Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền:

Vinh danh phải đồng thời bảo tồn nguyên vẹn di sản

Thứ Sáu, 10/05/2024, 15:32

9 năm “ăn ngủ” cùng ả đào với hai lần phải cấp cứu vì chảy máu dạ dày, người gầy rộc vì thiếu ngủ, cuối cùng, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cũng đã giải mã được bí mật của tiền nhân về nghệ thuật ả đào. Một cuộc lội ngược dòng lịch sử mà Giáo sư Tô Ngọc Thanh từng khẳng định là “vô tiền khoáng hậu”.

Đi tìm một mẫu mực cổ điển của ả đào

PV: Chúc mừng anh với công trình thế kỷ vừa hoàn thành về nghệ thuật ả đào: “Ả đào - một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật”. Những công bố nghiên cứu trong hành trình ròng rã 9 năm qua của anh về loại hình nghệ thuật độc đáo này của Việt Nam đã gây “sốc” trong giới nghiên cứu về ả đào và cả những nghệ nhân đang thực hành nó. Vì sao lại gây “sốc”, thưa anh?

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Công trình nghiên cứu của tôi sẽ gây sốc vì nó đưa ra hệ âm luật chuẩn mực của ả đào. Bấy lâu nay, các nghệ nhân nhà nghề cuối cùng là Phó Thị Kim Đức, Nguyễn Phú Đẹ, Nguyễn Thị Chúc đều chê đào kép thời nay đàn hát sai khuôn khổ. Các cụ dùng thuật ngữ gọi là “đàn hát không có phách, không đúng khuôn khổ”. Dễ thấy ở đây, nếu các cụ chê đúng thì thực trạng bảo tồn của chúng ta đang có vấn đề, chúng ta mới chỉ bảo tồn được cái hình thức và vẻ hào nhoáng của ả đào mà không giữ được nguyên vẹn chuẩn mực âm nhạc. Nhưng, thế nào là đúng thì không ai biết. Tôi làm nghiên cứu âm nhạc cổ truyền hơn 30 năm mà khi các cụ chê đào kép bây giờ sai, tôi cũng không nhận ra. Có người đánh trống chầu ả đào được xem như hàng đầu thời nay nhưng khi cụ Đẹ nghe thì cụ bảo, ông này không biết đánh trống.

Liên hoan Ca trù năm 2011, tôi đỡ đàn cho cụ ở cánh gà sau 1 tiết mục nhưng cụ nhất định lấy cái roi chầu và bảo, bài này tôi phải cầm chầu cho bà Chúc chứ ông kia đánh kiểu này bà Chúc không hát được. Tôi rất ngạc nhiên, không hiểu. Nhưng, cụ bảo sai thì chắc chắn có vấn đề vì cụ là kép đàn nhà nghề cuối cùng. Sau đó tôi hỏi bà Chúc, bà cũng khẳng định tương tự. Đó chính là lý do tôi lội ngược dòng trở về quá khứ thẳm sâu của ông cha để tìm kiếm những chuẩn mực của nghệ thuật ả đào.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Vinh danh phải đồng thời bảo tồn nguyên vẹn di sản -0

PV: Vì sao, với ả đào, một nghệ thuật được đánh giá là thể loại âm nhạc ở tầng bậc cao nhất của Việt Nam, được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại lại bị mất mát, thất truyền như vậy, thưa anh?

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Nhìn lại lịch sử nghiên cứu ả đào, các tác giả phần lớn tiếp cận dưới góc độ lịch sử, văn học hay khảo cứu tư liệu Hán Nôm. Chưa mấy ai nghiên cứu ả đào ở góc độ âm nhạc. Tất cả tài liệu nghiên cứu về ả đào tồn đọng nhiều mâu thuẫn, như nhiều tài liệu nói ả đào có 5 cung: Nam -Bắc - Huỳnh - Pha - Nao nhưng không giải thích được; sách thì nói có 5 khổ đàn, khổ phách, sách thì nói có 6... Tất cả như một mớ bòng bong không biết đâu mà lần. Tư liệu vang thì ít, băng đĩa hầu như không có, ngoài đĩa của cụ Quách Thị Hồ, nghệ nhân còn lại chỉ có vài người nhưng tiếp cận để đặt vấn đề học và nghiên cứu cực khó, không như các loại nhạc cổ truyền khác. Vì các cụ giấu nghề và mặc cảm sau 50-60 năm bị hắt hủi nên không muốn truyền dạy cho ai cả.

Đến Liên hoan Ca trù tháng 8/2014, tôi sốc vì nhận ra chỉ còn cụ Nguyễn Phú Đẹ là kép đàn nhà nghề. Sau liên hoan đó, với khoản tiền thù lao giám khảo 7 triệu đồng, tôi khăn gói lên đường bắt đầu cuộc lội ngược dòng về nhà cụ ở Hải Dương. Sau hai ngày trò chuyện với cụ, đêm về gỡ băng, tôi phát hiện ra cụ còn nhớ tất cả thể thức của lối hát Cửa đình. Tôi bảo, sao trước đây cụ không nói, cụ cười, có ai hỏi đâu mà tôi nói... Sau đó tôi nhờ cụ truyền dạy lại cho câu lạc bộ ca trù Hải Phòng. Rồi hai vợ chồng đi xe máy về Hải Phòng thuyết phục câu lạc bộ cho mượn tiền về học cụ... Cứ miệt mài như thế 4 tháng, tôi học cụ và ký âm, hiệu chỉnh cho ca trù Hải Phòng trong quá trình chuyển giao thế hệ. Vậy là giữ lại được lối hát Cửa đình.

Ngoài tư liệu âm thanh do nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan chuyển giao lúc mới bắt đầu hành trình, tôi cũng mua, sưu tầm và được bạn bè trao tặng thêm nhiều tư liệu vang quý hiếm nữa, kể cả những tư liệu lưu trữ ở Mỹ và Pháp, trong đó có những bản thu âm từ 1926-1930, có những bài hát của đào nương lẫy lừng Khâm Thiên như Ba Thịnh, Chu Thị Năm. Năm 1996, Viện Âm nhạc có nhờ nhạc sĩ Vũ Nhật Tân ký âm nhạc ả đào và chuyển cho anh ấy 10 cuộn băng cassette.

Quãng giữa năm 2015, bố anh Tân là Giáo sư Vũ Nhật Thăng đã trao lại cho tôi sử dụng. Khi đó, bộ các cuốn băng đã mốc trắng, tôi mất đúng 2 tuần để làm sạch và số hóa, cứ 7h tối ngồi máy tính đến sáng. Sau đó là quá trình ký âm, phân tích liên tục ròng rã ngày đêm... Chắc chắn không thể đầy đủ nhưng đó là những gì còn sót lại.

“Mã ADN âm điệu thuần Việt” của cổ nhân

PV: Với công trình nghiên cứu về ả đào mà nhà nghiên cứu, Giáo sư Tô Ngọc Thanh đánh giá là “vô tiền khoáng hậu” này, phát hiện lớn nhất của anh là gì?

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Trong công trình, một trong những điều làm tôi cảm thấy hạnh phúc là những phát hiện mới về một số bài bản - thể cách ả đào. Những bài bản mà trước đây chưa từng có tài liệu nào nhắc đến. Nó giống như nhà khảo cổ học tìm thấy những cổ vật quý giá ẩn mình dưới những tầng sâu của lòng đất. Có 2 trường hợp: Một là thể cách đọc thơ trầm. Trong tư liệu vang thế kỷ 20, chỉ có 2 bản thu âm đọc thơ trầm của 2 đào nương Nguyễn Thị Cúc (1963) và Đinh Thị Bản (1979). Hai là thể cách Bình Văn - đây là một lối ngâm thơ cổ của ả đào, chuyên dùng trong các cuộc bình thơ của giới nhà Nho, quan lại thời xưa. Đặc biệt, âm điệu của Bình Văn thuộc hệ âm 4 cung cổ xưa, như một tiền đề - sự khởi nguồn hình thành âm điệu Hơi Xuân trong nhạc tuồng Bắc và sau này là nhạc lễ Nam Bộ và nhạc tài tử - cải lương. Có thể xem đây như một “mã gen di truyền”, một phân đoạn “ADN âm điệu” thuần Việt trải dài theo dòng di cư mở đất mở nước về phương Nam của ông cha ta.

Để phát hiện ra những điều này, thực tế như đi trong rừng rậm. Tôi tình cờ nghe điệu Bình Văn từ 2007, đó là bản ngâm thơ của lão đào nương Nguyễn Thị Phúc và con gái - nghệ sĩ Trần Thị Tuyết. Tôi đem bản thu âm hỏi các cao thủ trong giới ngâm thơ Hà Nội nhưng không biết điệu gì. Cho đến khi gặp NSƯT tuồng Xuân Vượng, ông bảo đây là lối ngâm Xuân cổ của ca trù vì khi xưa, bố mẹ ông Vượng chơi thân với bà Hồ, bà Phúc. Trong cuốn sách “1000 năm âm nhạc Thăng Long - Hà Nội”, tôi ghi đó là lối ngâm Xuân cổ.

Đến năm 2015, tôi mang bản thu âm về cho cụ Đẹ nghe, cụ quay sang bảo đó là điệu Bình Văn. Tôi mừng rú lên hỏi lại: “Ông ơi, đây là thể cách Bình Văn ạ?”. Cụ bảo: “Đúng rồi, bài này khó lắm, ngày xưa chỉ có đào già mới hát được. Cụ giải thích thêm Bình Văn chuyên dùng để đào nương ngâm thơ trong các cuộc bình thơ của giới quan lại, nho sĩ.

PV: Có lẽ vì thế mà âm luật của ả đào là một thách thức với hậu thế?

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: 30 năm qua, từ khi phong trào về nguồn ả đào được khơi dậy, đã có những đào kép tâm huyết, cố gắng tìm học lại vốn cổ từ một số nghệ nhân lão thành cuối cùng. Lúc đó, phần lớn các cụ đều đã ở buổi xế chiều, tuổi cao sức yếu, nhiều cụ tai nghễnh, không còn khả năng truyền dạy sung mãn. Rồi, do hoàn cảnh đặc thù, không phải ai cũng có cơ hội được tiếp cận hay được học với các cụ. Người may mắn lắm thì được học kiểu mót nghề trong vài năm, không thể toàn tâm toàn ý; có người chỉ được vài ba tháng hay học lỏm, còn lại đều mày mò tự học qua băng đĩa - vốn cũng rất ít ỏi... Thời xưa, quá trình đào luyện trong giáo phường thường kéo dài từ 8-10 năm, đào kép song hành học nghề cùng nhau từ tấm bé. Họ chỉ ra làm nghề sau lễ mở xiêm áo, khi đã được các ông trùm phường sát hạch.

Điều đó lý giải tại sao cho đến nay, đại đa số đào kép thế hệ mới vẫn bị các nghệ nhân nhà nghề cuối cùng chê là “đàn hát không có phách, đàn không ra cung bậc...”. Có nghĩa, về mặt chuyên môn, đào kép thời nay đã không nắm bắt được âm luật ả đào cổ điển. Thậm chí, nhiều người còn không nhận thức được nhịp điệu bài bản; không hiếm những kép đàn rất phô - sai cung bậc mà vẫn say sưa diễn tấu... Nhiều cô đào cố gắng bắt chước lối nảy hạt của bà Quách Thị Hồ nhưng lại thành ra kiểu hát mới gằn giọng, cường độ rặn hơi rất lớn do phải nén thật mạnh... Nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ từng than phiền với tôi về lối “hát rặn” này, cụ gọi đó là lối “nảy hột cứt dê”, hay “nghe nó hát tôi khiếp lắm, hát như tốc ngói hội trường”...

Đó quả là một thách thức lớn của các bậc tiền nhân ả đào dành cho hậu thế. Nếu không xác định được chuẩn mực, khuôn thước âm luật của tiền nhân, chúng ta sẽ mãi mãi chỉ ở trong miền ảo vọng!

PV: Tôi tự hỏi hàng nghìn năm trước các cụ đã sáng tạo ra một thể loại âm nhạc hóc hiểm như vậy hẳn có mục đích gì?

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Tôi cho rằng tiền nhân sáng tạo những khuôn thước hóc hiểm đó trước hết có lẽ để khẳng định tính độc đáo của giới nghề ả đào. Rằng, đây là nhạc thuần Việt, không giống bất kỳ loại nhạc nào. Điều này thực sự cảm động. Lúc đầu hẳn các cụ muốn tạo ra sự khác biệt giữa nhạc dân gian (tục nhạc) ty giáo phường với các loại Đồng Văn, nhã nhạc cung đình Việt Nam - vốn học từ Trung Hoa do Lương Đăng sắp đặt. Theo thời gian, những sáng tạo đó dần định hình thành hệ âm luật độc nhất vô nhị của ả đào.

Năm Quang Hưng (1578-1599), Phạm Đình Hổ viết: “...Từ đấy, lối tục nhạc ở chốn giáo phường mới thịnh hành, tế giao miếu và lễ triều hạ hay chốn dân gian tế thần, cũng dùng nhạc ấy... Cũng có người thích chơi âm nhạc thì lại phải theo học bọn ca công; bọn ấy đắc chí, chỉ bịa đặt ra để làm cho người nghe hoảng sợ. Ta thường thấy các con nhà thế gia phải dịu lời tươi mặt nịnh nọt kẻ ca công, cầu học lấy giọng hát, bắt chước bộ đi đứng của họ để khoe với chúng bạn” (Ca công - tên gọi khác của ả đào).

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Vinh danh phải đồng thời bảo tồn nguyên vẹn di sản -0
Các đào nương Nguyễn Thị Cúc, Nguyễn Thị Phúc và Đinh Thị Bản.

PV: Từ trước đến nay, chúng ta vẫn quen với tên gọi mới là ca trù, ngay trong hồ sơ vinh danh của UNESCO cũng gọi thể loại âm nhạc này là ca trù. Vậy, vì sao lần này, anh lấy lại tên cổ của nó là “ả đào?

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Ả đào là tên gọi xưa nhất, phổ biến nhất có từ thời Lý. Ả đào là duy danh một hình thức nghệ thuật, tôn vinh người ca nữ. Trong các tác phẩm Giáo sư Trần Văn Khê viết cũng gọi là ả đào. Tùy môi trường diễn xướng, loại hình này có nhiều tên gọi khác nhau như: “Hát nhà tơ”, “hát cửa đình”, “hát ca công”, “hát cô đầu”... Sau này, xuất hiện tên gọi ca trù phổ biến trong tư liệu Hán Nôm. Ca trù có nghĩa hát thẻ - thể hiện phương thức chi trả thù lao cho đào kép bằng thẻ thưởng trong mỗi buổi diễn xướng, mang ý nghĩa thương mại.

Năm 2006, khi Viện Âm nhạc xây dựng hồ sơ trình UNESCO, nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan cũng đề nghị thay tên gọi ả đào cho đẹp hơn, ý nghĩa hơn. Nhưng, khi đó chúng ta đã chót đăng ký với UNESCO cái tên ca trù rồi. Và, sau khi vinh danh thì tên gọi ca trù càng lan tỏa. Tôi dùng chữ ả đào vì muốn vinh danh tên gọi xưa nhất, đẹp đẽ và ý nghĩa nhất.

PV: Ngoài những giá trị về âm nhạc thì nghiên cứu của anh có những phát hiện thú vị từ góc độ lịch sử, văn hóa của nghệ thuật ả đào như quan hệ người hát và người nghe, cuộc cách mạng giải phóng phụ nữ đầu tiên. Anh có thể chia sẻ thêm về điều này? 

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Có thể khẳng định rằng, lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta có nhà hát thính phòng - chính là nhà hát cô đầu, đó là một cuộc chuyển biến kỳ vĩ. Trong “Việt Nam phong tục” của cụ Phan Kế Bính ghi rất rõ rằng: “Đào nương nào có thanh sắc tài năng thì ra phố thị mở nhà hát. Biên chế của một nhà hát có một kép đàn và vài cô đào hát, cô đào rượu, bà chủ, rồi kẻ ăn người ở. Có thể nói, đó là một mô hình kinh doanh nghệ thuật ăn chơi ở tầng bậc cao”.

Và, cũng lần đầu tiên khi mở nhà hát cô đầu, người phụ nữ được làm chủ kinh tế. Đó là những năm đầu thế kỷ 20. Không những thế, các cô đầu còn đi tiên phong trong việc tự giải thoát mình khỏi vòng kiềm tỏa của gia phong Nho giáo, bắt đầu một lối sống mới tự do, phóng túng. Có thể coi họ là các cô gái tân thời thị thành, đi tiên phong trong việc mang giày cao gót, mặc áo dài lemur, lên hình quảng cáo... và cũng là những người đầu tiên được các hãng đĩa nước ngoài mời sang Hong Kong thu nhạc như những sản phẩm thương mại thời thượng... Ở đời sống mới, lần đầu tiên trong lịch sử, người phụ nữ được tự do luyến ái, họ thích yêu ai thì yêu... Bởi vậy, tôi coi đây thực sự là cuộc cách mạng giới và giải phóng phụ nữ. Ở góc độ tự do luyến ái thì cũng có thể coi là cuộc cách mạng tình dục sớm nhất thế giới.

Muốn sửa sai phải “hạ giải” toàn bộ

PV: Với những kết quả nghiên cứu này, hẳn cũng sẽ gây sốc cho những người đang thực hành nghệ thuật ả đào hiện nay khi họ đã “quen” với cái sai. Vậy, theo anh, liệu chúng ta có thể làm một cuộc “chấn hưng” ả đào để trả nó về đúng giá trị cốt lõi?

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội có đặt vấn đề với tôi là muốn mở các lớp tập huấn cho các câu lạc bộ ca trù ở Hà Nội, nhưng tôi nghĩ là rất khó. Bởi, nếu làm thì phải “hạ giải” toàn bộ hệ thống tri thức âm nhạc của đào kép. Mà những người đang thực hành bây giờ phần lớn đều có danh cả rồi, đâu dễ chấp nhận là mình sai. Thậm chí, một số người đã từng phản ứng tiêu cực. Sau hai khóa tập huấn ở Hà Nội (2017) và Hải Phòng (2020), tôi đã kiệt sức. Bây giờ người nào cầu thị, tìm đọc sách và chấp nhận học lại từ đầu thì có thể tôi sẽ hướng dẫn. Họ phải tự nguyện mà thực tế điều này rất khó. Thế nên, cứ kệ thôi, ai thực sự yêu và muốn hiểu đúng giá trị của tiền nhân, họ sẽ chấp nhận khổ luyện lại toàn bộ.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Vinh danh phải đồng thời bảo tồn nguyên vẹn di sản -0
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền tập huấn cho các học viên.

PV: Từ thực tế thực hành và nghiên cứu ả đào cho thấy một khoảng trống về nghiên cứu di sản của chúng ta. Anh từng nói, đôi khi chúng ta mới chỉ bảo tồn được cái vẻ hào nhoáng của di sản mà thôi?

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Đó là một thực trạng chúng ta phải chấp nhận thôi, ai được làm gì thì làm. Xã hội ta rất phổ biến việc coi trọng danh hiệu. Ai cũng thích danh, giữa việc tôi hay rồi không cần ai công nhận tôi cả và tôi hay rồi, thế giới công nhận tôi đi, trông thế thôi mà khác nhau đấy. Điều đó có nghĩa việc mong muốn một di sản được phong danh hiệu sẽ không đồng nhất với việc nâng niu bảo tồn di sản đó nguyên vẹn.

PV: Hành trình 9 năm với ả đào là một hành trình khổ ải, gian nan và cái giá phải trả là những cơn cấp cứu vì chảy máu dạ dày sau những đêm dài không ngủ. Điều gì khiến anh chọn con đường đơn thương độc mã khó khăn như vậy?

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Tôi làm nghiên cứu trước hết để thỏa mãn cái đầu của mình, lấp đầy những khoảng trống tri thức. Nó quá khó, không ai làm nên tôi làm thôi. Những tác nghiệp nghiên cứu cũng không thể nhờ ai, hay san sẻ với ai. Chị tưởng tượng một cuốn băng cassette mốc trắng, cứ dùng bông cồn tua đi tua lại để làm sạch, sau đó vẫn có những đoạn không nghe được, phải dùng panh gắp sợi băng tãi ra trên mặt vải mịn, lau và miết nhẹ từng đoạn một, rồi lại cắm vào máy phát, thu vào máy tính... Có nhiều bài phải ghép nối từng đoạn vì cứ chạy một lúc thì bột từ lại mủn ra, lại phải lau đầu từ rồi tua lại, thu lại... Những thao tác kỹ thuật cứu băng tư liệu đó vô cùng tỉ mẩn, chẳng có ai làm cho nếu không phải là tôi. Nặng nhọc nhất là việc nghe hàng chục giờ băng tư liệu để ký âm các bản nhạc ả đào của cả thế kỷ 20, sau đó phân tích các quy luật âm thanh vận hành, ngoài tôi ra thì ít ai có thể làm được. Và, rất nhiều câu chuyện đằng sau đó nữa...

PV: Vậy trong 9 năm nghiên cứu một đề tài giá trị mang dấu ấn lịch sử như vậy, anh có nhận được nguồn hỗ trợ, đồng hành nào từ cơ quan nhà nước không?

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Có, nhưng không nhiều. Trong 9 năm tiến hành nghiên cứu ả đào, tôi luôn chia sẻ những phát hiện mới cũng như những khó khăn, khổ ải của công việc cho các đồng nghiệp ở cơ quan. Mỗi cuộc cà phê buôn chuyện về ả đào với anh em bạn bè khi đó như một dịp giải tỏa, giảm thiểu nỗi cô đơn, nhọc nhằn trên con đường dài xa thẳm... Biết được sự “đơn thương độc mã” này, năm 2017, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Vicas) khi đó là chị Từ Thị Loan đã đầu tư kinh phí cho tôi xây dựng dự án “Bảo tồn và phát huy di sản ca trù tại thành phố Hà Nội” với mục tiêu tập huấn nhạc ả đào cổ điển theo phương pháp tiếp cận mới. Dự án lấy nhóm ả đào Phú Thị - Hà Nội làm đối tượng thực nghiệm ứng dụng các nghiên cứu.

Bên cạnh đó, dự án cũng đào tạo lớp quan viên cầm chầu đầu tiên theo phương pháp tiếp cận mới, trong đó có các “quan viên nòng cốt” của Viện - tức các nghiên cứu viên Vicas giờ đây đã có người biết cầm chầu nhạc ả đào. Năm 2020, Viện trưởng Bùi Hoài Sơn lại tiếp tục hỗ trợ công trình lần thứ hai, mở lớp tập huấn cho câu lạc bộ ca trù Hải Phòng. Cả hai dự án nghiên cứu ứng dụng nêu trên đều thành công tốt đẹp, mở ra một phương pháp tiếp cận mới trong việc học nhạc ả đào cho đào kép thời nay. Nhưng, sự hỗ trợ lớn nhất chính là “trợ lý vợ”, nuôi cơm 9 năm nay (cười...). Nếu không có sự ủng hộ, đồng hành của vợ, tôi không thể hoàn thành công trình đồ sộ này.

PV: Anh đã có thâm niên nghiên cứu cổ nhạc Việt Nam từ cồng chiêng Tây Nguyên, đờn cơ tài tử, cải lương, chèo, tuồng và bây giờ là ả đào. Nhưng, đây cũng là lần đầu tiên, công trình nghiên cứu của anh được xuất bản và phát hành thương mại, thay vì Nhà nước đặt hàng và cất kho như trước đây. Mong muốn lớn nhất khi anh xuất bản công trình này là gì?

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền: Chúng ta đang cố gắng xây dựng một nền công nghiệp văn hóa, vậy hãy cùng lội ngược dòng lịch sử để xem cha ông ta đã biết cách thương mại hóa một nghệ thuật âm nhạc đỉnh cao như thế nào. Trước đây, cuốn “Âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên” in xong rồi cất kho, có rất nhiều người muốn tìm mua không được. Lần này, việc chọn một công ty xuất bản và phát hành ra thị trường là một cuộc chơi đầy thách thức về bài toán kinh tế, nhưng nếu không làm, không thể bàn đến câu chuyện công nghiệp văn hóa được. Thông qua cuốn sách, tôi hy vọng các đào kép thế hệ mới sẽ nhận diện được khuôn vàng thước ngọc của cha ông, hiệu chỉnh lại lời ca, lá phách, tiếng đàn của mình về đứng chuẩn mực ả đào cổ điển. Như thế, di sản vô giá nghìn năm tuổi mới được bảo tồn nguyên vẹn, đúng nghĩa.

PV: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Việt Hà (thực hiện)
.
.