PGS. TS Đinh Hồng Hải: Tâm linh không phải như những gì chúng ta đang tưởng

Thứ Sáu, 25/11/2022, 13:56

Trong đời sống, thi thoảng chúng ta vẫn hay nghe những nhận xét theo kiểu: “Ông/bà ấy sống tâm linh lắm”, “Đừng dại động vào chỗ ấy, tâm linh lắm”… Chính từ những câu khẩu ngữ đời thường ấy mà tôi muốn đi đến tận cùng khái niệm “tâm linh”. Bởi, nếu không đi đến tận cùng, hiểu cho rành rẽ thì không loại trừ khả năng sẽ bị hiểu nhầm, từ đó dẫn tới những hành động lầm lạc.

Và, người mà tôi tìm đến để đi tới tận cùng khái niệm này là PGS.TS Đinh Hồng Hải, Chủ nhiệm Bộ môn Nhân học văn hóa, Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn - người vừa có những nghiên cứu hàn lâm lẫn những trải nghiệm thực tế về chủ đề này.

Từ điển không nói thế

- Nhà báo Phan Đăng: Thưa anh Đinh Hồng Hải, rất là đơn giản thôi ạ, tâm linh - bản chất của nó là gì vậy?

- PGS.TS Đinh Hồng Hải: Để trả lời một câu hỏi vừa rộng, vừa dài, vừa khó như vậy thì phải chia vấn đề làm 3 phần.Thứ nhất là về mặt từ nguyên, xem trong từ điển nói gì, trong các pháp lệnh của Nhà nước nói gì. Thứ hai là xem trong đời sống cụ thể ông bà, cha mẹ ta nghĩ gì. Và, thứ ba là hiện nay nó đang tồn tại ra sao.

PGS. TS Đinh Hồng Hải: Tâm linh không phải như những gì chúng ta đang tưởng -0

- Đúng là một phương pháp làm việc rất bài bản, lớp lang. Vậy thì xin anh bóc tách lớp đầu tiên của vấn đề, trong các từ điển, khái niệm tâm linh hiện lên như thế nào?

- Trong những bộ từ điển đầu tiên của Việt Nam, chẳng hạn như “Đại Nam quốc âm tự vị” của Huỳnh Tịnh Paulus Của, “Hán Việt từ điển” của Đào Duy Anh, “Hán Việt tự điển” của Thiều Chửu, “Từ điển Hán Việt” của Nguyễn Quốc Hùng... đều đề cập đến chữ “tâm linh”. Ví dụ như Đào Duy Anh trong “Hán Việt từ điển” trang 562 giải thích “tâm linh” là: “Trí tuệ có trong lòng người”. “Hán Việt tự điển” của Thiều Chửu và “Đại Nam quốc âm tự vị” của Huỳnh Tịnh Paulus Của thì chỉ có chữ “linh” chứ không có chữ “tâm linh”. Muộn hơn một chút, chẳng hạn như “Từ điển Hán Việt” của Trần Văn Chánh thì “tâm linh” lại được giải thích là linh hoạt, lanh lẹ, tinh, thính. Còn “Từ điển Hán Việt” của Nguyễn Quốc Hùng thì giải thích tâm linh là lòng dạ, đầu óc sáng suốt của con người. Tóm lại, “tâm linh” trong cách giải thích của tất cả các vị ấy đều không có một ý nghĩa nào liên quan đến phạm trù tôn giáo như cách mà chúng ta đang hiểu hiện nay.

- Ồ! Vậy là xét về mặt từ nguyên, trong các bộ từ điển uy tín thì tâm linh chỉ là một phạm trù tinh thần thôi, không liên quan gì đến tôn giáo. Rất nhiều người sẽ bất ngờ với tổng kết/phát hiện này của anh.

- Đúng thế! Tôi đã viết về chủ đề này một lần rồi. Và, tôi phải cụ thể hóa thêm một chút nữa, đó là sau từ điển - căn cứ để chúng ta tìm hiểu về mặt ngữ nghĩa thì còn lớp thứ hai nữa là các văn bản pháp quy như các bộ luật hay quy định của Nhà nước về tôn giáo và tín ngưỡng. Trong tất cả những giải nghĩa về mặt từ ngữ của Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo 2016 tuyệt nhiên không có một chữ “tâm linh” nào cả. Dù người ta giải nghĩa rất rõ tôn giáo là gì, tín ngưỡng là gì, tín ngưỡng tôn giáo là gì thì chữ “tâm linh” cũng không hề xuất hiện. Tôi nghĩ những người soạn luật chắc chắn đã đọc từ điển nên họ tránh dùng những từ bị sai hoặc chưa hiểu lắm để tránh những vấn đề mâu thuẫn, gây tranh cãi.

- Chốt lại, nếu căn cứ vào từng câu chữ trong từ điển và các văn bản pháp luật, hóa ra tâm linh lại không phải là tôn giáo?

- Không phải tôn giáo!

- Tuy nhiên, tôi nghĩ là ngôn ngữ có đặc thù riêng của nó. Có những thứ ngôn ngữ không được quy phạm trong sách vở, luật lệ nhưng nó vẫn được nhiều người sử dụng trong đời sống và đôi khi từ thực tế sử dụng đó mà nó mới được đưa vào từ điển hoặc đặt ra yêu cầu về việc phải làm mới những quy phạm trước đó của từ điển. Với khái niệm “tâm linh”, tôi nghĩ là trong đời sống, chúng ta vẫn áp dụng nó như một thuật ngữ của tôn giáo. Anh nghĩ gì về độ vênh này?

- Anh đã đề cập đến những từ ngữ nảy sinh trong đời sống xã hội và đến một lúc nào đó chúng ta phải sử dụng và đưa từ ngữ đó vào trong từ điển. Điều này đúng.

Chẳng hạn, với một thuật ngữ như “Buddha”, chúng ta đều hiểu đó là Đức Phật hoặc những gì liên quan đến Phật giáo. Nhưng, quán bar Buddha nổi tiếng trong mùa dịch COVID thì ý nghĩa của nó hoàn toàn khác, nhắc tới chúng ta đều biết đó là một ổ dịch khổng lồ ở TP. Hồ Chí Minh vào đúng lúc dịch bệnh đang căng thẳng. Từ “bar Buddha” chắc chắn sẽ không được đưa vào trong từ điển hoặc nếu có đưa vào các công trình nghiên cứu hay bài điều tra báo chí phóng sự thì người ta sẽ cẩn thận khẳng định nó không hề liên quan đến Phật giáo. Cho nên không phải bất cứ từ ngữ nào xuất hiện trong đời sống rồi cũng được từ điển hóa, chính quy hóa.

PGS. TS Đinh Hồng Hải: Tâm linh không phải như những gì chúng ta đang tưởng -0
Cần tiếp cận tôn giáo với tinh thần trí tuệ - hướng thiện. Ảnh: ST

Dung nạp quá nhiều thứ

- Trở lại với từ chúng ta đang bàn là “tâm linh”, theo khảo sát của anh thì từ bao giờ chúng ta đã sử dụng nó trong đời sống như một phạm trù của tôn giáo vậy?

- Đây chính là một sự nhầm lẫn rất lớn mà tôi đã phải cất công tìm hiểu rất kỹ càng. Và, tôi nhận ra, cho đến trước những năm 1986-1990, từ “tâm linh” với ý nghĩa tôn giáo không hề xuất hiện. Nếu có, nó chỉ xuất hiện với những ý nghĩa như giải thích của Đào Duy Anh, Thiều Chửu, Nguyễn Quốc Hùng, Trần Văn Chánh mà tôi đã liệt kê ở trên. Khi nói tới chuyện thờ cúng, người ta thường sử dụng các từ ngữ đi kèm như “đức tin”, “niềm tin” hay “tín ngưỡng”, trong đó đặc biệt là từ “tín ngưỡng”... Những người không theo tôn giáo thường có tín ngưỡng và ít nhất thì như anh và tôi, trong nhà chúng ta đều có ban thờ tổ tiên, tức là chúng ta thực hành tín ngưỡng thờ tổ tiên.

- Rồi tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương hoặc tín ngưỡng thờ tam, tứ phủ!

- Vâng! Người Việt Nam ta tin rằng “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Từ đó có thói quen thờ tổ tiên, thờ Thần tài, thờ Thổ thần, thờ ông Công ông Táo... Đó là điều rất hay vì nó đã dung hòa được các tín ngưỡng, tôn giáo với nhau mà không gây ra những xung đột tôn giáo. Tác giả Nguyễn Lang - Thích Nhất Hạnh trong “Việt Nam Phật giáo sử luận” đã gọi đó là sự hòa hợp tôn giáo. Tuy nhiên, lại nảy sinh ra một vấn đề là nếu chúng ta cứ không ngừng dung nạp, tiếp nhận và cùng lúc thờ cúng quá nhiều thứ thì đến một lúc nào đó có thể sẽ xảy ra mâu thuẫn.

- Tóm lại, theo anh, thứ nhất, từ “tâm linh” từ năm 1986 hắt về trước không được sử dụng theo nghĩa tôn giáo. Thứ hai, rất may là chúng ta không có chiến tranh tôn giáo, không có cực đoan tôn giáo nhưng nếu cứ dễ dàng dung nạp các mô hình thờ cúng mới mẻ ở bên ngoài mà không định hình nên cái cốt lõi bên trong thì rất khó để tạo ra một bản sắc bền vững... Tôi hiểu thế đúng không?

- Đúng vậy! Nếu đọc cuốn “Việt Nam Phật giáo sử luận” của Nguyễn Lang, anh sẽ thấy từ rất xa xưa đã có 3 trung tâm Phật giáo lớn là Lạc Dương, Bành Thành (Trung Quốc) và Luy Lâu - vùng đất thuộc Bắc Ninh bây giờ. Thậm chí, thầy còn lí giải rằng Luy Lâu có sớm hơn cả Lạc Dương, Bành Thành bên Trung Quốc. Khi các cao tăng Ấn Độ đem tôn giáo của họ đến nước ta thì ở xứ sở được gọi là Giao Châu ấy đã tồn tại 2 tín ngưỡng từ trước rồi. Một là tín ngưỡng bản địa, hai là Đạo giáo của Trung Hoa. Phật giáo đến không thể chồng tín ngưỡng bản địa như cách Hồi giáo đã từng chồng lên Phật giáo ở Ấn Độ, mà đã dung hòa, dung nạp để cùng tồn tại.

Và, cha ông ta đã sắp xếp rất khéo vị trí các thần linh trong không gian làng xã để tạo nên một sự hài hòa, ổn định. Chùa thờ Phật. Đền thờ thánh. Đình thờ thành hoàng làng. Trong chùa thì tiền Phật - hậu Mẫu.

- Tôi có đọc một nhận định rằng chúng ta tiếp nhận tôn giáo bên ngoài trên cơ sở của những tín ngưỡng bản địa và cố đi tìm sự dung hợp giữa cái mình đã có và cái mình tiếp nhận. Sự khéo léo, mềm mại ấy là nguyên nhân không dẫn đến chiến tranh tôn giáo. Nhưng, ngược lại, nó khiến chúng ta chỉ tiếp nhận các tôn giáo bên ngoài trên những khía cạnh mà chúng ta thấy thích, thấy hợp với mình, chứ không tiếp nhận nó với những cốt lõi tư tưởng bản thể, vốn có của nó. Thành thử, khi vào mình thì nó có những biến dạng, tạo nên những sự u mê, lầm lẫn. Anh nghĩ sao về nhận định này?

- Rất đúng! Nếu như tìm hiểu về nguyên lí của các tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng thì phải đọc rất nhiều sách và thậm chí các bậc cao tăng và các nhà nghiên cứu kì cựu cũng khó mà nói hết được các lớp sâu xa trong ý nghĩa của Phật giáo. Tôi có cách lí giải như thế này, mà thực ra không phải cách lí giải của tôi, mà là của Einstein: Phật giáo chủ trương hai điều là trí tuệ và hướng thiện.

Hướng thiện thì ta đã thấy rất rõ, còn trí tuệ là như thế nào? Nếu chúng ta đọc trong kinh sách của nhà Phật thì ngài đều nói trí tuệ là phải tìm và phải hiểu. Chẳng hạn trong kinh Bát Nhã Ba La Mật có câu “sắc sắc không không, sắc tức thị không, không tức thị sắc” toát lên một giá trị triết học sâu sắc.

Nhưng, chúng ta ít quan tâm đến phương diện triết học cốt lõi đó, mà lại quan tâm nhiều đến phương diện khoa nghi, tụng niệm, từ đó dẫn tới những hiện tượng mang màu sắc dị đoan mà rất nhiều người vẫn không ngừng theo đuổi như dâng sao giải hạn, hay trục vong, áp vong này nọ. Bây giờ chúng ta phải khắc phục bằng cách tìm hiểu thật nghiêm túc về nguyên lí và tính tổng thể khi tiếp nhận một tôn giáo, thay vì chỉ tiếp nhận những khía cạnh mà mình thích, rồi phóng đại nó lên, đến nỗi lầm tưởng rằng đó là hồn cốt của tôn giáo ấy.

Tôn giáo hay kinh doanh?

- Cái này thì tôi có một trải nghiệm cá nhân muốn chia sẻ. Thời nhỏ tôi theo bà đi chùa và nghĩ rằng cứ cầu kinh niệm Phật là sẽ được may mắn trong cuộc sống. Phật trong suy nghĩ của chú bé tôi khi ấy chẳng khác gì một thánh thần, có giá trị cứu rỗi lớn lao. Mà chẳng riêng gì chú bé tôi thời ấy, chắc chắn là nhiều người cũng tin như thế. Mãi sau này tìm hiểu, tôi mới ngộ ra bản chất của đạo Phật và vô thần. Phật không phải đấng cứu thế, mà là người thức tỉnh, không tạo ra vũ trụ nhưng hiểu được các quy luật của vũ trụ. Từ đó tôi tìm hiểu Phật giáo ở góc độ nhân sinh quan, thế giới quan, đạo đức quan, thiên nhiên quan... và dần dần thấy được những giá trị cốt lõi của tôn giáo này. Với cá nhân tôi, đây là một hành trình mà cảm giác như càng lúc tôi càng được thức tỉnh nhiều hơn.

Nhưng, bây giờ chúng ta sẽ trở về với điều mà anh đã nói rất kỹ, rằng qua các nghiên cứu về từ nguyên và văn bản pháp luật, anh khẳng định khái niệm “tâm linh” vốn dĩ không thuộc về tôn giáo. Vậy, theo anh tại sao người ta vẫn có xu hướng coi đó như một khái niệm của tôn giáo. Có mâu thuẫn nào ở đây chăng?

- Cái gì cũng có lý do của nó. Theo tôi, thuật ngữ “tâm linh” ra đời để đáp ứng nhu cầu “du lịch tâm linh” vốn phát triển rất mạnh trong xã hội ta những năm gần đây. Anh thử tưởng tượng xem, những người muốn kinh doanh mà nói tôi đang “kinh doanh tôn giáo” thì có ổn không? Chắc chắn là không ổn, vì xét về bản chất, tôn giáo có giáo luật, giáo lý, giáo hội và đấy không phải là mô hình để kinh doanh. Kể cả nói rằng mình đang làm “du lịch tôn giáo” thì ở Việt Nam có lẽ cũng khó chấp nhận. Nhưng, nếu nói “du lịch tâm linh” thì lại dễ được chấp nhận hơn. Sau nhiều năm khảo cứu, tôi còn gọi đó là thị trường tâm linh. Thật đấy. Bởi, tôi thấy ở đó diễn ra đủ mọi thứ mua bán có liên quan đến tín ngưỡng, niềm tin, thậm chí là cả tôn giáo nữa.

- Tôi nghĩ là chúng ta phải hết sức thận trọng khi nói những chuyện này. Xét về mặt cảm giác thôi, tôi cứ thấy một cái gì đó gờn gợn khi nghe anh bảo chữ “tâm linh” ra đời là để phục vụ cho việc kinh doanh. Liệu có một cái gì đó khiên cưỡng, áp đặt ở đây không nhỉ?

- Đương nhiên tôi đã suy nghĩ/nghiên cứu rất nhiều chứ không thể nói bừa. Tôi đã trình bày rõ với anh ở phần trên, ở đây chỉ xin nhấn mạnh rằng khái niệm tâm linh này xuất hiện rất nhiều sau giai đoạn 1986, nhưng vấn đề là nó có xuất hiện trong các từ điển tôn giáo hay không?

Câu trả lời là cực kì hiếm, nếu không muốn nói là không. Trong hàng trăm cuốn từ điển về tôn giáo, tôi chỉ tìm được một cuốn duy nhất có chữ “tâm linh”. Và, từ “tâm linh” ấy chỉ để giải nghĩa cho một từ tiếng Anh duy nhất là “spirituality” chứ không phải đểgiải nghĩa chính thức. Có nghĩa là trong từ điển không hề có, trong các công trình nghiên của các nhà nghiên cứu nổi tiếng hầu như cũng không có. Vậy, từ “tâm linh” xuất hiện ở đâu? Xuất hiện trên báo chí là nhiều, đặc biệt là các trang web du lịch. Bây giờ anh có thể lên mạng và đọc quảng cáo về những “tour du lịch tâm linh đẳng cấp 5 sao” một cách rất dễ  dàng. Vậy đấy, nó là một thuật ngữ mang tính chất thị trường nhiều hơn là tôn giáo.

PGS. TS Đinh Hồng Hải: Tâm linh không phải như những gì chúng ta đang tưởng -0
PGS.TS Đinh Hồng Hải và nhà báo Phan Đăng.

- Chỗ này tôi phải bẻ lái để hỏi anh rằng, du lịch tâm linh thì có gì sai không?

- Câu hỏi của anh vừa khó lại vừa hay. Trong thuật ngữ tiếng Anh, “pilgrimage” nghĩa là hành hương. Từ ngữ này là để dành cho những tín đồ thực sự, ví dụ tín đồ của Phật giáo hành hương tứ thánh tích tại Ấn Độ và Nepal, tín đồ của Islam hành hương đến thánh địa Mecca. Còn du lịch tâm linh là người ta đi đến bất cứ nơi nào người ta thích. Trên thế giới vẫn có một thuật ngữ dành cho việc đó: “Religious tourism”.

Chẳng hạn những người đi đến Vatican không phải để chiêm bái hay gặp Đức Giáo hoàng mà là để chụp ảnh, selfie, thăm thú nơi đấy. Những hoạt động đó cũng là một trong những nguồn thu quan trọng của Vatican. Như vậy, trong các thuật ngữ tiếng Anh, chúng ta thấy du lịch tôn giáo khác với hành hương trong tôn giáo. Mọi thứ rất minh bạch, sòng phẳng, rõ ràng.

Còn ở ta, với việc vận dụng khái niệm “tâm linh” và coi nó như một khái niệm của tôn giáo thì người ta có thể tạo nên những hiện tượng vừa không phải Phật giáo, không phải Đạo giáo mà cũng chẳng phải tín ngưỡng dân gian. Họ đã tạo ra cái mới, tưởng là giống như truyền thống, dựa vào truyền thống, nhưng thực ra là sản phẩm mới hoàn toàn.

Phải học cách hoài nghi

- Hiểu kỹ lưỡng về một khái niệm là không đơn giản. Hiểu được cách thức người ta kiến tạo khái niệm để phục vụ cho một mục đích nào đó cũng không đơn giản. Chỗ này mà không cẩn thận thì rất dễ dẫn tới hiểu lầm. Tôn giáo là tôn giáo. Kinh doanh/du lịch là kinh doanh/du lịch. Hai phạm trù này rất tường minh, rõ ràng.

Nhưng, theo phân tích của anh thì với việc sử dụng khái niệm “tâm linh” nhưng hoạt động kinh doanh/du lịch lại đánh vào cái tâm thức tôn giáo vốn có trong một số người, từ đó tạo nên một vận động hết sức mập mờ. Từ câu chuyện này, anh có lời khuyên gì cho người Việt đương đại trong việc xây dựng một đức tin thực sự của mình?

- Tôi cho rằng để dễ hiểu và dễ nhớ thì có 2 từ mà Einstein đã nói và tôi cũng đã nhắc ở trên: “Trí tuệ” và “hướng thiện”. Đây là 2 từ mà Einstein nói về Phật giáo, nhưng theo tôi không chỉ Phật giáo, mọi tôn giáo cũng đều hướng đến 2 điều đó cả. Chúng ta đọc kinh Thánh, kinh Koran... về cơ bản chúng ta cũng đều thấy 2 giá trị đó. Nhưng, có một từ nữa cực kì quan trong với người Việt chúng ta hiện nay, mà tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh, đó là “transparency” - minh bạch. Ví dụ nếu bạn tổ chức một nghi lễ nào đó thì bạn phải cho mọi người biết nghi lễ ấy thờ vị thần nào, vì sao lại có nghi lễ đó. Phải có tính minh bạch thì người ta mới từ niềm tin biến thành đức tin và từ đức tin mới biến thành tín đồ. Còn nếu chúng ta chỉ dùng từ ngữ hoặc sự dọa nạt để làm người khác sợ thì điều đó sẽ không thể tồn tại lâu. Tóm lại, đó là 3 từ: “Trí tuệ”, “hướng thiện” và “minh bạch”.

- Càng minh bạch thì càng dễ xác lập niềm tin!

- Tôi kể anh câu chuyện này: khi ở Ấn Độ, tôi được đi làm từ thiện cùng các sư thầy bởi thời điểm đó xảy ra vụ động đất, sóng thần khiến hơn 100.000 người Ấn Độ thiệt mạng. Tôi thấy các thầy mang theo rất nhiều tiền và đồ để chia cho những người dân ở vùng gặp nạn. Tôi có hỏi một thầy rằng, nếu ta cứ tiêu thoải mái những đồng tiền cứu trợ này thì có ai biết không? Thầy nói là chẳng ai biết cả, vì đây là tiền của bá tánh khắp nơi trên thế giới gửi về cho thầy, nhưng thầy nhấn mạnh, mình cầm tiền của bá tánh mà lại làm như thế thì sẽ bị tổn phước nghiêm trọng. Chữ “tổn phước” rất quan trọng, bởi nếu bạn đã sợ quỷ thần hai vai thì bạn sẽ không bao giờ dám làm việc khuất tất. Các thầy giảng cho tôi rằng, nếu ta ăn chặn tiền cứu trợ của những con người nghèo khổ thì ta và gia đình ta sẽ bị tổn phước và việc tổn phước đó có thể không ảnh hưởng ngay đời này, mà có thể ảnh hưởng xấu tới nhiều đời sau. Chính vì thế, khi làm từ thiện với các thầy, tôi cảm thấy rất vui vẻ, giàu năng lượng dù phải ăn uống rất kham khổ và ngồi khoang tàu rẻ tiền không có điều hòa.

- Anh làm tôi nhớ đến câu nói của một vị thầy nổi tiếng, đó là khi chọn bạn thì tốt nhất hãy chọn những người tin vào nhân - quả mà chơi. Vì chỉ có tin vào nhân - quả thì bạn mới không chơi xấu với mình. Còn nếu chọn nhầm người không tin vào nhân - quả thì không loại trừ khả năng một lúc nào đó mình sẽ phải trả giá. Trở lại với 3 chữ trí tuệ, hướng thiện và minh bạch mà anh vừa nhấn mạnh trong việc kiểm nghiệm và kiến tạo một đức tin, tôi muốn bổ sung thêm một chữ nữa, đó là “hoài nghi”. Tôi nhớ tới câu chuyện được ghi lại trong bộ kinh Kalaman nổi tiếng, rằng một ngày nọ, Đức Phật đi qua bộ tộc Kalaman, các thanh niên của bộ tộc liền chạy ra và hỏi: “Bạch Đức Thế Tôn, vị đạo sĩ nào đi qua đây cũng bảo tôn giáo của mình là nhất. Vậy, theo Đức Thế Tôn, tôn giáo nào là nhất?”. Câu trả lời của Đức Phật: Các ngươi đừng tin bất cứ ai cả. Ai nói, các ngươi hãy cứ nghe, sau đó tự kiểm nghiệm và áp dụng vào cuộc đời mình. Cái nào áp dụng thành công, tốt cho mình thì cái đó là nhất. Tôi rất thích câu chuyện này, vì nó toát lên một thông điệp rằng, ngay cả trong phạm trù tôn giáo thì sự hoài nghi/kiểm nghiệm cũng là rất quan trọng. Bạn không chịu hoài nghi/kiểm nghiệm mà vội vã tin theo ngay, hành động theo ngay thì rất có thể sẽ dẫn đến mê tín. Mà mê tín thì rất nguy.

- Đúng! Tôi chỉ muốn nói thêm rằng, bản thân từ “Phật - Buddha” đã đầy hàm nghĩa đó rồi: Người thức tỉnh. Chúng ta đều biết Đức Phật là người đẳng cấp Bà la môn trong xã hội Ấn Độ cổ xưa và vì thức tỉnh/giác ngộ nên đã tìm ra con đường giải khổ cho tất cả mọi người. Vậy, muốn hiểu được Phật thì phải tìm và xóa đi tất cả những thứ mà Phật gọi là vô minh. Trong cuốn “Các vị thần” tập 2, ở phần tay gập sách, tôi đã đặt ra một câu hỏi: Liệu chúng ta có thờ nhầm các vị thần ở trong nhà hay không? Đó chính là tinh thần hoài nghi mà anh đã bổ sung đấy. “Hoài nghi” là một từ rất đắt.

- Xin cảm ơn anh!

Phan Đăng (thực hiện)
.
.