Rầm rộ khởi công… rồi “treo 10 năm” (Bài 1)
Bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Tô Lâm những ngày qua đã trở thành một thông điệp mạnh mẽ, thức tỉnh sâu sắc tới nhận thức và hành động của chúng ta bởi những hệ lụy của lãng phí gây ra đối với xã hội vô cùng lớn.
Tổng Bí thư Tô Lâm trong phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội ngày 26/10 tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV cũng đã “điểm danh” những dự án ngàn tỷ đang bị lãng phí, chậm tiến độ, không hiệu quả nhiều năm ròng rã, trong đó có dự án hai bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức tại tỉnh Hà Nam.
Ngày 13/11, nhóm PV chúng tôi quay trở lại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 (gọi tắt là BV Bạch Mai 2 và BV Việt Đức 2) tại phường Liêm Chính, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Cách đây nhiều năm, khi dư luận bắt đầu ồn ào, hoài nghi đặt câu hỏi vì sao dự án đầu tư ngót 10 ngàn tỷ này mãi vẫn giậm chân tại chỗ gây bức xúc dư luận, chúng tôi đã về đây để cận cảnh cơ sở 2 của hai bệnh viện lớn đang bước vào hoang hóa, xuống cấp như thế nào.
Phải nói rằng vị trí xây 2 BV này quá đẹp, gần trục quốc lộ 1 để người dân có thể đến thuận tiện nhất. Lần quay trở lại nơi này, cả hai bệnh viện nhìn từ ngoài vào phía trong là một khung cảnh im lìm. Xung quanh bệnh viện, cỏ mọc lút đầu người. BV đã xây xong rất hoành tráng, nhưng nhìn từ xa đã thấy sự hoang hóa xuống cấp khi mà rêu phong đã bao phủ hết lớp vỏ bên ngoài.
Tại cổng chính BV, bên BV Việt Đức thì xếp các miếng tôn làm ba rie để ngăn người qua lại, còn bên BV Bạch Mai thì chỉ chăng một sợi dây đỏ, hết sức tạm bợ. Chúng tôi cũng không thấy cảnh thi công trở lại như lãnh đạo Bộ Y tế đã nói tại họp báo Chính phủ. Tại cổng BV Bạch Mai, tấm biển “Khoa Khám bệnh BV Bạch Mai 2” được dựng ở đó quá lâu rồi, như một hoài niệm, vì từ sau lần khởi động khám bệnh vào năm 2018 đến nay, và sau lần BV Bạch Mai được trưng dụng làm nơi khám và cách ly bệnh nhân COVID-19, nơi này lại đóng cửa, rơi vào cảnh im lìm một cách khó tả.
Người dân xung quanh hai bệnh viện chia sẻ với chúng tôi rằng, khi khởi công dự án vào năm 2014, họ đều mừng, nghĩ rằng ít năm nữa họ sẽ được các bác sĩ giỏi khám bệnh tại đây, không phải lên Hà Nội, không phải di chuyển lên tuyến trên sẽ giúp người dân tranh thủ được “giờ vàng” đối với nhiều ca bệnh hiểm nghèo. Nhưng buồn thay, những hy vọng, kỳ vọng của người dân dần biến mất khi cả hai BV đều bị “treo”, dù lãnh đạo Bộ Y tế đã cắt băng khánh thành rầm rộ công trình này vào tháng 10/2018.
Anh N.V.L ở phường Liêm Chính, TP Phủ Lý bức xúc nói: “Chúng tôi hằng ngày nhìn cảnh BV hoang hóa ròng rã nhiều năm đã quen mắt rồi, nhưng người dân ở nơi khác đi qua, thấy cảnh hoang phí này rất xót xa. Đây cũng là tiền của do người dân chúng tôi đóng chứ ai”. Ông Tr.A.T, hàng xóm với anh N.V.L ngao ngán cho hay, năm khởi công dự án này, ông mới 70 tuổi, còn đi được xe máy, nay ông đã gần 80 tuổi, trải qua nhiều bệnh tật, ông hiện không thể đi được xe đạp chứ đừng nói đến xe máy mà cũng chưa một lần được bước chân vào BV này để khám bệnh. Có bệnh gì, các con ông lại phải thuê xe taxi đưa ông lên Hà Nội khám, tốn kém đủ đường. Còn chị B.N.C, cũng ở phường Liêm Chính thì chia sẻ: “Mấy nay nghe báo đài nói Thủ tướng chỉ đạo 6 tháng nữa phải gấp rút đưa bệnh viện vào sử dụng, chúng tôi mừng lắm. Hy vọng lần này BV sẽ khởi sắc để người dân không bị thất vọng”.
Vì sao cả hai bệnh viện này đều rơi vào cảnh “đắp chiếu”, hoang hóa, thì nhiều năm trước đã được các cơ quan chức năng chỉ ra.
BV Bạch Mai 2 có tổng mức đầu tư ban đầu của là 4.990 tỷ đồng, lấy từ vốn Nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác, chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm – Bộ Y tế trực tiếp quản lý. BV Việt Đức 2 có mức đầu tư là 4.968 tỷ đồng. Cả 2 dự án khởi công vào năm 2014 và dự kiến hoàn thành vào năm 2017.
Tuy nhiên, theo Kết luận kiểm tra số 1350 việc thực hiện dự án 2 BV này của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì "các dự án sẽ bị chậm 3 năm so với thời gian tại Quyết định 125/QĐ-TTg ngày 16/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ và chậm 2 năm so với thời gian tại Quyết định đầu tư của Bộ Y tế". Do đó, trong giai đoạn năm 2014 – 2016, 2.653 tỷ đồng đã được ứng trước để xây dựng dự án BV Bạch Mai 2. Trong đó, số vốn đã xuất quỹ là 2.330,7 tỷ đồng, đã giải ngân được 1.915,14 tỷ đồng, đạt 82,1% số vốn xuất quỹ. BV Việt Đức 2 được tạm ứng 2.577 tỷ đồng, xuất quỹ 2.209,16 tỷ đồng, giải ngân 1.757,48 tỷ đồng, đạt 79,5% tổng số vốn đã xuất quỹ.
Tuy nhiên, tới tháng 4/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 547/QĐ-TTg về việc giao kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016 – 2020 đồng thời thực hiện quy định tại mục 13, Nghị quyết số 89 của Chính Phủ vào tháng 10/2016 “mức vốn dự phòng là 10% trên tổng mức vốn kế hoạch trung hạn theo từng nguồn vốn; trong từng dự án, các bộ, ngành trong ương, địa phương thực hiện tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư”.
Vì vậy, mỗi dự án được giao 4.500 tỷ đồng (bao gồm cả số vốn để thu hồi ứng trước từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp), trong đó 4.050 tỷ đồng vốn để thực hiện và 450 tỷ đồng vốn dự phòng 10%. Như vậy, tổng mức đầu tư đã bị điều chỉnh giảm gần 1.000 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt từ năm 2014.
Từ đây, trong năm 2017, mỗi dự án được giao 1.600 tỷ đồng, trong đó thu hồi ứng trước mỗi dự án 1.000 tỷ đồng. Còn lại 600 tỷ đồng, năm 2017, dự án BV Bạch Mai 2 đã giải ngân được 66,505 tỷ đồng, dự án BV Việt Đức 2 đã giải ngân được 95,383 tỷ đồng.
Tháng 4/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2017 sang năm 2018. Tính tới hết 28/9/2018, số còn lại của 600 tỷ đồng, dự án BV Bạch Mai 2 mới giải ngân được 241,258 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 45,26%), còn dự án BV Việt Đức 2 chỉ giải ngân được 164,871 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 32,7%).
Mặc dù được bố trí nguồn vốn từ ngân sách cho 2 dự án đầy đủ, song, công tác giải ngân, thanh toán rất khó khăn, tỷ lệ giải ngân thấp. Tới thời điểm tháng 3/2019, tổng dự toán của các dự án và các hạng mục chưa được phê duyệt nên chỉ tạm được thanh toán đến 50% khối lượng hoàn thành. Nhà thầu đã có khối lượng hoàn thành nhưng không được thanh toán nên gặp khó khăn về tài chính, làm ảnh hưởng đến việc thi công dự án. Đây được cho là nguyên nhân chủ yếu khiến dự án chậm tiến độ nhiều năm.
Trong khi đó, các dự án phải điều chỉnh tăng quy mô, tăng diện tích sàn, điều chỉnh công năng: BV Bạch Mai 2 tăng hơn 3.728m2 diện tích sàn, thay đổi phương án xử lý nền móng từ phương án khoan nhồi sang phương án ép cọc bê tông cốt thép đúc sẵn ở khối nhà chính, bổ sung khu nội trú cho bác sĩ, thay đổi vị trí một số khoa phòng. BV Việt Đức 2 tăng 5.323m2 sàn xây dựng gồm thay đổi phương án xử lý nền móng của khối nhà chính (tương tự BV Bạch Mai 2), bổ sung khu đào tạo và khu xạ trị tại tầng hầm, khu nội trú cho bác sĩ, thay đổi vị trí một số khoa, phòng, vị trí lối vào phụ của khối nhà chính.
Vì vậy, BQL dự án phải rà soát tổng mức đầu tư, điều chỉnh thiết kế các hạng mục cho phù hợp với nguồn vốn nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu của dự án và các tiêu chí kỹ thuật. Điều này khiến cho việc lập dự toán, thẩm tra, thẩm định dự toán các hạng mục gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công dẫn đến khối lượng trong hồ sơ dự toán trình không phù hợp với thiết kế kỹ thuật đã thẩm định trước đó.
Cũng tại kết luận của kiểm tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hàng loạt yếu kém của BQL dự án trọng điểm của Bộ Y tế đã được chỉ ra. Đó là trong việc áp dụng hình thức đấu thầu gói thầu hỗn hợp thiết kế và thi công, căn cứ mời thầu là tổng mức đầu tư nên nhiều nội dung còn sơ lược, chưa chi tiết, nhất là khối lượng xây dựng, điều kiện hợp đồng, mẫu hợp đồng, dẫn đến khó khăn khi mời thầu, xét thầu, ký kết hợp đồng cũng như thực hiện hợp đồng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiểm tra 1 số gói thầu cụ thể như gói thầu XDBM-02 về thiết kế, thi công xây dựng, cung cấp và lắp đặt thiết bị hạ tầng kỹ thuật; Gói thầu XDBM-01 về khảo sát địa chất gia đoạn thiết kế kỹ thuật, thiết kế, thí nghiệm cọc, thi công xây dựng, cung cấp lắp đặt thiết bị gắn với công trình khối nhà chính; gói thầu TVBN-04 về lập hồ sơ thiết kế thuộc dự án BV Bạch Mai 2 và gói thầu XDVĐ-05 về thiết kế, thi công xây dựng, cung cấp và lắp đặt thiết bị thông dụng thuộc dự án BV Việt Đức 2.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các gói thầu này không có báo cáo thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu, mà chỉ có biên bản họp thẩm định; giá gói thầu được phê duyệt trong kế hoạch đều tách riêng phần dự phòng và áp chung một tỷ lệ 5% không có cơ sở, không giải thích lý do; việc phân chia gói thầu khi lập kế hoạch không phù hợp, cố tình chia nhỏ các gói thầu tư vấn xuống dưới 500 triệu đồng để áp dụng chỉ định thầu. Hồ sơ mời thầu đưa ra những điều kiện quá cao, không cần thiết, hồ sơ mời thầu được lập có nhiều nội dung không phù hợp quy định của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Việc quy định về hợp đồng tương tự thiếu chặt chẽ. Trong quá trình giám sát, chủ đầu tư là Bộ Y tế chưa thực hiện đầy đủ việc lập báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư dự án theo các mốc quý I, 6 tháng, quý II, năm theo quy định; chưa gửi đầy đủ báo cáo giám sát, đánh giá định kỳ trước khi điều chỉnh dự án theo quy định.
Kết luận của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra, dự án được quản lý không theo loại hợp đồng đã quy định: Không theo hình thức EPC và cũng không theo mô hình truyền thống. Điều này gây khó khăn trong việc tổ chức quản lý, điều hành dự án. Hồ sơ thiết kế kỹ thuật làm cơ sở để lập dự toán trình thẩm định cập nhật thiết kế bản vẽ thi công làm sai lệch tính chất của bước thiết kế kỹ thuật.
Nói về hai dự án này, trao đổi với PV Báo CAND, ông Bùi Trung Dung - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) cho hay: “Ngày ấy, tôi có nói rằng, nếu bệnh viện “nghìn giường” đó cứ chậm 1 ngày là vô tình “giết chết oan” 10 - 15 người dân, nên phải cố gắng làm sao đẩy nhanh tiến độ được. Chủ quan mà nói, mảng pháp lý về xây dựng, chúng tôi hoàn thiện cho Bộ Y tế nhanh quá, trong khi mảng kế hoạch vốn và mảng thiết bị - hai cái đấy Bộ Y tế lại làm quá chậm”. Cũng theo ông Bùi Trung Dung, sai lầm của Bộ Y tế là khi xây dựng dự án, theo phân cấp quản lý, Bộ Y tế không tham vấn các cơ quan chuyên môn, không đánh giá đủ nguồn lực, không có đánh giá tác động của dự án. Cho nên bệnh viện xây xong rồi, không thể khai thác được.
Chuyên gia của Bộ Xây dựng cũng từng chỉ ra rằng, BQL dự án của Bộ Y tế năng lực quá kém. Do đó, Bộ Xây dựng từng phải có công văn đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế "kiện toàn năng lực tổ chức bộ máy BQL của dự án đầu tư xây dựng, để đảm bảo đủ năng lực thực hiện dự án đúng tiến độ, đúng chất lượng".