Kia
Mobifone

Nhà văn Việt Nam có cần nghĩ tới Nobel văn chương?

Thứ Hai, 28/02/2022, 09:16

Những ngày cuối tháng 2 năm 2022, người yêu văn chương Việt Nam bỗng nhiên sốt xình xịch quanh thông tin Việt Nam để hụt cơ hội đề cử Giải Nobel văn chương. Cụ thể, Ủy ban Nobel đã gửi thư cho Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đề nghị ông đề cử tác giả Việt Nam xét Giải Nobel 2022. Nhưng, do những trục trặc từ Thụy Điển nên thời điểm lá thư đến nơi cũng là lúc thời điểm đề cử kết thúc.

Vẫn biết, từ chuyện “được gửi đề cử” đến chuyện “đoạt Giải Nobel” là một khoảng cách rất xa nhưng, dẫu sao, lần “đề cử hụt” 2022 cũng xới lên nhiều suy nghĩ về tương lai của văn chương nước nhà. ANTG GT-CT trao đổi với nhà phê bình văn học Trần Ngọc Hiếu và cây bút trẻ, giàu cá tính Hiền Trang quanh chủ đề này.

- Nhà báo Phan Đăng: Là người theo dõi sát sao từng hơi thở của văn học Việt Nam, một người thì trên tư cách của nhà phê bình, một người thì trên tư cách của dân sáng tác, anh/chị đón nhận câu chuyện “đề cử hụt” nói trên như thế nào?

- Nhà phê bình văn học Trần Ngọc Hiếu: Thành thật mà nói, tôi không xem đây là một sự kiện thời sự văn học cần phải quan tâm. Tôi lấy làm ngạc nhiên khi có một số người tỏ ra tiếc nuối như thể văn học Việt Nam mình đã bỏ lỡ mất một cơ hội để được xướng tên tại giải thưởng văn chương có giá trị lớn nhất về tiền thưởng này.

Nhà văn Việt Nam có cần nghĩ tới Nobel văn chương?  -0
Nhà phê bình văn học Trần Ngọc Hiếu.

Chúng ta biết giải thưởng Nobel có quy trình của nó. Trong lịch sử, thậm chí đã có một vài tác giả Việt Nam lọt vào danh sách đề cử cho giải thưởng này.Việc đề cử này có thể thông qua một tổ chức nghề nghiệp kiểu như Hội Nhà văn Việt Nam hoặc thông qua các học giả văn chương, các nhà văn đã từng đoạt giải. Hằng năm, trước mùa giải này, trên các diễn đàn bàn về văn học thế giới, cũng có những đồn đoán rằng nhà văn này, nhà văn kia có khả năng lọt vào tầm ngắm của Viện Hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển. Song, để một nhà văn không thuộc khu vực trung tâm của văn học thế giới, không sáng tác bằng một thứ ngôn ngữ lớn như Anh, Pháp, Tây Ban Nha lọt vào tầm ngắm ấy, cần đến rất nhiều nỗ lực, không chỉ tài năng của nhà văn hay đơn vị, cá nhân tiến cử. Tôi muốn nói đến hai khía cạnh: vai trò của dịch thuật và việc các nhà văn ấy được nghiên cứu trong cộng đồng học thuật quốc tế. Theo đó, không có mấy nhà văn Việt Nam, tính đến thời điểm này, có được những lợi thế từ việc tác phẩm của họ được dịch và trở thành đối tượng của nghiên cứu, phê bình học thuật trên thế giới.

- Nhà văn Hiền Trang: Ngay khi đọc một tựa đề bài báo rằng, chỉ vì thư đến muộn mà Việt Nam... lỡ mất cơ hội giành Giải Nobel, tôi đã thắc mắc sao người ta đặt tựa đề báo như vậy rồi. Tôi không nghĩ đây nên là lý do để ăn mừng hay để nuối tiếc. Thậm chí, còn khá buồn bởi điều này cho thấy văn chương Việt Nam trên văn đàn quốc tế ít được chú ý tới mức các học giả chưa thể điểm ra được gương mặt nào thực sự nổi bật mà phải nhờ đến Hội Nhà văn trong nước điểm hộ. Và, chuyện hội đồng chấm Giải Nobel đề nghị chúng ta cử ra một cái tên, tôi thấy đâu đó cũng giống như giải thưởng Oscar hằng năm thôi, mỗi nước đều có thể đề cử một bộ phim đại diện quốc gia mình đi tranh hạng mục phim nước ngoài xuất sắc.Nhưng, đến cả những tác phẩm rất mạnh có khi vẫn không lọt được vào vòng tranh giải cuối.

- Tôi hiểu những chia sẻ của anh Ngọc Hiếu và chị Hiền Trang nhưng nhiều người nói với tôi thế này, dẫu sao lần đầu tiên được Ủy ban Nobel mời đề cử cũng là một cột mốc lớn đấy chứ!

- Nhà phê bình văn học Trần Ngọc Hiếu: Có thể câu trả lời của tôi lại một lần nữa không đáp ứng kỳ vọng của Phan Đăng. Tôi cũng không thấy có gì vinh dự ở đây cả. Là người nghiên cứu văn chương, tôi dành nhiều quan tâm hơn đến những sự kiện như: có nhà văn Việt Nam được các nhà xuất bản lớn trên thế giới lựa chọn giới thiệu hay không; tác phẩm của nhà văn Việt Nam nào trở thành đối tượng phân tích, bàn luận trên các tạp chí học thuật uy tín; cuốn sách của nhà văn Việt Nam nào có thể trở thành một sự kiện best-seller khi được dịch ra và xuất bản bên ngoài Việt Nam... Tôi cũng quan tâm nhiều hơn đến việc đằng sau một hay nhiều tác giả Việt Nam được độc giả hay giới phê bình nước ngoài chú ý có điều gì phức tạp, thú vị về kinh nghiệm thẩm mỹ hay ý thức hệ.Đã có một thời điểm ngắn ngủi, văn học Việt Nam những năm đầu đổi mới được giới xuất bản và phê bình nước ngoài quan tâm. Đó là giai đoạn đầu những năm 1990 khi Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Lê Lựu, Nguyễn Quang Thiều được dịch sang tiếng Anh, bởi lúc đó phương Tây tò mò muốn biết về một Việt Nam hậu chiến. Thời gian gần đây, có thể có một vài tác giả Việt Nam được dịch ở nước ngoài và được nhận những giải thưởng nhất định như Ý Nhi, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Ngọc Tư, Mai Văn Phấn. Nhưng, nền văn học Việt Nam đương đại như là một hiện tượng mà giới xuất bản và phê bình nước ngoài thấy hứng thú thì không có. Có nhiều lý do cho vấn đề này và không hẳn lý do hàng đầu là nhà văn chúng ta viết chưa hấp dẫn. Nó liên đới đến nhiều thứ thuộc về chính trị, kinh tế, văn hóa khác nữa.

- Nhà văn Hiền Trang: Tôi nghĩ điều này đáng mừng hơn đối với Giải Nobel chứ không phải với văn học Việt. Bởi để ý tới Việt Nam có nghĩa là họ hẳn đang để ý tới nhiều nền văn chương khác ở ngoại vi, điều vẫn luôn là “thiếu sót” lớn nhất của giải thưởng này trong hơn trăm năm qua. Và, có lẽ họ đang muốn thay đổi ấn tượng rằng họ là một “đảng phái” bảo thủ.

Nhà văn Việt Nam có cần nghĩ tới Nobel văn chương?  -0
Nhà văn Hiền Trang.

- Bây giờ chúng ta sẽ không nói nhiều tới chuyện “đề cử hụt” nữa, mà nói trực diện tới năng lực của nền văn học trong mối tương tác với Nobel văn chương toàn cầu. Có lần tôi hỏi nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch đương nhiệm Hội Nhà văn Việt Nam rằng: “Có bao giờ ông mơ ước tới việc đoạt Giải Nobel không?”. Câu trả lời của ông thật ngắn gọn: “Tôi chưa điên!”.Anh Trần Ngọc Hiếu và chị Hiền Trang có thể bình luận gì về câu trả lời này?

- Nhà phê bình văn học Trần Ngọc Hiếu: Tôi nghĩ một nhà văn nghiêm túc với nghề, họ viết vì họ không thể không viết, chứ không phải vì nghĩ mình sẽ được giải thưởng này, giải thưởng kia. Có lẽ cái quan trọng hơn là tác phẩm của họ sống trong lòng độc giả như thế nào. Đời sống của trang viết trong độc giả có thể còn phong phú, rộng rãi hơn cả sự đánh giá của những thành viên Hội đồng Nobel mà theo một số nhận xét tôi đọc được thì dường như họ còn có ít nhiều phần thủ cựu và có sự trịch thượng về văn hóa.

Ngoài lề một chút, trong hơn một trăm năm tồn tại, giải thưởng văn chương này đã bỏ sót nhiều tên tuổi quan trọng như là những cột mốc của văn chương nhân loại. Tôi xin dẫn chứng: văn hào Leo Tolstoy hay cây đại thụ của chủ nghĩa hiện đại như James Joyce đều không phải là chủ nhân của giải thưởng này. Trong khi đó, một số tác giả từng được giải thì có lẽ bây giờ rất ít người còn muốn đọc lại, thậm chí nhớ đến họ nữa. Những năm gần đây, Giải Nobel văn chương tỏ ra khá thất thường đến nỗi sẵn sàng trao giải cho một nhạc sĩ hay một nhà báo. Rồi nhiều nhà văn sau khi nhận Giải Nobel còn viết kém hơn hoặc ngừng luôn sự viết. Thế nên, tôi nghĩ, nhà văn cứ viết thôi, thỏa mãn bản thân mình đã, còn để tác phẩm sống đời tự do trong tiếp nhận của công chúng. Tác phẩm ấy nó phiêu du càng xa thì mình càng mừng, vì đời sống của nó sẽ có cơ may dài lâu, rộng lớn hơn đời mình. Thế thôi.

- Nhà văn Hiền Trang: Tôi từng xem một bộ phim tên là “The Wife” kể về một nhà văn già cùng vợ ông. Nội dung phim cũng lắt léo nhưng có cảnh một hôm, ông đang nằm ngủ trên giường thì nhận được điện thoại, đầu dây bên kia nói rằng ông đã được Giải Nobel. Mới đầu ông không tin nhưng sau khi xác minh sự thật, ông và vợ liền nhảy cẫng lên ở trên giường như hai đứa trẻ.Trong bối cảnh phim, đây là một nhà văn rất nổi tiếng, vậy mà khi được Giải Nobel, ông cũng phản ứng như thể chuyện này là không tưởng.

Tôi nghĩ điều này phản ánh một sự thật là: không ai thực sự vừa viết mà trong đầu lại vừa lởn vởn hình ảnh của một giải thưởng, dù là Giải Nobel hay giải thưởng của Hội Nhà văn. Nhà văn viết vì những lý do đơn giản lắm, ví dụ với Olga Tokarczuk, nhà văn đoạt Giải Nobel năm 2018, trong diễn từ của mình, bà kể rằng hồi bé được mẹ đọc cho truyện cổ tích về cái bình trà bị vứt trên đống rác của Andersen và bà nhận ra mọi thứ, dù là cái bình trà gãy quai, cũng có cuộc đời riêng của mình. Bà viết vì ao ước trở về thế giới cũ xưa của chiếc bình trà ấy, nơi mọi vật đều có hồn và kết nối với nhau.Sẽ thật tẻ nhạt nếu một nhà văn nói họ viết văn vì giải thưởng nào đó, chứ không phải vì một chiếc bình trà.

Nhà văn Việt Nam có cần nghĩ tới Nobel văn chương?  -0
Giải Nobel có phải là giấc mơ của mọi người cầm bút?

- Trong tác phẩm “Đời thừa”, cố nhà văn Nam Cao đã để nhân vật của mình nói những lời như sau: “Rồi các anh xem. Cả một đời tôi, tôi sẽ chỉ viết một quyển thôi, nhưng quyển ấy sẽ ăn Giải Nobel và dịch ra đủ mọi thứ tiếng trên hoàn cầu”. Nhiều người cho rằng, thông qua nhân vật của mình, Nam Cao âm thầm hé lộ tới giấc mơ Nobel.Có phải vậy không, thưa anh/chị?

- Nhà phê bình văn học Trần Ngọc Hiếu: (Cười...) Người ta hay túm lấy câu này rồi diễn dịch Nam Cao là nhà văn từng mơ Giải Nobel. Theo tôi, cách diễn dịch ấy đã bỏ qua những điều quan trọng hơn được nói đến ở truyện ngắn này.Mọi người đã bỏ qua ngữ cảnh của câu nói. Khi ấy, nhân vật Hộ có phê bình một cuốn sách được dịch ra tiếng nước ngoài, theo đó, anh ta cho rằng đấy chỉ là cuốn sách có giá trị địa phương, thỏa mãn sự hiếu kỳ của độc giả phương Tây mà thôi. Theo tôi, đây chính là một nhận thức mang tinh thần giải thực dân, kháng cự lại việc văn chương, cảnh quan, hay con người xứ thuộc địa như một thứ dị lãm (exotic), vốn là gu của giới thực dân. Ý thức giải thực dân là một hiện tượng đã hình thành trong lòng xã hội thuộc địa ở ta mà một hiện tượng thú vị khác cần được nhắc đến là nhóm Xuân Thu nhã tập. Sự phê bình của Hộ, với tôi, cho đến giờ vẫn có ý nghĩa như một sự cảnh báo đối với việc chúng ta lấy gu phương Tây, sự khen/chê của họ như là chuẩn để sáng tạo và thẩm định nghệ thuật mà không ý thức đấy chính là một sự mắc kẹt. Sự mắc kẹt ấy, trớ trêu thay, lại cũng nằm ngay trong truyện ngắn này của Nam Cao khi ông để cho nhân vật của mình định nghĩa văn chương chân chính phải vượt lên trên mọi bờ cõi và giới hạn nhưng lại cho rằng Giải Nobel chính là sự thừa nhận cho giá trị chân chính ấy. Tính đến thời điểm Nam Cao viết truyện này, chỉ có một nhà văn châu Á là Tagore được trao Giải Nobel. Trong khi đó, giải này đã kịp thời vinh danh hai nhà văn mà giờ đây đọc họ, người ta thấy tư tưởng và mỹ cảm thực dân khá lộ liễu trong sáng tác là Rudyard Kipling và Pearl Buck. Việc mắc kẹt trong tư duy thực dân là một vấn đề lớn trong văn học và văn hóa Việt Nam mà tại thời điểm này, tôi chưa thể nói nhiều.Nhưng, nó rất đáng để suy nghĩ đấy.

Tôi muốn nói thêm: việc năm 2021, Giải Nobel văn học trao cho nhà văn Abdulrazak Gurnah là một sự kiện cho thấy dòng văn chương hậu thực dân vẫn là dòng văn chương xới lên nhiều vấn đề quan trọng thôi thúc chúng ta phải suy tư thấu đáo hơn nữa. Các nhà văn Việt Nam mình đã thực hành việc giải thực dân này như thế nào?Tôi nghĩ đây là một đề tài đáng nghiên cứu.

Nhà văn Hiền Trang: Tôi nghĩ có khi Nam Cao không quan tâm tới Giải Nobel mới viết vậy, vì nếu quan tâm thực sự, chắc ông cũng biết rằng Giải Nobel trao cho một sự nghiệp chứ đâu trao cho một tác phẩm đơn lẻ nào.

Vả lại, như anh Hiếu đã nói, người ta chỉ trích mỗi một câu, lấy nó ra khỏi bối cảnh, rồi hiểu rằng Nam Cao mơ về Giải Nobel, trong khi trích dẫn bỏ bối cảnh thì đến Kinh Thánh cũng có thể nói bậy. Ngoài điều anh Hiếu đã nói, tôi cũng xin bổ sung, trước khi nói câu này, Hộ tuyên bố sẽ viết một tác phẩm “chứa đựng được một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình”.Tôi nghĩ, đây mới là ước mơ của Nam Cao, ước mơ thực thụ của một nhà văn, giải thưởng chỉ là thứ đến sau thôi.Hoặc, một cách nhìn nhận khác mà sau khi đọc “Pnin” của Nabokov, cũng là một tác phẩm về tình cảnh đáng thương của người trí thức vừa có khả năng hiểu những vấn đề bản chất, vừa rất mực ngây thơ, tôi mới chợt nhận ra Hộ có lẽ cũng là cách tự trào của chính Nam Cao. Hơn ai hết, Nam Cao hiểu rằng Hộ sẽ vỡ mộng, nên khi cho nhân vật nói câu đó, nó trở thành một chi tiết đắng cay đến hài hước về giấc mộng chắc chắn không bao giờ thành hiện thực của một văn sĩ nghèo.

Nhân nói về thái độ giải thực dân mà anh Hiếu nhắc đến, tôi cũng muốn nói thêm là việc trông chờ vào gu phương Tây, rồi sau đó lại đổ lỗi cho họ không cởi mở, như mấy năm nay ta hay phê bình Giải Nobel là quá “trắng”, quá “nam tính”, tự thân nó là sự trao quyền cho văn hóa phương Tây được tỏ ra thượng đẳng rồi. Ta chẳng nên trông chờ gì ở họ cả, cũng không nên quá xôn xao khi họ “để mắt” đến mình, coi họ là mẫu. 

- Sau câu chuyện của Nam Cao lại là câu chuyện của Nguyễn Huy Thiệp, khi một số người làm văn chương Việt Nam tại Pháp cho rằng, đã có lúc nhà văn này ít nhiều nghĩ tới Nobel văn học. Có thực như vậy hay không thì chỉ một mình Nguyễn Huy Thiệp biết. Nhưng, ông đã mất rồi, chúng ta không thể đối chứng được.Ở đây, tôi chỉ muốn hỏi, nhìn lại gia tài văn chương Nguyễn Huy Thiệp, anh/chị thấy nó có những tương đồng/khác biệt nào so với gia tài của những tác giả từng đoạt Giải Nobel?

- Nhà phê bình văn học Trần Ngọc Hiếu: Cũng như câu hỏi trên, tôi chỉ có thể nói việc nghĩ tới Giải Nobel tự nó không có gì đáng xấu hổ cả. Đó là một giải thưởng lớn về trị giá tiền thưởng và có thể giúp cho một số nhà văn sống một đời sống dễ chịu hơn. Việc nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có thể đã là một tên tuổi lọt vào tầm ngắm Giải Nobel hay chưa, như tôi đã nói, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác, nằm ngoài bản thân tài năng của nhà văn.

Tôi chỉ góp một góc nhìn ít người nói tới.Nguyễn Huy Thiệp đã có lúc trở thành đối tượng được bàn đến nhiều trong các tạp chí học thuật nước ngoài chuyên về Việt Nam học. Mở ngoặc thêm, Gurnah cũng không xuất hiện nhiều trong báo chí học thuật Anh-Mỹ. Nhưng, hầu như không có nghiên cứu nào về ông từ góc độ văn học so sánh hay văn học thế giới (world literature). Chưa có nhiều nghiên cứu đọc ông như một case studies cho các chủ đề học thuật đang nổi lên như phê bình sinh thái, phê bình giới, phê bình hậu thực dân... được đăng tải trên các tạp chí học thuật nước ngoài trong nhiều năm trở lại đây. Việc văn học Việt Nam chưa thành một điểm hấp dẫn trên bản đồ văn học thế giới có liên quan đến cả giới học thuật nữa.

- Nhà văn Hiền Trang: Việc so sánh gia tài tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp với các tác giả Nobel theo tôi không cần thiết. Ví dụ, so sánh với nhạc sĩ/thi sĩ Bob Dylan đi, điều đó có ý nghĩa gì không? Bob Dylan có thể đem ra làm quy chuẩn so sánh với bất cứ một tác giả văn chương nào không? Tôi không phủ nhận tài năng của Dylan, tôi thậm chí còn mua đĩa nhạc của ông nữa nhưng ý tôi là, giá trị sự nghiệp một nhà văn không nằm ở việc giống hay khác ai, mà ở chỗ di sản của nó có gợi được cho những nhà văn thế hệ sau viết nên cái gì không. Đặt vấn đề ngược lại, ta thậm chí thấy có những nhà văn đoạt Giải Nobel tương đồng với người không đoạt giải. Như Kazuo Ishiguro, người nhận giải năm 2017, tiết lộ 60 trang đầu của cuốn “Bên phía nhà Swann” của tiền nhân Marcel Proust có sức ảnh hưởng lớn tới ông. Và, ta sẽ thấy các tác phẩm của Ishiguro có những chủ đề, chi tiết tương đồng với Proust.

Nhà văn Việt Nam có cần nghĩ tới Nobel văn chương?  -0
Việc Giải Nobel văn học 2021 trao cho nhà văn Abdulrazak Gurnah là một bất ngờ lớn đối với văn chương nhân loại.

- Nếu được đề cử một nhà văn Việt Nam cho Giải Nobel thì cá nhân anh/chị sẽ đề cử ai?

- Nhà phê bình văn học Trần Ngọc Hiếu: Tôi không đề cử ai cả. Nhưng, điều này không có nghĩa tôi cho rằng văn học Việt Nam là một nền văn học chẳng có gì để tự tin trước thế giới, ngoài di sản chiến tranh.Ngay tại thời điểm này, đã có một số tín hiệu cho thấy có những nhà văn Việt Nam bắt đầu đàng hoàng hiện diện trong không gian của văn học thế giới. Một thông tin văn học hầu như ở Việt Nam không ai nhắc đến là một tác giả rất trẻ của Việt Nam là Nguyễn Hoàng Quyên đã tự dịch thơ mình sang tiếng Anh và thơ của cô đã được trao giải thưởng cuộc thi dịch thơ của Tạp chí văn học Words Without Borders kết hợp Viện Hàn lâm các nhà thơ Mỹ (Academy of American Poets) năm 2020. Tôi nhìn thấy đây là một khả thể hoàn toàn mới được mở ra cho văn học Việt Nam, gắn liền với những tác giả rất mới. Và tính thể nghiệm trong thơ ca của Quyên thì chắc không phải thứ nằm trong gu của Giải Nobel. Nhưng, điều đó không có nghĩa tìm tòi của cô ít giá trị. Ngược lại là khác.

- Nhà văn Hiền Trang: Tôi thấy một số bạn nói về Nguyễn Nguyên Phước, dù tác phẩm của anh chưa được dịch thuật.Còn cá nhân tôi thì thành thực là chưa nghĩ về vấn đề này.Ngay cả với các nhà văn quốc tế, tôi cũng không kỳ vọng ai sẽ nhận được Giải Nobel cả. Tôi thích Giải Nobel ở chỗ mỗi năm họ mang đến cho tôi những bất ngờ, như Peter Handke, một nhà văn Áo mà lần duy nhất trước khi ông được Giải Nobel mà tôi từng đọc tên ông là trong cuốn hồi ký của Marcel Reich-Ranicki, với thái độ hết sức trọng thị. Cái hay của Giải Nobel là ở đó, họ gợi ra cho mình những vùng văn học mà có thể đại chúng chưa biết, hay đã quên, nên hãy cứ để cho công việc tìm kiếm này là việc của họ đi.

- Có người nói, tư tưởng là điểm yếu lớn nhất để một nhà văn Việt Nam đoạt Giải Nobel. Lại có người bảo, điểm yếu lớn nhất là ngôn ngữ, vì nói gì thì nói, trong đại dương văn học nhân loại, ngôn ngữ của chúng ta không phải là thứ ngôn ngữ phổ biến. Ngay cả khi được dịch sang những ngôn ngữ phổ biến thì nó cũng khó đạt được những giá trị như trong tác phẩm bản địa. Anh/chị nghiêng về ý kiến nào?

- Nhà phê bình văn học Trần Ngọc Hiếu: Tất cả những gì anh nói đều là những điều nhiều người trở trăn khi nghĩ về cơ hội cho văn học Việt Nam trong sân chơi thế giới. Nhưng, như ở trên tôi đã nói, việc được Giải Nobel còn có những nhân tố ngoài văn chương chi phối nữa như các vấn đề chính trị, văn hóa, xã hội.Vì thế, nhà văn cứ viết cho hay đi đã.Tất nhiên, thế nào là hay luôn là câu chuyện khó đi đến hồi kết. Nhưng, tôi cho rằng, cái hay trong văn chương đòi hỏi ý thức cá nhân rất lớn trong cách nghĩ, trong lao động hình thức biểu đạt, trong sự dám thách thức các bá quyền và khuôn mẫu văn hóa, nghệ thuật. Và, để có cái hay ấy, cần sự cải thiện của môi trường văn hóa nơi cảm quan thẩm mỹ của cả người sáng tác và tiếp nhận được trau dồi, đổi mới.

- Nhà văn Hiền Trang: Tôi nghĩ nói thế này lại là kiểu phê bình lấy Giải Nobel làm khung lý thuyết rồi! Hãy nhìn sang Hàn Quốc, họ có một nền văn chương độc đáo, phát triển mạnh mẽ, văn hóa Hàn đang ảnh hưởng sâu rộng tới cả thế giới, mà họ cũng chưa có Giải Nobel. Nhưng, tôi cho rằng việc có một nền tảng như vậy quan trọng hơn nhiều so với được một giải thưởng rộ lên rồi thôi. Như phim ảnh Hàn đã có sự bùng nổ trong khoảng 20-30 năm trước khi nhận Giải Oscar phim hay nhất cho “Parasite”. Và, “Parasite” chỉ là một trong hàng chục bộ phim đỉnh cao của họ.Cho nên, với văn chương cũng thế, phải nghĩ về những gì căn bản hơn, như cái bình trà gãy quai đã, trước khi nghĩ về những điều to lớn khác.

- Xin cảm ơn anh/chị!

Phan Đăng (thực hiện)

.
.