Giáo sư Phan Văn Trường:

Phải là một công dân trước khi nghĩ đến chuyện toàn cầu

Thứ Năm, 10/08/2023, 11:08

Bạn có phải là CDTC không? Tôi xin trả lời giúp bạn là: Có! Vì CDTC không phải là một mẫu bất động, mà là một hành trình. Hành trình đó vừa khuyến khích bạn trở thành con người hiện đại và văn minh hơn, vừa là thước đo giúp chúng ta tiến lên mỗi ngày, làm tốt hơn mỗi việc so với khởi đầu...

Văn hóa công dân toàn cầu (CDTC), phong cách công dân toàn cầu, cách làm việc của công dân toàn cầu, cách truyền thông theo mẫu công dân toàn cầu…, đó thực sự là xu hướng, là mối quan tâm phổ biến của cả thế giới từ nhiều năm nay. Nó khiến nhiều người tò mò, lăn tăn về vị thế của mình trên quả địa cầu. Có người coi đó là hiện tượng phổ biến, nhưng với nhiều người đó lại là một đích phấn đấu đầy ước vọng.

Vậy, phải nhận diện CDTC với những tiêu chuẩn, phong cách như thế nào? Mỗi người chúng ta có nên/phải trở thành CDTC không? Phóng viên Chuyên đề An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng có cuộc trò chuyện với Giáo sư Phan Văn Trường - nguyên cố vấn thường trực của Chính phủ Cộng hoà Pháp về thương mại quốc tế, xung quanh chủ đề này...

Bối rối trước sự đa dạng của những gương mặt công dân toàn cầu

PV: Thưa GS Phan Văn Trường, giờ đây người ta thường nói về CDTC, lấy đó làm đích đến, là hình mẫu. Nhưng không phải ai cũng biết từ khi nào xuất hiện ý tưởng này…

GS Phan Văn Trường: Theo quan sát của cá nhân tôi, từ những năm 1970, bắt đầu xuất hiện nhiều thỏa hiệp thương mại xuyên biên giới, các hãng hàng không bắt đầu xuống giá vé máy bay, dân chúng đi du lịch khắp nơi. Người ta thấy nhiều sự "trà trộn" lịch sử giữa các chủng tộc, tôn giáo, văn hóa. Các phương tiện truyền thông phát triển rất nhanh. Thế giới của thương mại và của các doanh nghiệp đa quốc gia cũng đã vượt mọi biên giới.

Những sản phẩm công nghệ cũng được lắp ráp từ những thành phần được sản xuất tại nhiều quốc gia. Chiếc phi cơ Airbus chẳng hạn, có nhiều thành phần được sản xuất tại Tây Ban Nha, Đức, Italia, Hà Lan và cuối cùng được lắp ráp tại Toulouse, Pháp. Các doanh nghiệp tuyển dụng nhân viên từ mọi quốc tịch, mọi văn hóa, tôn giáo.

Phải là một công dân trước khi nghĩ đến chuyện toàn cầu -0

Tôi từng tham gia nhiều buổi họp mang tính đa quốc gia có người Rumani, Algeria, Trung Quốc, Nga, Tây Ban Nha, Pháp. Buổi họp khởi đầu bằng tiếng Anh, đôi lúc nói tiếng Pháp, có lúc hai bạn Rumani và Nga trao đổi xì xồ bằng tiếng gì không ai biết nhưng kết quả của buổi làm việc bao giờ cũng đạt tới mục tiêu cuối cùng.

Tại một cơ quan quốc tế, ví dụ như ngân hàng thế giới (World Bank), người ta trông thấy sự chồng chất của các cấp nhân sự mang tính đa quốc gia. Những buổi làm việc như thế khắp năm châu với những đồng nghiệp đủ màu da và văn hóa dần dần làm xuất hiện một mẫu người: CDTC.

PV: Và còn hiện tượng sinh viên đi du học khắp nơi trên thế giới nữa. Không quốc gia nào là không gửi sinh viên của nước mình đi học, cho dù quốc gia đó văn minh đến đâu và có một nền giáo dục tốt đến đâu…

GS Phan Văn Trường: Đúng vậy. Ngay Hoa Kỳ cũng gửi sinh viên đi học ở nước ngoài, trong khi sinh viên toàn thế giới chỉ mong được học tại một trường đại học Mỹ. Trong số hàng triệu sinh viên du học mỗi năm, một số đông không về nước vì họ đã tìm được ở các nước sở tại những điều kiện tối ưu để phát triển. Từ đó tạo một mẫu người dễ hòa nhập, dễ làm việc xuyên văn hóa và xuyên biên giới. Ví dụ ở Mỹ, hầu hết các doanh nghiệp lớn đều được lãnh đạo bởi những người gốc nhập cư, như ông Steve Jobs (gốc Syria) là người đã thành lập tập đoàn Apple, hãng Pepsi Cola có lãnh đạo là bà Nooyi gốc Ấn Độ, hay Microsoft là ông Satya Nadella gốc Ấn Độ…

Từ khi tư tưởng toàn cầu hóa (globalization) xuất hiện, CDTC (global citizen) cũng xuất hiện theo. Những người này tin tưởng trước nhất vào một địa cầu giống như một mái nhà, nơi mỗi công dân đều là anh em một nhà. Họ chia sẻ với nhau một tinh thần giáo dục, một văn hóa, đó là văn hóa của những người yêu thế giới này và sẵn sàng làm tất cả mọi thứ để hành tinh đẹp hơn, dễ sống hơn mỗi ngày.

PV: Vậy thì ngay từ năm 1970 ấy, trong quá trình làm việc và dịch chuyển, GS chắc hẳn đã gặp một CDTC cụ thể nào đó?

GS Phan Văn Trường: Tôi sẽ kể về CDTC đầu tiên mà tôi từng gặp. Đó là năm 1978, với tư cách là giám đốc quốc tế của một công ty chuyên về thiết kế các tòa nhà như khách sạn, bệnh viện, trường học - những cơ sở hạ tầng mang tính xã hội, tôi có bổn phận lấy dự án thiết kế về cho công ty của mình. Khi đến Indonesia, tôi thường xuyên có dịp làm việc, chuyện trò với anh Andrew - một người Canada, làm nghề tư vấn cho các dự án khách sạn cấp cao. Anh ấy rất tập trung vào công việc, luôn tuân thủ theo một thời gian biểu vô hình mà chỉ có anh mới nắm bắt được. Ở anh nổi bật là sự tự kỷ luật, óc tổ chức, sự gọn gàng đến phát nể.

Tôi ấn tượng về anh là khả năng thuyết phục và thương thảo. Anh cho rằng việc gì cũng có thể trở nên tích cực nếu mình đủ sức thuyết phục với lợi ích của cả đôi bên. Anh ấy bao giờ cũng mặc quần đen áo trắng khi đi làm, nhưng nếu để ý đến chất lượng vải quần áo anh mặc, đôi bốt Berluti, thắt lưng Dunhill anh mang thì khó có thể đoán được anh có điều kiện đến cỡ nào. Điều tôi ấn tượng nữa là anh ấy có đầy đủ mọi trang bị điện tử hiện đại.

Phải là một công dân trước khi nghĩ đến chuyện toàn cầu -0
GS Phan Văn Trường trò chuyện cùng phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng.

Vào những năm 80 của thế kỉ trước, khi mà điện thoại di động chưa có, khi laptop chưa ra đời, khi mạng Internet mới chập chững xuất hiện, tôi đã vô cùng sửng sốt khi thấy chiếc máy điện thoại chuyên dụng trong quân đội mà anh sở hữu với ăngten dài cả 2 thước và cong như một chiếc cần câu. Anh có cả chiếc máy chữ điện tử giá cao ngất ngưởng. Ở thời mà việc đánh máy chữ là việc của các thư ký thì anh lại hoàn toàn chủ động việc đó và thao tác rất nhanh. Trong mỗi buổi họp, anh vừa lắng nghe, phát biểu ý kiến rất xác đáng khi cần, lại vừa đánh máy thành văn bản với văn phong mang tính pháp lý và kĩ thuật chuyên nghiệp. Nhưng anh cũng rất tiết kiệm, từ lời nói, thời gian đến từng tờ giấy trắng. Có lúc, tôi mạo muội hỏi rằng, anh có những cố gắng phi thường và khác người như thế để làm gì.

"Anh Phan ơi, để làm cho thế giới này mỗi ngày một đẹp hơn", câu trả lời đó ghim vào trí óc tôi đến tận bây giờ.

PV: Đến giờ, sau bao nhiên lần gặp gỡ, liệu ông có thể đúc kết lại để đưa ra một định nghĩa về CDTC không?

GS Phan Văn Trường: Nhiều thập kỉ qua, tôi đã gặp gỡ, giao lưu thường nhật với những CDTC và học được rất nhiều từ họ. Sự học chẳng phải qua một lớp học nào, mà chỉ quan sát cách đi đứng, ăn nói, hành xử, giao tiếp của họ. Nói thế tức là sẽ không có một lớp học chính thức nào biến học viên thành CDTC. Và tất nhiên, sẽ không bao giờ có bằng cấp liên quan đến tư thế CDTC, sẽ không có một cơ quan nào phát bằng CDTC cho ai. Nếu có ý định đi tìm một định nghĩa về CDTC thì chúng ta sẽ thất bại. Chúng ta sẽ bị bối rối trước sự da dạng của các gương mặt CDTC, bởi mỗi người sinh ra ra đều là phiên bản duy nhất của tạo hoá.

PV: CDTC không phải là nhãn hiệu quốc tế hào nhoáng. Điều đó có nghĩa nhiều người được gọi là CDTC nhưng họ chẳng có gì giống nhau. Nhưng điều băn khoăn là, nếu họ không giống nhau thì lấy gì làm thước đo, tiêu chuẩn để đánh giá về CDTC?

GS Phan Văn Trường: Soi vào lịch sử, sẽ thấy rằng từ xa xưa, khi xu thế toàn cầu hoá chưa phổ biến, đã có những CDTC. Triết gia Hy Lạp Socrates ngay từ trước công nguyên đã nói rằng: "Tôi không phải là công dân của riêng thành phố Athens hay nước Hy Lạp, mà là một CDTC". Chúng ta biết đến Livingstone - nhà vật lý thám hiểm châu Phi sống ở thế kỷ XIX đã sống một mình trong rừng nguyên sinh với câu nói nổi tiếng: "Tôi sẵn sàng ở bất cứ nơi nào trên trái đất này, miễn là nơi đó cho phép tôi tiến lên và phát triển".

Cả thế giới vào thế kỷ đó đều xem ông như một trong những công dân tiêu biểu của loài người. Điều gì khiến ông nổi tiếng như thế, trong khi suốt năm suốt tháng ông sống giữa đàn khỉ, đàn hổ và đàn chim săn mồi trong một thửa rừng xa mọi nền văn minh? Câu trả lời thật đơn giản: nhà bác học da trắng này ở nơi nào trên địa cầu cũng thấy thoải mái. Ông yêu người châu Phi, quý rừng nguyên sinh, hòa nhập với thiên nhiên qua những nghiên cứu của mình. Ông luôn đồng điệu với hệ sinh thái của vũ trụ. Trong rừng thẳm nhưng ông vẫn gìn giữ văn hóa của dân tộc ông, gìn giữ thái độ tự trọng và văn minh.

Người Việt Nam hẳn ai cũng biết Alexandre Yersin - nhà bác học ra sinh ra tại Thuỵ Sĩ, có quốc tịch Pháp nhưng đã đến Việt Nam sống mấy chục năm ở Nha Trang, nơi ông gọi là quê hương thứ 2. Ông đã tạo ra nhiều vaccine để cứu sống loài người. Ông cũng là người đem giống cây cao su đến Việt Nam. Ông gắn bó với Việt Nam đến cuối đời và vĩnh viễn nằm lại xứ sở chúng ta. Một người là CDTC thì dù sống ở nơi nào trên thế giới họ cũng xem như nhà mình, dân tộc nào cũng là bạn. Thử hỏi, ông Livingstone và Yersin có giống nhau không? Không, họ khác hẳn nhau, họ cũng khác thời nhau.

Thế nhưng, thật kì lạ, họ vẫn "nhận ra" nhau. Dù họ thuộc đủ mọi màu da, tôn giáo, quốc tịch, sống ở nhiều thời kì lịch sử khác nhau, ở những địa thế tản mát, nhưng họ có chung một thái độ sống. Họ yêu và bảo vệ địa cầu này một cách có hệ thống. Họ sinh hoạt với một phong cách dựa vào lý trí, mang sự tích cực để phục vụ. Họ đi khắp nơi, sẵn sàng hấp thụ mọi văn hoá, không có định kiến với những gì khác mình. Họ là những người mà địa cầu này đang cần có.

PV: CDTC như cách hiểu phổ biến hiện nay còn phải là người giàu có, bằng cấp cao, hoặc nắm quyền uy làm khuynh đảo thế giới. Họ phải là người có nhiều quốc tịch, mang nhiều hộ chiếu, nhiều thẻ tín dụng của nhiều ngân hàng lừng lẫy trên thế giới. Họ còn có bạn bè ở nhiều nước, đặt chân tới nhiều vùng đất, thành thạo một hoặc một vài ngoại ngữ. Như thế liệu có đúng không, thưa GS?

GS Phan Văn Trường: Tôi nghĩ là không. Có thể gọi những điều nêu trên là những tiêu chuẩn thừa. Và nếu chỉ dựa vào những kích thước quốc tế đó thì CDTC chỉ là một nhãn hiệu hào nhoáng mà thôi. Làm CDTC có lẽ phải đi xa hơn, sâu đậm hơn, chân thành hơn thế. Có một điều cần nhấn mạnh, CDTC không phải là bằng cấp với những điểm số phải có trong mỗi bộ môn, mà chính là một phong cách, một văn hoá, một tinh thần. Ý thức hệ CDTC sẽ chẳng có gì phức tạp, cao siêu lắm đâu.

PV: Mà ý thức hệ đó sẽ thể hiện ngay trong cách hành xử, làm việc hàng ngày?

GS Phan Văn Trường: Phong cách làm việc của CDTC là rất có trách nhiệm. Đối với đối tác, khách hàng hay nội bộ công ty, việc đã được giao sẽ được hoàn thành đúng kỳ vọng. Họ không có tư duy chơi cá nhân mà luôn nhắm tới lợi ích chung. Chính vì vậy sẽ không có hiện tượng mua chuộc, dàn xếp. Họ luôn tiết kiệm bất chấp xung quanh có phung phí, không gây ô nhiễm môi trường, đầu độc, làm giả cho dù việc đó mang lại lợi ích. Khi chưa hiểu rõ công việc họ sẽ không bắt tay vào làm. Họ không đi tìm sự mâu thuẫn nhưng ngược lại rất trân trọng sự phản biện tích cực.

Trong chuyện ăn uống, CDTC thường quan sát chủ nhà và quan khách xem họ ăn như thế nào rồi làm theo. Chẳng hạn khi dùng cơm Nhật thì chúng ta phải tập ăn những món nhỏ xinh: một miếng cá nhỏ xíu, một cọng lá tía tô, một chút củ cải bào. Lúc tráng miệng sẽ vui vẻ ăn mẩu dưa hấu bằng hai ngón tay. Họ cũng không thích mời khách tới nơi ồn ào vì họ cho rằng bữa cơm là dịp chia sẻ, thắt chặt tình thân. Trong những bữa ăn khi làm việc, họ thích ăn đơn giản, tránh những món có nước, lẩu, xốt và nhiều mùi vị để thuận tiện cho buổi làm việc sẽ tiếp tục sau đó. Chỉ khi nào buổi làm việc kết thúc tốt đẹp, họ mới hào hứng với một buổi liên hoan nhỏ gọn. Trong câu chuyện ở bàn ăn, họ chấp nhận mọi ý kiến đưa ra, vì đây là bàn ăn chứ không phải cuộc thương thảo. Họ sẽ chỉ trở lại vấn đề thực sự trong phòng làm việc.

Nước ta không thiếu những CDTC

PV: Theo nhìn nhận của GS, CDTC sẽ có ở những đâu trên dải đất hình chữ S của chúng ta?

GS Phan Văn Trường: Người Việt Nam ta, dù sống ở những vùng đồng bằng hay đồi núi đều có đông những CDTC. Không phải bây giờ, mà ngay từ nhiều thế kỷ trước, nước ta cũng không thiếu những CDTC. Trong một sự lựa chọn hữu hạn, tôi xin nhắc tới đại thi hào Nguyễn Du, cụ Phan Bội Châu… và nhiều nhân vật lừng lẫy khác. Các vị ấy "toàn cầu" không chỉ đơn giản là từng đi nhiều, nói nhiều ngoại ngữ, mà họ có khả năng lan toả văn hoá Việt Nam, cũng như đem về trong nước những điều hay từ khắp nơi trên thế giới.

Tôi đã gặp ở bãi biển Nha Trang một cậu bé vô cùng đặc biệt. Cậu tên là Phú Đạt, 7 tuổi. Nhà gần bờ biển, sáng nào cậu cũng ra biển nhặt rác. Cậu nhặt đều đặn hàng ngày chứ không phải tuỳ hứng. Cậu nhặt nhẵn cả bãi biển chứ không phải nhặt chơi chơi, với thái độ cần mẫn, tự nguyện, không cáu kỉnh. Cậu bé từng nói với mẹ rằng cậu mơ tới một bờ biển sạch nõn nà như căn bếp của mẹ cậu vậy. Trong mắt tôi, cậu bé mang thái độ của một CDTC, một thái độ làm việc tích cực, không màu mè, không cảm tính, luôn bảo vệ môi trường xanh, sạch.

Phải là một công dân trước khi nghĩ đến chuyện toàn cầu -0
GS Phan Văn Trường lắng nghe những tâm tư của một gia đình trẻ tại Hà Nội.

PV: Một câu hỏi mạo muội rằng, GS tự thấy mình có phải là một CDTC?

GS Phan Văn Trường: Một câu hỏi rất cần thiết cho cuộc trò chuyện này. Phải xác định xem tôi có là CDTC thì mới có thể nói về vấn đề này được chứ. Tôi sinh ra là người Việt Nam, cha tôi quê ở Hải Dương, mẹ tôi ở Bát Tràng (ngoại thành Hà Nội); vợ tôi là người Việt Nam, quê Nam Định. Tôi từ bé học bằng Pháp ngữ, làm việc suốt đời bằng tiếng Anh, tiếng Bồ Đào Nha. Tôi bập bẹ cả tiếng Thái, tiếng Bahasa Indonesia và Malaysia. Năm 1997, tôi trở về đất tổ, lúc đó tôi thậm chí nói tiếng Việt lơ lớ sau hơn 40 năm sống tại nước người. Tôi đã quyết tâm học lại tiếng Việt, nói tiếng Việt. Và tôi đã làm được.

Tôi luôn đón nhận mọi cơ hội mà không có chút phiền não hay sợ sệt để được đi làm việc hoặc du lịch khắp thế giới. Tôi là giáo sư giảng dạy về quy hoạch vùng và kinh tế đô thị tại Đại học Sorbonne, Pháp. Tôi từng là cố vấn thường trực của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế. Có lúc tôi làm việc trong một doanh nghiệp đa quốc gia có văn phòng trên 60 nước, đi thăm các cơ sở đó hàng năm. Tôi cũng đã về Việt Nam giảng dạy tại Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh,…

Dù ở đâu, làm gì tôi vẫn luôn sống thoải mái. Món ăn mọi miền đất tôi đều có thể hợp cả. Tôi được các nước sở tại đối đãi thân thiện, tự nhiên, như thể tôi là người bản xứ vậy. Dân tộc Fiji (đảo quốc giữa Thái Bình Dương) đã đề nghị tặng quốc tịch cho tôi. Một bộ trưởng Brazil đã ngỏ ý tặng hai con gái tôi quyền công dân của xứ họ lúc hai con tôi còn nhỏ. Còn nước Pháp đã đón nhận tôi từ năm tôi 17 tuổi đến nay. Tất cả những điều về tôi khiến tôi thấy tôi có đủ tiêu chuẩn để được công nhận là CDTC. Tôi biết, việc tự nhận này không tránh được sự chủ quan.

PV: Chắc hẳn nhiều người chúng ta vẫn ngờ ngợ không biết mình có phải là CDTC, có hao hao giống một chân dung CDTC nào không. Vậy đó có nên là/ phải là đích phấn đấu của mỗi người chúng ta, thưa GS?

GS Phan Văn Trường: Bạn có phải là CDTC không? Tôi xin trả lời giúp bạn là: Có! Vì CDTC không phải là một mẫu bất động, mà là một hành trình. Hành trình đó vừa khuyến khích bạn trở thành con người hiện đại và văn minh hơn, vừa là thước đo giúp chúng ta tiến lên mỗi ngày, làm tốt hơn mỗi việc so với khởi đầu. Tinh thần CDTC không thể là một xu hướng thời đại, mà còn phải được hiểu như một sự tự giác tu thân. CDTC, ở góc độ thấp nhất sẽ là công dân đơn thuần yêu trái đất, trân quý mọi sự sống và tìm được một nếp sống mẫu mực, ổn định. Vì vậy, hãy là một công dân, trước khi nghĩ đến chuyện toàn cầu. Hãy có tinh thần trách nhiệm làm một người tốt, luôn muốn đóng góp tích cực cho xã hội, nhưng tất cả được thực hiện một cách lí trí chứ không phải do cảm tính. Đất nước chúng ta nhận được thiên nhiên ưu đãi rất lớn, với khí hậu ấm áp, biển cả vô tận, núi rừng bạt ngàn, sông ngòi chằng chịt và nước ngọt khắp mọi nơi, nước lợ vô hạn với hai cửa biển sông Hồng và sông Cửu Long…

Nhưng ưu đãi lớn nhất vẫn là con người, là cộng đồng 54 dân tộc ở mọi miền đất nước. Tương lai của đất nước, của cả dân tộc phải vịn chắc vào tài sản con người, văn hóa và vật chất mà thiên nhiên đã ban tặng chúng ta. 50 năm nữa, khi mọi tài nguyên trên địa cầu cạn kiệt, khi nguồn nước chúng ta uống, không khí chúng ta thở đều ô nhiễm trầm trọng, chúng ta sẽ thấu hiểu rằng đất nước Việt Nam của ngày hôm nay là nơi tốt lành và đáng sống biết bao. Chúng ta liệu có cần sang Singapore để ngưỡng mộ những công viên giả, những mái nhà hình thù như trái sầu riêng mà vốn dĩ họ không có đất để trồng, hoặc nước uống của họ phải lọc từ nhiều nguồn nước khác. Họ không có suối mát để tắm, không có dù chỉ một dòng sông nhỏ để câu cá. Nhưng ngạc nhiên thay, khi họ mơ được sống trong một nước sinh thái như chúng ta thì chúng ta lại muốn bắt chước họ, muốn đi theo lộ trình phát triển vật chất của họ. Liệu có phải phá bỏ vườn sầu riêng thơm phức để thay thế bằng những cây cầu bằng sắt làm cảnh là đúng đắn không?

PV: Đời sống không ngừng biến đổi. Và theo đó, có lẽ đến một ngày mẫu người công dân toàn cầu sẽ mai một đi. GS có ý tưởng gì về việc sẽ xuất hiện mẫu CDTC mới?

GS Phan Văn Trường: Khi mà chúng ta vẫn đang cố gắng để hiểu rõ về CDTC, thì đã có sự manh nha của một mẫu người mới. Dịch bệnh COVID-19 khởi phát từ năm 2019 đã tạo ra một tình huống hi hữu là sự giãn cách kéo dài, làm đứt gãy nhiều chuỗi sản xuất, cung ứng. Để ứng phó, rất nhiều người chuyển sang làm việc trên mạng, gặp gỡ trên mạng, học hành và làm việc nhóm trên mạng. Và như vậy xu hướng toàn cầu hoá đã có nhiều biến đổi, kéo theo mẫu CDTC cũng thay đổi theo.

Virus Corona và có thể sẽ là những virus khác nữa nhắc nhở chúng ta không được phóng lao quá xa rồi phải theo lao, mà hãy ở trạng thái mẫu mực hơn, hoà nhã hơn. Mẫu CDTC mới sẽ sống giãn cách tự nguyện tại các vùng quê, gần gũi với thiên nhiên để làm việc trực tuyến hàng ngày. Họ vẫn tạo được những giá trị mà tưởng chỉ ở đô thị mới tạo được. Họ sẽ đối phó với những rủi ro một cách bình tĩnh hơn.

PV: Xin cảm ơn GS về cuộc trò chuyện thú vị này!

Huyền Châm (thực hiện)
.
.