Trung tá Nguyễn Mỹ Hạnh - Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam:

Làm nhiệm vụ ở Trung Phi, đã có lúc thoáng nghĩ về cái chết

Thứ Ba, 27/12/2022, 09:57

Ngày Trung tá Nguyễn Mỹ Hạnh chia tay gia đình, người thân ở sân bay Nội Bài (Hà Nội) để sang Cộng hòa Trung Phi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (LHQ) là ngày Hà Nội đang căng thẳng chống COVID-19.

"Cả sân bay vắng tanh, lạnh ngắt. Nó cho mình cảm giác cả sân bay chỉ có mỗi cuộc chia tay của mình. Thế là mình khóc. Lên máy bay rồi vẫn khóc. Đồng đội an ủi, chia sẻ, vẫn khóc. Bây giờ cứ đi ngang qua sân bay Nội Bài là cảm giác đó lại trở về" - chị bảo. Rồi chị tâm sự, làm nhiệm vụ ở Trung Phi, có những ngày tiếng súng đạn bao quanh, máy bay gầm rú trên đầu, những lúc mà trong chị đã thoáng nghĩ: "Nếu mình chết ở đây, không về được Việt Nam thì sao?". Vậy nhưng khi đứng trước câu hỏi: "Nếu được chọn lựa một lần nữa, có đi thêm lần nữa không?" thì chị bảo: "Đi chứ! Tại sao không?". Câu chuyện của chị - một người phụ nữ/một chiến sĩ khiến tôi có những lúc… xúc động ngoài tưởng tượng, rồi lại có lúc hồi hộp, nghẹt thở đến thót tim.

Làm nhiệm vụ ở Trung Phi, đã có lúc thoáng nghĩ về cái chết -0

Những ngỡ ngàng đầu tiên

- Nhà báo Phan Đăng: Thưa Trung tá Nguyễn Mỹ Hạnh, được biết chị vốn là giảng viên ngoại ngữ của Học viện Hậu cần, vậy thì cơn gió nào đã khiến một giảng viên suốt bao năm gắn bó với bục giảng trở thành một chiến sĩ với những hoạt động thực địa đầy nguy hiểm ở Trung Phi?

- Trung tá Nguyễn Mỹ Hạnh: Đúng là trước đây tôi có nhiều năm công tác tại Học viện Hậu cần, Khoa Ngoại ngữ. Sau đó, Bộ Quốc phòng có chương trình tuyển trong toàn quân những sĩ quan có đủ năng lực tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình của LHQ, nên tôi đã đăng kí dự thi và trúng tuyển. Hiện nay tôi vẫn đang biệt phái bên Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. Trong tương lai, có thể tôi sẽ quay về với công việc giảng viên của mình.

- Công việc chính của chị trong một năm ở Cộng hòa Trung Phi là gì?

- Tôi thực hiện nhiệm vụ tham mưu về mặt huấn luyện. Tôi kiểm tra đầu vào cho các sĩ quan LHQ tới Trung Phi làm việc, xem họ có đảm bảo được những tiêu chuẩn LHQ đặt ra hay không. Tôi cũng muốn nói thêm là trong màu áo LHQ, Việt Nam mình tham gia ở nhiều vị trí khác nhau: Tham mưu huấn luyện, xử lí thông tin tình báo, tác chiến... Đợt vừa rồi chúng ta còn cử sang một đội công binh, thực hiện nhiệm vụ trợ giúp làm đường, xử lí các bãi mìn... ở các khu vực tranh chấp.

- Chị có thể nói cụ thể hơn về công việc của mình?

- Cụ thể thì tôi đón tiếp các sĩ quan mới từ các nước khác đến Trung Phi, những người sẽ phải học  khóa học đầu tiên trước khi bắt tay thực hiện nhiệm vụ. Khóa học này sẽ trang bị kiến thức cơ bản trong suốt quá trình làm nhiệm vụ, ví dụ như những điều nên tránh, những việc được làm, những khu vực đang tranh chấp hoặc khi gặp phải những tình huống nguy hiểm thì phải làm gì... Bởi vì đây là một đất nước diễn ra rất nhiều xung đột, phe phái. Bạn hãy tưởng tượng, ở đây, bạn ra đường và nhìn thấy một người vác trên vai khẩu súng thì đó là chuyện rất bình thường. Hay bạn đang đi dạo trên phố mà đột ngột bị bắt cóc thì cũng là chuyện rất bình thường. Cho nên ngoài việc tham gia khóa học thì những sĩ quan các nước khi đến đây cũng phải thi sát hạch và phải vượt qua kỳ thi này mới được phân về các phân khu để chính thức nhận nhiệm vụ. Trong khóa học và các kỳ thi này, tôi là người điều phối giữa giảng viên và học viên.

- Chị vừa nói đến chuyện ở đây người ta thoải mái đeo súng ngoài đường - những cảnh rất bình thường ở một đất nước đang có nhiều xung đột, nhưng sẽ là hết sức xa lạ ở Việt Nam. Là một người Việt Nam, ngày đầu tiên tới đây và thấy những cảnh này, chị có ngợp không?

- Mặc dù tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống quân nhân khi bố mẹ tôi đều là sĩ quan của Quân đội nhân dân Việt Nam, nhưng đúng như anh nói, Việt Nam đang sống trong thời bình. Vì vậy, với lứa 7x, 8x như chúng ta thì hình ảnh súng đạn chỉ xuất hiện trên tivi và trong các viện bảo tàng. Bây giờ trực tiếp thấy hình ảnh này trên đường phố, tôi không tránh khỏi bất ngờ. Tôi nhớ mãi ngày đầu tiên khi vừa xuống sân bay quốc tế Trung Phi, là đã thấy 2 người đeo trên vai 2 khẩu súng trường, thản nhiên đi ngoài đường. Họ là những dân thường, mặc quần áo bình thường, ngồi trên xe máy. Lúc đó tôi đã hỏi những đồng đội của mình: "Người ta cứ đeo súng đi ngoài đường thế này à?". Các anh ấy trả lời: "Đúng rồi! Tập làm quen dần đi". Còn một chuyện nữa là phải rất chú ý khi làm một việc gì đó để biết rằng mình được làm hay không được làm. Ví dụ chỗ đó không được chụp hình mà bạn cứ chụp, ngay lập tức sẽ có vài khẩu súng chĩa vào và yêu cầu bạn nộp máy ảnh. Nếu bạn không nộp, họ sẵn sàng nổ súng.

Nói chuyện súng đạn thì tôi nhớ một lần, đang ngồi trong nhà, bỗng nghe thấy hàng loạt tiếng nổ xung quanh. Một lát sau LHQ thông báo có xung đột giữa lực lượng Ai Cập (thuộc LHQ) với quân chính phủ, vì lực lượng Ai Cập đã đi vào khu vực cấm. Lý do là quân chính phủ sử dụng tiếng Pháp còn đoàn bộ binh mới đến của Ai Cập lại chỉ nói tiếng Anh, dẫn đến việc hai bên không hiểu ý nhau.

- Tôi tưởng những chỉ dẫn về "khu vực cấm" đã được phổ biến ở khóa học của LHQ như chị vừa nói rồi chứ? Sao lại có chuyện đi nhầm như vậy!

- Đúng là những kiến thức về "các khu vực cấm" đều đã được chia sẻ ở khóa tập huấn. Nhưng, trên thực tế, có thể ở thời điểm này quân chính phủ sẽ quây vùng này lại và gọi là "vùng cấm" nhưng sau đó một thời gian lại chuyển sang vùng khác. Cho nên chẳng may bị lạc vào khu vực cấm là điều rất dễ xảy ra. Đoàn bộ binh Ai Cập lúc đó vừa chuyển quân, chưa thể cập nhật hết những khu vực cấm hiện tại, dẫn đến sự việc đáng tiếc nói trên. Mà lường trước điều này nên trong khóa tập huấn, LHQ cũng đưa ra những phương pháp xử lí khi chẳng may bị lạc vào khu vực cấm.

- Cụ thể trong câu chuyện chị kể thì đoàn bộ binh Ai Cập có xử lý kịp thời không và có tránh được những hậu quả đáng tiếc không?

- Trong vụ việc này, có 1 dân thường thiệt mạng và vài sĩ quan bị thương. Sau đó rất may là những người bị thương đều qua khỏi.

Sẵn sàng sơ tán bất cứ lúc nào

- Đấy là câu chuyện của phái đoàn bộ binh Ai Cập. Vậy còn phái đoàn Việt Nam, hay với cá nhân chị, mặc dù mình đã trang bị kiến thức rất kĩ lưỡng nhưng trên thực tế luôn có những tình huống không thể lường trước được, đúng không ạ?

- Tôi nhớ là tháng đầu tiên sang thực hiện nhiệm vụ thì cũng là lúc ở Trung Phi đang diễn ra cuộc bầu cử tổng thống. Đó là thời điểm vô cùng nhạy cảm vì ở đây có quá nhiều phe phái tranh chấp với nhau. Những đoàn tuần tiễu của mỗi phe đều được trang bị vũ khí đi lại ở khu vực công cộng. Vì thế, khi kết quả bầu tổng thống ngã ngũ sẽ rất dễ dẫn đến xung đột vũ trang. Máy bay trực thăng của Pháp dưới sự chỉ đạo của LHQ ngày nào cũng bay ầm ầm trên trời để đảm bảo cuộc bầu cử có thể diễn ra an toàn. Vậy mà cuối cùng, xung đột vẫn xảy ra. Bạn tưởng tượng xem, trên đầu là tiếng máy bay, xung quanh là tiếng súng nổ. Sáng ngủ dậy nghe thấy tiếng súng và có người thiệt mạng là chuyện bình thường lắm. Tất cả sĩ quan của LHQ lúc đó đều phải giữ chặt chiếc radio bên mình để nếu có thông báo "ở yên trong nhà" là phải tuyệt đối chấp hành. Chúng tôi cũng phải chuẩn bị sẵn một chiếc balo cỡ 15-20 kg, bao gồm tất cả những thứ cần thiết nhất và một lượng thực phẩm đủ dùng trong 5 ngày, để nếu có lệnh sơ tán là chỉ việc xách balo cùng áo giáp và mũ sắt để lên đường. Lúc ấy tôi vừa mới sang, không thể tưởng tượng việc mình phải sống thường trực trong tâm thế thời chiến như thế này.

- Sau đó có lệnh sơ tán nào không?

- Với chúng tôi thì không, nhưng các bạn dưới phân khu Tây thì có. Các bạn ấy đã phải chui xuống hầm vì họ bắn vào sát cổng doanh trại LHQ. Mà tình hình ở phân khu Tây thường rất nóng, bởi đây là khu vực có nhiều trữ lượng vàng và kim cương nhất Trung Phi.

- Người của LHQ ở các phân khu và ở thủ đô được bảo vệ như thế nào?

- Rất tiếc là Cộng hòa Trung Phi mới chỉ có khu ở dành riêng cho các sĩ quan thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của LHQ tại các phân khu. Còn khu vực sở chỉ huy ở thủ đô Bangui thì các sĩ quan phải ở rải rác trong dân, nghĩa là tự thuê nhà ở ngoài. Tuy nhiên, khi thuê nhà thì LHQ cũng sẽ cho người đến kiểm tra mức độ an toàn của căn nhà, đồng thời đặt một chốt kiểm soát ngay bên ngoài căn nhà.

- Những người trong phái bộ Việt Nam ở thủ đô Bangui ở chung trong một khu phải không chị?

- Vâng! Thời điểm tôi làm nhiệm vụ thì có cả thảy 4 đồng chí ở sở chỉ huy tại thủ đô và 3 đồng chí làm  nhiệm vụ ở các phân khu. 4 người chúng tôi thuê chung một căn nhà. Như thế năm 2021, Việt Nam có 7 chiến sĩ, năm nay chúng ta có 8 chiến sĩ.

- Phần lớn là nam giới?

- Đúng rồi! Hiện nay LHQ đang muốn tăng tỉ lệ nữ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình vì đó cũng là một trong những chính sách bình đẳng giới, nhằm nâng cao vị trí của người phụ nữ trong các hoạt động hòa bình và an ninh đã trở thành một nghị quyết của LHQ và Việt Nam cũng cam kết thực hiện điều này. Vì thế, vị trí sĩ quan tham mưu huấn luyện luôn là phụ nữ. Mới đây, ta còn có nữ sĩ quan tham gia hoạt động truyền thông, nên tổng cộng Việt Nam hiện có 2 nữ sĩ quan ở Trung Phi.

Làm nhiệm vụ ở Trung Phi, đã có lúc thoáng nghĩ về cái chết -0
Trung tá Nguyễn Mỹ Hạnh trò chuyện cùng nhà báo Phan Đăng.

Những khó khăn đặc thù của phụ nữ

- Đã đành ở Trung Phi là nguy hiểm, khó khăn chung, nhưng với riêng phụ nữ chắc chắn sẽ có những khó khăn rất đặc thù?

- Trong quân đội, nữ hay nam cũng đều phải cố gắng vượt qua mọi khó khăn thôi, nhưng nữ giới luôn có những vấn đề bất tiện hơn. Anh hãy tưởng tượng lại Hà Nội của những năm cuối thập niên 80, khi đó mỗi gia đình chỉ có duy nhất một bóng đèn và chỉ được thắp sáng vào một giờ cố định đúng không? Ở Cộng hòa Trung Phi, mọi thứ đang diễn ra y như vậy. Điện, nước cung cấp theo giờ. Thành thật mà nói, thiếu nước là một cực hình đối với chị em phụ nữ. Thời điểm khó khăn nhất với tôi là khi thủ đô Bangui mất nước gần một tuần, khi đó bão lớn làm hỏng đường điện nên người ta không thể bơm nước ra ngoài. LHQ đã xử lí tạm thời bằng cách cho những xe chở nước phân phối tới từng sĩ quan. Mỗi người được cung cấp 5 lít nước để sử dụng một cách tiết kiệm trong thời gian chờ có lại nước.

Nhân nói tới sinh hoạt của phụ nữ, tôi xin chia sẻ những kỷ niệm của mình khi đi chợ, nấu ăn cho cả đoàn. Chợ bên đó đương nhiên rất thô sơ. Người ta bày bán các món đồ ngay trên mặt đất và chủ yếu chỉ bán thịt bò vì thịt lợn rất hiếm và đắt. Lần đầu đi chợ, tới một quầy thịt bò, tôi sửng sốt tự hỏi tại sao thịt bò bên này lại đen như vậy. Phải nói là đen tuyền luôn.

- Đen theo nghĩa đen?

- Chính xác! Tôi đã nghĩ có lẽ thịt bò bên này màu đen đặc trưng như thế cho tới khi người bán thịt phẩy cái quạt vào miếng thịt, cả một bầy ruồi chi chít bay lên thì mới bất ngờ nhận ra một khối màu đỏ phía trong. Lúc đó tôi vô cùng lo lắng về chất lượng an toàn thực phẩm, nhưng làm thế nào được khi ở đây tất cả đều ăn uống như vậy.

Một lần khác, khi tôi đang đi chợ và khoác một chiếc túi trên vai thì bỗng nhiên một thanh niên chạy ào đến, giật phăng chiếc túi. Tôi chưa kịp hô lên thì những người bản địa đã chạy lại, quây kín xung quanh. Hình như họ muốn đuổi theo tên trộm, lấy lại giúp tôi chiếc túi. Nhưng, một người bạn đi cùng tôi lúc đó nói rằng, tuyệt đối không được nhờ họ.

- Ồ! Chấp nhận mất luôn?

- Chấp nhận, không có cách nào khác! Bạn tôi giải thích nếu nhờ những người kia đuổi theo, bắt được kẻ trộm thì họ sẽ đồng loạt quay lại đòi tiền cảm ơn. Lúc đó tình huống sẽ nguy hiểm hơn nhiều, vì họ hoàn toàn có thể lợi dụng tình thế hỗn loạn để bắt cóc, đòi tiền chuộc. Từ lần ấy, mỗi khi đi chợ, tôi chỉ cầm tiền trong tay và không mang theo bất cứ thứ gì cả. Tôi cũng lường trước, nếu có tình huống bất ngờ xảy ra thì phải dừng lại, gọi ngay cho cảnh sát của LHQ, chứ không được tự xử lí một mình.

- Sau lần đó, khi đi ngoài đường, chị có mang súng theo không?

- Việt Nam mình kí cam kết tái thiết sau hòa bình, cho nên các sĩ quan khi nhập cảnh hoặc thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình đều không mang súng. Đó cũng là một điều khiến chúng tôi phải cẩn thận hơn so với sĩ quan của các nước khác.

- Tôi không nhớ rõ lắm, nhưng hình như có đọc loáng thoáng trên báo rằng ngay cả sĩ quan của LHQ cũng từng bị bắt cóc ở Trung Phi?

- Đúng! Chuyện xảy ra với một đồng chí người Ghana cùng làm trong sở chỉ huy với tôi. Lúc đó là khoảng 6 giờ chiều, anh ấy đứng trước cổng nhà mình để hít thở không khí. Đột nhiên một chiếc ô tô dừng lại, hai người đàn ông đeo súng bước xuống yêu cầu anh ấy lên xe. Nguyên tắc an toàn cơ bản nằm trong bộ quy định của LHQ là khi đứng trước những kẻ bắt cóc có vũ trang, không được chống cự, mà phải thực hiện chính xác những gì được yêu cầu. Sau đó họ hỏi anh ấy là ai, làm nghề gì, bởi ngoại hình của người Ghana rất giống người Trung Phi và anh ấy cũng sống ở khu nhà dân, lại mặc thường phục nên không thể nhận diện được. Dù anh trả lời mình là sĩ quan LHQ và đang thuê nhà ở khu vực đó nhưng họ vẫn yêu cầu anh về sở chỉ huy của họ. Đến lúc đó anh ấy mới chắc chắn rằng mình bị bắt cóc và đạt được thỏa thuận trả tiền để lấy tự do. Sau chuyện đó, anh ấy nói với chúng tôi rằng ngay cả khi đứng trước cổng nhà thì cũng không được đứng một mình, mà phải đứng theo nhóm hoặc đứng cạnh đội bảo vệ an ninh nhà mình.

- Cảnh sát sở tại đâu ạ?

- Lực lượng cảnh sát sở tại không nhiều và chính họ cũng theo nhiều phe phái khác nhau, nay có thể là người của phe chính phủ, mai có khi lại đứng về phe đối lập.

Điều duy nhất từng nói với chồng

- Vẫn biết đã làm nhiệm vụ là phải rèn luyện kỹ lưỡng và phải gồng lên để hoàn thành tốt những gì được giao. Nhưng, với chị, một nữ chiến sĩ, xin hỏi thật là có những khoảnh khắc nào mà "con người phụ nữ" trong chị trồi lên, đấu tranh với "con người chiến sĩ" không?

- Ngày bước chân lên máy bay rời quê hương đi thực hiện nhiệm vụ là ngày sinh nhật tôi. Hơn nữa, đó là thời điểm COVID diễn ra vô cùng căng thẳng, gần như không có chuyến bay đi, bay về. Toàn bộ chuyến bay của tôi chỉ có 6 người. Sân bay Nội Bài (Hà Nội) vắng tanh. Tôi là người cuối cùng bước lên máy bay và cũng là người cuối cùng bước vào khu cách li. Đứng ở trong này, nhìn thấy người nhà trông về phía tôi. Và, tôi tự hỏi không biết trong vòng một năm tới có thể về nhà được không? Con trai tôi đột nhiên khóc òa lên rồi ôm chặt lấy bố. Dù máy bay chuẩn bị cất cánh nhưng tôi vẫn vừa đi vừa ngoái lại để cố nhìn con thêm một chút. Tất cả cảm xúc dồn nén khiến tôi cũng khóc nức nở tới mức đội an ninh sân bay hỏi tôi: "Chị đi có lâu không mà sao khóc nhiều thế?". Rồi tới khi sang tới nơi, có những đêm giật mình tỉnh dậy thấy mình đang ở một đất nước xa lạ, tôi tự hỏi không biết người thân ở nhà đang làm gì rồi lại cảm thấy cô đơn, lẻ lỏi kinh khủng. Phải nói tháng đầu tiên tôi khóc rất nhiều, nằm một mình mà nước mắt cứ chảy ra vì nhớ nhà. Sau này, khi đã quen dần với nếp sinh hoạt và công việc ở phái bộ, nỗi nhớ nhà không còn cồn cào nữa. Dần dà, tôi cảm thấy vinh dự, tự hào hơn với nhiệm vụ mà mình đang thực hiện.

- Trong suốt một năm ở Trung Phi, có lúc nào chị thoáng nghĩ đến cái chết không?

- Có! Đó là thời điểm dịch COVID diễn biến hết sức phức tạp. Vị trí của tôi lại luôn phải đón tiếp rất nhiều người mới đến. Phái bộ luôn dặn nhau là bất cứ ai có biểu hiện bất thường đều phải chủ động cách li để đảm bảo an toàn cho đồng đội. Thời điểm thứ hai thì như tôi đã chia sẻ ở trên, đó là lúc mà trên trời máy bay tuần tiễu, ngoài cửa thì súng nổ liên hồi. Chúng tôi luôn lo lắng không biết vào một ngày nào đó, nơi mình ở bỗng nhiên bị đột nhập hoặc chẳng may trúng phải bom rơi đạn lạc thì sao? Tất cả đều xác định phải nghiêm túc thực hiện những quy tắc về an ninh, an toàn mà LHQ đề ra. Đặc biệt là phải giữ liên lạc thông suốt giữa phái bộ ở Trung Phi với quê nhà, để có bất cứ tình huống nào xảy ra đều nhận được sự chỉ đạo trực tiếp, tranh chóng nhất.

- Trong thời điểm COVID, phái bộ Việt Nam có ai bị mắc không?

- Có! Nhưng rất may là đồng chí ấy được cách li và điều trị kịp thời.

- Sau tất cả những điều như thế, nếu bây giờ tiếp tục được đề nghị sang châu Phi thực hiện nhiệm vụ, chị có đi nữa không? Mà quan trọng là chồng có đồng ý cho chị đi không?

- Nhiều người biết đến câu chuyện của tôi thường bảo tôi là người dám đương đầu với thử thách. Nhưng, thực ra đằng sau một người phụ nữ dám đương đầu với thử thách là một người đàn ông vị tha, một người sẵn sàng hiểu, quan tâm và ủng hộ vợ hết mình. Tôi thấy mình may mắn bởi nếu tôi không có một người chồng như chồng tôi thì chắc chắn tôi sẽ không thể hoàn thành được nhiệm vụ. Nếu anh hỏi tôi câu hỏi trên thì dù tôi chưa hỏi chồng mình nhưng tôi đoán chắc anh ấy vẫn sẽ đồng ý thôi.

- Ở thời điểm trước khi lên đường, chị đã nói gì với anh ấy?

- Điều duy nhất tôi nói là: "Anh yên tâm! Em sẽ đảm bảo an toàn cho mình để trở về với bố con anh".

- Xin cảm ơn chị với những chia sẻ rất xúc động này!

Ngày ấy rồi sẽ đến

"Giữa tất cả mọi sự khắc nghiệt xung quanh, tôi luôn thấy những khoảng tĩnh lặng rất đáng yêu. Tôi sẽ không bao giờ quên được hình ảnh những em nhỏ ở Cộng hòa Trung Phi, ánh mắt các em toát lên sự trong trẻo, ngây thơ như tất cả những em nhỏ khác trên trái đất. Là một người mẹ xa con, tôi yêu thương các em như những đứa con đang ở nhà của mình. Nhìn các em đi học, tôi lại nhớ về mình những ngày ấu thơ. Từng đoàn học sinh là anh chị em, hàng xóm láng giềng tíu tít dắt nhau đi học dưới những tán phượng rợp trời ở Trung Phi. Gần nơi tôi ở là trại trẻ mồ côi dành cho những đứa trẻ mà bố mẹ thiệt mạng trong quá trình xảy ra xung đột. Khi các em đi học qua, thấy tôi, bao giờ cũng giơ tay vẫy và "Bonjour!" (Xin chào). Chỉ cần tôi giơ máy ảnh lên là các em chạy tới, thậm chí ôm chầm lấy tôi, rồi thứ tự cùng nhau chụp ảnh.

Có lần, một em bé tặng tôi cành hoa phượng. Tôi mang về nhà cắm, nhưng không có bình, không có lọ nên tôi cắm vào một chai nước. Nhìn những bông phượng rực rỡ trong chai nước ấy, tôi hiểu rằng dù có khắc nghiệt đến mấy thì cuộc sống vẫn luôn có những nét tươi tắn. Bông phượng làm lòng tôi mềm mại hẳn. À mà những em nhỏ mà tôi vừa kể là những em sống ở thủ đô, còn những em sống rải rác ở các phân khu dưới tỉnh thì hầu như không được đến trường. Tôi thấy các em thường lăn lê chơi với những cành cây trên nền đất bẩn. Có em chỉ chừng 4-5 tuổi thôi, đội trên đầu những bó củi rất lớn, bước ra từ những cánh rừng. Một ngày nào đó, khi xung đột chấm dứt, những em nhỏ ở đây rồi sẽ được sống trong một khí quyển thanh bình như ở nhiều nơi khác trên quả địa cầu. Ngày ấy sẽ đến, chắc chắn sẽ đến, tôi luôn tin như vậy mỗi khi nhớ về các em".

Trung tá Nguyễn Mỹ Hạnh

* Ảnh trong bài: Phạm Nghĩa

Phan Đăng (thực hiện)
.
.