Bi kịch ở “ngôi làng một thận” tại Bangladesh

Thứ Ba, 08/07/2025, 14:39

Tình trạng mua bán trái phép nội tạng người, đặc biệt là thận, từ lâu đã trở thành vấn đề nhức nhối tại đất nước Nam Á Bangladesh. Tuy vậy, nhu cầu cao cũng như hệ thống quy định pháp luật còn nhiều kẽ hở khiến cho vấn nạn này chưa thể được giải quyết triệt để. 

Bi kịch ở những “ngôi làng một thận” tại Bangladesh -0
Vết sẹo sau khi bán thận của Safiruddin. Ảnh Al Jazeera.

Trong buổi chiều muộn rọi nắng vàng lên làng quê Baiguni, quận Kalai Upazila của Bangladesh, một người đàn ông ngồi lặng lẽ trước ngôi nhà xây dở dang bằng gạch thô. Đó là Safiruddin, 45 tuổi, vẫn cảm thấy cơn đau âm ỉ nơi hông, di chứng từ một quyết định mà anh từng nghĩ sẽ là lối thoát cho cả gia đình khỏi nghèo đói: bán đi một quả thận.

Vào mùa hè năm 2024, Safiruddin đã bán thận ở Ấn Độ với giá 3,5 lakh taka (tương đương khoảng 2.900 USD hay gần 76 triệu Đồng). Mục tiêu của người đàn ông này là dùng số tiền đó để xây nhà và mang lại tương lai tốt hơn cho ba người con nhỏ. Nhưng chỉ một năm sau, tiền đã hết, ngôi nhà vẫn dở dang, và nỗi đau thể xác lẫn tinh thần vẫn dai dẳng như một vết sẹo không lành. “Tôi đã làm điều đó vì vợ con tôi. Tôi chỉ muốn họ có cuộc sống tốt đẹp hơn”, Safiruddin nói. Nhưng thực tế thì khắc nghiệt hơn anh tưởng.

Mạng lưới buôn thận: Khi tuyệt vọng biến thành hàng hóa

Safiruddin không phải là trường hợp cá biệt. Làng Baiguni, nơi Safiruddin sinh sống, từ lâu đã nổi danh là “ngôi làng một thận”. Với dân số chưa đến 6.000 người, tỷ lệ người từng bán thận ở đây cao đến mức đáng báo động. Kalai Upazila, một trong những khu vực nghèo nhất của Bangladesh, là điểm nóng của “ngành công nghiệp buôn bán thận”. Một nghiên cứu được đăng tải trên ấn phẩm Sức khỏe toàn cầu của Tạp chí Y khoa Anh năm 2023 cho thấy cứ 35 người trưởng thành ở Kalai Upazila thì có một người đã bán thận.

Sự nghèo đói vô tình lại khiến cho hoạt động này lan rộng. Đối với nhiều người dân, lời hứa về vài ngàn USD đủ để đổi lấy một phần cơ thể là điều khó cưỡng. Các đối tượng “cò mồi”, phần lớn là người địa phương, hứa hẹn mọi thứ sẽ “an toàn và hợp pháp”. Nhưng phía sau là cả một hệ thống lừa đảo được tổ chức tinh vi và xuyên biên giới.

Khi được đưa sang Ấn Độ, Safiruddin được làm giả giấy tờ để chứng minh anh là họ hàng của người nhận thận, một điều kiện bắt buộc theo luật ghép tạng ở Ấn Độ. Các giấy tờ, xét nghiệm ADN, hồ sơ bệnh viện, tất cả đều có thể bị làm giả.

Safiruddin kể lại, những kẻ môi giới thường tịch thu hộ chiếu, đơn thuốc sau ca phẫu thuật, xóa sạch mọi dấu vết của ca ghép và khiến người bán thận không còn bằng chứng về quy trình hoặc không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc, theo dõi sức khỏe sau phẫu thuật.

Monir Moniruzzaman, giáo sư tại Đại học Bang Michigan (Mỹ) và là thành viên của Nhóm công tác về cấy ghép nội tạng của Tổ chức Y tế Thế giới, cho biết: “Tên người bán bị thay đổi, giấy tờ bị công chứng giả, chứng minh nhân dân bị làm giả để tạo mối quan hệ gia đình giả giữa người hiến và người nhận. Hệ thống này đã trở thành một ngành công nghiệp”.

Josna Begum, một phụ nữ 45 tuổi sống sống tại Kalai Upazila, cũng từng tin vào lời hứa đổi đời. Năm 2019, chị và chồng mới cưới Belal bị một người môi giới dụ dỗ bán thận ở Ấn Độ. Giá ban đầu được hứa là 7 lakh taka (khoảng 5.700 USD hay gần 150 triệu Đồng), nhưng cuối cùng chị chỉ nhận được 3 lakh taka. “Sau đó, Belal bỏ tôi và cưới người khác”, Josna kể. Giờ đây, chị sống với những cơn đau mãn tính và không thể lao động nặng. Những lời hứa về tương lai, việc làm cho con cái, hỗ trợ y tế… tất cả đều tan biến.

Bi kịch ở những “ngôi làng một thận” tại Bangladesh -0
Cảnh sát tại New Delhi, Ấn Độ, bắt giữ các nghi phạm trong một vụ án buôn bán nội tạng tại bệnh viện Indraprastha năm 2016. Ảnh Getty Images. 

Biên giới xốp, lòng người mong manh

Những quả thận của người nghèo sau khi được “thu hoạch” sẽ được bán cho khách hàng giàu có ở Bangladesh và Ấn Độ. Ví dụ, tại Ấn Độ, chỉ có khoảng 13.600 ca ghép thận được thực hiện vào năm 2023, so với ước tính 200.000 bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn cuối hàng năm. Đạo luật Cấy ghép Nội tạng Người (THOA) 1994 của nước này nghiêm cấm hiến tặng vì mục đích thương mại. Tuy nhiên, sự dễ dàng trong việc làm giả giấy tờ và sự thiếu kiểm soát tại các hội đồng cấp phép khiến nhiều ca cấy ghép bất hợp pháp vẫn được thực hiện dưới vỏ bọc “hợp pháp”.

Một bác sĩ ghép tạng nổi tiếng ở Delhi có tên Vijaya Rajakumari đã bị bắt vào năm 2024 sau khi thực hiện ít nhất 15 ca cấy ghép cho người Bangladesh. Nhưng các chuyên gia cho rằng những vụ bắt giữ như vậy chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.

“Càng nhiều ca ghép thì bệnh viện càng có doanh thu”, chuyên gia Moniruzzaman nhận định. Các bệnh viện có thể viện lý do “giấy tờ hợp lệ” để phủi trách nhiệm.

Shariful Hasan từ tổ chức BRAC cho biết: “Một bệnh nhân giàu có cần thận, một người trung gian tìm thấy một người nghèo, vòng tròn này cứ tiếp tục”. BRAC là một tổ chức phát triển quốc tế có trụ sở tại Bangladesh, được thành lập năm 1972, tập trung vào việc tạo cơ hội cho những người sống trong nghèo đói và bất bình đẳng, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Các mạng lưới này thay đổi bệnh viện, phương thức vận chuyển, địa điểm ghép... để tránh bị theo dõi. Khi cảnh sát truy quét một nơi, họ chuyển sang địa điểm khác, từ Kolkata sang Delhi, từ bệnh viện công sang tư, từ hợp pháp sang phi pháp.

Kẻ tổn thương lại muốn làm tổn thương người khác

Một trong những lý do chính khiến nạn buôn thận khó bị dập tắt là do ranh giới giữa nạn nhân và thủ phạm ngày càng mờ nhạt. Trong một số trường hợp, nạn nhân cũng trở thành đồng lõa hay thủ phạm của vụ lừa đảo bán thận. Mohammad Sajal (tên nhân vật đã thay đổi), từng là một doanh nhân ở Dhaka bán các mặt hàng gia dụng thông qua Evaly, một nền tảng thương mại điện tử hào nhoáng hứa hẹn lợi nhuận lớn. Nhưng khi Evaly sụp đổ, sinh kế của Sajal cũng tan biến.

Chìm trong nợ nần và chịu áp lực rất lớn phải trả nợ, anh đã bán thận của mình vào năm 2022 tại Bệnh viện Venkateshwar ở Delhi, Ấn Độ. Nhưng người này không nhận được số tiền hứa hẹn là 10 lakh taka (8.000 USD, gần 210 triệu Đồng). Điều đáng buồn là người này lại tham gia vào nhóm môi giới để lừa đảo người khác. Sau nhiều tháng làm “cò mồi”, sắp xếp các ca ghép thận cho một số người hiến tặng Bangladesh tại các bệnh viện Ấn Độ, anh ta đã bỏ nghề này vì sợ cho tính mạng của mình.

Hiện tại, Sajal làm tài xế ở Dhaka, cố gắng thoát khỏi quá khứ. Nhưng những vết sẹo, cả về thể chất lẫn tinh thần, vẫn còn đó.

Bi kịch ở những “ngôi làng một thận” tại Bangladesh -0
Kinh doanh ghép thận từ lâu đã mang lại lợi nhuận cao ở Bangladesh và Ấn Độ. Ảnh minh họa Telegraph.

Câu hỏi về đạo đức và một lối thoát chưa rõ ràng

Rất nhiều người bán thận ở Bangladesh đều chia sẻ những câu chuyện tương tự về việc bị khuyến khích phải bán thận do khó khăn về tài chính. Hoạt động buôn bán này được thúc đẩy bởi một phương trình đơn giản nhưng tàn khốc: Nghèo đói tạo ra nguồn cung, trong khi thời gian chờ đợi lâu, tình trạng thiếu hụt người hiến hợp pháp nghiêm trọng, sự sẵn lòng của những bệnh nhân giàu có để trả tiền cho các ca ghép nhanh và hệ thống thực thi pháp luật yếu kém đảm bảo rằng nhu cầu này không bao giờ ngừng lại.

Nhiều chuyên gia kêu gọi một khung pháp lý linh hoạt hơn, không phải để hợp pháp hóa mua bán nội tạng, mà để bảo vệ người hiến. “Cần có hệ thống theo dõi y tế lâu dài và đảm bảo tài chính tối thiểu cho người hiến tặng”, Vasundhara Raghavan từ tổ chức Kidney Warriors Foundation đề xuất.

Thế nhưng, khi sự nghèo đói vẫn còn và lỗ hổng pháp lý chưa được khắc phục, những người như Safiruddin hay Josna sẽ tiếp tục mạo hiểm chính cơ thể của mình. Họ vẫn sống trong ngôi nhà dở dang, vẫn trăn trở từng đêm khi nghĩ về những gì đã mất. Họ không chỉ mất một phần cơ thể mà còn mất niềm tin, mất hy vọng, và có thể là cả tương lai.

Duy Tiến (Dịch theo Al Jazeera)
.
.