Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Gắn bó với Việt Nam hàng chục năm và từng có nhiều nghiên cứu, bài viết chuyên sâu, PGS.TS Tsvetov Piotr Yurievich - Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội Hữu nghị Nga-Việt và GS.TS Furuta Motoo - Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội, đánh giá rất cao vai trò lãnh đạo cũng như đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng, hai học giả này khẳng định, tư tưởng, lý luận cùng những tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ mãi trường tồn và là định hướng quan trọng để Việt Nam kiên định với con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội...
PV: Thưa GS.TS Furuta Motoo và PGS.TS Tsvetov Piotr Yurievich, trong những năm gần đây, Việt Nam đạt được những bước tiến to lớn trong việc xây dựng và phát triển đất nước. Các ông đánh giá thế nào về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là vai trò người đứng đầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
GS.TS Furuta Motoo: Nhìn lại 38 năm Đổi mới, nhiều người trên thế giới khâm phục sự phát triển nhanh và mạnh mẽ của Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Lời khẳng định này có sức thuyết phục cao không những chỉ trong nước Việt Nam mà còn trên trường quốc tế. Việt Nam hiện nay không thể tách khỏi vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo cao cấp tiêu biểu để Việt Nam phát triển bền vững.
PGS.TS Piotr Yurievich: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo có vai trò nổi bật về lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Trong những năm qua, nhiều tuyển tập tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được xuất bản, minh chứng cho công lao to lớn mà đồng chí đã đóng góp trong việc lĩnh hội kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và xây dựng cơ sở lý luận, thực tiễn đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.
PV: Hai ông ấn tượng gì về những bài viết và các cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt là cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”?
PGS.TS Piotr Yurievich: Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mang tên “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” thực sự là công trình lý luận lớn, bao gồm nhiều vấn đề về xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam cũng như đánh giá xu hướng phát triển của thế giới hiện đại. Trong cuốn sách này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trả lời những câu hỏi quan trọng như bản chất của chính sách đổi mới tại Việt Nam, ý nghĩa và hạn chế của cải cách thị trường, triển vọng đưa Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội và đặt ra nhiệm vụ cho các đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam trên nhiều lĩnh vực của việc xây dựng một xã hội mới. Theo tôi, những đánh giá về chủ nghĩa tư bản hiện đại với tư cách là một hệ thống xã hội được trình bày trong cuốn sách này cũng rất quan trọng.
GS.TS Furuta Motoo: Tôi hiểu rằng, quá trình triển khai đường lối đổi mới 38 năm qua của Đảng Cộng sản Việt Nam là quá trình tìm tòi, định hình chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với hoàn cảnh, đặc điểm cụ thể ở Việt Nam. Bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” trong cuốn sách cùng tên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết quá trình này về cả mặt lý luận và thực tiễn này.
38 năm Đổi mới đã và đang mang lại cho Việt Nam nhiều thành tựu to lớn như Đại hội Đảng XIII từng khẳng định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Bây giờ, ngày càng có nhiều người trên thế giới quan tâm đến “mô hình phát triển của Việt Nam”.
PV: Thưa PGS.TS Tsvetov Piotr Yurievich, trong bài viết trên Báo Sự thật của Đảng Cộng sản Liên bang Nga số ra ngày 17/2/2022, ông từng nhấn mạnh rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gắn sự lựa chọn của dân tộc Việt Nam đi theo con đường chủ nghĩa xã hội với tư tưởng và hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về nhận định này?
PGS.TS Piotr Yurievich: Trong nhiều tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà tôi đọc và quen thuộc, luôn có sợi chỉ đỏ xuyên suốt với một nhận định đúng đắn rằng, sự lựa chọn đất nước Việt Nam đi theo định hướng xã hội chủ nghĩa khởi nguồn từ hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Quả thực, cách đây 100 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm quen với các công trình lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin cũng như chứng kiến thực tiễn xây dựng xã hội chủ nghĩa tại nước Nga Xôviết. Từ những kiến thức đó và thực tiễn khách quan đã chứng kiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi đến kết luận, chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập dân tộc không chỉ của Việt Nam mà toàn nhân loại. Chỉ có con đường này (xây dựng chủ nghĩa xã hội) mới giúp người dân Việt Nam có một cuộc sống tự do, đàng hoàng và hạnh phúc. Kết luận này vẫn còn có giá trị cho đến ngày nay.
PV: Thưa GS.TS Furuta Motoo, ông từng khẳng định "muốn hiểu Việt Nam phải hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh". Theo ông, đường lối, chính sách của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong những năm qua đã kế thừa và phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh ra sao để giúp đất nước đạt được những thành tựu như ngày nay?
GS.TS Furuta Motoo: Tôi nghĩ rằng, một trong những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh là tìm tòi con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với hoàn cảnh, đặc điểm cụ thể ở Việt Nam. Sự nghiệp Đổi mới yêu cầu Đảng Cộng sản Việt Nam tự tìm tòi con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với Việt Nam. Ở khía cạnh này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, căn cứ vào thực tiễn quá trình Đổi mới, đã kế thừa và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh.
PV: Những đóng góp đặc biệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào việc hình thành cơ sở tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay là gì? Theo các ông, giá trị của chúng trong hiện tại và tương lai ra sao?
PGS.TS Piotr Yurievich: Tôi đã nghiên cứu đời sống chính trị Việt Nam và hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam từ lâu. Và, tôi có thể nói một cách đúng đắn rằng, trong số những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam thế kỷ 21, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người có đóng góp lớn nhất về lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và là người sáng tạo nhất về lĩnh vực này.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng từng đảm nhiệm các chức vụ quan trọng trong Đảng và Chính phủ như: Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ năm 2011 đến nay. Trên bất kỳ cương vị nào, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều có những đóng góp làm phong phú thêm tư tưởng của Đảng và nhân dân Việt Nam, hình thành cơ sở lý luận cho sự phát triển đất nước trong thế kỷ 21. Là một học giả, tôi chắc chắn rằng, các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ vẫn có giá trị thời sự trong tương lai.
Theo tôi, đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với lý luận và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam có thể chia thành nhiều lĩnh vực.
Thứ nhất, vấn đề nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự trong sạch của hàng ngũ đảng viên, cuộc đấu tranh chống sự suy thoái của những người cộng sản và chống nạn tham nhũng được đặt lên hàng đầu. Việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đảm nhiệm vị trí Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho thấy tầm quan trọng của vấn đề này.
Thứ hai, vấn đề xây dựng nhà nước, sự cần thiết xây dựng nhà nước pháp quyền, phân định vai trò của Đảng và các cơ quan chính phủ, tiến hành cải cách hành chính. Ở đây có thể bổ sung thêm quan điểm phê phán của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về dân chủ tư sản.
Thứ ba, mối quan hệ giữa cải cách thị trường và quan điểm xã hội chủ nghĩa. Nhà nước Việt Nam phải kiểm soát các biểu hiện của chủ nghĩa tư bản.
Thứ tư, phát triển quan hệ đối ngoại trên cơ sở đường lối ngoại giao cây tre mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần đề cập trong các sự kiện chính trị quan trọng.
PV: Theo các ông, đường lối “ngoại giao cây tre” đã được thể hiện như thế nào trong chính sách ngoại giao của Việt Nam và đóng góp gì vào việc xây dựng vị thế cho Việt Nam trên trường quốc tế?
PGS.TS Piotr Yurievich: Đường lối “ngoại giao cây tre” không chỉ giải thích nhiều bước đi của Việt Nam trên trường quốc tế mà còn là kim chỉ nam cho hành động của các nhà ngoại giao Việt Nam. Mặc dù thuật ngữ “ngoại giao cây tre” của Việt Nam xuất hiện trong thời gian gần đây, nhưng thông qua các nghiên cứu của bản thân, tôi nhận thấy chính sách ngoại giao Việt Nam dường như đã tuân thủ theo đường lối này trong suốt thời gian đã qua của thế kỷ 21.
Đề cập đến đường lối “ngoại giao cây tre” tức là chúng ta đang nói về ngoại giao đa phương, đa chiều, cân bằng, khi vẫn giữ nguyên tắc cơ bản là bảo vệ độc lập, chủ quyền. Với đường lối “ngoại giao cây tre”, đất nước các bạn có thể thể hiện sự linh hoạt, thỏa hiệp trong những vấn đề có tầm quan trọng thứ yếu vì lợi ích của dân tộc Việt Nam. Lập trường của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông là một ví dụ cụ thể và rõ ràng nhất cho đường lối “ngoại giao cây tre”.
GS.TS Furuta Motoo: Tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam là một nét đặc trưng được cả thế giới ghi nhận. Con người Việt Nam có tinh thần cởi mở, tích cực tiếp thu những yếu tố tốt đẹp trong văn hóa của thế giới. Việt Nam đang đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đồng thời phát huy bản sắc dân tộc. Trong tình hình quốc tế diễn ra phức tạp như ngày nay, hiếm có một quốc gia nào có quan hệ tốt với cả 5 nước Thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc như Việt Nam. Đây cũng là kết quả của “ngoại giao cây tre”.
PV: Là học giả nước ngoài nghiên cứu Việt Nam đã lâu năm, các ông cảm nhận thế nào về tình cảm của nhân dân Việt Nam với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
PGS.TS Piotr Yurievich: Nghiên cứu về Việt Nam hàng chục năm, tôi có nhiều cơ hội sang thăm và làm việc tại đất nước của các bạn. Nhưng, tôi ít có cơ hội trực tiếp quan sát sự giao tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với người dân Việt Nam. Dù vậy, với việc đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tín nhiệm 3 lần bầu nắm giữ chức vụ Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã cho thấy, uy tín và sự ủng hộ to lớn của nhân dân dành cho đồng chí.
PV: Tôi được biết các ông từng gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ấn tượng của các ông về phong cách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là gì?
PGS.TS Piotr Yurievich: Tôi đã có vài lần được gặp gỡ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong đó ấn tượng nhất có lẽ là lần gặp vào tháng 9/2018. Khi đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang có chuyến thăm chính thức Liên bang Nga. Tại thủ đô Moscow, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tham dự buổi lễ chào mừng Hội Hữu nghị Nga-Việt nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập hội. Tại đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chào mừng và trao tặng hội Huân chương Lao động. Dù 6 năm đã qua nhưng tôi vẫn nhớ rất rõ nội dung bài phát biểu đó, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá rất cao hoạt động của Hội Hữu nghị Nga-Việt.
GS.TS Furuta Motoo: Tôi vinh dự có hai lần được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp Hội thảo Việt Nam học lần thứ 4 (năm 2012) và lần thứ 5 (năm 2016). Tôi thực sự ấn tượng trước phong cách giản dị và cởi mở của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tôi nghĩ, tác phong như vậy vừa là nhân cách bẩm sinh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, vừa là sản phẩm học tập phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
PV: Xin trân trọng cảm ơn GS.TS Furuta Motoo và PGS.TS Tsvetov Piotr Yurievich về cuộc trò chuyện này!