TS Vũ Hoàng Dũng, thứ nam của Giáo sư Vũ Văn Mẫu:

Tôi có niềm tin và tự hào về sự phát triển của nước Việt Nam

Thứ Sáu, 25/07/2025, 09:01

Tôi đã nhiều lần nghe đoạn băng ghi âm sự kiện lịch sử diễn ra tại Đài Phát thanh Sài Gòn vào buổi trưa ngày 30/4/1975. Lần nào cũng dâng trào niềm hân hoan non sông liền một dải… Và tôi chợt chiêm nghiệm, trong thời khắc trọng đại đánh dấu đất nước hoàn toàn thống nhất, có 3 người giữ vai trò chủ chốt tại Đài phát thanh Sài Gòn, thì một người miền Bắc là Giáo sư Vũ Văn Mẫu (Thủ tướng chính quyền Sài Gòn, quê Hà Nội), một người miền Trung là Trung tá Bùi Tùng (đại diện quân Giải phóng, quê Đà Nẵng) và một người miền Nam là Đại tướng Dương Văn Minh (Tổng thống chính quyền Sài Gòn; quê Mỹ Tho, Tiền Giang, nay là tỉnh Đồng Tháp). Phải chăng, đó là sự sắp đặt thú vị của dòng chảy lịch sử luôn cháy bỏng khát vọng hòa bình, thống nhất của dân tộc Việt Nam?

Trong buổi phát thanh đó, ông Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng bằng giọng miền Nam, trầm ấm và có vẻ mỏi mệt. Chính ủy Bùi Tùng đọc tuyên bố tiếp nhận đầu hàng bằng giọng miền Trung, dõng dạc và quyết đoán. Giáo sư Vũ Văn Mẫu nói giọng Hà Nội chuẩn, khá ngắn gọn: “Trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, tôi, Giáo sư Vũ Văn Mẫu, Thủ tướng, kêu gọi tất cả các tầng lớp đồng bào vui vẻ chào mừng ngày hòa bình của dân tộc, và trở lại sinh hoạt bình thường. Các chuyên viên của các cơ quan hành chánh quay trở về vị trí cũ theo sự hướng dẫn của chính quyền cách mạng”.

Tôi có niềm tin và tự hào về sự phát triển của nước Việt Nam   -0
Quân giải phóng đưa Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu (khoanh tròn) sang Đài phát thanh tuyên bố đầu hàng (Sài Gòn, 30/4/1975).

Duyên may của nghề báo, tại cuộc giao lưu (tổ chức ở Hà Nội ngày 12/7/2025) ra mắt cuốn sách “Ba người vượt ngục GUYANE” của kỹ sư Đỗ Thái Bình, khắc họa một mảnh ghép về phong trào Đông kinh Nghĩa thục đầu thế kỷ XX; tôi được gặp một người khá đặc biệt, có giọng nói giống hệt giọng của Giáo sư Vũ Văn Mẫu.

Ông là TS Vũ Hoàng Dũng, thứ nam của Giáo sư Vũ Văn Mẫu.

Vài ngày sau cuộc gặp mặt đầu tiên, rất đúng giờ, TS Vũ Hoàng Dũng có mặt tại tòa soạn Báo CAND dự trà đàm và dành cho PV Chuyên đề ANTG cuối tháng cuộc trao đổi thú vị về những chặng đường đã qua của gia đình ông trong dòng chảy lịch sử nước nhà. Những khát vọng của thân phụ ông, vị giáo sư luật học uyên bác Vũ Văn Mẫu về một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất; việc từ chức Ngoại trưởng để đứng về phía Phật giáo đối đầu với chính quyền Ngô Đình Diệm; rồi lại từ chức đại sứ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu để phản đối mở rộng chiến tranh… Trong cuộc trò chuyện, TS Vũ Hoàng Dũng cũng ôn lại nhiều kỉ niệm về Hà Nội xưa và bày tỏ niềm tin vào con đường phát triển Việt Nam hùng cường.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc cuộc trò chuyện thú vị với TS Vũ Hoàng Dũng. 

Tôi có niềm tin và tự hào về sự phát triển của nước Việt Nam   -0
TS Vũ Hoàng Dũng (bìa phải) và PV Chuyên đề ANTG cuối tháng.

PV: Thưa TS Vũ Hoàng Dũng, ông được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, rồi năm 8-9 tuổi mới theo gia đình vô Nam. Trong kí ức tuổi thơ của ông, gia đình ông thời ở Hà Nội như thế nào và Hà Nội thời đó có ấn tượng gì đặc biệt với ông, làm cho ông nhớ nhung, trăn trở dù đã nhiều năm sống ở trời Âu?

TS Vũ Hoàng Dũng: Làng Quất Động (tỉnh Hà Đông xưa, nay thuộc Hà Nội) quê gốc tôi có các dòng họ lớn là Thái, Vũ, Phạm. Bố tôi, cụ Vũ Văn Mẫu là người con của quê hương Quất Động, có nghề thêu nổi tiếng. Nghe các cụ nhà tôi kể lại, năm xưa ấy có một vị lữ khách người Tàu đi qua làng, các cụ nhà tôi mời ông ta lưu lại và khoản đãi chu đáo. Trước khi rời đi, ông ta rất cảm động trước thịnh tình của những người Việt Nam xa lạ; bèn nói với 3 anh em của ông nội tôi: “Tôi không có gì để báo đáp tình cảm của các ông, nhưng tôi sẽ mách các ông làm sao để phong thủy cho tốt”. Ba anh em ông nội tôi nghe theo lời vị lữ khách và chấp nhận cái giá như vị lữ khách nói: “Hậu thế sẽ rất phát nhưng các ông đều đoản thọ!”.

Quả nhiên, mọi việc làm ăn của gia đình ngày một thuận lợi nhưng đúng như lời vị lữ khách đó, 3 anh em ông nội tôi lần lượt mất sớm. Khi ông nội mất, bố tôi mới bước vào tuổi đi học khai tâm. Bố tôi học rất giỏi và sớm thông dịch được tiếng Pháp. Về bà nội tôi, cụ Phúc Thái, khi làm ăn phát đạt rồi thì cụ chuyển về Hà Nội mở tiệm thêu Phúc Thái ở 24 phố Hàng Nón. Bây giờ ở địa chỉ đó là một tiệm thuốc. Ngày 25/7 này là sinh nhật của bố tôi, gia đình tôi sẽ trở lại đó (vợ chồng tôi, em và cháu tôi) sẽ đứng ở đó để chụp ảnh…  

Mà tôi có thể hút thuốc lá được không? Mỗi khi về Hà Nội, tôi thường hút thuốc Thăng Long – thuốc Cụ Hồ đấy. Tôi thường gọi Cụ Hồ, như cách bố tôi gọi (cười tươi khi được hút thuốc)…

Tôi có niềm tin và tự hào về sự phát triển của nước Việt Nam -0
TS Vũ Hoàng Dũng: "Kỷ niệm tuổi thơ tôi với Hà Nội rất nhiều"...

Kỷ niệm của tôi với Hà Nội rất nhiều nên mỗi khi về Việt Nam, tôi chỉ ở khách sạn trong khu phố cổ, gần Ô Quan Chưởng, để vợ con, anh chị em, các cháu ở Pháp, châu Âu về, tôi đều có thể giới thiệu: Đây, đây là Ô Quan Chưởng; vẫn còn cái cổng này là lối để đi vào khu phố cổ Hà Nội, còn nhiều bà con họ hàng mình sinh sống ở đó! Mẹ tôi là ái nữ của cụ Hoàng Gia Luận, tức cụ Cử Sen Hồ. Cụ Luận là em ruột cụ Hoàng Trọng Phu. Bởi vậy, cá nhân tôi có nhiều ký ức rất đẹp về Thái Hà ấp. Mẹ tôi mất năm 1969 ở Sài Gòn, năm ấy mẹ tôi mới 46 tuổi.

Ông nội của mẹ tôi là cụ Hoàng Cao Khải, còn ông ngoại của mẹ tôi là cụ Dương Lâm (anh em Dương Lâm - Dương Khuê). Thời cuộc đi qua, ngoại bang chia rẽ, rồi bao biến động, về sau gia đình tôi được biết Nhà nước vẫn trân trọng các nhân sĩ, Hà Nội vẫn có tên phố Dương Khuê, Dương Lâm để tôn vinh những đóng góp của các cụ với nền văn hóa và lịch sử nước nhà…

PV: Hiệp định Geneve là một dấu mốc lớn của Việt Nam trong thế kỉ XX. Khi đó, ông mới 8 tuổi, liệu có cảm nhận được những thay đổi trong đời sống xã hội, cuộc sống của gia đình…?

TS Vũ Hoàng Dũng: Cuộc xâm lược lần thứ 2 của Pháp thực sự gây xáo trộn trong gia đình chúng tôi. Trong gia đình nội, ngoại chúng tôi cũng có nhiều những người theo Cách mạng. Chị ruột bố tôi, bác Vũ Thị Đức, khi giặc càn qua Quất Động, bác tôi biết tiếng Pháp. Bác xin toán lính để cho người dân được sống. Khi bác tôi giơ tay ra, chúng nó thấy có kiềng vàng, bèn bắn chết bác tôi ngay trước mặt cô út tôi là Vũ Thị Sửu. Sau ngày đau thương đó, cô tôi dứt khoát đi theo kháng chiến. Cô tôi sau này vào Sài Gòn vẫn tiếp tục giúp đỡ cách mạng. Nay cô tôi vẫn sống ở TP Hồ Chí Minh, đã hơn 100 tuổi rồi.

Năm 1954, Giáo sư Vũ Như Canh, em ruột bố tôi quyết định ở lại miền Bắc. Giáo sư Vũ Như Canh là Tiến sĩ về Toán -  Lý, dạy học tại nhiều trường đại học ở Hà Nội… Chuyện trao đổi, bàn bạc trong gia đình khi đó tôi không được tham gia, nhưng có việc tôi cũng được nghe. Khi đất nước phải chia đôi, những người rời đi, người ở lại thì xáo trộn là chuyện thường tình. Bố tôi khi đó là giáo sư trường Luật Hà Nội. Gia đình chúng tôi đi máy bay từ Gia Lâm. Khi máy bay đáp xuống Tân Sơn Nhứt, thấy có nhiều người ra đón. Bố tôi nói: “Con chào đi. Đây là bác Âu Trường Thanh”. Bác ấy trẻ hơn bố tôi, là người rất giỏi, một kinh tế gia có tư duy tuyệt vời.

Sau đó bố tôi làm giáo sư rồi trưởng khoa trường Luật Sài Gòn. Thời đó gia đình tôi có gửi thơ cho gia đình ngoài Bắc; vẫn gửi được, gửi qua Tiệp, qua Anh quốc rồi mới về đến Việt Nam. Chú ruột tôi, Giáo sư Vũ Như Canh, vẫn nhận được thư bố tôi gửi từ Sài Gòn. Có lá thư chú còn giữ được, bố tôi viết: “Cháu Vũ Hoàng Dũng rất chăm ngoan”.

Tôi có niềm tin và tự hào về sự phát triển của nước Việt Nam -0
TS Vũ Hoàng Dũng: "Mỗi khi về Việt Nam, tôi chỉ ở khách sạn trong khu phố cổ, gần Ô Quan Chưởng, để vợ con, anh chị em, các cháu ở Pháp, châu Âu về, tôi đều có thể giới thiệu: Đây, đây là Ô Quan Chưởng; vẫn còn cái cổng này là lối để đi vào khu phố cổ Hà Nội, còn nhiều bà con họ hàng mình sinh sống ở đó".

PV: Việc Giáo sư Vũ Văn Mẫu cạo trọc đầu, từ chức Ngoại trưởng chính quyền Sài Gòn là một sự kiện chấn động không chỉ ở Sài Gòn mà còn gây sự chú ý của thế giới. Ông cảm nhận sự kiện đó thế nào, mọi người trong gia ông đã chia sẻ như thế nào?

TS Vũ Hoàng Dũng: Tôi nghĩ bố tôi là một chính khách độc lập. Sau khi vào Sài Gòn, bố tôi không tham gia đảng phái nào nhưng ông Ngô Đình Diệm nể trọng uy tín, tài năng nên mời bố tôi làm Ngoại trưởng. Tuy bố tôi làm Bộ trưởng Ngoại giao nhưng tôi thì tham gia biểu tình chống chính quyền Diệm đàn áp Phật giáo, lúc đó tôi 17 tuổi.

Tôi vẫn nhớ ngày 20/8/1963, ông Ngô Đình Diệm thiết quân luật để đàn áp phong trào Phật giáo. Trong bữa cơm, mẹ tôi hỏi bố: “Anh sẽ làm gì?”; bố tôi đáp: “Cứ từ từ mà biết!”. Hôm sau ở trường học có bạn tôi Thái Quang Nam, con nhà khoa học Thái Văn Kiểm, nó đi qua tôi và giơ ngón tay cái ra hiệu, tôi không hiểu gì cả. Lúc về nhà (số 57 Hồng Thập Tự, nay là Nguyễn Thị Minh Khai), tôi thấy cảnh sát đứng lố nhố quanh nhà; vào nhà thì thấy bố tôi với cái đầu trọc lốc! Việc đó khiến tôi thêm kính trọng và ngưỡng mộ bố hơn. Đạo Phật rất đề cao cái sự dũng cảm.

Tôi có niềm tin và tự hào về sự phát triển của nước Việt Nam -0
Giáo sư Vũ Văn Mẫu thời điểm cạo đầu, từ chức Ngoại trưởng để phản đối chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo.

Bố tôi quyết định từ chức Ngoại trưởng và hành hương sang Ấn Độ. Xe đưa bố tôi ra phi trường, có tôi đi tiễn. Đang đi thì xe bị cảnh sát chặn lại. Bố tôi rất điềm tĩnh. Họ đưa bố tôi về trại Lê Văn Duyệt, cái trại nổi tiếng là vào được nhưng không ra được! Sau đó có người đưa ông đi lên tầng trên, trong lúc tôi ngồi chờ đợi. Nửa tiếng sau, họ dẫn bố xuống và bố tôi nói với họ, các ông mà làm gì với tôi thì xấu hổ cho chính thể Việt Nam Cộng hòa (VNCH) này lắm! Hóa ra, ngoại giao đoàn đã can thiệp. Ông trưởng Ngọai giao đoàn ở Vatican đã lên tiếng. Ông Diệm là người Công giáo, rất nể ông này. Nhờ sự can thiệp của quốc tế, cả gia đình tôi cùng ra đi an toàn…

Trong gia đình ai cũng mến bố tôi, bởi bố có tinh thần dân tộc, yêu nước. Khi bố tôi làm việc thì luôn bảo vệ chủ quyền Việt Nam. Năm 1956, mới 10 tuổi tôi đã biết về Hoàng Sa, Trường Sa. Bố tôi nói Việt Nam rất nhiều tài nguyên, mình phải bảo vệ những gì cha ông để lại. Bố tôi nói nước mình cần hòa bình để khỏi bị ngoại bang can dự…

Bác ruột tôi, Hoàng Quốc Tân là luật sư, cũng là người đảng viên Cộng sản, bác đã hoạt động rất nhiều trong miền Nam. Bố tôi và bác là hai anh em cột chèo hay tâm sự, đàm đạo với nhau. Có lần tướng Mai Hữu Xuân mách ông Diệm: “Thưa cụ, cụ có biết ông Mẫu có người anh em cột chèo là Cộng sản không?”. Ông Diệm đáp: “Chuyện này tôi biết, hơn nửa nước Việt Nam này theo Cộng sản”. Có lẽ đấy là lí do ông Diệm không muốn tổng tuyển cử, vì nếu làm thì ông ấy sẽ thất cử…

Tôi có niềm tin và tự hào về sự phát triển của nước Việt Nam -0
"Tuy bố tôi làm Bộ trưởng Ngoại giao nhưng tôi thì tham gia biểu tình chống chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo... Mới 10 tuổi tôi đã biết về Hoàng Sa, Trường Sa. Bố tôi nói Việt Nam rất nhiều tài nguyên, mình phải bảo vệ những gì cha ông để lại. Năm 1971 bố tôi đã kí công báo về việc Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam".

Trở lại năm 1963, sau chuyến hành hương Ấn Độ thì gia đình tôi qua Pháp; đến mùa Giáng sinh 1963 lại từ Paris về Sài Gòn. Năm 1964, bố tôi được chính quyền Sài Gòn bổ nhiệm làm Đại sứ VNCH tại London, lúc đó kiêm nhiệm 6 nước châu Âu. Năm 1965-1966, chính quyền Thiệu - Kỳ cho quân Mỹ vào và mở rộng ném bom ra miền Bắc, bố tôi lại từ chức lần thứ hai để phản đối… Sau này, bố tôi trở về Sài Gòn hoạt động độc lập, tranh cử trong “Liên danh Hoa sen” quy tụ mọi thành phần hòa bình và đắc cử Thượng nghị sĩ vào năm 1970. Bố tôi tham gia thành lập Đại học Vạn Hạnh để các sư thầy, sư cô có thể học hành bài bản, có văn bằng chính quy và rõ ràng. Ông vừa tham gia giảng dạy tại trường Luật, Đại học Vạn Hạnh và tham gia chính trường... Năm 1971 bố tôi đã kí công báo về việc Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.

PV: Ông nhận được tin cha mình làm Thủ tướng cuối cùng của VNCH khi nào, cảm xúc của ông và gia đình thời điểm đó?

TS Vũ Hoàng Dũng: Bối cảnh đầu năm 1973 sau Hiệp định Paris, VNCH chẳng còn gì, mọi người đều hiểu việc Việt Nam sẽ thống nhất, chỉ là thời điểm nào mà thôi. Nếu có tổng tuyển cử, có lẽ người ta đều bỏ phiếu cho những gì thuộc về Cụ Hồ. Về việc bố tôi trở thành Thủ tướng, tôi chỉ biết tin khi báo chí đưa về việc thành lập chính phủ mới vào ngày 28/4/1975. Lúc đó tôi đang sống tại Anh quốc, quả thật tôi lo lắng cho sự an nguy của ông. Lo chứ sao không? Chiến tranh mà, một người có kỉ luật đến đâu đi nữa, nhưng trong chiến tranh mình đâu biết họ sẽ hành xử ra sao... Sau này thì tôi gặp Phạm Xuân Thệ, ông tặng tôi bức ảnh; tay ông ấy lăm lăm khẩu súng khi ở bên ông Dương Văn Minh và bố tôi! Vậy nhưng đã không có chuyện gì xảy ra.

Tôi có niềm tin và tự hào về sự phát triển của nước Việt Nam -0
TS Vũ Hoàng Dũng với ấn phẩm An ninh Thế giới cuối tháng - Báo CAND.

PV: Sự kiện xe tăng quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc lập, rồi Giáo sư Vũ Văn Mẫu cùng ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, mong muốn hòa hợp, hòa giải dân tộc… ông biết vào ngày nào? Lần đầu tiên trở lại thăm Việt Nam sau năm 1975, chắc ông xúc động và vui lắm? Các thành viên gia đình ông nữa, chắc hẳn họ cũng rất tưởng nhớ quê hương?

TS Vũ Hoàng Dũng: Lúc đó không có tiếp sóng trực tiếp trên đài báo phương Tây, sau này tôi mới nghe được diễn biến tại Đài Phát thanh Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975 và bố tôi có nói trên sóng phát thanh: “Trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, tôi, Giáo sư Vũ Văn Mẫu, Thủ tướng, kêu gọi tất cả các tầng lớp đồng bào vui vẻ chào mừng ngày hòa bình của dân tộc, và trở lại sinh hoạt bình thường. Các chuyên viên của các cơ quan hành chánh quay trở về vị trí cũ theo sự hướng dẫn của chính quyền cách mạng”. Bố tôi là một phật tử và lời ông nói lúc đó là rất phù hợp... Sau 1975, bố tôi vẫn ở Việt Nam, tại ngôi nhà số 132 Sương Nguyệt Ánh mà hiện giờ cô tôi đang ở. Đó là căn biệt thự đẹp, bố tôi mua trước năm 1963.

Tôi có niềm tin và tự hào về sự phát triển của nước Việt Nam -0
TS Vũ Hoàng Dũng: "Bố tôi được ông Võ Văn Kiệt tạo điều kiện cho đi 6 tháng, ở 6 tháng trong 10 năm liền như thế".

Đến quãng năm 1988 thì bố tôi bắt đầu đi lại giữa Pháp và Việt Nam. Bố tôi nói, muốn đi và đi để trở về Việt Nam chứ không phải đi luôn. Bố tôi được ông Võ Văn Kiệt tạo điều kiện cho đi 6 tháng, ở 6 tháng trong 10 năm liền như thế. Tôi gặp bố tôi lần đầu tiên sau 1975 là vào năm 1988. Tôi ở Anh từ năm 1964 đến năm 1988, khi ông chủ tịch của tôi về hưu, thì tôi trở về Pháp. Cũng năm đó, bố tôi từ TP HCM qua Pháp.

Hôm ấy là mùa Hè năm 1988, tôi cùng người chú ruột là Vũ Văn Giáp (cựu phó Đại sứ VNCH ở Morroco và Rome) đi tàu hỏa lên Paris. Ở sảnh chờ sân bay Charles de Gaulle, tôi cố kiễng chân lên nhìn bố từ máy bay bước xuống… Khi bố tôi bước tới, tôi chỉ biết ôm bố mà không nói với nhau câu gì. Đó cũng là lần đầu tiên bố tôi được gặp các cháu. Trước thì tôi có gửi ảnh cho bố, còn bố gửi tranh cho chúng tôi. Bố tôi tự vẽ, tranh Việt Nam, vẽ cả tranh các cháu nhưng đó là lần đầu tiên bố tôi được gặp mặt các cháu. Từ đó trong 10 năm liền cho tới khi bố tôi mất, cứ nửa năm bố tôi qua Pháp với con cháu, nửa năm ở Việt Nam.

Tôi có niềm tin và tự hào về sự phát triển của nước Việt Nam -0
Góc phòng thờ với nhiều ảnh chân dung các cụ trong gia đình nội, ngoại của TS Vũ Hoàng Dũng; tấm ảnh thờ Giáo sư Vũ Văn Mẫu và phu nhân do Giáo sư Vũ Văn Mẫu tự họa. (Ảnh: NVCC).

Sau năm 1975, do công việc mưu sinh và nhiều nỗi lo nên tôi chưa thể về Việt Nam dù rất muốn. Đến năm 2004, một hôm con trai trưởng của tôi thưa chuyện: “Con xin phép ba đi Campuchia huấn luyện thêm võ”, con tôi học võ nhiều. Khi đó tôi đã nghĩ đến chuyện hỏi con, tại sao con đi Campuchia mà không phải Việt Nam để huấn luyện võ? Nhưng tôi đã không hỏi.

Rồi khoảng 1 tuần sau, một hôm tôi nhận điện thoại của Hùng, con nói: “Ba ơi ba biết con đang ở đâu không?”. Tôi đáp: “Ba biết con đang ở Campuchia, ba không hiểu con đang muốn nói tới điều gì?”. Nó tiếp lời:  “Con đang ở Sài Gòn!”. Tôi giật mình và xúc động lắm. Con tôi đề nghị: “Ba, ba hãy cho con một danh sách những nơi để đi, những người con phải gặp”. Tôi đáp: “Con đợi một lát. Ba xúc động quá. Ba sẽ gọi lại”. Sau đó, tôi gọi lại dặn con tới thăm mộ mẹ tôi, mộ bà tôi, tức là bà và các cụ của con; con hãy tới và lấy mỗi nơi một nắm đất mang về để ba đặt lên bàn thờ của gia đình ở Paris. Con tôi đã làm đúng theo lời tôi dặn. Khi trở về, con tôi nói, “Ba dạy chúng con lịch sử Việt Nam, ba dạy con nói tiếng Việt, tại sao ba không về Việt Nam?”. Vậy là tôi quyết định sẽ sớm về thăm quê hương, nhưng năm 2004 có bệnh dịch SARS nên đến 2005 thì chúng tôi mới về thăm quê hương lần đầu tiên sau nhiều năm xa cách. Từ đó, gia đình chúng tôi đã nhiều lần về thăm quê hương.

Năm 2025 này, mấy hôm nữa chúng tôi sẽ trở lại thăm quê hương Quất Động, tôi sẽ đưa vợ tôi cùng các em, các cháu mình về Quất Động. Ngày 24/7, mọi người sẽ bay về Việt Nam, chúng tôi sẽ thăm Hà Nội trong hai ngày… Tôi muốn anh nghe cháu tôi nói tiếng Việt xem thế nào nhé.

Tôi là người duy nhất trong gia đình du học ở Anh, các anh chị em tôi thì đều học ở Pháp. Trường tôi theo học là University of East Anglia, tốt nghiệp năm 1966. Tôi có duyên gặp vợ tôi khi vừa tốt nghiệp đại học ở Pháp, hơn tôi một tuổi, sau đó qua Anh để làm việc trong một khoa của trường đại học của tôi thì gặp nhau. Thấy cô gái tây duyên dáng có cặp chân đẹp, vậy là tôi theo đuổi và yêu nhau. Tôi cưới vợ năm 1968, mới 23 tuổi! Tôi ở Anh từ năm 1963 tới tận năm 1988 mới qua Pháp. Sau khi kết hôn, tôi và vợ quyết định một trong hai phải ở nhà trông nom, nuôi dạy các con. Vợ tôi lựa chọn ở nhà. Còn tôi đi xin việc và làm tại một liên minh Hợp tác xã ở Anh và tham gia liên đoàn lao động ở đó.

Tôi có niềm tin và tự hào về sự phát triển của nước Việt Nam -0
Mỗi tuần tôi vẫn gọi video cho các cháu qua Google Meet, tôi truy nó bằng tiếng Việt: Thánh Gióng là ai, đánh giặc nào! Ngô Quyền là ai, cháu kể ông nghe…

Vợ tôi rất tốt. Các con, các cháu tôi biết tiếng Việt là nhờ công của vợ tôi. Vợ tôi là người Pháp, nhưng bà ấy yêu cầu các con tôi phải học về Việt Nam, về lịch sử, về Lý Thường Kiệt, về Ngô Quyền... Tôi có 3 con, người con cả: Vũ Hoàng Hùng - do ông nội đặt tên, năm nay 55 tuổi, là giáo sư và kinh doanh về nhạc, giải trí ở Pháp. Con gái thứ hai, Vũ Hoàng Yến, là GS.TS của Bộ Quốc gia giáo dục Pháp, 52 tuổi. Con út, cũng là giáo sư, Vũ Hoàng Vượng, sinh năm 1978. Các con đều có gia đình riêng. Tôi có một cháu nội, Vũ Hoàng Kim Xuân, con của Vũ Hoàng Hùng, năm nay 13 tuổi, mẹ cháu là người Pháp nhưng cháu biết tiếng Việt, biết về Ngô Quyền. Mỗi tuần tôi vẫn gọi video cho các cháu qua Google Meet, tôi truy nó bằng tiếng Việt: Thánh Gióng là ai, đánh giặc nào! Ngô Quyền là ai, cháu kể ông nghe…! Tôi có 3 cháu ngoại, các cháu đều biết tiếng Việt, các cháu biết đọc, biết viết tiếng Việt.

PV: Ông cảm nhận thế nào về nước Việt Nam sau 80 năm độc lập, 50 năm thống nhất?

TS Vũ Hoàng Dũng: Tôi rất tự hào và hay nói về Việt Nam đến mức mà vợ tôi bảo: “Vậy anh về Việt Nam anh sống đi!”... Tôi có nhiều học trò, bạn trẻ là sinh viên Việt Nam, tôi thường khuyên họ rằng, họ có ưu thế vô cùng lớn, nên hãy sống, làm việc trong sạch như các cụ, để dẫn dắt đất nước phát triển. Tôi là Việt kiều và không phải đảng viên, nhưng tôi nghĩ Đảng Cộng sản đã lãnh đạo đất nước phát triển như ngày nay và đất nước mình có tầm vóc, có tầm nhìn rất xa. Tôi tự hào và tin tưởng!

Trần Duy Hiển – Nguyễn Viết Phùng (thực hiện)
.
.