Dấu ấn CAND trong chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát
Những ngày qua, chiến dịch xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đang tăng tốc về đích. Bộ Công an đã góp sức dựng xây, hỗ trợ hàng nghìn gia đình có được một mái ấm để che nắng che mưa. Những ngôi nhà của ý Đảng lòng dân, kiên cố, khang trang, góp phần giúp bà con yên tâm lao động sản xuất, bám đất, bám bản, xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
Từ những căn nhà ước mơ
Giữa trưa, trong cái nắng như đổ lửa của tháng Ba Tây Nguyên nhưng từng tốp thợ vẫn miệt mài khiêng từng viên đá, trộn từng vữa hồ để hoàn thành nốt căn nhà cho gia đình chị Khat (SN 1986, người dân tộc Xơ Đăng, trú tại buôn Kon Wang, xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk). Gia đình chị Khat bao năm nay phải sống chật vật trong căn nhà chưa đầy 10m2. Đứng trong căn nhà mới sắp hoàn thành, chị Khat liên tục lấy vạt áo chấm những giọt nước mắt xúc động, Ngôi nhà là cả một gia tài, đến cả trong mơ chị cũng không bao giờ nghĩ đến.

Hai vợ chồng có 3 người con đang độ tuổi ăn, tuổi học. Không có đất sản xuất, chồng chị Khat phải đi làm thuê xa nhà, 3 mẹ con chị sống trong căn nhà tạm bợ rộng chưa đầy 10m2 nên thường xuyên chịu cảnh mưa thì dột, nắng thì nóng. Cách đây chưa lâu, khi cả 3 mẹ con đang loay hoay dọn nhà thì có chị Phó trưởng Công an xã vào thông báo gia đình chị thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ xây nhà mới. “Từ khi khởi công đến nay, ngày nào mình cũng ra ngắm và mong căn nhà sớm hoàn thiện để sống đỡ cơ cực”, chị Khat vui mừng chia sẻ.
Tương tự, đại gia đình ông Y Thăn Ksơr (trú tại buôn Kmiên, xã Ea Drông, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk) với 7 nhân khẩu hàng chục năm nay phải sống tạm bợ trong căn nhà gỗ chật chội, dột nát, xuống cấp nghiêm trọng. Gần 10 năm qua, kể từ ngày ông Y Thăn Ksor bị tai biến, mọi gánh nặng đều đặt lên đôi vai gầy của cô con gái H’en Niê. Chỉ có hơn 3 sào đất rẫy nên chị phải quanh năm làm thuê, cuốc mướn để trang trải cuộc sống cho gia đình. Ngôi nhà cũ làm bằng gỗ đã được xây dựng từ lâu, bị dột nhiều chỗ nhưng gia đình chưa có điều kiện để sửa chữa.
Ngày được chính quyền khởi công xây dựng căn nhà mới, nước mắt chị H’en Niê chực trào. “Nhờ được các anh chị Công an và chính quyền hỗ trợ, chúng tôi không còn lo nhà dột mỗi khi mưa, bụi bặm hay nóng bức khi nắng. Đây là động lực để các thành viên trong gia đình lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo”, chị H’en Niê chia sẻ.
Đến hàng nghìn căn nhà của ý Đảng, lòng dân
Ông Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, trong những năm qua, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cùng với hệ thống chính trị đã chung sức, đồng lòng, huy động mọi nguồn lực để thực hiện công tác xoá đói, giảm nghèo, xây dựng, sửa chữa nhà ở các đối tượng người có công, hộ nghèo, hộ gặp khó khăn về nhà ở trên địa bàn.

Trong giai đoạn 2021-2024, tỉnh Đắk Lắk đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa được 5.639 căn nhà. Trong đó có 1.200 căn do Bộ Công an trao tặng cho người có công, hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn về nhà ở với tổng kinh phí hơn 284 tỷ đồng.
Tỉnh Gia Lai cũng vừa tiếp nhận nguồn kinh phí hơn 231 tỷ đồng từ Bộ Công an trao tặng để tỉnh xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo, hộ gia đình chính sách trên địa bàn. Đây là số tiền do cán bộ, chiến sĩ toàn lực lượng CAND tự nguyện ủng hộ, đóng góp để hỗ trợ tỉnh Gia Lai triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Ông Rah Lan Chung, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai chia sẻ, qua rà soát, tỉnh còn gần 8.500 hộ gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình có công cách mạng cần được hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở. Trong đó có hơn 6.800 căn nhà cần xây mới và 1.600 căn cần sửa chữa. Dự kiến tổng kinh phí dành cho hoạt động này lên tới gần 460 tỷ đồng. “Ngoài nguồn hỗ trợ của doanh nghiệp và kinh phí địa phương thì nguồn kinh phí của Bộ Công an trao tặng đóng vai trò nòng cốt, quan trọng trong việc giúp đỡ nguồn lực cho chương trình tại địa phương. Không chỉ hỗ trợ nguồn kinh phí mà thời gian qua, mỗi căn nhà mới được xây lên đều có dấu ấn của người chiến sĩ CAND. Ở đó, mỗi viên gạch, mỗi ngày công là những giọt mồ hôi của hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ đóng góp chung cho công cuộc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh sớm về đích đúng hẹn”, ông Rah Lan Chung nói.
Tại tỉnh Kon Tum, những ngày qua, 1.400 hộ gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình có công với cách mạng khó khăn về nhà ở đón nhận tin vui khi được Bộ Công an trao nguồn kinh phí hơn 84 tỷ đồng để hỗ trợ xây nhà. Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn chia sẻ: “Những ngày qua, tại những vùng sâu, vùng xa, hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ được huy động, tham gia hỗ trợ xây dựng nhà cho bà con từ những địa bàn khó khăn nhất. Đây là nguồn lực, nguồn động viên vô cùng to lớn để giúp địa phương hoàn thành việc xoá nhà tạm, nhà dột nát cho bà con trên địa bàn tỉnh trước thời hạn 30/6/2025”.
Phát biểu tại lễ đồng loạt ra quân xoá nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo ở Tây Nguyên, Trung tướng Phạm Thế Tùng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, phát huy truyền thống “đoàn kết, tương thân, tương ái” của dân tộc, với tinh thần “nhường cơm sẻ áo”, hỗ trợ hộ nghèo, khó khăn về nhà ở, trong những năm qua, Bộ Công an đã triển khai xây dựng 18.159 ngôi nhà, nhiều điểm trường và trường học với kinh phí hơn 780 tỷ đồng đã được thực hiện trong chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát. Bên cạnh đó, Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ Công an đã tích cực huy động nguồn lực để tiếp tục hỗ trợ xoá hàng nghìn căn nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số… trong đó có 12.385 căn nhà trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.
“Với tinh thần trách nhiệm cao nhất, hết lòng, hết sức vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của người dân, phong trào thi đua chung tay “xóa nhà tạm, nhà dột nát” của các tỉnh Tây Nguyên sẽ về đích sớm, trở thành một điển hình, đi đầu, sớm hoàn thành kế hoạch đề ra. Với ngôi nhà mới, các gia đình sẽ có chỗ ở ổn định, kiên cố, yên tâm lao động sản xuất, vươn lên trong cuộc sống, đóng góp công sức vào công cuộc bảo vệ an ninh, trật tự tại cơ sở và xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, Thứ trưởng Phạm Thế Tùng tin tưởng.