Không có sách thì không chết, nhưng…

Thứ Sáu, 29/04/2022, 19:36

Tình cờ gặp anh Vũ Trọng Đại, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Sách Omega Việt Nam tại một sự kiện diễn ra vào đúng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21-4), khi anh đang miệt mài chia sẻ ý tưởng xây dựng một tủ sách cuộc đời, nhiều suy nghĩ nhức nhối về chuyện đọc tưởng đã lãng quên bỗng hiện về sống động trong tôi. Thành thử, tôi đã kéo anh ra một quán cà phê để thực hiện ngay một cuộc đối thoại… ngoài kịch bản.

Cần một sự chung tay

- Nhà báo Phan Đăng: Thưa anh Vũ Trọng Đại, khi nghe anh chia sẻ về “tủ sách cuộc đời”, tôi trộm nghĩ thế này: Đời một con người không thể không ăn, không thể không uống, không thể không mặc. Vậy thì, theo anh, đến mức độ phát triển nào con người mới ý thức rằng mình không thể không có sách? 

- Anh Vũ Trọng Đại: Tôi cho rằng việc đọc và coi sách là thiết yếu không phải là một nhu cầu bản năng phổ quát như ăn, ở, mặc, tức là khi sinh ra đã hình thành, mà nó thực sự mang tính cá nhân của mỗi người. Tùy sự trưởng thành về mặt nhận thức và nhu cầu sống mà mỗi cá nhân có ý thức rõ ràng về sự cần thiết của sách ở một độ tuổi khác nhau. Không xét đến những trường hợp cá biệt của những thần đồng có tư duy phát triển trước tuổi, thì nhìn chung, khi bước chân vào nhà trường, con người đã tiếp cận với sách (sách giáo khoa) như là một công cụ buộc phải có để thu nhận kiến thức. Phổ cập giáo dục tức là phổ cập sách vở đối với đại chúng. Nhưng, để sách, và không chỉ có sách giáo khoa, trở thành nhu cầu tự thân, chứ không phải là sự cưỡng bức do giáo dục (cười...) lại là chuyện khác. Cũng rất khó xác định được là ở mức độ phát triển nào của mỗi cá nhân thì mới hình thành ý thức không thể thiếu sách: chẳng hạn, chúng ta không thể xây dựng một bộ chỉ số dựa trên IQ hoặc dựa vào trình độ học vấn để chỉ ra được dấu mốc này. Tôi nghĩ là chúng ta nên tiếp cận ở khía cạnh khác: dựa trên tâm lí xã hội, khi tạo dựng được một chuẩn mực (norm) mà một xã hội tiến bộ cần có, trong đó có việc đọc sách, kể cả luật hóa nó, thì với tâm lí bầy đàn (lại cười...) con người sẽ chấp nhận như một thói quen, một lề thói mà bất kì thành viên nào cũng cần tuân thủ nếu không muốn nằm ngoài lề của cộng đồng. Một số quốc gia Âu, Mỹ và châu Á đã làm được điều này, tức là không bị phụ thuộc vào mức độ phát triển của nhận thức.

Không có sách thì không chết, nhưng… -0

- Một tủ sách cuộc đời, hiểu nôm na là một tủ sách mà một người cần/phải đọc để phục vụ cho quá trình sinh tồn và phát triển của đời mình. Nhưng, ngoại trừ những nhu cầu chung như ăn, uống, mặc, ở, đi lại, giao tiếp thì mỗi cuộc đời lại có vô số những ngã rẽ riêng, với vô số những vận động phức tạp không sao lường trước. Tôi hiểu rằng, xây dựng một tủ sách cuộc đời có nghĩa là một tủ sách phục vụ cho những nhu cầu cơ bản đó. Sau khi thỏa mãn những nhu cầu cơ bản đó, mỗi người tự hiểu mình, tự đi tìm mình, tự biết cuộc đời mình cần những gì và từ đó sẽ tự bổ sung vào tủ sách đó những tác phẩm riêng, hoàn toàn mang ý nghĩa cá nhân. Nghĩ như thế liệu có đúng không, thưa anh?

- Đồng ý với Phan Đăng. Như trên đã nói, tôi cho rằng sách là một nhu cầu hoàn toàn mang tính cá nhân, tức là phụ thuộc vào lựa chọn của mỗi cá nhân mà mỗi thời điểm trong suốt cuộc đời, họ sẽ có vô số các lựa chọn khác nhau, đáp ứng những nhu cầu cụ thể của sinh sống, học tập, làm việc, cao hơn thế là để theo đuổi những lí tưởng riêng, vượt ra ngoài các giới hạn sống thông thường. Dăm bảy năm trước, chúng ta từng phản đối sách ngôn tình hay truyện tranh, coi chúng như thứ làm suy đồi giá trị sống, tác động không tốt với giới trẻ nhưng tôi không đồng ý vì chúng là các sản phẩm nội dung phù hợp với tâm lí lứa tuổi mà ở bất kì xã hội nào cũng tồn tại. Thậm chí, sự giới hạn về sách tính dục ở Việt Nam mà tôi cho là hệ quả của tư tưởng Khổng giáo và dấu vết của giáo dục Nho học cũng khiến cho mảng kiến thức này thiếu hụt trầm trọng, mà lẽ ra đáp ứng cho một trong những nhu cầu bản năng của con người. Tủ sách đời người của mỗi cá nhân phải là một bộ sưu tập đáp ứng những nhu cầu bản năng và theo lứa tuổi, vừa phải đáp ứng cho sự trưởng thành và phát triển về kiến thức trong suốt cả cuộc đời của mỗi người.

- Vậy thì, anh có thể chia sẻ xem, những cuốn sách đầu tiên mà chúng ta có thể nghĩ đến trong tủ sách cuộc đời là gì?

- Chúng tôi sẽ bắt đầu xây dựng từ nền móng, tức là cho lứa tuổi nhỏ, sau đó dần dần phát triển tủ sách theo hành trình đời người.

- Chúng ta nên sử dụng những tiêu chí nào để xác lập một tủ sách cuộc đời theo hành trình đó?

- Thứ nhất, sách phù hợp với nhận thức và tâm sinh lí lứa tuổi. Tuổi nhỏ là văn học và những hình thức nội dung chú trọng hơn về hình ảnh, màu sắc. Ở các độ tuổi lớn hơn, hàm lượng tri thức lớn hơn, thể loại hư cấu (văn học) giảm dần, còn thể loại phi hư cấu sẽ dần tăng lên.Nhưng, đến một ngưỡng tuổi nhất định, văn học lại chiếm phần lớn. Văn học, ở tầng sâu của nó là chiêm nghiệm và tư tưởng, phù hợp với lứa tuổi không còn phải thu nạp kiến thức nữa, là khi chúng ta già đi (cười...). Xét như vậy thì tôi đang hình dung nhu cầu đọc sách nói chung và tủ sách đời người nói riêng như là Thái Cực với sự vận hành của nó vậy.

Thứ hai, sách cung cấp hệ giá trị cân bằng. Mỗi cá nhân đều có một hệ giá trị, có những giá trị phổ quát, có những giá trị riêng biệt mang tính bản sắc. Giá trị phổ quát nên tương đồng với môi trường sống của cá nhân: có những giá trị mang tính toàn cầu và có cả những giá trị mang tính địa phương, môi trường sinh sống của cá nhân đó. Chẳng hạn, có sách nền tảng được cả văn hóa Đông - Tây thừa nhận song cũng không thể thiếu sách của Việt Nam đã được công nhận qua các thế hệ. Giá trị riêng biệt thì cũng nên đáp ứng được nhu cầu của đa số các cá nhân thuộc lứa tuổi, chứ không thể mang tính chuyên biệt, chuyên ngành - loại sách này có diện độc giả riêng và không nằm trong phạm vi của tủ sách đời người.

Thứ ba, sách đáp ứng khả năng tiêu dùng của số đông.Giá bán không thể quá cao, vượt qua khả năng chi trả của đa số.Đây sẽ là thách thức lớn đối với chúng tôi khi số lượng bản in trung bình trên một tựa sách ở Việt Nam còn rất thấp bởi nguyên tắc là số lượng phát hành càng nhiều thì giá bán của từng cuốn sách sẽ giảm đi.

Chúng tôi chỉ có thể là đóng vai trò khởi xướng rồi thực hiện trong một giai đoạn của lịch sử, khởi đầu cho một truyền thống có thể thành hiện thực, còn để trở thành truyền thống và chuẩn mực của xã hội thì ngay từ bây giờ cần có sự hợp tác, chung tay của nhiều tổ chức, cá nhân và sự nhập cuộc của các cơ quan văn hóa, giáo dục, truyền thông nhà nước.

Không có sách thì không chết, nhưng… -0
Anh Vũ Trọng Đại tại thư viện nhà Goethe (Đức).

Những cuốn sách thay đổi cuộc đời

- Bây giờ chúng ta thử lật ngược vấn đề để tưởng tượng: Đời một con người mà không có một tủ sách thì sao?

- À, thì chúng ta vẫn sống thôi. Cũng như chúng ta vẫn sống mà chẳng cần âm nhạc, hội họa.Không có sách, không chết được.Nhưng, không có sách, không có một tủ sách để vun bồi thêm giá trị cho mỗi con người thì đời sống chẳng phải thiếu đi nhiều phần ý nghĩa sao. Hơn nữa, sách như một công cụ để tích lũy, kế thừa, hệ thống và phát triển tri thức; vốn đã từng và còn tiếp tục là công cụ cho các bước phát triển về khoa học, kĩ thuật và công nghệ qua các thời đại, cho nên nếu không có sách thì có lẽ chúng ta không có được các thành tựu khoa học, văn hóa, giáo dục, y tế... mà ngày nay chúng ta đang hưởng thụ những lợi ích từ chúng. Với mỗi người là một tủ sách, với mỗi thành phố, quốc gia là thư viện, đó chỉ là cái vỏ hình thức của việc tổng hợp có hệ thống kiến thức của mọi thời đại, là nền tảng để phát huy các giá trị và kiến tạo tri thức mới.

- Suốt từ nãy chúng ta đã nói tới những cái vĩ mô, to lớn rồi. Bây giờ chúng ta sẽ nói đến những điều giản dị thôi. Nếu không ngại, anh có thể chia sẻ xem khi anh còn là một chú bé, nhà anh có một tủ sách hoặc ít nhất là một kệ sách nào không? Nếu có, nó đã tác động lên tâm hồn anh như thế nào?

- Tôi sống với sách từ nhỏ. Nhà tôi đến nay chuyển nhà 3 lần, ở các khu vực khác nhau của Hà Nội.Nhưng, dù ở đâu, trong nhà tôi đều có giá sách. Khi tôi còn bé, từ mẫu giáo đến cấp 1, tôi vẫn còn nhớ trên tầng 2 của nhà cũ ở Văn Miếu có cái giá sách bằng sắt 3 tầng lắp trên tường. Bố mẹ tôi cố ý chỉ để trong tầm với của chị em tôi là sách truyện thiếu nhi như loạt sách khổ nhỏ truyện cổ tích của anh em nhà Grimm, tuyển tập truyện cổ tích Andersen, truyện cổ tích Việt Nam. Ở tầng trên cùng là sách người lớn, như tiểu thuyết “Đứng trước biển” của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn. Vì tôi rất ham đọc nên trong năm học bố tôi cất hết sách truyện vào thùng tôn rồi khóa lại, chỉ đến hè mới bỏ ra cho đọc, thế mà tôi cũng tìm được chỗ giấu chìa khóa để mở ra đọc lén. Khi đọc hết truyện thiếu nhi thì tôi bắc ghế lấy cả “Đứng trước biển” để đọc (cười...). Giá sách ấy còn theo chúng tôi đến khi chuyển nhà, cho đến năm tôi vào đại học. Khi đó nó xuống cấp trầm trọng, các thanh ngang cong võng, đinh cố định giá sách trên tường bung ra phải đóng đi đóng lại nhiều lần, buộc cả dây thép để gia cố vì không chịu được khối lượng sách ngày càng nhiều. Đến khi tôi vào đại học thì bố tôi thuê thợ đóng cho tôi một giá sách bằng gỗ kín một mặt tường.Nó chịu đựng tôi được mười mấy năm, cho đến khi tôi lấy vợ.Tôi vẫn nói đùa, gia tài của vợ tôi cũng toàn sách.Cả hai vợ chồng có chừng 7.000 cuốn. Khi ấy, cái giá sách không còn chịu thấu nữa, gãy cả khung sườn và ra đi (cười...).

Có thể coi giá sách, tủ sách trong gia đình như một thứ biểu tượng ghi dấu ấn đậm nét trong cuộc đời tôi.Cá tính của tôi phần nào hình thành thông qua sách, từ những nhân vật mà tôi từng đọc và học hỏi từ họ.Hiểu biết của tôi, cách làm việc của tôi được định hình từ giáo dục, trải nghiệm bản thân và từ kiến thức trong sách.

- Anh có thể chia sẻ kỉ niệm về một lần đọc sách nào đó làm thay đổi con người anh?

- Hồi bé tôi được nuôi dạy như gà công nghiệp với sự bao bọc của gia đình. Tôi đã thay đổi khi đọc cuốn sách “Tò Mò đến xứ sở kì lạ”, một cuốn sách hư cấu nhưng thực chất là giải đáp các hiện tượng tự nhiên, khoa học dưới hình thức truyện kể về một cậu bé lạc vào xứ sở toàn điều kì lạ có những bông hồng xanh, nhiều mặt trời hay thậm chí người ở đó phải mua ô xy để thở. Cuốn sách ấy và sau này là vài cuốn sách khác như “Tiếng gọi nơi hoang dã” của Jack London và “Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer” của Mark Twain đã xác lập trí tò mò và cả cá tính ham thích du lịch, phiêu lưu và trong công việc là ưa chọn những thách thức hơn là sự an toàn của tôi. Còn hồi đại học lại là 2 cuốn sách khác: “Thép đã tôi thế đấy” và “Ruồi trâu”, khiến tôi suy nghĩ nhiều về việc xây dựng lí tưởng sống và sống để lại giá trị cho đời. Có lẽ là trong mỗi giai đoạn cuộc đời, sự hối thúc từ trong sâu thẳm tâm hồn khiến tôi phải tìm đọc những cuốn sách nhằm giải quyết những băn khoăn và cả lựa chọn cho mình con đường tiếp theo.

Phải bắt đầu từ mỗi gia đình

- Có một số liệu thống kê mà cứ đến Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam là nhiều người lại lặp đi lặp lại đến phát ngán, đó là trong khi người châu Âu mỗi năm đọc trung bình 50 quyển sách thì người Việt mỗi năm đọc trung bình trên dưới 1 quyển. Và, người ta đổ mọi lỗi lầm cho giáo dục, cứ như thể tất tần tần học sinh không mê sách, tất tần tật những người trưởng thành không mê sách đều là do... ngành giáo dục. Thôi thì, đổ tại cho giáo dục và nhà trường bao giờ cũng là cách đổ tại dễ nhất và được đồng cảm nhất. Tôi không muốn bàn sâu vào sự đổ tại này, mà muốn đề cập đến một yếu tố khác: văn hóa gia đình. Tôi nghĩ, các thầy cô có ra rả tình yêu sách vở vào các học sinh của mình nhưng khi về nhà, những em học sinh này chỉ nhìn thấy tivi, điện thoại, máy tính, mà tuyệt đối không thấy một tủ sách trong ngôi nhà của mình thì làm sao các em có thể gần gũi sách vở và yêu chữ nghĩa. Cho nên, từ rất lâu rồi tôi nghĩ rằng, muốn phát triển văn hóa đọc, mỗi gia đình phải thay đổi trước tiên. Phải làm sao để những đứa bé 2-3 tuổi thôi cũng có cơ hội nhìn thấy một tủ sách và gần gũi với sách ngay trong chính ngôi nhà của mình. Anh nghĩ sao?

- Thứ nhất, tôi không đánh giá cao chỉ số, coi số lượng bản sách trên đầu người là thước đo duy nhất về văn hóa đọc, về việc thu nạp kiến thức của xã hội. Đọc sách là một trong số nhiều cách để thu nạp kiến thức. Việc đọc nhiều hay đọc ít cũng không quyết định chất lượng của việc đọc hay tác động của nó đến nhân sinh quan, hiểu biết và kết quả học tập, làm việc của mỗi người. Cách đọc sách và thu nạp kiến thức mới là yếu tố quyết định. Thêm nữa, chúng ta cũng không nên so sánh với các quốc gia khác. Thẳng thắn mà nói, chúng ta hiện nay chưa thể có văn hóa đọc để mà cho là xuống cấp, vì vào thời điểm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời ngày 2-9-1945, hơn 90% dân số mù chữ. Trước đó, nền giáo dục Nho học cộng với những khó khăn của ngôn ngữ viết và nói không tương đồng khiến chỉ có rất ít người Việt biết chữ. Như thế thì không thể coi là chúng ta đã có văn hóa đọc, việc đọc của dân tộc ta có tính truyền thống trong lịch sử. Văn hóa đọc là thứ mà chúng ta cần phải hướng tới để đạt được chứ không phải đã có rồi mà phải chấn hưng.

Thứ hai, tôi đồng ý với anh về việc không thể đổ lỗi hoàn toàn cho giáo dục trong nhà trường.Ngoài nhà trường, môi trường sống còn có gia đình, hội nhóm, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp..., chưa kể sở thích và động lực của mỗi cá nhân. Trong tất cả các yếu tố tác động đến văn hóa đọc kể trên thì gia đình đóng vai trò quan trọng bậc nhất, bởi lẽ đó là không gian tương tác xã hội đầu tiên của mỗi người, hình thành thói quen và sự lựa chọn, cũng ảnh hưởng lớn đến cá tính và động lực của mỗi cá nhân khi bố mẹ, ông bà thường là tấm gương gần gũi và cận kề với trẻ nhỏ. Văn hóa đọc không tự nhiên mà có, nó phải bắt đầu từ việc xây dựng thói quen, trở thành nhu cầu, kèm theo là các kĩ năng đọc và thu nạp kiến thức, được khái quát thành các phương thức và quy tắc, khi đó chúng ta mới có văn hóa đọc. Và, để xây dựng thói quen thì môi trường nào có thể tốt hơn gia đình?

- Trò chuyện với anh, tôi chợt nhớ đến một kỷ niệm thời thơ ấu. Hồi đó hàng xóm nhà tôi là một nhà văn.Tài sản lớn nhất trong phòng khách nhà ông là sách. Lũ trẻ con trong xóm khi vào nhà ông chơi bao giờ cũng ngỡ ngàng với những cuốn sách được xếp kín 4 bức tường, cao từ mặt nền lên sát trần nhà. Nhưng rồi, ông mất đi.Đến một ngày, người con trai của ông gọi đồng nát vào bán dần bán mòn từng quyển sách.Mỗi lần nghĩ lại câu chuyện này, tôi đều đối diện với một cảm giác hết sức tiếc nuối. Và, tôi nghĩ, nhà có giá sách đã là đáng quý nhưng phải làm gì để giá sách đó được bảo lưu, gìn giữ cho mai sau, đấy cũng là một điều không đơn giản, phải không anh?

- Ở trên, tôi có đề cập đến yếu tố truyền thống.Truyền thống tức là sự kế thừa giá trị nào đó, vật chất hay tinh thần, kéo dài qua nhiều thế hệ.Truyền thống là một tiêu chí khi xét một cái gì có thể gọi là văn hóa. Nếu không kế thừa được theo thời gian thì thứ đó chưa chắc đã là văn hóa, tôi nghĩ vậy. Ở cấp độ gia đình hay quốc gia đều vậy. Việc duy trì tủ sách trong mỗi gia đình qua các thế hệ có thể là nỗi đau hiện thời như gia đình nhà văn mà anh chứng kiến nhưng tôi mong là mai đây, khi chúng ta hình thành chuẩn mực mới của xã hội về việc đọc thì hiện tượng này sẽ chỉ là hiếm hoi. Việc đọc sách trở thành truyền thống thì giá sách gia đình chắc chắn sẽ được truyền thừa. Giá sách của gia đình có thể hoặc không thể được kế thừa, nối tiếp thì nó sẽ được nâng niu, trân trọng để chuyển giao cho gia đình khác, cho các thư viện công, thư viện tư, thư viện cộng đồng để tiếp tục lưu giữ, duy trì, phát triển.

Không có sách thì không chết, nhưng… -0
Thư viện công cộng tại châu Âu.

Sách điện tử không triệt tiêu sách giấy

- Có ý kiến cho rằng, một trong những lý do khiến một bộ phận thế hệ trẻ ngày nay không mê sách như trước nằm ở chính các nhà xuất bản, các công ty sách. Tức là chúng ta chưa tạo được những sản phẩm đủ sức chinh phục thế hệ mới, ví dụ như thế hệ vẫn được định danh là “Gen Z”, sinh từ cuối những năm 90 của thế kỷ 20 đến năm 2000. Dĩ nhiên, không ai bắt sách vở phải chạy theo đời sống nhưng khi sách vở không hoặc chưa chinh phục được đời sống thì các đơn vị làm sách cũng không thể ngồi im. Là một nhà làm sách chuyên nghiệp, anh nghĩ sao về ý kiến này?

- Tôi nghĩ có 2 yếu tố tác động. Yếu tố thứ nhất là có nhiều lựa chọn cho thế hệ trẻ trong việc thu nạp kiến thức cũng như giải trí mà sách chỉ là một trong các lựa chọn. Các phương tiện nghe nhìn, các thiết bị thông minh ngày càng đa dạng cùng với sự phát triển của khoa học, công nghệ, ngày càng cung cấp nhiều lựa chọn cho giới trẻ.Học đã không còn chỉ dựa vào việc đọc.Yếu tố thứ hai, tôi đồng ý với anh là các sản phẩm sách vở hiện nay ở Việt Nam chưa đáp ứng được với tốc độ thay đổi nhanh chóng về nhu cầu, thị hiếu, đặc biệt của “Gen Z”. Song, nhìn ở khía cạnh tích cực là giới xuất bản hay ngành công nghiệp nội dung ở Việt Nam sẽ có động lực mạnh mẽ phải phát triển, để canh tác giá trị trên khoảng trống mênh mông của thị trường trong nước.

- Những xu hướng thay đổi đột biến nào từ phía những nhà làm sách cần phải diễn ra, theo anh? Phải chăng là xu hướng số hóa, điện tử hóa?

- Chắc chắn là xu hướng số hóa. Việc đọc nói riêng và tiếp thu kiến thức nói chung đã không còn giới hạn ở sách giấy. Có vô số định dạng sản phẩm số và chắc chắn mỗi năm còn xuất hiện nhiều định dạng mới, hình thành trên các nền tảng công nghệ mới.Tuy nhiên, các sản phẩm nội dung số không triệt tiêu sách giấy mà tồn tại song song với sách giấy và sẽ giải quyết được những hạn chế về công nghệ hiện đại gắn với thị hiếu hiện đại mà sách giấy không giải quyết nổi. Trong lịch sử, khi công nghệ in của Gutenberg lên ngôi vào giữa thế kỉ 15, sách giấy cũng đã lên ngôi và cho đến nay đâu có triệt tiêu hoàn toàn các hình thức truyền đạt thông tin, kiến thức khác. Cho nên, tủ sách đời người cũng không thể hiểu hoàn toàn theo nghĩa hiện nay.

- Trở lại với ý tưởng về một tủ sách cuộc đời mà anh và những cộng sự của mình đang dày công xây dựng. Tôi hình dung thế này: đứng trước một tủ sách như thế là đứng trước rất nhiều thế giới. Mỗi quyển sách là một thế giới.Một tủ sách gồm nhiều quyển sách chính là một thế giới bao chứa nhiều thế giới.Và, được sống trong nhiều thế giới, được đối thoại với nhiều tác giả, được chiêm nghiệm, tưởng tượng với những điều nằm ngoài thế giới hiểu biết của mình luôn là một niềm hạnh phúc tột độ.Nhưng, ở một góc độ nào đó thì đọc sách mà thiếu phương pháp luận thì cũng rất nguy hiểm. Nó hoặc sẽ đẩy người ta vào tình trạng “loạn chiêu”, hoặc sẽ khiến người ta tin hết vào sách, cho rằng tất cả những gì sách viết ra đều là chân lý, đến nỗi hễ cứ thấy ai nói khác những điều mình đọc, mình tin là lao vào tấn công, chỉ trích. Mà theo một câu nói được cho là của Mạnh Tử thì “đọc sách mà tin hết vào sách thì thà đừng đọc còn hơn”. Anh nghĩ gì về những mặt trái này, từ đó có lời khuyên gì cho những bạn trẻ đang trong quá trình kiến tạo một tủ sách của đời mình?

- Chúng ta cần hướng tới việc hình thành văn hóa đọc với sách là công cụ, các thành tố khác là thói quen đọc, kĩ năng đọc, phương pháp đọc hay là phương pháp tiếp thu kiến thức hiệu quả. Khi ấy không chỉ giới trẻ mà bất kì ai yêu chuộng kiến thức sẽ tránh được tình trạng mà học giả Vương Hồng Sển từng đề cập đến trong cuốn “Thú chơi sách”, đó là nghiện sách, mọt sách; tránh được vấn nạn tầm chương trích cú, hiểu rằng đọc sách để làm gì, đọc để “học vi sở dụng”.

- Xin cảm ơn anh!

Phan Đăng (thực hiện)
.
.