Nhà biên kịch Bình Bồng Bột:

Đi tìm căn tính của thành phố, tôi tìm thấy căn tính của mình

Thứ Sáu, 10/02/2023, 12:36

Đã lâu rồi tôi không gặp lại Bình Bồng Bột, một nhà báo thể thao giàu cá tính trong quãng thời gian mà tôi cũng từng là một cây bút thể thao. Nhưng rồi từ một "Bình - nhà báo thể thao", tôi lại bắt gặp một  "Bình - dịch giả", một "Bình - viết tự truyện thuê", một "Bình - KOLs" (người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội) và bây giờ là một "Bình - biên kịch". Liệu còn một "Bình - nào đó khác" không nhỉ? Và, đây là câu trả lời của Bình: "Bình nào cũng chỉ là mình thôi anh ạ. Và, nó rất giống… Sài Gòn".

- Nhà báo Phan Đăng: Ủa, Bình rất giống Sài Gòn là sao? Tôi chưa hiểu lắm.

- Nhà biên kịch Bình Bồng Bột: Suốt một thời gian dài tôi đau đáu với một câu hỏi: Căn tính Sài Gòn, thành phố nơi tôi sống là gì? Câu hỏi ấy chính là lý do tôi cùng người bạn là họa sĩ Thăng Fly cùng cho ra đời quyển sách "Sài Gòn hay ta". Và, trong quá trình đi tìm căn tính của Sài Gòn, tôi cũng vô tình tìm thấy căn tính của chính mình.

Đi tìm căn tính của thành phố, tôi tìm thấy căn tính của mình -0

Trước đây, tôi rất đau khổ khi người khác bảo tôi là một người... không có bản sắc. Trong cách hành xử, lời ăn tiếng nói của tôi có một chút bị ảnh hưởng của người này, một chút của người kia. Tôi cũng từng nghĩ: Sao mình... lai tạp thế nhỉ, không có gì đặc sắc cả. Tôi suy nghĩ muốn bể trí khôn: Có cách nào để tạo cho mình một bản sắc độc nhất vô nhị không?

Để rồi, trải qua nhiều biến cố, nhiều phen chiêm nghiệm, trò chuyện thêm với nhiều tiền bối, tôi nhận ra: Làm gì có thứ gọi là căn tính cốt lõi. Cái tôi hôm nay của mình luôn được đè lên một cái tôi khác. Và, trong tương lai, chắc chắn sẽ có một cái tôi mới sinh ra. Tôi và anh Phan Đăng có nhiều điểm tương đồng: Đều xuất phát từ thể thao, nhưng sau đó đều chia tay mảng thể thao để làm nhiều công việc khác. Từ chỗ làm việc trong một đoàn thể sang làm việc tự do, từ chỗ làm việc độc lập sang làm việc nhóm, từ salon bước ra thế giới và đối thoại với rất nhiều người. Mỗi nhịp chuyển ấy tạo ra một cái tôi mới, một Bình mới, một Phan Đăng mới. Thỉnh thoảng, hẳn anh cũng nghe cái câu: "Dạo này Phan Đăng thay đổi rồi, Phan Đăng khác lắm". Nhưng, có thực sự là chúng ta "thay đổi" không, hay ta vẫn là ta, chỉ là cái tôi mới đã được sinh ra và chồng lên cái tôi cũ mà thôi? Cũng giống như Sài Gòn vậy đó, dù có trải qua bao nhiêu đổi thay, biến động thì nó vẫn là nó đó thôi. Và, không có bản sắc cũng chính là... một dạng bản sắc. Như bài thơ của thi hào Nga Evghenhi Evtushenko:

Chẳng có ai tẻ nhạt ở trên đời

Mỗi số phận chứa một phần lịch sử

Mỗi số phận rất riêng, dù rất nhỏ

Chắc hành tinh nào đã sánh nổi đâu?

Nghiệm ra được điều này, tôi càng thêm yêu thành phố của mình và từ đó, càng thêm yêu mình.

- Bình đã chạm đúng vào một trăn trở của tôi: Tôi là ai, thành phố tôi, Tổ quốc tôi, dân tộc tôi là một thực thể như thế nào? Tôi tin cái tôi không bao giờ là một khái niệm tĩnh. Tùy thời gian, tùy góc nhìn, tùy trải nghiệm thì cái tôi đó có những biểu hiện rất khác. Nhưng, tôi lại nghĩ: Khác mấy thì cũng phải có một cái lõi gì đó ở bên trong chứ. Và, nhiệm vụ của những người viết, những người yêu tha thiết thành phố của mình là phải cho bạn đọc thấy cái lõi ấy. Vậy, với Bình, cái lõi của Sài Gòn là gì?

- Cái lõi của Sài Gòn là gì? Tôi từng đặt câu hỏi này khi bắt đầu chú ý tới năng lượng của những thành phố khác. Tại sao khi đến Đài Bắc, tôi lại có cảm giác mình được chào đón trong khi ở Singapore lại bị cảm giác chối bỏ? Mỗi thành phố đều là một thực thể sống, nó cũng trưởng thành và có cảm xúc. Vậy, tâm hồn của Sài Gòn là gì?

Sài Gòn là một thành phố rất trẻ, chỉ có hơn 300 năm tuổi thôi. Tôi nghĩ vài trăm năm sau nữa thì Sài Gòn cũng sẽ trẻ như bây giờ mà thôi, vì nó có khả năng dung nạp quá tốt những cái mới. Khái niệm dân Sài Gòn gốc là vô nghĩa. Bởi vì không nhất thiết anh phải sinh ra ở Sài Gòn mới được xem là người Sài Gòn. Ngay từ xuất phát điểm, những người đầu tiên đặt chân đến Sài Gòn đều là những lưu dân, những người Hoa tị nạn, những người miền Bắc và miền Trung đi vào, kết hợp với biết bao nhiêu cộng đồng bản địa. Sau một thời gian sinh sống, chẳng còn phân biệt giữa mình và ta nữa. Mọi người cứ dựa vào nhau để sống. Không phân biệt anh đến từ đâu, cứ ở Sài Gòn là "người mình với nhau", đều là “tứ hải giai huynh đệ”!

Sài Gòn có thể không có quá nhiều những thứ "đặc sản", nhưng là vùng đất tràn ngập cảm hứng phái sinh. Những món ăn đặc trưng của những vùng đất khác như phở, bún bò, hủ tíu sau khi vào Sài Gòn bỗng dưng có một... “cái tôi” mới. Lấy ổ bánh mì có nguồn gốc từ phương Tây làm ví dụ. Người Sài Gòn có thể nhét... cả thế giới vào đó để tạo ra bánh mì thịt, bánh mì cá, bánh mì trứng, bánh mì bơ, bánh mì chả cá, bánh mì chạy, bánh mì bì, bánh mì kem... Nhưng, dù có thể biến đổi không lường thì cốt lõi vẫn là bánh mì đó thôi.

- “Tứ hải giai huynh đệ”, người mình với nhau - tôi rất thích chữ "mình" vì nó thật đáng yêu. Một chữ "mình" chứa trong đó bao nhiêu cái tôi khác biệt. Phải tâm sự thật với Bình, tôi thấy Sài Gòn như một người mẹ, dang rộng hai cánh tay ôm hết mọi đứa con vào lòng, yêu thương đều nhau, không phân biệt chúng là những người tha phương cầu thực hay ở đó từ lâu, điều rất hiếm thấy ở các thành phố khác.

- Thưa đúng anh. Và, nếu như "người mẹ" ấy không phân biệt thì ta còn phân biệt làm gì. Tôi tin không nhất thiết phải sinh ra ở Sài Gòn để được xem là người Sài Gòn. Có rất nhiều người viết hay về Sài Gòn, được xem là rất hiểu Sài Gòn lại không sinh ra ở đây. Nguyễn Nhật Ánh viết "Thành phố tình yêu và nỗi nhớ" thật hay dù là người Quảng Nam, Trần Tiến viết "Thành phố trẻ" hay Y Vân viết "Sài Gòn" với câu điệp khúc "Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi" đều là người Hà Nội. Bình Nguyên Lộc là người Đồng Nai...

Đó là lý do vì sao tôi thấy chữ "mình" là một chữ rất Sài Gòn. Vì chữ "mình" xóa đi bản ngã. Khi tôi dùng chữ "mình" với anh Phan Đăng, tức là tôi đã gạt sang một bên cái tôi riêng lẻ để chỉ còn nói đến cái chung. Thành phố này có thể dung nạp hết mọi cái tôi để rồi liên tục tạo ra một cái tôi động, không bao giờ đứng yên. Không có bản sắc hay tổng hòa của rất nhiều bản sắc thì tùy góc nhìn của mỗi người, Sài Gòn vẫn lớn lên, phát triển theo nhịp sống rất riêng của nó.

- Vậy, trên tư cách là người viết, Bình đã nương theo nhịp sống đó như thế nào để dựng nên một Sài Gòn của những quán Văn từ trước năm 1975, một quán cơm tấm có tuổi đời vài chục năm tuổi hay một nhà thờ Đức Bà cổ kính, trong những trang sách của mình? Bình đã chọn điểm nhìn nào để dựng nên những bức chân dung đa dạng, từ những người nổi tiếng đến những người hết sức bình dân như anh chạy xe ôm?

- Tôi nghĩ thành phố này hấp dẫn ở chỗ những điều thân thuộc bỗng một ngày lại mang những ý nghĩa hết sức thiêng liêng. Những ai đã trải qua mùa dịch ở Sài Gòn có lẽ sẽ thấu tỏ cảm giác này hơn ai hết. Và, tình người, sự lạc quan của người Sài Gòn trong mùa dịch lại càng bùng lên dữ dội. Thành phố này còn hấp dẫn ở chỗ ta ngỡ như đã biết rất rõ về nó rồi thì một hôm lại phát hiện ra thêm những bất ngờ thú vị. Không một ai dám nói mình rành hết Sài Gòn, sẽ luôn có những góc phố trầm mặc mà mới mẻ luôn chờ đôi chân bạn đến. Một lần, tình cờ bước vào một con hẻm trên đường Pasteur, rồi từ đó khám phá ra khu phố thật cũ, thật đẹp, tôi mới bật ra câu thơ con cóc như sau: "Sài Gòn có những khoảng không. Đi vào để thấy mình không hiểu mình". Ừ thì có ai là thực sự hiểu mình đâu và hành trình sống là hành trình chúng ta tự tìm hiểu mình đấy chứ. Ta chắc chắn không thể hiểu mình nếu ta chưa hiểu thành phố nơi mình sinh ra và lớn lên. Nên viết sách về Sài Gòn thực ra là viết sách về mình đó thôi.

- Trong quá trình tìm hiểu tính cách của thành phố và từ đó nghiệm ra tính cách của bản thân, có một nét nào đó mà Bình chưa thích/không thích không?

- Có chứ anh. Khi lâm vào khó khăn, đặc biệt là mùa dịch đã qua, tôi nghiệm ra bản thân mình và thành phố đang sống có một cái hơi dở, đó là không biết lo xa. Có lẽ vì mình quá may mắn nên ít nghĩ về những chuyện xui rủi, ít sửa soạn cho những bất trắc. Sài Gòn có câu "một đời ta bằng ba đời nó", hôm nay ta cứ vui đã, ngày mai thì... để mai tính.

- Bình làm tôi nhớ đến thuở báo in còn rực rỡ. Tôi nhớ là hồi đó một bác xe ôm ở Sài Gòn có thể mua tới 3 tờ báo ngồi đọc. Còn ở Hà Nội thì mỗi bác sẽ mua 1 tờ rồi đổi cho nhau. Hay ở Hà Nội, vốn quen văn hóa tích trữ, sẽ khó có cảnh một người lao động nghèo gom góp hết tiền để cuối tuần cho cả nhà biết thế nào là ăn nhà hàng. Nhưng, ở Sài Gòn, một người lao động cuối tuần đưa cả nhà đi ăn nhà hàng, tiêu sạch số tiền mình kiếm trong tuần là chuyện rất bình thường.

- Thật vậy! Ngày xưa một người bán báo có thể mua một chiếc xe SH, nuôi mấy người con học đại học là hết sức bình thường ở Sài Gòn. Nhưng, thời gian trôi qua, báo in sa sút, tôi gặp lại người bán báo giàu năm xưa, nay đã phải bán thêm sách, sim card điện thoại, áo mưa lẫn bảo hiểm xe máy, chiếc xe xịn năm nào đã rớt xuống còn một chiếc xe Wave cũ, anh vẫn... cười hề hề. Ừ thì mưa tới đâu mát tới đó, xưa giàu nay nghèo, mốt giàu lại mấy hồi.

Trong bài hát "Ngỡ đâu tình đã quên mình", nhạc sĩ Lê Hựu Hà viết một câu như sau: "Hôm nay ta cứ vui. Chắc đâu ngày mai vẫn thế".

Câu này rất... Sài Gòn. Đó là sự lạc quan đến mức hơi thái quá. Nghĩa là dẫu ta biết ngày mai sẽ có nhiều bất trắc, dẫu ngày mai có tai ương thì ta cũng... đừng "lo làm chi cho nó mệt", cứ vui hết hôm nay đã. Nên, trong mùa dịch và trong những khó khăn của riêng mình, có những khoảnh khắc tôi cảm thấy chới với, hơi suy sụp vì đã không có sự chuẩn bị. Nhưng, cảm giác này cũng qua rất nhanh thôi anh. Vì cái khuyết điểm không lo xa ấy lại dựa trên một cái gốc là lạc quan. Nên qua rồi thì lại lạc quan như thường. Ở thành phố này, dường như không có ai phải buồn quá lâu.

- Có lần một giáo sư người nước ngoài hỏi tôi: Nếu phải tìm một câu chuyện nhỏ để phân biệt rõ ràng 3 miền của Việt Nam thì đó là câu chuyện gì. Tôi mới lấy ví dụ về bữa ăn. Bữa ăn của miền Bắc, người ta sẽ ăn làm sao cho miếng cơm cuối cùng đi kèm với miếng thịt cuối cùng. Bữa ăn của miền Trung, họ sẽ ăn hết cơm và chừa một ít đồ ăn cho bữa ăn tiếp theo. Nếu chúng ta ở miền Trung, chúng ta cũng phải thế, vì thiên tai, bão lũ nhiều quá. Không thể sống hôm nay mà không biết đến ngày mai. Còn người Sài Gòn nói riêng và người ở mảnh đất miền Nam trù phú nói chung thì có khi họ sẽ ăn hết đồ ăn trước rồi sau đó ăn cơm không cũng chưa biết chừng.

- Người Sài Gòn có một món trứ danh mà mọi người gọi vui là "vetula", viết tắt của "vét tủ lạnh". Đó là họ lấy thức ăn thừa trong tủ lạnh ra, bỏ hết vào một cái chảo và xào lên, thế là lại có một món mới ngon lành. Tôi nghĩ đấy cũng là một ẩn dụ tốt: Những thứ cũ hoàn toàn có thể dùng để tạo ra một thứ mới.

- Xào những thứ cũ lại với nhau và tạo ra cái mới. Sự phối trộn này thật sự thú vị. Ở Hà Nội, có cây cầu vượt trên đường Láng Hạ. Bên này cầu là một Hà Nội có gì đó rất riêng, một Hà Nội đi thêm 15 phút là tới phố cổ, với những con người trầm tính, ít nói. Nhưng, phía bên kia cầu, đi thêm một tí là những chung cư cao vút, ken đặc nhau trên đường Lê Văn Lương. Mỗi lần qua cây cầu vượt ấy, tôi có cảm giác như mình vừa đi qua một cánh cửa nối hai thế giới khác nhau. Trong mắt Bình, Sài Gòn có những "cánh cổng" như thế không?

- Tôi nghĩ đã từng có, nhưng rồi nó cũng mất đi rất nhanh. Hãy tưởng tượng một cốc nước. Nếu ta bỏ thêm nhiều loại nước khác vào và khuấy lên thì "cốc nước Hà Nội" sau một thời gian, nước này sẽ tách hẳn khỏi nước kia và chúng sẽ lộ rõ những chất riêng biệt. Nhưng, "cốc nước Sài Gòn" thì các chất khác nhau sẽ hòa vào rồi tan ra, để rồi tạo nên một cốc nước mới toanh. Ngày trước Sài Gòn có Phú Mỹ Hưng nổi lên như một khu nhà giàu. Nhưng, một thời gian sau có rất nhiều khu nhà giàu nên Phú Mỹ Hưng không còn quá đặc biệt nữa. Những khu ngày xưa là đầm lầy giờ cũng thành đất vàng cả. Những bến phà lùi vào dĩ vãng, thay hết bằng những cây cầu. Sự lớn lên của thành phố này là hành trình xóa đi những đường biên.

Đi tìm căn tính của thành phố, tôi tìm thấy căn tính của mình -0
Nhà biên kịch Bình Bồng Bột trò chuyện cùng nhà báo Phan Đăng.

- Nói về bản sắc của Sài Gòn thế đủ rồi. Giờ nói đến bản sắc của chính Bình - một người Sài Gòn đi. Đường đi của hai bản sắc này có giống nhau không nhỉ? Tô nhớ rất rõ, Bình từng là một người viết thể thao, rồi sau đó thành dịch giả, người viết tự truyện thuê và bây giờ lại là một nhà biên kịch...

- Thực ra tôi và anh Phan Đăng rất giống nhau. Chúng ta đều đi trên một hành trình tìm hiểu bản thân mình. Và, những thay đổi, không chỉ là nghề nghiệp mà còn về tư duy, thế giới quan, cũng chỉ để giúp chúng ta tiến đến gần hơn cái cốt lõi của mình mà thôi. Khi còn viết thể thao, tôi vốn thích thể loại chân dung cầu thủ. Tôi thích đọc về cuộc đời họ, những gì đã kiến tạo nên họ của ngày hôm nay. Rồi sau đó tôi chuyển sang phỏng vấn nhân vật, từ thể thao lấn sân sang giải trí. Rồi tôi viết tự truyện thuê, từ chỗ phỏng vấn một buổi thành phỏng vấn dài hơi, rất nhiều buổi và rất nhiều thời gian. Biên kịch thực ra chỉ là chặng đường tiếp nối cho cái lõi của mình: Muốn được làm một người kể chuyện.

Tất nhiên là hành trình tìm đến cái lõi ấy không dễ dàng. Khi nghỉ làm báo vì cảm thấy mình không thể tiến bộ hơn được nữa, tôi có xin ứng tuyển vào vị trí PR Manager của CJ, một tập đoàn lớn của Hàn Quốc, trong các ngành của CJ có ngành làm phim. Qua 3 vòng phỏng vấn, tôi được vào gặp Giám đốc CJ Việt Nam là ông Jung Tae Sun. Sau khi đã thỏa thuận xong lương, ông nói tôi về viết kế hoạch PR cho bộ phim sắp ra lúc đó của CJ là "Cô gái đến từ hôm qua". Trước khi tôi về, bỗng dưng ông hỏi tôi một câu thật vu vơ (hay không vu vơ):

- So, Bình, what's your dream? (Ước mơ của cậu là gì?)

- Câu hỏi ấy đã trở đi trở lại trong đầu tôi suốt một tuần lễ sau đó và tôi quyết định sẽ từ bỏ công việc PR Manager để dấn thân vào một hành trình gian nan hơn: Trở thành một người viết kịch bản, một người kể chuyện. Đặt ra câu hỏi: "Tôi là ai", liên tục hỏi, liên tục trả lời, liên tục phản tư là cách để mỗi người tiến gần hơn đến cốt lõi của mình.

Anh Phan Đăng dành phần lớn năng lượng của mình để đối thoại. Đối thoại với các nhân vật đến từ mọi ngành nghề, xuất thân khác nhau, rốt cuộc chỉ để đối thoại với chính mình. Chúng ta thực ra là làm cùng một việc đó thôi: Tìm hiểu mọi người để tìm thấy chính bản thân mình.

- Trở lại câu hỏi của ông Giám đốc CJ về ươc mơ. Vượt qua bao nhiêu đường biên, đập đi xây lại cái tôi bao lần, vậy hiện nay công việc biên kịch đã đủ thỏa mãn ước mơ của Bình chưa? Tôi có cảm giác là chưa, vì thật lòng mà nói, tôi nghĩ những người như chúng ta luôn có một thứ gì đó thôi thúc và chờ đợi mình phía trước thì phải.

- Quả vậy. Là bởi vì chúng ta hiểu quá rõ: Không có cái gì mãi mãi. Ta luôn thích những cái mới hơn, khó hơn. Nhìn lại quá khứ, đã có rất nhiều “cái tôi" cũ và có những lúc mình nghĩ đây đã là cái tôi cuối cùng rồi. Nhưng không, một thời gian sau lại thòi ra một cái tôi mới. Vậy thì làm sao chúng ta dám cả quyết cái tôi hiện nay sẽ là cái tôi cuối cùng. Nên mình cứ sống, cứ làm việc thôi và chờ xem điều gì chờ mình phía trước. Chẳng phải những thứ bất ngờ ấy, những “cái tôi" mới đang chờ đợi chúng ta khiến cho cuộc sống này thêm thú vị đấy sao?

- Thêm một thắc mắc nữa, “cái tôi - biên kịch" này đang ở trạng thái nào: Hào hứng, quá tải hay cũng bình thường thôi?

- Hào hứng anh ạ, dù đã qua giai đoạn trăng mật. Khi nhìn lại những kịch bản mình từng viết, tôi luôn thấy mình có thể viết hay hơn. Tôi chỉ mới vào nghề hơn 3 năm thôi và tôi đang cố kiện toàn những khả năng của mình thông qua việc vừa làm vừa học. Và tôi háo hức được gặp chính mình sau đây 1 hay 3 năm nữa, để xem những thứ mình đang trau dồi hiện nay sẽ cho kết quả như thế nào.

- Hãy nói về một chuyện rất cụ thể. Trong bộ phim mới nhất mà Bình tham gia viết kịch bản - bộ phim "Em và Trịnh", một bộ phim tạo ra những dư luận nhiều chiều, có chi tiết nào Bình muốn viết lại và viết khác đi không?

- (Suy nghĩ hồi lâu) Tôi nghĩ là không.

- Đấy là một câu trả lời không thật, một câu trả lời phòng thủ. Với tôi thì Bình nên nên nói thật (Cười...).

- (Suy nghĩ) Thực ra không phải là không thật đâu anh. Câu chuyện chính xác là nếu có thể viết hết mọi cái mà mình muốn, chắc chắn bộ phim sẽ gây ra tổn thương cho rất nhiều người. Và, chính anh cũng đã thấy bộ phim đã tạo ra những làn sóng tranh luận như thế nào rồi. Nói đến "Em và Trịnh", tôi chợt nhớ đến cuộc hội ngộ thú vị với nhà văn Nguyễn Thị Minh Thái trong lần gần nhất tôi ra Hà Nội. Hôm ấy, vừa gặp tôi, biết tôi là biên kịch của "Em và Trịnh", cô đã tuôn trào một tràng những lời chỉ trích, góp ý... Tôi xây xẩm mặt mày nhưng không phản ứng. Đó là lúc tôi cảm thấy may mắn vì mình là một người Sài Gòn nên mình mới dung nạp được. Để rồi sau khi nói xong về phim, cô lại cho tôi một bầu trời kiến thức và những câu chuyện liên tu bất tận về Hà Nội 36 phố phường, về Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ và biết bao nhiêu điều thú vị khác. May quá, nếu để cái tôi bùng phát và cãi lại, tôi đã không có cơ hội nhận được món quà tuyệt vời sau đó.

Sau khi kết thúc cuộc trò chuyện, tôi mới nói với cô Minh Thái: Cảm ơn cô về sự góp ý. Có một Trịnh Công Sơn trong cô, nhưng bộ phim cô xem lại là Trịnh Công Sơn trong con, trong đạo diễn. Cũng như có hàng nghìn Trịnh Công Sơn ngoài kia trong lòng bạn bè, trong những người tình, trong gia đình, trong công chúng yêu nhạc. Tương tự thế là hàng nghìn Nguyễn Thị Minh Thái, hàng nghìn Bình Bồng Bột. Nên rất biết ơn cô vì đã cho con một mảnh của cái tôi mang tên Nguyễn Thị Minh Thái, mang tên Trịnh Công Sơn ngày hôm nay.

Cái tôi phân mảnh ấy cũng là thứ mà chúng ta phải đi nhặt nhạnh, trong từng ngày chúng ta sống, từng người chúng ta yêu hay từng cuộc trò chuyện mà anh Phan Đăng thực hiện. Tôi yêu lắm câu thơ của Tô Thùy Yên:

Ta về như bóng ma hờn tủi

Lục lại thời gian kiếm chính mình

Ta nhặt mà thương từng phế liệu

Như từng hài cốt sắp vô danh.

Tôi hy vọng cả tôi và anh trên hành trình sống và làm việc sắp tới sẽ nhặt được càng nhiều những cái tôi phân mảnh của mình càng tốt. Và, biết ơn anh vì hạnh ngộ hôm nay.

- Rất cảm ơn những chia sẻ của Bình. Mong tất cả chúng ta rồi sẽ tìm được cái tôi sau cuối của mình. Cái tôi thật sự là mình nhất!

* Ảnh trong bài: D.T.A.

Phan Đăng (thực hiện)
.
.