác cũng được bày đầy trên bàn.
Ngay cạnh đó, nhiều hàng quà vặt bán mì trộn với “xiên bẩn”, mì trộn viên, lẩu cốc hải sản có giá 20 nghìn đồng/cốc; gà xiên 10 nghìn đồng/xiên… tấp nập học sinh vào mua. Một học sinh cho biết thường ăn ở các quán này. Khi chúng tôi hỏi có biết nguồn gốc thực phẩm của các “xiên bẩn” này ở đâu không không thì các em đều nói “không biết”.
Còn tại phố Núi Trúc nằm giáp ranh giữa hai phường Kim Mã và Giảng Võ của quận Ba Đình cũng nổi tiếng với các hàng “xiên bẩn” bày bán. Vào giờ tan học buổi trưa, ngoài hàng quán kinh doanh ở mặt đường thì xuất hiện những xe “xiên bẩn” với sạp hàng lớn. Còn tới buổi chiều tối, xuất hiện thêm những hàng “xiên bẩn” chiếm lĩnh vỉa hè, bàn bán cả sạp “xiên bẩn” không che đậy ngay tại lối đi lại bụi bẩn, cuốn theo rác thải.
Mỗi sạp hàng “xiên bẩn” ở đây có đến vài chục loại, từ xiên cá, mực, thịt, đến các loại xiên que xúc xích chiên, hồ lô chiên, ốc viên chiên… Càng về đêm, xiên “bẩn” ở đây càng náo nhiệt khi khách vây quanh rất đông. Với giá rẻ chỉ từ 2 đến 7 nghìn đồng/xiên, nên vẫn là món khoái khẩu của giới trẻ mà chẳng ai quan tâm tới xiên bẩn này có nguồn gốc không, pha trộn hay có chất bảo quản không.
“Xiên bẩn” còn được bày bán nhiều ở nơi có trường đại học, với giá rẻ, chiên giòn thơm lựng, là lựa chọn phổ biến của sinh viên. Gần trường Đại học Bách Khoa, Đại học Luật Hà Nội…cứ đến chiều tối, “xiên bẩn” bày bán ngay đường đi lối lại, tuy không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng hàng nào hàng nấy đều đông đúc khách vào thưởng thức.
Không chỉ bán quanh trường học, “xiên bẩn” còn bày bán ở nhiều khu dân cư đông đúc, nơi vui chơi, lễ hội. Tại đường ven hồ Tây khu vực phường Bưởi, phường Xuân La và Nhật Tân, quận Tây Hồ (Hà Nội), xiên bẩn với hàng chục loại được bày bán theo kiểu buffet với giá từ 70 nghìn đến 100 nghìn/suất hấp dẫn giới trẻ. Người mua lựa chọn “xiên bẩn” cho vào rổ, sau đó người bán đem đi chiên và bưng lên cho thực khách.
Kiểm tra phát hiện rất ít vi phạm!
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), 70-80% thức ăn đường phố, bao gồm cả đồ ăn vặt ở cổng trường được xác định bị nhiễm khuẩn Ecoli. Đây là loại vi khuẩn gây tiêu chảy, bệnh đường ruột và tả khuẩn. Theo ghi nhận của phóng viên Báo CAND, thức ăn đường phố còn rất nhiều nguy cơ mất ATTP cả trong chế biến lẫn bày bán.
Nhiều nơi, thức ăn chín còn để ngay trên nền vỉa hè bán cho thực khách như hàng cơm bụi trước cổng Bệnh viện Việt Đức… Khu vực chế biến và rửa bát của nhiều quán ăn rất… bẩn. Nhiều nơi ưu tiên lợi nhuận, bỏ qua sự an toàn của người tiêu dùng. Phần lớn các cửa hàng xiên bẩn bán ở nơi nhiều bụi bẩn, gần đường đi, gần bãi rác không đảm bảo vệ sinh ATTP.
Mặc dù tình trạng xiên bẩn vỉa hè nhức nhối, nhưng theo đại diện UBND phường Kim Mã – nơi có tuyến phố Núi Trúc – cho biết, các cơ sở “xiên bẩn” gần đây rộ lên, phường xây dựng kế hoạch kiểm tra vì đây là tuyến phố điểm có kiểm soát ATTP thức ăn đường phố. Trung bình một năm kiểm tra 2 lần, với những hàng “xiên bẩn” rong, phường tổ chức kiểm tra, đẩy đuổi họ lại dạt sang địa bàn phường Giảng Võ.
Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, công chức văn hoá xã hội phụ trách công tác ATTP UBND phường Kim Mã, tại phố Núi Trúc có 6 cơ sở kinh doanh ăn uống, trong đó 5 cơ sở đã được quận Ba Đình cấp giấy chứng nhận ATVSTP, 1 cơ sở đã xong thẩm định đang chờ cấp giấy chứng nhận. Còn lại các cơ sở thức ăn đường phố (khoảng 10 cơ sở) 100% đã ký cam kết đảm bảo ATTP với UBND phường.
Khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc thực phẩm của “xiên bẩn”, bà Hằng cho biết: “Qua kiểm tra các cơ sở đều xuất trình được nguồn gốc thực phẩm, giấy chứng nhận thực phẩm, hồ sơ năng lực”. Theo bà Hằng, năm 2024, UBND phường kiểm tra và phát hiện 3 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố vi phạm, trong đó có 2 cơ sở bán xiên que ở 127 và 61 phố Núi Trúc bị xử phạt (mỗi cơ sở 2 triệu đồng) vì sử dụng dụng cụ chứa đựng thức ăn chưa đảm bảo vệ sinh; 1 cơ sở bán bánh mì xe đẩy trên phố Núi Trúc mức phạt 750 nghìn đồng vì vi phạm để thực phẩm trên khay kệ chưa có che chắn đảm bảo vệ sinh. Bà Hằng còn cho biết thêm, qua kiểm tra, tất cả cơ sở bán xiên que đều cung cấp được nguồn gốc thực phẩm.
Tương tự, trên địa bàn phường Quán Thánh, có 160 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, trong đó lĩnh vực y tế có 134 cơ sở. Tại khu vực phố Cửa Bắc quanh các trường học có khoảng 20 cửa hàng ăn uống có giấy phép đăng ký kinh doanh. Ủy ban phường cũng thừa nhận có tình trạng hàng ăn bán rong tại khu vực này, đã tiến hành kiểm tra nhưng một thời gian sau họ lại vi phạm.
Theo ông Cao Hợp Thanh, Phó Chủ tịch UBND phường Quán Thánh, UBND phường tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định đảm bảo ATTP xung quanh cổng trường học, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm, kết quả đã kiểm tra 35 cơ sở, trong đó xử phạt 12 cơ sở.
Các vi phạm chủ yếu trong quá trình chế biến không đeo găng tay khi tiếp xúc với thực phẩm chín; sử dụng người chế biến trực tiếp thức ăn không đội mũ, đeo khẩu trang; bày bán chứa đựng thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ, vật liệu không đảm bảo vệ sinh, không được che chắn bụi bẩn. Đa phần các cơ sở đều có hoá đơn xuất xứ nguồn gốc thực phẩm.