Nguy cơ lãng phí hàng nghìn tỷ đồng đầu tư do chậm cập nhật vào quy hoạch

Thứ Sáu, 29/11/2024, 17:39

Quy hoạch điện 8 điều chỉnh chỉ có thể được phê duyệt sớm nhất vào quý II/2026. Trong bối cảnh cả 4 nhà máy điện khí LNG khác tại miền Bắc (công suất 6.000 MW) gần như không thể đưa vào vận hành trước năm 2030, làm cho tình trạng thiếu điện năng tại miền Bắc trong giai đoạn 2028-2029 sẽ càng trầm trọng.

Hàng nghìn tỷ đồng của chủ đầu tư đang nằm chờ

Theo nhận định của các chuyên gia, quy hoạch điện 8 điều chỉnh chỉ có thể được phê duyệt sớm nhất vào quý II/2026. Như vậy, dự án Nhiệt điện Công Thanh sẽ phải chờ để được cập nhật vào Quy hoạch này trong thời gian ít nhất là 2 năm, trong khi sau một thời gian triển khai, dự án đang có nhiều thuận lợi về cơ sở hạ tầng, tài chính, khả năng nhập khí và đối tác tham gia đồng hành.

Trong 3 năm qua, cơ sở hạ tầng cho triển khai dự án đã cơ bản hoàn thành công tác bồi thường GPMB, san lấp mặt bằng khu vực nhà máy chính, đầu tư 80% hạ tầng cho khu vực cảng, BQL KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa đã cho thuê đất để thực hiện dự án…

Hiện nay, dự án Nhà máy nhiệt điện Công Thanh đã phải dừng toàn bộ các hoạt động phát triển dự án do chưa được cập nhật vào Quy hoạch điện 8 điều chỉnh, gây lãng phí lớn đối với các bên tham gia vào dự án, trong khi vấn đề “chống lãng phí” là thông điệp mạnh mẽ, cần phải đấu tranh quyết liệt để loại bỏ, đã được Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần nhấn mạnh.

Nguy cơ lãng phí hàng nghìn tỷ đồng đầu tư do chậm cập nhật vào quy hoạch -0
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hoàng Long kiểm tra dự án.

Đáng chú ý, việc chưa thể tiếp tục triển khai dự án sẽ làm lãng phí nguồn lực rất lớn do hàng nghìn tỷ đồng của chủ đầu tư đang phải nằm chờ, mất đi cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Làm lãng phí cơ hội thu hút được khoảng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD từ các nhà đầu tư trong bối cảnh tìm kiếm nguồn vốn cho phát triển điện lực đang ngày càng khó khăn, khoản đầu tư này không cần bảo lãnh Chính phủ.

Không chỉ lãng phí cơ hội, giảm niềm tin, làm nản lòng các đối tác đồng hành, tham gia hỗ trợ chủ đầu tư phát triển dự án mà các nhà đầu tư có nguy cơ rút khỏi dự án. Trong khi dự án đã được các nhà đầu tư như Tập đoàn GE, Tập đoàn BP đề cập, trực tiếp đặt câu hỏi với Tổng Bí thư Tô Lâm trong chuyến thăm Mỹ, Pháp và Ireland thời gian vừa qua.

Việc chậm đưa vào vận hành dự án cũng sẽ khiến hệ thống điện miền Bắc nói riêng và quốc gia nói chung không tận dụng được sản lượng điện khoảng 9 tỷ kWh của Nhà máy trong bối cảnh cả 4 nhà máy điện khí LNG khác tại miền Bắc (công suất 6.000 MW) gần như không thể đưa vào vận hành trước năm 2030, làm cho tình trạng thiếu điện năng tại miền Bắc trong giai đoạn 2028-2029 sẽ càng trầm trọng.

Do đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương chấp thuận chủ trương để Công ty cổ phần Nhiệt điện Công Thanh thực hiện các công tác chuẩn bị đầu tư của dự án nhiệt điện LNG Công Thanh với công suất điều chỉnh tăng lên 1.500 MW cho giai đoạn I, dự kiến phát điện trước năm 2030 và 3.000 MW giai đoạn II, dự kiến phát điện trước năm 2035 nhằm bảo đảm tiến độ đưa dự án vào vận hành trong giai đoạn 2028-2029, tránh lãng phí rất lớn nguồn lực đã được triển khai và sẽ tiếp tục được đầu tư cho dự án.

Cam kết tham gia từ đối tác quốc tế nhiều kinh nghiệm

Theo Văn bản số 1642/BCT-ĐL ngày 15/3/2024 của Bộ Công thương, dự án Nhà máy nhiệt điện Công Thanh có công suất 600 MW, dự kiến vận hành năm 2016, nằm trong Quy hoạch điện 7, Quy hoạch điện 7 điều chỉnh; đồng thời được BQL KKT Nghi Sơn và các KCN tỉnh Thanh Hóa cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu, điều chỉnh vào các năm 2010 và 2018. Sau nhiều năm triển khai, dự án gặp nhiều khó khăn trong thu xếp vốn do chính sách tài chính cho phát triển nhiệt điện than trên thế giới có nhiều thay đổi. Theo Quy hoạch điện 8, dự án nằm trong danh mục các dự án nhiệt điện than chậm tiến độ và được phép kéo dài đến tháng 6/2024, nếu không triển khai phải xem xét chấm dứt theo quy định của pháp luật.

Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản gửi Bộ Công thương và báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét cho dự án chuyển đổi nhiên liệu sử dụng than công suất 600 MW sang LNG nhập khẩu, với quy mô công suất 1.500 MW để phù hợp với game phát điện và giúp hạ giá thành bán điện và cập nhật vào Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8. Bộ Công thương khẳng định, định hướng phát triển cơ sở hạ tầng cung cấp LNG và các dự án nguồn điện sử dụng LNG thời kỳ 2021-2030 có đầy đủ cơ sở pháp lý cho triển khai thực hiện; Văn phòng Chính phủ đã có nhiều văn bản gửi Bộ Công Thương truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc chuyển đổi nhiên liệu từ than sang LNG đối với dự án Nhà máy nhiệt điện Công Thanh tỉnh Thanh Hóa.

Qua rà soát Bộ Công thương nhận định, trong bối cảnh phát triển nguồn điện LNG hiện nay, việc chuyển đổi nhiên liệu tại dự án không làm thay đổi phương hướng phát triển nguồn điện và cơ cấu nguồn điện LNG tới năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; việc quyết định chuyển đổi từ than sang LNG cho dự án và phương án đấu nối cần được Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận.

Đáng chú ý, theo Bộ Công thương, việc chuyển đổi nhiên liệu từ than sang LNG đối với dự án là phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cho phép các nguồn điện than đang gặp khó khăn trong việc triển khai sẽ cập nhật quá trình xử lý để thay thế bằng các nguồn điện LNG hoặc năng lượng tái tạo.

Quá trình triển khai Quy hoạch điện 8, nếu các dự án trong danh mục này gặp khó khăn, vướng mắc, không triển khai được, Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ đẩy sớm tiến độ các dự án quy hoạch giai đoạn sau lên và hoặc lựa chọn các dự án khác thay thế tại các vị trí tiềm năng, trong đó có địa điểm tại Nghi Sơn, để bảo đảm an ninh cung cấp điện.

Nguy cơ lãng phí hàng nghìn tỷ đồng đầu tư do chậm cập nhật vào quy hoạch -0
Dự án đã có mặt bằng "sạch" và đầy đủ các cơ sở để triển khai.

Tuy nhiên, Bộ Công thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo đẩy lùi tiến độ các dự án nguồn điện LNG được phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg, sang giai đoạn 2011-2035 nếu không hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư trước năm 2025; chưa xem xét chuyển đổi từ than sang LNG của dự án Nhà máy nhiệt điện Công Thanh tại thời điểm này, mà vào trong kỳ điều chỉnh Quy hoạch điện 8.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, nếu được phép chuyển đổi nhiên liệu từ than sang LNG, Nhà máy nhiệt điện Công Thanh có thể đi vào vận hành trong năm 2028, đây là lợi thế sẽ giúp miền Bắc được bổ sung thêm nguồn điện chạy nền khoảng 9 tỷ kWh/năm, rất quan trọng trong giai đoạn 2027-2029, đặc biệt là sẽ cung cấp cho trung tâm phụ tải khu vực Bắc Trung Bộ khoảng 4,8% tổng sản lượng điện thương phẩm miền Bắc và 36% tổng sản lượng điện thương phẩm khu vực Bắc Trung Bộ.

Ngày 8/10/2024, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản 7330 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn về kiến nghị của UBND tỉnh Thanh Hóa về đề nghị chấp thuận cho triển khai thực hiện dự án Nhiệt điện LNG Công Thanh tại KKT Nghi Sơn và cập nhật vào kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII. Theo đó, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn có ý kiến giao Bộ Công thương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao xem xét, nghiên cứu kiến nghị của UBND tỉnh Thanh Hóa để xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Trước đó, ngày 31/7/2024, Văn phòng Chính phủ cũng đã có Văn bản 5473 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc đồng ý chuyển đổi nhiên liệu từ than sang LNG đối với Dự án nhiệt điện Công Thanh tỉnh Thanh Hóa.

Hùng Dũng
.
.