Người dân, doanh nghiệp là “sức ép” lớn nhất để thực hiện hiệu quả Đề án 06

Thứ Hai, 26/06/2023, 18:27

Đề án 06 đã được triển khai hơn một năm với nhiều kết quả nổi bật, được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao; nhưng còn rất nhiều khó khăn, đòi hỏi lãnh đạo các cấp phải nâng cao hơn nữa quyết tâm chính trị, tạo lập dữ liệu để tạo ra những giá trị mới và thực chất nhằm phục vụ hiệu quả người dân, doanh nghiệp và xã hội.

Phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH) Bộ Công an xung quanh những vấn đề “nóng” của đề án.

PV: Nói đến chuyển đổi số chính là nói về Đề án 06. Hơn một năm thực hiện trong tổng thể “tầm nhìn đến năm 2030”, đó là khoảng thời gian khá ngắn nhưng qua ghi nhận, những kết quả ban đầu đạt được đã trở thành nền tảng vững chắc để chúng ta triển khai công dân số, xã hội số, chính phủ số. Thưa Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng, ông có thể nói rõ hơn về những kết quả này?

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng: Đề án 06 được Thủ tướng Chính phủ ký và ban hành là đề án mang tầm cỡ quốc gia, do Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo. Hiếm có một đề án nào quy mô, vị trí, tính chất, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt như Đề án 06. Quan điểm xuyên suốt của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng như Tổ công tác thực hiện Đề án 06 chính là tạo ra một sự thay đổi, phát triển mạnh mẽ, toàn diện về kinh tế - xã hội cũng như nâng tầm công tác đảm bảo an ninh, quốc phòng, phát triển đất nước.

Người dân, doanh nghiệp là “sức ép” lớn nhất để thực hiện hiệu quả Đề án 06 -0

Đến ngày 31/5/2023, có 206 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái xử lý trên cổng dịch vụ công quốc gia, trong đó có 13,7 triệu hồ sơ trực tuyến; hơn 777.889 tài khoản định danh điện tử đăng nhập trên Cổng dịch vụ công quốc gia với gần 3 triệu lượt đăng nhập. Đối với 25 dịch vụ công thiết yếu thực hiện trên môi trường điện tử, một số dịch vụ công tỷ lệ trực tuyến cao đạt 100%. Có gần 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến thành công, đạt tỷ lệ tới gần 95%. Với 2 dịch vụ công liên thông thí điểm tại Hà Nội và Hà Nam đã mang lại những kết quả khả quan, cơ bản đáp ứng được yêu cầu liên thông thủ tục hành chính, cũng như sự đồng tình, ủng hộ của người dân.

Vừa qua, Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ký Kế hoạch phối hợp với 11 nhiệm vụ lớn và 35 nhiệm vụ cụ thể để phát triển các ứng dụng cho ngành ngân hàng. Đến nay, đã xác thực 25/51 triệu thông tin tín dụng khách hàng vay với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó có 21,3 triệu thông tin khách hàng trùng khớp, đạt tỷ lệ hơn 83%. Bộ Tài chính đã nghiên cứu giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với dịch vụ ăn uống, chống thất thu thuế, thất thu ngân sách, triển khai giai đoạn 2 từ 1/4/2023.

Đến ngày 18/5/2023, có 16.814 doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền thành công (tăng gần 4.000 doanh nghiệp so với tháng 4/2023), với số lượng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền là 4,68 triệu hóa đơn. Tổng số tiền thuế thu trên hóa đơn 222,8 tỷ đồng (tăng 118 tỷ đồng so với tháng 4/2023). Cùng với đó, thí điểm toàn trình sinh trắc học khi công dân đi tàu bay tại Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, Nội Bài, Phú Bài, Tân Sơn Nhất. Thực hiện chi trả an sinh xã hội dưới hình thức không dùng tiền mặt. Hơn 37,1 triệu hồ sơ đã được cấp định danh điện tử với gần 17 triệu tài khoản được kích hoạt. Đến nay có 30 tỉnh, thành phố cơ bản hoàn thành chỉ tiêu cấp CCCD gắn chip. 12.434/13.068 cơ sở khám chữa bệnh triển khai CCCD gắn chip tích hợp thẻ bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ 95,15%.

Bộ Công an đã kết nối chính thức với 13 bộ, ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước (EVN), 3 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương phục vụ việc khai thác, cập nhật dữ liệu quốc gia về dân cư đến từng xã/phường/thị trấn. Đến ngày 19/5/2023, có 9 bộ, ngành, 55 tỉnh, thành phố đã thực hiện kết nối, đồng bộ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức (tăng 5 bộ, ngành và 11 địa phương so với tháng 4).

PV: Cách đây chưa lâu, ông đã tặng hoa chúc mừng công dân đầu tiên của Hà Nội thực hiện thành công dịch vụ công liên thông, đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho con. Bộ trưởng Tô Lâm trong những cuộc họp chỉ đạo về Đề án 06 cũng thường nhắc đến yêu cầu, làm thế nào để một cháu bé mới sinh ra..., người thân có thể ngồi ở bất cứ đâu, sau vài phút là đã hoàn thành tất cả những thủ tục về khai sinh, bảo hiểm... cho cháu bé. Có lẽ, đây chính là những lợi ích thiết thực mà người dân được hưởng lợi từ chuyển đổi số, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng: Đó chính là chuyển đổi số, là Đề án 06 và cũng là kết quả của sự miệt mài, trách nhiệm, nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương, trong đó Hà Nội và Hà Nam là 2 địa phương thí điểm triển khai 2 dịch vụ công liên thông trực tuyến. Quá trình triển khai 2 dịch vụ công liên thông này, đồng chí Đại tướng, Bộ trưởng Tô Lâm rất quan tâm, theo dõi sát sao những kết quả, chỉ đạo sâu sát, giải quyết nhanh chóng những vướng mắc, khó khăn phát sinh trên tinh thần tất cả lấy “người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”.

Khi chứng kiến người dân thao tác trên máy tính, hoàn thành thủ tục đăng ký khai sinh cho con, không chỉ riêng tôi vui, mà tất cả những cán bộ giải quyết thủ tục hành chính của UBND các cấp có mặt tại UBND phường Hàng Bài khi đó cũng chung niềm vui lớn, bởi những thủ tục tưởng chừng mất rất nhiều thời gian, thậm chí nhiêu khê trước đó thì giờ chỉ cần “một chạm” trên máy tính, điện thoại di động là công dân, cán bộ có thể hoàn thành.

Chỉ khi người dân, doanh nghiệp được hưởng những thành quả, thành tựu của Đề án 06 thì lúc đó đề án mới thật sự có ý nghĩa. Càng sớm tạo lập, kết nối được dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương thì giá trị, lợi ích mang lại càng nhanh và hiệu quả cao. Khi hoàn thành các mục tiêu của Đề án 06 sẽ góp phần tăng trưởng, mục tiêu cụ thể đến năm 2030 tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 30% GDP cho quốc gia.

Người dân, doanh nghiệp là “sức ép” lớn nhất để thực hiện hiệu quả Đề án 06 -0
Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Nguyễn Quốc Hùng chúc mừng công dân đầu tiên của Hà Nội thực hiện dịch vụ công liên thông trực tuyến đăng ký khai sinh (tháng 12/2022).

PV: Chúng ta hãy quay lại thời gian trước đó một chút, khi những ngày đầu Luật Cư trú có hiệu lực, bỏ hộ khẩu giấy, người dân lại cảm thấy khó khăn hơn khi các cơ quan hành chính khác yêu cầu phải có giấy xác nhận tạm trú. Như vậy, rõ ràng là chuyển đổi số nhưng người dân vẫn bị phiền toái bởi sự vào cuộc chưa đồng bộ của nhiều bộ, ngành, địa phương. Trước những tình huống đó, Bộ Công an đã phản ứng như thế nào để vì dân, an dân?

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng: Trước khi Luật Cư trú và quy định về bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy có hiệu lực từ ngày 1/1/2023, Bộ Công an đã đốc thúc, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương phải khẩn trương chuẩn bị những điều kiện cần thiết để thực hiện luật và quy định trên. Bộ Công an cũng hướng dẫn chi tiết 7 phương thức sử dụng thông tin trên thẻ CCCD thay thế sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy. Đáng chú ý, phương thức xác nhận nơi cư trú tại công an phường chỉ là cách thức cuối cùng dành cho những thôn, xã, nơi chưa có internet, chưa có điện lưới quốc gia, tạo điều kiện cho cán bộ cơ sở và người dân ở nơi đó. Tuy nhiên, thay vì áp dụng 6 phương thức hiện đại còn lại, các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp đã yêu cầu người dân phải có giấy xác nhận nơi cư trú trong giải quyết thủ tục hành chính, gây khó khăn, vất vả cho người dân, gây bức xúc trong nhân dân và dư luận.

Ngay sau khi nắm bắt thông tin, Bộ Công an, Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ đã báo cáo Thủ tướng, Phó Thủ tướng họp gấp và chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chấm dứt ngay tình trạng hành dân qua việc giấy xác nhận cư trú và mới đây là phiếu lý lịch tư pháp.

PV: Để đạt được những thành tích, kết quả như trên, có thể nói công sức của lực lượng Công an ở 4 cấp, nhất là cơ sở trong quá trình thực hiện những dự án làm nền tảng cho Đề án 06 là rất to lớn. Được xem là “Tư lệnh” của lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH, ông muốn nói điều gì với cán bộ, chiến sĩ của lực lượng mình?

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng: Tôi trân trọng biết ơn những đóng góp to lớn của cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH. Và, không chỉ riêng lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH, trong những chiến dịch đó, còn là sự vào cuộc với quyết tâm chính trị cao nhất của các hệ lực lượng và lực lượng Công an các cấp. Nền tảng của Đề án 06 được hình thành và xây dựng trên cơ sở các dự án trước đó đã được Bộ Công an triển khai. Cụ thể, Dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Dự án sản xuất, cấp, quản lý CCCD là 2 dự án có ý nghĩa rất quan trọng trong tiến trình xây dựng chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, góp phần đổi mới công tác quản lý nhà nước, cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án (tháng 3/2020 và tháng 9/2020), Bộ Công an đã xác định việc triển khai thực hiện thành công 2 dự án là trách nhiệm chính trị, trách nhiệm pháp lý, là mệnh lệnh công tác và cũng là danh dự của lực lượng CAND. Đồng thời, đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của toàn lực lượng trong năm 2020- 2021. Bộ Công an đã thành lập Ban Chỉ đạo từ Trung ương tới địa phương để tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, ưu tiên cao nhất nguồn lực, kinh phí, phương tiện với tinh thần “thần tốc”, “vừa chạy, vừa xếp hàng” để hoàn thành các công việc của 2 dự án đúng tiến độ đề ra, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để triển khai đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ liên quan, bảo đảm nguyên tắc “hiện đại, đồng bộ, bảo mật cao, tránh lãng phí” xuyên suốt quá trình xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sản xuất, cấp, quản lý CCCD.

Hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ công an ở 4 cấp trên khắp các vùng, miền của Tổ quốc đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, có nhiều sáng tạo đột phá, không quản ngày đêm, vượt lên những khó khăn, vất vả để hoàn thành tốt nhiệm vụ thu thập thông tin cư dân, thu thập hồ sơ cấp CCCD gắn chip, lan tỏa hình ảnh cao đẹp của người chiến sĩ CAND vì nhân dân phục vụ.

Bộ trưởng Tô Lâm trong nhiều cuộc họp với Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ đã nhấn mạnh: Muốn không ai bị bỏ lại phía sau như phương châm của Chính phủ thì chúng ta phải biết “không ai” đó là “ai” bằng chính công tác quản lý hành chính hiện đại, điện tử, bằng việc cấp CCCD gắn chip. Bộ trưởng Tô Lâm còn dẫn chứng những ví dụ hết sức sinh động nhưng buốt nhói, đó là ngay ở những thành phố lớn vẫn có những trường hợp người lao động, người vô gia cư không có một mảnh giấy tờ nhưng họ vẫn sống, vẫn sinh con... Chúng ta phải tìm đến họ, cấp cho họ CCCD gắn chip để họ hòa nhập với xã hội, có điều kiện chăm sóc bản thân, gia đình, định danh họ để họ “không bị bỏ lại phía sau” trong dòng chảy nhộn nhịp của cuộc sống, mưu sinh.

Với sự quyết tâm, trách nhiệm của người đứng đầu công an các địa phương, lực lượng Công an cơ sở đã thực hiện đi tìm dân để cấp CCCD gắn chip, tạo lập tài khoản định danh điện tử. Anh em công an xã, công an cơ sở trèo đèo, lội suối, xuyên rừng để tìm dân, để phục vụ dân đã tạo nên những kết quả cao. Đến nay, có 2 tỉnh Hà Nam và Hà Tĩnh đã hoàn thành cấp 100% CCCD cho người dân trong độ tuổi. Hàng trăm xã và nhiều tỉnh, thành đăng ký đến ngày 30/6 sẽ hoàn thành chỉ tiêu này.

Công cuộc đi tìm dân để phục vụ cấp CCCD hiện nay dù số lượng còn khá ít nhưng rõ ràng rất vất vả, khó khăn. Với sự chỉ đạo kịp thời, hiệu quả của lãnh đạo Bộ Công an, chúng tôi đã tham mưu và điều chỉnh cách thức triển khai sao cho vừa đảm bảo hiệu quả nhưng đồng thời cũng gia tăng trách nhiệm của công an cơ sở, địa phương đối với công dân hiện đang cư trú trên địa bàn mình. Theo đó, công an cơ sở phải cấp CCCD cho tất cả những công dân đang sinh sống, cư trú trên địa bàn. Đối với những công dân có thường trú hiện đang ở địa phương khác sẽ gửi thông báo, phối hợp với công an nơi đó để tiến hành cấp CCCD gắn chip. Trách nhiệm của tất cả các đơn vị đều phải được nâng nên “mình vì mọi người, mọi người vì mình và chính đơn vị mình”.

PV: Trong chỉ đạo mới nhất của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH gửi công an các địa phương đã nhấn mạnh: Thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, đảm bảo dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống” nhưng không vì thành tích mà để sai lệch, nhầm lẫn dữ liệu, tạo biến động ảo. Điều này rất quan trọng, vì nếu dữ liệu không chuẩn sẽ dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng với người dân. Theo ông, công an các cấp phải làm gì để thực hiện nghiêm túc điều này, vì căn bệnh “thành tích” không phải một sớm một chiều xóa bỏ được?

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng: Không thể có biến động ảo được bởi dữ liệu công an các địa phương thu thập phải được đối chiếu, rà soát bằng “cổng” dữ liệu của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH. Tất cả dữ liệu đều phải được đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống” mới có thể cấp được CCCD gắn chip cho người dân. Chính vì vậy, quan điểm “tốc độ, gọn, nhanh, hiệu quả” chắc chắn sẽ được các địa phương triển khai thực hiện hiệu quả, bởi chỉ cần sai lệch một trường thông tin là sẽ phải thu thập lại, khi đó mất thời gian, công sức. Bộ Công an biểu dương những đơn vị, cá nhân làm tốt, có cách làm hay, đồng thời cũng phê bình, chấn chỉnh các địa phương chưa thật sự quyết liệt và hiệu quả. Tất cả lực lượng Công an đều phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị, là danh dự của người CAND.

Người dân, doanh nghiệp là “sức ép” lớn nhất để thực hiện hiệu quả Đề án 06 -0
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng trò chuyện cùng phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng.

PV: Ngày 27/4 vừa qua, Hà Nam là tỉnh đầu tiên trên cả nước “phủ sóng” 100% CCCD gắn chip cho người dân trong độ tuổi theo quy định, tiếp đến là tỉnh Hà Tĩnh và công an nhiều địa phương hoàn thành 100% nhiệm vụ này. “Chìa khóa” mở cửa vào “ngôi nhà số” đang được Bộ Công an nỗ lực thực hiện phục vụ người dân, nhưng để “ngôi nhà” đó thêm nhiều tiện ích, hiện đại thì trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc cung cấp những dịch vụ công trực tuyến như thế nào, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng: Hiện, Bộ Công an đã cấp trên 80 triệu thẻ CCCD cho người dân. Đây là kết quả nổi bật và có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nhiều địa phương đang nỗ lực và đã có nhiều xã, huyện đạt được chỉ tiêu trên. Công an cả nước đang quyết tâm hoàn thành những chỉ tiêu cấp CCCD theo chỉ đạo của đồng chí Bộ trưởng.

Việc “phủ sóng” CCCD gắn chip và xác thực tài khoản định danh điện tử cho công dân có ý nghĩa vô cùng quan trọng để xây dựng công dân số, một thành tố đặc biệt để làm nên xã hội số, Chính phủ số. Ngày 18/7/2022, được xem là dấu mốc lịch sử khi Bộ Công an đã chính thức cấp tài khoản định danh điện tử, đưa ứng dụng công dân số vào hoạt động, đánh dấu Việt Nam là một trong những nước đi đầu thế giới sử dụng định danh điện tử. Đến nay chúng ta đã thu nhận trên 27 triệu định danh điện tử, trong đó được phê duyệt hơn 23,7 triệu tài khoản, kích hoạt hơn 8,4 triệu tài khoản. Hàng trăm nghìn tài khoản VNEID với trên 2 triệu lượt đăng nhập dịch vụ công trực tuyến thay cho các cách thức trước đây được tiện lợi, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân đăng nhập, khắc phục tình trạng không có số điện thoại chính chủ, tiết kiệm cho Nhà nước hơn 2.047 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc có định danh điện tử, công dân số trên môi trường điện tử cũng đã góp phần giảm tình trạng gặp gỡ trực tiếp, loại bỏ dần tình trạng “tham nhũng vặt”. Đến nay, công an cấp xã trên toàn quốc thông qua VNEID đã tiếp nhận 705 phản ánh kiến nghị, giúp người dân đa dạng hóa phương thức phản ánh khiếu nại, tố giác tin báo tội phạm.

“Chìa khóa” để phục vụ công dân số đã và đang được Bộ Công an nỗ lực xây dựng nhưng xã hội số và chính phủ số phải được triển khai song song với đó, bằng chính những dịch vụ công các bộ, ngành, địa phương cung cấp trên nền tảng số hóa, trực tuyến. Tấm thẻ CCCD gắn chip dù có vô vàn tiện ích nhưng nếu không được kết nối vào dữ liệu, dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương xây dựng và phát triển thì cũng không phát huy được tác dụng, hiệu quả cao nhất. Khi đó, người dân vẫn chưa thật sự được hưởng những lợi ích từ sự chuyển động này.

PV: Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra 4 nhóm vấn đề là điểm nghẽn, nguy cơ nếu không giải quyết sớm sẽ làm chậm quá trình triển khai Đề án 06. Thiếu tướng có thể nói rõ hơn những khó khăn và đâu là biện pháp giải quyết?

Thiếu tướng Nguyễn Quốc Hùng: Hiện, chúng ta xác định còn 4 nhóm vấn đề là điểm nghẽn, nguy cơ nếu không giải quyết được sẽ làm chậm lộ trình Đề án 06, gồm: Pháp lý, hạ tầng công nghệ, dịch vụ công và nguồn lực triển khai Đề án.

Vừa qua, khi chúng ta thực hiện Luật Cư trú, trong đó có nội dung bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy, Bộ Công an đã có hướng dẫn cụ thể 7 phương thức xác thực thông tin công dân, song thời điểm ban đầu thực hiện, nhiều địa phương vẫn yêu cầu người dân phải có giấy xác nhận thông tin cư trú. Đây chính là một ví dụ điển hình về “điểm nghẽn” mang tính tư duy, trách nhiệm và rất nhanh chóng những tồn tại, hạn chế này đã được Thủ tướng, Phó Thủ tướng phụ trách chỉ đạo thực hiện Đề án 06 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải dỡ bỏ ngay. Người dân có quyền được hưởng những thành quả của đề án cũng như “đòi nợ” các bộ, ngành, địa phương khi những dịch vụ công trực tuyến, dữ liệu chuyên ngành đó chưa được số hóa, cập nhật, kết nối, liên thông.

Chúng ta cũng đang hướng tới “xây dựng nền hành chính văn minh, phát triển kinh tế, xã hội và phòng, chống tội phạm”. Do vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án 06 năm 2023 và những năm tiếp theo với 72 nội dung hết sức cụ thể và phân công trách nhiệm cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện kèm theo các mốc thời gian hoàn thành. Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cũng đã đề ra 101 nhiệm vụ của các bộ, ngành, 18 nhiệm vụ của các địa phương triển khai trong năm 2023. Bộ Công an cũng như Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ các bộ, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả những phần việc, nhiệm vụ đã đặt ra trong lộ trình triển khai Đề án 06.

Mới đây, Bộ Công an đã ký kết với Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các tỉnh, thành phố như Ninh Bình, Thừa Thiên-Huế, Thái Nguyên, Bình Dương... phối hợp triển khai hàng chục mô hình dịch vụ công trực tuyến. Để người dân đam mê với chuyển đổi số, với Đề án 06 thì không cách gì khác là cung cấp những dịch vụ công, hệ sinh thái phục vụ người dân trên môi trường số. Chỉ khi người dân, doanh nghiệp thấy được lợi ích to lớn thì đó không chỉ là cách tuyên truyền hiệu quả nhất, mà chính người dân, doanh nghiệp sẽ là động lực lớn nhất thúc ép các bộ, ngành, địa phương hoàn thành nhiệm vụ của Đề án 06.

PV: Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!

Thu Hòa - Hoàng Phong (thực hiện)
.
.