“Đất vàng”, tài sản công đua nhau… bỏ hoang (bài 1)
Trong bài viết “Chống lãng phí” mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra lãng phí vẫn phổ biến, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho sự phát triển quốc gia. Trong lãng phí thì lãng phí tài sản công đang là vấn đề nhức nhối. Do vậy cần quyết liệt chống lãng phí, coi đây là nhiệm vụ quan trọng song hành với cuộc chiến chống tham nhũng… Tuy nhiên, để thực hiện được vấn đề này vẫn đang là bài toán nan giải ở nhiều địa phương…
Trong nhiều năm qua, người dân sinh sống trên địa bàn TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk không khỏi ngạc nhiên trước cảnh tượng một khu đất rộng hàng nghìn m2 nằm ở vị trí đắc địa trên 3 trục đường chính Quang Trung - Hai Bà Trưng - Lý Thường Kiệt đã bị bỏ hoang, có dấu hiệu hoang hóa, xuống cấp nhưng chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc chuyển cho đơn vị khác có nhu cầu.
Đó là khu đất trước đây là trụ sở Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk (cũ) và rạp chiếu phim Kim Đồng do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý. Khu đất có tổng diện tích 961,9m2, nằm ngay trên 3 trục đường chính được xem là khu buôn bán sầm uất nhất TP Buôn Ma Thuột. Năm 2020, sau khi cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk chuyển đến trụ sở mới, còn rạp chiếu phim Kim Đồng không còn được sử dụng thì khu đất này bị bỏ hoang.
Mặt tiền khu đất trở thành nơi kinh doanh cà phê, ẩm thực tự phát của người dân địa phương, tạo nên cảnh tượng nhếch nhác. Bên trong sân trụ sở Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đắk Lắk biến thành nơi cất giữ, tập kết đồ đạc của người buôn bán hàng rong, thậm chí biến thành nơi phóng uế của nhiều người đi đường.
Tương tự, khu “đất vàng” của Bệnh viện Đa khoa Đắk Lắk (cũ) có diện tích hơn 42.645m², với 3 mặt tiền giáp đường Mai Hắc Đế - Y Ngông - đường Quy Hoạch của TP Buôn Ma Thuột cũng bị bỏ hoang trong nhiều năm sau khi trụ sở Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (đường Trần Quý Cáp, phường Tự An, TP Buôn Ma Thuột) hoàn thành đưa vào sử dụng.
Tháng 8/2020, khu “đất vàng” này được Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk thông báo tổ chức bán đấu giá cùng với tài sản gắn liền trên đất có giá khởi điểm gần 533,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, do không có nhà đầu tư nào “mặn mà” tham gia đấu giá nên từ đó đến nay, Sở Tài chính buộc phải thuê nhân viên bảo vệ với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Bị bỏ hoang, bên trong khuôn viên khu đất do để lâu ngày đã biến thành những rừng cây rậm rạp, cỏ mọc um tùm, nhiều hạng mục nhà làm việc của bệnh viện bị xuống cấp nghiêm trọng, phía ngoài khuôn viên là những quán hàng rong nhếch nhác, bẩn thỉu. Thậm chí, ngay cổng ra vào của khu đất đã biến thành bãi tập kết hàng hóa của hàng loạt “xe dù, bến cóc”, gây mất mỹ quan đô thị cũng như tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông…
Tại tỉnh Đắk Nông, hàng loạt trụ sở công sở được xây dựng với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng cũng chung số phận bị bỏ hoang, gây lãng phí. Điển hình nhất là trụ sở Trung tâm Giới thiệu việc làm phụ nữ tỉnh Đắk Nông với tổng mức đầu tư trên 25,2 tỷ đồng. Năm 2011, trung tâm chính thức đi vào hoạt động, phục vụ việc dạy nghề phi nông nghiệp cho phụ nữ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Sau khi tổ chức dạy vỏn vẹn được một vài lớp cho số ít phụ nữ trên địa bàn tỉnh thì trụ sở này đành… “đắp chiếu” bỏ không.
Tương tự, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Đắk Nông được xây dựng trên diện tích 15.600m2 tại Khu tái định cư Đắk Nur B (phường Nghĩa Đức, TP Gia Nghĩa). Công trình có tổng mức đầu tư hơn 40 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, được khởi công xây dựng từ năm 2014. Sau nhiều năm “thăng trầm”, tháng 8/2022, trung tâm được bàn giao lại cho Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông sử dụng.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do khách quan, trung tâm chỉ được đưa vào hoạt động và mở vài lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó chủ yếu là hội viên Hội Nông dân tỉnh… rồi dừng hẳn. Đến nay, nhiều hạng mục công trình như khu nhà học tập, hội trường lớn, phòng học và phòng làm việc… bị bụi phủ khắp hành lang. Nhiều căn phòng đóng kín cửa, trong đó có nhiều phòng bỏ trống, thiết bị điện đã có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp. Thậm chí, trần nhà xuất hiện nhiều mảng vữa lớn, bong tróc, rơi vỡ khắp nền…
Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông còn có hơn 200 công trình cấp nước sạch tập trung, hàng trăm khu chợ và trường học được xây dựng với nguồn kinh phí hàng trăm tỷ đồng nhưng chỉ sau thời gian ngắn sử dụng hoặc chưa kịp bàn giao, đưa vào sử dụng thì công trình đã xuống cấp, hư hỏng không sử dụng được.
Theo rà soát mới đây của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông cho thấy, toàn tỉnh hiện có 262 công trình cấp nước sạch tập trung thì chỉ có vỏn vẹn 40 công trình hoạt động, 25 công trình hoạt động cầm chừng, 9 công trình hoạt động kém hiệu quả nhưng có đến 188 công trình đã ngưng hoạt động, hư hỏng không thể sử dụng được.
Tình trạng bỏ hoang các khu đất công, trụ sở công sở, công trình công cộng có giá trị lớn gây xót xa cho người dân địa phương. Bà Nguyễn Thị Hoa (cư dân đường Quang Trung, TP Buôn Ma Thuột, sinh sống ngay trụ sở Ủy ban MTTQ tỉnh và rạp chiếu phim Kim Đồng) bày tỏ sự tiếc nuối khi khu “đất vàng” biến thành bãi tập kết hàng rong, vỉa hè bị lấn chiếm tràn lan. “Di dời về chỗ mới thì mấy chỗ cũ bây giờ phải tính toán như thế nào chứ cứ để như thế thì thất thoát, lãng phí. Tôi thấy “đất vàng”, đất mặt tiền mà bỏ không thì xót xa quá”, bà Hoa nói.
Còn ông N.Y.L. (nhân viên bảo vệ tại Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Đắk Nông) cho biết, công trình được xây dựng rất hoành tráng, cao to, đẹp đẽ… nhưng chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn rồi bỏ hoang.
“Nhiều năm nay, tôi được thuê để bảo vệ tòa nhà tránh bị mất cắp đồ đạc bên trong nhưng chưa hề thấy trung tâm đi vào hoạt động. Một công trình xây dựng với số tiền hàng chục tỷ đồng rồi bỏ hoang thật là lãng phí”, ông L. tiếc nuối.