Bộ trưởng Lê Minh Hoan:

Từ chợ làng ra thế giới - phải nắm tay nhau cùng đi

Thứ Tư, 13/09/2023, 11:20

Cuộc hẹn phỏng vấn giữa phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan tình cờ vào mùa mưa bão nên đã mấy lần phải dời lại bởi phải ưu tiên nhiều việc quan trọng liên quan đến công tác chỉ đạo phòng, chống thiên tai, bão lụt.

Trong cuộc trò chuyện gần hết một buổi chiều giữa không gian tiếp khách ở trụ sở Bộ đậm đặc chất nông thôn - nhưng là "nông thôn mới" - khi các sản phẩm OCOP (sản vật địa phương) được trưng bày xen lẫn sách vở, ông nói với chúng tôi về con đường đưa nông dân Việt từ chợ làng ra thế giới.

Chúng tôi nhìn thấy ông trong nhiều phong cách: Sự tất bật trong vẻ khoan thai, bình tĩnh của một chính trị gia; nhiều cảm xúc nhưng cũng đầy lý trí khi trăn trở về các vấn đề nông dân - nông nghiệp - nông thôn; vĩ mô trong câu chuyện thiết kế chính sách nhưng cũng rất vi mô khi là người viết báo với bút danh Xích Lô - tỉa từng lát cắt của đời sống nông thôn...

Từ chợ làng ra thế giới - phải nắm tay nhau cùng đi  -0

Tại sao nông dân mình vẫn nghèo?

PV: Từ khi còn là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cho tới khi ra Thủ đô làm Bộ trưởng, ông vẫn là tác giả trên nhiều tờ báo với bút danh Xích Lô. Tôi không sinh ra ở làng hoặc ra phố từ làng nhưng là một độc giả của ông, đọc khá nhiều những bài ông viết về nông nghiệp - nông dân - nông thôn. Vì, lớn hơn câu chuyện con cá, mớ rau ở làng là vấn đề kinh tế nông nghiệp của quốc gia. Tôi nhớ, trong một bài viết, ông kể có lão nông vùng miền Tây sông nước từng bày tỏ nỗi trăn trở: “Tại sao cũng cùng làm nghề nông, mà nông dân ở các nước khác có mức sống khá giả, trong khi nông dân quê mình cần cù, chịu thương, chịu khó mà sao vẫn nghèo khổ, cơ cực quá?". Chúng tôi tò mò muốn biết, câu trả lời của ông là gì, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nghịch lý của nghề nông, không phải chỉ đến khi được hỏi, tôi mới nhận ra. 

Thông tin này, chắc chị cũng đã biết, so với năm 2008, năng suất lao động nông nghiệp đạt 55,9 triệu đồng/người, cao hơn gấp 4 lần. Tuy nhiên, cần bóc tách các lớp lang để thấy rằng, đây là số liệu bình quân, trong khi mức độ phân nhóm nông dân vốn luôn đa dạng và trải rộng, khó mà có thể đưa ra nhận định chung, vì khi ấy có thể đúng với nhóm này nhưng lại không đúng với nhóm khác. 

Chỉ số thu nhập bình quân khó lòng phản ánh hết sự bấp bênh trong sinh kế của phần lớn nông dân hay sự chênh lệnh thu nhập giữa các vùng sinh thái, giữa trồng lúa, trồng rừng với canh tác, sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi khác. Cách tính thu nhập bình quân không còn phù hợp với tư duy tăng trưởng bao trùm - bảo đảm những lợi ích, cơ hội kinh tế từ quá trình tăng trưởng được chia sẻ một cách bình đẳng, hài hòa cho các thành viên trong xã hội. Đất đai chỉ phát huy giá trị khi người sử dụng đất đủ năng lực tối đa hóa giá trị của đất. Theo số liệu từ Khảo sát mức sống dân cư về giá trị gia tăng bình quân mỗi hec-ta mỗi năm, canh tác lúa thấp hơn khoảng 2-3 lần so với canh tác các loại cây trồng khác và nuôi trồng thủy sản, và tất yếu là đất sản xuất nông nghiệp sẽ mang lại giá trị nội sinh thấp hơn so với chuyển đổi sang các ngành kinh tế khác.

Ngoài yếu tố khách quan do lợi thế so sánh giữa các khu vực kinh tế, mức chênh lệch đó còn cho thấy giới hạn của người nông dân trong khả năng tạo ra giá trị thặng dư từ đất. Đó cũng chính là nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động trong khu vực nông nghiệp rất thấp như chúng ta thường đánh giá, trăn trở.

Như chị thấy, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, xã hội nông thôn là một xã hội mở với kết cấu cộng đồng bền chặt trong các cuộc đấu tranh chống thiên tai, địch họa. Thử hình dung, trong các cuộc chiến tranh nếu không có cấu kết cộng đồng mạnh như thế thì không thể có thành quả như ngày nay. Mặt khác, có điều rất dễ nhìn thấy là nông dân mình cần cù và giỏi giang lắm. Bằng chứng là đã có nhiều, rất nhiều những sáng chế của nông dân được ghi nhận.  

Nhưng, bà con mình còn một hạn chế lớn là khó hợp tác chặt chẽ được với nhau. Mà đã không hợp tác là sinh ra cạnh tranh. Nhà này cạnh tranh nhà kia, người nông dân nọ cạnh tranh người nông dân kia. Chưa lo đến việc cạnh tranh với nước ngoài thì trong nhà đã cạnh tranh với nhau rồi. Cạnh tranh dẫn đến bi kịch trong nông nghiệp, bắt đầu từ việc muốn mua trước, bán trước người khác. Mua trước thì giá cao, muốn bán được trước thì phải bán giá thấp. Rồi người này bán giá thấp được thì người kia cũng sẽ bán giá thấp theo, cạnh tranh mà. Bác này giảm giá một chút thì bác kia cũng giảm xuống chút. Thế là thành “mua đắt bán rẻ” và kéo theo nền nông nghiệp đi xuống. Đấy là bi kịch của nông dân mình. Phải nắm tay nhau để cạnh tranh với thị trường quốc tế chứ! Bởi, chỉ khi liên kết với nhau chúng ta mới có đủ quy mô, sản lượng để đàm phán với doanh nghiệp, thương lái. Còn nếu đã đơn lẻ, nhỏ bé, lại cạnh tranh với nhau nữa thì doanh nghiệp người ta sẽ “làm giá”. Chị thấy không, đi vào làm kinh tế thì bỗng dưng cái cấu kết cộng đồng bền chặt truyền thống bị lỏng ra do lợi ích, do sự so đo, cân phân thiệt hơn.

PV: Quả là chúng ta đang chứng kiến sự chuyển mình của nền kinh tế, trong đó có kinh tế nông nghiệp. Nền nông nghiệp trải qua quá trình phát triển từ thuở hồng hoang - săn bắt hái lượm là chủ yếu, đến trồng trọt, chăn nuôi dần phổ biến, đáp ứng nhu cầu tự sản tự tiêu, tự cung tự cấp, rồi dư thừa nông sản để trao đổi, mua bán. Từ những ngôi chợ làng truyền thống tiến đến những ngôi chợ hiện đại, những hệ thống phân phối, những chuyến hàng vượt trùng dương tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, số người tham gia càng ngày càng đông đảo. Nhưng, đi từ làng ra thế giới, từ chợ làng đến sàn thương mại điện tử, người nông dân không thể tay không mà đi...

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nông nghiệp của mình phần nhiều là bán thô. Cứ thu hoạch xong rồi có thương lái vào, mình bán. Bán thô là tầng thấp nhất trong chuỗi giá trị. Nếu chuỗi giá trị có 4 bậc thì bán thô ở bậc thấp nhất, rủi ro nhất, lợi nhuận thấp nhất. Vì nông sản bị sức ép mùa vụ rất lớn. Sáng là rau, chiều đã thành rác rồi. Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã chỉ ra phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Tức là chúng ta phải tạo ra giá trị nhiều hơn từ những sản phẩm chế biến nông sản - đó chính là chuỗi ngành hàng: Gieo trồng, thu hoạch, bảo quản, sơ chế, chế biến, bao bì, đóng gói tạo ra những giá trị gia tăng để đưa ra thị trường. Bà con mình đang ở khâu nào trong chuỗi đó?

Xưa giờ bà con chỉ đảm nhiệm khâu đầu tiên thôi. Tức là “chúng tôi chỉ tập trung vào gieo trồng, tạo ra sản phẩm”, còn sau đó thì vẫn đang bỏ ngỏ. Mà, những giá trị thặng dư lại nằm ở những khâu tiếp sau. Tất nhiên, bà con không thể tham gia hết các khâu trong chuỗi vì còn vai trò của doanh nghiệp, hệ thống phân phối... Nhưng, bà con tham gia càng nhiều khâu trong chuỗi đó thì càng gia tăng thu nhập. Không chỉ dừng lại ở khâu sản xuất và buôn bán nông sản do mình làm ra, bà con có thể thực hiện thêm các dịch vụ khác, như sơ chế, chế biến, bảo quản. Nhưng, muốn tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị thì trên quy mô nhỏ, bà con không thể làm được mà phải liên kết với nhau, trong không gian lớn hơn như tổ hợp, hợp tác xã...

Ngành nông nghiệp phát triển bền vững là khi mỗi ngành hàng nông sản trở thành chuỗi giá trị. Chuỗi giá trị đó có sự tham gia của nhiều “mắt xích”. Không một “mắt xích” nào có thể tồn tại riêng lẻ. Nếu vì bất kỳ nguyên nhân gì đó, một trong những “mắt xích” bị đứt gãy, thì chuỗi giá trị cũng sẽ bị đứt gãy. Khi ấy, giá trị ngành hàng, không những không được tăng thêm, mà lại bị sụt giảm, thậm chí mất đi.

PV: Và, phải chăng "làm giàu cho nông dân" thì trước tiên phải giúp người nông dân hiểu rõ sức mạnh của “mua chung - bán chung”, của tinh thần “hợp tác - liên kết”?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nông dân mình trước nay quen thuộc với lũy tre làng, với cánh đồng, mảnh vườn. Muốn suy nghĩ lớn hơn, tầm nhìn xa hơn, khát khao mãnh liệt hơn thì phải vượt ra không gian làng xã, kết nối với không gian liên xã, liên huyện, liên tỉnh, liên vùng. Trong không gian kết nối đó, người nông dân được tiếp xúc với các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp, được cung cấp kiến thức, kỹ năng, tư vấn, liên kết...

Không gian kết nối đó chính là không gian sinh hoạt cho cộng đồng dân cư nông thôn, như mô hình Hội quán ở Đồng Tháp; Nông hội ở Gia Lai, Kon Tum; Ngôi nhà trí tuệ ở Hà Tĩnh và những mô hình tương tự ở nhiều địa phương khác. Các không gian cộng đồng như một hình thức đình làng ngày xưa, là cầu nối giữa Nhà và Nước, nơi để người dân luận bàn chuyện đất nước trước hết là chuyện xóm làng. Nơi đó sẽ hình thành tính cố kết cộng đồng, hướng đến hợp tác trong cuộc sống và hợp tác nhau trong sản xuất.

Mới đầu bà con mình quy tụ về hội quán là để chơi với nhau, nói chuyện đời thường thôi. Rồi dần dần chúng ta đưa tinh thần hợp tác vào. Mô hình hội quán vì thế được đánh giá cao, vai trò của hội quán trong việc liên kết tạo thành một xu thế hướng đến nền kinh tế nông nghiệp, đã được trở thành một đề tài nghiên cứu khoa học của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Bây giờ mô hình hội quán đã lan tỏa, trở thành một thiết chế cộng đồng để người dân tự lực, tự chủ, mở ra không gian quản trị địa phương. Chỉ đơn cử chuyện hàng trăm ngàn ngư dân trên biển nếu cứ ai biết người đó thì làm sao chống chịu được nếu có bất trắc xảy ra. Biển cả, sóng to, con người vốn bé nhỏ trước thiên nhiên. Muốn đi ra biển lớn mà đi một mình làm sao được. Câu chuyện từ chợ nhà, chợ làng truyền thống ra chợ thế giới cũng vậy, không đi một mình được. Buôn phải có bạn, bán phải có phường. Phải kết bè lại với nhau mà đi. Đi cùng hợp tác xã, đi cùng cộng đồng doanh nghiệp... Muốn đi xa thì phải đi cùng nhau.

Chỉ bán quả xoài, khó lòng làm giàu được, hãy kể câu chuyện về quả xoài, giới thiệu “thương hiệu” người trồng xoài

PV: Tôi cũng hiểu vai trò quan trọng của liên kết, nắm tay nhau mà đi, thoát khỏi tư duy manh mún trong sản xuất nông nghiệp, nhưng để nông sản Việt từ chợ làng ra được chợ thế giới thì chỉ mỗi tinh thần liên kết có lẽ chưa đủ. Chúng ta sẽ phải kiến tạo những gì ở tầm chính sách vĩ mô để người nông dân có thể tự tin đánh dấu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên bản đồ thế giới?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Sự thay đổi căn cơ nhất bắt đầu từ việc xác định nhiệm vụ “nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ của nông dân và người dân nông thôn” là ưu tiên hàng đầu tại Nghị quyết 19 của Đảng về nông nghiệp - nông dân - nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nhưng, rõ ràng là không phải ngày một ngày hai, không thể tự dưng mà người nông dân “chân lấm tay bùn” bỗng chốc “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” để đảm nhận ngay vai trò chủ thể, vị thế trung tâm.

Để có thể trở thành chủ thể, người nông dân phải có tâm thế tự lực, tự chủ, hội đủ kiến thức, kỹ năng, năng lực, thái độ của “người làm chủ” - làm chủ vận mệnh của bản thân, làm chủ câu chuyện phát triển cộng đồng dân cư nông thôn.

Muốn vậy, nông dân và người dân nông thôn cần nhận thức rằng: Cuộc đời của mình là do chính mình quyết định. Muốn vậy, người nông dân phải được hỗ trợ tiếp cận, đào tạo kiến thức, huấn luyện kỹ năng, cập nhật kỹ thuật, công nghệ tiên tiến. Thực ra, yêu cầu và giải pháp về “phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí nông dân” đã được xác định trong Nghị quyết 26, Trung ương 7 Khóa X từ 15 năm trước, nhưng chưa được chúng ta quan tâm triển khai đúng mức.

Từ chợ làng ra thế giới - phải nắm tay nhau cùng đi  -0

Ngành Nông nghiệp đang và sẽ phải tiếp cận những tư duy mới trong thời đại kinh tế tri thức, ứng dụng những thành tựu trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Vậy thì, nông dân - chủ thể của nền nông nghiệp - cũng phải được tiếp cận tư duy mới, kiến thức mới, công nghệ mới, kỹ năng mới. Cùng với kinh nghiệm “Trông trời, trông đất, trông mây/ Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm”, những “lão nông tri điền” ngày nay còn có thể “trông vào các thiết bị thông minh”, nhờ đến sự hỗ trợ của các chuyên gia, nhà khoa học nông nghiệp. Sự cộng hưởng giữa kinh nghiệm tích lũy từ thửa ruộng, bờ ao với tri thức “đám mây”, kết nối “dữ liệu số” có thể giúp tạo nên những “nhà khoa học chân đất”, khởi tạo giá trị mới.

Vì vậy, “tri thức hóa nông dân” là yêu cầu bắt buộc. Lan tỏa tri thức, kỹ năng có thể giúp người nông dân tiếp cận cách thức sản xuất, kinh doanh hiệu quả, làm giàu bền vững. Trách nhiệm đó, thậm chí có thể xem là bổn phận, là trọng trách, trước hết thuộc về chính quyền, ngành chuyên môn. Đó còn là trách nhiệm xã hội của các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nhân tâm huyết thúc giục nhau về làng, về với người nông dân, về với thửa ruộng, bờ ao, để cùng lắng nghe, thấu hiểu.

PV: Tháng 6 vừa qua, đích thân ông đến tận vườn và mua một cây vải thiều tại vườn vải của một gia đình nông dân - thành viên tổ sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn hữu cơ ở Lục Ngạn, Bắc Giang. Nhiều bình luận cho rằng, đây là cách ông "lấy thân mình" quảng bá cho nông nghiệp chất lượng cao, cũng đồng thời trực quan hóa kiến thức về đa dạng kênh phân phối cho bà con...

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Thì cứ coi tôi là người bán trái vải đi (cười...). Thực ra, mô hình vườn vải du lịch sinh thái chính là một kênh tiêu thụ nông sản tại chỗ rất hiệu quả, cần quảng bá mạnh. Giữa tháng 3 mùa hoa vải thiều bung nở là lúc vườn chính thức mở rước các đoàn khách vào tham quan, chụp ảnh, cắm trại. Chủ vườn sẽ kể tường tận về quy trình trồng và chăm sóc vườn để tạo ra quả vải thiều chất lượng cao. Mô hình này đã được áp dụng tại Đồng Tháp, trên cây xoài, gọi là "Cây xoài nhà tôi". Tôi đã nhiều lần nói với bà con, chỉ bán quả xoài thì khó lòng làm giàu được, mà hãy kể câu chuyện về trái xoài, giới thiệu “thương hiệu” người trồng xoài, trao gửi sự tử tế của người nông dân, đến với du khách, người tiêu dùng. Cây xoài được gắn QR code, mình mua cây xoài ấy ở Đồng Tháp nhưng về Hà Nội quét QR code là thấy được hình người nông dân đang chăm sóc cây xoài giúp mình. Cả gia đình ở Hà Nội quây quần cùng ngồi xem, hồi hộp, đợi chờ đến khi thu hoạch thì cùng nhau vào hái trái.

Bà con được tôi “rủ” làm du lịch tăng thêm thu nhập từ mô hình “Cây xoài nhà tôi”, sau một thời gian gọi điện thoại cho tôi kể, rất thật thà: "Khách đến mua cây rồi thăm cây, ăn bữa cơm, chụp hình là mình có thêm chút thu nhập. Nhưng, quan trọng hơn là những người khách đến mua cây là những người có nhiều cơ hội đi đó đi đây, trải nghiệm khắp nơi. Từ xưa đến giờ tôi chỉ lủi thủi sáng ra chiều vô, lòng vòng gói gọn cuộc đời trong vườn nhà. Giờ có khách tới, mang đến những tri thức mới, cuộc sống nhà tôi vui vẻ, văn minh hơn. Con tôi lễ phép hơn, biết chào hỏi khách. Nhà tôi ăn mặc gọn gàng, đẹp đẽ hơn. Bếp núc cũng sạch sẽ hơn. Cuộc sống không còn lặng lẽ như xưa".

Từ chợ làng ra thế giới - phải nắm tay nhau cùng đi  -0
Bộ trưởng Lê Minh Hoan trao đổi cùng phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng.

PV: Thế có nghĩa là, sẽ có nhiều con đường để "tri thức hóa nông dân" chứ không nhất thiết phải lên lớp học?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Sẽ không nhiều nông dân dám bỏ ruộng vườn để lên lớp học đâu, vì đó là sinh kế của bà con. Nhưng, khi người đô thị về nông thôn như trong mô hình "cây xoài" mà tôi vừa kể, mang theo kiến thức góp phần làm thay đổi cuộc sống của người nông dân rồi đến lượt mình, những câu chuyện nông thôn sẽ được người đô thị mang lên thành phố kể cho nhiều người, sẽ tạo thêm một dòng người tiếp theo về nông thôn. Đó cũng là hành trình tri thức hóa người nông dân. Ví dụ như vậy để thấy rằng, lên lớp học không phải là con đường duy nhất.

Những cuộc gặp gỡ thân tình có thể truyền đạt kiến thức làm giàu. Những buổi sinh hoạt cộng đồng có thể gợi mở chuyên đề giới thiệu thông tin thị trường, quy luật kinh tế phổ thông, hướng dẫn kỹ năng hữu ích. Những chương trình khuyến nông trên báo đài không chỉ khuyến khích người nông dân sản xuất, mà còn giới thiệu với người nông dân cách thức tiết giảm, tối ưu chi phí sản xuất.

“Tri thức hóa nông dân” là điều các quốc gia phát triển đã làm để giúp người nông dân dần dần trở thành những doanh nhân, doanh nông, nhà khoa học, được trang bị kiến thức kinh tế thị trường, làm chủ được máy móc, công nghệ. Có tri thức, người nông dân trong quá trình sản xuất, kinh doanh sẽ tự phát hiện vấn đề, phân tích và giải quyết vấn đề, biết và tự cân nhắc về rủi ro từ quyết định của mình.

Có tri thức, người nông dân sẽ chủ động thích ứng với sự thay đổi, vượt qua những cú sốc do biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Có tri thức, người nông dân biết tối ưu hóa quy trình sản xuất, tối thiểu hóa chi phí, tối đa hóa lợi nhuận.

Khi ấy, nghề nông sẽ thoát khỏi lời nguyền “không biết làm gì thì làm nghề nông”. Khi ấy, người nông dân sẽ không còn “mặc định” qua hình tượng áo nâu, đầu vấn khăn rằn, tay cầm bó lúa. Khi ấy, người nông dân buổi sáng có thể mặc chiếc áo màu nâu của đất, buổi chiều mặc chiếc áo màu xanh của nhà máy chế biến và buổi tối có thể mặc chiếc áo màu trắng của trí thức, thương nhân, tự tin vào năng lực của mình trước sóng gió thị trường.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện rất lý thú này!

Đồng chí Lê Minh Hoan sinh năm 1961 tại Đồng Tháp, là Ủy viên Trung ương Đảng Khóa XII, XIII; Đại biểu Quốc hội Khóa XI, XIII, XIV, XV. Từng là Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp từ 2014 đến 2020.

Tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội Khóa XIV, đồng chí được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV. Từ 8/4/2021 đến nay là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Đồng chí Lê Minh Hoan còn là người viết báo quen thuộc với công chúng với bút danh Xích Lô. Nhiều bài báo của ông đã được đăng tải trên các tờ báo Trung ương và địa phương. Viết báo, theo ông, là một kênh hiệu quả để lan tỏa các thông điệp tích cực tới bà con nông dân khắp mọi miền đất nước.

Đặng Huyền - Ngọc Yến (Thực hiện)
.
.