Những phút cân não giữa đống đổ nát ở Myanmar

Chủ Nhật, 27/04/2025, 09:35

Chúng tôi gặp Đại tá Nguyễn Minh Khương - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an ngay sau khi anh cùng đoàn công tác từ Myanmar trở về. 7 ngày thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn quốc tế đã lùi lại phía sau, nhưng những giây phút nghẹt thở, căng thẳng và nỗi buồn ám ảnh khi chứng kiến những mất mát, đau thương của người dân Myanmar vẫn vẹn nguyên trong tâm trí anh và đồng đội...

Phải thần tốc hơn nữa

- Phóng viên (PV): Thưa Đại tá Nguyễn Minh Khương, người dân cả nước những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4 luôn dõi theo chuyến công tác đặc biệt của anh và đoàn cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an, cập nhật tình hình và kết quả từng ngày làm việc của đoàn tại Myanmar. Ngay từ lúc đặt chân đến nước bạn, đoàn công tác đã bắt nhịp vào guồng làm việc thần tốc...

- Đại tá Nguyễn Minh Khương: Chiều 28/3, ở Việt Nam, khi những chiếc đèn thả trần ở một số khu vực của Hà Nội chao nghiêng do dư chấn của trận động đất ở Myanmar, tôi đã có những dự cảm chẳng lành và chú ý nắm bắt thông tin về sự kiện này. Cán bộ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) chúng tôi là vậy, luôn có những trực cảm đặc biệt và thường trực tâm thế lên đường làm nhiệm vụ. Khi biết trận động đất ở Myanmar lên tới 7,7 độ Richter thì trong đầu tôi đã dự liệu về một cuộc lên đường làm nhiệm vụ. Bởi, như thế có nghĩa đất nước Myanmar sẽ bị thiệt hại nặng nề, cũng giống như hệ quả nghiêm trọng mà trận động đất lên tới 7,8 độ Richter gây ra ở Thổ Nhĩ Kỳ cách đây 2 năm.

Những phút cân não giữa đống đổ nát ở Myanmar -0
Đại tá Nguyễn Minh Khương. Ảnh: Thắng Nguyễn.

Chúng tôi báo cáo đồng chí cục trưởng và các phòng chức năng. Khi đã có quyết định thành lập đoàn công tác đi Myanmar, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH thì mọi việc diễn ra rất suôn sẻ và nhanh chóng. Do có sự phối hợp của nhiều đơn vị của Bộ Công an nên công tác chuẩn bị khá nhanh, từ trang, thiết bị, lương thực, quân tư trang cá nhân đến thủ tục xuất cảnh của cán bộ, chiến sĩ (CBCS). Nhờ đó mà chúng tôi bắt nhịp tốt với guồng công việc ngay khi đặt chân tới hiện trường. Nhưng, tôi vẫn muốn trong thời gian tới công tác chuẩn bị phải nhanh hơn nữa, thần tốc hơn nữa, phải có lượng dự trữ bài bản. Bởi, đây là lần thứ hai chúng tôi lên đường và phải luôn sẵn sàng ứng phó với lần thứ ba, thứ tư và những lần tiếp theo...

Khi di chuyển từ sân bay quốc tế Yangon đến trung tâm thủ đô Naypyidaw của Myanmar, nhân viên của Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar đã sắp xếp tôi đi xe của đại sứ quán vì tôi là trưởng đoàn. Nhưng, tôi nói rằng sẽ đi xe bus cùng anh em để tranh thủ họp bàn và phân công nhiệm vụ. Tôi soạn những nguyên tắc khi thực hiện CNCH, khi sinh hoạt, ứng xử ở đất nước bạn cũng như dự kiến phân nhóm làm việc. Đoàn có 26 CBCS, tôi phân ra 3 nhóm, 2 nhóm trực tiếp làm việc, 1 nhóm ở nhà lo công tác hậu cần và chuẩn bị thay ca. Do đó, khi đến nơi hạ trại là anh em đã nắm được nội dung công việc, nhiệm vụ cụ thể và chuẩn bị tâm thế làm việc ngay. 

Những phút cân não giữa đống đổ nát ở Myanmar -0
Cán bộ chiến sĩ của đoàn cứu nạn cứu hộ Bộ Công an Việt Nam làm nhiệm vụ tại hiện trường sau vụ động đất ở Myanmar.

- PV: Hai lần Bộ Công an cử quân tham gia CNCH quốc tế thì cả hai lần anh đều nhận nhiệm vụ là trưởng đoàn. Lần dẫn đoàn đi Thổ Nhĩ Kỳ đã mở đường cho hoạt động CNCH của lực lượng Công an ở nơi xa Tổ quốc trong tình huống khẩn cấp. Trước một nhiệm vụ hoàn toàn mới, chưa từng có tiền lệ, tâm thế của người chỉ huy chắc hẳn cũng vô cùng đặc biệt, thưa anh?

- Đại tá Nguyễn Minh Khương: Lúc ấy là tháng 2/2023, trước tình hình trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ gây thiệt hại nặng nề, chúng tôi nhận được lệnh lên đường. Tâm lý của CBCS nói chung cũng như tôi đều có chút lạ lẫm. Vì khi đó chúng tôi chưa nắm được hiện trường động đất sập đổ như thế nào, sẽ tổ chức triển khai nghiệp vụ về tìm kiếm cứu nạn ra sao. Tuy nhiên, tôi không hề lo lắng, bởi anh em trong đoàn được lựa chọn đều là những người lính dạn dày kinh nghiệm và tinh nhuệ, được tuyển chọn từ các đơn vị trực tiếp chiến đấu và nghiên cứu về nghiệp vụ PCCC và CNCH. Tất cả đều quyết tâm lên đường với tinh thần giúp bạn như giúp mình. 

Yếu tố nữa khiến tôi vững tin là trước đó, Cục đã triển khai nhiều đợt tập huấn chuyên sâu về công tác CNCH đối với thảm họa theo kế hoạch của Bộ Công an. Chúng tôi đã triển khai cho CBCS xử lý các tình huống CNCH trên thực tế, từ sạt lở, sập đổ, đất, đá, núi đến sập đổ công trình. Mà động đất chính là một dạng sập đổ công trình nhưng trên quy mô lớn, nên khi thực hiện nhiệm vụ cũng không ngoài những gì mà chúng tôi đã được huấn luyện, đào tạo. Nhiều CBCS đã được cử sang huấn luyện tại Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc nên có kinh nghiệm xử lý tình huống động đất, sạt lở. Hơn nữa, phương tiện của Bộ Công an mang sang là những phương tiện hiện đại nhất, được anh em sử dụng rất chuyên nghiệp.

Do tôi đã quen với nhiệm vụ làm trưởng đoàn CNCH ở Thổ Nhĩ Kỳ nên tiếp tục được lãnh đạo Bộ Công an tin tưởng cử đi Myanmar. Trong đoàn đi lần này có tôi và 2 đồng chí nữa đã đi Thổ Nhĩ Kỳ. Những kinh nghiệm rút ra sau lần 1 đã giúp tôi tổ chức triển khai nhiệm vụ lần 2 tốt hơn. 

Những phút cân não giữa đống đổ nát ở Myanmar -0
Đại tá Nguyễn Minh Khương. Ảnh: Thắng Nguyễn.

- PV: Cụ thể là những kinh nghiệm gì, thưa anh? 

- Đại tá Nguyễn Minh Khương: Trước hết là về việc tổ chức lực lượng, tôi đề nghị cử thêm các đơn vị tham gia cùng lực lượng CNCH. Đoàn đi lần này có sự tham gia rất tích cực của 2 chú cảnh khuyển và cán bộ huấn luyện động vật nghiệp vụ của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động. Sau lần 1, chúng tôi cũng rút ra kinh nghiệm phối hợp với các đơn vị CNCH quốc tế. Lần này chúng tôi lên phương án và bàn bạc ngay tại hiện trường, mời các đội CNCH nước bạn cùng tham gia để đưa ra phương án nhanh và hiệu quả nhất.

Những phút cân não giữa đống đổ nát ở Myanmar -0
Đại tá Nguyễn Minh Khương trò chuyện cùng phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng. Ảnh: Thắng Nguyễn.

Một kinh nghiệm nữa là phải huy động người bản xứ vừa biết tiếng Anh, vừa biết tiếng địa phương. Họ sẽ cầu nối trao đổi với người thân của người bị nạn để thu thập thông tin ban đầu. Qua họ, chúng tôi nắm được thông tin thời điểm xảy ra động đất, nạn nhân đang ở vị trí nào của khu nhà, đang ngủ hay đang thức. Với thời gian chỉ khoảng chục giây trong tình thế ngôi nhà nghiêng ngả, sau đó sập đổ nhanh chóng, thì nạn nhân sẽ thoát nạn theo hướng nào, di chuyển được đến đâu. Nếu đang ở tư thế nằm ngủ thì sẽ di chuyển một quãng ngắn hơn, nếu đang thức thì có thể di chuyển được quãng đường xa hơn. Chúng tôi căn cứ vào đó để tính toán, khoanh vùng vị trí nạn nhân đang bị mắc kẹt, vùi lấp. Nếu không có những thông tin đó thì việc xác định vị trí nạn nhân sẽ khó khăn và mất nhiều thời gian hơn.

- PV: Thời gian trôi đi, hy vọng của người dân Myanmar về sự sống của người thân dần tắt lịm. Nhưng, nỗi niềm mong ngóng tìm thấy thi thể người thân đã trở thành nguyện vọng tha thiết. Ngay ngày đầu tiên, đoàn CNCH Bộ Công an đã nỗ lực tìm kiếm và thu được kết quả...

- Đại tá Nguyễn Minh Khương: Ngày 31/3, tôi phân công số lượng CBCS của 2 nhóm làm việc nhiều hơn, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ để có kết quả ngay từ ngày làm việc đầu tiên. Tôi quán triệt anh em làm việc muộn, thậm chí có thể làm đêm. Trời đã tối nhưng cả đoàn vẫn bám trụ, ngay cả khi các đoàn cứu nạn khác đã rời đi. Có thời điểm chỉ còn chúng tôi và đội cứu nạn của nước chủ nhà cùng người thân của những nạn nhân xấu số. Trong khung cảnh đổ nát, họ chờ đợi chúng tôi, dõi theo từng cử chỉ, vẻ mặt của chúng tôi, tiếng gào khóc vẫn vang lên xót xa. Chúng tôi hiểu là chỉ có tìm được nạn nhân và đưa ra ngoài nguyên vẹn mới giải quyết được tâm tư cho họ. Đến 9 giờ tối ngày hôm đó, nạn nhân đầu tiên đã được lực lượng CNCH Bộ Công an đưa ra ngoài. Đó cũng là nạn nhân đầu tiên mà đoàn Việt Nam tìm thấy. 

Chúng tôi đã thần tốc chạy đua với thời gian, nhưng phép màu đã không xảy ra, bé trai Mg Khant Thuta Nygan (10 tuổi) đã tử vong dưới đống đổ nát. Khi bế cháu lên cáng, đưa ra ngoài, chúng tôi nhận thấy cơ thể cháu còn mềm, sự sống chưa rời xa quá lâu. Trong lòng tôi trào lên sự tiếc nuối, xót xa. Giây phút bàn giao thi thể nạn nhân cho cơ quan chức năng và gia đình là khoảnh khắc nặng nề nhất đối với đoàn công tác.

Tôi nắm chặt tay mẹ cậu bé chia sẻ nỗi mất mát to lớn. Chị ấy khóc, nghẹn ngào: "Tôi đã chờ đợi đoàn cứu hộ của Công an Việt Nam tới đây. Có lúc tôi nghĩ rằng các anh sẽ không đến hoặc đến rồi lại rời đi. Nhưng, các anh đã tìm thấy con tôi. Các anh là kí ức không thể quên được trong suốt cuộc đời tôi". Chị ấy nói rằng, chúng tôi là những người mà trước đó chị ấy chưa bao giờ gặp mặt, chưa kịp biết tên, nhưng đúng vào thời khắc tồi tệ nhất đã xuất hiện, nhiệt thành và tận tâm vớt vát tâm nguyện cuối cùng cho chị ấy, khiến chị ấy dù đau đớn nhưng an lòng vì được ôm con trong vòng tay.

Những phút cân não giữa đống đổ nát ở Myanmar -0
Đại tá Nguyễn Minh Khương thay mặt đoàn công tác trao gần 3 tấn thuốc và thiết bị y tế cho nước bạn Myanmar.

"Chúng tôi chui vào trong những tòa nhà chực chờ đổ tiếp..."

- Phóng viên: Tính chất thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Myanmar có gì khác nhau, từ đó quyết định đến công tác triển khai CNCH như thế nào, thưa anh?

- Đại tá Nguyễn Minh Khương: Đặc điểm hiện trường ở Myanmar và Thổ Nhĩ Kỳ khác hẳn nhau. Những công trình mà đoàn công tác Bộ Công an Việt Nam tiếp cận ở Thổ Nhĩ Kỳ gần như bị sập đổ hoàn toàn, chúng tôi đứng trên đống đổ nát để thực hiện nhiệm vụ. Các phương tiện cơ giới được huy động tối đa để cào, múc những lớp bê tông phía trên. Sau đó dùng khoan, cắt, đục để dỡ bỏ lớp bê tông đó, đưa người bị nạn ra. Còn ở Myanmar, hiện trường mà đoàn tiếp cận chỉ sập tầng 1, các tầng trên đè lên tầng 1, tính chất nguy hiểm ở hiện trường nghiêm trọng hơn rất nhiều. Có nhiều tòa nhà nghiêng 45 độ, chực chờ đổ khi có những rung chấn tiếp theo. Chúng tôi phải chui qua cửa sổ vào trong khu nhà để tìm kiếm, rà soát, khoan sàn, đưa người bị nạn ra ngoài. 

Nếu có dư chấn tiếp theo mà không có dấu hiệu cảnh báo và phương án thoát nạn thì rất nguy. Do đó, phải có phương án giảm thiểu nguy cơ để thực hiện nhiệm vụ. Phương pháp "chai nước úp ngược" đơn giản nhưng hiệu quả, dễ thiết lập. Khi úp ngược chai nước có khoảng 2/3 lượng nước bên trong xuống thì tiết diện đáy chỉ bằng nắp chai. Chỉ cần rung chấn nhỏ thôi là chai nước đổ. Mà khi chai nước đổ là anh em lập tức dừng công việc và... chạy. Chai nước mỏng manh thế nhưng lại khiến chúng tôi vững tâm hơn trong quá trình làm nhiệm vụ.

Ở Myanmar, việc dùng máy cắt, đục, khoan không khả thi vì đều tạo ra những rung chấn gây sập đổ thứ cấp, sẽ nguy hiểm với CBCS đang làm nhiệm vụ. Trong tình huống này, chúng tôi dùng kìm bóp bê tông giống như dạng càng cua, siết dần khiến lớp bê tông vỡ vụn, để lộ khung sắt ra. Sau đó chúng tôi dùng kìm thủy lực cắt sắt một cách "êm ái" mà không tạo ra rung chấn. Trong số rất nhiều thiết bị chúng tôi mang sang, kìm thủy lực được coi là "chiến thần" mà rất ít đoàn CNCH mang theo. 

- PV: Ngay cả điều kiện thời tiết, môi trường làm việc ở Thổ Nhĩ Kỳ và Myanmar cũng không giống nhau.

- Đại tá Nguyễn Minh Khương: Đúng vậy. Nếu ở Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi làm việc trong điều kiện nhiệt độ -5 đến -10 độ C thì ở Myanmar lại ngược hẳn, nắng hầm hập 40 độ C giữa bụi đất ngột ngạt và rất nặng mùi. Những bữa ăn tại hiện trường rất khó nuốt, vì thấm mệt, vì tâm lý không vui vẻ gì trong hoàn cảnh ấy. Nhưng, chúng tôi vẫn phải cố ăn để có sức làm việc tiếp. Anh em ăn vội vàng, nghỉ ngơi chút xíu ngay tại hiện trường rồi lại tiếp tục làm việc.

Cả hai lần đoàn Việt Nam xuất quân đều với tâm thế tự túc tất cả mọi thứ, không làm phiền bạn. Chúng tôi mang theo nồi cơm điện, gạo, nước, mỳ tôm. Nguồn điện thì đã có máy phát. Bữa ăn kiểu gì cũng phải có cơm cho chắc dạ và tránh mắc bệnh đường ruột. Ở Myanmar có nhân viên đại sứ quán mua giúp rau bắp cải và trứng, thế là chúng tôi có món canh trứng, canh rau nấu lẫn mỳ tôm.

"Công an Việt Nam đủ sức tham gia giải quyết các nhiệm vụ quốc tế"

- PV: Ở hiện trường, anh với tư cách là chỉ huy phải liên tục theo dõi tình hình, nghe anh em báo cáo, trao đổi với các đoàn bạn và là người cuối cùng quyết định các phương án thực hiện. Đó quả thật là áp lực không hề nhỏ.

- Đại tá Nguyễn Minh Khương: Áp lực nhất với tôi là phải đảm bảo an toàn cho các thành viên của đoàn công tác. Áp lực nữa là bảo toàn thi thể nạn nhân để họ về với gia đình một cách toàn vẹn nhất. Do đó, phải tính toán kĩ, gượng nhẹ, không nỡ mạnh tay. Giữa đống đổ nát, chúng tôi có những phút thực sự cân não. Thật may mắn là cả 7 nạn nhân mà đoàn Công an Việt Nam tìm thấy và trực tiếp đưa ra ngoài đều còn nguyên vẹn. 

Những phút cân não giữa đống đổ nát ở Myanmar -0
Đại tá Nguyễn Minh Khương cùng thành viên đoàn công tác trao quà cho người dân Myanmar bị thương trong trận động đất tại khu điều trị tập trung.

Có những trường hợp để đưa một nạn nhân ra khỏi khu vực sập đổ, chúng tôi phải mất 2 ngày trời. Đó là cụ già 81 tuổi nằm trên chiếc giường lò xo ở tầng 1, trong khi trần tầng trên đổ sập xuống. Ban đầu chúng tôi bàn bạc và triển khai theo phương án đã thống nhất, nhưng sau đó nảy sinh những vấn đề mới trong đống đổ nát. Chúng tôi phát hiện chân nạn nhân, còn cơ thể người xấu số và chiếc giường lò xo lại bị dầm, tường nén xuống rất chặt. Trong 2 ngày, chúng tôi phải bàn đi tính lại ít nhất 6 lần, phải khoét lớp bê tông, khoét rỗng toàn bộ khoảng trống quanh giường, đào hầm hàm ếch, khi đó giường sẽ hạ xuống theo và kéo cả giường ra. Cuối cùng, chúng tôi cũng làm được.

- PV: Không chỉ tìm kiếm người mất tích, đoàn công tác của Bộ Công an còn hỗ trợ người dân tạm thời ổn định cuộc sống…

- Đại tá Nguyễn Minh Khương: Trận động đất kinh hoàng xảy ra đã khiến hàng chục nghìn người dân ở thủ đô Naypyidaw sống trong cảnh màn trời chiếu đất, không điện, thiếu nước sạch, thiếu các nhu yếu phẩm và sự chăm sóc về y tế. Sáng 1/4, tôi thay mặt đoàn công tác đã trao gần 3 tấn hàng gồm thuốc và thiết bị y tế cho phía bạn với mong muốn hỗ trợ nước bạn vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Đoàn công tác Bộ Công an trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cũng đồng thời cắt cử CBCS hỗ trợ người dân ổn định lại cuộc sống tại các khu lán trại. Ngay buổi đầu tiên làm nhiệm vụ, tôi để ý thấy tay người mẹ có con trai 10 tuổi tử nạn chi chít vết muỗi đốt. Ngay lập tức tôi cử cán bộ y tế phun khử khuẩn khu vực người dân ăn ở tập trung. Tôi cùng anh em dựng 2 chiếc lều bạt tiểu đội ngay tại hiện trường, đặc biệt ưu tiên người già và em nhỏ vào ở trong đó.

Chúng tôi đến bệnh viện dã chiến đang điều trị cho hàng trăm nạn nhân bị thương nặng sau động đất. Điều kiện ở đó rất chật chội và thiếu thốn, nhiều bệnh nhân nặng nhưng phải nằm ngoài trời. Chúng tôi dựng 2 lều trung đội, mỗi lều được 10 giường và ưu tiên các bệnh nhân nặng đưa vào lều. Các bác sĩ ở đó đều xúc động khi chúng tôi trao cho họ một số thuốc men, vật dụng y tế. Những thanh lương khô, mỳ tôm, gói rau tảo, chai nước được trao trực tiếp cho người dân đang chữa trị tại bệnh viện. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đoàn được một số tổ chức, cá nhân trong nước làm việc ở nước ngoài hỗ trợ kinh phí để tăng nguồn lực cho đoàn. Tuy nhiên, toàn bộ số tiền đó chúng tôi tặng lại người dân và Chính phủ Myanmar để có nguồn lực tái thiết đất nước. 

- PV: Tham gia CNCH quốc tế là dấu ấn đặc biệt của lực lượng CAND Việt Nam. Anh đánh giá như thế nào về khả năng đảm nhiệm nhiệm vụ quốc tế của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH?

- Đại tá Nguyễn Minh Khương: Trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc giải quyết hậu quả thiên tai có sự phối kết hợp, hỗ trợ của nhiều nước cùng chung tay gánh vác. Việt Nam là một trong số các quốc gia cả 2 lần đi thực hiện nhiệm vụ quốc tế đều được đánh giá cao. Lực lượng vũ trang Việt Nam nói chung, lực lượng Công an nói riêng có quyết tâm cao, tinh thần làm việc nghiêm túc, bài bản và tận tụy. Qua đó, khẳng định rằng lực lượng Công an Việt Nam đủ sức tham gia giải quyết các vấn đề quốc tế.

Trong quá trình CNCH ở Myanmar, đoàn CNCH Bộ Công an Việt Nam đã chịu trách nhiệm lên phương án tổng thể và phân công nhiệm vụ cho các đơn vị CNCH của 5 nước gồm Singapore, Philippines, Indonesia, Myanmar và Việt Nam. Các nước bạn rất tin tưởng vào chuyên môn và tuân thủ các phương án đoàn Bộ Công an đưa ra, do đó sự phối kết hợp rất nhịp nhàng và hiệu quả. 

Đoàn công tác đã thể hiện bản lĩnh, tính nhân văn, vì nhân dân phục vụ; thể hiện sự chính quy, tinh nhuệ, hiện đại của lực lượng CAND để đáp ứng nhu cầu tình hình mới. Tôi có thể khẳng định rằng, nếu có những nhiệm vụ quốc tế tương tự thì đoàn sẽ huy động lực lượng và phương tiện lên đường để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đào tạo, huấn luyện để nâng cao hơn nữa mặt bằng trình độ cho CBCS. Đồng thời, với sự đầu tư của Chính phủ thì thời gian tới đây, trang, thiết bị PCCC và CNCH sẽ được đầu tư bài bản hơn, nâng cấp tốt hơn. Lúc đó năng lực, trình độ của lực lượng Công an nói chung, của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH nói riêng sẽ đáp ứng đúng theo mục tiêu của Bộ Công an đề ra, phấn đấu năm 2030 xây dựng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

- PV: Xin cảm ơn đồng chí Đại tá về cuộc trò chuyện này.

Huyền Châm (thực hiện)
.
.