“Nhân tài tài năng” và “Nhân tài thi cử”

Thứ Sáu, 01/10/2021, 09:54

Chúng ta  thấy vì sao giáo dục của ta thiên về áp đặt, uốn nắn người học theo chủ định của người dạy, trong khi giáo dục phương Tây thuận lợi hơn để chấp nhận quan điểm coi người học là chủ thể, coi giáo dục là tạo điều kiện cho chủ thể ấy tự học, tìm tòi, phát kiến cái mới, cái chưa biết. Trong thời đại ngày nay, quan niệm nào sẽ hữu dụng và hiệu quả hơn, chắc không khó để xác định...

Những ngày giãn cách xã hội, quan sát các em học sinh liên tục học online và trả bài online, tôi đột nhiên nghĩ nhiều về sự học của người Việt xưa nay. Ai cũng nói người Việt có truyền thống hiếu học, hiểu theo nghĩa là học mọi nơi, mọi cách, mọi kiểu. Vậy, suy cho cùng, những sản phẩm giáo dục được tạo ra từ “cơ chế hiếu học” có tính chất cha truyền con nối qua nhiều thế hệ - nếu chúng ta tin như thế, đã thể hiện mình như thế nào? Nhìn rộng ra thế giới, liệu có dân tộc nào lại tự nhận mình có truyền thống “lười học” không? Thật vui khi được trao đổi cởi mở những suy ngẫm này với nhà sử học, nhà giáo, tiến sĩ Bùi Trân Phượng.

Học để làm gì?

- Nhà báo Phan Đăng: Thưa bà, bà thấy gì về thực trạng học online hiện nay?

- Tiến sĩ Bùi Trân Phượng: Cháu tôi học lớp 1 Trường Yersin ở Hà Nội, bài tập là sáng tác một truyện cổ tích theo dạng trả lời câu hỏi do mỗi cháu tự đặt ra, theo kiểu: Vì sao hươu cao cổ có cái cổ dài? Vì sao khủng long bạo chúa trở thành con gà mái? v.v... Qua đó, các cháu vận dụng kiến thức tự học hay trí tưởng tượng phong phú của mình, học viết tiếng Pháp đúng ngữ pháp, rồi đọc diễn cảm bài mình đã viết, vẽ minh họa. Thầy tập hợp bài tập của lớp thành cuốn sách nói vô cùng sinh động. Như vậy, dù trực tuyến, các cháu đã thỏa sức sáng tạo và tương tác, học và vui với tác phẩm của chính mình và các bạn. Nhưng, sẽ có bao nhiêu thầy cô của ta tận dụng được công nghệ theo kiểu đó? Vì vậy, nỗi lo lớn hơn là: học trực tuyến thì chất lượng dạy và học không đồng đều, do thầy và trò có đủ thiết bị phù hợp tới mức nào; do môi trường học tập tại nhà của trẻ có chất lượng rất chênh lệch nhau; do kiến thức, năng lực và từ đó hiệu quả dạy và học trực tuyến càng chênh lệch. Bất bình đẳng trong chất lượng giáo dục mà trẻ mầm non và học sinh phổ thông thực sự nhận được sẽ gia tăng nghiêm trọng, với những dạng thức không dễ dàng nhận biết.

“Nhân tài tài năng” và “Nhân tài thi cử” -0
Tiến sĩ sử học Bùi Trân Phượng.

- Tôi nghĩ, muốn học online tốt, người học phải có tinh thần tự giác rất cao. Có phải thế không ạ?

- Đúng! Điều đáng lo là nhiều học sinh Việt Nam chưa được chuẩn bị tốt để có tinh thần tự giác như vậy.

- Giờ thì chúng ta hãy ngược dòng lịch sử để xem tinh thần học tập của ông cha như thế nào. Tôi nghĩ rằng, bảo ông cha chúng ta có truyền thống hiếu học cũng đúng, vì có khá nhiều câu chuyện chứng minh cho điều này rồi. Nhưng, nhìn rộng ra thế giới, tôi nghĩ để có thể tồn tại được cho đến những thập niên đầu thế kỷ 21 thì về cơ bản dân tộc nào cũng hiếu học cả. Hình như chẳng có dân tộc nào lại tự nhận mình có truyền thống lười học, phải không ạ?

- Nhìn nhận thì chắc là không. Tôi cũng không có cơ sở nào để đánh giá mức độ lười học hay ham học của các cộng đồng. Tuy nhiên, cộng đồng hiếu học phải chăng là những cộng đồng không chỉ sống lâu đời trên địa bàn cư trú của mình mà còn biết học hỏi, thích nghi, sử dụng các nguồn lực thiên nhiên một cách hợp lý, có lợi nhất cho sự phát triển bền vững của cộng đồng ấy; biết học hỏi hiệu quả, tiếp biến văn hóa thành công từ việc giao thoa với nhiều nền văn hóa khác, dù giao thoa đó diễn ra thông qua di dân tự nhiên hay cưỡng chế, giao thương hòa bình hay xung đột, chiến tranh và thuộc địa.

- Theo tôi, có hai mục tiêu cơ bản của sự học. Một là học để thỏa mãn những cựa quậy tri thức ở bên trong con người mình. Càng cựa quậy, người ta càng phải đào cùng tát cạn những tri kiến nhân gian, cho tới khi đạt được trạng thái tương đối thỏa lòng mới thôi. Hai là, học để phấn đấu cho một mục tiêu nào đó, ví dụ như để có quyền vị, chức tước. Theo bà, nhìn một cách tổng thể và tương đối thôi, ông cha chúng ta nghiêng về phía nào nhiều hơn?

- Cho dù chỉ nhìn tổng thể và tương đối thôi (cười), tôi e là không chỉ có hai mục tiêu mà thực tế có rất nhiều trạng thái trung gian hoặc ra ngoài hai xu hướng đó. Nên nhớ chữ đầu tiên “thầy Khổng” dạy, chính là học. Khổng Tử từng nói: “Kẻ mà ta giúp giở một góc lên mà không biết tự mình giở ba góc còn lại, kẻ ấy không đáng cho ta dạy”. Cũng chính ông tự định nghĩa mình là người “học không biết chán, dạy người không biết mỏi”. Ông cha ta từng nằm lòng “Luận ngữ”, lẽ nào đều không ít nhiều chia sẻ tinh thần hiếu học đúng cái nghĩa tốt đẹp như vậy. Cũng như chia sẻ lý tưởng học để làm người, vì “nhân bất học bất tri lý”, như “ngọc kia chẳng giũa chẳng mài, cũng thành vô dụng cũng hoài ngọc đi”. Hồi nhỏ, tôi được học như vậy và đó là quan niệm phổ biến trong xã hội miền Nam trước 1975, cũng như từ bao đời trước. 

Giáo sư Trần Văn Khê kể, khi người lớn hỏi đi học để làm gì, cậu học trò tiểu học là ông trả lời vanh vách: “Con đi học để lớn lên có ích cho nhân quần xã hội”. Tôi cho đó là phần tốt đẹp trong truyền thống hiếu học mà chúng ta kế thừa từ Nho giáo: ý thức trách nhiệm xã hội. Ông Tharman Shanmugaratnam - Bộ trưởng Bộ Giáo dục Singapore từng tổng kết với tác giả Fareed Zakaria của quyển “Biện hộ cho một nền giáo dục khai phóng” là cả Singapore và Hoa Kỳ đều có chế độ nhân tài nhưng Hoa Kỳ là chế độ “nhân tài tài năng”, còn Singapore là “nhân tài thi cử”. Điều đó đúng với nhiều quốc gia Đông Á.

- Thật ra, chẳng riêng gì Việt Nam, truyền thống Nho giáo khiến nhiều nước Á Đông nuôi dưỡng cơ chế học để thi cử, học để làm quan, vì trong xã hội phong kiến phương Đông thì làm quan gần như là cửa đổi đời duy nhất. Gần như không còn cách lựa chọn nào khả dĩ hơn. Nhưng, đứng ở góc độ học thuật thuần túy, bà thấy kiểu học này có gì hay và chưa hay?

- Học trò nhiều năm liền nấu sử sôi kinh là “quyết ném thanh khâm sang cẩm tú, quyết xoay bạch ốc lại lâu đài”, tức muốn từ người học trò nghèo thành ông quan hiển đạt. Đã là học để thi, dễ dẫn đến học giản lược, học thuộc lòng, học để trả bài, viết không để diễn đạt suy nghĩ riêng của mình mà chỉ lặp lại giáo điều sách vở, sáo ngữ rỗng. Nội dung học và thi suốt hơn 400 năm độc tôn Tống Nho chỉ gò bó trong Tứ thư, Ngũ kinh, không đa chiều, tranh biện như thời Bách gia chư tử của Trung Hoa hay như thời Lý, Trần của ta còn thi tam giáo; cũng không có tri thức khoa học kỹ thuật. Nhiều quy định khắc nghiệt về trường quy, kỵ húy càng khiến người ta tự ép mình vào khuôn khổ. Mỗi kỳ thi, số lấy đậu không nhiều, thường chỉ khoảng 40-50 trên số 5.000 đến 6.000 người thi vào những năm thịnh nhất của khoa cử nên nhiều người thi đi thi lại cũng chỉ dừng ở Tú Kép, Tú Mền, lãng phí nhân lực và hoài bão, đến nỗi người ta coi học trò là hạng “dài lưng tốn vải, ăn no rồi nằm”. Cái lợi có chăng, chỉ là thói quen coi trọng sự học, sự đầu tư công sức, thời gian của người học, cần cù, bền chí đeo đuổi học hành. Mặt trái của mỹ tục ấy lại là óc bon chen, là trông mong “một người làm quan cả họ được nhờ”. Học để thi càng phát triển thì hiếu học càng dễ trở thành hiếu danh, hiếu lợi, không còn là học điều hay lẽ phải, học để giúp đời, càng không hề là mở tri thức, rèn tư duy.

Những phát triển ngoài khuôn mẫu

- Cùng chịu ảnh hưởng bởi Khổng giáo như nhiều nước Đông Á khác nhưng ở Nhật Bản có câu chuyện nổi tiếng: một vị thầy hỏi những học trò của mình rằng nếu một ngày Khổng Tử, Mạnh Tử mang quân xâm lược thì phải làm gì? Câu trả lời: Phải vung gươm đánh lại. Câu chuyện này cho thấy, ở một góc độ nào đó, người Nhật không tiếp cận Khổng giáo một cách xơ cứng, bị động, mà ít nhiều lật đi lật lại vấn đề. Bà đánh giá gì về một tinh thần học tập như thế?

- Trái với nhiều người kể lại giai thoại ấy, tôi không mặc cảm, tự ti với người Nhật khi nói về “chống xâm lược”. Tổ tiên ta không chỉ nói mà đã nghĩ và làm, rất kiên trì, quyết liệt trong việc chống ngoại xâm đến từ quê hương Khổng - Mạnh. Khi bài thơ thần trên sông Như Nguyệt gọi kẻ thù là “nghịch lỗ” và viện dẫn “định phận tại thiên thư”, khi Nguyễn Trãi định nghĩa lại “nhân nghĩa” và “điếu phạt” để làm rõ chính nghĩa dân tộc bằng chính những khái niệm mà con cháu Khổng - Mạnh dùng làm lý cớ xâm lược, thì họ đâu có lệ thuộc Nho giáo một cách nô lệ.

Điều đáng nói của Việt Nam chính là chỗ hình như chúng ta chỉ tranh biện một vấn đề ấy mà thôi, khi đất nước bị xâm lăng, chủ quyền bị đe dọa. Tôi được đọc bài giáo sư Cao Huy Thuần tường thuật và bình luận nội dung quyển sách của học giả Nhật Maruyama, giới thiệu những trường phái trí thức Nhật từ thế kỷ 17-18 đã phê phán Tống Nho, đề cao quốc học của Nhật Bản. Không phải các trường phái triết học đó đã đạt chân lý tuyệt đối nhưng thật đáng suy nghĩ khi họ đã đặt lại vấn đề trước khi tiếp xúc với phương Tây, từ bên trong chứ không do áp lực bên ngoài. Việt Nam thì phải đến khi họa xâm lược từ phương Tây, khi mà sức mạnh khoa học kỹ thuật đã được nhận biết từ khi ta còn chìm trong xung đột nồi da xáo thịt Trịnh - Nguyễn, Nguyễn - Tây Sơn trở thành hiện thực mới xuất hiện những tư tưởng kêu gọi canh tân, trước hết và quan trọng nhất là canh tân sự học.

“Nhân tài tài năng” và “Nhân tài thi cử” -0
Thầy đồ và học trò ngày xưa.

- Có một câu vè rất chua chát để nói về thực trạng “học để làm quan” trong xã hội quân chủ chuyên chế Việt Nam: “Một giỏ ông đồ/ Một bồ ông cống/ Một đống ông nghè/ Một bè tiến sĩ/ Một bị trạng nguyên/ Một thuyền bảng nhãn”. Câu vè ấy khiến chúng ta cắc cớ tự hỏi: trong hàng ngàn năm, chẳng nhẽ ông cha chúng ta chỉ học Khổng - Mạnh hay sao? Theo bà, trước và sau khi Khổng giáo vào Việt Nam, sự học của người Việt có điều gì khác?

- Như mọi loài sinh vật, muốn sống, con người phải học. Họ càng học nhiều hơn từ khi có nông nghiệp, chăn nuôi, tức là tự tạo nguồn thức ăn nuôi sống mình, chứ không chỉ phụ thuộc thiên nhiên như thời săn bắn, hái lượm. Tiếng nói là một tiến bộ khác của sự học, chia sẻ tiếng nói chung là yếu tố quan trọng cấu thành cộng đồng, dân tộc. Chữ viết cao hơn tiếng nói. Dân tộc mình không có chữ viết, phải học và dùng chữ Hán trong nhiều thế kỷ, có cái lợi và bất lợi. Một trong những bất lợi là giáo dục chính thống cho đến ngày nay vẫn quá “độc tôn” tài liệu viết, mà thiếu quan tâm học từ văn hóa vật chất, từ văn hóa truyền khẩu. Một di hại lâu dài của Nho giáo là khinh lao động chân tay, nghề thủ công, thương nghiệp. Lý do quan trọng khác là khi nhìn lịch sử chỉ thấy chiến tranh chống ngoại xâm, chỉ muốn nhớ chiến thắng. Tất cả những điều đó khiến ngày nay chúng ta ít biết về xã hội nói chung, sự học nói riêng, ngoài cái học khoa cử.

Từ vài trăm năm trước Công nguyên, nhà Tần, nhà Hán đến Đồng bằng sông Hồng và lưu vực sông Mã, sông Cả đã thấy những xã hội có tổ chức, biết khai thác nguồn lực thiên nhiên hiệu quả. Họ còn ghi nhận hàng chục điều khác biệt với luật Trung Hoa, khiến họ phải ra sức thay đổi cả pháp luật và phong tục để đồng hóa. Sau hàng ngàn năm, nỗ lực của họ không phải là vô hiệu nhưng cũng không hoàn toàn thành công; ngược lại, nhiều lượt di dân từ phương Bắc đã hòa nhập với cư dân và văn hóa bản địa; nội lực Việt gia tăng từ học hỏi, từ đề kháng văn hóa, nuôi chí quật cường cho đến khi giành độc lập, tự chủ, không phải chỉ bằng thắng lợi quân sự.

Cội nguồn xa xưa tiền Bắc thuộc là văn hóa Đông Nam Á với những tri thức, tín ngưỡng đặc trưng. Trước Lê - Nguyễn và ngay cả trong thời Nho giáo độc tôn vẫn tồn tại mạnh mẽ những biểu hiện của Phật - Lão, của văn hóa bản địa, chưa kể sự xâm nhập của văn hóa phương Tây từ cuối thế kỷ 16, đầu thế kỷ 17 thông qua giao thương và truyền giáo. Quá trình mở đất, di dân về phương Nam càng làm phong phú vốn hiểu biết, tín ngưỡng và văn hóa Việt với những giao thoa, tiếp biến với văn hóa Chăm, Khơ-me. Nho học ở Việt Nam, ngay cả thời độc tôn Tống Nho vẫn rất ít trường quốc lập và nhiều trường dân lập, nơi thầy đồ không chỉ truyền kiến thức sách Nho mà còn học lại từ dân, đúc kết kinh nghiệm dân gian thành minh triết.

Chữ Nôm giúp phát triển nền văn học Nôm rực rỡ bằng tiếng mẹ đẻ, dễ truyền khẩu trong dân.

Một số thành quả không phủ nhận được từ sự học ngoài sách vở ấy: hệ thống đê điều ở Bắc, kinh nghiệm trồng lúa rẫy và lúa nước ở những địa hình khác biệt, kinh nghiệm sống chung với lũ, khai khẩn đất bồi, đất giồng ở Nam; vai trò quan trọng của phụ nữ; rồi quan họ, chèo, tuồng, lục bát, ca dao, hò vè với nhiều sắc thái khác biệt địa phương... Nhà phê bình văn học Nhật Chiêu từng nói: “Sẽ không thể có Nguyễn Du hay Hồ Xuân Hương nếu họ không học từ ca dao và văn chương truyền khẩu”, tôi hoàn toàn đồng ý. Cho nên, những câu vè anh dẫn cũng cho thấy người dân “không có chữ” luôn hiểu giá trị thật của mình so với những giỏ, những bồ, những đống kia, chứ không phải lúc nào cả dân tộc cũng chỉ biết nhắm mắt “tôn sư trọng đạo” như người ta hay nói (cười).

Thời đại mới, cách học mới

- Giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 có lẽ là giai đoạn thức tỉnh về sự học lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Một lớp người trí thức mới cổ súy cách học mới, tư tưởng mới nhưng cái mới ấy có vẻ vẫn bị quán tính của cái cũ kéo lại theo cách này hay cách khác. Và, có người nhận xét cái quán tính có từ truyền thống học hành cả ngàn năm đó vẫn ảnh hưởng đến tâm lý học tập của người Việt hôm nay. Bà nghĩ sao?

- Thứ nhất, tình trạng Tống Nho là nội dung chính thống của học hành, thi cử chỉ kéo dài hơn 400 năm, không phải hàng ngàn năm. Trong hơn 4 thế kỷ ấy, nếu chúng ta biết truy vấn nhiều nguồn hơn là tài liệu thành văn, sự độc tôn của nó không bao giờ tuyệt đối mà luôn bị thách thức bởi nhiều xu thế văn hóa khác. Đến đầu thế kỷ 20, từ Nguyễn Trường Tộ đến Phan Châu Trinh, Nguyễn An Ninh, tôi chỉ kể vài cái tên tiêu biểu đúng là đánh dấu sự thức tỉnh. Ngay dưới thời quân chủ chuyên chế, đi giữa hai làn đạn, tiếng nói Nguyễn Trường Tộ còn đến được triều đình, các bản điều trần được Cơ mật viện nghiên cứu và lưu trữ, đích thân nhà vua đọc, suy nghĩ, cố gắng làm theo trong chừng mực ông hiểu được và tương quan thế lực cho phép ông cựa quậy. Giữa thời thuộc địa, Nguyễn An Ninh còn diễn thuyết trước công chúng bằng tiếng Tây, thách thức mật thám Pháp; đám tang Phan Châu Trinh huy động đoàn biểu tình đông đảo giữa Sài Gòn, có đủ đại diện thành phần yếu thế như phụ nữ, thợ thuyền, nông dân, không cần sự tổ chức lãnh đạo của đảng phái nào. Trí thức canh tân thực sự có ảnh hưởng trong quần chúng. Còn ngày nay, hỏi tên các vị ấy, nhiều thanh niên có học thức hẳn hoi ú ớ, phát ngôn của các vị, họ sửng sốt nghe lần đầu khi có người nhắc đến, tác phẩm của họ có ai đọc, tư tưởng của họ có ai theo? Sau họ, cũng có những thế hệ kế thừa, cả ở miền Bắc và đông hơn, ở miền Nam sau 1954. Chúng ta đã biết gì, làm gì với những di sản ấy?

- Chúng ta chắc chắn sẽ không làm một việc điên rồ là “bắn súng lục vào quá khứ” nhưng chúng ta được phép rút kinh nghiệm từ quá khứ. Với một cái nhìn như thế, bà nghĩ người Việt hôm nay nên học điều gì và không nên học điều gì từ cách học của ông cha mình?

- Là người học sử từ chối giáo điều xơ cứng mà luôn đi tìm dấu vết sinh động của con người, cuộc sống thật, tôi đã học được bao điều và vẫn còn thấy rất nhiều điều muốn học từ cách học của tổ tiên, xin nhấn mạnh lần nữa, không chỉ có sự học từ sách vở, trường lớp và khoa cử. Trong Nho, Phật, Lão đều có điều phải học nhưng cũng có những điều phải dứt khoát chối từ, hoặc vì không có căn cứ rõ ràng từ tài liệu, sự kiện xác thực, hoặc vì nội dung đó nay đã lỗi thời, thậm chí có hại.

Trong cách học của chúng ta, cũng như của các nước láng giềng có chung di sản Nho giáo, cái mạnh là coi trọng sự học, là sự chăm chỉ, siêng năng, tinh thần vượt khó... như đã nêu. Nhưng, thách thức cho giáo dục ở các quốc gia Đông Á, như chuyên gia người Mỹ Levin đã nêu về giáo dục đại học là “truyền thống” học vẹt, học để hiểu và làm theo người xưa, không phải để tìm cái mới, cái chưa biết, tri thức cần cho hiện tại và tương lai; là khả năng “tiêu hóa” thông tin mới; là tư duy phản biện, nói rộng hơn là lý tính, là tư duy khoa học, biết nhìn đa chiều, lật đi lật lại vấn đề, biết tôn trọng khác biệt; là tự do học thuật, suy nghĩ bằng cái đầu của mình chứ không chỉ học theo, nói theo, nghĩ theo, làm theo. Như vậy không phải là “bảo tồn truyền thống”, mà, nói như giáo sư Cao Huy Thuần, là “không xứng đáng với tổ tiên”.

“Nhân tài tài năng” và “Nhân tài thi cử” -0
Người máy Sophia.

Quan niệm thế nào là giáo dục, tôi cho rằng chúng ta - các quốc gia Đông Á có chung di sản Nho giáo và chữ Hán - nên thay đổi căn bản nội hàm của thuật ngữ này. Xét về từ nguyên, giáo có nghĩa “dạy dỗ, truyền thụ; tôn giáo, đạo; sai bảo, khiến; cho phép”, hàm ý quyền lực áp đặt chân lý của người trên với người dưới; dục có nghĩa “nuôi dưỡng, nuôi cho lớn; sinh con”. Hán Việt từ điển Đào Duy Anh định nghĩa giáo dục là “dạy dỗ người ta khiến cho thoát ly trạng thái tự nhiên tạo vật sinh ra”. Học, chữ Hán có nghĩa là “bắt chước, lĩnh hội”, Đào Duy Anh định nghĩa: “chịu thầy dạy cho đạo lý, tập cho nghề nghiệp”. Tất cả đều hàm ý người trên dạy, người dưới học; dạy là hướng dẫn, chỉ đạo, đưa ra khuôn mẫu, học là học theo, làm theo, nghĩ theo, tuân thủ khuôn phép. Cũng trong mạch ấy, có giáo hóa (dạy để thay đổi người học), giáo huấn (dạy bảo, giải thích), đều là truyền đạt, áp đặt cách nghĩ của mình, hiểu biết của mình cho người học. Từ “education” của phương Tây có gốc từ tiếng Latinh “educare” có nghĩa chăm sóc, nuôi dưỡng, làm cho lớn lên; sinh viên (student, là người học nói chung, không phân biệt cấp học) có gốc từ “studeo” nghĩa là nghiên cứu, chăm chú tìm hiểu sâu về đối tượng nào đó.

Chúng ta  thấy vì sao giáo dục của ta thiên về áp đặt, uốn nắn người học theo chủ định của người dạy, trong khi giáo dục phương Tây thuận lợi hơn để chấp nhận quan điểm coi người học là chủ thể, coi giáo dục là tạo điều kiện cho chủ thể ấy tự học, tìm tòi, phát kiến cái mới, cái chưa biết. Trong thời đại ngày nay, quan niệm nào sẽ hữu dụng và hiệu quả hơn, chắc không khó để xác định.

- Thế kỷ 21 được nhận diện là một thế kỷ phức tạp, với sự lên ngôi của chủ nghĩa hỗn độn, với những sự kiện/sự cố không thể nào biết trước. Chỉ cách đây 2 năm thôi, chúng ta không thể nào dự đoán trước về việc lại có ngày học sinh của chúng ta phải học online triền miên, thậm chí là phải làm quen với khai giảng online như lúc này. Trong một thế kỷ khôn lường như vậy, theo bà, sự học của người Việt cần nhấn mạnh đến những khía cạnh nào?

- Cách đây mấy năm, tôi may mắn dự cuộc tọa đàm về sự phát triển của khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, giữa hai chuyên gia tầm cỡ quốc tế và người máy Sophia. Cơ may đó đến với tôi không phải ở New York hay Paris, mà ở Erevan - thủ đô nước Armenia không hề là nước lớn, giàu, mạnh, làm tôi ngậm ngùi nhớ Việt Nam. Nhưng, ấn tượng mạnh nhất là tận mắt gặp, ngắm nhìn và nghe Sophia chào hỏi duyên dáng, tham gia đàm luận sôi nổi với các chuyên gia, cuộc trao đổi không hề có “kịch bản” soạn trước như chúng ta hay thấy ở xứ mình (cười). Tôi không khỏi rùng mình khi trong cuộc nói chuyện, Sophia bật cười rất đúng lúc, một tiếng cười thú vị, hóm hỉnh.

Trước đó, vì ít nhiều hiểu thế nào là cờ vây, tôi đã chia sẻ sự bàng hoàng của làng cờ vây và dư luận quan tâm khi kỳ thủ hàng đầu thế giới bị người máy đánh bại. Rồi nay chứng kiến robot biết suy tư, tranh luận và cả biết... cười. Tôi tự hỏi: “Sẽ còn chỗ nào cho con người, nhất là người chỉ biết học vẹt và chép lại văn mẫu?”. Ừ thì có thể tự an ủi: “Dẫu sao, người máy ấy, AI ấy vẫn là sản phẩm sáng tạo của con người”. Nhưng, là những con người nào, được dạy ra sao và biết học ra sao? Và, mọi người sẽ phải học ra sao để chung sống với những sản phẩm khoa học công nghệ ngày càng thông minh hơn, biết không ngừng tự học, lại còn biết cảm xúc. Đó là những cơ sở để chúng ta phải tiếp tục cùng nhau suy nghĩ về cách học trong thế kỷ này.

Phan Đăng (thực hiện)
.
.