Kỳ 2: Rối loạn bên trong sẽ thua bên ngoài
Người Việt Nam có thể nhân nhượng việc A, việc B, việc C nhưng không bao giờ nhân nhượng chủ quyền cả. Chúng ta phải vận động nhân dân hiểu rõ bảo vệ biển đảo là trách nhiệm và nghĩa vụ của người dân, từ đó tạo ra thế trận lòng dân và thế trận chiến tranh nhân dân trên biển...
- Nhà báo Phan Đăng: Thưa Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và Thượng tướng Võ Tiến Trung, ở kỳ trước chúng ta đã phân tích rất kỹ lưỡng về phương châm đánh giặc của người Việt Nam từ quá khứ đến hiện đại, trong đó phương châm “Bám thắt lưng địch mà đánh” do Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đề xuất vẫn có những ý nghĩa nóng hổi. Bây giờ chúng ta sẽ bàn tới một câu chuyện rất cụ thể, được toàn thể người dân Việt Nam hết mực quan tâm, đó là câu chuyện bảo vệ chủ quyền biển đảo. Câu chuyện trên biển chắc chắn sẽ khác so với câu chuyện trên đất liền, những biến động trên biển ở thế kỷ 21 cũng khác nhiều so với những biến động biển của các thế kỷ trước đây. Trong bối cảnh đó, chúng ta phải làm gì để có thể bảo vệ vững vàng chủ quyền biển đảo quốc gia?
- Thượng tướng Võ Tiến Trung: Tôi hiểu ý của Phan Đăng. Rất hiểu. Nhưng, tôi muốn đặt vấn đề ngay thế này để chúng ta dễ trao đổi, đó là phải xác định rõ ràng chúng ta giữ Tổ quốc không chỉ bằng quân sự. Điều đầu tiên chúng ta phải làm và đã làm là phải thể hiện được tính chính nghĩa của mình. Tức là phải làm sao để thế giới và kể cả những kẻ muốn xâm lược chúng ta hiểu rằng cái đảo ấy đúng là của Việt Nam. Ai đụng vào chỗ đó là đụng vào chủ quyền Việt Nam. Mà một khi bị đụng vào chủ quyền thì người Việt Nam không bao giờ chấp nhận. Người Việt Nam có thể nhân nhượng việc A, việc B, việc C nhưng không bao giờ nhân nhượng chủ quyền cả. Chúng ta phải vận động nhân dân hiểu rõ bảo vệ biển đảo là trách nhiệm và nghĩa vụ của người dân, từ đó tạo ra thế trận lòng dân và thế trận chiến tranh nhân dân trên biển. Chỉ có nhân dân mới bảo vệ được biển đảo. Tiếp nữa, chúng ta phải kéo quốc tế vào ủng hộ chúng ta, chi viện chúng ta, dù đấy chỉ là một tuyên bố, một lời nói... Và sau đó lực lượng quân sự của chúng ta cũng phải có sự chuẩn bị chu đáo để sẵn sàng ứng biến trước mọi tình huống. Phải cùng lúc triển khai 3 thế trận như vậy, chứ không chỉ là thế trận quân sự thuần túy.
- Nhà báo Phan Đăng: Là một nhà quản lý quốc phòng lâu năm, đặc biệt ở lĩnh vực đối ngoại quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh có thể chia sẻ trên thực tế chúng ta đã triển khai 3 thế trận này như thế nào?
- Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Tôi rất đồng ý với anh Võ Tiến Trung khi anh nói rằng điều đầu tiên cần phải nhấn mạnh trong quá trình bảo vệ chủ quyền Biển Đông chính là quyết tâm bảo vệ. Tôi nghĩ rằng quyết tâm đó đã thấm vào máu của tất cả các thế hệ người Việt từ xưa đến nay và mãi mãi về sau. Chúng ta phải làm cho thế giới và những kẻ muốn xâm lược chúng ta hiểu rõ điều này. Còn nếu chúng ta để những kẻ đó nghĩ rằng trong một điều kiện cụ thể nào đó, Việt Nam có thể nhân nhượng một li một lai nào đó về chủ quyền thì rồi chúng ta sẽ mất đấy. Không! Chúng ta sẽ không bao giờ để cho họ có ý nghĩ như thế. Đã là chủ quyền quốc gia thì dù một li, một lai chúng ta cũng không bao giờ nhân nhượng.
Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 từng ra nghị quyết về phát triển kinh tế biển. Trong nghị quyết này không có một câu nào nói tới chuyện phát triển quân sự, cũng không có sự tham gia nào của quân đội vào đây cả nhưng ý nghĩa bảo vệ Tổ quốc của nó thì hết sức quan trọng. Bởi vì phát triển kinh tế biển vừa có thể đem lại sự giàu có cho đất nước, vừa tạo ra một thế trận nhân dân trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chứ biển mà không ai ra, không ai đánh cá, không ai du lịch..., đảo mà hoang vắng không người thì chúng ta dễ mất thật. Tuy nhiên, tôi cũng rất suy nghĩ khi thấy sự phát triển kinh tế biển của chúng ta trong những năm qua chưa được nhanh như kỳ vọng.
Tôi có một ý muốn trao đổi thêm với anh Trung, đó là chúng ta không nên chỉ nói đến riêng Biển Đông, chúng ta còn biển Tây nữa, còn biển ở phía Bắc nữa kia mà. Nếu chúng ta quay mặt ra biển nhanh hơn, mạnh hơn, toàn diện hơn - xin nhấn mạnh là quay ra biển nói chung, thì chúng ta sẽ bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình vững vàng hơn.
Chiến tranh nhân dân trên biển: Tại sao không?
- Nhà báo Phan Đăng: Một trong những đặc sắc quân sự Việt Nam từ thời quân chủ chuyên chế đến hiện đại chính là chiến tranh nhân dân. Chỉ xin lấy một ví dụ đơn giản thôi, ở thế kỷ 13, trước giặc Nguyên Mông hùng mạnh, vua tôi nhà Trần đã thực hiện kế vườn không nhà trống, rút khỏi kinh thành để chờ thời cơ vùng lên đánh giặc. Nếu không dựa vào dân, không có lòng dân thì không thể thực hiện được chiến thuật này. Ngược lại, đến thời của mình, Hồ Quý Ly có thành quách kiên cố, vũ khí tối tân, quân đội hùng hậu nhưng lại không có được lòng dân, không tổ chức được chiến tranh nhân dân nên cuối cùng thảm bại. Tuy nhiên, hiện nay đâu đó lại xuất hiện suy nghĩ rằng, câu chuyện trên biển khác và rất khác câu chuyện trên đất liền. Chúng ta có thể thực hiện chiến tranh nhân dân trên đất liền chứ khó làm điều đó trên không gian biển. Tôi đoán là Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh sẽ không đồng tình với suy nghĩ này?
- Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Tôi xin lấy ví dụ để anh thấy rõ luôn, đó là khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào và hoạt động trái phép trong thềm lục địa Việt Nam, lúc đó điều gì đã diễn ra? Lúc đó chúng ta đã thấy rất rõ thế trận chiến tranh nhân dân của chúng ta đấy chứ. Hàng trăm, hàng nghìn thuyền của người dân bao vây khu vực mà giàn khoan 981 hạ neo, toàn bộ người dân cả nước lên tiếng phản đối một cách có trật tự, những hành vi phản ứng manh động, không có lợi đã được xử lý kịp thời. Nhờ những điều này mà cuối cùng Trung Quốc đã phải rút giàn khoan. Có một điều tôi muốn nhấn mạnh, những ngày đó thì các trường đại học vẫn đi học bình thường, các rạp chiếu phim vẫn mở, giá xăng dầu, giá vàng, giá nhu yếu phẩm không tăng. Cách điều hành xã hội như vậy chính là chiến tranh nhân dân để bảo vệ chủ quyền, đẩy lùi hành động xâm hại của nước ngoài với chúng ta.
- Thượng tướng Võ Tiến Trung: Xin tiếp lời anh Vịnh để kể một câu chuyện mà chính tôi là người trong cuộc. Thời điểm tôi còn làm Phó Tư lệnh Quân khu 5, có chuyện một nước lớn đưa tàu vào biển của ta khảo sát. Ta không có chủ trương dùng quân sự nên đưa dân ra đấu tranh. Dân ra đấu tranh thì dứt khoát phải có thương vong, tổn thất. Lúc đó tôi lường trước việc mình phải nói như thế nào để dân chịu ra đấu tranh? Ấy thế mà không cần phải nói nhiều, người dân đồng lòng đi ngay, ra ngay để bảo vệ Tổ quốc. Họ chỉ hỏi tôi một câu: Thưa ông, nhất định chúng tôi sẽ đi. Nhưng, nếu bị thương, chúng tôi có được công nhận là thương binh không, nếu chết chúng tôi có được công nhận là liệt sĩ không? Lúc đó thực sự là tôi bí, chưa biết trả lời thế nào, vì nó phụ thuộc vào chính sách. Chưa có chính sách thì làm sao tôi trả lời người dân ngay được. Nhưng, tôi liền hỏi lại bà con: Ngày xưa quân Nguyên Mông sang đây, những người dân chúng ta có nghĩ đến chuyện được công nhận là thương binh, liệt sĩ hay không mà vẫn sẵn sàng khắc vào cánh tay hai chữ “sát thát” để đánh giặc? Lúc này, người dân mới nói thật: Chúng tôi chỉ hỏi vậy thôi, chứ chỉ cần bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, bảo vệ môi trường đánh bắt cá vốn có của mình là chúng tôi sẵn sàng ra đi. Và, thực tế lần đó tất cả đều đi hết. Với một tinh thần như thế, sao lại nói chúng ta không thể tổ chức thế trận nhân dân trên biển?
- Nhà báo Phan Đăng: Thưa hai Thượng tướng, thế giới hôm nay không còn phân cực như thế giới thời Chiến tranh Lạnh nhưng sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc và những cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các nước lớn là điều mà ai cũng thấy. Từ sự cạnh tranh đó, đã có những ý kiến cho rằng để giữ vững chủ quyền biển đảo, trong một hoàn cảnh nào đó, chúng ta có thể tính đến chuyện dựa vào một nước để chống lại một nước. Tôi lại mạn phép xin được suy đoán: Chắc là Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh sẽ không đồng tình với những ý kiến này?
- Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Trong cuộc đời này, không một người nào tạo ra hạnh phúc cho mình nhờ sự giúp đỡ của người khác. Không một quốc gia nào tạo ra được sự an toàn khi phải đi nhờ một nước khác. Đây là một nguyên tắc mang tính quy luật rồi. Trong bối cảnh chính trị hiện nay, có những nước lớn va đập với nhau, thậm chí là xung đột nhau. Chúng ta phải trả lời rất rõ, vậy thì họ va đập, xung đột vì cái gì vậy? Vì tính chính nghĩa hay phi nghĩa của nền hòa bình thế giới chăng? Không! Xét cho cùng, họ đều vì lợi ích của chính họ. Cho nên, ý tưởng nhờ một nước này để chống lại một nước khác theo tôi không chỉ là một sai lầm mà là một sự ngây thơ tệ hại. Nếu chúng ta không đủ bản lĩnh để giữ độc lập tự chủ của mình, chỉ lệch một chút thôi thì chúng ta có thể sẽ trở thành một Syria thứ hai chưa biết chừng. Anh Võ Tiến Trung và Phan Đăng ạ, tôi đã nghiên cứu tình hình Syria và tôi thấy là chẳng hiểu vì sao mà giờ có tới 7-8 nước cùng đem bom thả xuống Syria. Dĩ nhiên, mỗi nước đều có lý của họ nhưng bom đạn thì người dân Syria phải chịu. Thành thử, nếu không giữ được độc lập, tự chủ thì rất nguy hiểm.
Tuy nhiên, tôi muốn trao đổi thêm ở khía cạnh này: Nói độc lập tự chủ thì dễ, còn làm được lại rất khó. Vì sao? Vì khi đến với mình, bao giờ người ta cũng đưa cho mình những quyền lợi nào đó. Có khi nó là lợi trước mắt, có khi nó là quyền lợi lâu dài hẳn hoi. Nhưng, nếu vì thế mà chúng ta đánh mất cái gọi là “cân bằng chiến lược”, đồng nghĩa với việc để mất độc lập, tự chủ thì chắc chắn không có cái lợi nào bù đắp lại được. Về mặt quốc phòng là vậy, về kinh tế, chính trị cũng như vậy. Anh phải giữ cho được thế độc lập, tự chủ của mình. Anh có thể nghèo một chút, có thể đi chậm một chút nhưng nhất định phải giữ độc lập, tự chủ. Nếu để mất độc lập, tự chủ thì không biết điều gì sẽ xảy ra.
Áp lực lúc nào cũng có
- Nhà báo Phan Đăng: Tôi rất đồng cảm với ý tưởng của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Tuy nhiên, mạn phép hai ông, tôi xin đặt ra một tình huống: Đúng là chúng ta không muốn chọn phe, không dựa vào một nước để chống lại một nước nhưng trong một hoàn cảnh không may nào đó, các nước lớn tạo áp lực để ép buộc chúng ta phải chọn phe thì sao? Với vị thế của mình, chúng ta có thể từ chối được không?
- Thượng tướng Võ Tiến Trung: Tôi nghĩ áp lực với chúng ta là liên tục đấy chứ. Đâu cần phải đợi tới một lúc nào đó như nhà báo vừa nói mà ngay bây giờ chúng ta cũng đang chịu áp lực rất lớn đấy. Và, ngay trong chính nội bộ của chúng ta, có thể sẽ có những người tạo áp lực, đề nghị chúng ta dựa vào một nước để chống lại một nước khác, anh Vịnh ạ. Nhưng, chủ trương của Đảng rất rõ ràng, dù áp lực thế nào đi nữa, chúng ta cũng tuyệt đối không dựa vào người khác. Không dựa vào người khác nhưng chúng ta hoan nghênh bất cứ ai, bất cứ nước nào ủng hộ chúng ta, kể cả ủng hộ về trang bị vũ khí, kể cả ủng hộ về tài chính, kinh tế, kể cả ủng hộ về từng tuyên bố, từng lời nói. Càng ủng hộ bao nhiêu, chúng ta quý bấy nhiêu. Chúng ta tập hợp tất cả sự ủng hộ đó thành một sức mạnh hỗ trợ chúng ta bảo vệ Tổ quốc. Anh Nguyễn Chí Vịnh làm công tác đối ngoại lâu năm trong quân đội sẽ rất hiểu điều này.
- Nhà báo Phan Đăng: Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh có thể chia sẻ những tình huống mà chúng ta phải chịu áp lực và cách thức thoát khỏi áp lực - nếu có, được không?
- Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Việt Nam chúng ta với một vị trí địa lý như thế, một ý thức hệ như thế, một lịch sử phát triển như thế, có lẽ là một trong những nước chịu áp lực lớn nhất thế giới về đối ngoại. Áp lực đó đến chủ yếu từ các nước lớn, cụ thể ở đây có thể nói rõ là Mỹ và Trung Quốc.
- Nhà báo Phan Đăng: Họ tranh giành ảnh hưởng lên chúng ta!
- Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Tranh giành ảnh hưởng! Không một ngày nào không có. Không một lĩnh vực nào không có. Bao giờ họ cũng muốn kéo mình lại, để làm sao đạt được những lợi ích mà họ mong muốn. Sẽ có tình huống đặt ra: nếu một tình huống hiểm nghèo xảy ra, ví dụ như bị xâm lược thì liệu chúng ta có chấp nhận ngả về một bên nào đó để bảo vệ chủ quyền của mình hay không? Câu hỏi này sẽ dẫn đến rất nhiều tranh luận và tôi biết là sẽ có rất nhiều câu trả lời khác nhau nhưng quan điểm của tôi rõ ràng thế này: ngay cả trong tình thế đó, ráng mà đánh, cố mà đánh thì còn có cơ hội chiến thắng, chứ ngả vào một bên thì theo tôi, chúng ta thua chắc. Bởi nếu dựa vào một ông lớn để chống một ông lớn thì khi hai ông lớn thỏa hiệp với nhau vì lợi ích của họ, chúng ta sẽ mất hết.
Tôi chợt nhớ có lần đã hỏi Đại tướng Lê Đức Anh chính câu hỏi mà nhà báo Phan Đăng vừa hỏi. Tôi nói rằng: Thưa chú, lúc mà mình quá khó khăn thì mình có thể liên minh với nước này để chống nước kia không? Đại tướng Lê Đức Anh trả lời: Chú không thể hình dung tới một tình huống như vậy nhưng chú có thể kết luận rằng làm như vậy chính là phản bội Tổ quốc. Tôi nhớ mãi câu trả lời đó. Tôi xin lấy lại ví dụ về việc Trung Quốc từng đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển của chúng ta, lúc đó nếu xử lý quá mềm, có thể chúng ta sẽ mất chủ quyền. Ngược lại, nếu xử lý quá cứng thì có thể chúng ta lại mất quan hệ với Trung Quốc, một nước láng giềng mà chúng ta luôn coi trọng quan hệ hữu nghị. Thực tế lúc đó chúng ta đã tự mình giải quyết vấn đề và kết quả là Trung Quốc đã phải rút giàn khoan.
Tôi có thể lấy ví dụ cụ thể, người Mỹ từng hỏi chúng ta về việc tàu Mỹ đi vào sát một số đảo ở Trường Sa của Việt Nam, hiện do một số nước khác chiếm đóng thì chúng ta có ủng hộ không? Trong thâm tâm họ nghĩ là mình sẽ ủng hộ. Nhưng, tôi đã trả lời rằng: nếu các anh đi vô hại, không gây hấn với ai, tuân thủ luật pháp quốc tế thì đấy là việc của các anh. Chúng tôi không ủng hộ, cũng không phản đối. Nhưng, nếu các anh nhắm vào một đối tượng nào đó ở đây là vi phạm luật pháp quốc tế và chủ quyền của Việt Nam, chúng tôi sẽ phải phản đối. Đừng tưởng họ làm thế mà mình ủng hộ. Mình phải giữ cái thế chủ động của mình. Nếu không, hôm nay họ đi ở Trường Sa, rồi một lúc nào đó họ đi sát vào tận Đà Nẵng thì mình tính sao? Cho nên, trong từng xử lý đối ngoại, chúng ta phải giữ được “trung lộ” để bảo vệ thế độc lập, tự chủ của chúng ta.
Phải tỉnh táo
- Nhà báo Phan Đăng: Đâu là khó khăn lớn nhất mà chúng ta phải đối diện trong quá trình bảo vệ biển đảo, thưa hai Thượng tướng?
- Thượng tướng Võ Tiến Trung: Vấn đề giữ biển hiện nay vô cùng khó khăn, chứ không hề dễ dàng. Phải nói thẳng như thế. Nhưng, cũng phải hết sức bình tĩnh và tỉnh táo. Khi một tàu đối phương xâm phạm chủ quyền của chúng ta mà ta sử dụng vũ lực ngay, đánh chìm một cái tàu ấy ngay thì quá dễ. Nhưng, sau đó sẽ là cái gì? Những nguy cơ nào có thể xảy ra? Tôi thấy hiện nay có những thế lực lợi dụng lòng yêu nước nồng nàn của người dân Việt Nam để tuyên truyền, kích động những điều không đúng sự thực. Họ đề nghị chúng ta phải đánh, phải hùng hổ, phải biểu tình..., làm ra một sự rối loạn bên trong. Bên ngoài đã rối rồi, bên trong còn rối thì rất nguy. Phải thấy rõ chúng ta bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chế độ nhưng còn phải bảo vệ hòa bình để xây dựng Tổ quốc nữa. 3 yếu tố này liên kết chặt chẽ với nhau. Anh bảo vệ được toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ được chế độ nhưng lại đưa đất nước vào chiến tranh thì coi như cũng chưa hoàn thành nhiệm vụ.
- Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Tôi cho là chúng ta đang bảo vệ tốt biển. Thềm lục địa 200 hải lý chúng ta đang quản lý. Các hoạt động hàng hải, hàng không trong thềm lục địa Việt Nam, chúng ta đang thực hiện theo luật Việt Nam. Và, nói cho cùng, phương tiện nào vào khu vực này đều nằm trong tầm kiểm soát của chúng ta. Các đảo ở Trường Sa mà chúng ta đang có vẫn được giữ vững, các điểm đóng quân của chúng ta vẫn duy trì sự phát triển. Còn những gì diễn ra trong quá khứ, chúng ta chưa bao giờ dừng một ngày đấu tranh. Xác định giữ biển vì thế là xác định trong cả trăm năm, ngàn năm, chứ không phải chỉ trong năm này hay nhiệm kỳ này đâu. Còn khó thì rõ ràng là khó chứ, một bờ biển đẹp như thế, giàu có như thế mà không bị dòm ngó thì vô lý.
Nhưng, ở đây có một điểm tôi chỉ đồng tình một nửa với anh Võ Tiến Trung. Đúng như anh Trung nói, trong bối cảnh phức tạp hiện nay, nếu bị cuốn theo những sự kích động thì sẽ dẫn tới rối loạn bên trong. Mà nếu rối loạn bên trong thì sẽ thua bên ngoài. Bờ có vững thì biển mới yên, tôi rất đồng tình với anh Trung ở điểm này. Nhưng, cái mà tôi muốn nói thêm đó là không chỉ có địch phá đâu, mà là công tác giáo dục, công tác tuyên truyền của chúng ta hiện nay còn bất cập, không đạt yêu cầu. Làm sao để mỗi người dân, mỗi sinh viên ở trường đại học phải thấy rõ là biển của mình đến đâu, thế nào là chủ quyền tuyên bố? Thế nào là chủ quyền pháp lý? Thế nào là chủ quyền thực tế? Có gì bí mật đâu! Sinh viên đại học phải biết những điều đó chứ. Người công nhân, người nông dân phải biết được những vấn đề đó chứ. Nếu tất cả đều hiểu rõ như vậy thì không ai có thể kích động người dân Việt Nam. Tôi rất mong là công tác giáo dục nói chung và công tác tuyên truyền nói riêng phải đi kịp với công tác bảo vệ chủ quyền đất nước. Còn như hiện nay, tôi cho là chưa đạt yêu cầu.
- Nhà báo Phan Đăng: Xin cảm ơn hai vị Thượng tướng!