Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn:

Đổi mới giáo dục phải kiên trì, luôn nhìn về phía trước

Thứ Sáu, 25/08/2023, 18:36

Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và toàn xã hội. Sự quan tâm này càng lớn hơn khi toàn ngành Giáo dục đang thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện, sâu sắc và chưa từng có trong lịch sử...

Trước thềm năm học mới 2023-2024, phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng có cuộc trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) xung quanh những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục trong giai đoạn tới.

PV: Thưa ông, ngay sau khi ông nhậm chức Bộ trưởng thì dịch COVID-19 bùng phát dữ dội, đặt giáo dục Việt Nam vào một bối cảnh khó khăn chưa từng có trong lịch sử. Bộ trưởng đã từng viết: "Chưa bao giờ một điều rất đỗi bình thường, giản dị là học sinh tới trường học lại trở nên khó khăn, thách thức đến vậy". Cá nhân Bộ trưởng và tập thể lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã có những quyết sách gì để ngành Giáo dục vượt qua những "tổn thương" chưa từng có tiền lệ?

Đổi mới giáo dục phải kiên trì, luôn nhìn về phía trước! -0
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn, thách thức trong đổi mới giáo dục.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Trong hơn nửa nhiệm kỳ tôi lãnh đạo ngành Giáo dục thì phần lớn khoảng thời gian đó, Việt Nam bị đại dịch COVID-19 tàn phá khốc liệt. Lĩnh vực giáo dục, đào tạo bị ảnh hưởng rất sâu sắc, nặng nề; việc khắc phục những tác động tiêu cực của đại dịch đến giáo dục càng không thể một sớm một chiều mà thực hiện xong được. Khi dịch bệnh bùng phát, ngành Giáo dục đã phân tích tình hình và nhanh chóng chuyển trạng thái ứng phó, thích nghi với dịch bệnh, từ công tác chỉ đạo điều hành của Bộ GD&ĐT đến các hoạt động dạy và học trên toàn quốc. Toàn ngành đã chuyển trạng thái từ dạy và học một cách bình thường sang trạng thái dạy và học trực tuyến. Rất nhiều công việc đã được chúng tôi triển khai, từ tăng cường vệ sinh phòng dịch, cho đến quyết định đóng cửa trường học, chuyển sang dạy học trực tuyến, dạy học qua đài truyền hình với quyết tâm lớn "tạm dừng đến trường, không dừng việc học". Khi dịch bệnh được kiểm soát, ngành Giáo dục đã chuyển trạng thái trở lại bình thường. Thời điểm này, nhiều người có thể nghĩ quyết định mở cửa trường học là việc làm bình thường nhưng đặt vào bối cảnh khó khăn lúc đó, đây thực sự là quyết sách không hề dễ dàng, không chỉ có sự cân nhắc kỹ lưỡng mà còn cần có cả bản lĩnh trước sức ép từ và sự đe dọa của dịch bệnh. Tôi cho rằng, những quyết sách đó rất phù hợp, đúng với tình hình thực tế, cả thời điểm chuyển trạng thái, cũng như thời điểm vận động đưa học sinh trở lại trường học, đều là những quyết sách dũng cảm trong tình hình chưa có vaccine cho trẻ em.

Điều đáng nói là trong bối cảnh phòng, chống dịch, thích ứng với dịch bệnh đảm bảo chất lượng giảng dạy và an toàn sức khỏe, ngành Giáo dục vẫn triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng của ngành theo kế hoạch, trong đó có nhiệm vụ triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong điều kiện bình thường, việc triển khai các nhiệm vụ này vốn đã đòi hỏi những nỗ lực lớn thì trong tình hình dịch bệnh, những nỗ lực phải tăng lên gấp nhiều lần.

Trong hoàn cảnh khó khăn đó, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã rất quan tâm, tạo mọi điều kiện có thể để ngành Giáo dục tổ chức dạy và học trong điều kiện dịch bệnh; đội ngũ nhà giáo và các em học sinh đã có sự nỗ lực vượt bậc. Trên hết, họ đã hi sinh rất nhiều, thể hiện tinh thần nhân văn, tình yêu thương đối với học trò. Mong xã hội có thêm những chia sẻ và đồng hành cùng các thầy cô giáo, khi mà phía trước vẫn còn có rất nhiều việc phải làm.

Dịch COVID-19 cũng là "cú hích" để toàn ngành chuyển đổi số mạnh mẽ, áp dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động dạy, học và kiểm tra đánh giá. Ngành Giáo dục coi chuyển đổi số là biện pháp, giải pháp đột phá, là lĩnh vực ưu tiên thúc đẩy đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Đây cũng là giải pháp quan trọng mà Chính phủ đang tập trung triển khai. Ngành đã tổ chức triển khai xây dựng hạ tầng; thiết kế bài giảng điện tử; hỗ trợ giáo viên trong thiết kế bài giảng và dạy trực tuyến, xây dựng cơ sở học liệu điện tử, bài giảng điện tử,... Đến nay, chúng tôi đã có cơ sở dữ liệu lớn về người học, về giáo viên. Khi Chính phủ triển khai Đề án 06 về chuyển đổi số ở các bộ, ngành, chúng tôi đã nhanh chóng phối hợp với Bộ Công an thực hiện kết nối dữ liệu, đồng bộ hóa dữ liệu của ngành với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia. Việc này đã đem lại những điều kiện thuận lợi trong đổi mới các kì thi trong 2 năm vừa qua, đặc biệt là kì thi tốt nghiệp THPT, đã tiết kiệm cho xã hội hàng trăm tỷ đồng.

Ngoài ra, trong tiến trình chuyển đổi số, Bộ GD&ĐT đang thúc đẩy dự án các đại học phát triển theo mô hình đại học số. Các vấn đề quản trị đại học và các nghiên cứu khác cũng đang được tăng cường cho các dự án này. Như vậy trong 3 năm qua, chuyển đổi số đã đem lại cho ngành nhiều tác động tích cực, từ quản lý, điều hành hệ thống và các cơ sở giáo dục cho đến triển khai và phát triển trên phạm vi rộng các cơ sở giáo dục thông minh, các đại học thông minh.

Đổi mới giáo dục phải kiên trì, luôn nhìn về phía trước! -0
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thăm thầy, trò Trường Mầm non xã Bản Phố, huyện Bắc Hà, Lào Cai.

PV: Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, hàng nghìn giáo viên đã nghỉ việc khiến cho giáo dục càng khó khăn. Đến nay, tình trạng này được giải quyết như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Sau ảnh hưởng của đại dịch, có một số lượng không nhỏ các nhà giáo nghỉ việc, chuyển việc, điều đó cũng cảnh tỉnh xã hội cần phải quan tâm tới lực lượng nhà giáo nhiều hơn, vì họ là yếu tố nền tảng, quan trọng nhất trong các điều kiện thực hiện đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục. Trước sự tổn thương rất lớn mà dịch bệnh đã gây ra đối với ngành Giáo dục, khối mầm non ngoài công lập chịu tác động mạnh nhất: Một số trường ngừng hoạt động, đóng cửa, nhiều giáo viên mầm non ngoài công lập đã bỏ việc đi làm việc khác. Đứng trước tình trạng này, Bộ GD&ĐT đã tham mưu, đề xuất Chính phủ, Quốc hội ban hành Nghị quyết 103 hỗ trợ giáo viên mầm non, tiểu học ngoài công lập, hiện đã chi trả cho hơn 50.000 giáo viên với số tiền trên 158 tỉ đồng. Tuy tình hình giáo viên mầm non nói riêng và giáo viên các cấp học khác chuyển việc, nghỉ việc, bỏ việc không còn ồ ạt như vào thời điểm dịch bệnh, nhưng ngành Giáo dục vẫn đang đứng trước những khó khăn, thách thức, cần có sự vào cuộc của nhiều bộ, ban, ngành liên quan cùng với sự sát sao trong triển khai thực hiện của các địa phương thì vấn đề này mới được giải quyết cơ bản.

Đổi mới giáo dục phổ thông đã đi được hơn nửa chặng đường với nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, vấn đề thiếu giáo viên sẽ được giải quyết như thế nào luôn là câu hỏi thường trực trong tôi. Chúng ta sẽ đãi ngộ giáo viên như thế nào bởi họ là lực lượng chính đã thực hiện đổi mới giáo dục trong bối cảnh nghiệt ngã vì đại dịch và tiếp tục sự nghiệp này trong thời gian tới trước nhiều thách thức, kỳ vọng, áp lực xã hội trong khi thu nhập lại rất thấp... Tuy nhiên, tôi cho rằng, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là quyết tâm chính trị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, của đất nước, do đó, quá trình thực hiện nên nhìn về phía trước và phải kiên trì thực hiện.

PV: Khi dịch bệnh bùng phát cũng là lúc ngành Giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 - một cuộc "cách mạng" trong giáo dục, đòi hỏi tính thực tiễn rất cao, trong khi các trường học lại đóng cửa. Vậy Bộ trưởng đã khắc phục những khó khăn đó ra sao để chương trình triển khai đúng tiến độ, đúng kế hoạch, đồng bộ trên cả nước, lôi cuốn cả hệ thống chính trị vào cuộc?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Dịch COVID-19 bùng phát vào thời điểm ngành Giáo dục đang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Một khối lượng công việc khổng lồ cần triển khai, như: Biên soạn, thẩm định sách giáo khoa, điều chỉnh kế hoạch nhà trường, tập huấn cho giáo viên, đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm... Toàn ngành Giáo dục vừa phải chống dịch, vừa phải đổi mới giáo dục một cách căn bản, toàn diện thì khối lượng công việc, khó khăn và thách thức, không chỉ theo số cộng mà theo cấp số nhân. Ví dụ, nhiều hoạt động cần phải thực nghiệm, khảo sát, đánh giá trong thực tế, nhưng vì dịch bệnh, xã hội phải cách ly, học sinh phải học trực tuyến rất khó thực hiện, trong khi Chương trình giáo dục phổ thông mới rất coi trọng hoạt động trải nghiệm, hoạt động thực tế, thực nghiệm, những khó khăn đó đã cản trở quá trình triển khai chương trình mới. Tuy nhiên, ngành Giáo dục đã hoàn thành một khối lượng công việc lớn như: Các năm trước đã triển khai chương trình và sách giáo khoa lớp 1, 2, 3, 6, 7; năm nay đã triển khai chương trình và sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 cùng với việc chuẩn bị xây dựng và thẩm định sách giáo khoa các lớp cuối cấp...

Với việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 theo chủ trương đổi mới giáo dục của Đảng và chỉ đạo triển khai thực hiện của Chính phủ, ngành Giáo dục đang thực hiện một công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện chưa từng có trong lịch sử. Đây là nhiệm vụ lớn, khó và phạm vi rộng khắp cả nước; ngành Giáo dục đang từng bước tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức.

Đổi mới giáo dục phải kiên trì, luôn nhìn về phía trước!  -0
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trò chuyện cùng phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng.

Hiện nay, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai đồng bộ trong cả nước, ở tất cả các cấp học và đã đi được hơn nửa chặng đường. Bộ GD&ĐT đang có những đánh giá chủ động giữa giai đoạn của quá trình triển khai để đúc rút kinh nghiệm, đưa ra các kiến nghị, đề xuất điều chỉnh sao cho giai đoạn cuối của quá trình được triển khai thành công, đạt được các mục tiêu đã đề ra. Năm 2023, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD&ĐT đang thực hiện trách nhiệm giải trình trước Quốc hội, xã hội về kết quả triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, Bộ đã tích cực làm việc với Đoàn giám sát của Quốc hội về "việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông". Đây là cơ hội rất tốt để ngành Giáo dục giải trình trước Quốc hội và xã hội về những kết quả đã triển khai, vướng mắc và nút thắt cần tháo gỡ, đề xuất các điều chỉnh chính sách và rút kinh nghiệm đối với việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đồng thời ngành Giáo dục cũng có nhìn nhận và có những điều chỉnh để giai đoạn triển khai còn lại đạt được kết quả tốt hơn nữa.

PV: Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một trong những việc lớn nhất, dài nhất, khó khăn nhất, thách thức nhất và cũng nhiều kỳ vọng nhất. Năm học mới này, Bộ trưởng sẽ ưu tiên những giải pháp đột phá nào để thực hiện tốt nhất đổi mới giáo dục?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Năm học mới 2023-2024 là năm tiếp tục lộ trình đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thực hiện ở cả 3 lớp 4, 8, 11, đồng thời chuẩn bị thẩm định sách giáo khoa lớp 5, 9, 12. Một năm học nhiều nhiệm vụ quan trọng, diễn ra ở cả 3 cấp học là tiểu học, THCS, THPT, đòi hỏi chúng ta phải làm rất nhiều việc. Trên diện rộng, việc đổi mới đang được triển khai cuốn chiếu theo từng cấp học và chuẩn bị bước vào những công đoạn cuối cùng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xác định sẽ đẩy mạnh đổi mới theo chiều sâu, quan tâm nhiều hơn đến việc hỗ trợ đổi mới trong hoạt động dạy và học, trong kiểm tra, đánh giá, hỗ trợ tập huấn giáo viên, tập huấn tăng cường cho giáo viên. Bộ sẽ ra một số hướng dẫn để giáo viên giảm bớt khó khăn, đặc biệt ở những môn học tích hợp cấp THCS. Dạy học tích hợp đang còn là câu chuyện nhiều thách thức, do đó, chúng tôi sẽ tập trung hỗ trợ giáo viên nhiều hơn. Một giải pháp trọng tâm nữa mà tôi ưu tiên thực hiện, đó là sẽ tăng cường xây dựng văn hóa học đường; phòng, chống bạo lực học đường; phòng, chống đuối nước cho học sinh... cùng với việc thực hiện nhiều nhiệm vụ thường xuyên khác.

Đổi mới giáo dục phải kiên trì, luôn nhìn về phía trước -0
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn thăm hỏi và động viên thầy và trò Trường Tiểu học Bích Sơn (tỉnh Bắc Giang) về việc dạy và học trong điều kiện dịch bệnh khi Việt Nam bắt đầu kiểm soát được dịch COVID-19.

PV: Như Bộ trưởng từng chia sẻ, quá trình đổi mới giáo dục phổ thông là việc rất lớn, tốc độ đòi hỏi nhanh, khối lượng công việc lại quá lớn và cách thức thực hiện phi truyền thống, trong khi ngành Giáo dục thiếu rất nhiều thứ như đội ngũ, trang, thiết bị cơ sở vật chất, trường lớp. Những cái thiếu này bao giờ sẽ được giải quyết, liệu một mình ngành Giáo dục có đủ sức vượt qua không, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Để thực hiện thành công nhiệm vụ đổi mới giáo dục phổ thông, theo sự phân cấp trách nhiệm thì kiến tạo chính sách, chỉ đạo sẽ do Bộ GD&ĐT đảm nhiệm, còn chuẩn bị các điều kiện và triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới thì các địa phương có vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện cơ sở vật chất, trường học, phòng học thiếu rất nhiều, đặc biệt ở những tỉnh, thành tập trung đông dân cư, có nhiều khu công nghiệp, khu đô thị lớn. Số học sinh tăng lên, trường lớp chưa đáp ứng được, tạo sự căng thẳng khiến phụ huynh và xã hội bức xúc. Chỗ học chưa đáp ứng được sẽ cản trở chất lượng giáo dục. Muốn thực hiện phương pháp dạy và học mới, lớp học không thể quá đông, mà phải đảm bảo tỉ lệ hợp lí giữa học sinh và giáo viên.

Một vấn đề lớn là thừa - thiếu giáo viên cục bộ, trong đó thiếu giáo viên là vấn đề chủ đạo. Hiện, tình trạng chung là thiếu giáo viên ở cấp mầm non, tiểu học, giáo viên thực hiện môn học mới, giáo viên ngoại ngữ, tin học, mỹ thuật, nghệ thuật,... Đương nhiên, việc thiếu này không phải khi triển khai chương trình mới có mà vốn đã có từ trước, nay càng trở nên cấp thiết hơn. Ở một số vùng cũng đã khó tuyển sinh đối với bậc mầm non và đã nhiều năm liên tục, nơi này không có biên chế, không tuyển giáo viên nên khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai thì việc thiếu giáo viên trầm trọng hơn. Năm 2022, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã phê duyệt, giao Chính phủ bố trí hơn 27.000 biên chế/tổng số hơn 65.000 biên chế giáo viên, đã bù đắp được phần nào nhu cầu tuyển giáo viên, nhưng so với số giáo viên nghỉ hưu, so với số lượng giáo viên đang thiếu thì con số này vẫn khiêm tốn, vẫn chưa giải quyết được một cách căn bản tình trạng thiếu giáo viên.

Cần phải có rà soát sắp xếp, bố trí lại trường lớp, điểm trường, số lượng lớp học trong một trường. Hiện, có tình trạng một số địa phương khi được giao chỉ tiêu thì họ để dành, khi giảm biên chế phải trừ chỉ tiêu đó đi, họ lấy sẵn số đấy để trừ, trong khi họ cũng không tích cực trong việc tuyển giáo viên, dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên còn kéo dài.

Về phía trách nhiệm của Bộ GD&ĐT, chúng tôi cần phải chỉ đạo ráo riết hơn nữa đối với các trường đại học sư phạm trong việc đào tạo nguồn giáo viên, để đủ nguồn tuyển và đề xuất thêm nhiều chính sách để các tỉnh ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đồng bào dân tộc có thể thu hút, tuyển được giáo viên.

Đổi mới giáo dục phải kiên trì, luôn nhìn về phía trước -0
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thăm hỏi, động viên học sinh Trường THPT Mỹ Lộc, Nam Định.

PV: Bộ trưởng vừa cho biết năm học mới sẽ xây dựng văn hóa học đường, giảm thiểu bạo lực học đường trong môi trường sư phạm, tức là chúng ta đang hướng tới xây dựng một trường học hạnh phúc, học sinh tích cực. Để xây dựng trường học hạnh phúc, theo Bộ trưởng, chúng ta nên tập trung giải pháp gì?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Tôi cho rằng, một ngôi trường hạnh phúc trước hết phải do giáo viên, học sinh và phụ huynh cảm nhận. Về phía ngành Giáo dục, việc quan trọng đầu tiên là làm thế nào để thúc đẩy môi trường văn hóa học đường. Văn hóa học đường khi được triển khai tốt, thể hiện qua các hoạt động của nhà trường, tự khắc nó đem đến các giá trị tích cực, từ đó sẽ làm cho giáo viên, học sinh thấy hài lòng, hạnh phúc.

Chúng tôi đang cho rà soát, làm mới bộ quy tắc ứng xử trong trường học để phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục. Các trường phổ thông trong toàn quốc đều có bộ quy tắc này, nhưng thời điểm này cần rà soát để làm mới lại, khiến cho quy chuẩn ứng xử này phù hợp với tình hình, bối cảnh của trường học đang đang đổi mới căn bản, toàn diện. Mặt khác, để có văn hóa học đường, trường học hạnh phúc, trước hết phải thực hiện thật tốt việc dạy và học chuyên môn, thầy phải dạy tốt, trò phải học tốt. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chú trọng thay đổi phương pháp dạy và học, người thầy từ chỗ truyền đạt, truyền thụ, chuyển giao kiến thức cho học trò, chuyển sang là người tổ chức hoạt động học tập, định hướng, dẫn dắt, hỗ trợ cho học sinh, để học sinh tự tích lũy, tự hình thành các năng lực, phẩm chất. Các hoạt động đó nếu làm thật tốt sẽ tạo ra sự hứng thú cho học trò.

Theo tôi, giảm tải số tiết học chỉ là một chuyện, còn việc tạo ra sự chủ động của học sinh, học sinh có thích thú hay không, hào hứng với bài giảng hay không, cái đó mới là thực chất của sự giảm tải. Khi mà học sinh hào hứng học thì mọi chuyện sẽ khác. Đối với xây dựng văn hóa học đường, trường học hạnh phúc, cốt lõi vẫn là thực hiện tốt chuyên môn khiến cho học sinh học tập một cách chủ động, ham học. Trường học hạnh phúc hướng tới việc hình thành các giá trị cốt lõi là yêu thương, an toàn và tôn trọng. Ở đó, cần chú trọng "dạy người" cùng "dạy chữ".

Văn hóa học đường coi trọng tính gương mẫu của người thầy, coi trọng phát triển nhân cách, đạo đức, phẩm chất tinh thần của người học. Đặc biệt, văn hóa học đường đòi hỏi vai trò mẫu mực của nhà giáo. Cho nên, muốn có văn hóa học đường, có trường học hạnh phúc thì phải có những người thầy chuẩn mực để dẫn dắt học sinh. Đương nhiên, một trường học có văn hóa không thể có bạo lực. Điều đáng tiếc là trong thời gian gần đây, bạo lực học đường diễn biến phức tạp, do nhiều nguyên nhân. Sau một thời gian học sinh học trực tuyến, các em bị ảnh hưởng tới tâm lí góp phần làm gia tăng bạo lực học đường. Cũng phải kể đến các nguyên nhân khác mang tính phi truyền thống, đó là ảnh hưởng của phim ảnh không phù hợp, ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội khiến cho bạo lực học đường gia tăng. Ngoài ra, nguyên nhân nữa là sự kết nối giữa gia đình và nhà trường còn lỏng lẻo, nhiều em học sinh thiếu sự quan tâm, chăm sóc từ gia đình, đặc biệt là từ bố mẹ. Do đó, tôi mong muốn các nhà trường phổ thông phải tăng cường phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh, đề cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong nắm bắt tâm lý học sinh, giúp các em có kỹ năng xử lý tình huống. Vai trò của các hiệu trưởng cũng rất quan trọng trong kiểm soát tình hình, để đề phòng, ngăn chặn.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Thu Phương (thực hiện)
.
.