Giám đốc Diễn đàn Toàn cầu Boston Nguyễn Anh Tuấn:

Phải có hấp lực mới thu hút và giữ được giới tinh hoa

Thứ Hai, 27/06/2022, 09:25

Ông Nguyễn Anh Tuấn là người sáng lập và Tổng Biên tập Báo điện tử Vietnamnet vào khoảng thời gian có thể gọi là hoàng kim nhất của tờ báo, tính đến lúc này. Đấy là thời mà báo điện tử ở Việt Nam mới manh nha xuất hiện và nhiều người chung nhận xét đây là tờ báo “có lửa” với rất nhiều kiến giải, đề xuất, phản biện xã hội nóng bỏng.

Nhưng rồi ông rời khỏi chiếc ghế tổng biên tập và không làm báo nữa. Ông ra nước ngoài xây dựng Diễn đàn Toàn cầu Boston, chủ biên cuốn sách “Xây lại thế giới - Tạo dựng kỷ nguyên khai sáng toàn cầu” mà đồng tác giả là những nhà tư tưởng và nhà lãnh đạo lớn trên thế giới như Chủ tịch Liên minh châu Âu Ursula von der Leyen, cha đẻ Internet Vint Cerf, cựu Thủ tưởng Nhật Bản Shinzo Abe...

Phải có hấp lực mới thu hút và giữ được giới tinh hoa -0

Sức ép của một tờ báo “có lửa

- Nhà báo Phan Đăng: Thưa ông Nguyễn Anh Tuấn, đến tận bây giờ nhiều người trong làng báo vẫn quen gọi ông là Tuấn Vietnamnet, cái danh xưng gắn với quá trình dài ông điều hành báo điện tử Vietnamnet. Bây giờ, nhớ lại thời làm báo sôi động ấy, ông nhớ điều gì nhất?

- Ông Nguyễn Anh Tuấn: Vietnamnet là một giai đoạn vô cùng thiêng liêng trong cuộc đời tôi. Cứ nghĩ đến nó là tôi xúc động, đặc biệt là khi nghĩ về những anh em đã gắn bó, cùng vượt qua rất nhiều khó khăn để thực hiện những điều mà tôi luôn trăn trở.

- Thời ông làm Vietnamnet là thời tôi vừa tốt nghiệp trường báo. Tôi nhớ là khi đó, đọc những bài báo rực lửa trên Vietnamnet, những người làm báo mới tinh tươm như chúng tôi có thêm nhiều động lực để sống và để viết. Từ rất lâu rồi, tôi muốn gặp để hỏi ông rằng: Một ông tổng biên tập phải làm gì để có thể thổi lửa vào tòa soạn?

- Đó là lòng yêu nghề, khát vọng đưa đất nước vượt lên. Sẽ có nhiều người nghĩ tôi sáo khi nói thế, nhưng sự thực là như thế. Tôi luôn nhận thức rằng đất nước mình đẹp và nhiều tiềm năng phát triển, vậy thì mỗi người tùy theo công việc của mình phải luôn có khát vọng đưa đất nước bay lên. Chính những suy nghĩ như thế khiến tôi luôn có thể thổi lửa vào anh em trong tòa soạn một cách nhiệt thành.

- Nhưng, làm tổng biên tập luôn đầy sức ép. Tổng biên tập của một tờ báo “có lửa” càng sức ép hơn nữa. Chắc chắn là khi đó ông đã phải đối diện với những giờ phút căng thẳng. Và, nói điều này ông đừng giận, thậm chí có những lúc phải nghĩ đến chuyện mất chức đúng không? 

- Tôi luôn nói với anh em rằng: “Cứ chuẩn bị tinh thần anh có thể mất chức ngay ngày mai. Thật đấy”. Bởi tôi luôn xác định đã làm thì phải dấn thân và phải làm những điều mình tin là đúng để thanh thản với chính mình. Lúc đó tôi bảo anh em, dù có thể lúc này lúc kia, chỗ này chỗ kia mọi người chưa hiểu đúng mình, nhưng khi mình đã tin là  đúng thì nhất định phải làm. Đơn giản vậy thôi. Mà giờ nghĩ lại tôi thấy, cuộc đời nhiều khi phải như thế mới có ý nghĩa, chứ cứ bằng phẳng, bình lặng quá thì chẳng có gì để nói cả. Tôi nhớ là hồi ấy, khi thấy tôi trải qua nhiều sóng gió, có người gặp tôi, bày tỏ lòng thương cảm. Nhưng, tôi nói với họ, phải coi những sóng gió là cơ hội rèn luyện và bồi đắp năng lực bản thân, quan trọng là đã làm được gì có ích cho xã hội. Quá trình vượt qua khó khăn, vượt sóng gió đó đã trở thành hành trang để sau này tôi đi ra thế giới.

- Chính xác, ông làm tổng biên tập bao nhiêu năm ạ?

- Gần 14 năm.

- Tôi ít nhiều đồng cảm với cách mà ông nghĩ về khó khăn, sóng gió. Tôi cũng hiểu rằng có rất nhiều lý do khiến ông rời ghế tổng biên tập, trong đó có những lý do khách quan, có thể hoàn toàn nằm ngoài ý muốn của mình và có thể cũng có những lý do chủ quan nào nữa, từ phía con người bên trong của mình. Cái khách quan bây giờ có lẽ cũng khó nói và có nói như thế nào cũng không tránh khỏi những góc nhìn khác nhau. Chúng ta nói về góc độ chủ quan thôi, trong quá trình đi tới quyết định rời ghế, những suy nghĩ lớn nhất trong ông là gì?

- Thứ nhất, như vừa nói, lúc đó tôi đã làm tổng biên tập gần 14 năm rồi và tôi thấy thời điểm ấy có lẽ sẽ không còn những điều kiện để làm những gì tôi mong muốn. Thứ hai, tôi sợ bản thân sẽ bị tha hóa quyền lực. Mình là người sáng lập, uy tín cao, anh em nể trọng, nhưng tôi sợ khi mình có quyền lực gần như tuyệt đối trong tổ chức của mình, sẽ sinh ra chủ quan, kiêu ngạo, chỉ thích nghe khen ngợi, tung hô, mình không còn tỉnh táo, sáng suốt nữa. Mình nhận thức được điều này khi mình còn đang tỉnh táo, chứ chỉ sợ vài năm nữa không còn đủ tỉnh táo để nhận ra. Khi đó mình sẽ không còn là mình nữa. Và, thứ ba, tôi nhận thấy cũng đã đến lúc phải thay đổi chính mình, vì theo đồ thị hình sin, khi anh đã lên tới đỉnh thì phải đi tìm một đỉnh mới khác, nếu không, sẽ từ đỉnh mà đi xuống. Mặc dù lúc đó tôi đã ở tuổi 49, cũng không còn trẻ, nhưng tôi nghĩ đến chu kỳ 10 năm. Mười năm là một quãng thời gian đủ để một con người có thể tạo nên một giá trị mới, sự nghiệp mới. Bây giờ mình thay đổi, 10 năm sau có thể tạo nên một giá trị mới, chứ để vài năm sau đó mới thay đổi thì sợ muộn.

Ngoài tất cả những điều rất duy lý trên, còn một nhân tố nữa ảnh hưởng đến quyết định rời bỏ cương vị tổng biên tập của tôi, đó chính là Phật hoàng Trần Nhân Tông. Tôi vốn rất ngưỡng mộ và thành kính Phật hoàng. Lúc đó tôi nghĩ, ngài đã rời bỏ một ngai vàng và quyền lực để tạo nên một giá trị mới cho dân tộc - một nhà tư tưởng, thế thì với mình, rời bỏ một cái ghế đã là gì. Tấm gương của ngài đã khích lệ và truyền cảm hứng cho tôi.

Phải có hấp lực mới thu hút và giữ được giới tinh hoa -0

Xác lập chuẩn mực giá trị và tâm thế để vượt lên sự đố kỵ, gièm pha

- Vâng! Nói là nói như thế nhưng cảm xúc con người không bao giờ là một đường thẳng đơn giản cả. Tôi không có ý nghi ngờ, phản biện gì về những suy nghĩ nói trên của ông, vì như đã nói ngay từ đầu, nó là suy nghĩ chủ quan của riêng ông, mà một kết quả xuất hiện bao giờ cũng có những tác động của cả yếu tố chủ quan, lẫn yếu tố khách quan, nằm ngoài ý mình. Ở đây, tôi chỉ muốn hỏi, xét về mặt cảm xúc thuần túy, cái khoảnh khắc chính thức buông ghế tổng biên tập, ông nghĩ gì và đã làm gì đầu tiên?

- Ngày 31-3 là ngày tôi rời ghế tổng biên tập thì sáng 1-4 tôi chạy một vòng xe quanh hồ Tây và cảm thấy vô cùng sung sướng, nhẹ nhõm, thoải mái vì không còn cảm giác áp lực, gánh nặng từ cương vị Tổng Biên tập Vietnamnet. Tự dưng hứng khởi, tôi nghe bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi. Trước khi nghỉ Vietnamnet, tôi đã có lời mời làm học giả nghiên cứu chính trị và truyền thông ở Đại học Harvard rồi. Khi tôi có ý định rời Vietnamnet, tôi email cho người bạn quý mến của tôi - giáo sư Thomas Patterson của Đại học Harvard. Giáo sư đã ngỏ lời mời tôi sang làm học giả nghiên cứu ở Trung tâm Báo chí, Chính trị và Chính sách công thuộc Đại học Harvard. Và, tôi đã nhận lời. Harvard đối với tôi là một giấc mơ đẹp. Lúc ấy tôi tưởng tượng được trở về Harvard ngồi đọc sách trong thư viện, ngắm nhìn dòng sông Charles trôi lững lờ và các học giả đi qua đi lại thanh thản, nhẹ nhàng, cuộc đời vậy như là trong cõi tiên.

- (Cười...). Hóa ra cái khoảnh khắc rời ghế tổng biên tập, ông nghe thơ Nguyễn Đình Thi. Tôi nhớ một câu trong bài thơ ấy: “Người ra đi đầu không ngoảnh lại...”.

- (Cũng cười...). “Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”. Mà khi sang tới Harvard, tôi lại thấy văng vẳng bên tai một câu khác trong bài ấy: “Mùa thu nay khác rồi”. Trước đây tôi từng là sinh viên trong một chương trình đào tạo lãnh đạo cấp cao của Đại học Harvard. Lúc ấy các giáo sư Harvard đối với tôi là những cây đa cây đề, giờ đây được sang đó cùng ngồi làm việc với họ, tôi cảm thấy hân hoan lắm. Và, cũng chỉ dừng lại ở đó thôi, ngày mới sang làm việc ở Đại học Harvard, tôi chưa có hướng đi cụ thể, mới mẻ nào cả. Tôi tự ý thức rằng, trước các giáo sư xuất sắc ở Harvard, tôi chưa là gì cả. Nhưng, chính vào lúc đó, tôi đọc các cuốn sách của thầy Thích Nhất Hạnh và tiếp tục ngẫm nghĩ nhiều về tư tưởng của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Những điều này tạo ra nguồn động viên và sự tự tin trong tôi, vì tư tưởng nhà Phật toát lên tinh thần bình đẳng lớn lao. Tất cả cùng bình đẳng với nhau và cùng có cơ hội tiến về phía trước với năng lực sáng tạo của mình...

- Chi tiết này rất lý thú, vì nó cho thấy rằng trong giai đoạn khởi đầu trên con đường mới ở phương Tây thì chính những giá trị phương Đông nói chung và giá trị dân tộc nói riêng lại củng cố, tạo nên sự tự tin trong ông. Tự nhiên tôi nghĩ, nếu chúng ta ra nước ngoài với hành trang là giá trị dân tộc mình thì phải chăng con đường của chúng ta ở nước ngoài sẽ bớt cô đơn hơn?

- (Gật đầu...). Mặc dù tôi khá am hiểu văn hóa và âm nhạc phương Tây, vì yêu thích nó từ sớm nhưng chính những giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc mới là sức mạnh khiến tôi thấy ấm áp và mạnh mẽ hơn trong khoảng thời gian ban đầu đó. Tôi nhớ là mình từng gặp những ông cựu bộ trưởng, thứ trưởng quốc phòng của Mỹ, giờ về làm nghiên cứu ở những trung tâm của Đại học Harvard. Họ đã có một cuộc chiến khốc liệt với quân đội Việt Nam trong quá khứ nhưng họ nể trọng quân đội Việt Nam. Hành trang của dân tộc như những lời ru ấm áp, giúp mình tự hào và tự tin.

- Ông thấy điều gì tâm đắc trong những ngày đầu tạo dựng sự nghiệp ở Boston?

- Xác định chuẩn mực giá trị và tâm thế. Khi ấy sẽ vượt qua được tâm lý yếm thế, vượt qua sự đố kỵ, gièm pha, khi ấy sẽ đặt ra mục tiêu cao và phát huy năng lực sáng tạo của mình.

Đi tìm sự khác biệt

- Đâu là một ngã rẽ quyết định của ông trên con đường thứ hai này?

- Trong lúc tôi đang suy nghĩ về việc có thể làm gì để tạo ra những điều có ý nghĩa như đã từng xây dựng Vietnamnet thì vào một buổi tối tháng 11-2012, lúc đó là lễ Tạ ơn, có hai giáo sư Harvard đến hàn huyên, ăn tối ở nhà tôi. Chúng tôi khoe với nhau về việc được mời làm diễn giả ở rất nhiều nơi, người thì làm diễn giả ở Davos, tôi đã làm diễn giả tại hội nghị của Liên minh lãnh đạo thế giới - Club de Madrid tổ chức ở New York. Bất chợt, tôi nêu ý tưởng: Tại sao Boston là nơi tập trung rất nhiều trí tuệ lớn của thế giới đương đại mà lại không có một diễn đàn quy mô nào. Vậy là chúng tôi thống nhất thành lập một diễn đàn, quy tụ những trí tuệ lớn ở Boston và toàn cầu, gọi là “Diễn đàn Toàn cầu Boston”.

Phải có hấp lực mới thu hút và giữ được giới tinh hoa -0

- Các nhà lãnh đạo, các học giả tham gia diễn đàn này sẽ cùng nhau tìm giải pháp cho các vấn đề toàn cầu. Tôi hiểu vậy đúng không?

- Đúng! Cần một ngọn cờ - một nhà lãnh đạo để đồng hành, dẫn dắt diễn đàn. Một số cái tên được đưa ra nhưng tôi đề xuất ông Michael Dukakis - cựu Thống đốc bang Massachusetts.

- Ông ấy từng tranh cử tổng thống với cố Tổng thống Mỹ Bush “cha”?

- Đúng rồi! Khi nghe tôi nói đến Michael Dukakis, hai ông bạn tôi rất lo, vì không biết có mời được không. Tôi nói để tôi thử xem sao. Sau đó tôi tới gặp Michael Dukakis và trình bày ý tưởng của diễn đàn, không ngờ ông ấy cười rất tươi, đánh giá cao ý tưởng của chúng tôi, rồi nhận lời tham gia ngay. Chúng tôi mời ông với vai trò chủ tịch, đồng sáng lập. Và thế là Diễn đàn Toàn cầu Boston ra đời với 4 người sáng lập vào ngày 12-12-2012. Tuy nhiên, đó mới chỉ là bước khởi đầu thôi, còn rất nhiều khó khăn ở phía trước, vì Đại học Harvard, Đại học MIT đã có nhiều trung tâm, viện nghiên cứu có ảnh hưởng lớn rồi. Diễn đàn của mình phải làm sao tạo ra sự khác biệt so với những “think tank” đó? Sau gần 3 năm hoạt động, năm 2015, khi nhiều nhà lãnh đạo, nhiều giáo sư hàng đầu đã tham gia Diễn đàn Toàn cầu Boston, tôi nêu định hướng đổi mới chính trị, xã hội thế giới bằng công nghệ, mà mũi nhọn chính là AI (trí tuệ nhân tạo). Tạo ra những sáng kiến đi tiên phong ở thời điểm đó.

Bước ngoặt của “Diễn đàn Toàn cầu Boston” là vào năm 2015, một trong những vấn đề nóng bỏng đang diễn ra là an ninh mạng. Nhưng, an ninh mạng thời điểm đó đa phần là các công cụ kỹ thuật, còn những chuẩn mực, chiến lược, chính sách để quản trị nó ở tầm toàn cầu thì chưa được quan tâm đúng mức. Tôi nêu ý tưởng cần phải đưa ra những quy tắc ứng xử trên không gian mạng, chiến lược cho an ninh mạng toàn cầu và lấy ngày 12-12 hằng năm là Ngày An ninh mạng toàn cầu để thảo luận về các vấn đề này. Cuối tháng 10 năm đó, Diễn đàn Toàn cầu Boston gửi thư giới thiệu ý tưởng, sáng kiến về Ngày An ninh mạng toàn cầu tới Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-moon và nhận được sự ủng hộ của ông bằng thông điệp của Tổng Thư ký Liên Hợp quốc cho Ngày An ninh mạng toàn cầu (cũng là ngày thành lập Diễn đàn Toàn cầu Boston) và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe năm đó cũng có thông điệp ủng hộ. Từ đó, chúng tôi đã đã xác lập được vị thế cho Diễn đàn Toàn cầu Boston. Và, đó là bước khởi đầu cho những hợp tác với Liên Hợp quốc sau này, đặc biệt là Sáng kiến Liên Hợp quốc 100 năm.

- Tính đến thời điểm này, ở Việt Nam cũng chưa nhiều người biết những gì ông đã làm được với chặng đường ở Boston, chặng đường sau khi rời ghế Tổng Biên tập Vietnamnet. Ông thấy hài lòng với chặng đường mình đang đi chứ?

- Chặng đường Boston rất đẹp và nhiều ý nghĩa.

- Vậy ông có thể nhìn bao quát hơn một chút, để chia sẻ kinh nghiệm với những độc giả trẻ đang đọc cuộc đối thoại của chúng ta không? Người trẻ cần những phẩm chất, những điều kiện gì để có thể ra nước ngoài, để tạo được dấu ấn của mình trong một sân chơi mới?

- Mỗi người có một hoàn cảnh, năng lực riêng, không ai giống ai, nên tôi không có ý định khuyên bảo ai. Tôi có niềm tin là người Việt Nam hoàn toàn có khả năng tạo dựng những giá trị ở thế giới. Các bạn trẻ sau này lại càng có điều kiện phát triển tốt hơn tôi. Mỗi người có hành trang riêng, hành trang của tôi đi ra thế giới là Vietnamnet.

 - Ông nói cụ thể hơn được không?

- Khi làm Vietnamnet, tôi đã xác định rất rõ là Vietnamnet cần phải tập hợp trí tuệ tinh hoa trong xã hội, tôi thành lập hội đồng cố vấn của báo cho mục tiêu đó gồm nhà văn hóa Việt Phương, các cựu cố vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải, các trí tuệ lớn như giáo sư Phan Đình Diệu, giáo sư Hoàng Tụy và rất nhiều người trí thức Việt Nam khác. Họ vì nghĩa lớn mà tụ hội về Vietnamnet với mong muốn đóng góp cho đất nước phát triển tốt đẹp hơn. Thời đó, tôi luôn nói với anh em rằng, không phải chỉ có bộ trưởng, thứ trưởng và các quan chức mới là lãnh đạo đất nước, mà một cây bút, một nhà báo có trí tuệ, có khả năng lan tỏa dẫn dắt thì cũng tạo ra sức tác động xã hội tích cực như những nhà lãnh đạo. Một tờ báo quy tụ được những trí tuệ lớn, có tâm huyết và trách nhiệm xã hội cũng sẽ có tác động lớn trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước mình. Tư duy đó đã có sẵn trong tôi từ những ngày còn ở Vietnamnet.

Khi thành lập và xây dựng Diễn đàn Toàn cầu Boston, tôi chỉ việc “đổi bài”, tức là thay vì tư duy về những vấn đề trong phạm vi xã hội Việt Nam như khi ở Vietnamnet sang những vấn đề trong phạm vi toàn cầu. Mà lúc này bệ phóng quan trọng chính là ông Michael Dukakis. Ông không chỉ đơn thuần là một cựu thống đốc, một cựu ứng cử viên Tổng thống Mỹ, mà quan trọng hơn, còn là một nhà lãnh đạo có nhân cách lớn. Khi tôi đi liên hệ với các chính phủ, các trường đại học, các nhà lãnh đạo, các nhân vật tinh hoa từ Mỹ, Nhật cho tới châu Âu, nhắc tới Michael Dukakis là mọi người đều rất trân trọng. Với những sáng kiến đi tiên phong, với Michael Dukakis và hội đồng lãnh đạo là những giáo sư có uy tín cao ở Đại học Harvard, Đại học MIT, tôi đã tụ hội được nhiều nhà lãnh đạo, nhiều nhà tư tưởng lớn của thời đại, đó là sức mạnh của Diễn đàn Toàn cầu Boston.

Tạo được vị thế từ những ý tưởng đi tiên phong

- Từ câu chuyện của cá nhân ông, tôi có thể sơ sơ tổng kết lại 3 phẩm chất cần thiết mà một trí thức Việt Nam cần có để đi ra thế giới: Một là phải xác định chuẩn mực giá trị, tâm thế thật rõ ràng; hai là phải có năng lực tiếp cận, học hỏi giới tinh hoa; ba là phải trân trọng những giá trị dân tộc. Ông muốn bổ sung thêm tiêu chí nào không?   

- 3 điều trên rất đúng nhưng chưa đủ, còn phải có những ý tưởng đặc sắc, sáng tạo. Hội ngộ với nhau không thôi chưa đủ, mình cần phải có những sáng kiến mới mẻ, đột phá, đi tiên phong để người ta quan tâm và đồng hành nữa. Điều này tiên quyết đấy. Nhìn vào Diễn đàn Toàn cầu Boston, rất nhiều người hỏi tôi là lấy đâu ra kinh phí để mời những giáo sư hàng đầu thế giới như vậy? Câu trả lời không nằm ở kinh phí, bởi khi có vị thế, ý tưởng đặc sắc và có hấp lực thì những bộ óc lớn và nhân cách cao đẹp sẽ đến với mình. Tôi nghĩ, điểm mạnh lớn nhất của tôi chính là có nhiều ý tưởng và kinh nghiệm cho thấy ý tưởng dễ đến trong môi trường tương tác với giới tinh hoa. Ví như buổi trưa ở Harvard, bạn sẽ thấy bàn này có những học giả danh tiếng đang ngồi trò chuyện, bàn kia lại là những vị lãnh đạo thế giới nào đó đang dùng bữa. Chỉ vài thảo luận, tương tác thôi là có biết bao ý tưởng được gợi mở. Tôi thấy rằng, đây quả thực là môi trường lí tưởng cho sáng tạo. Những giá trị dân tộc có thể trở thành điểm tựa để chúng ta trở nên mạnh mẽ và có cá tính hơn, nhưng quan trọng là phải biết trân trọng, đón nhận những giá trị chuẩn mực văn minh của nhân loại.

- Năng lực tiếp nhận những tinh hoa nhân loại, năng lực tiếp nhận những ý kiến trái ngược với mình..., điều đó thực sự quan trọng trong thế giới hôm nay?

- Vâng! Làm việc với các tinh hoa của thế giới, nhiều khi tôi chợt nhớ về thời làm Tổng Biên tập ở Vietnamnet. Bây giờ nhìn lại, tôi thấy hồi đó mình đôi khi cũng gia trưởng, áp đặt. Nhưng, khi sang Boston, gặp ông Michael Dukakis - người thầy lớn của tôi và cùng làm việc với các giáo sư ở Harvard, MIT thì một bài học rất lớn mà tôi học được chính là năng lực lắng nghe, trân trọng nhau.

- Xin cảm ơn ông! Xin chúc ông sức khỏe và hy vọng những điều ông chia sẻ có thể lan tỏa cảm hứng tích cực đến nhiều người trẻ Việt Nam đang trên con đường vươn mình ra thế giới.

Phan Đăng (thực hiện)
.
.