Nghịch lý loạt mỏ khoáng sản trúng đấu giá nhưng không thể khai thác

Hồ hởi đấu giá, mòn mỏi chờ khai thác (kỳ 1)

Thứ Ba, 22/10/2024, 08:19

Nhiều năm về trước, tỉnh Hà Tĩnh là địa phương được đánh giá tiên phong, đi đầu trong nỗ lực đưa các mỏ khoáng sản ra đấu giá, thu nhiều tiền về cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, nhiều mỏ khoáng sản trong số này mặc dù đã được công nhận trúng đấu giá, doanh nghiệp nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản từ 2 - 3 năm nay nhưng vẫn không thể đưa vào khai thác.

Từ năm 2021 đến nay, 7 trong số 15 mỏ khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường được tỉnh Hà Tĩnh đưa ra đấu giá, doanh nghiệp hoàn tất việc nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản nhưng lại không thể khai thác. Một số người từ ông chủ doanh nghiệp đã thay đổi thân phận, phải tha phương làm thuê để trả lãi suất ngân hàng.

Hồ hởi đấu giá, mòn mỏi chờ khai thác (kỳ 1) -0
Vấn nạn “cát tặc” vẫn hoành hành tại Hà Tĩnh trong khi các mỏ đem ra đấu giá không thể khai thác.

Tréo ngoe “đắp chiếu” sau khi trúng đấu giá quyền khai thác

Tháng 1/2021, nắm được thông tin UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn, Công ty TNHH Lê Tăng (TP Hà Tĩnh) đã nộp hồ sơ tham gia và trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với mỏ cát xây dựng bãi bồi Bồng Bồng, thôn Tân Hạ, xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê.

Ngày 4/3/2021, tỉnh Hà Tĩnh có quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ cát xây dựng bãi bồi Bồng Bồng cho Công ty TNHH Lê Tăng, với diện tích 2ha, trữ lượng 284.000m3. Tiếp đó, vào các ngày 23/4 và 22/12/2021, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành giấy phép thăm dò khoáng sản và Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án.

Ngày 19/1/2022, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục ban hành quyết định phê duyệt kết quả xác định tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản với số tiền hơn 1,66 tỷ đồng. Ngay sau khi có các quyết định này, Công ty TNHH Lê Tăng đã nộp tiền ký quỹ cấp quyền khai thác với số tiền 190 triệu đồng và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản một lần với số tiền hơn 1,47 tỷ đồng.

Ngày 8/9/2022, Sở KH&ĐT Hà Tĩnh có báo cáo thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án “Khai thác mỏ cát xây dựng tại bãi bồi Bồng Bồng” của Công ty TNHH Lê Tăng. Sau khi nhận được đề xuất của nhà đầu tư, Sở KH&ĐT đã tổng hợp ý kiến các sở, ngành liên quan và có văn bản đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh kèm dự thảo quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư.

Tuy nhiên, từ ngày 8/9/2022 đến nay, đề nghị này vẫn chưa được UBND tỉnh Hà Tĩnh lưu tâm. Hơn 2 năm qua, trong bối cảnh kinh tế khó khăn nhưng doanh nghiệp này phải gánh thêm khoản nợ lãi từ ngân hàng mà không có nguồn để chi trả vì mỏ cát chưa thể khai thác.

Tương tự, cùng tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản đợt đầu tiên của UBND tỉnh Hà Tĩnh, Công ty CP Dịch vụ thương mại Hà Huy Phú (huyện Vũ Quang) tham gia và trúng quyền khai thác đối với mỏ cát xây dựng bãi bồi sông Ngàn Sâu tại xã Đức Liên, huyện Vũ Quang.

Tại quyết định công nhận trúng đấu giá ngày 4/3/2021, tỉnh Hà Tĩnh công nhận diện tích mỏ cát này là 2,5ha và số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản gần 4,3 tỷ đồng theo Quyết định số 77/QĐ-UBND ngày 11/1/2022. Sau khi nộp tiền cấp quyền một lần và có các hồ sơ, pháp lý liên quan, doanh nghiệp này đã đầu tư cơ sở hạ tầng, kéo đường điện, xây dựng nhà điều hành và bến bãi để phục vụ cho việc khai thác khoáng sản.

Tuy nhiên, sau hơn 3 năm kể từ ngày trúng đấu giá, hiện trạng dự án vẫn là một bãi cát hoang hóa, hệ thống cơ sở vật chất bỏ hoang lâu ngày, cây cỏ mọc um tùm. Theo số liệu báo cáo của sở, ngành liên quan, đến thời điểm hiện nay dự án này chưa được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư cũng như chưa được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản mặc dù trước đó, vào các ngày 6/9/2022 và ngày 29/3/2022, các Sở KH&ĐT và Sở TN&MT đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh hoàn tất hồ sơ, song cũng như với trường hợp mỏ cát xây dựng bãi bồi Bồng Bồng, hồ sơ đã bị tỉnh Hà Tĩnh “lãng quên” suốt hơn 2 năm qua.

Theo số liệu báo cáo của tỉnh Hà Tĩnh, tháng 2/2020, trên cơ sở kết quả rà soát tình hình cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản đợt 1 năm 2020 đối với 19 khu vực, bao gồm 3 mỏ cát, 1 mỏ đất đồi làm gạch và 15 mỏ đất san lấp. Quá trình thẩm định sau này đã loại ra khỏi danh sách 2 mỏ khoáng sản do chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.

Ngày 11/3/2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh đợt 1 năm 2020 tại Quyết định số 807/QĐ-UBND. Trên cơ sở hợp đồng giữa Sở TN&MT Hà Tĩnh với Công ty Đấu giá hợp danh Minh Nhật (TP Hà Tĩnh), phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 17 mỏ khoáng sản diễn ra trong 3 ngày 14, 21 và 28/1/2021.

“Sống mòn” vì tham gia đấu giá quyền khai thác mỏ

Kết quả, các phiên đấu giá đã thành công tốt đẹp, UBND tỉnh Hà Tĩnh sau đó đã ban hành 17 quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá đối với 17 mỏ khoáng sản trên địa bàn cho 17 doanh nghiệp. Theo báo cáo của Công an tỉnh Hà Tĩnh, quá trình đấu giá không phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, không xảy ra các vấn đề phức tạp về ANTT. Kết quả trúng đấu giá thành công khi mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của các mỏ cao hơn giá khởi điểm từ 1,1 đến 15,1 lần.

Sau khi có kết quả, theo quy định các mỏ trúng đấu giá phải thực hiện nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thăm dò khoáng sản trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày kết thúc phiên đấu giá. Tuy vậy, chỉ có 15 đơn vị mỏ lập và nộp Đề án thăm dò khoáng sản để đề nghị cấp giấy phép thăm dò khoáng sản, có 2 mỏ là mỏ đất san lấp Phú Lộc 1 tại xã Phú Lộc, huyện Can Lộc của Công ty CP Tư vấn và Xây dựng Á Châu và mỏ đất san lấp xã Kỳ Tân, huyện Kỳ Anh của Công ty CP Thương mại dịch vụ số 1 Kỳ Anh không nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thăm dò khoáng sản theo quy định nên UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định hủy kết quả trúng đấu giá.

Đối với các mỏ còn lại, sau khi thẩm định, Sở TN&MT Hà Tĩnh đã trình UBND tỉnh cấp 15 giấy phép thăm dò khoáng sản cho 15 đơn vị để thực hiện thăm dò, đánh giá trữ lượng, chất lượng khoáng sản và phê duyệt trữ lượng khoáng sản theo quy định.

Sở KH&ĐT Hà Tĩnh đã thẩm định, trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 9 dự án. Trong đó, UBND tỉnh đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 4 dự án để tiến hành khai thác mỏ. Đến nay, các mỏ này đã được cho thuê đất, trong đó 1 mỏ bảo đảm công suất khai thác để phục vụ Dự án cao tốc Bắc – Nam và 4 mỏ đã hoàn thành thủ tục nâng công suất khai thác.

Trên cơ sở hồ sơ đề nghị của các đơn vị trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản, kết quả phê duyệt trữ lượng khoáng sản và Báo cáo đánh giá tác động môi trường, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt giá trị tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 13/15 mỏ trúng đấu giá. Trong đó, tỉnh Hà Tĩnh đã phê duyệt kết quả xác định tiền trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 12/13 mỏ, với tổng số tiền trúng đấu giá phải nộp là hơn 48,2 tỷ đồng.

Các đơn vị đã hoàn thành việc nộp tiền trúng đấu giá theo quy định. UBND tỉnh Hà Tĩnh đã cấp giấy phép khai thác khoáng sản cho 9 mỏ và đang xem xét, xử lý 2 mỏ còn lại. Trong số này, hiện mới chỉ có 7 mỏ có quyết định cho thuê đất.

Cũng bởi vướng mắc về thủ tục pháp lý liên quan, trong đó do quy định chưa thống nhất giữa các Luật Khoáng sản và Luật Đầu tư, trong khi quá trình hướng dẫn hồ sơ, thủ tục các Sở TN&MT và Sở KH&ĐT đã tham mưu không đầy đủ, dẫn đến việc thành phần hồ sơ đề nghị cấp phép cho các dự án không đầy đủ.

Hệ lụy khiến các doanh nghiệp phải hứng chịu, khi đã đầu tư hạ tầng, hoàn tất việc nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản một lần song dự án không thể đưa vào khai thác. Một số doanh nghiệp sau thời gian mỏi mòn chờ đợi, đã buộc phải đi làm thuê ở các địa phương khác để trang trải khoản lãi suất ngân hàng và bù đắp các loại chi phí khác.

Thiên Thảo
.
.