Khám phá làng “cổ dài” độc lạ Akha

Thứ Năm, 23/01/2025, 15:47

Gọi là làng cổ dài vì cả làng đàn bà, con gái đều cổ dài. Đàn bà, con gái cổ dài chứ không phải đàn ông. Lạ thế!

Trên đường lên vùng Tam Giác Vàng ngã ba biên giới Myamar - Thái Lan - Lào, tôi đã được nghe các câu chuyện về làng cổ dài ở ba tỉnh Chiang Mai, Chiang Rai, Mae Hong Son thuộc miền Bắc Thái Lan. Làng Huay Pu Keng cách Mae Hong Son khoảng 30 cây số, làng cổ dài Huay Sua Tao cách Mae Hong Son xa hơn một chút. Ở Mae Rim, và Mae Taeng có hai làng cổ dài cách Chiang Mai khoảng 40 cây số. Ở Nang Lae của Chiang Rai cũng có một làng cổ dài. Còn nhiều làng cổ dài nữa tập trung nhiều ở ba tỉnh phía Tây Bắc Thái Lan giáp Myamar. Anh Ra Mốt người Thái đi cùng đoàn chúng tôi bảo: Ở Thái Lan, ước tính có khoảng 65 ngàn người cổ dài của bộ tộc Kayah, Kayin, Akha,… thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng - Miến có nguồn gốc từ bang Shan, bang Kayah - Myamar.

Khám phá làng “cổ dài” độc lạ Akha_CAND_TET-T41 -0
Cổng làng người cổ dài Me Kha Chan.

Chúng tôi đến làng cổ dài Me Kha Chan của người Akha lúc gần trưa. Làng có gần ba chục nóc nhà, hơn một trăm nhân khẩu. Cổng làng làm bằng gỗ mộc treo các vỉ tre đan hình mắt cáo. Bà Nhum nhà ở gần cổng làng nói được tiếng Thái, và anh Ra Mốt kể lại lời bà rằng: “Người Akha dựng cái tà liểu này để ngăn, chắn ma quỷ, không cho chúng vào làng”. Cổng làng Me Kha Chan có vẻ đơn sơ, hoang dại nhưng vô cùng bí ẩn. Một bên cổng dựng sát cây cổ thụ xum xuê có cặp tượng gỗ nam nữ, cái đang bị mối xông, cái còn sinh thực khí nam to bự. Phía bên kia cổng cũng có một cặp tượng gỗ tương tự đã quá cũ, chỉ phân biệt được nam hay nữ bằng hình khối đục đẽo mái tóc dài và ngắn.

Trước đây, làng cổ dài Me Kha Chan ở vùng rừng núi Mé Sa Loong phía Bắc Myamar. Các làng cổ dài khác đều từ bang Shan, bang Kayah của Myamar di cư sang miền Tây Bắc nước Thái Lan là chủ yếu. Vì sao họ phải làm cuộc thiên di bỏ quê hương đến nơi núi rừng xứ lạ trú ngụ, sinh tồn? Các tộc người thiên di như một tất yếu của lịch sử nhân loại. Từ thế kỷ XVII, đã có lác đác các nhóm người cổ dài từ Myamar thiên di sang Thái Lan, sống ẩn khuất trong rừng già, số lượng không đáng kể. Nhưng bắt đầu di cư ồ ạt là vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Hiện tượng này có nguyên nhân bắt đầu từ giữa những năm 1950, người Karen đấu tranh vũ trang đòi ly khai. Họ tập trung dưới cờ Liên minh Dân tộc Karen chiến đấu nhiều thập kỷ quyết giành quyền tự trị khu vực dọc biên giới Thái Lan. Chính quyền Myamar đàn áp mạnh mẽ, đất nước nội chiến triền miên. Đỉnh điểm xung đột đẫm máu vào những năm 80 của thế kỷ XX. Khói lửa rừng rực bản làng, tiếng súng đạn không lúc nào dứt. Hàng ngàn người chết vì xung đột. Hàng vạn người bộ tộc Kayah, Kayin, Akha mất nhà cửa, đành phải rời bỏ bản làng, quê hương chạy trốn chiến tranh chết chóc. Rừng rậm cũng đi, núi cao cũng vượt, sông sâu cũng lội… Cuộc thiên di lớn nhất cách đây gần 40 năm như một làn sóng người tị nạn, và họ đã sống cuộc sống người tha hương trên đất Thái Lan bằng ấy năm. Dĩ nhiên, họ ra đi khỏi quê hương cũng mang theo hành trang văn hóa, đời sống tinh thần được kết tinh từ thời tiền sử bộ tộc đến nay, và tập tục mang vòng đồng thau làm cho phụ nữ cổ cao lên dài ra vẫn duy trì như một nét đẹp tinh thần và tâm linh không bao giờ bỏ.

Bà Nhum 58 tuổi người bộ tộc Akha, tên Thái là Oi ở làng cổ dài Me Kha Chan kể: Những cô bé người Akha lên 5 tuổi thì bắt đầu được gia đình làm nghi lễ đeo chuỗi vòng đồng thau đầu tiên. Cứ bốn năm sẽ được thay chuỗi vòng mới cao hơn, nhiều vòng hơn. Càng lớn càng đeo nhiều vòng, cổ càng dài. Khi đến tuổi trưởng thành thì đã đeo trên 20 cái vòng, và đến tuổi trung niên thì có người đã đeo gần 40 chiếc vòng, nặng trĩu cổ, ước khoảng hơn chục kilôgam. Những người ở làng cổ dài Me Kha Chan rất thân mật, giao tiếp thân ái, họ có thể cho khách lạ đếm hoặc tự họ vừa cười vừa đếm số vòng trên cổ họ một cách vui vẻ. Chuỗi vòng cổ hình trụ loe rộng ở phía vai và phía cằm, gáy, thu nhỏ dần lại ở phần cổ nên khá đẹp về tạo hình. Màu sắc của đồng thau vàng chóe. Chuỗi vòng cổ hầu như gắn suốt đời với họ trên cái cổ dài. Cổ cao lên dài ra có lẽ do sức nặng của các vòng đồng thau làm cho phần xương đòn và cơ vai áp cổ lún sụn xuống. Vả lại, cổ hở ra lại bị đeo vào các vòng mới che khuất. Chuỗi vòng đỡ được phần nào sức nặng của đầu nên khớp cổ và đĩa đệm ít chịu lực đỡ và không bị xẹp nên hình thái xương cổ lúc trưởng thành đến lúc chết gần như nguyên vẹn cũng góp phần làm nên cái cổ dài khác thường.

Chỉ có ba thời điểm được tháo vòng cổ: Lúc lấy chồng, lúc sinh con và khi vĩnh biệt thế gian này. Chuỗi vòng qua bao nhiêu năm tháng ngự trên cổ vai nên đòi hỏi người phụ nữ phải thật khéo tay và tinh tế dùng khăn nhỏ mềm thấm nước luồn nhẹ qua kẽ vòng để kì cọ một cách nhẹ nhàng, tỉ mỉ, và công phu.

Khám phá làng “cổ dài” độc lạ Akha_CAND_TET-T41 -0
Tác giả và một người phụ nữ cổ dài Akha.

Chúng tôi được cô gái tên là Ma Nu Ê cho xem chuỗi vòng bị cắt một nửa dùng làm đồ lưu niệm cho khách lạ đeo thử vào cổ. Chỉ có nửa chuỗi vòng cắt nửa hình bán nguyệt mà cầm đã nặng trĩu tay. Không chỉ đeo vòng đồng thau vào cổ, mà đàn bà con gái Akha còn đeo vòng ở chân và tay. Ở cổ tay thì cũng thông dụng và ưa nhìn như con gái của nhiều sắc tộc khác, nhưng đeo vòng ở chân chỗ dưới kheo và đầu gối thì cũng là sự lạ. Có người thấy chuỗi vòng đeo cổ đẹp, có người thấy nó bình thường, nhưng ai cũng thấy lạ. Lạ bởi một vật nặng ngày này qua tháng khác đè lên vai, đeo vòng qua cổ thì chẳng biết các cơ xương vai, sụn và đốt sống cổ gáy chịu đựng thế nào? Họ đi ngủ cùng chuỗi vòng ấy ra sao? Họ sinh hoạt cùng chuỗi vòng ấy thế nào? Không ai hình dung được, nhưng chuỗi vòng vẫn ngự trên vai đeo vào cổ dài của họ và đi cùng tháng năm như một vẻ đẹp không thể tách khỏi đời sống tinh thần.

Đời sống văn hóa, nghệ thuật của người cổ dài rất đặc sắc. Những người phụ nữ gõ ống luồng tay giữ thẳng đứng gõ lên cây gỗ đặt ngang nằm dài tạo ra âm thanh trầm đục, miệng tươi hát các điệu dân ca. Đàn ông đánh trống bưng da một mặt tròn như mặt nguyệt phụ họa. Âm nhạc đơn giản chỉ là cắc… cum, cắc… cum cũng tạo nền cho các điệu dân ca bay xa. Đặc biệt có người phụ nữ vừa hát vừa đánh đàn bốn dây và đệm như chơi đàn ghi ta rất điêu luyện. Người cổ dài bộ tộc Akha còn biết chế tạo ra một loại keo dưỡng da từ thảo dược trong rừng, có tác dụng giữ ẩm, tẩy bì già không chỉ tự dùng mà còn biến nó thành mỹ phẩm hàng hóa. Chứng tỏ đời sống của bộ tộc người cổ dài rất phong phú và đặc sắc, chỉ có điều do hoàn cảnh tha hương, sống khó khăn, nên cái khó bó cái khôn.

Đất nước Thái Lan có tiếng biết làm du lịch nổi tiếng thế giới, và cũng biết cách để giới thiệu văn hóa đất nước ra ngoài biên giới. Có nhiều làng cổ dài còn trong rừng núi sâu, nhưng có một số làng được di dời đến gần quốc lộ, tỉnh lộ và “mở cổng làng” làm du lịch. Anh Ra Mốt bảo: Ở Pattaya cũng có ba làng cổ dài đã mở cổng cho khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu văn hóa, mua đồ lưu niệm. Làng cổ dài ở Mae Rim và Mae Taeng vé vảo cổng làng là 300 bath, còn vào cổng làng người cổ dài Huay Pu Keng là 200 bath với danh nghĩa hỗ trợ giáo dục và phát triển đời sống bộ tộc thiểu số. Còn làng cổ dài Me Kha Chan thì cổng làng mở toang, không bán vé.

Điều dễ nhận thấy nhất ở các làng cổ dài phần lớn là đàn bà con gái, còn đàn ông con trai có lẽ đang đi làm trên nương rẫy. Nhà cửa của họ dù nhà sàn hay nhà mặt đất cũng thật đơn sơ, và nghèo nàn. Họ sinh sống bằng làm nương rẫy, dệt vải truyền thống và bán đồ lưu niệm. Người cổ dài Akha, Kayah… đều rất mong muốn được gặp gỡ, giao lưu với các bộ tộc người khác. Họ không cảm thấy mặc cảm, hay bị kỳ thị mà vui mừng vì không bị bỏ rơi, bỏ quên trong rừng và được gặp thế giới ở ngoài cổng làng.

Sương Nguyệt Minh
.
.