Vì sao Phần Lan giữ vững top 1 trong bảng xếp hạng hạnh phúc thế giới?

Thứ Tư, 20/03/2024, 16:06

"Báo cáo Hạnh phúc Thế giới" năm 2024 một lần nữa xếp hạng Phần Lan là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Bà Jennifer De Paola, chuyên gia nghiên cứu về tâm lý tại Đại học Helsinki đã tiết lộ những yếu tố then chốt giúp Phần Lan 7 năm liên tiếp đạt danh hiệu này.

Nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), Liên hợp quốc công bố "Báo cáo Hạnh phúc Thế giới" nhằm xếp hạng mức độ hạnh phúc của gần 150 quốc gia. Theo đó, quán quân của bảng xếp hạng năm nay tiếp tục gọi tên Phần Lan.

Bà Jennifer De Paola, chuyên gia nghiên cứu về tâm lý tại Đại học Helsinki cho biết, không phải ngẫu nhiên mà Phần Lan trụ vững top 1 của bảng xếp hạng hạnh phúc trong 7 năm liên tiếp. Theo bà, người dân Phần Lan có mối liên kết chặt chẽ với thiên nhiên và họ đạt được sự cân bằng lành mạnh giữa công việc và cuộc sống.

“Xã hội Phần Lan tràn ngập cảm giác tin cậy, tự do và mức độ tự chủ cao. Nơi đây, người dân được chăm sóc sức khỏe miễn phí với hệ thống y tế chất lượng và các chương trình giáo dục tiên tiến. Nếu lỡ làm rơi ví thì ai đó nhặt được sẽ tìm cách trả lại tận tay cho bạn. Họ không đánh đồng sự hạnh phúc với lợi ích tài chính", bà Jennifer De Paolo chia sẻ.

Vì sao Phần Lan giữ vững top 1 trong bảng xếp hạng hạnh phúc thế giới? -0
Phần Lan đứng top 1 bảng xếp hạng hạnh phúc thế giới 7 năm liên tiếp. Nguồn: Getty Images

Các vị trí tiếp theo trong top 10 của bảng xếp hạng năm nay lần lượt điểm tên Đan Mạch, Iceland, Thụy Điển, Israel, Hà Lan, Na Uy, Luxembourg, Thụy Sĩ và Australia.

Giáo sư Jan-Emmanuel De Neve, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe tại Đại học Oxford, đồng thời là biên tập viên của báo cáo nêu trên cho hay, ở các quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao thì tài sản được phân bổ đồng đều hơn nên được hưởng phúc lợi quốc gia tốt hơn, mang lại sự ổn định về tâm lý cho người dân.

Theo báo cáo này, chỉ số hạnh phúc có xu hướng gia tăng ở một số quốc gia tại Đông Âu như Serbia, Bulgaria, Latvia. Trong khi đó, Mỹ và Đức lần đầu tiên rớt khỏi top 20 kể từ báo cáo đầu tiên được công bố cách đây hơn 1 thập kỉ, nhường chỗ cho Costa Rica (vị trí 12) và Kuwait (vị trí 13).

Cụ thể, chỉ số hạnh phúc ở những người trẻ tại Mỹ hay Đức và một số nước phương Tây khác bị giảm là do tác động tiêu cực của mạng xã hội, sự phân cực ngày càng gia tăng của các vấn đề trong nước và bất bình đẳng kinh tế.

Báo cáo cũng nêu thêm, rằng mức độ hạnh phúc tiếp tục sụt giảm ở Trung Đông và Bắc Phi, với mức giảm nghiêm trọng ở nhóm tuổi trung niên. Afghanistan, nơi bị ảnh hưởng bởi thảm họa nhân đạo kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát năm 2020, xếp cuối bảng xếp hạng.

Nếu năm 2023, Việt Nam đứng thứ 65 trong bảng xếp hạng thì năm 2024 đã tăng 11 bậc, đứng vị trí thứ 54. Tại ở khu vực châu Á, Việt Nam đứng vị trí thứ 6, sau Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines.

Được biết, báo cáo năm nay đánh giá tại 143 quốc gia, dựa trên các chỉ số như tuổi thọ, sức khỏe, thu nhập bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội trong thời kỳ khó khăn, mức độ tham nhũng và lòng tin xã hội. Với chủ đề “Cùng nhau hạnh phúc hơn”, báo cáo của Liên hợp quốc kêu gọi mọi người trân trọng cảm giác được kết nối với người khác và trở thành một phần của điều gì đó lớn lao, khuyến khích làn tỏa những điều tích cực trong bối cảnh thế giới còn nhiều bất ổn.

Kim Khánh
.
.