Tiến sĩ, nhà báo Vũ Công Lập:

Tất cả chúng ta đều phải học cách vượt qua sự khốn khổ!

Thứ Hai, 12/12/2022, 13:33

Trái bóng World Cup đang lăn tại Qatar và “lăn” trên sóng truyền hình. Với nhiều khán giả truyền hình Việt Nam, trong rất nhiều nỗi nhớ World Cup, hẳn cũng sẽ có đâu đó nỗi nhớ nhà báo Vũ Công Lập, người sở hữu một tri thức bóng đá uyên bác và một chất giọng bình luận có một không hai. Tất cả những ai biết ông đều có cảm nhận, ông có một đời sống khá thoải mái và hạnh phúc.

Cá nhân tôi lúc đầu cũng có cảm giác ấy. Nhưng, đến khi gần gũi nhiều hơn, tôi mới nhận ra, để có được một cuộc sống với những cảm giác hạnh phúc như thế, ông đã phải vượt qua những nỗi niềm riêng, không dễ gì chia sẻ...

Nhưng, chiều Sài Gòn hôm ấy, ông đã chia sẻ: “Đời tôi cứ 10 năm lại có một khủng hoảng lớn. Đáng nói nhất là năm 1996. Năm ấy, tôi có đến hai cái tang. Tháng 7 mất bố, tháng 11 mất con. Nó khủng khiếp lắm. Có những tuần tôi cứ đi từ nhà lên nghĩa trang liên tục, anh em trong cơ quan chỉ sợ tôi không trở lại làm việc được… Nhưng, tôi hiểu rằng, khi nỗi đau đi xuống tận đáy cùng, nó sẽ đi lên. Phải xuống tận cùng rồi mới lên được”. Từ câu chuyện của mình, ông nói về cách đối diện và vượt thoát khỏi nỗi đau. Tôi nghĩ, những kinh nghiệm đó hết sức có ý nghĩa với tất cả những ai đang đau khổ, đang mất mát, đang hoang mang, vô phương hướng giữa đại dương cuộc đời.

Biết giới hạn của mình

- Nhà báo Phan Đăng: Thưa ông, rất nhiều khán giả truyền hình thắc mắc là tại sao ở một số kỳ World Cup, Euro gần đây, không thấy ông xuất hiện trong những buổi bình luận bóng đá nữa?

- Tiến sĩ, nhà báo Vũ Công Lập: Tôi là người biết giới hạn của mình. Lần cuối cùng tôi làm bình luận bóng đá quốc tế là giải Euro năm 2016, năm ấy tôi tròn 70 tuổi. Tôi biết 70 trở đi là độ tuổi không nên thức đêm nhiều quá. Khán giả xem truyền hình thường nghĩ chúng ta khi bình luận là gặp gì nói nấy, nhưng thực ra đó là một sự lao động rất nghiêm túc. Đó là một quá trình sắp xếp và xử lí dữ liệu thành một mạch thông tin phục vụ tốt cho khán giả. Ngoài ra, tôi còn bị một thói quen là không thể bình luận một trận bóng đá nếu bản thân không xem trận ấy, không có những cảm xúc tươi nguyên với những diễn biến trên sân. Vậy nên nếu muốn làm những việc như tôi muốn làm thì sẽ phải thức rất khuya, mà chuyện ấy không tốt chút nào với một người ngoài 70. Vì thế, năm 2016 là năm tôi nói lời tạm biệt với một đấu trường hết sức quen thuộc với mình.

Tất cả chúng ta đều phải học cách vượt qua sự khốn khổ! -0

- Câu chuyện từ giã bình luận bóng đá của ông gợi cho tôi nhiều chiêm nghiệm về cách mà một con người tương tác với hoàn cảnh. Khi hoàn cảnh phù hợp, ta tiếp tục. Khi hoàn cảnh không phù hợp, ta dừng lại. Biết lúc nào tiếp tục, lúc nào dừng lại, để tương tác chủ động với hoàn cảnh, thay vì bị hoàn cảnh cuốn đi, thực ra là cả một nghệ thuật. Nếu không nắm bắt được nghệ thuật ấy, chúng ta sẽ không thể làm chủ sức khỏe vật chất và sức khỏe tinh thần của chính mình.

- Mình phải nhận biết được môi trường và hoàn cảnh, từ đó đề ra chiến lược trong cách thích ứng đó. Trước đây, thích ứng của chúng ta là một sự thích ứng bắt buộc, bị động. Giờ đây, nó chuyển sang thế chủ động. Mà sự thích ứng chủ động của con người hiện đại phải bao gồm cả hoạt động tâm trí lẫn hoạt động thể chất. Anh nghĩ mà xem, môi trường sống của chúng ta là một thứ rất phức tạp. Chúng ta thích ứng với không gian quanh mình bao nhiêu thì sức khỏe của chúng ta sẽ tốt bấy nhiêu. Từ sức khỏe ấy sẽ sinh ra toàn bộ cuộc đời chúng ta, bởi khi sức khỏe đã hết thì cuộc sống cũng sẽ không còn.

- Nhưng, cuộc sống có phải lúc nào cũng dễ dàng đạt được sự thích ứng chủ động như vậy không ạ? Chẳng hạn như một sự cố đột ngột xảy ra với chúng ta, nằm ngoài mọi tính toán trước đó của chúng ta. Thích ứng với sự đột ngột ấy có lẽ rất khó khăn!

- À! Khó khăn chứ! Cuộc đời của ai cũng vậy thôi, kể cả những người mà ta thấy là oai nhất, sướng nhất thì tôi nghĩ phần thử thách, đau khổ hay những yếu tố bất ngờ vẫn luôn đầy rẫy. Không ai biết và lường trước được. Ngay như tôi đây, người ngoài nhìn vào sẽ thấy tôi có vẻ không khổ lắm. Nhưng, thực ra tất cả chúng ta đều có những nỗi khổ riêng.

Để nỗi đau chạm đáy

- Cả trong đời sống lẫn trên truyền hình, ông đều cho người ta cảm giác ấy, rằng ông ở rất xa với những gì thuộc về... đau khổ.

- Chẳng qua là tôi biết tự tìm cách vượt qua những thời điểm khủng hoảng thôi. Hôm nay tôi chia sẻ với anh, đời tôi cứ 10 năm lại có một khủng hoảng lớn, còn những khủng hoảng lặt vặt thì tính theo tuần, theo tháng, không thể tránh được. Một trong những khủng hoảng nặng nề nhất diễn ra vào năm 1996, khi gia đình tôi có hai cái tang rất lớn. Tất cả mọi người và chính bản thân tôi cũng có lúc nghĩ sau hai cái tang ấy tôi sẽ buông xuôi, không làm việc nữa. Nhưng rồi, sức mạnh thôi thúc của sự sống và sức mạnh thôi thúc trong nhận thức của mình về sự sống đã khiến tôi có nghị lực để vượt qua. Về sau tôi nhận ra, khi đã rơi vào sự bất hạnh thì ta phải đi đến tận cùng. Giống như trong lĩnh vực toán, lí có đồ thị hình Sin, ai cũng biết muốn từ nhánh âm đẩy lên nhánh dương phải đi qua điểm đáy. Nên tôi đã chọn cách đối diện trực tiếp với đáy cùng bất hạnh của mình.

- Không dám xuống đáy để thoát lên thì cứ mãi chờn vờn trong đau khổ phải không ạ? Nhưng, thời điểm đó ông đã đối diện với “đáy” như thế nào?

- Hồi ấy internet chưa phổ cập như bây giờ nên tôi đã bỏ ra gần một tháng để cắt và lưu giữ lại những câu chuyện trên báo kể về những sự bất hạnh trong cuộc đời mà tôi cho rằng chúng khủng khiếp hơn bất hạnh của tôi rất nhiều. Tôi tạm gọi đó là những câu chuyện về sự hi sinh, về cái chết và sự sống. Ví dụ một câu chuyện rất đặc biệt đăng trên Báo Tuổi trẻ năm 1996 với tiêu đề “Con đã từng được sống” do Trang Hạ chắp bút. Câu chuyện kể về một em bé ở Thành Đô, Trung Quốc, khi vừa sinh ra đã bị cha mẹ bỏ rơi, sau đó có một người đàn ông tốt bụng đã nhặt em bé ấy về nuôi. Hai cha con sống nương tựa vào nhau vì người đàn ông đó cũng chỉ có một mình. Lên 5 tuổi, em bé ấy đã biết chăn trâu, cắt cỏ, làm đủ mọi việc nhà. Nhưng, biến cố xảy ra vào năm 8 tuổi, khi em đột nhiên bị chảy máu mũi và sau khi đi khám thì phát hiện ra đó là bệnh máu trắng. Chi phí chữa chạy quá cao, khoảng 300.000 đô la Mỹ, gia đình nghèo quá, làm gì có tiền. Cuối cùng, chính em bé đã làm một việc khiến tôi rất xúc động là kí vào giấy từ chối điều trị, để bệnh viện trả hai cha con về nhà. Em bé chỉ xin người cha hai điều, là may cho em một chiếc áo mới và chụp cho em một bức ảnh. Anh thấy có xót xa, cảm động không?

- Dạ!

- Khi câu chuyện đó được báo chí đưa lên thì rất nhiều “Mạnh Thường Quân” đã quyên góp tiền bạc cho em chữa bệnh. Chỉ trong 10 ngày, 600.000 đô đã được chuyển tới gia đình em và em được đưa trở lại bệnh viện. Nhưng, vì thể chất quá yếu, không chịu được hóa trị nên em vẫn ra đi. Trong di chúc để lại, em viết những dòng đầu tiên: “Con đã từng được sống và con là một đứa bé ngoan”. Việc sưu tầm, nghiền ngẫm những câu chuyện như thế này giúp tôi nhận ra rất nhiều điều. Rằng, chỉ cần được sống đã là một điều quý giá, hơn nữa, em bé trong câu chuyện đã sống và đã là một đứa trẻ ngoan. Rằng, trên cuộc đời này còn nhiều người bất hạnh hơn mình rất nhiều. Tập tài liệu với những câu chuyện kiểu như thế khiến tôi thấy mình thực sự được an ủi. Thời điểm đó tôi đã nghỉ làm 4 tuần, ngày nào cũng chạy lên nghĩa trang, thậm chí từng nghĩ mình sống chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Nhưng, một khi đã chạm đáy nỗi đau và thấy rằng có những số phận còn đau hơn mình thì tôi hiểu không còn con đường nào khác ngoài việc phải tiếp tục sống, tiếp tục đi lên. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy hồi đó mà cứ loanh quanh né tránh, không trực tiếp đối diện thì không bao giờ vượt qua được. Đấy là kinh nghiệm của cá nhân tôi.

- Năm 1996 đó, nếu tôi nhớ không nhầm thì con trai ông cũng bị bệnh máu trắng giống em bé trong câu chuyện ông vừa kể!

- Đúng rồi! Hồi con trai ngã bệnh, tôi đã mua rất nhiều sách để tìm hiểu và biết rằng với căn bệnh đó có những trường hợp chữa được, có trường hợp không chữa được. Lúc đó tôi xem một bộ phim có tên “Bầu trời thuộc về con”, nói về một em bé có cha là phi công đã mất. Một mình người mẹ nuôi con nhưng đến năm 11 tuổi không may em cũng bị bệnh máu trắng. Khi không thể cứu chữa được nữa, người mẹ hỏi em còn nguyện vọng gì thì em nói muốn được một lần bay trên bầu trời như cha. Và, những người bạn của cha em đã may cho em một bộ đồ phi công rồi thực hiện mong ước được bay trên bầu trời của em. Sau đó thì em mất. Khi đọc và xem những hoàn cảnh như vậy, tôi thấy thế này: Nếu chỉ nhìn vào nỗi đau cá nhân của mình thôi thì sẽ rất khó để vượt qua nỗi đau. Nhưng, đếu đặt mình trong nhân quần xã hội thì sẽ nhìn thấy lý do để không tuyệt đối hóa nỗi đau của mình. Vậy nên sau cú sốc năm 1996, tôi thấy bản thân mình khác trước rất nhiều. Tôi biết chấp nhận hoàn cảnh, biết nỗ lực và biết sẻ chia.

Tất cả chúng ta đều phải học cách vượt qua sự khốn khổ! -0
Những kỷ vật của cha mẹ và con trai luôn được nhà báo Vũ Công Lập lưu giữ.

Đã sống và sống xứng đáng

- Không tuyệt đối hóa nỗi đau của mình, đấy là một cách thức quan trọng để đối diện và đi qua nỗi đau. Nhưng, nói thì như vậy, còn trên thực tế, tôi nghĩ cái quá trình “không tuyệt đối hóa nỗi đau” cũng gập ghềnh, gian truân lắm, phải thế không ạ?

- Từ lúc con trai ngã bệnh thì tôi còn khoảng hơn một năm sống với cháu. Là người làm chuyên môn nên tôi biết trường hợp của cháu khó qua khỏi. Nhưng, hai bố con đã xác định: Còn một ngày là còn tận hưởng, còn một ngày là còn cố gắng. Tôi đã nói với con rằng hãy sống như mỗi ngày bằng một năm, 365 ngày bằng 365 năm. Đấy, xác định rõ ràng như thế. Nhưng, anh nói đúng, xác định thì như vậy nhưng trong quá trình ấy tâm trạng tôi đã diễn ra vô cùng phức tạp. Lúc thăng, lúc trầm, những hi vọng, những thất vọng cứ thế nối tiếp nhau.

- Ông làm tôi nhớ tới lần đầu tiên ghé thăm tư gia của ông và được thấy một phòng tưởng niệm, bao gồm những kỉ vật của con trai ông thời kỳ đó: Từ quần áo, sách vở đến thuốc men... Phòng tưởng niệm này nằm ngay cạnh phong làm việc của ông. Lúc đó, tôi cảm nhận rằng, với ông được sống cùng những kỉ vật cũng là được sống với những hình bóng của con mình. Xin được chia sẻ với ông về điều này. Nếu như em bé trong bộ phim “Bầu trời thuộc về con” mà ông vừa kể được thực hiện ước mơ cuối cùng là bay lên bầu trời giống cha mình thì ở thời điểm 1996, ước mơ cuối cùng của con trai ông là gì ạ?

- Con trai tôi là người rất kín đáo, rất khó chia sẻ. Nhưng, anh biết không, hồi ấy tôi đã quyết định chơi sang một chút là mua cho con một chiếc điện thoại di động. Con trai tôi nói là không cần nhưng tôi vẫn quyết định mua. Năm 1996 điện thoại di động là một thứ rất giá trị và hiếm người dùng nên khi được cầm trên tay, cháu xúc động lắm. Tôi biết rằng, với chiếc điện thoại đó, mình đã giúp cho cháu gặp được bạn bè, người thân và món quà vì thế trở nên rất có ý nghĩa với cháu. Sau này, khi con trai mất, tôi xem sổ và tìm thấy số điện thoại cũng như địa chỉ những người bạn thân của cháu. Tôi đã liên lạc với những người bạn đó để xem ngày xưa trong mắt bạn bè, con trai tôi như thế nào. Rồi tôi lại rủ 3 người bạn thân nhất của cháu ra Hà Nội, cùng các cháu đến những nơi con tôi từng đến và nhờ các cháu kể cho tôi nghe những câu chuyện về con mình. Thậm chí, tôi còn nhờ các cháu viết lại những câu chuyện ấy để giữ làm kỉ niệm. Tôi nghĩ là mỗi ngày, mỗi giờ chúng ta đều phải tìm cách để khiến sự tồn tại của một người trở nên có ý nghĩa, À, còn một chuyện nữa là sau này thi thoảng tôi có nằm mơ thấy con trai mình và có một điều kì lạ là trong tất cả những giấc mơ ấy, cháu đều khỏi bệnh. Những giấc mơ chân thực đến độ khi tỉnh dậy, tôi còn tự hỏi: “Nó đâu ấy nhỉ?”.

- Ông nói là năm 1996 đã phải chịu hai cái tang, như vậy sau cái tang của con trai là một cái tang nữa, phải không ạ?

- Không! Con trai tôi mất sau. Tháng 7 năm ấy tôi chịu tang cha tôi và hơn 100 ngày sau đó là sự ra đi của con. Cha tôi sinh năm 1918. Tôi sinh năm 1946 và con trai tôi sinh năm 1974. Tôi vốn mơ ước vào đêm giao thừa chuyển giao từ năm 1999 sang năm 2000, ba thế hệ đàn ông họ Vũ chúng tôi sẽ quây quần bên nhau, cùng  hướng về một thiên niên kỉ mới. Nhưng, hai cái tang đột ngột khiến mọi mơ ước của tôi đứt gãy. Tôi nhớ mãi cái đêm giao thừa đặc biệt ấy, tôi đã ngồi một mình và hồi tưởng lại tất cả. Bây giờ, trong căn nhà của tôi, như anh vừa nói, vẫn có một cái tủ đựng đồ lưu niệm của con tôi, ngoài ra còn một tủ đựng đồ lưu niệm của cha mẹ tôi. Nhờ vậy, tôi thấy rằng đó vẫn là một cái mạch kết nối, không hề đứt gãy, vì tôi vẫn còn đây, vẫn luôn nhớ về họ. Chúng ta đã được sống và chúng ta đã sống xứng đáng!

Tất cả chúng ta đều phải học cách vượt qua sự khốn khổ! -0
Nhà báo Vũ Công Lập trò chuyện cùng nhà báo Phan Đăng.

Hãy quan sát và tận hưởng

- Khi đối diện với đau khổ, có những người tìm đến điểm tựa tâm linh/tôn giáo. Là một nhà khoa học, ông nghĩ gì về điều này?

- Đức tin khác với khoa học. Khoa học là mọi thứ đều phải chứng minh còn đức tin đôi khi chỉ cần dựa vào linh cảm hoặc một cột trụ tinh thần nào đó mà không cần biện giải chặt chẽ. Tôi không chủ ý luyện tập trong lĩnh vực này nhưng tôi cũng có đức tin của mình, đó là tin vào những đúc kết của cha ông là “sông có khúc, người có lúc”, là “hết xanh rồi đến chín”, là “hết đông tàn tới xuân hớn hở”... Tất cả mọi điều đều diễn ra bởi tự nhiên. Tự nhiên không cho ai tất cả và cũng không tước đi của ai tất cả. Cho nên tôi thấy cơn tai ương này rồi cũng đến lúc phải qua đi, ngày mai rồi trời lại sáng. Nên tôi cho rằng, điều giúp tôi vượt qua đau khổ là do sự lạc quan bẩm sinh và thêm nữa là do đức tin riêng của mình, như tôi vừa nói.

Anh có nhớ, anh từng tặng tôi cuốn sách “Tri kỉ của Bụt” của thiền sư Thích Nhất Hạnh không? Tôi rất quý món quà của anh và tôi thấy những lời thiền sư Thích Nhất Hạnh giảng về chánh niệm rất hay. Những năm vừa rồi tôi làm rất nhiều về phục hồi chức năng, tức là một lĩnh vực dựa chủ yếu vào sự vận động chủ động của bản thân, mà bài tập vận động đầu tiên chính là đi bộ. Trong chương đầu cuốn sách anh tặng, thầy Thích Nhất Hạnh có nói về việc đi bộ trong chánh niệm. Những lời ta niệm ra miệng trong khi đi bộ chính là thứ buộc tâm trí, buộc ý nghĩ của ta vào mỗi bước chân. Do vậy, mỗi bước chân là trị liệu. Mỗi bước chân là phép lạ. Mỗi bước chân là thảnh thơi. Ta vừa đi vừa niệm: “Đất mẹ ơi con đã về/ Đất mẹ ơi con đã đến” - như thế mỗi bước chân chính là sự giải phóng của trí óc.

Mà tôi thấy trong xã hội hiện đại ngày nay, một trong những vấn đề cần giải quyết là giải phóng và làm chủ tâm trí. Thầy Thích Nhất Hạnh cho rằng, khi ta hít vào một hơi nghĩa là ta đang tương tác với vũ trụ. Sự hít vào lồng ngực, đi trên mặt đất trong những lời hạnh niệm chính là một cách thức để giải phóng tâm trí. Có thể nhiều người cho những lý thuyết đó là viển vông nhưng nói thật càng lúc tôi lại càng bị thuyết phục. Giờ đây tôi thường luyện tập theo hướng chánh niệm đó và việc đó giúp tôi tĩnh tâm.

- Sở dĩ chúng ta không tĩnh tâm, không an lạc là vì trong một thời gian dài chúng ta không sống thuận thiên. Chúng ta tự hào về công cuộc chinh phục tự nhiên của mình, mà quả đáng tự hào thật. Nhưng, nếu đẩy sự chinh phục đến mực tận diệt, đến mức đối chọi với người mẹ tự nhiên - tức là đến mức  không còn thuận thiên nữa thì có lẽ người mẹ tự nhiên không để cho chúng ta sống như chúng ta muốn. Tôi thấy những năm gần đây, nhiều nhà khoa học và tâm linh học cùng có chung suy nghĩ ấy.

- Tôi có đọc về chủ đề này nhiều. Trong tư cách một “loài”, loài người chúng ta đã làm được nhiều điều vĩ đại. Nhưng, ở một chừng mực khác, loài người cũng phạm rất nhiều sai lầm. Con người muốn mình là chúa tể của muôn loài và thậm chí là cả vũ trụ. Vậy nên con người chạy đua với sự phát triển của chính mình chứ không đặt sự phát triển ấy trong vũ trụ - nơi sinh ra và đang bao chứa mình. Tới một lúc, sự chở che, nuôi nấng của tự nhiên với con người không còn như xưa nữa: Tài nguyên kiệt quệ, thiên tai triền miên, khí hậu biến đổi... Ta cho rằng, sự thay đổi ấy là do ông trời nhưng theo các nghiên cứu khoa học, điều đó xảy ra do chính con người. Trong lĩnh vực y khoa của tôi có một loại bệnh gọi là “bệnh bất tương hợp”. Bất tương hợp giữa một bên là sự tiến hóa sinh học tạo ra con người và một bên là tiến hóa văn hóa, tạo ra những điều kiện văn hóa cho mình phát triển. Tiến hóa văn hóa nhiều khi lại mâu thuẫn với tiến hóa sinh học. Ví dụ, loài người sinh ra đứng thẳng, đi bằng hai chân, đó là sự vận động của tiến hóa sinh học. Nhưng, tiến hóa văn hóa lại tạo ra con người không vận động nhiều nữa: Ra đến cửa là lên ô tô, ra đến cửa là lên xe máy. Nó dẫn đến sự bất tương hợp và những loại bệnh tật mới liên quan đến cân nặng, nhịp tim, trí óc...

- Vậy, thông điệp cuối cùng mà ông có thể chia sẻ để tất cả chúng ta đều ý thức được về việc phải dũng cảm đối mặt với khổ đau, vượt qua khổ đau và chạm vào một đời sống an lạc là gì?

- Đơn giản thôi: Tất cả trong tay chúng ta! Vận mệnh của chúng ta trong những thời khắc ngặt nghèo hay những phút giây hạnh phúc. Thái độ của chúng ta khi thấy một dòng sông chảy hay một cánh rừng xanh - hãy quan sát và tận hưởng tất cả. Theo cuốn sách “Tri kỉ của Bụt” mà anh tặng cho tôi, quá trình quan sát đó được gọi là chánh niệm và từ chánh niệm mà ta sẽ có một nhận thức đúng, một cảm nhận đúng. Chúng ta được sống ở đây, trong giờ phút này, đó là một điều hạnh phúc. Dù hoàn cảnh có hạnh phúc hay khổ đau, hãy cứ quan sát và tận hưởng sao cho xứng đáng với niềm hạnh phúc được sống của một kiếp người.

- Xin cảm ơn những chia sẻ ý nghĩa của ông!

Cái mình làm và cái mình cần

“An lạc” là chữ rất đáng quý. Ngày xưa ta chúc nhau “nhất bản vạn lợi, làm ăn phát tài”, nhưng bây giờ đối với tôi, điều đáng quý nhất đó là sức khỏe và an lạc, mà an lạc lại là tiền đề cho sức khỏe. Khi trả lời anh về chuyện phục hồi chức năng trong một bài phỏng vấn trước đây, tôi từng nói, nếu có phương pháp, người ta vẫn có thể khoẻ ngay khi... đang ốm. Còn bây giờ, tôi muốn nói thêm, người ta cũng có thể an lạc ngay cả khi... đang ốm. Con người bây giờ nhiều lúc lao vào làm quên ăn quên ngủ để mong được sống sung sướng, có nhiều tiền. Nhưng, vô tình quá trình ấy lại khiến người ta chuốc rất nhiều bệnh tật và sau đó lại phải chi rất nhiều tiền để chữa bệnh. Làm việc là tốt, nhưng phải cân bằng giữa cái mình làm và cái mình cần. Chứ làm nhiều quá so với cái mình cần, mong được dư thừa nhiều hơn so với cái mình cần thì có nên không? Giữa việc sở hữu thiếu đi một chút nhưng thanh thản và cố thêm một chút nhưng mệt mỏi, bạn chọn cái nào? Cái nào bền vững hơn, cái nào dẫn đến nguy cơ tổn hao hơn? Chọn lựa của bạn quyết định xem bạn có an lạc được không.

Nhà báo Vũ Công Lập

* Ảnh trong bài: D.T.A

Phan Đăng (thực hiện)
.
.