Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh Đinh Thị Thanh Thủy:

Suy nghĩ lạc quan giúp tôi bước qua những khúc quanh

Thứ Năm, 16/09/2021, 13:33

Đã gặp mặt nhau là cười. Một nụ cười thật tươi. Hầu như không thoáng âu lo điều gì. Một nụ cười rạng rỡ và chân thành. Đó là nhận xét của tôi khi gặp chị. Theo năm tháng, đến nay tôi vẫn nghĩ thế. Ở chị, dù nhẹ nhàng, khoáng đạt, tự tại nhưng phía sau là cả núi công việc mà chị phải tất bật quán xuyến, điều hành một nhà xuất bản (NXB) lớn nhất tại TP Hồ Chí Minh.

Nhắc đến chị, lập tức người yêu sách nhớ đến những nhà nghiên cứu, học giả có uy tín đã cộng tác bền bỉ như Trần Văn Giàu, Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Đình Tư, An Chi… và hàng loạt cây bút tên tuổi nhiều thế hệ đã cộng tác với NXB với nhiều tác phẩm tốt. Và, những ngày này, nhiều NXB đều "án binh bất động", hoạt động cầm chừng, chị cùng các cộng sự đã năng nổ tìm hướng tiếp cận mới nhận được khen ngợi từ dư luận: đưa sách đến khu giãn cách, cách ly…

Suy nghĩ lạc quan giúp tôi bước qua những khúc quanh -0

- Lê Minh Quốc: Nhiều người thường bảo, con gái rất thương người cha và chịu ảnh hưởng nhiều từ tính cách, tâm tính, chị có nghĩ vậy không?

- Đinh Thị Thanh Thủy: Chắc chắn là vậy. Cuộc đời của ba tôi đã để lại trong tôi những ký ức khó quên, gắn bó cả một đời. Ba tôi nối gót ông nội tôi, do đó, thời trẻ ông đã thoát ly gia đình, theo cách mạng rồi năm 1954 tập kết ra Bắc. Trong khi đó, ở Bến Tre, quê nội, năm 1961 ông nội tôi bị giặc bắn và kéo xác trên sông Tiền, đau đớn nữa là chúng cắt dây để dòng nước cuộn xiết cuốn trôi mất xác. Bấy giờ, dân làng thương ông tôi, thương người kháng chiến, họ ròng rã ngày đêm đi dọc bờ sông tìm cho bằng được. Họ đem xác ông tôi về, bí mật chôn cất tại khu vườn khác, vì họ lo xa, họ sợ nếu đem về vườn nhà nội thì giặc dễ dàng phát hiện ắt làm khó bà nội tôi.

Mãi 3 năm sau, năm 1964, ba tôi mới vượt Trường Sơn về Nam. Ông chiến đấu trong đội hình cánh công vận Sài Gòn. Không riêng gì ba tôi, các cô, chú đều tham gia cách mạng vì nỗi đau mất mát người ruột thịt trong gia đình, vì những tang thương của làng quê ngày ấy. Tôi cảm nhận tình yêu thương và niềm đau của một đại gia đình qua từng câu chuyện về cuộc đời những người thân yêu trong dòng tộc. Tôi cũng cảm nhận câu chuyện sau ngày thống nhất đất nước, tay chỉ điểm cho giặc bắn chết ông nội tôi đã ăn năn, tìm đến nhà nội tôi lạy như "tế sống" nhằm xin bỏ qua tội lỗi đó. Dù trĩu nặng niềm đau tột cùng, không thể quên nhưng nội tôi đã không báo oán, vẫn tha thứ.

Tất nhiên tôi cũng ảnh hưởng từ truyền thống gia đình và người cha hiền từ mà nghiêm khắc. Tôi giống ông, giống nhiều nét trên khuôn mặt, nhất là trán dô, chắc lì (cười...), giống tính cách hiền lành, nhường nhịn nhưng khi cần thì cũng rất dứt khoát. Điều gì đã thông suốt thì làm nhanh, hiệu quả; ngược lại, nói một cách tếu táo là một khi "tư tưởng không thông, vác bình không cũng nặng".

Ngày còn bé, tôi nhớ mình hay so đo với em trai, rằng ba mẹ yêu em, chiều em hơn tôi. Tại sao tôi phải quét nhà, nấu cơm, xách nước, giặt đồ mà em thì toàn rong chơi ngoài đường? Khi em ốm, ba mẹ ráng mua món nó thích đặng dụ nó ăn, còn tôi cũng thèm thì phải nhịn? Sau những mè nheo, ba tôi rù rì khuyên bảo vì con là chị, vì con đang khỏe nên việc nhường em một tí thì đâu có mất mát gì. Ba con tôi hằng ngày thường nhỏ to những bài giảng từ cuộc sống, biết thương người, biết quan tâm, giúp đỡ những người xung quanh. Tôi tiếp thu không hề đắn đo, cân phân và mãi về sau vẫn giữ tính cách này. Tôi thấy mình giống ba lắm, giống tình thương yêu, sự lạc quan, tin vào lẽ phải, điều tốt... Và, cũng giống sự ngây thơ, giống cả sự thiếu kinh nghiệm phán đoán thiện, ác. Tính cách đó khiến tôi vào đời đan xen nhiều hỉ, nộ, ái, ố... May là suy nghĩ lạc quan giúp tôi bước qua những khúc quanh.

- Khi có người cha là cán bộ hoạt động nội thành, từng là Tổng Biên tập đầu tiên của tờ Người lao động, sao chị không theo nghề báo?

- Chưa bao giờ kể hoặc khoe với bạn bè, ba mình từng làm nội dung và phụ trách đường dây đưa tờ báo Công nhân giải phóng ra Củ Chi cùng lúc phát hành bí mật trong một số nghiệp đoàn nhưng từ bé tôi vẫn thầm tự hào về nghề báo của ba tôi. Vào những năm cấp II, tôi bắt đầu thích viết và thật vui khi có một vài bài được đăng trên Báo Khăn quàng đỏ. Tôi cũng có giấc mơ được trở thành phóng viên nổi tiếng, chứ không ý thức về việc nối gót ba mình, vì thời điểm đó ông đã chuyển sang công tác khác. Nghề nghiệp của ba khi tôi được chứng kiến và hiểu biết là những ngày ông đi tháo gỡ khó khăn trong quá trình lao động của công nhân các nhà máy, kiểm tra việc thực hiện an toàn lao động và các chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động tại các xí nghiệp... Có lẽ vì thế, ấn tượng về nghề báo của ba đối với tôi không hằn sâu bằng công tác cán bộ công vận.

Khi mới tốt nghiệp đại học, mang giấc mơ ban đầu, tự tin bản thân mình học giỏi, viết tốt, tôi thi tuyển, trúng và tập sự tại Ban Thời sự - Chính trị Báo Thanh niên. Nhưng, viết tốt chỉ là một trong những điều kiện của nghề báo; vẫn còn phải tính đến cá tính, hoàn cảnh và chữ "duyên" để có thể gắn bó nghề nghiệp lâu dài... Tôi đã tự bỏ việc sau 6 tháng làm phóng viên tập sự và cảm thấy "sốc văn hóa" khi thâm nhập quan sát thực tế xã hội, vì không phù hợp với "cái tạng" của mình. Sau này, tôi vẫn viết, dù không là nhà báo chuyên nghiệp.

- Từng có kinh nghiệm hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực làm sách chuyên nghiệp tại TP Hồ Chí Minh, theo chị, nơi này có lợi thế gì nếu so với Hà Nội và các thành phố khác?

- TP Hồ Chí Minh có lợi thế đã là một thị trường sôi động về sách, báo từ trước năm 1975, do đó, khi cả nước bước vào thời kỳ đổi mới thì nơi này bắt nhịp nhanh hơn, "nhuyễn" hơn mà cũng "bài bản" hơn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều rất nhạy bén, đã có những bước đi chiến lược trong việc giao dịch tác quyền trong và ngoài nước, kể cả kịp thời phát hành cùng lúc với sách nguyên bản, là một bước tiến cực kỳ ngoạn mục. Bên cạnh đó, còn là năng lực tổ chức bản thảo để cho ra những đầu sách có giá trị lâu dài. Một trong những lợi thế của TP Hồ Chí Minh lâu nay, phải kể đến mạng lưới phát hành đã hình thành từ nhiều năm qua, nhờ đó, sách in tại TP Hồ Chí Minh đủ sức lan tỏa cả nước, kể cả ra nước ngoài; ngược lại, sách từ nơi khác cũng hội tụ tại đây.

Nói gì thì nói, không thể không nhấn mạnh, chắc chắn vùng đất này đã hình thành tầng lớp khách hàng bạn đọc rất lý tưởng và đa dạng. Có bạn đọc giải trí, bạn đọc nghiên cứu, có người là dân sưu tầm sách, có người đọc báo thấy giới thiệu sách hay là đặt mua chứ chưa có nhu cầu đọc ngay... Sự phóng khoáng chọn sách, mua sách, tinh thần hiếu học từ sách của độc giả phương Nam chính là tiềm năng đã khiến các NXB, công ty sách ở địa phương khác đặt mục tiêu phải hiện diện ở TP Hồ Chí Minh.

Suy nghĩ lạc quan giúp tôi bước qua những khúc quanh -0

- Vâng, hoàn toàn đồng ý với chị. Vài năm gần đây, tại TP Hồ Chí Minh đã mở thêm kênh đưa sách đến bạn đọc là Đường sách. Là một trong những NXB có gian hàng tại đó, chị có thể cho biết hiệu quả của nó? Bởi nhiều người cho rằng hầu hết các gian hàng không đặt nặng về kinh doanh, chủ yếu chỉ là quảng bá thương hiệu?

- Bất kỳ NXB, công ty sách nào ra đời đều đặt mục tiêu đạt doanh thu để nuôi quân và tiếp tục làm sách. Sự hiện diện của đơn vị làm sách ở nơi đâu cũng nhằm quảng bá thương hiệu và hướng đến doanh thu, lợi nhuận phát hành.

Gian hàng ở Đường sách TP Hồ Chí Minh ngày đầu hình thành, dù đã được lãnh đạo thành phố hỗ trợ mặt bằng theo dạng dịch vụ công ích nhưng chi phí xây dựng gian hàng, phí quản lý và vốn đưa vào sách rất nhiều mà chắc chắn không thu hồi nhanh khiến các đơn vị ban đầu tham gia đã "gan dạ" tự nhủ xem như chủ yếu quảng bá thương hiệu. Không ngờ, sau 1 năm, các gian hàng đi vào hoạt động có hiệu quả đã thay đổi cách nghĩ đó.

- Nhờ vào đâu? Đâu là mấu chốt nhất? Vì trong vòng vài năm trở lại đây nhiều địa phương khác cũng đã thực hiện Đường sách nhưng sau đó không thành công, không duy trì lâu dài, còn TP Hồ Chí Minh thì ngược lại.

- Sức sống của Đường sách TP Hồ Chí Minh chính là tổ chức các hoạt động, các sự kiện liên quan đến sách, từ ra mắt sách, đấu giá sách đến triển lãm sách xưa v.v... diễn ra phong phú và xuyên suốt. Nó là một cơ thể sống, luôn hoạt động, luôn có nét mới để lôi cuốn bạn đọc tìm đến thưởng thức, cùng tham dự và đồng hành. Chứ không chỉ là nơi bán sách thụ động như thời ông Tú Xương từng chứng kiến: "Cô hàng bán sách lim dim ngủ". Vấn đề về lâu dài là nếu không chú ý tổ chức các sự kiện về sách để tiếp tục quảng bá thương hiệu ắt doanh thu sẽ giẫm chân tại chỗ hoặc sẽ giảm dần. Thật buồn, nếu lúc đó nhân viên bán chỉ ăn may và ăn theo... khách tha thẩn Đường sách lúc đi ngắm trời trăng mây nước (cười...).

- Đồng ý theo "nguyên tắc" thì vậy nhưng còn phải kể đến chất lượng của sách nữa. Nhiều NXB cho biết, có bản thảo cực kỳ hấp dẫn, có giá trị, tài liệu mới mẻ, tuy nhiên trong đó cũng có vài thông tin "tế nhị", do đó, rất khó in được. Kinh nghiệm xử lý của chị thế nào mà lúc sách in ra, từ tác giả đến bạn đọc đều hài lòng?

- Tôi tin các cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý, nếu nắm đầy đủ nguồn tư liệu và hiểu rõ tâm thế của NXB khi đối diện bản thảo, xử lý thông tin "tế nhị" thì các anh chị sẽ chia sẻ và đồng hành cùng NXB bảo vệ tác phẩm. Tôi không ngại việc trao đổi, tham khảo ý kiến trước khi biên tập một bản thảo khó hay giải trình về quan điểm, quy trình xuất bản một cuốn sách đã in. Bởi tôi tin các anh chị ấy thừa kinh nghiệm để hiểu đâu là nghiên cứu đa chiều, đâu là cực đoan không có tính xây dựng. Tôi chỉ sợ bàn luận của những người suy nghĩ cứng nhắc, suy diễn theo chủ ý của riêng họ, gán ghép và chụp mũ tư duy tác giả, biên tập viên và cao nhất là tổng biên tập.

Chúng tôi đã gặp những bản thảo khó "nhai" nhưng rồi cũng đã được khen làm tốt. Đôi lúc cũng đã bị nhắc nhở cần cẩn trọng hơn hoặc phải sửa đôi dòng trước khi phát hành. Chuyện này bình thường với mọi NXB, kể cả cuốn sách được người này khen nhưng người kia chê cũng không gì lạ. Có những lúc nhắc nhở đó, tôi cảm thấy ức lòng, chưa thông nhưng cũng có nhiều lúc tôi tâm phục, khẩu phục. Sau những cọ xát đó, tôi cũng cảm nhận được cái khó của cơ quan quản lý trước nhiều áp lực, kể cả từ dư luận xã hội. Với tôi, đó là những tích lũy kinh nghiệm quý báu để mình chững chạc hơn, trưởng thành hơn và nhạy bén, thông minh hơn.

- Nhà giáo người Mỹ Horace Mann từng tâm niệm: "Nếu tôi có uy quyền, tôi sẽ gieo rắc sách khắp mặt đất như người ta gieo hạt lúa trong luống cày vậy". Với, chị, khi làm công tác xuất bản, chị nghĩ gì về điều này?

- Tôi thích ý tưởng đó. Nhưng, nếu phát biểu, tôi phải cân nhắc thêm ai là người nắm uy quyền để đi gieo rắc sách khắp nơi? Bởi tôi đang là người làm sách, chứ không đang là người làm chính sách về sách. Các vị lãnh đạo đã được Nhà nước phân công sử dụng uy quyền để "gieo mầm" sách đến tay độc giả rộng khắp thì vẫn hiệu quả hơn. Mặt khác, đứng ở góc độ người làm xuất bản, tôi nghĩ hạt lúa mang tên thương hiệu sách của nhà mình làm ra phải đạt chất lượng tốt, có như thế, mới đáng để người uy quyền đem đi gieo rắc khắp nơi. Nếu người làm sách không tự quý trọng sản phẩm của mình, thiếu đầu tư, không chăm chút về nội dung lẫn hình thức, biên tập cẩu thả, dễ dãi hoặc không chịu tra cứu, tìm tòi, cập nhật kiến thức, mà đòi gieo rắc nó khắp nơi thì nguy tai.

- Tôi hiểu vấn đề "gieo rắc sách" còn có vai trò từ nhiều phía, kể cả những người làm chính sách về sách. Thế thì, so với thị trường sách của nhiều nước, theo chị hiện nay chúng ta thiếu loại sách mà Nhà nước cần đầu tư trong chiến lược nâng cao dân trí?

- Trước hết, xin nói ngay, "kiến trúc thượng tầng" phản ánh "cơ sở hạ tầng" không hề sai. Tôi nhìn thấy, loại sách bán chạy ở thị trường sách Việt Nam hiện nay phần lớn là sách kỹ năng kinh doanh, dạy làm giàu (được ghép vào loại sách kinh tế), sách tâm lý, tâm linh. Tất nhiên, vẫn có nhiều bạn đọc có "gu" riêng với sách triết học, văn chương, văn hóa, lịch sử, du ký, kiến trúc...

Thông tin này, thiết nghĩ không thừa với những ai quan tâm phổ cập sách theo nguồn vốn của Nhà nước. Ngoài ra cũng cần lưu ý, sách dịch thuộc lĩnh vực khoa học xã hội dù đã có nhiều đầu tư nhưng vẫn chưa đủ. Dòng sách khoa học kỹ thuật (gồm kỹ thuật điện, điện tử, công nghệ, y khoa, sinh học...) đang rất thiếu. Việt Nam mình đang phấn đấu trở thành một nước công nghiệp hiện đại mà sách kiến thức, công cụ để phục vụ "tăng lượng chuyển chất" lại không có hoặc có không đầy đủ, thiết nghĩ khó đạt mục tiêu đó. Do đó, việc đầu tư sách công cụ, nỗ lực tìm sách hay, cập nhật sách mới về các thành tựu khoa học mới vừa phổ biến, kể cả mời gọi các nhà khoa học tự nhiên tham gia dịch sách và có chính sách phù hợp cho xuất bản vẫn là các yếu tố rất cần trong chiến lược nâng cao dân trí, góp phần hướng tới nhân lực xây dựng đất nước có nền công nghiệp hiện đại.

- Những ngày tháng cả nước cùng chống đại dịch COVID, người làm sách không thể đứng ngoài cuộc. Được biết, dư luận đã đồng tình ủng hộ NXB chị thực hiện chương trình đưa sách đến khu cách ly, giãn cách. Chị nghĩ gì về việc làm thiện nguyện này?

- Trong giai đoạn giãn cách từ Chỉ thị 15 đến Chỉ thị 16, đời sống xã hội bị đảo lộn với những định nghĩa và liệt kê về mặt hàng thiết yếu để xác định hàng hóa nào được bán, được lưu thông. Từ cứng nhắc, đến lúng túng rồi đến hiểu lại theo cách khác (mặt hàng nào cấm lưu thông), nó cho thấy cái nhìn thiếu bao quát và chưa thật sự nhân văn, dẫu chúng ta luôn khẳng định mọi chính sách, quy định đều vì con người, phục vụ con người. Mặt hàng thiết yếu là nhũng gì mà con người không thể thiếu trong mọi tình huống từ tổng thể đến cụ thể. Chúng ta không thể thiếu thực phẩm, thức uống, không thể thiếu thuốc khi ốm đau, trẻ con không thiếu bỉm, sữa, học sinh không thể bước vào năm học mà không có sách giáo khoa… Hàng thiết yếu càng liệt kê sẽ càng thiếu.

Bên cạnh thiết yếu về vật chất, tôi nghĩ thiết yếu về tinh thần vào một thời điểm cụ thể này, lại rất quan trọng. Mang các đầu sách giải trí nhẹ nhàng, sách kỹ năng sống trong nghịch cảnh, truyện ngắn, truyện trào phúng, truyện thiếu nhi,… đến với những người dân khu phong tỏa, khu cách ly, giúp họ vơi bớt âu lo, suy nghĩ tiêu cực cũng là liệu pháp tinh thần, hỗ trợ cho người dân, bệnh nhân, và cả nhân viên y tế.

Với suy nghĩ đó, bắt tay cùng Phú Nhuận - quận đầu tiên khởi động chương trình này, chúng tôi đã đưa sách giấy tặng người dân trong các khu phong tỏa, rồi sách điện tử đọc online trên điện thoại qua app đến với bệnh nhân ở khu cách ly và bệnh viện dã chiến. Sau đó là đưa sách giấy đến Quận 1, sách điện tử đến Quận 5, 7 và hiện nay sách đã có mặt ở bệnh viện dã chiến TP. Bến Tre, khu cách ly huyện Ba Tri, huyện Thạnh Phú. Phải thừa nhận, ưu thế của ebook là triển khai nhanh chóng nếu có sóng wifi, độc giả thỏa sức lựa chọn tựa, chủ đề trong kho sách trọn gói, đặc biệt là không lây nhiễm chéo so với sách giấy chuyền tay.

Chúng tôi phục vụ và chia sẻ với cộng đồng chứ không hoàn toàn làm từ thiện. Bởi NXB và các công ty sách trong giai đoạn này cũng đối diện với vô vàn khó khăn trong đại dịch: cơ chế hoạt động tự trang trải toàn bộ chi phí, không hưởng lương ngân sách, buộc phải đóng các cửa hàng, từ bán và giao hàng online hồi CT 15 chuyển sang CT 16 đã dẫn đến sự tê liệt, không được giao hàng vì sách không là mặt hàng thiết yếu. Ký được hợp đồng ebook lúc này là một nguồn động viên rằng chúng tôi vẫn hoạt động, vẫn phục vụ bạn đọc, vẫn có ích..., chứ chưa thể là cứu cánh như một vài người lầm tưởng, vì doanh số ebook vẫn thấp so với vốn đầu tư ban đầu. Dù sao, chúng tôi vẫn vui và tự hào khi biết rằng những trang sách của NXB chắc chắn xoa dịu căng thẳng, đem  tri thức ít nhiều đến với bạn đọc.

Suy nghĩ lạc quan giúp tôi bước qua những khúc quanh -0
Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh Đinh Thị Thanh Thủy trả lời phỏng vấn của phóng viên báo chí.

- Từ thực tế đang diễn ra, chị có nghĩ thực hiện cuốn sách về đề tài này?

- Năm 2020, khi dịch COVID ảnh hưởng toàn thế giới, Việt Nam là một trong số ít quốc gia kiểm soát, ngăn chặn rất tốt ca nhiễm, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh đã bắt mạch cuộc sống, đặt hàng đề tài này với các tác giả trong nước, kể cả người Việt định cư ở Mỹ, Pháp... Chúng tôi đã khai thác tác quyền cuốn “Lockdown” (phong tỏa) của tác giả người Anh Peter May v.v...

Năm 2021, TP Hồ Chí Minh đang phải gồng mình chống dịch nhiều tháng trời. Trong quá nhiều thiệt hại, tổn thất về người và của cải, xã hội bộc lộ nhiều vấn nạn, con người lộ ra nhiều khiếm khuyết phải nghiêm khắc nhìn nhận để điều chỉnh, song nét đặc trưng văn hóa người Việt là tình nhân ái, nghĩa đồng bào lại trào dâng mạnh mẽ. Những Mạnh Thường Quân tài trợ xe cứu thương, thiết bị y tế chuyên dụng; những tình nguyện viên miệt mài vận động nấu bữa cơm từ thiện, bà con các tỉnh, thành gom góp vận chuyển những chuyến xe chở gạo, thịt, cá, rau củ hỗ trợ người ở tâm dịch; nhiều đội mai táng 0 đồng lặng lẽ giúp người nghèo mắc COVID tử vong; những bạn gái âm thầm đăng ký làm bảo mẫu cho Trung tâm H.O.P.E ở Bệnh viện Hùng Vương, Từ Dũ, chăm sóc trên 256 trẻ sơ sinh có cha, mẹ là F0 chưa thể đón con về... Biết bao nghĩa cử đẹp, tình người nhân hậu đó cần được ghi chép để trở thành trang sách của lịch sử đại dịch đầu thế kỷ XXI.

- Sau khi chúng ta trở lại nhịp sống bình thường, chị có thể dự báo thị trường sách cả nước sẽ thế nào?

- Không riêng gì tôi, nhiều người cũng đang phải tự tìm cho mình nguồn năng lượng không u ám sắc màu tiêu cực. Tôi thật lòng ước mong mọi người, mọi ngành trở lại nhịp sống bình thường để thị trường sách cả nước quay về trạng thái bình thường. Dự báo điều gì về thị trường sách sau đại dịch? Câu chuyện này còn dài, chỉ mong rằng với những chứng kiến, trải nghiệm hiện nay sẽ thức tỉnh trong mỗi con người về sự vô thường và điều tử tế. Tất cả những điều này, nếu tái hiện trên những trang sách cũng là điều hết sức cần thiết.

- Cảm ơn chị về sự bộc bạch tâm tình với nhiều thông tin thú vị. Tôi nghĩ rằng, trong những ngày này, người làm sách, viết sách cũng góp phần chống dịch qua ý nghĩ nhân văn trong từng trang sách. Âu cũng là suy nghĩ tích cực và mọi người cùng hướng tới ngày mai tươi sáng hơn...

Lê Minh Quốc (Thực hiện)
.
.