Nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh: Xuyên qua "khe cửa hẹp" của báo chí, xuất bản

Chủ Nhật, 13/10/2024, 15:54

Nhà thơ Tiến Thanh tiếp chúng tôi tại phòng làm việc của anh ở cương vị mới, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam - một vị trí có thể nói là "ghế nóng" ở lĩnh vực xuất bản. Căn phòng bài trí giản dị và phóng khoáng như chủ nhân của nó. Tiến Thanh nói nhiều về những ký ức, về thời hoàng kim của báo in, của thi ca mà anh đã trải qua.

Anh đã sống một cuộc đời sôi nổi với nhiều vai trò mà ở vị trí nào, Tiến Thanh cũng dấn thân, phụng sự hết mình và đạt thành tựu. Nhưng, cốt tủy, Tiến Thanh vẫn là một nhà thơ, một tâm hồn nghệ sĩ...

Không để số phận kéo mình đi

Nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh: Xuyên qua
Nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh.

- Thưa anh, rốt cuộc thì mấy Tiến Thanh trong một Tiến Thanh hiện tại?

+ Nhiều bạn bè vẫn nói với tôi rằng, làm sao để dung hòa một Tiến Thanh làm quản lý - một nhà thơ - người sáng tạo, rong chơi, phiêu lãng và người đàn ông của gia đình. Thực ra, với tôi, chỉ có một Tiến Thanh nhưng tùy vai trò mỗi lúc sẽ khác nhau. Tôi khá rạch ròi giữa công việc và đam mê, giữa nghề và nghiệp. Tôi là người đa mang, nhưng chơi hết mình và làm việc cũng hết mình. Có những nghệ sĩ tưởng như họ không có giới hạn trong việc theo đuổi đam mê nhưng trái lại, họ rất trách nhiệm với chính mình, với mọi người, trách nhiệm với sự sáng tạo. Đó là Tiến Thanh trong tôi.

- Vậy, chỉ có một Tiến Thanh, nhưng mang nhiều gương mặt khác nhau. Làm một người đàn ông phải/được mang nhiều gương mặt, anh có thấy mệt không?

+ Tôi chưa bao giờ nghĩ về điều đó. Chúng ta chỉ mệt khi chúng ta gồng mình lên, phải diễn mà không được là chính mình. Tôi may mắn vì được sống tự nhiên, thuận tự nhiên. Có lẽ, số phận ân điển cho mình quá nhiều việc, nhiều trọng trách như một thử thách. Mình đón nhận nó và tất nhiên cũng vẫn phải đủ bản lĩnh để chinh phục nó chứ không để nó lôi kéo mình đi.

- Vậy, theo anh, số phận định đoạt anh như hiện nay hay do anh chủ động lựa chọn con đường của mình vì nhẽ ra, trước đây anh đã từng là một giảng viên đại học?

+ Trong đời ai cũng phải chịu sự dẫn dắt của số phận nhưng trong sự dẫn dắt đó, mình phải lựa chọn lối đi của mình. Tôi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp (nay là trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn) và được giữ lại trường. Nhưng, chỉ mấy tháng sau, tôi có cơ hội làm báo khi Báo Thanh niên bắt đầu mở văn phòng tại Hà Nội. Nếm trải đủ biết môi trường sư phạm tại giảng đường đại học ra sao, nên Tiến Thanh thích tự do trong tôi bứt phá đi làm báo. Đắm mình trong bầu không khí báo chí sục sôi lúc bấy giờ, tôi làm đủ các mảng, phóng viên nghị trường của 20 kỳ họp Quốc hội, phóng viên kinh tế, điều tra, văn hóa... Lĩnh vực nào tôi cũng có thành tựu. Nhờ những năm tháng lăn lộn đó mà tôi trưởng thành, rộng mở cả về tư duy lẫn vốn sống và có góc nhìn đa chiều trong tư duy làm báo.

Năm 1994, 26 tuổi, tôi được bổ nhiệm làm Phó Ban nội dung Báo Thanh niên. Đến năm 1998, tôi về làm Phó Tổng Biên tập Báo Gia đình và Xã hội, khi mới 30 tuổi. Tôi chỉ ở đó 3 năm rồi về tờ Đời sống và Pháp luật... và cho đến khi nhận nhiệm vụ mới này.

"Khe cửa hẹp" của báo chí

- Vậy là anh đã có một chặng đường làm báo khá dài, anh có thể chia sẻ về đời sống báo chí những năm 90 - thời mà những người làm báo vẫn gọi là "hoàng kim của báo chí"?

+ Thời đó có sự phân biệt rõ ràng giữa báo chí phía Nam và báo chí phía Bắc. Số lượng cơ quan báo chí đếm trên đầu ngón tay. Tất cả các tờ báo truyền thống và nổi tiếng đều của các tổ chức chính trị xã hội chứ không có báo của các bộ, trừ tờ Quân đội nhân dân và Công an nhân dân. Hồi đó, các nhà báo rất giỏi nghề, có trí tuệ, kiến thức nền tảng, phông văn hóa và sự nghiêm cẩn trong câu chữ. Báo Nhân dân, Lao động, Đại đoàn kết... có những cây bút tầm vóc lớn.

Nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh: Xuyên qua
Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh và các cộng sự tại Báo Đời sống & Pháp luật.

Cách làm báo hồi đó còn khá thô sơ, mơ ước lớn nhất của chúng tôi là có một cái máy fax và máy đánh chữ. Đi công tác gõ bài rồi ra bưu điện fax về tòa soạn và rất kiêu hãnh đề rằng: "Tiến Thanh, fax từ Lạng Sơn". Còn nếu in nối bản thì phải chuyển bản kẽm qua đường hàng không, ra sân bay lấy mang đến nhà in. Năm 1996 mới bắt đầu có đài truyền in Báo Nhân dân, các tòa soạn phải thuê lại.

Xét về một góc độ nào đó thì đúng là thời đại hoàng kim của những người làm báo vì các tờ báo xứng đáng được tôn trọng và người làm báo cũng được tôn trọng, họ ít khi phải bươn chải với thị trường. Những tờ báo có bươn chải thì vẫn nhận được sự tôn trọng của cộng đồng vì báo chí làm đúng vai trò của mình ở góc độ xây dựng xã hội, định hướng dư luận, cảnh báo xã hội. Báo đưa ra nhiều thông tin tốt. Báo chí bắt đầu được cởi trói, phản biện chống tiêu cực với tinh thần nhiệt tình, cởi mở chứ không bị đội lốt chống tiêu cực, vật lộn với thị trường như bây giờ.

- Và, cũng thời kỳ đó, anh xông pha trên trận địa làm báo, nhiều người cho rằng Tiến Thanh là "ông trùm" của báo thị trường?

+ Danh hiệu này có vẻ oan cho tôi. Tôi kinh qua nhiều tờ báo, nhưng gắn với hai chữ thị trường từ thời tôi về làm Phó Tổng Biên tập Gia đình - Xã hội, một tờ báo cấp bộ nhưng mới hoàn toàn, khó làm vì liên quan đến dân số.

Để đưa tờ báo ra được thị trường, được thị trường nhận diện và chấp nhận là một bài toán quá hóc búa. Khi đó tôi nghĩ, tờ báo phải đi trên dây, gây sốc một chút, bởi nếu làm an toàn, mờ nhạt thì vĩnh viễn không chiếm lĩnh được bạn đọc. Khi mọi người biết đến mình rồi thì sẽ đi vào chiều sâu. Tôi xây dựng tờ báo theo hướng gây sốc bám vào vấn đề dân số. Loạt bài như "Xóm 10 vợ - quả bom dân số trên đường 1A", dị và độc, lạ, rất hấp dẫn và rõ ràng tờ báo đã có mặt trên thị trường rất thành công.

Nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh: Xuyên qua
Phút thăng hoa của một thi sỹ.

Tuy nhiên, sau 3 năm gắn bó ở đó, tôi chuyển sang Đời sống và Pháp luật" và mất 8 năm... không được làm gì. Nhưng, đó là 8 năm tôi nhận nhiều tờ báo "làm ngoài" và tôi là người mưu sinh bằng báo chí, sống bằng nghề báo.

Sau 8 năm, tôi lên Tổng Biên tập, cải tổ tờ báo hoàn toàn. Từ một tờ báo tuần với tia-ra chỉ vài trăm bản/kỳ, sau một năm, lượng phát hành đã lên 3 vạn bản. Sau đó tôi làm một loạt ấn phẩm phụ và “Nam tiến” như Pháp luật và Cuộc sống, Hôn nhân và Pháp luật, Người đưa tin. Hồi đó có một cuộc bút chiến giữa một số báo để "đánh" cái mà họ gọi là "báo lá cải" và họ ra các ấn phẩm phụ để cạnh tranh với các tờ của tôi. Có lẽ, bạn không tưởng tượng được, mỗi tuần chúng tôi làm 18 số báo, ấn phẩm chính phát hành 300 ngàn bản, các ấn phẩm phụ tầm 200 ngàn bản... Chúng tôi có 3 năm rực rỡ trước khi báo điện tử thống trị. Bây giờ, Tạp chí Đời sống và Pháp luật là tờ tạp chí duy nhất vẫn ra hằng ngày vì có một lượng bạn đọc nhất định.

- Thế nên, ngày đó, Tiến Thanh mua "dăm cái nhà" từ kinh tế báo chí? Nếu tổng kết lại những năm tháng huy hoàng ấy, anh đã làm nên thành công bằng điều gì?

+ Tôi không phủ nhận tôi sống tốt với nghề báo. Để thành công, trước hết là sự quyết tâm cao, nhiệt huyết và trí tuệ. Phải có chiến lược, nắm bắt và chớp đúng thời cơ, vì sự kiện lớn là thời cơ của báo chí. Điều quan trọng nữa là luôn phải trau dồi kỹ năng, va đập với thực tiễn. Báo chí là một sản phẩm mà anh không va đập với thực tiễn sẽ tụt hậu rất nhanh.

- Vậy, anh quan niệm thế nào về báo chí thương mại và kinh tế báo chí?

+ Xét cho cùng, báo chí nói chung trước hết là một sản phẩm, dù thế nào nó cũng mang tính thương mại. Bác Hồ từng nói một câu về báo chí rất hay: Một tờ báo không có bạn đọc thì không phải là tờ báo. Một tờ báo chân chính là bạn đọc phải bỏ tiền ra mua vì chất lượng, nội dung của nó. Lâu nay, có một bộ phận đang hiểu rằng báo chí hấp dẫn bạn đọc, đưa ra thứ ngôn ngữ khác để bạn đọc tiếp nhận lại cho rằng nó là thương mại. Báo chí ngoài tính chính trị phải hấp dẫn thì người ta mới bỏ tiền ra mua. Tôi cho rằng, phải định nghĩa lại thế nào là báo chí thương mại. Báo chí cách mạng đạt được tính thương mại càng tốt chứ sao. Làm kinh tế báo chí thuần túy từ việc bán được tờ báo đến bạn đọc là quá tốt. Chỉ khi tờ báo tệ hại, không làm thương mại mà dùng nó làm vũ khi đi kiếm tiền mới đáng lên án. Đó không phải làm kinh tế báo chí mà chỉ làm kinh tế cho một bộ phận đội lốt báo chí. Làm kinh tế báo chí là làm nội dung tốt, uy tín, marketing tốt, tiếp cận được bạn đọc, bạn đọc bỏ tiền ra mua báo và các doanh nghiệp cần đến quảng cáo, đó mới là kinh tế báo chí. 

- Kinh qua nhiều tờ báo, Thanh niên, Gia đình - Xã hội, Đời sống và Pháp luật...; chứng kiến và là người trong cuộc của nhiều chặng đường báo chí, anh thấy đâu là giai đoạn thăng và trầm nhất của báo chí?

+ Thời hoàng kim của báo giấy vào quãng độ năm 2002-2012, trong 10 năm đó, các tờ báo từ Nam ra Bắc đều đổi mới, phóng viên được trang bị phương tiện hiện đại hơn, báo chí cập nhật, cạnh tranh nhau về tính thông tin, thời sự... Lúc đó báo chí phải đổi mới để vật lộn với thị trường. Nó không chỉ phản ánh mà còn phục vụ, cung cấp thông tin cho độc giả. Thời đó có những tờ báo phát hành 650 ngàn bản, là một con số khổng lồ. Nhưng, thời hoàng kim đó ngắn ngủi do công nghệ và các nền tảng phát triển quá nhanh.

Nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh: Xuyên qua
Bộn bề công việc quản lý nhưng Nguyễn Tiến Thanh vẫn dành tình cảm thắm thiết với nàng thơ - Thơ như tình cũ là câu nói đúng với anh.

Tôi nhớ, khoảng năm 2003, có một đoàn nhà báo đi thủy điện Yaly, trong đoàn lần đầu tiên có một bạn giới thiệu là phóng viên Báo điện tử VnExpress. Tất cả mọi người nhìn bạn ấy như một kỳ quan và một niềm sửng sốt, tại sao trên đời này lại có một thứ gọi là báo điện tử. Và, tất cả những người đi trong đoàn ấy đều không ngờ rằng, 5 năm sau họ đều nhìn Báo điện tử VnExpress với một sự ngưỡng mộ và báo in sắp trở thành khủng long của Kỷ băng hà rồi. Những cây bút tên tuổi của các tờ báo lớn đều không nghĩ một ngày những bài viết của mình không nhiều người đọc bằng một tin đơn giản như tin thời tiết.

Giai đoạn 2 là sự phát triển của công nghệ, báo chí mất đi vai trò độc tôn trong truyền thông. Đây là giai đoạn thăng trầm, thậm chí chìm nổi nhất của báo chí, quãng 2019 đến 2020, không chỉ báo in mà cả truyền hình.

Báo điện tử cũng phải trải qua nhiều vật lộn, thăng trầm để đến bây giờ định hình rõ mình. Báo điện tử bây giờ đang trở về đúng nghĩa của báo chí trong thời đại toàn dân làm báo, là cần có chất xám, thông tin chính xác. Khi đọc mạng xã hội bạn đọc phải đọc lại báo chí để kiểm định thông tin. Đó là khe cửa hẹp để báo điện tử sinh tồn. Cách mạng công nghệ làm đảo lộn mọi thứ nhưng sau một thời gian báo chí sẽ trở về với những giá trị cốt lõi của nó trên cơ sở tích hợp được những ứng dụng tiến bộ khác của công nghệ.

Một bộ sách giáo khoa vẫn hợp lý hơn và tôi chủ trương tái sử dụng, hạ giá thành 

- Và, giờ thì anh đang ngồi trên ghế nóng của Nhà xuất bản Giáo dục với vai trò là Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc. Anh đã và sẽ làm gì với cương vị mới này - một vị trí rất nhạy cảm và cũng nhiều sóng gió khi mà sách giáo khoa cũng như lĩnh vực giáo dục đang có nhiều vấn đề gây tranh cãi, thậm chí gây bức xúc dư luận?

Nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh: Xuyên qua
Nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh trò chuyện cùng nhà văn Như Bình.

+ Nếu vị trí này mà dễ dàng và yên ổn thì chắc là tôi không được mời về. Tôi cũng đã từ chối nhiều lần và người thuyết phục tôi về lại chính là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, ông nói với tôi về trách nhiệm của trí thức và người cầm bút.

Tôi về đây với hai vai, Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc. Thực tế hiện nay có 7 nhà xuất bản có thể làm sách giáo khoa, việc Nhà xuất bản Giáo dục chiếm 70-80% thị phần sách giáo khoa không có bất kể ưu đãi nào mà hoàn toàn bằng thương hiệu, tiềm lực và chất lượng. Vốn sản xuất hơn 2.000 tỷ là vay ngân hàng. Giá sách của chúng tôi rẻ hơn 20-30% so với các nhà xuất bản khác. Tỷ suất lợi nhuận từ sách giáo khoa là rất ít. Hầu hết lợi nhuận của nhà xuất bản là từ các sản phẩm sách khác, trong đó có sách tham khảo, sách bổ trợ (ai cũng có quyền làm). Còn sách giáo khoa chủ yếu phục vụ cộng đồng. Tôi chủ trương giảm giá và sẽ giảm giá nữa. Là doanh nghiệp nhà nước giá thành tốt, có lợi nhuận, có doanh thu, tôi tự hào vì điều đó. 

- Có một thực tế mà báo chí phản ánh khá nhiều là tình trạng nhiều bộ sách giáo khoa, các bộ sách liên tục thay đổi, đổi mới khiến việc sử dụng lại rất khó, gây lãng phí lớn nguồn lực của xã hội... Anh nghĩ sao về điều này?

+ Đây là một chủ trương do Quốc hội phê duyệt năm 2018 và tất cả sách giáo khoa phải đảm bảo chương trình đó. Theo trải nghiệm của tôi thì một bộ sách vẫn hợp lý hơn, bởi để làm một bộ sách không đơn giản, gần 7 năm chúng ta mới xong bộ cơ bản, một số môn, sách chữ nổi, sách dân tộc vẫn chưa xong. Có một thực tế cần tham khảo là khi chúng ta đang đổi thành nhiều bộ sách giáo khoa thì Hàn Quốc lại nghiên cứu để chỉ dùng một bộ mà thôi.

Tôi luôn muốn sách giáo khoa được tái sử dụng, giảm lãng phí. Bản thân nhà xuất bản cũng đỡ áp lực trong việc cung ứng sách. Việc không tái sử dụng được sách giáo khoa không phải bởi sách giáo khoa để học sinh viết vào hay bởi nội dung có thay đổi thường xuyên như nhiều người vẫn nghĩ. Không giống như sách bổ trợ (bài tập), sách  giáo khoa không hề có trang nào để học sinh viết vào. Nội dung sách giáo khoa hiện nay ổn định, sách in ở năm học trước vẫn sử dụng được ở những năm sau. Nhưng, thực tế là có nơi có lúc, sách giáo khoa vẫn không tái sử dụng được trong các gia đình là vì những lý do khác. Ví dụ, như hiện nay, mỗi trường sử dụng một bộ sách khác nhau, thậm chí nhiều trường chọn vài môn, vài lớp của các bộ sách giáo khoa khác nhau và việc lựa chọn này có thể thay đổi theo từng năm. Vì lẽ đó, trên thực tế, để phụ huynh học sinh ra hiệu sách mua đủ bộ sách giáo khoa (đồng bộ theo lựa chọn của trường) là rất vất vả và khó khả thi. Ngay cả con em nhân viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng chọn phương thức mua sách giáo khoa tại trường vì lý do trên.

- Ở cương vị mới, anh kỳ vọng làm được gì cho lĩnh vực xuất bản sách giáo khoa? Những vấn đề mà ngày xưa, khi còn là tổng biên tập một tờ báo, anh từng đặt ra?

+ Tôi nghĩ, đã đến thời kỳ chúng ta sẽ số hóa, chuyển đổi số sách giáo khoa. Chuyển đổi số là điều cốt tử, sinh tồn của Nhà xuất bản Giáo dục trong thời gian tới. Nhật Bản, Hàn Quốc đã thí điểm bỏ sách giáo khoa và dùng sách điện tử. Tại sao chúng ta chưa bắt đầu?

Thơ như tình cũ

- Nhiều người nói về việc Tiến Thanh làm thơ từ năm 17 tuổi, tài hoa phát lộ rất sớm, nhưng tôi cho rằng nếu không vào Tổng hợp văn thì Tiến Thanh chưa chắc đã "ngã" vào thơ?

+ Phát hiện này của bạn rất đúng, chưa ai nói với tôi và chưa ai hỏi tôi điều này nhưng đó là sự thật. Tôi tiếp xúc với nghệ thuật từ bé, niềm mơ ước của tôi là âm nhạc nhưng nhà nghèo nên không có điều kiện học. Tôi tự học nhạc từ quyển nhạc lý cơ bản của nhạc sĩ Phạm Tuyên viết cho Khu học xá Trung ương của bố tôi. Thời đó muốn học nhạc ít nhất phải có xe đạp và có đàn. Cả hai thứ tôi đều không có. Tôi từng đi bộ mấy cây số từ nhà đến phố Bà Triệu để học miễn phí... Rồi, run rủi thế nào, tôi lại thi vào Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp, nhìn trước nhìn sau mọi người đều làm thơ. Tôi ấn tượng trên lối đi vào lớp học hay ở ký túc xá toàn là những câu thơ dán trên tường... Và, tôi bước vào vòng xoáy của thơ ca từ đó (cười...).

- Anh nhớ gì về những tháng ngày tươi đẹp đó, về những người bạn làm thơ cùng thời học chung Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, về một thời hoàng kim của thơ ca?

+ Đấy là một thời phồn vinh của thơ ca, đặc biệt là thơ quảng trường. Tất cả hội trường đại học thu hút học sinh bằng những đêm thơ. Chúng tôi đi từ Bắc vào Nam đọc thơ, đọc ở Nhà hát Lớn, ở Quảng Ninh, Hải Phòng. Có những đêm thơ bán vé, như ca nhạc bây giờ. Giới trẻ đến với thơ quảng trường như một nhu cầu. Thơ không chỉ là sản phẩm sáng tạo mà thơ có công chúng và lan tỏa trong cộng đồng.

Tôi cũng nuối tiếc thời huy hoàng đó như khi nói về báo in, thơ ca sẽ tồn tại bất tử nhưng để trở về thời hoàng kim rất khó. Đó là kỷ niệm, là tuổi trẻ của chính mình, là một giai đoạn sáng tạo trong sáng, tinh khiết mà bây giờ không còn nữa. Chúng tôi từng tổ chức một đêm thơ mang tên "Quyến luyến thế kỷ này", ở đó, Diệp Minh Tuyền lần đầu hát "Đời mình là một khúc quân hành",... Đến bây giờ, tôi cũng quyến luyến một thế kỷ thơ ca đã đi qua.

- Anh cho rằng, đó là thời hoàng kim của thơ ca, mọi người nghe thơ như một nhu cầu tự thân. Bây giờ không khí thơ ấy không còn nhưng người làm thơ vẫn nhiều, thậm chí rất nhiều nhưng người đọc thơ không còn bao nhiêu. Anh lý giải nghịch lý này như thế nào?

Nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh: Xuyên qua
Tác phẩm mới của nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh.

+ Tôi cho rằng, thời hoàng kim đã đi qua bởi từ hai phía, từ công chúng và những người làm thơ. Nói rằng công chúng của thơ đã mất là chưa đúng, nhưng cách thức ta tiếp cận với thơ thế nào thì phải suy nghĩ. Mỗi cuộc ra mắt thơ, xuất bản thơ bị hình thức, cứng nhắc. Thơ ca mất đi hồn cốt, sự lấp lánh của ngôn ngữ mà đi vào hình thức thì không còn hấp dẫn. Cách đây 5 năm, khi nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm còn sống, chúng tôi đã làm đêm thơ "Vừng ơi mở cửa" rất thành công. Đó là một ngày hội dành cho thơ và tôi thấy rằng thơ ca vẫn sống. Thơ chưa bao giờ rời đi và chúng ta cũng chưa hết yêu nó. Có thể, chúng ta đang mải mê ngắm cảnh ở đâu đó mà quên rằng thơ đang hiện diện, an ủi chúng ta rất nhiều.

- Có thể, do việc xuất bản thơ hiện nay quá dễ, ai cũng có thể in thơ trong khi thơ là những gì tinh túy nhất, "quý hồ tinh bất quý hồ đa"? Điều này thuộc về trách nhiệm của những nhà xuất bản?

+ Hiện nay, Luật Xuất bản chỉ quy định đúng - sai chứ không quy định hay - dở. Trong khi thực tế nhiều người cứ ảo tưởng mình là nhà thơ. Làm văn chương không thể háo danh, chính sự dễ dãi của chúng ta trong việc xuất bản đã góp phần làm cho đời sống văn chương bị ô nhiễm. Tôi nghĩ, trước hết, người sáng tạo phải có lòng tự trọng về chữ nghĩa, phải biết tự thẹn với mình, viết như thế này có nên xuất bản không. Một phần cũng do lý luận phê bình của mình vừa thiếu vừa yếu vì những người làm phê bình cũng mới chỉ viết cho vừa lòng bạn đọc chứ chưa có những tiếng nói phản biện mạnh mẽ.

Chúng ta nên định vị lại, có nhiều tập thơ, nhà thơ, là thơ hay văn vần. Chúng ta tôn trọng cá tính sáng tạo và tính phong trào vì có phong trào mới có đỉnh cao nhưng cần phân biệt rõ, thơ phong trào và thơ chuyên nghiệp. Bây giờ chúng ta đang lẫn lộn.

- Anh được nàng thơ điểm mặt chỉ tên từ khi còn trẻ giữa một rừng sinh viên làm thơ nhưng tận 30 năm sau, năm 2021 anh mới ra tập thơ đầu tiên và mới đây là tập "Viễn ca". Lý do gì mà anh phụ nàng thơ lâu đến thế?

+ Tôi là người khi đi học rất vĩ cuồng, hay lập ngôn. Ngày đó tôi ảo tưởng rằng mình sẽ làm nên điều gì đó. Năm cuối Đại học (1990), tôi có 1/2 tập thơ được NXB Lao Động in ( in chung với một tác giả trẻ khác) với tiêu đề: Lời yêu trong mắt. Sau này có 2 lý do khiến tôi rời xa thơ. Công việc làm báo cuốn tôi đi, tư duy báo chí và tư duy thơ ca hoàn toàn khác biệt. Tôi không làm thơ nữa. Hơn nữa, tôi không xuất bản do những cái tôi viết ra chưa phải là hay nhất... và vì lười...

- Có phải thơ như là "tình cũ không rủ cũng về"? Sau khi phụ nàng, mải mê đi tìm danh vọng sự nghiệp, cuối cùng căn cốt vẫn là chàng văn, thơ có trong cốt tủy nên chỉ cần có môi trường và điều kiện thuận lợi là thơ lại quay về?

+ Thực ra, rất tình cờ, có một hôm, Nhật Minh - Trưởng Ban Văn học nghệ thuật VOV và tôi uống rượu cùng bạn bè. Lần đầu tiên sau nhiều năm tôi quay lại với giới văn chương. Và, tôi xúc động khi nghe tiến sĩ ngôn ngữ học, nhà thơ Đỗ Anh Vũ đọc thuộc một bài thơ dài của tôi phát trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Cũng hôm đó, có một bạn đọc ở Canada nhắn cho tôi, có phải là Tiến Thanh - tác giả bài thơ anh đọc trên báo tường ở trường đại học. Thú thực, tôi rất xúc động, không nghĩ thơ của mình có thể chạm vào xúc cảm và mọi người nhớ lâu đến thế. Hóa ra, nó là cốt tủy của mình, chưa bao giờ rời khỏi mình.

Hồi đó, thời điểm COVID-19, tôi làm việc online nên có những khoảng lặng. Và, tôi quay lại với thơ, quyết định xuất bản 2 tập thơ. Tôi tập hợp những bài thơ ngày xưa, có những bài đã đi ra khỏi trí nhớ của mình nhưng được bạn bè gửi lại từ những cuốn sổ chép tay. Sau khi ra 2 tập thơ đầu tiên, anh Nguyễn Thụy Kha gửi cho tôi bản gốc một bài thơ đánh máy giấy đen sì tôi viết những năm 90: "Hoang tưởng lần cuối". Và, tôi đưa bài đó vào tập "Viễn ca". Nói thế để thấy, mọi sự trên đời đều có những cơ duyên.

- Là một người có rất nhiều ý tưởng, ở bất cứ lĩnh vực nào, báo chí, xuất bản, anh đều có những sáng kiến hay. Tôi nghe nói anh và Chủ tịch Hội Nhà văn đang nung nấu một dự án đọc thơ ở Hồ Gươm? Anh có thể chia sẻ về điều này?

+ Tôi muốn khôi phục lại không khí thơ ca ngày xưa, ý tưởng là sẽ làm ở phố đi bộ Hoàn Kiếm hoặc đường Nguyễn Du. Tôi hiện nay là Trưởng Ban Truyền thông của Hội Nhà văn Việt Nam, vì thế chúng tôi có kế hoạch tổ chức những hoạt động thơ mang tính quảng trường. Tái hiện và phục sinh một hoạt động của văn hóa. Nó không phải là hoạt động đơn lẻ, chỉ tổ chức một sự kiện rồi thôi mà tôi muốn thơ có đời sống, trở thành một phần trong đời sống văn hóa của Hà Nội.

- Ngẫm lại cuộc đời, anh có thấy số phận mình may mắn và luôn được cuộc sống ưu ái?

+ Đôi khi tôi vẫn tự hỏi, nếu 30 năm trước mình ở lại trường làm giảng viên thì cuộc đời sẽ ra sao. Việc mình bỏ đi làm báo có gì sai không. Nhưng, đúng hay sai đâu có gì quan trọng nhỉ. Khóa tôi có 2 người đặc biệt, một người thành danh đứng đầu một ngành và một người bỏ phố về quê vui thú điền viên, di dưỡng tinh thần như cụ Nguyễn Trãi xưa. Tôi nghĩ, sống một cuộc đời, không có gì đúng hay sai mà là thuận theo tự nhiên.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh!

Ảnh trong bài: Đặng Giang

Như Bình - Việt Linh (thực hiện)
.
.