Nghệ sĩ nhân dân Minh Hòa: Đã có lúc tôi muốn bỏ nghề
"Bà cố vấn đến rồi. Đến rồi, anh ạ…", một cậu em chạy vào thông báo với tôi bằng cái giọng run run. Vậy nên, khi NSND Minh Hòa bước vào thì tôi kính cẩn: "Dạ, em chào bà cố vấn". Minh Hòa cười, tươi tắn, dễ mến, thoang thoáng ngỡ ngàng trước khi giải thích: "Đấy! Từ sau bộ phim "Ông cố vấn", khi đi ra đường rất nhiều người cứ thấy tôi là lại "chào bà cố vấn" hoặc "chào bà Trần Lệ Xuân", chứ ít người chào Minh Hòa lắm…".
Nhập vai các nhân vật lịch sử là một thách thức lớn
- Nhà báo Phan Đăng: Thì cũng tại chị nhập vai bà Trần Lệ Xuân quá tuyệt!
- NSND Minh Hòa (Cười...).
- Có bao giờ chị nghĩ đã quá thành công trong việc nhập một vai sắc sảo như Trần Lệ Xuân thì cũng có lúc thành công khi nhập một vai có chiều hướng tương phản như Nam Phương hoàng hậu?
- Câu hỏi làm tôi nhớ về cái thuở còn rất trẻ. Bản thân tôi lúc đó mập và gương mặt cũng tròn trịa hơn bây giờ nhiều, thêm nữa tôi lại có đuôi mắt khá dài, nên sau khi đóng vai bà Trần Lệ Xuân trong phim "Ông cố vấn" xong thì cũng có một đạo diễn đã nói với tôi, nếu có làm phim về Nam Phương hoàng hậu, ông ấy sẽ chọn Minh Hòa. Lúc đó tôi nghĩ rằng, mình không thể có cơ may trong cuộc đời được hóa thân vào hai nhân vật lịch sử đẹp và nổi tiếng đến như vậy. Sau này, khi tới Đà Lạt, thăm dinh Bảo Đại, tôi mới được chiêm ngưỡng dung nhan của bà Nam Phương và thấy rằng ngoại hình của tôi không có một chút gì tương đồng với bà cả. Bà có gương mặt trái xoan, tóc ngôi giữa và đôi mắt nhỏ. Trong khi tôi có gương mặt hơi nhọn, mắt trũng và dài, nên hợp với vai Trần Lệ Xuân hơn.
- Đấy là chuyện của phim ảnh. Còn ở ngoài đời, chị tự nhận thấy tính cách của mình và con người mình gần với ai hơn?
- Ôi! Thế thì phải nói thật, tính cách ngoài đời của tôi không giống bà Nam Phương mà cũng chẳng giống bà Trần Lệ Xuân. Bởi, với mọi người, tôi là một người khá bình dị, thậm chí là bình dân, chứ không hề cao quý, quyền lực hay tham vọng như vậy. Cha tôi làm nghệ thuật, mẹ tôi là công nhân. Chúng tôi sống trong một căn nhà tập thể của Nhà máy thuốc lá Thăng Long.
- Một người bình dị, bình dân mà lại nhập vai bà cố vấn xuất sắc đến như vậy, thế mới biết khả năng hóa thân của người nghệ sĩ đích thực ghê gớm nhường nào.
- Tôi ý thức rằng hóa thân vào một nhân vật lịch sử có thật là một câu chuyện cực kì phức tạp. Chính vì thế, sau khi vượt qua vòng casting, được đạo diễn lựa chọn cho vai bà Trần Lệ Xuân, tôi đã mất ăn mất ngủ ấy chứ. Ngày đó tôi còn rất trẻ và từng nghĩ mình không bao giờ đóng được kiểu vai như thế. Tôi nghĩ rằng, mình được nhận vai trước hết vì có gương mặt tương đối giống bà Trần Lệ Xuân, nhưng giống thôi chưa đủ, để trở thành bà ở trong phim lại là một câu chuyện khác. Rất may là tôi được sự hỗ trợ của các cô bác trong đoàn phim, đặc biệt là đạo diễn Lê Dân và nhà văn Hữu Mai. Sau đó vào Sài Gòn, tôi được xem nhiều phim tư liệu về bà. Nhưng, có một câu chuyện đặc biệt là bác họa sĩ của đoàn lại có trong tay đúng chiếc áo mà ngày xưa bà Trần Lệ Xuân từng mặc. Thế là dựa vào kiểu dáng của chiếc áo, đoàn phim đã đưa tôi đi may trang phục tại một nhà may nổi tiếng của Sài Gòn. Sau khi mặc đồ và được trang điểm xong, nhìn vào gương thì chính tôi không nhận ra tôi nữa nữa. Mà bạn biết không, tới lúc tôi bước ra khỏi phòng thay đồ, một nhân viên phục vụ trong dinh Độc lập lập tức "đứng hình". Chị ấy cứ nhìn tôi và thốt lên: "Trời ơi! Bà Xuân! Bà Xuân đây rồi!". Câu nói ấy là sự cổ vũ rất lớn để tôi có thể vững tin hơn. Sau đó thì tôi cứ như bị "nhập hồn". Từ tiếng nói, giọng điệu cho tới cách đi, cách ngồi... tôi cảm thấy mình quyền lực như chính “bà Rồng” vậy.
- Lý do sâu thẳm của sự "nhập hồn" ấy là bởi trước đó chị đã nghiên cứu tư liệu về bà Trần Lệ Xuân rất kỹ. Sau đó, toàn bộ những nghiên cứu ấy được chuyển hóa, nhập thần vào chị, giúp chị có thể diễn mà như không diễn. Một vai diễn thực sự để đời. Tôi lý giải vậy có đúng không?
- Rất đúng!
- Sở dĩ phải nói lại chuyện chị hóa thân vào bà Trần Lệ Xuân trong phim "Ông cố vấn" là bởi vì thời điểm này người ta cũng đang bàn tán sôi nổi quanh việc các diễn viên hóa thân vào vai Trịnh Công Sơn, Khánh Ly trong phim "Em và Trịnh". Sự hóa thân này thực sự gây ra nhiều tranh cãi, thậm chí cả những cuộc bút chiến trên các diễn đàn nghệ thuật. Người thì bảo: Họ đúng là Khánh Ly - Trịnh Công Sơn. Người thì bảo: Trời ơi, Khánh Ly - Trịnh Công Sơn mà lại như vậy sao? Chị nghĩ gì về những sự hóa thân này?
- Khi NSƯT Trần Lực chuẩn bị vào vai nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong bộ phim mà bạn vừa kể, thật ra tôi có gặp anh ấy ở trong trường. Lúc ấy tôi bị sốc vì trông anh Lực gầy rộc đi. Tôi phải hỏi rất thành thực: Anh Lực ơi, anh bị ốm à? Anh Trần Lực trả lời ngay rằng anh đang phải ép cân để chuẩn bị vào vai mới. Nói vậy để thấy là chuẩn bị cho một vai diễn nhân vật lịch sử thì người nghệ sĩ đã phải hy sinh rất nhiều. Và, nếu nhìn vào sự hy sinh đó thì khán giả sẽ hiểu và cảm thông với nghệ sĩ nhiều hơn.
- Thật ra, chẳng riêng gì nghề diễn viên, tôi nghĩ là để thành công, bất cứ nghề nghiệp nào cũng cần tới nỗ lực và sự hy sinh. Nhưng, tôi thắc mắc là, trong khi những sự hóa thân vào các nhân vật có thật ở một số nghệ sĩ luôn gây tranh cãi thì sự hóa thân của Minh Hòa vào vai Trần Lệ Xuân có vẻ lại rất thuận chiều. Hay là hồi đó cũng có những chê trách, mà tôi không biết ạ?
- Tôi có được cái may mắn là hồi ấy, sau khi phim công chiếu thì từ truyền thông báo chí cho tới khán giả đều ủng hộ. Ngày đó có tờ báo đã đặt một bên là hình bà Trần Lệ Xuân và một bên là hình tôi để so sánh xem là giống nhau tới bao nhiêu phần trăm. Còn khán giả thì như tôi kể lúc đầu ấy, họ không còn gọi tên tôi nữa mà gọi là "Bà cố vấn".
Một con người khác được gọi ra
- Bất cứ ai tiếp xúc với chị ngoài đời đều dễ cảm nhận chị là một người gần gũi, hòa đồng, và dễ tính. Ấy thế mà phần lớn các vai diễn của chị lại là những vai phản diện, cá tính. Đấy là do sự lựa chọn của đạo diễn, hay do bản thân chị ngay từ đầu đã định hình một mô-típ nhân vật theo đuổi của mình?
- Ồ không! Những năm đầu tiên sau khi mới ra trường, rồi về nhà hát công tác thì phải nói tôi toàn đóng các vai "đào thương" đấy chứ: những cô gái trong sáng, ngây thơ, dễ thương, cả tin và hay bị lừa. (Cười...).
- (Cũng cười...).
- Giờ nghĩ lại, tôi thấy phải cảm ơn đạo diễn, NSƯT Vũ Châu vì ông đã mời tôi đóng bộ phim nhựa "Trò đời", vào vai cô thư kí lả lơi, đong đưa giám đốc, dùng sắc đẹp và sự thông minh của mình để có tiền nuôi một người. Bạn biết người đó là ai không?
- Là bồ!
- Đúng rồi! Nhưng, anh bồ lại là một nhà thơ.
- Ồ! Đấy là một cô gái vừa thực dụng, vừa lãng mạn!
- Đấy! Cùng lúc tôi phải đóng cả hai gương mặt của cô gái và xem xong phim bác đạo diễn Hải Ninh, lúc bấy giờ là giám đốc hãng phim nói: "Cái vai đấy khác hẳn con người ngoài đời của cháu đấy nhé!". Từ đó, tôi mới nghĩ đến việc mình hoàn toàn có khả năng khai thác những kiểu nhân vật đối lập hoàn toàn với dáng vẻ và con người thật của mình. Sau này, tôi thậm chí từng đóng những vai mà bên ngoài thì có vẻ đạo mạo của một doanh nhân nhưng bên trong lại điều hành cả một tập đoàn buôn ma túy xuyên quốc gia.
- Xuất phát điểm chị là một diễn viên chính kịch, nhưng sau đó chị lại tạo dấu ấn với những vai phản diện trong các bộ phim. Sự khác biệt giữa đóng kịch và đóng phim nằm ở đâu, theo chị?
- Thật ra, chưa bao giờ tôi chuyển hẳn sang phim cả, mà biên chế của tôi vẫn luôn thuộc Nhà hát Kịch Hà Nội cho tới ngày nghỉ hưu cách đây 4 năm. Nếu nói về sự khác biệt trong diễn xuất giữa phim và kịch thì tôi cho rằng với sự phát triển của công nghệ làm phim như bây giờ thì khoảng cách giữa 2 loại hình này gần như không đáng kể nữa. Bạn có thể thấy, đa số các diễn viên của phim truyền hình nổi tiếng hiện giờ đều là những người trực thuộc các nhà hát. Nhưng, nếu nói về sự tương tác với khán giả thì đúng là hai loại hình này rất khác nhau. Nghệ thuật trên sân khấu là trực tiếp, diễn viên được tương tác thật với khán giả. Khán giả khóc, cười hay vỗ tay đều có thể tác động tới cảm xúc của diễn viên. Còn với phim điện ảnh hay phim truyền hình thì sự tương tác với khán giả là gián tiếp. Vì nó là gián tiếp nên sau khi xem lại, mình thường có những trầm trồ theo kiểu: "Ối! Sao lúc ấy mình lại diễn chán thế" hoặc ngược lại: "Ôi! Sao lúc ấy mình có thể nhập vai thăng hoa thế nhỉ".
Không phải giải thích với chồng
- Chị có hay xem lại những bộ phim mình tham gia không?
- Trước đây, khi còn đi làm thì tôi xem phim của mình không đều lắm. Thi thoảng có thời gian thì tôi mới xem để kiểm tra hình ảnh có tốt không, những phân cảnh quan trọng mình diễn có đạt không. Còn bây giờ, đã nghỉ hưu, thời gian làm việc vào buổi tối cũng không quá nhiều thì đa phần tôi đều theo dõi. Như hiện giờ truyền hình đang chiếu bộ phim mà tôi tham gia là "Thương ngày nắng về", tôi xem đủ cả đấy.
- Chị vừa nói tới hai thái cực cảm xúc khi xem lại phim của mình. Nhưng, không chỉ dừng lại ở hai thái cực đó, có khi nào xem lại phim của mình, chị lại có một thái cực thứ ba, khủng khiếp hơn nhiều: Ôi! Xấu hổ quá! Giá mà ngay bây giờ mình có thể chui được xuống đất mà trốn đi nhỉ.
- Ồ! Bây giờ các đạo diễn đều định hướng diễn viên rất giỏi, chính vì thế, nếu diễn xuất đi quá xa với kịch bản thì đạo diễn sẽ lập tức có sự điều chỉnh và cả hai phía sẽ cùng thảo luận để đưa ra phương án tốt nhất. Cho nên, xấu hổ vì diễn xuất thì tôi nghĩ là không. Nhưng, đúng là có những cảnh ôm, hôn hoặc những cảnh nhạy cảm thì khi xem lại, có thể diễn viên sẽ cảm thấy hơi ngại một chút. May mắn là tôi lại rất ít đóng những cảnh như thế.
- Sao chị lại nói là "may mắn", chị sợ gì à?
- Ồ không! Tôi có sợ gì đâu. Bởi thế hệ của tôi, khi đóng các cảnh hôn nhau chẳng hạn, các diễn viên không bao giờ hôn thật, toàn hôn giả thôi. Có một kỉ niệm mà tôi nhớ mãi là trong phim "Người hùng râu quặp", tôi và NSƯT Quốc Trọng đóng cảnh ân ái. Khi xem phim ai cũng tưởng là chúng tôi đang nằm cạnh nhau, nhưng đó là nhờ kĩ năng khéo léo của người quay phim thôi. Còn sự thực là NSƯT Quốc Trọng đang nằm ở trên giường còn tôi thì đang nằm trên một chiếc ghế thấp hơn một chút. Khán giả không biết sự thực này, nên sau đó ra đường cứ trêu tôi là để diễn được cảnh ấy chắc phải giải thích với chồng nhiều lắm. Những lúc ấy tôi chỉ cười thôi.
- Nhưng, với chồng, chắc là khi đó chị phải giải thích để chồng hiểu thực tế phim trường chứ?
- Chồng tôi cũng làm nghệ thuật nên quá hiểu rồi.
- Anh là một nghệ sĩ nhiếp ảnh thì phải?
- Đúng rồi!
- Vai diễn khó nhất trong đời chị là gì?
- Có thể nói, một trong những thử thách khó khăn nhất trong suốt mấy chục năm làm nghề của tôi không thể không kể tới vai diễn trùm buôn ma túy xuyên quốc gia trong bộ phim truyền hình "Cuồng phong". Bởi, nếu như đóng vai bà cố vấn Trần Lệ Xuân thì tôi còn có phim tư liệu để xem, còn có sách để đọc, chứ vai buôn ma túy thì có tư liệu nào đâu, tất cả đều vượt ngoài trí tưởng tượng của tôi. Tôi chỉ có thể cóp nhặt những mẩu báo ít ỏi hoặc nghe kể lại từ những người từng tiếp xúc với những tội phạm ma túy đã bị bắt. Từ đó, tôi thiết kế hình tượng nhân vật bằng sự tưởng tượng và nghiệp vụ diễn xuất của mình. Rất may mắn, vai diễn ấy được công chúng đón nhận bằng Giải thưởng Nữ diễn viên truyền hình xuất sắc nhất của năm.
Những người còn trụ lại không nhiều
- Nhìn lại cuộc đời nghệ sĩ của chị, ai cũng thấy là mọi thứ diễn ra rất xuôi chèo mát mái. Cho nên, tôi rất tò mò là khoảnh khắc buồn bã nhất, đau khổ nhất trong nghề nghiệp của chị là gì? Có bao giờ, thậm chí, chị muốn bỏ nghề không?
- Tôi luôn nói với mọi người rằng ông tổ nghề cho tôi ăn lộc, bởi đa số những vai từng diễn tôi đều yêu nhân vật ngay từ khi đọc kịch bản. Sau đó, những vai diễn ấy đều được công chúng đón nhận. Nhưng, cũng có những lúc tôi cảm thấy chông chênh vì nghề lắm đấy. Bạn nhớ giai đoạn 1992-1993 không?
- Giai đoạn ở miền Bắc, các sân khấu kịch gần như chết!
- (Gật đầu...). Thời điểm đó diễn viên hầu như không có việc làm và ánh đèn sân khấu thì quanh năm tắt bóng. Lúc ấy, chúng tôi đều rơi vào cảnh lương không đủ sống, diễn không có khán giả xem, địa hạt truyền hình thì không rực rỡ như bây giờ nên cũng không có cơ hội tham gia. Tôi từng nghĩ đến việc chuyển sang làm nghề khác. Một người bạn tôi lúc bấy giờ đang làm cho một công ty nước ngoài, thấy tôi có nhan sắc nên khuyên học tiếng Anh để đi làm trợ lí. Sự thật là tôi từng trực điện thoại trả lời khách hàng ở văn phòng. Có một chuyện thế này: Hôm đó, công ty giao cho tôi mang giấy tờ sang Bộ Xây dựng. Trong lúc đang ngồi đợi ở Bộ Xây dựng thì tình cờ một bác quan chức trong bộ nhận ra tôi. Bác ồ lên: "Diễn viên Minh Hòa! Minh Hòa! Sao cháu lại ở đây?". Bác nói cháu gái bác hâm mộ và dán ảnh tôi khắp nhà. Sau một hồi hỏi thăm, biết được tôi chuyển sang làm văn phòng, bác nói với tôi một câu làm tôi buồn vô cùng: "Nghề văn phòng chỉ cần chăm chỉ thì ai cũng có thể làm được. Nhưng, trở thành nghệ sĩ thực tài, được mọi người yêu mến thì không phải ai cũng làm được đâu. Cháu nên suy nghĩ lại về quyết định của mình". Đau lắm, Đăng ạ! Đau lắm!
Sau câu nói ấy, tôi nghĩ ngợi mãi, mà run rủi thế nào đúng lúc ấy tôi lại nhận được kịch bản phim "Trò đời" của đạo diễn Vũ Châu. Thế là tôi lại dẹp hết công việc văn phòng để quay về sống trọn với đam mê nghệ thuật của mình.
- Cho dù lúc đó, quay về với nghệ thuật là khó sống?
- Thì phải nghĩ cách thôi. Bạn không nhớ là giai đoạn ấy người ta vẫn nói tới gánh hài Minh Vượng - Minh Hòa à? Rồi tôi còn đi làm bầu show, chuyên tổ chức chương trình ca nhạc và hài kịch cho các đơn vị, công ty nữa chứ. Không ngờ, tôi thành công với công việc ấy đến nỗi chú Hoàng Quân Tạo - nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội còn phải ngạc nhiên là trong khi các đơn vị chính thống còn không hoạt động nổi thế mà nhóm của chúng tôi vẫn tổ chức show đều đều. Thế là chú "trói chân" tôi bằng cách giao cho chức đoàn phó và kể từ khi làm phó đoàn thì bao nhiêu "mối" tôi đều mang hết về cho đoàn mình để lấy thành tích. Qua đây cũng phải cảm ơn chú vì nhờ có quyết định đó, tôi mới có thể "nuôi nghề" cho tới ngày hôm nay.
- Khán giả chỉ nhìn thấy một Minh Hòa thành công và thành danh trên màn ảnh. Họ không nhìn thấy một Minh Hòa vì gánh nặng cơm áo mà đã có lúc tính đến chuyện bỏ nghề. Họ càng không thấy nghệ thuật là một sự sàng lọc khắt khe, nghiệt ngã đến nhường nào. Nếu tôi nhớ không nhầm, khóa diễn viên của chị cũng không có nhiều người trụ lại với nghề một cách bền bỉ như chị?
- Tôi học Trường Sân khấu - Điện ảnh khóa 1981-1986. Cả một lứa như vậy bây giờ chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay những người còn trụ được với nghề: NSƯT Phú Thăng, NSƯT Bích Thủy, NSƯT Quốc Tuấn, NSND Nguyễn Hải... Giai đoạn sân khấu kịch Hà Nội khủng hoảng, số người bỏ nghề rất nhiều, có những người ra nước ngoài rồi định cư luôn, có người quay trở lại nhưng không còn làm nghề nữa.
- Và, họ luôn nhớ nghề, luôn ngứa ngáy, thậm chí luôn có một nỗi niềm ẩn giấu nào đó bên trong?
- Sau này có những lần vô tình gặp lại, nhiều anh chị em chia sẻ với tôi rằng thực sự họ vẫn nhớ nghề lắm. Nhưng, ngược lại, cũng có người đã thành công với lĩnh vực mới của mình thì lại coi quyết định bỏ nghề là một điều may mắn. Nói chung, cũng có người này, người kia. Còn với tôi, diễn viên là một nghề mang tính đặc trưng của năng khiếu rất lớn, nên không phải ai cũng có thể làm được. Để thành công thì người diễn viên phải yêu, phải đam mê, phải khát khao sống chết với nghề. Chứ nghĩ rằng đến với nghề chỉ để được mặc đẹp, để được nổi tiếng, ra đường ai cũng biết thì xác suất thành công thấp lắm.
- Đấy chính là lý do mà chị không muốn cậu con trai duy nhất của mình theo nghề?
- Mình trong nghề, mình hiểu mà!
- Nhưng, khi thấy mẹ trên sân khấu hoặc trên tivi, cũng phải có lúc con trai chị muốn trở thành diễn viên như mẹ chứ?
- Thật ra, con tôi thì thích hát hơn là diễn xuất và hát cũng được. Có lần bạn ấy nói với tôi là sẽ đi thi các cuộc thi âm nhạc nhưng tôi trả lời ngay là "nhất định không". Chẳng phải vì tôi áp đặt hay cấm đoán gì đâu, mà vì tôi hiểu khả năng của con mình. Tôi có nói với cháu là nếu theo nghiệp hát thì con cũng chỉ hợp làm ca sĩ ở các sân khấu cỏ, chứ với chất giọng của mình không thể thành danh. Làm diễn viên cũng chỉ như vậy, chứ không thể xuất sắc được. Mà đã không thể xuất sắc được thì tốt nhất đừng làm.
- Rốt cuộc, bây giờ con chị làm nghề gì?
- Làm kinh doanh và thi thoảng tham gia các cuộc thi văn nghệ trong công ty của mình. Thế thôi. Thế là được rồi.
Muốn trẻ lâu thì đừng để bụng
- Rất nhiều khán giả có chung nhận xét: NSND Minh Hòa trẻ hơn nhiều, rất nhiều so với tuổi U.60 của mình. Một người ở cơ quan tôi khi biết tôi chuẩn bị gặp chị đã nói thế này: Em nhất định phải hỏi xem, bí quyết để trẻ mãi như thế là gì?
- (Cười...). Chắc là vì tôi sống đơn giản! Tôi luôn cảm thấy mọi người đều đối xử rất tốt với mình, vì thế tôi không bao giờ ghét ai cả. Nếu quả thật có người ghét tôi thì tôi cũng không biết. Thật đấy! Đó là tính cách của tôi từ rất lâu rồi.
- Tôi không tin đâu! Chị không ghét ai thì tôi có thể tin, nhưng đến mức có ai đó ghét mình mà cũng không biết thì thật sự nó cứ hoang đường sao ấy. Chị là nghệ sĩ lớn, thành danh từ rất sớm, làm sao tránh khỏi sự so sánh với người này người khác. Làm sao tránh khỏi sự đố kị từ người này người khác. Không thể tránh được, dù muốn tránh, thật sự tôi nghĩ thế đấy.
- Vâng! Nhiều người cũng không tin mà. Nhưng, sự thực tôi là thế. Có câu chuyện thế này: Khi chúng tôi ra trường thì tôi và một bạn nữa được phân về cùng một nhà hát. Thật ra, con gái cùng độ tuổi, cùng vạch xuất phát nên đúng là cứ hay bị người ta so sánh. Thậm chí, người ta còn đồn thổi này nọ. Khi biết chuyện, ngay lập tức tôi gọi bạn ấy ra nói chuyện. Tôi nói rằng: Tớ không có cái tính nói xấu người khác đâu nhé. Tính tôi là vậy đấy, có chuyện gì là tôi nói thẳng luôn và nói xong là tôi quên luôn, không bao giờ để bụng ai cả. Kể từ đấy, bạn ấy cũng chẳng nghĩ ngợi không đúng về tôi nữa. Cứ sống thẳng thắn như vậy cho đơn giản. Chứ không nói ra, cứ để bụng, dẫn đến hiểu lầm thì mệt lắm.
- Mà hay để bụng thì không trẻ được đâu!
- Đúng thế đấy! Không trẻ được. (Cười...).
- Xin cảm ơn NSND Minh Hòa. Xin chúc chị mãi giữ được sắc trẻ và nguồn năng lượng tích cực như những gì mà tôi đang cảm nhận rất rõ hôm nay.
* Ảnh trong bài: Phạm Nghĩa.