Nhiều bác sĩ chỉ muốn làm “thẩm mỹ” thì ai chữa 3.000 bệnh về da?
Giáo sư, Tiến sĩ, Thầy thuốc Nhân dân Trần Hậu Khang, một trong những chuyên gia hàng đầu của chuyên ngành da liễu Việt Nam và châu Á vừa ra mắt cuốn sách “Bệnh da hiếm gặp”. Cuốn sách là một công trình khoa học đúc kết trong suốt 40 năm làm nghề, cống hiến, tận tụy với chữ “Thương” mà ông luôn tâm niệm trong suốt hành trình của mình.
Bác sĩ Steven KW Chow, Chủ tịch Liên đoàn Các hiệp hội da liễu châu Á, Tổng Thư ký Hội Da liễu châu Á trong lời tựa đã đánh giá: “Đây là cuốn sách rất có giá trị cho sinh viên y khoa, bác sĩ da liễu và các thầy thuốc thực hành. Cuốn sách này cũng là một minh chứng cho sự cống hiến không ngừng nghỉ của giáo sư với tư cách là chuyên gia hàng đầu của ngành da liễu trong khu vực châu Á”.
Tôi buồn khi phát hiện ra bệnh hiếm
PV: Chúc mừng giáo sư vừa ra mắt cuốn sách giá trị “Bệnh da hiếm gặp” và sắp tới được dịch sang tiếng Anh để phổ biến ở nhiều quốc gia. Để có được cuốn sách này, giáo sư phải có bề dày công tác và những trải nghiệm như thế nào?
GS Trần Hậu Khang: Trước hết, tôi phải cảm ơn người thầy lớn của mình, Giáo sư Lê Kinh Duệ, người đã dẫn dắt, chỉ đường cho tôi đi vào các ngõ ngách của ngành da liễu. Khi đó, thầy Duệ là Viện trưởng Viện Da liễu. Thầy chỉ bảo, hướng dẫn tôi nghiên cứu về những bệnh hiếm gặp chưa được phát hiện ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới. Chính các bệnh này đã và đang gây ra những hậu quả trầm trọng cho bản thân bệnh nhân cũng như gia đình họ. Cơ duyên bắt đầu từ đó. Tôi chuẩn bị rất nhiều thứ. Đầu tiên là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán chính xác một bệnh hiếm, đó là xét nghiệm mô bệnh học, xác định sự thay đổi của các tổ chức, tế bào. Việc quan trọng là phải nâng cấp phòng Labo, mời các chuyên gia đầu ngành trong khu vực châu Á sang giảng dạy, đồng thời gửi bác sĩ trẻ sang Mỹ và các nước trong khu vực để đào tạo chuyển giao công nghệ.
Thứ hai, một xét nghiệm đắt tiền không phải ai cũng làm được là phản ứng sinh học phân tử. Đây là 2 điều kiện quan trọng để xác định bệnh hiếm ngoài việc khám lâm sàng.
Và, có rất nhiều câu chuyện về bệnh hiếm ở Việt Nam mà tôi có duyên gặp họ. Thực tế là buồn hơn vui khi tôi phát hiện ra bệnh vì toàn những bệnh hiểm nghèo, khó chữa trị.
Có những bệnh nhân mãi in sâu trong trí nhớ của tôi mà không bao giờ xóa nhòa được. Đó là ông Hoàng Văn D, quê ở Hà Nam, 60 tuổi, nằm giường số 6, B12, Bệnh viện Da liễu Trung ương. Ông bị bệnh 5 năm trời, đi khám khắp nơi nhưng không chẩn đoán được. Bệnh nhân bị đỏ da toàn thân và ngứa dữ dội trong lỗ tai, mắt, mũi, miệng, đã điều trị đủ các loại thuốc mà không thuyên giảm. Kết quả các xét nghiệm không phát hiện ra bệnh lý gì đặc biệt. Sau đó, phát hiện ra một hạch ở bẹn và tôi phẫu thuật, cắt, chia đôi, một nửa xét nghiệm ở Bệnh viện Da liễu, một nửa đưa lên phòng mô bệnh học của Giáo sư Kháng, Bệnh viện K Trung ương. Khi cầm kết quả xét nghiệm, tôi vừa mừng, vừa lo và buồn. Mừng vì tìm ra bệnh hiếm, nhưng lo, buồn vì đây là bệnh máu ác tính biểu hiện ở da, giai đoạn cuối. Mặc dù đã hội chẩn, chuyển viện, điều trị tích cực nhưng 6 tháng sau bệnh nhân qua đời.
Điều đặc biệt là sau trường hợp này, nhờ truyền thông, các bệnh nhân đến với chúng tôi sớm hơn, khi bệnh mới khởi phát. Vì vậy mà tôi phát hiện thêm một số trường hợp, trong đó có 2 bệnh nhân ở giai đoạn sớm của bệnh. Hiện, các bệnh nhân này vẫn sống bình thường sau 3-4 năm mắc bệnh.
PV: Ai cũng biết giáo sư đã xuất bản nhiều sách về chuyên môn, nhưng đây là cuốn thứ 20, và là một cuốn sách đặc biệt, gói ghém cả cuộc đời với bề dày hơn 40 năm nghiên cứu, công tác của giáo sư trên hành trình tìm hiểu và chữa trị những bệnh lạ, hiếm gặp ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Với giáo sư, có những dấu mốc, bài học nào đáng nhớ?
GS Trần Hậu Khang: Đây là câu hỏi khó trả lời chính xác, nhưng mang đầy tình nghĩa, tính nhân văn và tinh thần trách nhiệm. Cái được nhất của tôi là học được nhiều từ những người thầy, đồng nghiệp về lòng yêu nghề, y đức, cũng như sự nhiệt huyết và tận tâm. Nhưng, điều đặc biệt hơn cả là lòng biết ơn sâu sắc đối với những người bệnh, họ đã tin tưởng, tìm đến tôi, nếu không có họ, tôi không có nhiều kinh nghiệm để truyền lại cho thế hệ sau và cũng không có cuốn sách này.
PV: Theo tổng kết của giáo sư trong cuốn sách này, hiện nay ở Việt Nam đã phát hiện và chữa trị cho gần 50 bệnh da hiếm gặp. Vậy, giáo sư đã từng “bất lực” trước căn bệnh nào chưa? Ngoài ra, chúng tôi cũng được biết rằng, tất cả tiền bán sách, giáo sư đều dành để làm từ thiện?
GS Trần Hậu Khang: Kiên trì là số 1, tôi luôn cố gắng, nhưng có nhiều yếu tố khách quan ảnh hưởng, nên một số bệnh chưa xác định được nguyên nhân chính xác. Vì vậy, tôi vẫn giới thiệu để các bạn trẻ tìm tòi và nghiên cứu tiếp. Ngoài ra, để thực hiện tiếp công tác nghiên cứu này, tôi đã quyết định dành toàn bộ lợi nhuận bán sách để thực hiện các hoạt động thiện nguyện, cho các hội bệnh nhân nghèo và bị bệnh da hiếm gặp.
Tôi may mắn vì có một người thầy lớn
PV: Giáo sư nhắc rất nhiều đến người thầy của mình, Giáo sư Lê Kinh Duệ - một chuyên gia đầu ngành, nổi tiếng không chỉ trong nước mà cả thế giới. Với giáo sư, thầy Duệ có ý nghĩa như thế nào trong sự thành công hôm nay?
GS Trần Hậu Khang: Tôi muốn điểm lại một chút về lịch sử của ngành da liễu. Đầu tiên, phải nhắc đến thầy, Giáo sư Đặng Vũ Hỷ, người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng ngành da liễu, nhưng rất tiếc, thầy bị bệnh nặng và qua đời sớm. Thầy Lê Kinh Duệ thay thầy Hỷ phát triển ngành. Có thể nói, thầy Hỷ là người đặt viên gạch đầu tiên thì thầy Duệ là người xây dựng ngôi nhà da liễu trên nền móng ấy và được các thế hệ sau của các thầy phát triển ngày một to đẹp hơn. Thầy Lê Kinh Duệ có 50 năm cống hiến cho ngành da liễu. Đề tài quan trọng nhất của thầy là “Thanh toán bệnh phong ở Việt Nam”, một đề tài không chỉ mang tính khoa học mà còn có giá trị nhân văn lớn.
PV: Giáo sư cùng các đồng nghiệp đã và đang viết tiếp những trang sử của ngành?
GS Trần Hậu Khang: Từ nhỏ bố mẹ đã dạy tôi về đạo làm người, tính nhân văn. Trước khi vào nghề y, bố dạy tôi về y đức, ông thường xuyên nhắc tôi một câu nói của bậc tiền nhân mà tôi nhớ mãi, đến bây giờ tôi vẫn dạy học sinh của mình, đó là “Vi nhân bất phú, vi phú bất nhân”.
Vào trường y, may mắn thứ hai là tôi được gặp người thầy đặc biệt, đó là Giáo sư Lê Kinh Duệ. Khi tôi vào học nội trú, thầy gọi tôi đến hỏi rất kỹ về gia đình, tình yêu, bạn bè, nghề nghiệp. Ngay buổi gặp mặt đầu tiên, thầy đã trao cho tôi tập tài liệu tiếng Anh và yêu cầu tôi đọc, đánh giá, tóm tắt để thử năng lực ngoại ngữ cũng như khả năng tư duy, tổng hợp của tôi. Ngày đó, thỉnh thoảng thấy làm thơ, đánh đàn, thầy nhắc tôi: người thầy hay người làm khoa học ai cũng yêu và cần có cái lãng mạn, nhưng nếu lãng mạn quá, lúc nào cũng như ở trên mây thì thật khó mà thành công. Sau đó, thầy phân công tôi đi với các đoàn nước ngoài, các chuyên gia để vừa làm chuyên môn, vừa kiêm phiên dịch. Tôi trưởng thành nhiều từ những cơ hội và áp lực đó.
PV: Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, khi còn là một thầy thuốc trẻ nhưng Giáo sư Lê Kinh Duệ lại giao cho ông một nhiệm vụ trọng yếu trong chương trình lớn của quốc gia là phòng, chống bệnh phong. Lúc đó, bệnh này đang bị cả xã hội kỳ thị. Ông đối diện với nó như thế nào?
GS Trần Hậu Khang: Tôi cảm thấy tự hào vì đã góp phần giúp cộng đồng thay đổi nhận thức về bệnh phong. Thực chất vấn đề của bệnh phong là do hiểu sai, quan niệm sai lầm vì sự thiếu hiểu biết. Vì thế, nhiệm vụ của chúng tôi là giúp người dân hiểu căn nguyên của bệnh chỉ là một bệnh nhiễm trùng bình thường như một số bệnh khác, tàn tật chỉ là do phát hiện muộn khi dây thần kinh đã bị viêm. Tôi đã đi nhiều nơi, từ vùng sâu, vùng xa đến thành thị, nói chuyện với cán bộ xã, nhân viên y tế để họ hiểu hơn và bớt kỳ thị với người bệnh... Có những trường hợp quá nghèo, tôi đã hỗ trợ bệnh nhân và gia đình họ tiền làm nhà, mua xe đạp...
PV: Vậy, theo giáo sư, giá trị nhân văn nhất của chương trình chống phong quốc gia là gì?
GS Trần Hậu Khang: Một điều đặc biệt ý nghĩa và vô cùng nhân văn, đó là giúp cộng đồng, người dân hiểu đúng về bệnh phong để người bệnh không còn bị hắt hủi, kỳ thị và xa lánh. Bệnh phong giờ đây được coi là “bệnh hiếm” ở Việt Nam vì tỷ lệ mắc rất thấp và không còn gây ra những vấn đề của y tế công cộng nữa. Nhiều nước trong khu vực cử cán bộ đến Việt Nam học hỏi mô hình chống phong của thầy Duệ, đặc biệt là cách xây dựng, tổ chức mạng lưới chống phong từ Trung ương xuống cơ sở.
PV: Được biết, năm 1990, từ chỗ được Viện trưởng Viện Da liễu Việt Nam giao nhiệm vụ quản lý các dự án nước ngoài, chỉ sau một thời gian ngắn, giáo sư đã trở thành cố vấn chương trình chống bệnh phong cho khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong suốt 1 thập kỷ (1997-2007). Đến nay, theo giáo sư, vị thế của ngành da liễu Việt Nam trên thế giới như thế nào?
GS Trần Hậu Khang: Năm 2009, Hội nghị Da liễu khu vực lần đầu tiên tổ chức tại Hà Nội và tôi được bầu làm Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn Hội Da liễu châu Á. Chúng tôi đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội nghị châu Á-Úc, Hội nghị Da liễu Đông Dương... Ngoài ra, tôi cũng tham gia cùng các chuyên gia nổi tiếng trong khu vực viết tài liệu hướng dẫn chẩn đoán, điều trị các bệnh da liễu thường gặp ở châu Á. Tôi cũng tổ chức các đoàn chuyên gia sang giảng dạy, giúp đỡ phát triển chuyên môn tại Lào, Campuchia. Tất cả điều đó đã góp phần làm tăng uy tín của ngành da liễu Việt Nam trên trường quốc tế.
Năm 1997, từ những thành quả chống phong của Việt Nam, tôi được WHO mời làm tư vấn cho Chương trình chống phong khu vực Tây Thái Bình Dương trong 10 năm. Tôi sang các nước làm việc như một người thầy, từ giảng dạy, nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục, khám chữa lâm sàng về bệnh da và hỗ trợ xây dựng mạng lưới da liễu từ Trung ương xuống cơ sở. Tôi cũng học được nhiều từ thực tiễn đó, trưởng thành từ các chương trình lớn đó.
PV: Từ chỗ rất khó khăn để bác sĩ da liễu Việt Nam được mời tham dự các hội nghị da liễu ở nước ngoài, 15 năm qua, khi Hội Da liễu Việt Nam chính thức trở thành hội viên Hội Da liễu Đông Nam Á, châu Á (2009), Liên đoàn Da liễu thế giới (2011), nhiều bác sĩ Việt Nam đã trở thành chủ tịch, đồng chủ tịch, thư ký, báo cáo viên... tại các hội nghị chuyên ngành trong khu vực và thế giới. Giáo sư có thể chia sẻ về hành trình để có được những thành tựu đó?
GS Trần Hậu Khang: Đó là một hành trình đầy thách thức nhưng rất đáng tự hào. Trong nhiều năm qua, Hội Da liễu Việt Nam được tín nhiệm đăng cai nhiều cuộc hội thảo, hội nghị da liễu trong khu vực cũng như thế giới. Đặc biệt nhất là Hội nghị thượng đỉnh Da liễu Thế giới (World Skin Summit) của Liên đoàn Da liễu Quốc tế, nhằm quy tụ những nhà lãnh đạo và chuyên gia hàng đầu thế giới để thảo luận các chính sách, chiến lược phát triển ngành da liễu toàn cầu. Hội nghị lần thứ nhất được tổ chức ở Berlin năm 2012 và lần thứ hai từ ngày 10 đến 12/6/2018 tại TP Hồ Chí Minh với sự tham dự của 120 chuyên gia của các hội, hiệp hội, liên đoàn... từ khắp nơi trên thế giới. Đây là một vinh dự to lớn cho Hội Da liễu Việt Nam và cho tôi, với tư cách là đồng tổ chức và đồng chủ tịch một sự kiện quan trọng nhất của chuyên ngành da liễu toàn cầu. Cũng tại hội nghị, nhiều kế hoạch, chiến lược, đề án phát triển ra đời. Đây là một trong những sự kiện khẳng định vai trò, vị thế của chuyên ngành da liễu Việt Nam trên trường quốc tế.
PV: Quả là một hành trình đáng tự hào khi ngành da liễu Việt Nam nói riêng và y tế Việt Nam nói chung hòa nhập với thế giới. Nhưng, tôi cũng tò mò muốn hỏi, nếu không phải là ngành da liễu, ông có nghĩ, mình sẽ đạt được những thành tựu lớn và có giá trị như thế?
GS Trần Hậu Khang: (Cười...). Ngoài khả năng chuyên môn, ngoại ngữ, trình độ quản lý, niềm say mê nghề nghiệp với chữ “Thương” làm đầu đóng một vai trò vô cùng quan trọng, còn nhiều yếu tố dẫn đến thành công của một con người, trong đó có những điều không giải thích được. Đó là sự may mắn, cơ duyên với những người thầy như Giáo sư Lê Kinh Duệ, rồi những bệnh nhân đã trao trọn niềm tin, tình thương mến cho tôi. Và, tất nhiên, có một gia đình tuyệt vời để tôi tập trung hoàn toàn vào công việc...
Cần nhiều bác sĩ da liễu giỏi vì có đến 3.000 bệnh về da
PV: Hơn 40 năm trước, điều gì khiến ông chọn một con đường rất ít người chọn lúc đó, tốt nghiệp bác sĩ nội trú chuyên ngành da liễu được cho là “vừa khó, vừa khô, vừa khổ”?
GS Trần Hậu Khang: Đây là mảnh đất chưa ai khai phá, cần những người dũng cảm, dấn thân và yêu nghề. Tôi cảm thấy ngành này hợp với yêu cầu khám phá nên tôi chọn.
PV: Và rồi, ông trở thành chuyên gia hàng đầu về da liễu, một chuyên ngành mà bây giờ lại trở nên hot và hái ra tiền nên được nhiều sinh viên nội trú, bác sĩ giỏi lựa chọn. Ông có cho rằng, mình là một người có tầm nhìn xa và dám là người dấn thân, mở đường?
GS Trần Hậu Khang: Tôi từng đi nhiều nơi trên thế giới, vào những phòng LAB sang, xịn hay những nơi bình thường nhất. Năm 2018, Hội Da liễu Hàn Quốc mời tôi sang ký kết hợp tác. Tại Hàn Quốc, hầu như các bác sĩ da liễu đều làm thẩm mỹ và rất thành công, nhưng đó không phải là một ưu tiên để chúng ta định hướng. Chúng ta học nhưng phải chọn lọc và có lựa chọn vì da liễu có nhiều mảng, nhiều bức tranh, phát triển thế nào cho cân đối, không bị lệch. Tôi là một người thầy, tôi tự hào vì ngành da liễu Việt Nam phát triển cân bằng, đặc biệt các thế hệ sau tôi vẫn tiếp bước theo con đường các thầy đã lựa chọn, để lại dấu ấn cho sinh viên, bác sĩ trẻ. Bằng chứng là trong nhiều năm qua, sinh viên trường y thi vào nội trú chọn ngành da liễu với điểm số rất cao. Nhưng, khi phỏng vấn nhiều em, tôi cảm thấy trong sự lựa chọn da liễu có một số ít bị lệch lạc vì nghĩ rằng vào học da liễu để làm thẩm mỹ, chống lão hóa, làm đẹp, vì những ngành đó đang hot, hái ra tiền.
Chuyên ngành da liễu có khoảng 3.000 bệnh, trong đó rất nhiều bệnh hiếm gặp chưa được phát hiện. Vậy, ai cũng đi thẩm mỹ, làm đẹp thì ai điều trị 3.000 bệnh về da mà người dân, cộng đồng đang rất cần? Thẩm mỹ cũng cần, nhất là trong điều kiện sống đã được cải thiện, nâng cao, nhưng nó chỉ là một phần nhỏ của ngành da nói chung. Vì vậy, chúng ta cần một sự kết hợp hài hòa, cân đối trong sự phát triển mới có lợi cho người dân. Tất cả các bác sĩ mở phòng mạch thẩm mỹ, chỉ làm đẹp, còn bao nhiêu bệnh kia chuyển cho ai, ai điều trị? Vì thế, tôi dạy học sinh cả về y đức, trách nhiệm làm nghề chứ không chỉ dạy kiến thức.
Chọn da liễu vì ngành hot, vì tiền là cái nhìn lệch lạc và mọi người sẽ thất vọng ngay. Nhiều người biết có một bác sĩ thẩm mỹ ở Hàn Quốc rất tài hoa, nổi tiếng và giàu có nhưng bị ung thư khi còn trẻ. Trước trọng bệnh, anh đã để lại những thông điệp làm xúc động giới trẻ. Đó là những ăn năn, hối hận khi hành nghề, chỉ biết chạy theo đồng tiền... Anh nhắn nhủ, tiền không phải là tất cả, các bác sĩ đừng nghĩ đến việc hành nghề chỉ để kiếm tiền. Đó là những bài học mang tính nhân văn.
PV: Thực tế, không chỉ ngành da liễu mà ở nhiều ngành khác đang lạm dụng thẩm mỹ, các cơ sở thẩm mỹ mọc lên như nấm. Giáo sư có thông điệp gì muốn gửi đến bác sĩ trẻ đang lựa chọn con đường này?
GS Trần Hậu Khang: Tôi hay nghe đài, xem tivi và biết rất nhiều chuyện buồn đáng tiếc trong lĩnh vực thẩm mỹ. Nó nhuốm một màu đen trong chuyên ngành thẩm mỹ. Tôi nghĩ, không phải tại các chuyên gia thẩm mỹ hay ngành da liễu mà do sự quản lý, giám sát còn lỏng lẻo. Ở góc độ đào tạo, chúng tôi là những người đào tạo một phần về thẩm mỹ, rất chuẩn chỉ, có chất lượng. Nhưng, thực tế ngoài kia, 10 phòng thẩm mỹ có bao nhiêu phòng đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Ở ta bây giờ, một bác sĩ đa khoa không được đào tạo về thẩm mỹ cũng làm phẫu thuật thẩm mỹ, hộ lý tiêm filler, trách nhiệm thuộc về ai. Ở Hàn Quốc, Mỹ và nhiều nước khác, họ có quy định và kiểm soát rất chặt chẽ, vì thế không có tình trạng ai cũng có thể hành nghề thẩm mỹ như như hiện nay ở một số nơi.
PV: Vậy, giáo sư đánh giá thế nào về việc phát triển lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ hiện nay?
GS Trần Hậu Khang: Thẩm mỹ là một chuyên ngành có liên quan đến nhiều chuyên khoa như: Ngoại, răng-hàm-mặt, da liễu, phẫu thuật chỉnh hình... Đây là một chuyên ngành mới, đang hot và cần được phát triển, đào tạo hợp lý vì nhu cầu làm đẹp của mọi người càng ngày càng cao. Tuy nhiên, đáp ứng thế nào là do chính sách và cách quản lý của cấp trên theo quy định. Ngoài ra, khách hàng phải là những người thông minh, hiểu biết, lựa chọn hợp lý. Một phần của thực trạng hiện nay cũng là do khách hàng làm rối loạn thị trường. Vì vậy, để đảm bảo sự chuẩn mực thì các nhà quản lý cần có chính sách và quy định, giám sát chặt chẽ.
PV: Hiện nay, có một vấn đề chảy máu chất xám trong ngành y, sau dịch COVID-19, nhiều bác sĩ nghỉ việc, ra làm ngoài do áp lực và tài chính. Nghề y, trước áp lực của công việc, bệnh nhân và tiền bạc, làm thế nào để giữ được sự cân bằng và tinh thần cống hiến, thưa ông?
GS Trần Hậu Khang: Đó là vấn đề không chỉ của ngành y mà thực trạng này cũng xảy ra ở bất kỳ một ngành, nghề nào. Tuy nhiên, sau dịch COVID-19 ngành y gặp khó khăn và thách thức nhiều hơn. Nhân viên y tế cũng bị ảnh hưởng về áp lực, lương, thu nhập... Vì vậy, nhiều bác sĩ do khó khăn về kinh tế đã chuyển ra làm ngoài, mở phòng mạch riêng. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng, với sự điều chỉnh của Chính phủ về chế độ, chính sách, tình trạng này sẽ được cải thiện.
PV: Trò chuyện với giáo sư, tôi luôn cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực từ tình yêu nghề và sự an lạc từ nội tâm của ông. Điều gì giúp giáo sư giữ được tâm thế đó?
GS Trần Hậu Khang: Có lẽ, do tôi “yêu” nhiều (cười...). Tôi yêu nghề, yêu bệnh nhân, yêu đồng nghiệp, yêu những bài giảng và cả những bài thơ của mình... Tôi đọc nhiều từ Phật giáo, Nho giáo, đến đến Kitô giáo, từ thuyết “kiêm ái”của Mặc Tử đến chủ nghĩa “khắc kỷ” xa xưa... và tự rút ra nhiều bài học từ những chiêm nghiệm của mình. Tất cả các học thuyết hay tôn giáo đều có chung một chữ “Thương”. Cho đến giờ này, tôi vẫn ghi nhớ câu nói của bố nhắc lại lời của một bậc tiền bối để dạy tôi khi tôi quyết định chọn ngành y: “Vi nhân bất phú, vi phú bất nhân”. Mỗi lần lên giảng đường, tôi vẫn thường nhắc lại câu nói năm nào của bố trong những bài giảng với học trò như kim chỉ nam trong cuộc đời.
PV: Trân trọng cảm ơn cuộc trò chuyện của giáo sư và chúc giáo sư sẽ có thêm nhiều đóng góp cho lĩnh vực da liễu!
* Ảnh: Nguyễn Đình Lâm.