Nhà bảo tồn động vật hoang dã Trang Nguyễn:

Mỗi chúng ta đã làm được gì cho trái đất?

Thứ Ba, 26/07/2022, 10:33

Trang Nguyễn đến gặp tôi với đôi chân tập tễnh. Cô bảo: “Em mới bị voi đuổi trong rừng, nên vấp ngã”, rồi cười duyên. Thấy gương mặt chắc là ngẩn ngơ khó hiểu của tôi lúc đó, cô lại cười: “Em đùa đấy! Em đi leo núi, gặp tai nạn thôi, không phải voi đuổi đâu”.

Trang Nguyễn tên thật là Nguyễn Thị Thu Trang, sinh năm 1990, ấy thế mà đang là Nhà sáng lập, Giám đốc Điều hành Trung tâm Hành động vì động vật hoang dã, hoạt động ở Việt Nam từ năm 2013. Năm 2019, Trang được Đài BBC bình chọn vào Top 100 phụ nữ có ảnh hưởng nhất toàn cầu. Trước đó, vào các năm 2018, 2020, Trang được tạp chí Forbes (Mỹ) xếp vào Top 30 gương mặt dưới 30 tuổi có ảnh hưởng nhất châu Á. Trang giành được những giải thưởng lớn về môi trường trên thế giới.

Trang viết sách về môi trường, thu hút sự quan tâm của đông đảo người trẻ, được giải A sách quốc gia năm 2021 và hiện đã được dịch ra 10 thứ tiếng trên thế giới. Trang bí mật tham gia cùng cơ quan an ninh các nước triệt phá nhiều băng nhóm tội phạm tàn phá môi trường, săn bắt động vật hoang dã. Tóm lại, cô gái trẻ này sở hữu một hồ sơ “oách”, có một cuộc đời “oách”, là thần tượng của không ít bạn trẻ Việt Nam, vậy mà khi tiếp xúc mới thấy Trang cứ giản dị như không ấy.

Mỗi chúng ta đã làm được gì cho trái đất? -0
Trang Nguyễn trong một lần khảo sát để đặt máy bẫy ảnh ở Kontum.

Từng trốn nhà, để…

- Nhà báo Phan Đăng: Trang ơi, nhìn em không to lớn lắm, cũng chẳng xù xì lắm, thế mà em lăn lộn với những cánh rừng, dấn thân vào những hoàn cảnh khốc liệt suốt nhiều năm nay. Em rèn luyện sức khỏe như thế nào để có thể duy trì được công việc này?

- Nhà bảo tồn Trang Nguyễn: Ngày xưa em khá lười, đi học ngoài môn thể dục “bắt buộc” phải vận động, còn lại thì chẳng bao giờ tập thể dục hay chơi thể thao mà chỉ ngủ nướng thôi. Đến năm cấp 3, sau khi được tham gia một số hoạt động tình nguyện viên với các tổ chức bảo tồn và hiểu được sự quan trọng của việc có sức khỏe tốt để đi thực địa thì em bắt đầu tập một số môn, như aikido và kendo. Hiện tại thì em đang tập wall/rock climbing và pilates.

- Chúng ta hãy bắt đầu với vạch xuất phát đầu tiên của em, em sinh ra trong phố, lớn lên trong phố, gắn liền với văn hóa phố. Vậy, khoảnh khắc đặc biệt nào khiến em thấy rằng mình phải “thoát phố” để gắn bó với thiên nhiên hoang dã?

- Hồi 8 tuổi, trong một lần đi học về, em vô tình thấy nhà hàng xóm đang lấy mật gấu. Hình ảnh, âm thanh và thậm chí cả mùi vị từ lúc đó ám ảnh tâm trí em và khiến em nghĩ rằng mình phải làm một điều gì đó, bất cứ điều gì, để có thể hỗ trợ, giúp đỡ gấu và những loài động vật hoang dã khác. Sau đó thì dần dần từ những lần làm tình nguyện viên, rồi đi nghiên cứu, rồi làm bảo tồn khiến em nhận ra đây là con đường đúng đắn mà mình quyết tâm theo đuổi.

- Quyết tâm là một chuyện, nhưng thuyết phục bố mẹ đồng ý với quyết tâm của mình là chuyện khác. Ở vạch xuất phát đầu tiên em có phải “trốn nhà”, “nói dối bố mẹ” để làm bằng được điều mình mong muốn hay không?

- Đúng là như vậy ạ.

- Sau đó, em chính thức thuyết phục bố mẹ bằng cách nào?

- Thực ra thì không có một thời điểm rõ rệt nào bố mẹ em “gật đầu đồng ý”, mà chỉ đơn giản là dần dần bố mẹ chấp nhận đây là một công việc con gái mình rất đam mê, rất mong muốn được làm và “nó sẽ không bỏ”. Cho đến bây giờ vẫn vậy, thỉnh thoảng mẹ vẫn hỏi là “có đổi sang ngành khác đỡ vất vả hơn không con” và câu trả lời thì luôn là “không ạ”.

- Tôi rất tò mò về chuyến đi rừng đầu tiên, cái lần dấn thân đầu tiên của Trang vào cái thế giới mà trước đó vốn chỉ xuất hiện trong ý nghĩ của mình. Lúc đó cũng sẽ có những sự thực không như mình nghĩ đúng không?

- Thực ra thì chuyến đi rừng đầu tiên theo kiểu đi học, đi tập huấn ngắn hạn các phương pháp đi rừng thì cũng không có gì lắm, vì đơn giản là đi cùng bạn bè, thầy cô vào rừng và “học”. Còn chuyến đi nghiên cứu do mình thiết kế, làm chủ dự án và chịu trách nhiệm cho toàn bộ chuyến đi thì cũng khá vất vả. Nhưng, được cái tính cách em khá độc lập, chịu khổ được, sinh ra ở thành phố nhưng “không tiểu thư”, nên cũng không bị “shock”. Chỉ là đợt đó đi liền một lúc hơn 3 tháng để làm nghiên cứu ở Madagascar, nên cảm thấy hơi cô đơn, thèm có người nói chuyện là một thứ cảm xúc mà không bao giờ em nghĩ là sẽ cảm thấy nó, vì em thích ở một mình.

- Trang phải tự thay đổi, tự tích lũy để phù hợp với hoàn cảnh mới như thế nào? Có điều gì mà em thấy không thể thích ứng, không thể thay đổi được không?

- Em thấy trong những năm làm bảo tồn thì có sự thay đổi về tính cách khá nhiều, rõ ràng là trưởng thành hơn, độc lập hơn (nhưng rồi đến một thời điểm nhất định, đặc biệt là sau khi thành lập WildAct thì lại phải tìm cách thích nghi để làm việc nhóm, thay vì làm việc độc lập như trước đây); chấp thuận sự khác biệt về quan điểm, thói quen, cách sống của những người xung quanh mình. Em thấy bản thân vì may mắn được đi làm việc và nghiên cứu ở rất nhiều nơi, gặp rất nhiều người nên mặc dù tính cách rất bướng nhưng không bảo thủ, nên rất dễ thích ứng và thay đổi để phù hợp với môi trường và con người xung quanh.

Mỗi chúng ta đã làm được gì cho trái đất? -0
Tê giác bị giết lấy sừng và đốt xác ở Nam Phi.

Hóa nhiều vai để điều tra ngầm

- Bây giờ chúng ta nói về vấn đề “nóng” nhất. Từ khi nào em quyết định gắn bó với cơ quan an ninh các nước để thực hiện những vụ điều tra, phá án?

- Năm 2013 em bị chẩn đoán ung thư đường ruột và phải chịu 2 cuộc phẫu thuật chỉ trong vòng 2 tháng. Lúc đó em đang học thạc sĩ ở Đại học Cambridge. Thời điểm phải nhập viện chữa bệnh cảm giác như thời gian và cả cuộc đời mình dừng lại, khiến em nghĩ là mình đã thực sự làm được gì chưa, đóng góp được gì cho Trái đất này chưa và cảm thấy cuộc sống thật mong manh. Nếu mà đã như thế thì mình nên cố gắng hết sức để làm được một việc gì đó cho điều mà mình yêu thương nhất - là Trái đất mà mình đang sống này. Sau đó, đến năm 2015 thì em bắt đầu có những dự án làm việc, hợp tác với cơ quan chức năng ở Campuchia để triệt phá đường dây buôn bán ngà voi ở khu vực Đông Nam Á và dần dần chuyển sang làm việc với các đơn vị ở châu Phi.

- Chắc chắn là có rất nhiều pha gay cấn, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng trong những vụ điều tra như thế. Em có thể chia sẻ được không?

- Em không muốn kể quá nhiều về những chuyện này, vì một phần em không muốn người đọc hiểu sai ý nghĩa công việc, hay nghĩ nó là một việc “kool, ngầu” như các bạn trẻ tưởng tượng. Khi làm những việc liên quan đến đấu tranh với các tệ nạn và phải làm việc chống lại tội phạm luôn có rất nhiều nguy hiểm rình rập, đặc biệt là tội phạm động vật hoang dã không đơn giản là tội phạm chỉ liên quan đến buôn bán, tiêu thụ sản phẩm từ động vật hoang dã trái phép, mà rất nhiều đường dây và băng đảng còn có những hành vi trái phép về buôn bán vũ khí, buôn người, rửa tiền và tham nhũng. 

- Tôi nghe kể loáng thoáng rằng, có lần Trang hóa thân là “người trong cuộc”, cùng ngồi trên taxi với những “người trong cuộc” khác. Nhưng thực ra em đang sử dụng một thiết bị camera được cài trên cúc áo mình. Bất ngờ, thiết bị camera đó bị lộ. Nó lộ như thế nào và em đã thoát hiểm ra sao?

- Vụ việc này diễn ra cách đây vài năm, khi em đang làm điều tra ngầm ở Nam Phi. Lúc đó trên người có cài thiết bị GPS và camera để thu lại các bằng chứng. Nhưng vì có một số chuyện diễn ra khiến cho chuyến đi đó dài hơn dự kiến và camera bị hết pin, nên nó phát ánh sáng đỏ để báo hết pin. Lúc đó thực sự rất đáng sợ vì trên ô tô có 3 tội phạm có súng và một mình em là người điều tra, nếu họ nhìn thấy thì chắc là mình đi luôn rồi. Cũng may là em có tóc dài và để xõa nên em đã nhanh tay kéo tóc lên phía trước để che ánh đèn đỏ trên ngực đi và đợi cho nó hết lóe sáng. Không ai để ý đến việc đó nên em đã thoát vụ ấy. Thực sự là lần nhớ đời. Sau vụ việc này thì em cũng cẩn thận hơn với các thiết bị điều tra được đơn vị bản địa yêu cầu sử dụng.

- Là một cô gái, một nhà bảo tồn thuần túy, chứ không phải là người được đào tạo chính quy, bài bản và có nghiệp vụ an ninh. Vậy, trong những câu chuyện kiểu này, có lúc nào em thấy sợ chết không? Nếu có, điều gì khiến em sau đó vẫn tiếp tục gắn bó với công việc chứ không bỏ cuộc?

- Như em đã chia sẻ ở trên, cuộc sống rất mong manh, không ai biết khi nào mình sẽ chết. Đang sống khỏe mạnh, không thuốc lá, rượu bia gì, tự nhiên đùng một cái bác sĩ bảo bị ung thư hoặc đang yên đi ngoài đường cũng có thể bị tai nạn xe cộ. Em nghĩ là sợ chết ai cũng sẽ đến lúc sợ nhưng em nghĩ đáng sợ hơn là việc sống một cuộc đời mà đến lúc chết lại cảm thấy tiếc vì cả đời mình không làm được điều gì tốt đẹp, không cống hiến được gì cho điều mà mình yêu thương và tin tưởng. Nói vậy nhưng em không nghĩ cả đời em sẽ làm điều tra ngầm, nó cũng sẽ chỉ đến một mức nhất định nào đó thôi, vì bạn sẽ không thể đóng giả là người đi buôn mãi được, khi mình gặp tội phạm và thu thập chứng cứ từ họ thì họ cũng sẽ gặp và thu thập thông tin về mình. Đến một lúc nào đó thông tin sẽ bị bão hòa, họ nhìn mặt mình là biết mình không phải tội phạm thực sự thì sẽ rất nguy hiểm, cho bản thân và cho cả đồng nghiệp. Vì vậy, sẽ phải cân đo đong đếm để biết khi nào thì nên dừng lại.

Mọi người thường hỏi em rất nhiều về việc làm điều tra ngầm, có lẽ vì nghe nó giật gân, giống truyện trinh thám, nhưng một nhà bảo tồn Trang Nguyễn cùng với tổ chức WildAct cũng đang làm rất nhiều hoạt động bảo tồn khác mà không liên quan đến điều tra ngầm tại Việt Nam

- Khi nghe về tất cả những pha nguy hiểm như thế này, bố mẹ có khuyên em bỏ cuộc không?

- Em không bao giờ kể với bố mẹ về những chuyến đi điều tra ngầm. Một phần vì kể cũng không để làm gì, chỉ làm gia đình lo lắng. Một phần là khi đang làm điều tra thì thông tin là bảo mật, không thể chia sẻ với bên ngoài. Nếu có thì thường là kể về những vụ đã hoàn thành và diễn ra từ cách đây lâu (như vụ việc ở Nam Phi mà em có kể ở trên chẳng hạn). Sau này bố mẹ có đọc được thông tin trên báo về vụ việc ấy nhưng bố mẹ em cũng không hỏi nhiều.

Hai phẩm chất quan trọng của nhà bảo tồn

- Còn chuyện chồng con thì sao nhỉ, cứ đi hoài, đi mãi thế này sao được. Có bao giờ Trang nghĩ đến phải dừng lại hoặc tạm dừng lại để lấy chồng, sinh con không?

- Em và chồng chưa cưới yêu nhau được 7 năm rồi, anh ấy cũng là một nhà bảo tồn động vật hoang dã. Vì có chung “background” nên cả hai hiểu nhau rõ và anh ấy là người luôn ủng hộ, cổ vũ, dù việc em muốn làm là việc gì đi nữa. Chẳng hạn như việc trước đây hai đứa đang làm cùng nhau ở Campuchia, đùng một cái em bảo em sẽ chuyển sang Mozambique làm việc 2 năm, anh ấy cũng không hề ngăn cản mà chỉ bảo sẽ ủng hộ nếu đó là điều em muốn làm, sau đó thì anh cũng qua thăm vào những đợt nghỉ lễ. Em rất biết ơn vì điều đó, không phải ai cũng có thể hiểu và ủng hộ mình đến vậy. Bọn em định là cuối năm nay hoặc đầu năm sau sẽ cưới.

Nhưng, cả em và anh ấy đều không có mưu cầu hạnh phúc qua việc sinh con. Bọn em tự thấy cuộc sống hiện nay rất hạnh phúc, có thể làm những điều mình muốn làm, đi rất nhiều nơi, đi bất cứ đâu và bất cứ khi nào mình muốn. Vì thế, bọn em có thể cùng nhau đi tiếp, đến nhiều nơi hơn nữa, làm nhiều việc hơn nữa, thay vì phải dừng, hay tạm dừng để thay đổi cuộc sống của mình.

- Phẩm chất quan trọng nhất của một nhà bảo tồn là gì, theo em?

- Đam mê và kiên trì. Nếu không đam mê thì sẽ không theo được ngành, còn nếu không kiên trì sẽ không thể phát triển các kỹ năng cần có để làm công việc này được. Kiến thức thì chỉ cần học là được nhưng đam mê là thứ không trường lớp, không một ai dạy cho mình được. 

- Tôi đã đọc kỹ hai tập “Chang hoang dã” viết về hai tuyến chuyện rất thú vị của gấu và voi. Từ khi nào “nhà bảo tồn” Trang Nguyễn trở thành “người viết” Trang Nguyễn vậy?

- Thực ra em chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ thành “người viết”, mặc dù hồi xưa học môn văn cũng khá tốt, hồi cấp 2 còn được vào nhóm học sinh giỏi văn để đi thi thành phố. Chuyện viết sách đến một cách tự nhiên, từ những ghi chú nhỏ hồi em đi làm nghiên cứu ở Madagascar - vì đi làm nghiên cứu một mình, có một chị bếp và một chú dẫn đường người bản địa không cùng ngôn ngữ (em chỉ có thể giao tiếp đơn giản với họ thôi), nên em bắt đầu ghi chép lại những sự kiện diễn ra trong ngày, nhìn thấy những loài động vật gì, thực vật gì, cảm nghĩ lúc chuyện này chuyện nọ xảy ra là gì.. Rồi mỗi lần được về thành phố thì em đăng lên Facebook cá nhân, dần dần được mọi người đón nhận và em Giang - lúc đó đang làm biên tập cho Nhà sách Nhã Nam đã liên hệ thuyết phục em viết thành sách. Thời điểm đó sách theo kiểu đi du lịch của các bạn trẻ người Việt rất nhiều, cá nhân em không muốn viết thành sách vì sợ nó thành “trào lưu” để các bạn trẻ đi vào rừng mà không trang bị đủ kiến thức hay kỹ năng, thậm chí là có thể ảnh hưởng xấu đến thiên nhiên và môi trường. Nhưng, Giang đã thuyết phục được để em dành thời gian ra chỉnh sửa lại các bài viết thành một cuốn sách hoàn chỉnh. Cuốn “Trở về nơi hoang dã” là cuốn sách đầu tay của em.

Mỗi chúng ta đã làm được gì cho trái đất? -0
Trang Nguyễn cùng đội đặc nhiệm phòng, chống săn trộm ở Vườn quốc gia Kruger, Nam Phi.

 - Khi ngồi viết lại những trải nghiệm của mình, cảm xúc của Trang như thế nào? Em có thể chia sẻ một khoảnh khắc viết lách đáng nhớ nhất được không?

- Có những lúc vui thì cười khúc khích, lúc buồn thì tự nhiên nước mắt chảy ra và cũng có những giây phút tự hào, tự vỗ vai an ủi “mình giỏi phết” vì đã vượt qua được chuyện này chuyện kia. Gần đây nhất là hồi em viết kịch bản cho cuốn “Chang hoang dã - Voi”, lúc đó đang làm việc ở Mozambique, bỗng nhiên thấy cảm xúc dâng trào quá, phải viết lại, nếu không thì không chịu được. Em viết về cuộc đời của Hnon - một cô voi 60 tuổi, có một cuộc đời bị đánh cắp, bị bắt ra khỏi rừng, ra khỏi sự yêu thương của mẹ, của gia đình từ khi cô mới 4 tuổi, rồi bị hành hạ, đánh đập, bị bóc lột để làm việc dưới roi vọt của con người cho đến khi cô là một bà lão già yếu. Thực sự lúc đó nước mắt cứ tự tuôn ra thôi.

- Nghe nói 100% tiền nhuận bút từ sách và hình như cả tiền từ các giải thưởng nữa, Trang đều tài trợ ngược lại vào công tác bảo tồn động vật hoang dã. Những đồng tiền này đã cứu tự nhiên, cứu động vật như thế nào?

- Vì những cuốn sách em viết đều là về thiên nhiên và đều với mục đích nâng cao nhận thức cho cộng đồng về thiên nhiên, môi trường và động vật hoang dã; hay thậm chí những giải thưởng em có được đều là giải thưởng về thiên nhiên và môi trường, vậy nên việc quyên góp những số tiền ấy cho công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên là một việc hiển nhiên thôi. Ví dụ như nhuận bút từ cuốn “Trở về nơi hoang dã” và “100 điều nhỏ nhặt tớ làm cho Trái đất” đã giúp thành lập và duy trì hoạt động cho 8 Thư viện Hoang dã tại tỉnh Hà Giang, Nghệ An, Huế và Đắk Lắk. Nhuận bút từ “Chang hoang dã - Gấu” đã giúp cứu hộ được 2 cá thể gấu bị nuôi nhốt trái phép và hỗ trợ phí mua thực phẩm cho gấu đang được tổ chức Free the bears (Tự do cho gấu) chăm sóc. Tiền thưởng từ giải Future for Nature đã được sử dụng để thiết lập khóa học cho các bạn sinh viên Việt Nam về ngành bảo tồn và trong 3 năm qua đã có hơn 120 bạn sinh viên tốt nghiệp từ khóa học này, gần 60% trong số những bạn tốt nghiệp đã tìm được việc làm toàn thời gian trong ngành bảo tồn.

- Có bao giờ Trang thấy bất lực vì đã làm hết lòng, hết sức nhưng kết quả vẫn không như mình mong đợi hay không?

- Có khá nhiều, nhất là những lúc đi làm điều tra ngầm, mất rất nhiều thời gian, công sức, nhưng kết quả không thu lại được gì hoặc tội phạm vì có quan hệ với giới chức mà được tha. Tuy nhiên, làm bảo tồn cũng cần sự lạc quan và cố gắng, nếu không sẽ rất dễ bị “chìm” vào những thứ xấu xí và cảm thấy bi quan. Nếu thấy bi quan thì sẽ không làm được gì, nên em cố gắng không để bị như vậy.

- Sống để làm gì nhỉ? Đó là câu hỏi cứ cắc cớ trong đầu tôi suốt từ đầu cuộc đối thoại với Trang. Và, tôi tạm trả lời rằng, sống đâu chỉ để sống. Sống còn vì những lý tưởng, những hoài bão, những đam mê đích thực. Với những gì đã sống, Trang thực sự đã truyền cảm hứng không chỉ cho các bạn trẻ, mà cho cả những người như tôi đây. Xin cảm ơn Trang về cuộc đối thoại này và điều cuối cùng tôi muốn hỏi trước khi chúng ta chia tay nhau, đó là, Trang có thể chia sẻ một điều gì đó với những người đang chưa tìm hoặc bị đánh mất nguồn cảm hứng sống của mình không?

- Hãy dành thời gian cho bản thân để tìm hiểu xem mình thực sự đam mê điều gì, có điều gì trong cuộc sống, trong xã hội này mình cảm thấy nhất quyết cần phải thay đổi, cần phải làm nó tốt lên hay không. Sau đó nghĩ xem điểm mạnh của mình là gì, mình giỏi nhất cái gì, mình có thể áp dụng cái giỏi đó vào việc mình đang muốn thay đổi hay không. Nếu các bạn hiểu được bản thân mình, ước mơ của mình, đam mê của mình và nắm rõ được điểm mạnh - điểm yếu của bản thân, thì lúc đó hãy cố gắng hết sức để đi theo mơ ước đó.

* Ảnh trong bài: NVCC.

Phan Đăng (thực hiện)
.
.