Bị “neo” quyền lợi, dân bức xúc (Kỳ 1)
Khu đất rộng hơn 53 ha nằm cạnh Khu du lịch Bà Nà Hills được quy hoạch làm khu dân cư phục vụ nhu cầu ở của cán bộ, nhân dân địa phương, song thực tế sau đó lại được bán chác tùy tiện, đi rất xa với mục đích phê duyệt ban đầu của cấp thẩm quyền.
Từ hàng loạt sai phạm mà cơ quan thanh tra chuyên ngành chỉ ra, dư luận cho rằng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, rõ nhất là hành vi cố ý làm trái trong việc cấp sai đối tượng đến 55 trường hợp với tổng diện tích đất thổ cư (đất ở nông thôn) lên đến 6,3ha.
Trao đổi với PV Báo CAND, lãnh đạo địa phương nhìn nhận do không tuân thủ đầy đủ, nghiêm túc pháp luật khi thực hiện dự án này nên đến nay vẫn chưa thể khắc phục triệt để hậu quả; quyền lợi của nhiều người dân lại không được đảm bảo đầy đủ… Trong khi đó, hàng loạt cán bộ liên quan sai phạm, trong đó có Chủ tịch UBND huyện Hoà Vang hiện nay từng được “giơ cao đánh khẽ”, chủ yếu là… phê bình rút kinh nghiệm.
Những ngày trung tuần tháng cuối cùng của năm 2024, PV Báo CAND tìm đến Khu dân cư kinh tế “Nhà vườn” Hoà Ninh, xã Hòa Ninh, huyện Hoà Vang (Đà Nẵng). Từ đường Bà Nà – Suối Mơ đi lên Khu du lịch Bà Nà Hills và nằm cạnh sân golf, vừa ngoặt vào đường tỉnh ĐT 602, chúng tôi đã nhận ra ngay cảnh sung túc, nhộn nhịp.
Có sổ chỉ để… cất hộc tủ
Một người dân có nhà gần Nhà văn hoá thôn An Sơn, xã Hoà Ninh cho biết, tiếp giáp với mặt tiền đường ĐT 602 này là một phần Khu dân cư kinh tế “Nhà vườn” Hòa Ninh. “Sở dĩ xe cộ đông đúc, tấp nập là do hầu hết các xe dịch vụ chở khách du lịch từ trung tâm TP Đà Nẵng và từ các nơi khác đến Bà Nà Hills khi không muốn chen chúc vào bãi đỗ của khu du lịch, tập trung về đây để đậu… chùa, không phải mất phí bến bãi. Quán xá mọc lên nơi đây nhộn nhịp, sung túc cũng là rứa”, người phụ nữ này cho biết.
Lần theo một lối rẽ cạnh một quán cơm niêu, đi vào phía sau đó để có thêm thông tin về dự án này, chúng tôi hơi bất ngờ khi gặp một quang cảnh khác xa với hình dung lúc đầu, đó là nhà cửa lèo tèo, thưa thớt đếm được trên đầu ngón tay. Điểm chung dễ thấy là hầu hết lô nền tại đây cỏ dại mọc đầy. Đi sâu vào so với mặt đường ĐT 602, chúng tôi thấy có một số lô nền được chủ đất cắm cọc, rào chắn. Tại lô 6 của phân khu dự án này, có khoảnh đất được chủ đất xây rào chắn khá đẹp mắt, phía ngoài cổng đặt biển doanh nghiệp nhưng bên trong chẳng thấy trụ sở mà chỉ là bãi đất trống với mấy tảng đá lớn…
Di chuyển về phía có nhiều căn nhà tập trung cạnh đó thì được biết đấy là Khu tái định cư phía Nam, ra đời để giải quyết nhu cầu tái định cư của người dân có đất… dính dự án này. Vừa cất xong căn nhà mới trên phần đất rộng gần 124m2, tại phân khu B2-11, vợ chồng ông bà Huỳnh Thiên K – Nguyễn Thị V cho biết cặp nền tái định cư nằm đối diện có quy cách tương tự nền của họ đang được kêu bán giá 2 tỷ đồng. Lấy lý do nền tại khu tái định cư hẹp, trong khi đang muốn cất… biệt thự, chúng tôi tiếp tục đi tìm thì được đơn vị môi giới BĐS P.D nhiệt tình giới thiệu mấy nền đất rộng trong dự án Khu dân cư kinh tế nhà vườn...
Đầu tiên là nền quy cách 25mx51,2m (tổng diện tích 1.278m2), được chính quyền ký cấp giấy chứng nhận gần cuối năm 2010, giá chào bán 5 triệu đồng/m2. Cảm giác tôi có vẻ lưỡng lự do ở mục “Địa chỉ” của lô nền thấy tên dự án là “Khu dân cư kinh tế nhà vườn Hòa Ninh…”, người tiếp chuyện bên đơn vị môi giới này khẳng định, tại mục “Mục đích sử dụng” có nội dung “Xây dựng nhà vườn” là… OK rồi”. Người này còn thông tin “do chủ đất kẹt tiền mới bán”, như ngầm ý nói giá đó cũng… “mềm”.
Chúng tôi chưa vội đi xem nền mà tìm đến một quán cà phê nhỏ, gặp một người tên C. Anh này giới thiệu một nền rộng 1.262,7m2 có 2 mặt tiền nằm cách ngôi đình làng chỉ vài bước. Nền này được chào bán 6 triệu đồng/m2. Anh C cũng cho chúng tôi xem nền rộng hơn (1.605m2) tại vị trí lô 4 khu Phân khu của dự án này. Theo giá bán là 8 triệu đồng/m2 mà anh này đưa ra, tôi nhẩm tính nền này cũng phải gần 13 tỷ đồng. “Hồi lúc đất còn sốt, nền này không dưới 15 tỷ đâu”, anh C nói.
Chợt nhớ đến lời một số người dân than phiền khi quyền lợi bị… “neo” khi giao dịch quyền sử dụng đất ở khu dân cư này, cụ thể là không được sang tên, từ đó không thể xin được phép cất nhà cùng nhiều quyền lợi khác, chúng tôi liên hệ một lãnh đạo UBND xã Hòa Ninh thì được biết, việc mua bán, chuyển nhượng các lô nền tại Khu dự án kinh tế “nhà vườn” Hoà Ninh đang bị vướng do có sự chồng chéo về ranh giới của dự án. “Việc cấp đổi sang tên của hầu hết nền trong dự án này vì thế bị ách tắc và thành phố cũng đang… gỡ. Hai bên mua bán thì vẫn có thể ra công chứng nhưng chính quyền tạm thời chưa giải quyết…”, vị cán bộ này thông tin và cho biết, chính do điều này nên việc cấp phép xây dựng cũng không thể bởi công trình kiến trúc mọc lên sẽ càng… rối.
“Đất lạ” không có trong luật
Thấy chúng tôi quan tâm đến mục đích sử dụng của nhiều lô nền tuy diện tích khá rộng nhưng đều được chính quyền công nhận là “Đất ở nông thôn”, một người dân cho biết: “Đó cũng là điều rất đặc biệt của dự án này. Nền rộng đến ba, bốn nghìn mét vuông cũng đều là thổ cư hết. Nên ai mua được nền ở đây cứ cất nhà một phần, phần đất thổ cư dôi ra cứ… mặc sức trồng rau, nuôi gà, thả cá. Nghĩ lại thấy lãng phí quá…”.
Quyết tâm truy tìm bản chất của vấn đề, chúng tôi đã gõ cửa nhiều cơ quan chức năng và không khỏi bất ngờ khi phát hiện một số văn bản liên quan. Đáng chú ý, tại Quyết định số 2860/QĐ-UBND ngày 13/5/2003 của Chủ tịch UBND thành phố (phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 Tổng mặt bằng dự án Khu dân cư kinh tế “nhà vườn” Hòa Ninh), chỉ quy định về diện tích giao đất từ 500-1.000m2 và trên 1.000m2, không phê duyệt mục đích sử dụng đất mà chỉ thể hiện là đất… "nhà vườn".
Một cán bộ từng công tác trong lĩnh vực quản lý đất đai nhiều năm khẳng định, theo quy định của pháp luật đất đai qua các thời kỳ và đến thời điểm hiện nay, không hề có quy định loại đất nào là "nhà vườn" mà chỉ có “đất ở tại nông thôn”, “đất trồng cây lâu năm”, “đất trồng cây hàng năm”,...
Theo tài liệu mà PV Báo CAND thu thập được, khi triển khai thực hiện dự án, UBND huyện Hòa Vang, BQL dự án đã lập Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất cho các cá nhân và công nhận toàn bộ diện tích là… “đất ở tại nông thôn”.
Đối với hạn mức, theo quy định của Luật Đất đai năm 2003, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định hạn mức đất giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân để làm nhà ở tại nông thôn. Năm 2006, UBND TP Đà Nẵng ban hành Quyết định số 103/2006/QĐ-UBND quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chỉ quy định về hạn mức công nhận đất ở (Điều 12) cho hộ gia đình, cá nhân (400m2/hộ, đối với khu vực sử dụng đất ở có vị trí mặt tiền đường ĐT 602 là 300m2/hộ) nhưng không có quy định hạn mức giao đất ở.
Hai năm sau, UBND thành phố ban hành Quyết định số 08/2008/QĐ-UBND quy định hạn mức giao đất ở, hạn mức công nhận đất ở đối với thửa đất ở có vườn, ao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân. Tại khoản 1 Điều 1 của quyết định vừa kể quy định hạn mức giao đất ở cho mỗi hộ gia đình, cá nhân tại xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang là 300m2/hộ, với trường hợp sử dụng đất ở có vị trí mặt tiền đường ĐT 602 là 150m2/hộ. Có điều, tại khoản 2 Điều 2 quyết định này không áp dụng hạn mức giao đất ở theo quy định tại khoản 1 Điều 1 đối với khu vực đã có quy hoạch chi tiết xây dựng.
Đây chính là nguyên nhân chính cho sự ra đời, tồn tại của hàng trăm lô nền có diện tích thênh thang tại dự án Khu dân cư kinh tế “Nhà vườn” Hòa Ninh như chúng tôi đã kể trên.
Tìm hiểu thêm vì sao quyền lợi của nhiều người dân có nền trong Khu dân cư kinh tế “Nhà vườn” Hòa Ninh bị “neo” nhiều năm trời, PV Báo CAND được biết, có ít nhất 144 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng) mà huyện Hòa Vang đã cấp cho người dân đã phải bị tạm ngừng giao dịch. Một cán bộ quan tâm đến vụ việc này cho biết đây là một trong những động thái kịp thời của Sở TN&MT ngay khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng đất, giao đất, cấp sổ hồng tại dự án này, bởi nếu không sẽ dẫn đến phát sinh rất nhiều vấn đề pháp lý tiếp theo đối với các sổ hồng đã cấp do quyền sử dụng đất luôn biến động…
Đối với hạ tầng tại Khu dân cư kinh tế “Nhà vườn” Hòa Ninh, khi được hỏi về mức độ hoàn chỉnh, một “cò” đất mà chúng tôi gặp khẳng định rằng… “rất OK”. Thực tế đến hôm khi chúng tôi tìm đến dự án, chỉ sau một cơn mưa không quá nặng hạt nhưng nước mưa đã chảy lênh láng trên mặt đường; thậm chí có chỗ nước đọng thành vũng, sâu cả gang tay. Một cán bộ huyện thừa nhận hạ tầng tại dự án này, nhất là đường giao thông, vỉa hè, hệ thống cống thoát,… vẫn chưa thật sự hoàn chỉnh. Khi gặp lại, nghe chúng tôi nói về những gì tận mắt chứng kiến thì anh… “cò” hôm trước vả lả: “Hạ tầng tại dự án này thật ra cũng hên xui, có chỗ đường bị đọng nước, có chỗ điện chưa đến…”. Rồi anh ta lấp liếm: “Chính vì hạ tầng chưa hoàn chỉnh nên nền ở đây mới có giá mềm như rứa” (?).