Hàng loạt tài sản công ở Tây Nguyên bị bỏ hoang, vì đâu nên nỗi?

Cần sớm có giải pháp xử lý tình trạng lãng phí tài sản công (bài cuối)

Thứ Năm, 05/12/2024, 08:22

Nếu không có phương án xử lý sớm thì hàng trăm khu “đất vàng” bị bỏ hoang lãng phí, hàng trăm công sở bị bỏ không, xuống cấp, đồng nghĩa với việc gây lãng phí lớn nguồn ngân sách Nhà nước. Do đó, cần có giải pháp căn cơ để giải quyết thực trạng này cũng như quy trách nhiệm của chủ sở hữu tài sản công…

Có thể thấy rằng, nhà, đất là nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Thế nhưng, thực trạng công tác quản lý nhà nước về đất đai, quy hoạch còn nhiều bất cập đã và đang dẫn đến lãng phí nguồn lực tài sản công này. Việc xử lý nhà, đất dôi dư làm sao để vừa tránh lãng phí nhưng vẫn phải đảm bảo theo quy định của pháp luật đang là yêu cầu bức thiết hiện nay.

Cần sớm có giải pháp xử lý tình trạng lãng phí tài sản công (bài cuối) -0
Khu “đất vàng” thuộc trụ sở Sở Xây dựng Đắk Lắk cũ được bán đấu giá thu về hơn 60 tỷ đồng, tăng thu ngân sách cho tỉnh.

Hiện nay, một số đơn vị, địa phương đã có biện pháp linh hoạt trong việc quản lý, sử dụng trụ sở nhà, đất nhằm tránh lãng phí, hư hỏng. Theo đó, với các trụ sở không được lựa chọn sử dụng thì được điều chuyển, bàn giao cho các tổ chức, hội đoàn thể của các cơ quan nhà nước còn khó khăn về nơi làm việc sử dụng tạm.

Ông Phạm Văn Phúc, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk cho biết, đến thời điểm hiện tại, địa phương đã thực hiện việc rà soát lại nhà, đất thuộc phạm vi quản lý và xây dựng theo phương án sắp xếp lại, xử lý. Theo đó, ngoài 5 trụ sở thực hiện bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, địa phương có 86 trụ sở thực hiện theo phương án giữ lại, tiếp tục sử dụng và 14 trụ sở thực hiện điều chuyển.

Trao đổi thêm về vấn đề chống lãng phí tài sản công, ông Phạm Mạnh Cường, Bí thư Đảng ủy phường Nghĩa Trung, TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông nêu ý kiến, Trung tâm Giới thiệu việc làm phụ nữ Đắk Nông có cơ sở hạ tầng đầu tư khá bài bản, kiên cố. Hệ thống phòng ốc rộng rãi, khang trang nhưng tài sản không sử dụng nên đã xuống cấp, gây lãng phí.

“Trước thực trạng trên, UBND phường đã đề nghị cấp trên xem xét, đề xuất cấp có thẩm quyền giao thửa đất và tài sản về cho địa phương quản lý. Vị trí trung tâm nằm ở địa điểm xung quanh có nhiều cụm dân cư sinh sống. Cơ sở vật chất của trung tâm này rất phù hợp để làm trường mầm non hoặc tiểu học để tránh bị lãng phí”, ông Cường cho hay.

Theo Bộ Tài chính, qua thực tiễn triển khai việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết đã bộc lộ nhiều vướng mắc. Việc lựa chọn đối tác liên doanh, liên kết theo các tiêu chí như quy định hiện hành gặp nhiều khó khăn do không có cơ sở để đánh giá, chấm điểm đối với từng tiêu chí.

Hơn nữa, trong thực tế có một số trường hợp trong quá trình thực hiện liên doanh, liên kết vì lý do bất khả kháng, đối tác không thể tiếp tục thực hiện nên đề nghị chấm dứt hợp đồng trước hạn. Tuy nhiên, quy định hiện hành không có quy định cụ thể cho trường hợp này, dẫn đến lúng túng trong xử lý… Trước thực trạng đó, Bộ Tài chính đã có tờ trình về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151.

Phó Giám đốc Sở Tài chính Lê Danh Thắng cho biết thêm, những vướng mắc trong giải quyết, xử lý các tài sản dôi dư sau sáp nhập, giải thể hoặc chuyển địa điểm mới không chỉ riêng ở tỉnh Đắk Lắk mà đây là khó khăn chung đối với tất cả địa phương trên phạm vi cả nước. Do vậy, địa phương cũng kỳ vọng vào việc sửa đổi, bổ sung quy định mới thay thế quy định hiện hành nhằm góp phần hoàn thiện hệ thống pháp lý về lĩnh vực này. Đồng thời, giúp các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện việc quản lý và sử dụng tài sản công được giao ngày càng hiệu quả hơn.

“Ở nhiều địa phương, không ít trụ sở bỏ hoang sau khi sáp nhập, trở thành nơi nuôi bò, heo, gà hoặc nơi đổ rác. Nhà cửa khang trang trở thành khu phế liệu, giá trị tài sản trên đất ngày càng thấp. Thậm chí, nếu đối tác liên kết kinh doanh, phải bỏ chi phí để đập bỏ, dọn dẹp đống xà bần đó. Không chỉ là tài sản trên đất như nhà cửa, biệt thự, mà lớn hơn chính là đất đai. Có những trụ sở nằm trên khu đất vàng, có giá trị rất lớn, nhưng khi sáp nhập bị bỏ hoang do không khai thác sử dụng. Những khu đất đó nếu được liên kết để kinh doanh, thương mại, dịch vụ thì sẽ đẻ ra tiền, nhưng muốn làm không dễ vì vướng mắc các quy định về quản lý tài sản công”, ông Thắng phân tích.

Cũng theo ông Thắng, chính quyền địa phương biết rõ, thấy rõ nhà cửa, trụ sở, đất đai bị bỏ hoang lâu ngày sẽ hư hỏng, nhưng vẫn cứ để cho các tài sản đó “trơ gan cùng tuế nguyệt” bởi vì, thà lãng phí, còn hơn nếu động vào khai thác, coi chừng sai phạm, bị kỷ luật thì ảnh hưởng đến cá nhân.

“Thời gian qua, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh Đắk Lắk bán một số trụ sở của các sở, ngành. Việc bán đấu giá đều công khai. Sở đã căn cứ vào Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, các Nghị định hướng dẫn để tham mưu cho UBND tỉnh để bán các tài sản công theo đúng quy định. Việc bán trụ sở, đất đai tài sản công tăng nguồn thu cho địa phương để đầu tư vào các lĩnh vực khác đang cần vốn là hết sức cần thiết, cấp bách hiện nay”, ông Thắng nói.

Thực tế, những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết, xử lý các tài sản dôi dư sau sáp nhập, giải thể không chỉ là cái khó riêng của tỉnh Đắk Lắk hay Đắk Nông mà là tình trạng chung trên cả nước. Chính vì vậy, cấp ủy, chính quyền và người dân luôn kỳ vọng vào việc sửa đổi, bổ sung quy định mới thay thế quy định hiện hành nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật đối với lĩnh vực này.

Đó cũng là cơ sở pháp lý giúp các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện việc quản lý và sử dụng tài sản công ngày càng hiệu quả hơn. Qua đó, tạo niềm tin trong nhân dân để các địa phương tiếp tục thực hiện thành công kế hoạch sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2030, trong năm 2024.

“Hiện UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tổng rà soát, lập phương án sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất do tỉnh quản lý, trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định. Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố lập phương án xử lý các cơ sở nhà, đất (dôi dư, không có nhu cầu sử dụng...) do cấp sở, ban, ngành, huyện quản lý theo hình thức bán đấu giá, trình UBND tỉnh xem xét để trình cấp có thẩm quyền duyệt phương án theo đúng các quy định hiện hành, tránh để không tài sản công gây lãng phí”, ông Thắng cho biết thêm.

Văn Thành
.
.