Kỳ 1: Nhỏ có cách đánh của nhỏ
Chiến tranh đã qua đi nhưng những nguy cơ chiến tranh ở hiện tại và tương lai là điều bắt buộc phải đặt ra, cho dù chúng ta không bao giờ mong muốn như vậy. Thế giới ngày càng phức tạp hơn, tình hình khu vực ngày càng khó nắm bắt hơn, vậy thì từ cuộc chiến đã qua đến những nguy cơ chiến tranh mà chúng ta đã và đang lường trước liệu có mạch nối nào không?
Bài học từ những cuộc chiến trước đây liệu có thể áp dụng vào thế kỷ 21 để vừa ngặn chặn nguy cơ chiến tranh, vừa không bị bất ngờ nếu chẳng may một cuộc chiến ập đến với mình? Đó là những trao đổi của ANTG GT-CT với Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Thượng tướng Võ Tiến Trung, nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng.
Đánh vào thắt lưng địch
- Nhà báo Phan Đăng: Kính thưa hai Thượng tướng, thế hệ chúng tôi lớn lên khi cuộc chiến tranh với người Mỹ đã qua đi. Chúng tôi không sống với không khí của cuộc chiến tranh đó nhưng chúng tôi hiểu rằng đối đầu với người Mỹ là đối đầu với một quân đội nhà nghề, hiện đại, chính quy. Do vậy, muốn đánh họ và thắng họ, người Việt Nam bắt buộc phải có một cách đánh đặc biệt, cá tính nào đó của riêng mình. Một trong những cách đánh ấy được gói lại trong mệnh đề rất đơn giản “Nắm thắt lưng địch mà đánh” của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, thân sinh của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Vậy thì nhân có Tướng Vịnh ở đây, tôi tò mò muốn hỏi là nhiều chục năm đã qua đi, bây giờ nhìn lại cách đánh này, chúng ta có thể rút ra những bài học đặc biệt nào về nghệ thuật tác chiến trong quá trình bảo vệ chủ quyền quốc gia không ạ?
- Thượng tướng Võ Tiến Trung: Câu hỏi của nhà báo Phan Đăng liên quan tới tư tưởng đánh giặc của người thân sinh ra anh Nguyễn Chí Vịnh nhưng tôi lại muốn trả lời trước. Tôi muốn đặc biệt chú ý tới bối cảnh mà tư tưởng đánh giặc này xuất hiện. Năm 1965, quân Mỹ vào quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng của tôi. Lúc ấy tôi còn nhỏ, ở Đội Thiếu niên tiền phong. Và, tôi nhớ là hồi ấy người ta chia Đội Thiếu niên tiền phong làm 4 nhóm. Nhóm thứ nhất đi học băng bó, cứu thương, thậm chí còn được giao đi tìm những lá cây để nấu thành thuốc sát trùng. Nhóm thứ hai thì học cách làm hầm. Nhóm thứ ba học tiếng Anh, trong đó đặc biệt là học những câu để có thể nói với người Mỹ rằng họ là những kẻ xâm lược. Nhóm thứ tư lớn hơn một chút, trong đó có tôi học làm chông, làm mìn, làm công sự.
Rồi các tổ chức khác như thanh niên, phụ nữ, nông dân cũng được chuẩn bị mọi mặt như vậy. Tất cả đều được quán triệt tinh thần: Mỹ sẽ vào và đã vào là ta phải đánh. Nó tạo nên một không khí hừng hực. Kể lại điều này, tôi muốn nhấn mạnh rằng lúc đó chúng ta đã có sự chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng để tất cả đều hiểu khi Mỹ vào thì mình phải sẵn sàng như thế nào, ứng biến như thế nào, đánh như thế nào. Sau này lớn lên, nghiên cứu lại, tôi thấy rằng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cùng Quân ủy Miền đã có những nhận định và công tác chuẩn bị hết sức chính xác. Tôi đặc biệt coi trọng điều này, bởi nếu nhận định không chính xác, chuẩn bị không nghiêm túc, hiệu quả thì khi quân Mỹ vào, chắc chắn sẽ hoang mang. Và theo tôi, đấy mới là cái gốc của đánh giặc. “Nắm thắt lưng địch mà đánh” chỉ là một giải pháp cụ thể, một chiến thuật cụ thể, một cái ngọn xuất hiện trên nền của cái gốc ấy mà thôi.
- Nhà báo Phan Đăng: Vâng! Chúng ta có thể hiểu giải pháp ấy - “bám thắt lưng địch mà đánh” tức là phải đánh gần, đánh cận, đánh sát sườn để vô hiệu hóa hỏa lực tầm xa của đối phương phải không ạ?
- Thượng tướng Võ Tiến Trung: Rất đúng! Khi quân Mỹ vào, có người hỏi Đại tướng là sẽ đánh Mỹ như thế nào? Đại tướng nói rằng cứ đánh đi đã, rồi khắc biết. Sau này, khi trải qua một số trận, đặc biệt là trận đầu tiên ở Núi Thành thì Đại tướng đã tổng kết thực tiễn và chỉ ra phương pháp: Nắm thắt lưng địch mà đánh. Đại tướng nói rằng địch hỏa lực mạnh, quân đông, vũ khí hiện đại, cho nên ta phải đánh gần, đánh đều, đánh bằng sở trường của ta thì mới thắng được. Chiến thuật này mang tầm chiến lược ở giai đoạn đó.
- Nhà báo Phan Đăng: Là con trai của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh có suy nghĩ gì về chiến thuật này ạ?
- Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Tôi muốn nói chính xác một chút: tư tưởng “nắm thắt lưng địch mà đánh” do cha tôi đưa ra nhưng câu nói đó thực ra là của những người chiến sĩ trực tiếp cầm súng đánh Mỹ. Sau nhiều lần gặp gỡ, lắng nghe những người trực tiếp cầm súng phát biểu như thế, cha tôi đã tổng kết và đưa nó thành một phương châm đánh giặc của toàn miền Nam. Nếu suy nghĩ kỹ sẽ thấy: Khi nhìn vào một con người, thắt lưng là chỗ hiểm yếu nhất. Bị nắm vào thắt lưng thì trên không cựa được, dưới không chạy được. Cho nên, “nắm thắt lưng địch mà đánh” có nghĩa là đánh vào chỗ gần nhất và hiểm yếu nhất của địch. Vừa rồi tôi có nghiên cứu hồi ký của một số tướng lĩnh và nhận thấy cũng có những trận một số đơn vị của chúng ta không tổ chức đánh gần, mà đánh theo cách thức được một số bạn bè nước ngoài giới thiệu. Những trận ấy chúng ta đều gặp khó khăn, vì như thế là đã lấy sở đoản của mình để đánh với sở trường của đối phương. Cho nên khẩu hiệu này không chỉ là những đúc kết từ thắng lợi, mà nó còn là những đúc kết từ cả những khó khăn xương máu của chúng ta.
Nhân đây, tôi muốn nói thêm về câu hỏi đầu tiên của nhà báo Phan Đăng. Chẳng riêng gì quân đội Mỹ, trong lịch sử Việt Nam, không có quân đội nào xâm lược chúng ta mà không đông, không mạnh, không tàn bạo, không quyết liệt. Chẳng có cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc nào của chúng ta lại nhẹ nhàng cả. Cuộc chiến tranh nào cũng rất nặng nề. Vậy tại sao chúng ta đánh thắng? Tôi thấy anh Võ Tiến Trung vừa nói đến một điều rất quan trọng, đó là chúng ta đều có những dự báo trước. Dự báo trước để làm gì? Để chuẩn bị tinh thần cho người dân. Phải có sự chuẩn bị như vậy thì anh Võ Tiến Trung lúc đó dù mới 11-12 tuổi mà cũng muốn đánh Mỹ, dám đánh Mỹ, quyết tâm đánh Mỹ và đánh được Mỹ. Câu chuyện chúng ta cần nói ngày hôm nay chính là ở đây: Phải làm sao để từng người trẻ hôm nay hiểu rõ vấn đề? Những người trẻ hôm nay đang sống trong thời bình, họ không biết cầm súng - không sao cả! Nhưng, nếu được nuôi dưỡng tốt, giáo dục tốt, chuẩn bị tốt thì khi kẻ thù đến, những đứa bé 11-12 tuổi như anh Võ Tiến Trung trước đây sẽ sẵn sàng cầm súng để bảo vệ đất nước mình. Mà đừng có chủ quan. Chúng ta đang hòa bình như thế này nhưng biết đâu, đến một ngày nào đó chúng ta lại bị xâm lược?
Có hai người Mỹ trong một người Mỹ
- Nhà báo Phan Đăng: Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh vừa nói đến câu chuyện cậu bé Võ Tiến Trung 11-12 tuổi mà dám đánh Mỹ. Cá nhân tôi cũng chỉ nghe loáng thoáng câu chuyện này qua báo chí. Hôm nay có cơ duyên gặp gỡ, Thượng tướng Võ Tiến Trung có thể kể lại một cách chính xác được không?
- Thượng tướng Võ Tiến Trung: (Cười) Khi Mỹ vào quê tôi, mặc dù đã được chuẩn bị kỹ lưỡng như thế nhưng một số du kích của ta vẫn nghĩ người Mỹ mang giày nên chân không thủng, mặc áo giáp nên đạn bắn không thủng. Vậy thì đánh sao được? Tôi liền nói với mấy chú: Vậy thì để cháu lân la chơi với lính Mỹ xem thế nào, xem có đánh được không. Một lần, khi thấy lính Mỹ cởi áo giáp xuống đất, tôi liền lấy trộm lựu đạn của Mỹ, rút chốt rồi giấu xuống dưới áo giáp. Đến khi lính Mỹ quay lại, cầm áo giáp lên thì lựu đạn nổ, chết 1 người và bị thương 2 người. Mấy chú du kích khen tôi giỏi nhưng lại bảo: mày đánh lúc nó cởi áo giáp rồi, chứ nó mặc áo giáp sao đánh được.
Thế là một lần khác, khi lính Mỹ vào làng, mặc nguyên áo giáp, tôi và một cậu bạn ném lựu đạn. Lính Mỹ chết ngay. À, lúc này thì tất cả mới đồng ý: mặc áo giáp vẫn có thể chết (cười...). Từ những trận đánh như thế mà sau này tôi được đưa vào báo cáo Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Thật ra, mãi sau này tôi mới biết đấy là Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, còn lúc đó cũng chỉ biết chung chung đây là người lãnh đạo cao nhất của Quân giải phóng Miền Nam Việt Nam và tôi cũng chỉ nghĩ rằng: đây là một người to lắm, có lẽ chỉ sau Bác Hồ thôi. Mà lúc đó Đại tướng giản dị lắm, trông bình thường như một ông chú cán bộ ở quê tôi thôi. Ông mặc bộ bà ba màu xanh xám, đeo một khẩu K54, với 2 băng đạn trên người. Ông hỏi tôi kỹ lắm: lính Mỹ ăn mặc như thế nào? Bố trí như thế nào? Khi vào làng thì thái độ như thế nào?
Tôi bảo rằng khi có lệnh thì lính Mỹ nổ súng, đốt nhà nhưng khi bình thường thì lính Mỹ cũng chơi với trẻ con rất gần gũi. Thậm chí, thấy trẻ con tụi tôi không có ăn, lính Mỹ còn cho bánh kẹo. Đại tướng liền bảo: như vậy là trong một lính Mỹ có hai người Mỹ. Một người Mỹ chấp hành mệnh lệnh và một người Mỹ gần gũi, đời thường. Từ đó, Đại tướng đề nghị phải làm tốt công tác địch vận, nghĩa là phải tận dụng khía cạnh con người thứ hai của họ để làm họ nhận thức đúng về bản chất cuộc chiến tranh. Sau này nghĩ lại, tôi thấy Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có biệt tài quan sát thực tiễn và tổng kết thành lý luận rất nhanh.
- Nhà báo Phan Đăng: Lần đó ông có được Đại tướng tặng món quà đặc biệt nào không ạ?
- Thượng tướng Võ Tiến Trung: Tôi được tặng Huân chương Chiến công giải phóng Hạng Nhì. Lúc ấy, tôi còn bảo: Thưa chú, cho cháu trả lại. Đại tướng hỏi lý do thì tôi bảo: Mỹ mà thấy cái này trong nhà, họ giết cả nhà cháu luôn. Rồi tôi đề nghị Đại tướng cho đổi huân chương để lấy kíp nổ điện, bởi nếu có kíp nổ điện, tôi sẽ có nhiều cơ hội gài bẫy, tiêu diệt lính Mỹ hơn. Sau đó thì Đại tướng tặng tôi 100 kíp nổ điện, một khẩu K59 và một hộp đựng sâm rất đẹp để tôi về cất huy chương. Tôi mang về, cất cái hộp đó trong thùng đạn đại liên, giấu trong hầm bí mật. Sau giải phóng, tôi đào lên, hộp vẫn còn.
- Nhà báo Phan Đăng: Thưa hai vị Thượng tướng, bây giờ thì tôi muốn đặt tư tưởng “nắm thắt lưng địch mà đánh” không phải trong bối cảnh của cuộc kháng chiến chống Mỹ, mà trong bối cảnh lịch sử quân sự Việt Nam để chúng ta cùng nghiền ngẫm. Mỗi khi nghe đến tư tưởng này, tôi lại lập tức nhớ đến một trận đánh rất nổi tiếng thời phong kiến, diễn ra vào năm 1643 tại cảng Eo, thuộc địa phận Thừa Thiên - Huế ngày nay. Hồi đó, Công ty Đông Ấn - một công ty hùng mạnh trong việc khai thác thuộc địa châu Á của Hà Lan đem 3 chiến hạm hiện đại, có vũ khí tối tân vào tấn công Đàng trong. Lần đầu tiên phải đối diện với thuyền lớn phương Tây, chúa Nguyễn ở Đàng trong bối rối lắm. Chúa hỏi một người Hà Lan về sức mạnh vốn có của những chiến hạm này thì được báo cáo rằng: Tàu của người Hà Lan chỉ sợ sức mạnh từ trên trời rơi xuống. Nhưng, thực tế sau đó chúa Nguyễn đã quyết định dùng nhiều thuyền nhỏ với tính cơ động cao để vừa có thể lạng lách khỏi tầm bắn của chiến thuyền Hà Lan, vừa có thể áp sát, đánh vào mạn sườn những chiến hạm này, để cuối cùng giành chiến thắng vang dội. Rõ ràng là khi đối đầu với những kẻ địch mạnh hơn, có vũ khí hiện đại hơn, cha ông chúng ta luôn tìm ra được một cách đánh của riêng mình. Vì thế, nếu nói “bám thắt lưng địch mà đánh” là sự tiếp nối những chiến thuật đánh giặc đặc sắc trong lịch sử Việt Nam thì cũng không sai phải không ạ?
- Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Tôi không tham gia đánh Mỹ. Những kiến thức của tôi về cuộc kháng chiến chống Mỹ là qua sách vở và qua hồi ký của những người như anh Võ Tiến Trung. Tuy nhiên, khi nghiên cứu lịch sử quân sự thì tôi thấy rằng trong chiến tranh bao giờ cũng có một phe mạnh, một phe yếu. Kẻ mạnh thường là kẻ gây chiến, người yếu thường là người tự vệ. Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, chúng ta phần lớn đều là người yếu nhưng chúng ta luôn quyết tâm đánh và càng đánh càng mạnh. Mạnh về quân sự, mạnh cả về chính trị và đặc biệt là chúng ta có chính nghĩa. Đấy là điểm đầu tiên cần thống nhất lại. Điểm thứ hai nữa là nếu bảo trong chiến tranh, cứ phải đánh gần mới thắng thì cũng không đúng đâu. Có những phương thức chiến tranh dùng hỏa lực tầm xa, dùng những kỹ thuật có khoảng cách để giải quyết chiến trường, điển hình nhất là chuyện Napoleon dùng pháo binh.
Vấn đề đáng nói ở đây là khi đứng trước một đối thủ lớn hơn, mình muốn hạ gục họ thì mình phải đánh gần. Đó là một nguyên tắc có tính quy luật. Cho nên, trong quá khứ, ông cha ta đã nhiều lần sử dụng chiến thuật này. Riêng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thì chiến thuật này còn đặc biệt ở chỗ: nó đã phá vỡ mọi quy ước của chiến trường. Tôi nói ví dụ quy ước chiến trường quy định đã là pháo thì phải có tầm bắn 10, 20, 30 km, chẳng có pháo nào bắn vài km cả. Nhưng, chúng ta đã phá bỏ tất cả những quy ước này để tiêu diệt hỏa lực địch. Rõ ràng là chúng ta có nghiên cứu quân sự nước ngoài, có học hỏi các phương thức chiến đấu trên thế giới nhưng để rồi chúng ta tìm ra một cách đánh của riêng chúng ta. Nếu chúng ta cứ máy móc nghe theo bài giảng của các nhà quân sự nước ngoài, rồi áp một cách máy móc thì hỏng hết.
Phải luôn nắm sát tình hình
- Nhà báo Phan Đăng: Thưa ông, bây giờ đã là thế kỷ 21 với sự phát triển ngoài sức tưởng tượng về quân sự và công nghệ. Một cuộc chiến ở thế kỷ 21 chắc chắn sẽ có nhiều điểm khác so với thế kỷ 18, 19, 20. Vậy, đặt trong bối cảnh hôm nay, chiến thuật “nắm thắt lưng địch mà đánh” liệu còn ý nghĩa nào không? Nói khái quát hơn, nếu phải đi tìm một cách đánh đặc thù của riêng Việt Nam, hiệu quả nhất với Việt Nam trong thế kỷ 21 này thì đó sẽ phải là những cách đánh như thế nào?
- Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh: Câu hỏi của Phan Đăng có nhiều cách trả lời và sẽ có nhiều quan niệm khác nhau đấy. Riêng với cá nhân tôi, tôi muốn nhấn mạnh 4 chữ đầu là “nắm thắt lưng địch”, chỉ 4 chữ ấy thôi, còn chưa bàn tới chuyện “đánh” ở vế sau. 4 chữ ấy áp vào thời điểm hôm nay nhắc nhở chúng ta phải luôn bám sát tình hình, luôn phải nắm bắt cận kề các diễn biến, luôn phải tiếp cận gần các đối tượng, kiên quyết không để các giải pháp xâm lược diễn ra với mình, bằng nhiều cách khác nhau. Trong quá trình này, quốc phòng - quân sự đóng một vai trò rất quan trọng, mặc dù ở giai đoạn này chưa hề có chuyện nổ súng. Bởi vì, giải pháp lúc này là răn đe. Chúng ta phải làm sao để các thế lực thù địch mong muốn xâm hại chúng ta hiểu rằng Việt Nam không bao giờ chịu khuất phục. Đánh Việt Nam là Việt Nam nhất định đánh lại. Dĩ nhiên, chúng ta luôn hòa hiếu nhưng chúng ta đồng thời phải để thế giới hiểu rõ rằng mặc dù hòa hiếu nhưng nếu bị đánh, nhất định chúng ta sẽ đánh lại. Thứ hai, với những gì mà Việt Nam đã trải qua trong quá khứ, thế giới phải thấy rằng đánh Việt Nam không hề dễ. Và thứ ba, người dân Việt Nam luôn có quyết tâm phải đánh cho kỳ thắng thì thôi. Đời ông chưa thắng thì đến đời cha. Đời cha chưa thắng thì đến đời con. Khi chúng ta làm được những điều này thì chúng ta sẽ ngăn chặn được những cuộc xâm lược từ bên ngoài. Còn nếu chẳng may chiến tranh vẫn xảy ra ngoài ý muốn thì chúng ta đã có sự chuẩn bị tâm lý, chuẩn bị lực lượng, chuẩn bị cách đánh của mình rồi. “Nắm thắt lưng địch” trong thời bình là như vậy. Chúng ta không thể ngủ quên trong bối cảnh thế giới và khu vực đang ồn ào như thế này. Chúng ta luôn phải thức, luôn phải canh, luôn phải tính xem liệu những nguy cơ nào có thể xảy đến với chúng ta. Nếu chủ quan, không bám sát tình hình thì chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt.
- Thượng tướng Võ Tiến Trung: Tôi muốn bổ sung thêm thế này: Theo tôi, tư tưởng “nắm thắt lưng địch mà đánh” vẫn phát huy giá trị đến tận hôm nay. Nhưng, không phải là hôm nay chúng ta cứ thế áp dụng nó một cách máy móc. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đâu có dạy chúng ta máy móc. Tôi lấy ví dụ nếu địch xuất hiện trên biển, tàu chở đầy quân, tức là đã có thời cơ để không quân ta đánh xa, tên lửa ta đánh xa, vậy thì tại sao ta lại không đánh xa? “Đánh gần” trong bối cảnh hôm nay cũng không có nghĩa là cứ phải tiến sát sạt tới lưng nó để đánh, mà có thể đánh gần bằng pháo binh sao cho hiệu quả nhất. Tóm lại, từ quan điểm đã có, chúng ta phải vận dụng một cách sáng tạo, biết kết hợp đánh xa, đánh gần để đạt hiệu quả tối cao.
- Nhà báo Phan Đăng: Xin chân thành cảm ơn hai Thượng tướng về cuộc đối thoại này. Hẹn gặp lại hai ông ở kỳ đối thoại tiếp theo.
* Kỳ tới: Rối loạn bên trong sẽ thua bên ngoài