Nhà thơ Hồng Thanh Quang: “Chỉ mong được thấu hiểu…”
“Điều đặc biệt nhất trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua là tôi không nghĩ mình được sống đến năm 60 tuổi, đúng một vòng quay tuổi Nhâm Dần” - nhà thơ Hồng Thanh Quang chia sẻ thành thật và xúc động như vậy trong cuộc gặp gỡ với tôi vào đầu xuân 2022.
Bước ngoặt lớn trên giường bệnh
- Nhà báo Phan Đăng: Thưa nhà thơ Hồng Thanh Quang, thời còn trẻ có bao giờ ông hình dung đến bức chân dung của mình vào năm 60 tuổi hay không?
- Nhà thơ Hồng Thanh Quang: Thực ra tôi không bao giờ nghĩ đến việc đến năm 60 tuổi thì đời mình sẽ như thế nào nhưng cách đây hơn 3 năm, khi tôi lâm trọng bệnh, một chân bước vào cửa tử thì tôi đã nghĩ đời mình đến đây coi như chấm dứt. Khi ấy, tôi đang chữa bệnh ở Singapore, một đêm tỉnh dậy nhìn ra bầu trời và những khu phố trung tâm ban ngày đông đúc là thế mà đêm về lại cực kỳ vắng lặng, thấy trong mình như thể rỗng không và đầy đau đớn, tôi bỗng lạnh toát cả người vì chợt hiểu, có thể thậm chí mình sẽ không còn cơ hội để trở về Hà Nội nữa. Cho nên, đến lúc này, được chạm vào một cái Tết ở tuổi 60 thì tôi rất là vui và tôi thấy mình có cái nhìn khoan dung hơn với cuộc đời. Bây giờ, càng sống tôi càng thấy con người cần phải học cách khoan dung.
- Ở thời điểm chính thức nghe bác sĩ thông báo về tình hình sức khỏe của mình, chắc là một nỗi chấn động lớn đã xảy ra trong ông?
- Thật ra, tôi đã trải qua rất nhiều cảnh ngộ khác nhau: Đi bộ đội từ năm 17 tuổi, sống ở những địa bàn gian khổ, trải qua những thời kỳ vô cùng thiếu thốn. Hồi còn bé, chỉ 1-2 tháng tuổi tôi đã phải mổ ở cổ để chữa bệnh bạch hầu... Nhưng, hầu như cả đời tôi không bao giờ bị ốm tới mức phải nằm viện cả. Và, tôi sống lúc nào cũng ào ạt tiến lên phía trước, chả mấy khi dừng bước ngẫm ngợi suy xét... Chính từ những trải nghiệm như vậy mà sau này trưởng thành, tôi luôn rất tự tin với sức khỏe của mình. Đùng một cái, đến đầu năm 2019, tôi bị gần như là đột quỵ, chỉ số Creatinin - chỉ số thận lên tới 850. Nói để bạn hình dung thế này: Chỉ số Creatinin chỉ vào khoảng 300 thì đã là suy thận cấp độ 3, phải đi chạy thận rồi. Đến khoảng 400 thì đã bắt đầu đột quỵ. Thế mà khi tôi vào Bệnh viện 108 ngày 1-1-2019, chỉ số Creatinin của tôi lên tận 850. Lúc ấy, bề ngoài tôi vẫn cười nói nhơn nhơn nhưng thực chất bên trong đã suy sụp rất ghê gớm rồi.
Sau đó chữa ở Việt Nam không phát hiện ra bệnh, tôi phải sang Singapore. Các bác sĩ Singapore kiểm tra thận thấy không có vấn đề gì nhưng sau khi xem kết quả xét nghiệm máu, họ chuyển sang sinh thiết tủy. Và, bác sĩ đã nói với vợ tôi: nếu không chữa bệnh, ông này cùng lắm là sống được 2 tháng nữa. Vợ tôi lúc ấy cũng không nói với tôi nên mãi sau này tôi mới biết. Rất may là tôi đã gặp thầy, gặp thuốc. Cuối năm 2019, tôi cấy tế bào gốc thành công và đến lúc này coi như đang sống trong trạng thái bình thường. Những lúc tưởng mình sắp chết, tôi hiểu rằng mình đã hoang phí sức lực, thời gian của mình quá nhiều, vì vậy bây giờ tôi hiểu, mình không thể hoang phí như vậy nữa. Mình cần phải sống với những gì gần gũi nhất, với những thứ giá trị thực chất nhất và với những điều gì mà mình thương yêu nhất.
- Đâu là điều hoang phí nhất, thưa ông?
- Điều hoang phí nhất là mình đã không biết rằng, đối với một đời người, cái quý giá nhất là những cái thân thuộc, gần gũi với mình nhất. Trước đây, nhiều khi mình bị lôi cuốn theo những tư duy xã hội, tin vào rất nhiều thước đo vật chất, tinh thần vốn không nằm ở bên trong mình, mà nằm ở những thứ khác. Và, chính cuộc phấn đấu, truy đuổi mà nói như Nguyễn Công Trứ là “Đã trót mang thân trong trời đất...” đôi khi lại khiến mình lầm lạc. Mình phải sống cho những niềm tin của chính mình chứ không phải là sống để cho thiên hạ...
- ...Khen mình!
- Đúng rồi! Khen mình! Và đánh giá mình! Cái mình thích đôi khi cũng không mâu thuẫn gì với cái đánh giá của thiên hạ nhưng cái chính là mình phải sống được yên ổn với chính mình. Tôi hiểu rằng, đại đa số chúng ta bất hạnh vì chúng ta không thể sống ổn thỏa với chính bản thân mình. Lúc đó, người ta luôn cần đến những yếu tố bên ngoài làm chỗ dựa. Nhưng, những chỗ dựa bên ngoài ấy chỉ luôn là những cái phao, không phải bao giờ cũng đem lại cho mình sự yên ổn. Khi chúng ta sống yên ổn với chính bản thân mình, chúng ta sẽ không bao giờ cô đơn ngay cả khi chỉ có một mình và bị dồn vào ngõ cụt.
- Trong nghề báo có một cái chức có thể coi là tột đỉnh quyền lực ở một tòa soạn, đó là chức tổng biên tập. Ông đã từng lên đến cái chức này, tức là đã có những trải nghiệm mà phần lớn những người làm báo mơ ước. Ông vừa nói là trước cơn bạo bệnh, có nhiều lúc mình bị cuốn theo tư duy xã hội, theo những thước đo được xã hội đánh giá. Muốn hay không muốn thì tổng biên tập cũng là một chức vụ được xã hội đánh giá cao. Vậy thì, trong những ngày nằm trên giường bệnh, nghĩ lại về những năm tháng ấy, liệu có điều gì mà nếu được làm lại, có thể ông sẽ làm khác đi không?
- Thực ra, đối với tôi, vị trí tổng biên tập không phải là một quyền lực, mà chỉ là một công việc tình cờ đến với tôi. Ở thời điểm đó, tôi bị dồn vào thế kẹt và cảm thấy đã hết cảm hứng để phát triển với đơn vị cũ. Có lẽ đó cũng chỉ là một cảm giác rất con người thôi, vì làm một cái gì, ở một nơi nào đó quá lâu, người ta ai cũng có cảm giác như vậy. Tôi muốn đi tìm một vị trí mới mẻ, thú vị hơn với mình. Thấp hơn hay cao hơn không quan trọng. Quan trọng là khác, là mới mẻ hơn. Và, với những kỳ ngộ với những vị lãnh đạo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khi ấy, tôi sang làm Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết. Mỗi một vị trí đều cho những trải nghiệm mà nếu không ngồi vào vị trí ấy mình không thể nào thấy hết. Con người ta dù có thông minh đến mấy cũng không thể ngồi trong phòng kín, ở một chỗ để thấu suốt được tất cả những vị trí khác ngoài mình.
Ở đơn vị cũ, khi làm phó tổng biên tập, tôi có một trách nhiệm khác, một tâm thế khác, sang đơn vị mới, làm tổng biên tập thì lại có những trải nghiệm hoàn toàn khác. Mà trước khi sang đơn vị mới làm tổng biên tập, tôi đã có một ý nghĩ ngây thơ và có thể là ngốc nghếch chăng, đó là với năng lực của mình, tôi có thể cùng tập thể mới hoàn thành tốt công việc. Lúc đấy đã có ý kiến rằng tờ báo cần phải thay máu hoàn toàn nhưng tôi thì lại tin rằng với năng lực và sự nhiệt huyết của mình, với tâm tính của mình, tôi vẫn có thể cùng những con người đang đi trên một con thuyền tới đích, hoàn thành những nhiệm vụ được giao. Tôi kiên quyết không bỏ ai cả, thậm chí còn nhận về một cách vô điều kiện cả những người từng bị buộc phải rời đi trước đó. Tất nhiên, sau khi đã trải nghiệm rồi, nhìn lại mọi sự, sẽ có những nhận thức khác, nhưng trong suốt 5 năm và 2 tháng làm tổng biên tập thì tôi vẫn trung thành với chính những tín điều của mình.
Tôi cũng rất hiểu xã hội bây giờ đã thay đổi, điều kiện làm báo đã khác và người tổng biên tập có lẽ không chỉ cần những bản lĩnh và kỹ năng mà tôi có. Nhưng thôi, có lẽ cũng là một định mệnh khi tôi trở bệnh vào đúng thời điểm mà tôi nghĩ mình cần phải rời khỏi vị trí ấy. Bởi vì, làm báo theo cách khác thì tôi không muốn, còn làm theo cách của tôi thì rất khó. Thực sự rất khó... Tôi không có gì ân hận cả.
Lá bùa hộ mệnh của tôi là...
- Tôi thấy trong ông có ít nhất 3 cuộc đời: Đầu tiên là cuộc đời của một phóng viên, làm chuyên môn thuần thúy; sau đó là cuộc đời của một tổng biên tập và cuối cùng là cuộc đời của một nhà thơ. Trong 3 cuộc đời ấy, ông thấy cuộc đời nào rốt cuộc mới đúng là mình nhất?
- Cuộc đời tôi không tách bạch từng công việc theo cách như thế. Thực ra, cái sự ngây ngô của nhà thơ đã có trong tôi từ bé. Cách đây không lâu, có một chú ở đơn vị bố tôi ngày xưa kể lại rằng, hồi mới học lớp 3 - lớp 4, tôi đã có những câu mang khẩu khí thi sĩ rồi. Sau này, tôi được đào tạo ở Nga về ngành kỹ sư vô tuyến điện, đào tạo một cách bài bản, chính quy nhưng tôi lại quyết định chuyển sang làm báo, là bởi vì tôi yêu thơ. Lúc ấy không có chức danh cụ thể nào cho nhà thơ trong đơn vị cả, chỉ có một vị trí gần với nhà thơ nhất, đó là nhà báo, nên tôi sang làm cho tờ Tin của Binh đoàn Tây Nguyên. Và, ngay từ những bài viết đầu tiên của tôi trên báo, tôi đã dùng những cách nhận biết về thơ, những kỹ năng về thơ để có thể truyền tải thông tin một cách dễ hiểu nhất cho người đọc.
Đến khi phụ trách chuyên mục bình luận quốc tế cho tờ Quân đội nhân dân Thứ bảy và Cuối tuần vào những năm 90 của thế kỷ 20 thì cách bình luận của tôi cũng có chất thơ. Sau này, rất nhiều lần tôi làm báo với tâm thế và góc nhìn của nhà thơ. Ngược lại, cũng có rất nhiều lúc tôi làm thơ với những cảm nhận được đúc rút từ hoạt động báo chí. Đến khi tôi làm tổng thư ký tòa soạn hoặc tổng biên tập thì chính sự nhạy cảm bản năng của nhà thơ đã giúp tôi có được những xử lý rất đúng trong những chiến dịch tuyên truyền rất phức tạp và lắm khi khá mù mịt.
- Như vậy là khi tự nhận thức lại thì ông đã nhìn ra một con người gốc, chạy tiềm ẩn, xuyên suốt ở bên trong mình, đó chính là con người thi sĩ. Và, ông vừa liệt kê hàng loạt ưu điểm của con người ấy. Nhưng, tôi nghĩ là cũng không tránh khỏi những lúc con người ấy lại là điểm yếu của ông, thậm chí làm hại không?
- Không! Tâm thế nhà thơ chính là lá bùa để bảo vệ nhân tính trong con người mình. Bây giờ nhìn lại tôi mới thấy những vị trí mình đã trải qua đều có rất nhiều cám dỗ, thậm chí rất nhiều cạm bẫy nhưng chính nhờ phẩm hạnh nhà thơ mà mình đã có thể thoát ra tất cả. Trong cuộc chạy đua với danh lợi xã hội, chúng ta thường có nguy cơ đánh mất những phẩm hạnh thiên phú rất tốt đẹp của chúng ta. Tôi cũng như mọi người thôi. Cũng có những khao khát, những lúc đúng, lúc sai nhưng nếu như không có phẩm hạnh nhà thơ để tạo ra những cái phanh vô hình thì chắc chắn mình cũng sẽ đua theo. Và, không thể nói mạnh được, cũng có thể mình sẽ bị lầm lạc chứ. Nhưng, bây giờ nhìn lại tôi thấy mình luôn dừng được ở bên mép vực nhờ phẩm hạnh nhà thơ. Mà phẩm hạnh ấy, lúc ấy mình không ý thức được. Tự nó trỗi dậy như một bản năng thôi.
- Thực lòng, tôi vẫn chưa thỏa mãn lắm, nên xin phép ông để thử đưa ra một phản biện. Người ta vẫn nói, con người quản lý là con người logic, chặt chẽ, kỷ luật, còn con người thơ ca lại thường là con người lãng đãng, bay bổng, giàu cảm xúc. Và tôi nghĩ trong không ít các trường hợp, hai con người này thường có xu thế đối chọi nhau, thậm chí dễ làm tổn thương nhau. Tất nhiên, cũng có những cá nhân có thể sống cùng lúc với 2-3 con người khác nhau, mà con người nào cũng đều trọn vẹn cả. Nhưng, số lượng những người như thế không nhiều. Họ thường là những bậc thiên tài, vĩ nhân. Ông nghĩ gì về điều này?
- Nếu tất cả những nhà quản lý xã hội đều là nhà thơ thì đấy là một thảm họa...
- Vâng! Chắc chắn là như thế!
- Nhưng, nếu có một vài nhà thơ làm quản lý, kể cả ở những cấp độ cao nhất thì đấy lại là phúc lợi cho sự tiến hóa chung. Cách đây gần 30 năm, nước Tiệp Khắc cũ từng có một tổng thống là một nhà viết kịch, ông Vaclaw Haven. Và, khi ông ấy sang thăm nước Mỹ thì một trong những tờ báo lớn nhất của Mỹ viết rằng: Có lẽ phải hàng trăm năm nữa, nước Mỹ mới có một vị tổng thống nhân văn như thế. Tất nhiên, những vị tổng thống nhân văn như thế thì không thể tồn tại lâu. Ông ấy chỉ làm một nhiệm kỳ rồi nhường chỗ cho các chính trị gia chuyên nghiệp khác. Nhưng, sự xuất hiện của ông ấy trên cương vị một tổng thống giúp người ta thấy rằng: giả dụ mọi sự vốn vẫn được coi là bình thường của đời sống lại được bổ sung thêm chất thơ của những người làm văn làm thơ thì nó sẽ khác hơn. Với cá nhân tôi, khi làm tổng biên tập, chính chất thơ trong tôi đã giúp tôi không trở nên tàn nhẫn, tàn khốc và bị tha hóa bởi hoàn cảnh như một số người khác. Nhìn nhận như thế sẽ thấy tố chất nhà thơ không phải là điểm yếu khi tôi làm công tác quản lý, mà lại là một sự cộng vào. Tất nhiên, tôi cũng có những điểm yếu và với một số cá nhân cụ thể nào đó, trong từng cảnh huống cụ thể, mình cũng có những sự thất thố chứ. Nhưng, tôi nghĩ những sự cố ấy vẫn ở mức chấp nhận được.
Lời biện hộ cuối cùng
- Tôi thấy các nhà phê bình văn học thường chia ra 2 mẫu hình nhà thơ, mà cũng là 2 mẫu hình sáng tạo nghệ thuật nói chung. Một là những người làm thơ theo kiểu “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Tác phẩm của họ chắt lọc và sâu sắc. Hai là những người có thể làm tới 4-5 bài thơ chỉ sau một buổi tối đi chơi với một cô gái. Thơ của họ cứ tuôn ra ào ạt nhưng những câu thơ thực sự còn lại thì chẳng được bao nhiêu. Một cách khách quan nhất, nhà thơ Hồng Thanh Quang tự nhận mình thuộc mẫu hình nào?
- Phân loại nhà thơ là công việc của những nhà phê bình và việc đó nói cho cùng, chả mấy liên quan tới cảm hứng sáng tạo của các nhà thơ. Đối với tôi, từ rất lâu rồi, thơ giống như là hơi thở. Ở đâu người ta cũng phải thở. Có những nhà thơ viết là vì muốn viết, lại có những nhà thơ viết vì không thể không viết. Những câu thơ của tôi là những câu không thể không viết ra. Như sống mà không thể không thở vậy. Chẳng có mục đích gì cả, chỉ là nếu không viết ra thì tôi không chịu được. Và, tôi nghĩ, thơ hay hay dở không phải vì ít hay nhiều. Có người viết nhiều vẫn lắm câu thơ hay, có người thì viết ít nhưng câu nào cũng dở... Vấn đề là ai viết thơ, chứ không phải viết thơ như thế nào...
Mà bây giờ tôi nghĩ nhà thơ thật là người mà ngay cả khi không viết câu thơ nào, nhìn họ bạn cũng sẽ thấy đấy chính là nhà thơ thật. Và có những người luôn vỗ ngực “tôi là nhà thơ đây” thì khi bạn đọc thơ của họ, bạn lại thấy rất ít chất thơ... Tôi vẫn nhớ hồi sinh viên, tôi có dịch truyện ngắn “Tấu trình của Brodie” của nhà văn người Argentina, Jorge Luis Borges, viết về một người đi sang vùng Amazon truyền đạo. Ở đấy, ông gặp một bộ lạc sống hoàn toàn bản năng, nguyên thủy. Ngôn ngữ của họ là ngôn ngữ đơn âm nên nếu có một ai đó trong bộ lạc liên kết được các mảnh ngôn ngữ với nhau thì toàn bộ lạc đều kính trọng và gọi đấy là nhà thơ. Họ cho rằng những nhà thơ như vậy có mối liên thông với trời. Nhưng, khi toàn bộ lạc lùi ra, tôn vinh, kính trọng nhà thơ ấy thì cũng là lúc họ ném đá nhà thơ ấy đến chết. Theo tôi, câu chuyện này nói lên vai trò của nhà thơ trong bất cứ cộng đồng nào theo ý nghĩa nguyên thủy của con người. Nó có tính hai mặt. Ở mặt thứ nhất, ai cũng muốn có một vài câu thơ hoặc muốn trở thành nhà thơ. Nhưng, ở mặt thứ hai, người được gọi là “nhà thơ” cũng sẽ bị cộng đồng gán cho những điều bất bình thường: Gàn dở, điên khùng, nát rượu, trăng hoa... Nếu là nhà thơ đích thực, là người được trời chọn thì phải biết chấp nhận cả mặt thứ hai này, kể cả khi bị cái gọi là cộng đồng ném đá.
- Tôi nghe nói trong quá khứ, cũng có nhiều lần ông chinh phục những người phụ nữ bằng thơ. Có thật không nhỉ?
- Tôi chưa chinh phục người phụ nữ nào cả. Mà chỉ có những người phụ nữ chinh phục tôi
- (Cười...) Vì ông là nhà thơ?
- Không phải! Mà vì cái gì thì tôi cũng không biết nữa! Nhưng, tôi biết rằng mình không rắp tâm chinh phục ai bao giờ cả. Mọi chuyện trong cuộc đời cứ tự nhiên diễn ra. Và, cuộc sống cho thấy, người thực sự yêu thương, xót xa tôi thì chả quan tâm đến thơ, thậm chí còn rất không muốn tôi làm thơ, vì cho rằng, nếu tôi không phải nhà thơ, tôi sẽ là người đàn ông chỉn chu, thuần hậu hơn nhiều...
- Khi hỏi các nhà thơ rằng “bài thơ này tặng ai?” thì phần lớn sẽ bảo “chẳng có ai cụ thể cả”, mà đó là một hình tượng phụ nữ/một hình tượng nghệ thuật nói chung. Nhưng, nhà thơ Hồng Thanh Quang là người cá tính và dũng cảm nên tôi nghĩ ông sẽ không trả lời theo lối mòn đơn điệu ấy?
- (Nghĩ...) Trước hết, nhà thơ phải có sẵn những câu thơ trong mình. Đến khi mình gặp một người nào đó đặc biệt, mình sẽ thấy họ như một vị chúa, chạm vào trán mình và những câu thơ ấy bật ra. Tất nhiên, những câu thơ nhờ họ mà được gọi ra thì cũng ít nhiều có dấu vết của họ, nhưng cái chính là mình phải có sẵn thơ từ trước. Nếu không có sẵn thơ thì ngay cả khi gặp Chúa thật cũng chẳng có câu thơ nào được viết ra đâu.
- “Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc/ Em tìm gì khi thất vọng về tôi...” - người đàn bà cụ thể nào đã gọi trong ông những câu thơ ấy?
- “Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc” là câu thơ khởi thủy từ một người đàn bà tóc dài nhưng toàn bộ bài thơ lại nói về định mệnh của một người đàn bà tóc ngắn - chính là người vợ tôi lúc ấy. Suy cho cùng, vượt lên trên những cái cụ thể là hình tượng nói chung của những người phụ nữ không bao giờ thỏa mãn với cái mình đang có. Đấy là những người phụ nữ luôn muốn kiếm tìm cái đích thực trong cuộc đời nhưng lại không bao giờ tìm thấy được. Dù có trèo lên đỉnh núi cao nhất thì họ vẫn thấy nó chưa phải là cái xứng đáng với mình. Cái đó thì chúng ta không thể hiểu và lý giải được, chỉ biết nó làm chúng ta nhớ đến một câu hát về những vận động viên leo núi của Vladimir Vysotsky ở Liên Xô trước đây: “Tuyệt hơn núi chỉ có thể là những đỉnh/ Núi ta từng chưa lên”.
- Tôi rất hiểu điều ông vừa nói, rằng bài thơ không phải là câu chuyện về một người phụ nữ cụ thể, tính triết lý ở trong nó cũng vượt thoát khỏi chủ đề phụ nữ nói chung. Nhưng, nói gì thì nói, khi đọc lại những câu thơ ấy, nhiều người vẫn ít nhiều hoài niệm về cố ca sĩ Lê Dung.
- Khi tôi viết bài thơ này thì mối quan hệ vợ chồng của tôi với ca sĩ Lê Dung vẫn rất ổn. Chưa có bất cứ dấu hiệu nào giống như sau này nó diễn ra. Nhưng, bài thơ giống như một sự linh cảm. Nói chung, những bài thơ có giá trị thường ít nhiều có tính linh cảm, dự báo. Nói như Nguyễn Du, “một lời là một vận vào...”. Rồi bạn sẽ thấy, với những tình yêu thật thì gặp nhau cũng có lý, mà chia tay cũng có lý. Và, sự chia tay cũng sẽ không bôi lem, không phá giá những đẹp đẽ lúc ban đầu. Nó cũng giống như tất cả chúng ta vậy: sinh ra rồi cũng phải chết đi. Nhưng, cái chết không có nghĩa là toàn bộ quá trình sinh ra, trưởng thành trước đó là vô nghĩa.
- Có bao giờ ông nghĩ, giả dụ ông gặp ca sĩ Lê Dung vào thời điểm muộn hơn một chút, lúc ông trưởng thành hơn, chín chắn hơn, sâu lắng hơn thì mối quan hệ ấy có thể đã đi theo một cách rất khác rồi không?
- Mọi thứ đều chỉ là duy nhất, không lặp lại. Vì vậy không nên đặt ra những tình huống giả sử. Đặt ra, nói kiểu gì thì cũng là không thật. Bây giờ nghiệm lại, tôi nhận ra ở đời có những người làm việc tốt với động cơ xấu. Ví dụ, có những người đối xử với bạn rất trọng vọng nhưng không phải vì coi trọng tài năng của bạn mà vì muốn sử dụng bạn. Đến lúc không sử dụng được bạn nữa thì họ quay ra đối xử tàn tệ, tàn nhẫn, tàn bạo với bạn ngay. Và, đôi khi lại có những người phạm phải những việc xấu với... động cơ tốt, như kiểu “thật thà hư” (cười)...
Cũng như thế, có những nhà thơ phạm phải những điều không đúng trong tình cảm, vì cứ tưởng mình làm điều này là tốt cho người mình yêu nhưng hóa ra không phải. Chẳng hạn như khi mình chối bỏ một tình cảm để hy vọng người ta được yên ổn nhưng hóa ra lại tạo nên một nỗi đau lớn, khiến cả đời người ta không quên được. Cũng như vậy, có những khi tưởng là mình yêu người ta, mang đến hạnh phúc cho người ta nhưng hóa ra lại mang đến nỗi bất hạnh lớn nhất cho người ta. May thay, với nhà thơ, trong cả những sai lầm, những cái không đúng đắn ấy thì họ vẫn được chuộc tội bằng những câu thơ. Và, đó là lời biện hộ dù yếu ớt nhưng dẫu sao cũng là lời biện hộ dành cho các nhà thơ. Trong bất cứ tình huống nào của cuộc đời, kể cả những khi sai lầm nhất thì nhà thơ đích thực dẫu sao vẫn để lại cho cuộc đời những câu thơ đích thực.
Tôi cũng như những nhà thơ khác, không mong được tha thứ vì những thất thố có thể đã vô tình phạm phải của mình nhưng mong được thấu hiểu về những gì mà mình đã gây nên trong quá trình sống, quá trình yêu, quá trình làm nghề... Chỉ là mong một sự thấu hiểu thôi.
- Xin cảm ơn ông!
* Ảnh trong bài: Minh Trí