Danh họa Thành Chương: Chiến tranh không lưu dấu trong nghệ thuật của tôi
Trong hội họa Việt Nam đương đại, cái tên Thành Chương là một giá trị. Xếp ông vào hàng danh họa đương đại Việt Nam xứng đáng bởi những gì ông đã cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà. Cuộc trò chuyện của chúng tôi với ông diễn ra giữa không gian Việt Phủ đầy nắng và mùi thơm của trầm, của thiên nhiên, cỏ cây thanh khiết...
Ông thủng thẳng kể chuyện xưa, chuyện nay, dí dỏm, tường minh. Đầu tiên, ông kể về chàng trai tuổi 20 viết huyết thư xin vào miền Nam chiến đấu và 9 năm là lính công binh làm nhiệm vụ rà phá bom, mìn giữa khốc liệt của chiến tranh... Những câu chuyện dường như chẳng có mối liên hệ nào với một danh họa và những tuyệt tác về đồng quê yên bình, về con trâu, làng xóm… Bởi, chiến tranh với ông là những ký ức đau buồn, vì thế, chiến tranh không lưu dấu trong tác phẩm của Thành Chương...
Không có 9 năm trong bom đạn, tôi không thể vẽ cuộc sống thanh bình sâu sắc đến thế
PV: Mùa xuân năm ngoái, tôi khá bàng hoàng nghe tin ông ốm nặng. Nhưng, bây giờ, gặp ông, tôi thấy một Thành Chương trong vóc dáng mới, tâm thế mới, tinh thần mới, cả trong đời sống và nghệ thuật. Điều gì giúp ông hồi sinh một cách mạnh mẽ, đầy năng lượng tích cực như thế?
Họa sĩ Thành Chương: Đi qua một biến cố lớn trong cuộc sống, tôi phải nói lời cảm ơn tự đáy lòng, nếu không có vợ thì tôi đã chết rồi. Tôi sống đến tuổi này, ngấp nghé 80 rồi nhưng chưa bao giờ tôi nhận được sự chăm sóc, yêu thương tỉ mỉ, kỹ càng và sâu nặng như thế. Có những điều thuộc về tâm linh và số phận không giải thích được nhưng tình yêu, sự chăm sóc của vợ tôi là hiện hữu. Bây giờ, những cảm nhận về cuộc sống của tôi có nhiều thay đổi. Đã đến lúc tôi phải nghỉ ngơi. Từ trước đến nay, tôi cứ lăn lưng ra làm việc, không mấy khi nghĩ đến mình. Giờ, tôi phải sống chậm lại hơn, nghĩ đến mình tức là nghĩ đến người khác.
PV: Tôi cảm thấy không có sự liên hệ nào hợp lý - có lý từ một người lính công binh làm nhiệm vụ rà phá bom mìn đến một họa sĩ hàng đầu của hội họa Việt Nam đương đại. Ông có một sự lý giải nào không?
Họa sĩ Thành Chương: (Cười). Năm lên 7 tuổi, tôi đã có tranh đạt giải thưởng quốc tế, sau đó, tôi học vẽ nhiều năm ở Trường Mỹ thuật. Tôi luôn đứng đầu lớp. Không những vẽ giỏi mà năng lực làm việc gấp nhiều lần người khác. Ví dụ, bài làm bìa sách, thông thường mất 1 tuần, người giỏi thì làm được 2-3 bìa, riêng tôi làm 30-40 tác phẩm, kẻ bằng tay, tác phẩm nào cũng nghiêm túc, chấm toàn điểm A. Có một chuyện khiến tôi nhớ mãi.
Tháng 11/1969, khi tôi đang làm trợ giảng cho lớp điêu khắc của Binh chủng Công binh ở Hà Nội thì nhận được lệnh triệu tập gấp của Ban Tuyên huấn. Bộ Quốc phòng quyết định giao cho Binh chủng Công binh xây dựng một tượng đài lớn 14-15m ở sân bay Bạch Mai phục vụ cho triển lãm của toàn quân nhân sự kiện kết thúc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Vì thời gian quá gấp để kịp cho ngày 22/12 nên không ai và không đâu dám nhận làm. Một đồng chí cấp trên ở Ban Tuyên huấn gặp tôi và hỏi: “Đồng chí có nhận nhiệm vụ này được không?”. Tôi nói: “Xin thủ trưởng cho tôi về hỏi bố tôi rồi tôi sẽ quyết định”.
Nghe chuyện, suy nghĩ một lát, cụ bảo: “Con phải biết việc này không ai nhận làm thì mới đến lượt con. Đây là cơ hội trong muôn một, con phải nắm lấy nó. Nhận đi và thầy tin là con làm được”. Thế là tôi nhận nhiệm vụ thực hiện "chiến dịch" tượng đài CHIẾN THẮNG. Sau 1 tuần dựng phác thảo, làm mô hình và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người duyệt cuối cùng. Phác thảo được duyệt, tôi tập trung dồn toàn bộ tâm trí, sức lực để bắt tay làm. Tượng đài cao 14m50 đã được tôi hoàn thành đúng vào sáng ngày 22/12/1969, vỏn vẹn trong vòng 1 tháng. Khi lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội đến cắt băng khánh thành trước tượng đài thì cũng là lúc tôi quét những nhát sơn cuối cùng rồi gục xuống bất tỉnh sau hơn 1 tháng làm việc không ngủ. Từ khi tỉnh lại trong phòng cấp cứu của Bệnh viện Quân y 103 cho đến tận bây giờ, tôi cũng không hiểu sao mình lại làm được như thế. Khi ấy tôi vừa tròn 20 tuổi.
Tôi là vậy, làm gì cũng quyết liệt và dấn thân với nó đến tận cùng. Có thể nói là khi làm việc tôi quên mất bản thân. Cho đến khi viết huyết thư xin bằng được vào chiến trường đánh giặc cũng dễ hiểu thôi, vì đó là lý tưởng sống của thanh niên thời đó.
PV: Lý tưởng sống mạnh mẽ đến mức, ông từ chối cả việc đi nước ngoài lẫn những “thu xếp” an toàn của cụ Kim Lân để vào Nam chiến đấu. 9 năm là một quãng thời gian rất dài. Ông nhớ gì về những năm tháng đó?
Họa sĩ Thành Chương: Ngày đó, gia đình tôi có một suất cho con đi Đức học tập. Nhưng, tôi nghĩ, thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh, lúc Tổ quốc đang nước sôi lửa bỏng chiến đấu với quân xâm lược, làm sao mình có thể chọn con đường nhàn hạ, ấm êm đi ra nước ngoài. Tôi nung nấu quyết tâm gác lại tất cả để xung phong vào miền Nam chiến đấu. Khi quyết định không đi nước ngoài, tôi nói với cụ Kim Lân. Cụ lặng người. Làm cha, ai cũng có những tính toán cho con. Cụ đưa tôi về Tạp chí Văn nghệ Quân đội, chỗ bác Chính Hữu, làm họa sĩ của Tạp chí. Tôi dứt khoát không đồng ý. Cụ lại định giới thiệu tôi về Đội văn công Quân khu 3.
Nhưng, tôi một lòng kiên định không thay đổi ý chí. Tôi viết huyết thư xin vào miền Nam chiến đấu. Vì thế, tôi được biên chế về Đoàn Công binh 239. Tôi vào chiến trường một mạch 9 năm, làm lính công binh rà phá bom mìn, dẫn đường cho tàu phà, xe cộ vào chiến trường miền Nam tại đoạn bến phà Linh Cảm (Hà Tĩnh) cho đến ngày giải phóng. Rất nhiều câu chuyện trong 9 năm bom đạn ác liệt ấy tôi đã chứng kiến, đã trải qua.
PV: Hóa ra Hà Tĩnh, mảnh đất túi bom của miền Trung đậm nét một phần thanh xuân của họa sĩ Thành Chương?
Họa sĩ Thành Chương: Thời điểm đó chiến tranh ác liệt. Giặc ném bom phá hoại miền Bắc, chủ yếu nhằm vào những cây cầu, chúng cứ phá là chúng tôi lại sửa. Làm cầu không đủ khí tài thì làm phà. Tôi đóng chốt ở Đức Minh, Đức Thọ (Hà Tĩnh). Giặc ném bom xong thì chúng tôi rà phá những quả bom thông đường. Đêm xuống lại mặc áo phao, đội mũ sắt đứng đầu mũi ca nô làm hoa tiêu (gọi là lai dắt) dẫn phà đi trong đêm, đưa hàng hóa từ Đức Minh lên bến sông Linh Cảm, bàn giao xong phà cho đơn vị tiếp theo, tôi đi bộ 10 km về lại chốt của mình.
Có một câu chuyện rất xúc động, trên đường tôi về qua một bến đò, có ông lái đò chở dân xuôi sông La. Bom đánh kinh khủng lắm, nhưng mỗi lần tôi đi qua bao giờ cũng có một cái biển, lúc thì ghi bằng phấn, ghi rằng: “Ở đây vẫn chở đò”. Hôm sau đi qua lại thấy dòng chữ trên tấm tôn rách “Ở đây vẫn chở đò”. Hôm sau nữa, miếng tôn bị bom đánh bay, được thay bằng bẹ cau có khắc chữ “Ở đây vẫn chở đò”. Câu chuyện ấy sau này được nhà văn Lưu Nghiệp Quỳnh viết thành truyện ngắn, nói về sức sống của người dân Hà Tĩnh ở nơi chiến tranh khốc liệt ấy.
PV: Ngẫm lại, đúng là cuộc đời có những lối rẽ định mệnh, số phận chọn chứ chưa chắc ông đã được chọn. Nếu ngày đó ông quyết định đi Đức học thì có khi bây giờ làm “soái” hoặc “cai chợ” ở Đức rồi, chứ chắc gì có một danh họa Thành Chương hôm nay?
Họa sĩ Thành Chương: Tôi vẽ nhiều ký họa chiến tranh. Nhưng, tôi chán chiến tranh, chiến tranh quá khốc liệt, không có gì ngoài những mất mát, đau thương. Nên quên nó đi. Khi hòa bình lập lại, tôi thấy quý giá sự hòa bình, quý giá những khoảnh khắc bình yên. Vì thế, chị thấy đấy, tôi rất ít khi nhắc đến những năm tháng chiến tranh. Suốt đời làm nghệ thật của mình, tôi chỉ vẽ một bức duy nhất về mảng đề tài này. Đó là bức “Cô gái mở đường”. Tôi chỉ dùng nghệ thuật để ca ngợi cuộc sống hòa bình, của đồng ruộng, quê hương.
PV: Chiến tranh không lưu lại bóng dáng trong nghệ thuật của ông chăng?
Họa sĩ Thành Chương: Nó đã được chuyển hóa. Nếu không có chiến tranh, không có 9 năm sống chết trong bom đạn ấy, tôi sẽ không vẽ được cuộc sống thanh bình với những tình cảm sâu sắc đến vậy.
Việt Phủ là tình yêu của tôi với văn hóa Việt
PV: Và cũng vì tình yêu đó với văn hóa Việt, với cuộc sống thanh bình của những người nông dân Việt Nam mà ông đã dành rất nhiều tâm sức, tiền bạc để kiến tạo nên tác phẩm sắp đặt lớn nhất trong cuộc đời mình - Việt Phủ Thành Chương. Ông từng nói, ông làm Việt Phủ với tầm nhìn 100 năm, nhưng giờ đây, trước sự lớn lao của nó, tôi nghĩ, sẽ còn hơn thế?
Họa sĩ Thành Chương: Với Việt Phủ, tôi chính là tổng công trình sư. Tôi làm từ những cái nhỏ nhất như mang một viên đá lát trên lối đi, trồng những ngọn cỏ ở vị trí nào, cho đến sáng tạo tổ hợp kiến trúc nghệ thuật độc đáo ra sao đều một mình độc diễn. Tôi xây dựng Việt Phủ với ý đồ muốn tạo dựng không gian văn hóa tinh thần của người Việt. Nhưng, mô hình của nó sẽ thế nào, tôi chưa hình dung ra. Gom 54 dân tộc về Việt Phủ ư, hay chọn những cái tiêu biểu của các dân tộc. Chọn cái gì? Cái cổng là chìa khóa. Suy đi tính lại, tôi chọn kiến trúc của cổng đền Ngọc Sơn, hồ Hoàn Kiếm để làm cổng Việt Phủ vì lý do Hà Nội là Thủ đô và đền Ngọc Sơn là lõi của trung tâm ấy. Nhưng, xây dựng được nửa chừng, tôi nhận ra, logic ấy không đúng. Thế là đập đi. Một hôm, như có sự mách bảo vô hình, trong đầu tôi lóe lên ý nghĩ rằng: “Ông là một nghệ sĩ, thế mạnh của ông là sự sáng tạo, ông là người có đầy đủ tình yêu với văn hóa truyền thống dân tộc, có đủ trình độ hiểu biết mọi nhẽ, tại sao ông không tạo dựng một không gian văn hóa Việt trên cơ sở chất liệu, vật liệu ông đã sưu tầm”.
Chìa khóa đã tìm thấy, tôi bắt tay vào xây dựng cổng, đó là cái cổng Việt Nam. Ngắm đoạn này thấy nhang nhác cổng Thổ Hà, chỗ kia thấy giống Đường Lâm, góc này lại giống cổng làng Ước Lễ... Nó là cái cổng Việt Nam, chứa đựng nhiều hình ảnh cổng làng Việt trong đó, nhưng không ở đâu có cái cổng như thế. Và, tất cả những gì tôi kiến tạo trên này đều với tinh thần như vậy. Người nghệ sĩ sẽ kiến tạo nên nghệ thuật của riêng mình, mang đặc trưng riêng biệt cá tính của mình từ chất liệu của dân tộc Việt.
PV: Việt Phủ Thành Chương đã trở thành một địa chỉ văn hóa, nơi diễn ra nhiều cuộc tiếp kiến các đoàn ngoại giao, khách quốc tế khi đến Việt Nam và muốn tìm hiểu về văn hóa Việt. Vậy với ông, cốt lõi của giá trị Việt, văn hóa Việt là gì?
Họa sĩ Thành Chương: Lâu nay, Việt Phủ đã đón tiếp rất nhiều khách quốc tế, từ những tỷ phú hàng đầu, các giám đốc bảo tàng nổi tiếng thế giới đến các Kênh truyền hình CNN, New York Times, Hoàng gia Thụy Điển và các cuộc tiếp kiến chính khách các nước, mà mới đây nhất là một vài chính khách Trung Quốc khi sang thăm Việt Nam có ghé Việt Phủ... Tôi chỉ muốn giới thiệu với mọi người về một nền văn hóa bé nhỏ nhưng trường tồn qua thời gian. Dù chúng ta chịu ngàn năm đô hộ, không thoát khỏi sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa nhưng chúng ta có một nền văn hóa riêng biệt. Điển hình, ở Việt Phủ có hình tượng con nghê. Nó chính là con sư tử đá ở Trung Quốc, to lớn, chạm trổ tinh xảo, tinh thần dữ dằn, hầm hố, dọa nạt. Còn, con nghê của chúng ta, kích thước nhỏ bé, các họa tiết đơn sơ, giản dị, tinh thần của nó ngược lại hoàn toàn con sư tử đá, nó mộc mạc, hồn nhiên, trong sáng, xởi lởi và vô cùng thân thiện... Và, rất nhiều giá trị hiện diện ở đây, từ cây cỏ, những ngôi nhà, đồ dùng đều thuần Việt. Bởi, cốt lõi của văn hóa Việt là gì, là văn hóa của những người nông dân, văn minh của chúng ta là văn minh lúa nước. Cốt lõi của văn hóa nông dân là văn hóa dân gian, nó đơn sơ, giản dị, mộc mạc, hồn nhiên, trong sáng và vô cùng thân thiện, nhân văn. Cha ông chúng ta đã tạo ra một không gian sống thân thiện, nơi hòa quyện của trời - đất, thần - Phật, cỏ cây, muông thú. Trong xu thế thế giới ngày càng phát triển, tiến bộ, văn minh, hiện đại thì con người càng muốn quay về với sự hòa đồng, thân thiện với thiên nhiên, muôn loài. Việt Phủ được xây dựng với tinh thần ấy.
PV: Đó là một công trình lớn trong sự nghiệp sáng tạo của ông, bắt nguồn từ tình yêu của ông với văn hóa Việt. Điều này, có phải ông chịu sự ảnh hưởng từ cha mình, nhà văn Kim Lân?
Họa sĩ Thành Chương: Có một điều khá thú vị là nhiều người cho rằng, tôi xây dựng Việt Phủ chắc cụ Kim Lân thích lắm. Thực tế là không, cụ không bao giờ ngủ lại đây. Cụ là người thích chốn nhộn nhạo. Hồi ở Hạ Hồi, cụ đi uống rượu về mệt, ngồi thở dốc không ra hơi. Thế nhưng, thấy ông Đỗ Chu đứng ngoài cửa vẫy tay liền đứng dậy vừa thở, vừa bảo thầy lại phải đi thôi. Cụ phải sống cùng bạn bè, tiệc tùng chứ ở đây yên tĩnh quá, cụ không chịu được. Có nhiều chuyện mọi người tưởng tôi được thừa hưởng từ cụ Kim Lân nhưng thực tế là cụ Kim Lân thừa hưởng từ con trai mình, như thú chơi đồ cổ, hát quan họ... cũng từ tôi mà cụ mê.
Tuy nhiên, điều mà tôi ảnh hưởng từ cụ Kim Lân chính là tình yêu đối với văn hóa nghệ thuật dân gian sâu nặng. Cụ rất hiểu biết, nhưng vì cụ quá nghèo, không thể làm được gì nhiều.
Ngày nhỏ, tôi từng ước mơ vẽ thật nhiều tranh, bán khắp thế giới
PV: Chúc mừng ông vừa khánh thành phòng tranh đương đại tại Việt Phủ Thành Chương, một trong những công trình mà ông tâm huyết. Ông muốn chia sẻ điều gì với công chúng?
Họa sĩ Thành Chương: Nhìn lại hành trình của đời mình, đôi lúc tôi tự hỏi, vì sao mình có sức làm việc kinh khủng đến thế. Cần mẫn như một con ong từ bé đến bây giờ, chưa một phút nghỉ ngơi. Sức làm việc của tôi bao giờ cũng gấp đôi, gấp ba người khác. Tôi sưu tầm đồ cổ từ khi còn quàng khăn đỏ, bởi không thể tự dưng mà có một khối lượng đồ cổ đồ sộ như thế này để bày khắp Việt Phủ rộng cả héc-ta. Ngày xưa, chưa bán được tranh, tôi mang tranh đổi lấy đồ cổ, rồi mang đồ cổ bán. Có lẽ, trong giới buôn đồ cổ mọi người đều biết uy tín của tôi. Thế nên, ngoài mua bán đồ cổ, tôi còn tham gia thẩm định, có cả triện và dấu của Thành Chương, toàn những đồ quý hiếm mà thẩm định chưa sai bao giờ. Hữu xạ tự nhiên hương thôi, nhiều người tìm đến mình để nhờ thẩm định. Đây cũng là một công việc mang lại thu nhập cho tôi, nhưng trên cả vẫn là sự đam mê, yêu văn hóa cổ truyền.
Còn về gia tài tranh, tôi vẽ nhiều đến mức chính mình cũng không hiểu vì sao lại vẽ được nhiều như thế. Riêng vẽ tự họa cũng đã hàng nghìn bức. Năm Dậu tôi vẽ 150 bức gà mà bức nào cũng nghiêm chỉnh, kỹ lưỡng. Ngày nhỏ, tôi từng ước mơ vẽ thật nhiều tranh, bán khắp thế giới và trái đất này được bọc kín bằng tranh của mình. Cho nên, khi làm bảo tàng, đó chỉ là một phần nhỏ trong số lượng sáng tác của tôi. Thôi thì, có còn hơn không, những bức tranh còn lại về gia đình, bạn bè... cũng đủ làm nên một bảo tàng thú vị cho người đến thưởng lãm.
PV: Ông có ý định làm phòng tranh to, rộng hơn không? Khi mới 7 tuổi đã có giải thưởng nghệ thuật quốc tế và bây giờ, đã gần 80 tuổi, ông vẫn chưa ngừng vẽ, vẫn bán tranh rất “khủng”. Có khi nào ông mệt và chán tiền, chán tài năng của mình không?
Họa sĩ Thành Chương: Để xây dựng Việt Phủ cần rất nhiều tiền, một ngọn cỏ, cành cây cũng là tiền. Trước đây là một triền đồi trống, không có gì. Nếu tính toán thì không ai làm. Nếu đầu tư để kiếm lời, cũng không ai làm. Nhưng, nếu hiểu sâu hơn, hiểu cho đến nơi đến chốn, hiểu hết nhẽ vấn đề thì đây mới là vĩnh cửu, nó sẽ trường tồn, vì đó là nơi tích tụ tinh hoa văn hóa Việt, nó là mãi mãi. Giờ nhiều người hiểu và muốn làm, họ có tiền và tình yêu với văn hóa dân tộc nhưng không phải ai cũng đủ hết các điều kiện và năng lực để làm. Đây là tác phẩm sắp đặt lớn nhất của đời tôi, tôi một mình làm hết và bao nhiêu tiền bạc từ việc cặm cụi vẽ tranh cũng được đưa vào đây. Vậy, theo chị, có chán không?
PV: Với những đóng góp và thành tựu của mình, ông được đánh giá là họa sĩ bậc thầy của hội họa Việt Nam đương đại. Ông có nhiều ảnh hưởng đến thế hệ họa sĩ trẻ khi luôn khẳng định, tầm quan trọng của việc giữ gìn bản sắc dân tộc trong sáng tạo. Ông muốn chia sẻ gì với họ?
Họa sĩ Thành Chương: Trong lĩnh vực sáng tạo có nhiều quan niệm, hướng đi khác nhau. Tôi tôn trọng điều đó và tôi có những quan điểm của riêng mình, nó đã chứng minh điều tôi nghĩ và làm là đúng. Nghệ thuật là việc rất cá nhân. Nói như cụ Kim Lân, mỗi người là một thế giới không ai giống ai, nếu mình là chính mình thì không ai bằng mình hết. Còn nếu mình chạy theo những thứ khác, kể cả chạy theo ông Trời, (trong quan niệm Trời là to nhất) thì mình cũng chỉ là cái bóng. Vì thế, trong sáng tạo, việc xác lập con người cá nhân rất quan trọng.
PV: “Văn hóa dân tộc” đang là cụm từ được nhắc đến nhiều trong lĩnh vực sáng tạo, trong xu thế phát triển của công nghiệp văn hóa. Theo ông, làm thế nào để sáng tạo trên nền tảng đó mà không bị sao chép, cũng không làm biến dạng nó, giữ nguyên hồn cốt của dân tộc?
Họa sĩ Thành Chương: Theo quan điểm của tôi, đầu tiên, trong một tác phẩm, phải nhìn ra tác giả, không lẫn vào ai, phong cách, cá tính phải rõ. Thứ hai, nhìn phải ra người Việt, dân tộc Việt chứ không phải Pháp hay Ý, tức là thấy ra dân tộc của tác giả ấy. Và, cuối cùng là ngôn ngữ ấy, cá tính ấy của cá nhân và hồn cốt dân tộc ấy được tiếp thu những tinh hoa, văn minh của nhân loại. Một tác phẩm là sự kết tụ cá tính của người vẽ, hồn cốt dân tộc và tinh hoa của nhân loại.
PV: Ông có quan tâm đến đời sống mỹ thuật Việt đương đại? Nếu phác họa bức tranh mỹ thuật đương đại, ông sẽ vẽ thế nào?
Họa sĩ Thành Chương: Tôi rất may mắn vì đến tuổi này vẫn còn được chứng kiến trăm hoa đua nở trong sáng tạo nghệ thuật. Nhìn lại sự phát triển của hội họa, trước Đổi mới, muôn người vẽ như một. Phải là những tài năng, cá tính mạnh mẽ mới nổi trội lên như Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Văn Cao... Bây giờ, thế hệ trẻ được học hành cơ bản, giao tiếp với thế giới, có gì hay mang về Việt Nam và họ đưa tranh Việt đi khắp thế giới. Sự mở cửa ấy giúp giới trẻ tiếp nhận được nhiều cái mới, nên họa sĩ trẻ bây giờ vẽ rất thú vị, mỗi họa sĩ là một thế giới...
PV: Nhưng, để có một Thành Chương rất khó?
Họa sĩ Thành Chương: Nó cần thời gian và họa sĩ trẻ cũng cần một bề dày về văn hóa để đi đường dài.
PV: Mới đây, tranh của các họa sĩ Việt Nam như Mai Trung Thứ, Lương Xuân Nhị, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm được nhà đấu giá quốc tế bán với giá hàng trăm ngàn Euro, chứng tỏ tranh Việt ngày càng được đánh giá cao trên trường quốc tế. Theo ông, lý do vì sao và ông có nghĩ đến một khoảng lùi nữa, tranh của thế hệ ông cũng sẽ tiếp tục được lựa chọn?
Họa sĩ Thành Chương: Tôi nghĩ, các tác phẩm của họa sĩ Đông Dương phải có một giá trị nào đó. Như có câu chuyện, tranh của Picasso dù không đẹp mà rất đắt. Nghe rất vô lý nhưng nghĩ đến cùng nó có cái lý của nó. Có thể, trong mắt tôi, tranh Picasso không đẹp nhưng với giá 1 triệu USD một tác phẩm, khi ông đạt tới sự vô lý ấy thì ông đã quá có lý. Khi ông đạt đến đẳng cấp đừng nói đến tranh mà bất cứ cái gì liên quan đến ông cũng là tiền. Đó là khẩu vị của từng người, của thời đại nữa, chưa biết thế nào. Tranh của họ hiếm thì rất quý. Còn tranh của tôi lại rất nhiều mà quý thì có lẽ vẫn kinh khủng lắm (cười...).
PV: Xin hỏi ông câu cuối. Người yêu hội họa và có hiểu biết về nghệ thuật tôn vinh ông là một trong những danh họa của Việt Nam đương đại, ông thấy thế nào?
Họa sĩ Thành Chương: Khoảng năm 2000, bức tranh “Tình yêu” của tôi là tác phẩm đầu tiên của một họa sĩ châu Á được Tổ chức Bưu chính-Viễn thông Liên hợp quốc chọn in tem phát hành trên thế giới nhằm kỷ niệm Năm Quốc tế Những người tình nguyện năm 2000. Họ có nói với tôi, khi ông được in tranh lên bộ tem của Liên hợp quốc, nghĩa là chúng tôi đã xếp vị trí của ông vào hàng danh họa. Năm đó, tôi là một trong 6 họa sĩ có tranh in tem quốc tế và bức họa “Tình yêu” của tôi được in nhiều nhất trong bộ tem này.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!
* Ảnh: Đặng Giang.