Thạc sĩ, bác sĩ tâm lý lâm sàng Nguyễn Hồng Bách: Nhiều người không biết mình đang ...rối loạn

Thứ Ba, 17/05/2022, 11:35

Tôi nhớ mãi cảm giác hôm ấy, khi cánh cửa phòng làm việc của bác sĩ Nguyễn Hồng Bách mở ra, một người đàn ông sôi nổi với gương mặt sạm đen giàu trải nghiệm chào đón thì không hiểu sao một ý nghĩ tình cờ rơi xuống tôi: chính người đàn ông này có vẻ cũng đã trải qua những thăng-trầm tâm lý không dễ đoán...

Một ngày, chúng ta đọc tin trên báo: Một cô/cậu bé ở một chung cư nào đó tự tử. Những cô/cậu bé thực sự xa lạ với chúng ta nhưng cái chết và cách chết của họ vẫn khiến ta ám ảnh. Một ngày, chúng ta chợt thấy cộng đồng mạng bàn tán nhiều chiều, nhiều giọng quanh câu chuyện tự tử trong xã hội. Rồi lại một ngày, rất không may, có thể chúng ta chợt nghe tin báo: không phải là một người xa lạ nữa, mà là một người ta biết, có thể là họ hàng, có thể là đồng nghiệp, có thể là bạn bè Facebook… đột nhiên tự tử. Chúng ta bàng hoàng, sửng sốt và chợt nhận ra sự sống trong nhiều trường hợp sao mong manh quá. Đấy có thể là một trạng thái cảm xúc mà bạn đã trải qua. Nếu nó không quá ám ảnh bạn thì cũng khiến bạn phải cật vấn ít nhiều về những góc khuất tâm lý của con người hiện đại. Tôi đã trải qua những cật vấn như thế, những cật vấn trở đi trở lại và tôi đã ngồi lại cùng thạc sĩ, bác sĩ tâm lý lâm sàng Nguyễn Hồng Bách để chia sẻ tất cả những điều này.

Tôi nhớ mãi cảm giác hôm ấy, khi cánh cửa phòng làm việc của bác sĩ Nguyễn Hồng Bách mở ra, một người đàn ông sôi nổi với gương mặt sạm đen giàu trải nghiệm chào đón thì không hiểu sao một ý nghĩ tình cờ rơi xuống tôi: chính người đàn ông này có vẻ cũng đã trải qua những thăng-trầm tâm lý không dễ đoán. Và, lần đầu tiên tôi thấy mình vô duyên như thế, vô duyên khi mở đầu câu chuyện bằng cách hỏi về những góc khuất tâm lý của chính… chuyên gia tâm lý.

Thạc sĩ, bác sĩ tâm lý lâm sàng Nguyễn Hồng Bách: Nhiều người không biết mình đang ...rối loạn -0
Ảnh: Huyền Châm.

Giữa muôn trùng áp lực

- Nhà báo Phan Đăng: Rất mong bác sĩ Nguyễn Hồng Bách thứ lỗi, nhưng bằng trực cảm của mình, tôi cảm giác anh đã trải qua nhiều biến cố trong cuộc đời. Và, mẫu người như anh thường rất khó nắm bắt.

- Bác sĩ Nguyễn Hồng Bách: (Cười...). Đúng! Tôi đã trải qua những biến động rất lớn, đến mức có giai đoạn chính tôi cũng đóng cửa phòng lại, gần như không giao du với ai bên ngoài.Nhưng rồi tôi đã vượt qua.Tôi cũng là mẫu người cực đoan, nên không tránh khỏi người yêu kẻ ghét.Có thể hôm nay chúng ta gặp nhau và sẽ gặp lại nhau.Mà cũng có thể sau hôm nay chúng ta lại coi nhau như khách lạ.Nhưng, tôi đang mơ hồ nghĩ, anh cũng có nhiều phần giống tôi đấy.

- Thời gian sẽ trả lời điều đó! Anh Bách này, vừa rồi chúng ta đã chứng kiến một vài vụ tự tử của các bạn trẻ. Cầu mong đó chỉ là một vài vụ tự tử lẻ tẻ, chứ tuyệt đối không phải là một trào lưu.Những vụ lẻ tẻ như thế có thể được nhìn nhận ở góc độ xã hội học lẫn góc độ phân tâm học. Tôi thì đã và đang nhìn ở góc độ phân tâm học và tôi nhớ tới khái niệm "bản năng chết" của Sigmund Freud. Anh nghĩ sao?

- Trong xã hội, quả nhiên có một phần trăm cực kỳ nhỏ những người vốn dĩ có một thứ mà những nhà tâm lý gọi là "nhu cầu được chết". Tôi thích dùng từ này hơn là từ "bản năng chết" mà anh vừa nói.Đây là hiện tượng ám chỉ những người mà từ lúc sinh ra, lớn lên và bắt đầu có nhu cầu nhận thức là lập tức họ đã không muốn sống rồi.Họ chỉ đang cố để tồn tại nhưng trong suốt quá trình tồn tại đó, nhu cầu chết của họ luôn hiện hữu. Họ nghĩ rằng cái chết sẽ giúp mình thoát khỏi cuộc đời.Nhưng, xin nhấn mạnh số lượng những người như vậy chỉ chiếm một tỉ lệ rất, rất nhỏ thôi. Còn với đa phần các trường hợp khác, vốn dĩ trong họ không hề có cái nhu cầu chết ấy, nhưng do áp lực học hành, áp lực công việc, áp lực gia đình mà họ đã nghĩ đến cái chết. Mô thức tâm lý của họ lúc đó là gì?Là không còn ý chí để sống, là không biết mình sống để làm gì, là không hiểu ý nghĩa của cuộc đời này nữa.3 yếu tố này cộng lại dẫn họ tới chuyện... giải thoát bản thân.Ở lĩnh vực tâm thần học, khi một ai đó có ý tưởng và ý tưởng thành lập hoặc bán thành lập về chuyện tự tử thì nó nằm trong thang cấp cứu cao nhất rồi.

- Áp lực! Một chút áp lực thì rất tốt, bởi một chút áp lực, nếu được xử lý đúng cách hoàn toàn có thể trở thành động lực.Nhưng, quá nhiều áp lực, mà đối tượng phải chịu áp lực lại là những đứa trẻ chưa được trang bị sức chịu đựng đủ lớn thì lại nguy hiểm, phải không anh?

- Theo góc nhìn tâm lý, tôi thấy nhiều đứa trẻ hiện nay chịu những áp lực lớn từ cha mẹ. Và, anh phải nhớ rằng áp lực không chỉ đến từ những kỳ vọng, không chỉ được thể hiện bằng những lời nói, những lời quát mắng, mà trong rất nhiều trường hợp lại đến từ những hình thái tưởng là rất nhỏ nhưng lại có tác động rất lớn, ví dụ một cái cau mặt hoặc một tiếng thở dài. Những hình thái này dẫn đến tác động rất xấu, vì nó tỏa ra một thứ năng lượng tiêu cực.Những đứa trẻ có sóng tiếp nhận thông tin tốt, tức là sóng Beta tốt thì còn bình thường.Nhưng những đứa trẻ có sóng Beta không tốt thì rất dễ rơi vào trầm cảm, mà từ trầm cảm đến tự tử là một điều có thể hiểu được.

- Sóng Beta?

- Vâng! Mà không chỉ với những đứa trẻ, ngay cả với người trưởng thành cũng vậy thôi. Tôi xin lấy ví dụ, một ngày anh tiếp nhận khoảng 50 thông tin, nếu có sóng Beta tốt, anh hoàn toàn có thể tiếp nhận/phân tích/sắp đặt các thông tin rất khoa học để giải quyết. Nhưng, những người có sóng Beta thấp thì họ sẽ không thể sắp đặt, giải quyết một chùm thông tin như vậy.Mọi thứ cứ lẫn lộn như một nồi lẩu trong đầu họ.Nó dẫn tới trường hợp bội thức của não bộ, từ đó dẫn đến trầm cảm. Rất may, hiện tỉ lệ này ở Việt Nam vẫn thấp, chỉ chiếm khoảng 18% dân số.

- Với những đứa trẻ vốn dĩ có sóng Beta thấp, lại chịu nhiều áp lực từ bố mẹ thì khả năng chúng tìm đến một cách thức giải thoát nào đó là có thật?

- Phải nói thẳng rằng ở Việt Nam hiện nay, việc nhận dạng năng lượng tiềm năng của những đứa trẻ là chưa tốt. Tôi đã gặp những bệnh nhân mà cùng lúc bố mẹ ép học triền miên nhiều môn học.Học mà không biết là kiến thức có kịp vào não và ở lại trong não mình nữa không. Hiện, tôi đang điều trị một cậu bé nghiện games ở Hải Dương. Cậu bé này vẽ rất đẹp. Một lần, trong giờ học toán, ông bố phát hiện cậu bé không học toán mà lại vẽ tranh. Lập tức, ông bố bạt tai, bẻ bút, xé bức tranh của cậu. Cậu bé cảm thấy mình bị xúc phạm ghê gớm. Một vết xước khó quên hình thành trong não cậu.Thậm chí, sự hận thù của cậu dành cho bố cứ thế lớn dần. Khi gặp tôi, cậu bé luôn hỏi, cậu phải học môn gì để sau này có thể trở thành kiến trúc sư? Bố mẹ thì không muốn cậu thành kiến trúc sư, mà lại muốn thành kỹ sư.Câu chuyện điển hình này cho thấy kỹ năng làm cha làm mẹ trong nhiều gia đình Việt Nam bây giờ chưa tốt. Nhiều cha mẹ không chịu hiểu con, mà chỉ dạy con theo một tư tưởng vốn đã mặc định từ lâu trong họ, được hình thành từ thời ông bà, bố mẹ, cô dì, chú bác họ. Với những người này, con cái thực chất không phải là một thực thể sống, mà là một thực thể phụ thuộc.Nhưng, cũng vẫn những người này, sau khi chứng kiến những cú sốc nào đó của con cái thì lại quay ra chiều chuộng vô tội vạ.Họ lại nảy sinh tâm lý phải bù đắp những ngày tháng mình quá khắc nghiệt với con. Thậm chí, sẵn sàng trở thành nô nệ cho con, nuông chiều mọi suy nghĩ, cảm xúc của con.

Thạc sĩ, bác sĩ tâm lý lâm sàng Nguyễn Hồng Bách: Nhiều người không biết mình đang ...rối loạn -0
Bác sĩ Nguyễn Hồng Bách trò chuyện cùng nhà báo Phan Đăng. Ảnh: Huyền Châm.

- Khắc nghiệt quá cũng nguy hiểm. Nuông chiều quá càng nguy hiểm!

- Chính xác! Họ không xác lập được một cực trung dung. Họ đi từ dương sang âm trong chớp mắt. Khi một đứa trẻ tiếp nhận chu trình giáo dục như vậy thì không hỗn loạn mới lạ.

Tránh hai chiều cực đoan

- Tôi nghĩ chúng ta phải hết sức thận trọng khi nói đến chuyện này. Bởi, không loại trừ khả năng một đứa trẻ nào đó vô tình đọc được bài báo này và nếu đứa trẻ ấy tưởng chúng ta đang cổ vũ cho một trào lưu công kích những ông bố, bà mẹ trong một gia đình thì hết sức nguy hiểm. Cho nên, tôi muốn nhấn mạnh lại điều anh vừa nói, vấn đề ở đây không phải là công kích các bậc phụ huynh một cách cực đoan, mù lòa; cũng không cổ vũ cho làn sóng nuông chiều con cái một cách thái quá.Vấn đề là phải luôn luôn xác lập được cực trung dung, vừa đủ độ trong quá trình giáo dục con cái.

- (Gật đầu...).

- Vừa nãy anh nói đến chuyện nhiều ông bố, bà mẹ không hiểu con. Tôi thì nghĩ hiểu con cái mình luôn là một thách thức không đơn giản. Một đứa trẻ thời của anh khác với một đứa trẻ thời của tôi.Một đứa trẻ thời của tôi khác với một đứa trẻ của thời công nghệ hôm nay.Cho nên, dựa trên những kinh nghiệm của những thế hệ đi trước để cố hiểu một đứa trẻ là không đủ.Trong rất nhiều trường hợp, nhiều bậc phụ huynh còn phải học phương pháp tiếp cận, ứng xử, đối thoại để có thể hiểu con cái mình, thưa anh?

- Tôi xin phân tích một ví dụ, đến tuổi lớp 8, lớp 9, nhiều đứa trẻ có thể sẽ trộm xem họa báo với những hình người mẫu mặc bikini hoặc vào web sex. Với thời đại Internet hôm nay thì việc tiếp cận web sex cũng chẳng khó khăn gì.Vậy, chúng ta đã thích ứng với những thay đổi này chưa?Tôi ở Nga 25 năm và thấy rằng ở đó trẻ em lớp 5 đã được tiếp cận giáo dục giới tính rồi. Các em đã học cách chăm sóc một đứa trẻ bằng búp bê.

Có một đôi vợ chồng người Anh đã mang chính con mình ra để nghiên cứu. Sau khi sinh con, họ không cho đứa trẻ ấy có bất cứ ý niệm nào về giới tính. Đến một ngày đứa trẻ ấy tự định hình và phân tích giới tính của mình thì lập tức nó bị lệch lạc nghiêm trọng. Đây là một "thí nghiệm" nhận phải những phản ứng rất trái chiều nhưng lại là một cơ sở để chúng ta nhận thức rõ hơn về việc hình thành và phát triển giới tính trong một đứa trẻ. Việc hình thành giới tính thực ra đã xuất hiện từ trong bào thai rồi, vì ngay từ giai đoạn đó chúng ta đã thấy sự khác biệt của cơ quan sinh dục nam và cơ quan sinh dục nữ. Nhưng, để định nghĩa giới tính cho trẻ thì chúng ta cần đến một quá trình giáo dục thực sự. Và, những bậc làm cha làm mẹ phải học cách để tham gia vào quá trình giáo dục đó. Nếu quá trình giáo dục đó không cẩn thận thì các con sẽ gặp đủ chuyện trên đời. Do vậy, nền tảng gia đình là quan trọng nhất. Sau đó mới đến nền tảng trường lớp.

- Vậy mà khi có sự cố nào đó xảy ra với một đứa trẻ, nhiều người thường nghĩ ngay tới chuyện chỉ trích ngành giáo dục.

- Gia đình, bố mẹ mới là nền tảng giáo dục đầu tiên. Cha mẹ đã hiểu con chưa? Tính cách của con như thế nào? Sức học ra sao? Con mạnh/yếu những điểm gì? Cha mẹ đã từng mắng mỏ, dằn vặt, cãi vã nhau trước mặt con cái chưa?Tất cả những yếu tố đó hình thành nên một nhân sinh quan, đóng hay mở của một đứa trẻ.Ở đây tôi không được phép xâm phạm vào quá trình giáo dục của các bậc cha mẹ.Với những gì tôi đã trải qua, với những bệnh nhân tôi từng tiếp xúc thì chỉ dám đưa ra những nhận định cơ bản như vậy thôi.

Thay vì tra khảo, hãy chia sẻ với con

- Khi chứng kiến một vài vụ tự tử đau lòng của một số bạn trẻ thời gian qua, tôi nghĩ nhiều đến hai chữ “đối thoại”. Ở trên anh vừa nói, bố mẹ phải học cách để hiểu con, từ đó đối thoại một cách tích cực với con.Ngược lại, con cái cũng phải được khơi gợi năng lực để có thể đối thoại với bố mẹ. Cái chết của sự đối thoại trong một gia đình là cái chết vô cùng nguy hiểm và theo tôi, chính là nguồn cơn sâu xa của rất nhiều tấn bi kịch. Là một bác sĩ tâm lý, anh thấy sao?

- Một bệnh nhân của tôi học lớp 10, vào một ngày "đẹp trời" liền phản kháng bố mẹ, vì đơn giản bố mẹ bắt cậu ấy quét nhà. Cậu ấy liền lấy chổi ném vỡ tivi. Bố mẹ hỏi thì cậu bé bảo bắt con cưỡi chổi còn dễ hơn quét nhà. Bởi, trước đó việc quét nhà là của người giúp việc. Chẳng qua là bố đi làm về, đang ức chế một việc gì đó, gặp đúng lúc con ngồi chơi điện tử trên ghế sofa nên ngứa mắt, bắt con đi quét nhà thôi. Rồi tôi lại gặp những ông bố, bà mẹ lúc nào cũng nói một câu cửa miệng: "Con hãy học đi, cứ học đi. Mọi việc để bố mẹ lo". Những điều đó đều là biểu hiện cho cái mà anh vừa nói đến: Cái chết của sự đối thoại.

- Phải làm gì để tăng cường năng lực đối thoại, thưa anh?

- Phải luôn luôn, thường trực đặt mình vào độ tuổi của các con. Tôi xin phân tích cụ thể diễn biến lứa tuổi để anh hình dung: Từ 3-6 tuổi các con phát triển tư duy ngôn ngữ. Từ 7-10 tuổi  hình thành nhân cách. Từ 12- 17 tuổi là quá trình thành lập nhân tố sống. Khi con cái ở giai đoạn 12-17, cha mẹ hãy lắng nghe, tôn trọng các con hơn và cố gắng không dùng mệnh lệnh thức với con. Tất nhiên, nhẹ nhàng, dịu dàng không có nghĩa là chiều chuộng. Mọi chuyện vẫn phải nằm trên một hành lang cho phép. Trong giai đoạn này các con có thể nảy sinh tình yêu với bạn khác giới nhưng đấy thực chất chỉ là những tình cảm bột phát. Lúc đó phần lớn các bậc cha mẹ thường bảo con: Học đi, yêu đương gì! Như thế có nghĩa là không đối thoại đấy.

- Đối thoại cách nào trong những tình huống nan giải này?

- Thay vì cấm đoán nên tìm cách biến tình cảm các con thành động lực. Con có thể yêu. Nhưng, bạn ấy học có tốt không? Nếu bạn ấy học tốt thì con phải học hỏi bạn ấy. Tiếp theo nữa, hãy chia sẻ với con chứ đừng nhất nhất đòi con chia sẻ. Các bậc cha mẹ thường hỏi con đi đâu, chơi đâu, gặp gỡ ai. Nhưng, ngược lại, tại sao không chia sẻ với con những chuyện mà mình có thể chia sẻ, ngay cả những chuyện ở cơ quan?Mẹ đang có góc nhìn khác với một cô đồng nghiệp, con cho mẹ lời khuyên được không.Lúc ấy, tự nhiên các con có cảm giác mình có trách nhiệm với gia đình hơn, được thể hiện bản thân hơn.

Nguy hiểm những người tự huyễn bản thân

- Chúng ta đã nói về hiện tượng tự tử ở người trẻ, còn với người lớn thì sao? Anh có cho rằng, áp lực quá lớn của cuộc sống hiện đại khiến ngay cả những người trưởng thành nhiều lúc cũng không kiểm soát nổi năng lực hành vi của mình?

- Tôi vừa gặp 3 bệnh nhân mới nhất liên quan tới câu hỏi của anh. Trường hợp đầu tiên là một người mẹ đơn thân, sinh năm 1972, tại Hưng Yên. Vì đại dịch COVID-19, người mẹ này mất hết các nguồn thu nhập, không còn cách nào nuôi hai con ăn học nên đã tìm đến cái chết. Ở đây, chị đã gặp phải áp lực về sự yếm thế của mình trong xã hội.

Trường hợp thứ hai là một thanh niên 28 tuổi, ngay ở phố NVH, gần đây thôi.Cậu ấy vừa học đồ họa ở Mỹ về nhưng sau quá trình học và làm, cậu ấy nhận ra mình không hề yêu công việc ấy.Chẳng qua bị bố ép nên phải học. Thực tế, cậu ấy thích chụp ảnh, viết văn, sống bằng cảm xúc. Cả một thời sinh viên, cậu ấy quyết định chiều theo định hướng của bố và sự chịu đựng cứ dồn nén ngày một mạnh, đến nỗi đã tìm đến cái chết. Nhưng, rất may, cậu ấy uống thuốc chưa đủ liều nên bố mẹ kịp giải cứu. Sau khi tôi ngồi với bố cậu nói chuyện thì cuối cùng ông quyết định thay đổi.

Một người cha cứng rắn, quyết liệt là thế giờ khóc trước mặt con và nói một câu: "Bố xin lỗi con vì quá trình sống trước đây". Từ đó, cậu con được giải phóng áp lực và có một đời sống nhẹ nhàng.

Trường hợp thứ ba là một người nữ ở Phú Xuyên.Chị thất bại liên tiếp trên tình trường, mất toàn bộ niềm tin vào đàn ông. Thế là chị ấy cực đoan với chính con trai mình. Chị ấy từng bảo con trai: Rồi lớn lên mày cũng giống như những người đàn ông từng đến với tao thôi. Chẳng thà trả con về nhà nội, rồi kết liễu cuộc đời mình còn hơn là phải nhìn thấy hình bóng những người đàn ông trong chính đứa con trai. Chị ấy nghĩ vậy, làm vậy và tìm đến cái chết. Tôi xin kể về 3 bệnh nhân này để anh thấy trong xã hội hôm nay, có muôn hình vạn trạng các kiểu áp lực, từ đó có muôn vàn con đường dẫn người ta đến với cái chết. Trong vực xoáy tâm lý lúc đó, họ thấy vui, thấy thỏa mãn, thấy được giải phóng nhờ cái chết.

Thạc sĩ, bác sĩ tâm lý lâm sàng Nguyễn Hồng Bách: Nhiều người không biết mình đang ...rối loạn -0
Ảnh: Huyền Châm.

- Tôi nhớ đến một thống kê rùng mình của Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương vào năm 2017: 30% người Việt Nam hiện nay có vấn đề về sức khỏe tâm thần.

- Đấy là sự tập hợp dữ liệu trong quá trình 5 năm từ 2012 đến 2017 của Việt Nam. Nhưng, từ 2017 đến giờ, con số đang tịnh tiến. Bởi, theo Hiệp hội Sức khỏe tâm thần Đông Nam Á, trụ sở tại Singapore thì Việt Nam đang là nước có sức khỏe tâm thần khá kém. Con số ước tính họ đưa ra là khoảng trên 35% dân số Việt Nam trưởng thành đang gặp những vấn đề về tâm thần.

Tuy nhiên, chúng ta chưa thể gọi 35% dân số này là bệnh nhân. Họ là những người đang gặp rối loạn trong những trạng chứng về tâm lý, có thể dẫn đến bệnh lý tiền tâm thần, chứ chưa phải là người bệnh. Lý do sâu thẳm dẫn đến tình trạng này, theo tôi chính là những nhu cầu ngày một lớn của bản thân, trong đó có người có những nhu cầu thể hiện tới mức huyễn tưởng. Bạn có thể bắt gặp nhiều người kiểu này trên mạng xã hội.

- Ý anh muốn nói tới những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội (KOLs)?

- Có những KOLs chân chính. Họ dùng ảnh hưởng của mình để góp phần xây dựng một đời sống tri thức, lành mạnh, nhân văn. Nhưng, ngược lại, có những KOLs bị tự huyễn.Tức là họ rơi vào một trạng thức tâm thần được những nhà nghiên cứu gọi là DMC. Theo các nhà nghiên cứu thì những trạng thức này có nhiều cấp độ khác nhau, trong đó DMC 11 là chứng nghiện chơi games, DMC 12 là những người thích mạng xã hội. DMC 13 là những người chán ghét cuộc sống và thích nguyền rủa cuộc sống thông qua mạng xã hội.DMC 14 là thích gây hấn, chửi rủa trên mạng xã hội. Và, DMC 15 thì chính là trạng thái tôi vừa nói đến: những người bị tự huyễn bản thân trên mạng xã hội.

- Các chuyên gia tâm lý có thể tác động vào các cấp độ DMC để giúp những người gặp các rối loạn tâm thần trở về trạng thái bình thường?

- Vâng! Có thể. Nhưng, nó còn phụ thuộc vào quyết tâm của chính những người đó, cùng người thân, gia đình của họ. Có những người nghiện games, nghiện mạng hoặc nghiện một cái gì đó tới mức bị rối loạn tâm thần nhưng không hề biết mình đang rối loạn tâm thần. Họ cứ nghĩ họ đang bình thường như tất cả những người bình thường khác. Đấy là một điều nguy hiểm, tôi muốn đặc biệt cảnh báo. Bởi, khi những rối loạn này dồn nén, phát triển tới cấp độ cao thì những người đó hoàn toàn có thể "bùng nổ" và thực hiện những hành vi mà chính họ cùng những người thân của họ không bao giờ nghĩ đến.

- Thế mới biết cuộc sống khuất lấp trong nó quá nhiều vấn đề và càng hiện đại thì những vấn đề về nội tâm con người càng nhiều uẩn khuất. Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện ngày hôm nay. Tôi nghĩ, chúng ta có lý do để gặp lại nhau, anh nhỉ?

- Rất sẵn lòng!

Phan Đăng (thực hiện)
.
.