Con người và “mười lăm phút đáng sợ”

Thứ Bảy, 15/07/2023, 09:02

GS.TS.BS Cao Tiến Đức - nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Tâm thần và Tâm lý y học, Khoa Tâm thần, Bệnh viện 103, Học viện Quân y, đã có hơn 40 năm đóng góp cho ngành tâm thần, chữa trị cho hàng trăm nghìn bệnh nhân, trong đó có những bệnh nhân rất nổi tiếng, có những người là chính khách, giúp họ tìm lại được con người bình thường của mình cũng như quay trở lại làm việc, đóng góp cho xã hội.

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông nói rằng cảm thấy cần phải chia sẻ nhiều điều về trầm cảm nói riêng cũng như các rối loạn tâm thần nói chung, nhất là liên tục thời gian gần đây xảy ra một số vụ tự tử gây hoang mang dư luận cũng như cách nhận biết và phòng tránh nó.

Không ai biết mình có thể mắc bệnh lúc nào

- PV: Thưa giáo sư, một bệnh nhân như thế nào được coi là mắc bệnh tâm thần?

- Giáo sư Cao Tiến Đức: Hiểu nôm na nhất đó là một người có những biểu hiện khác thường như ăn không ngon, ngủ không yên, có những cái bất thường trong mối quan hệ với gia đình, xã hội. Điều đó ảnh hưởng đến khả năng học tập, lao động, sinh hoạt. Đặc biệt, là có các rối loạn hành vi, rối loạn cảm xúc, ví dụ vui quá, buồn quá hoặc rối loạn ngôn ngữ, hoặc có những hoang tưởng, ảo giác khác nữa thì đó là người bị rối loạn tâm thần (bây giờ người ta gọi là các rối loạn tâm thần và hành vi, không gọi là bệnh và mỗi người có thể có những biểu hiện khác nhau).

Con người và “mười lăm phút đáng sợ” -0

- PV: Gần đây, người ta hay nói đến bệnh trầm cảm, rất nhiều vụ tự tử có liên quan đến trầm cảm. Trầm cảm có phải là một dạng bệnh tâm thần hay không, thưa giáo sư?

- Giáo sư Cao Tiến Đức: Theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới năm 1992 thì tâm thần gồm rất nhiều rối loạn, trong đó có cả rối loạn trầm cảm. Trầm cảm hay là các rối loạn tâm thần khác có thể do lỗi gen di truyền. Có nhiều bệnh người ta đã xác định do lỗi gen như tâm thần phân liệt, trầm cảm, rối loạn cảm xúc... Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhiều người mang gen không mắc bệnh cho đến khi có yếu tố môi trường bất lợi tác động thì bệnh lý mới phát sinh. Nghĩa là gen cộng với yếu tố môi trường sẽ sinh ra bệnh. Các yếu tố môi trường đến từ bên ngoài, ví dụ như lo lắng, căng thẳng trong cuộc sống do mất tiền, bị phụ tình, chiến tranh, người thân mất đột ngột... Nhưng, cũng có thể tác động từ bên trong như tự nhiễm độc cũng có thể sinh ra những biểu hiện bất thường.

- PV: Nói như vậy có nghĩa là một người có thể mang gen di truyền rối loạn tâm thần, nhưng nó chỉ phát tác khi có yếu tố môi trường tác động đúng không, thưa giáo sư? Và, nếu thế thì một người bình thường không mang gen lỗi thì có thể mắc bệnh tâm thần được không?

- Giáo sư Cao Tiến Đức: Có thể chứ. Không ai biết có thể mình sẽ mắc bệnh lúc nào, như các cụ vẫn nói “Bảy mươi chưa phải là già”. Nhiều gia đình chắt bị, cháu bị, con bị, sau đó cụ mới bị. Khi giảng bài cho học sinh, tôi vẫn nói vui đó là "di truyền ngược". Chẳng qua là "sức đề kháng" ở người ông, người bà đó tốt hơn nên con cháu bị rồi ông bà mới bị, trong những trường hợp như này thì bản thân ông bà đã có gen rồi, chỉ là phát bệnh sau con, cháu thôi. Ngoài ra, nhiều rối loạn tâm thần có do gen hay không, người ta cũng chưa khẳng định.

- PV: Những người tạm gọi là bình thường như chúng ta, có khi nào đã tiềm ẩn bên trong bệnh tâm thần không, thưa giáo sư?

- Giáo sư Cao Tiến Đức: Có thể có. Nhưng, không phải lúc nào các gen và các biến thể của nó cũng hoạt động. Mà phải đến một thời điểm nào đó thích hợp thì các gien đó mới hoạt động và sinh ra bệnh.

- PV: Ông là một bác sĩ đã có hơn 40 năm nghiên cứu về bệnh tâm thần và điều trị cho hàng trăm nghìn bệnh nhân. Ông đánh giá như thế nào về công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Việt Nam ta so với thế giới? Nó đã được chú trọng hay chưa?

- Giáo sư Cao Tiến Đức: Hơn 40 năm khám, chữa bệnh cho người bệnh tâm thần, tôi thấy xã hội, gia đình ngày càng quan tâm nhiều hơn đến việc chăm sóc sức khỏe tâm thần. Vì quan tâm nên mới phát hiện được tỉ lệ người mắc bệnh bây giờ rất nhiều. Có nhiều chính sách của Nhà nước về vấn đề này cũng như nhận thức của người dân được nâng cao hơn. Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập, một bộ phận nhân dân không chỉ ở nông thôn mà ngay cả ở thành thị do nhiều lý do như sợ kỳ thị, sợ ảnh hưởng danh dự gia đình, sợ con không lấy được vợ/chồng nên giấu bện của con mình. Nhiều người có tri thức, học hành cao nhưng lại nhận thức về công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần rất hạn chế, thậm chí hiểu sai, có quan niệm sai lầm. Đặc biệt là đội ngũ y, bác sĩ chuyên khoa tâm thần rất thiếu. So với thế giới như thủ đô Berlin của Đức chỉ có hơn 3 triệu dân nhưng có tới 1.000 bác sĩ chuyên khoa tâm thần, còn tỉ lệ này ở Việt Nam thì thấp hơn rất nhiều. Chưa kể, bác sĩ tâm thần ở ta nhiều người chưa được đào tạo chuyên sâu, đúng chuyên ngành tâm thần. Có người đến khi về hưu rồi vẫn chỉ là y sĩ điều trị tâm thần.

Con người và “mười lăm phút đáng sợ” -0
Giáo sư Cao Tiến Đức thăm khám cho một người bệnh.

- PV: Vì sao đội ngũ bác sĩ điều trị tâm thần ở ta lại thiếu và mỏng như vậy, thưa giáo sư?

- Giáo sư Cao Tiến Đức: Cái này có nhiều nguyên nhân, trong đó do quan niệm nữa. Trước đây ít người thích theo đuổi chuyên ngành tâm thần. Xã hội chưa thật sự chú trọng, cởi mở với những người mắc bệnh và cũng có cái nhìn chưa công bằng đối với các bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Nhiều khi tôi đi hội thảo, các đồng nghiệp hỏi anh chuyên ngành nào, tôi bảo tâm thần là họ có thái độ khác ngay. Tự dưng người ta cũng không muốn nói chuyện với mình nữa. Sự kỳ thị đối với người mắc bệnh tâm thần là có thật nên họ cũng kỳ thị lây sang các bác sĩ chăng? Mà sự kỳ thị này không chỉ ở riêng nước mình đâu, tôi đi các nước cũng cảm nhận thấy có sự kỳ thị bệnh tâm thần ở một số nơi trên thế giới. Thế nên, trước đây, những người giỏi ít khi chọn vào khoa tâm thần, hoặc là bị bắt buộc, hoặc là muốn hợp lý hóa gia đình cho gần nơi làm việc, hoặc không xin được vào đâu thì người ta mới chấp nhận làm bác sĩ tâm thần. Bây giờ thì khác rồi, bây giờ muốn vào ngành tâm thần phải tuyển chọn kĩ lưỡng. Nhiều sinh viên trường y bây giờ cũng thay đổi nhận thức và cũng muốn được cống hiến cho ngành tâm thần.

- PV: Thực tế ở một số bệnh viện chuyên khoa tâm thần hoặc bệnh viện đa khoa, khoa tâm thần thường được trang bị cơ sở vật chất rất sơ sài so với các khoa khác. Điều đó có ảnh hưởng tới công tác khám, chữa bệnh không, thưa ông?

- Giáo sư Cao Tiến Đức: Ngành tâm thần có những cái đặc biệt. Ví dụ, các khoa khác được bố trí ở những tòa nhà cao tầng, thế nhưng bệnh nhân tâm thần không phù hợp để khám, chữa bệnh trên tầng cao vì nhiều nguy cơ cho việc nhảy lầu tự tử, không đảm bảo an toàn. Các trang thiết bị thì ngày càng đòi hỏi phải hiện đại hơn, nhưng sự ưu tiên hình như chưa dành cho chuyên ngành này. Nhiều thiết bị đòi hỏi người dùng phải được đào tạo. Nghĩa là có nhiều lý do nên cơ sở vật chất tại các cơ sở tâm thần còn rất sơ sài.

- PV: Có một thực tế là nhiều trường hợp khi người bệnh đã phát bệnh tâm thần trầm trọng và gây ra hậu quả nặng nề như gây thương tích cho người khác, thậm chí là giết người thì mới được đưa đi chữa trị. Điều này gây ảnh hưởng như thế nào tới việc khám, chữa bệnh cũng như ảnh hưởng tới gia đình và xã hội, thưa ông?

- Giáo sư Cao Tiến Đức: Thực ra, rất nhiều trường hợp đã phát bệnh từ lâu, gia đình bệnh nhân cũng biết nhưng họ không chấp nhận sự thật đó. Họ không chấp nhận trong nhà họ có một "người điên", đó là theo cách gọi của dân gian. Đôi khi, họ tự lừa dối bản thân, tự vuốt ve, cho rằng con họ giỏi lắm, không có bệnh tật gì, rằng "con tôi đã từng đi thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, vì vậy cháu không thể bị bệnh”. Họ chỉ mong rằng bác sĩ có sự nhầm lẫn gì đó. Ngay giữa Hà Nội cũng có nhiều trường hợp như thế chứ không chỉ ở nông thôn người dân thiếu thông tin. Vì vậy, khi bệnh nhân đến với bác sĩ thì đã quá muộn. Có người thân của bệnh nhân nghĩ rằng, con mình đang ở nhà sung sướng như thế, đưa vào viện tâm thần, ở với toàn người tâm thần làm sao mà chịu được hoặc là như vậy tội lắm... Khi không được chữa trị kịp thời, bệnh nhân gây ra rất nhiều hậu quả nguy hiểm như tự sát, giết người, đốt nhà, làm hại người thân, hàng xóm, xã hội. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn tới việc chữa trị cho bản thân người bệnh, gia đình và xã hội phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Có trường hợp họ chỉ chấp nhận đưa người nhà đi chữa bệnh khi có yêu cầu từ cơ quan chức năng. Một điểm cần lưu ý là đa số bệnh nhân tâm thần không tự nguyện hoặc chống đối việc thăm khám, chữa trị, khi bệnh nhân chấp nhận đi điều trị thì đã quá muộn. Tôi vẫn thường nói: Với các rối loạn tâm thần, một ngày qua đi không được điều trị hoặc điều trị không đúng thì bệnh nặng thêm một chút và cơ hội điều trị tốt giảm đi một chút.

- PV: Thời gian gần đây xảy ra một số vụ tự tử mà nạn nhân là trẻ vị thành niên. Có nhiều lý do được đưa ra, do áp lực học hành, do áp lực từ bố mẹ kỳ vọng quá nhiều vào con cái dẫn đến đứa trẻ trầm cảm. Mới đây nhất là vụ được cho rằng nạn nhân do bị bạn bè trong lớp bạo lực tinh thần, bị cô lập, tình trạng này kéo dài quá lâu nên đã nảy sinh hành động dại dột. Theo giáo sư, những người tự tử thì bản thân họ có bệnh tiềm ẩn trước đó không?

- Giáo sư Cao Tiến Đức: Vấn nạn tự tử là một thách thức không chỉ ở Việt Nam mà đối với cả thế giới. Ở lứa tuổi vị thành niên, trước hết là do vấn đề tâm, sinh lý chưa hoàn thiện, dễ bị tác động. Gặp áp lực về học hành, thi cử, áp lực do bố mẹ đem đến và áp lực từ chính bản thân các em. Không thể xác định chính xác những trường hợp nạn nhân tự tử có phải là do trầm cảm hay không, nếu không khám kỹ lưỡng. Nhưng, nghiên cứu cho thấy, nhiều trường hợp có gen từ bố mẹ, ông bà, tức là tiềm ẩn rồi, đến khi gặp cơ hội, môi trường không thuận lợi, sẽ phát bệnh. Đây là vấn đề không dễ giải quyết vì bình thường những biểu hiện bệnh chưa bộc lộ nên gia đình không thể biết được. Thế giới cũng chưa có biện pháp hữu hiệu để đối mặt với tình trạng này. Bất cứ lứa tuổi nào cũng có thể có vấn đề về tâm thần. Trước đây, 15-16 tuổi mới khởi phát tâm thần phân liệt, còn bây giờ thì sớm hơn, có khi bậc tiểu học cũng phát hiện bệnh này. Có người tự tử vì bản thân họ bị rối loạn tâm thần, có người tự sát khi gia đình từng có ông tự sát, bố tự sát. Dân gian cứ bảo nhà có ma nhưng thực ra nó là vấn đề di truyền (người ta gọi là có yếu tố gia đình). Vấn đề rối loạn tâm thần ở trẻ vị thành niên cũng là nguyên nhân gây tự sát. Ở quê tôi đã xảy ra những cái chết vô cùng đau xót: Có bé đi qua cầu làm rơi cái dép, chỉ vì bị mẹ mắng mà cháu đã treo cổ. Hay là có cháu bị mất cái bút, sợ bị mẹ mắng cũng tự sát. Những đứa trẻ này hầu hết là khả năng chống đỡ với áp lực kém. Chưa kể, ở Việt Nam đã từng xảy ra vụ trẻ vị thành niên tự sát tập thể. Trẻ có thể mắc một số rối loạn thường gặp ở lứa tuổi này như rối loạn cảm xúc hành vi, trầm cảm, lo âu, rối loạn stress, tâm thần phân liệt...

Cần thay đổi nhận thức

- PV: Có một thực tế là phần đông chúng ta dù có chịu khó đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng - 1 năm/lần nhưng cũng chỉ tập trung khám tim, gan, thận..., tức là những cơ quan được hiểu là quan trọng trong cơ thể mà ít ai có ý thức khám sức khỏe tâm thần. Đây có phải là nguyên nhân khiến bệnh trầm cảm nói riêng và tâm thần nói chung được phát hiện muộn và chỉ phát hiện khi đã xảy ra hậu quả không, thưa ông?

- Giáo sư Cao Tiến Đức: Tỉ lệ người tự nhận mình có vấn đề về sức khỏe tâm thần rất ít. Để khám và điều trị cho bệnh nhân tâm thần thì bao giờ cũng phải có người nhà bệnh nhân hoặc bạn bè gần gũi cung cấp thông tin thì mới nhận biết được bệnh nhân có những biểu hiện gì khác lạ, thay đổi như thế nào chứ bản thân người bệnh thì nếu chúng ta chỉ quan sát mà không có quá trình gần gũi bệnh nhân cũng không thể nào biết được họ có bệnh hay không. Bác sĩ nhiều khi cũng "bó tay". Không phát hiện được bệnh, cho nên có những đợt khám tuyển nghĩa vụ quân sự, người có dấu hiệu tâm thần vẫn trúng tuyển. Bác sĩ khám tuyển nghĩa vụ quân sự thường không phải là bác sĩ chuyên khoa tâm thần nhưng nếu ngay cả tôi mà được giao làm nhiệm vụ khám tuyển đó thì cũng chưa chắc đã nhận ra vì biểu hiện bên ngoài của họ không khác người bình thường. Hỏi thì họ nói họ hoàn toàn bình thường. Hỏi gia đình, gia đình họ cũng nói bình thường. Thật sự, họ không nhận ra hoặc vì muốn giấu bệnh, mục đích là để con đi nghĩa vụ quân sự may ra cải thiện được tính cách của con. Bác sĩ chỉ phát hiện được đối với những trường hợp biểu hiện quá rõ ràng, một khi họ muốn giấu thì rất là khó khăn cho bác sĩ.

Con người và “mười lăm phút đáng sợ” -0
Giáo sư Cao Tiến Đức trao đổi cùng phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng.

- PV: Nếu thế thì rõ ràng công tác quản lý, khám chữa bệnh đối với người bệnh tâm thần ở nước ta còn rất hạn chế?

- Giáo sư Cao Tiến Đức: Cũng không trách được. Ngay như có những sinh viên trường y mắc bệnh trầm cảm mà chính sinh viên đó cũng không ý thức được mình có bệnh. Mặc dù đã được khám và kết luận là trầm cảm nhưng sinh viên đó vẫn không chấp nhận sự thật. Đó là một trường hợp rất đáng buồn trong các sinh viên của chúng tôi. Cho đến khi bệnh nặng, sinh viên đó đã tự sát, sau khi chào bố mẹ, thầy cô, bạn bè... Đưa ra ví dụ này để nói rằng, đến người được học trong ngành Y còn không ý thức được việc chữa bệnh cho chính mình thì trách gì người dân bình thường, không có chuyên môn. Không thể có đủ bác sĩ, y tá, nhân lực để có thể giám sát 24/24 đối với người bệnh. Chưa kể, người có ý thức, tự biết mình có vấn đề về sức khỏe tâm thần đều mang tâm lý rất ngại gặp bác sĩ, rất ngại thổ lộ mình là người bị rối loạn tâm thần. Người ta đau tay, đau chân, đau bụng, đau ngực thì người ta nói rất dễ nhưng nói "tôi bị tâm thần" là việc rất khó. Cái này đôi khi cũng thuộc về quan niệm, về văn hóa. Ví dụ ở nước ngoài, họ có thể nói bất cứ điều gì với bác sĩ về những biểu hiện khác lạ, không bình thường của mình, kể cả những chuyện sâu kín nhất, còn mình thì e ngại.

- PV: Không chỉ trẻ vị thành niên tự tử, người trưởng thành, thậm chí người thành công cũng tự tử. Có những trường hợp bên ngoài nhìn vào thấy họ đầy đủ và hạnh phúc hơn so với nhiều người nhưng họ vẫn chọn tự tử. Nếu một người bình thường có thể nào hành động như vậy được không, thưa ông?

- Giáo sư Cao Tiến Đức: Như tôi đã nói, tự tử có rất nhiều nguyên nhân gây ra, không phải tự tử lúc nào cũng do trầm cảm. Trầm cảm chỉ là một nguyên nhân, là nguyên nhân hay gặp nhất, tiếp đến do tâm thần phân liệt, ba là do sử dụng chất gây nghiện, đặc biệt là ma túy. Do áp lực cuộc sống, áp lực công việc, chấn thương tâm lý như oan ức, thất vọng, hoặc khi họ mắc các bệnh hiểm nghèo như ung thư, HIV..., họ cũng tự tử. Nguyên nhân nữa là do hành vi, ví dụ như cá cược bóng đá, cờ bạc, thua độ cũng dẫn đến tự tử. Rối loạn hành vi, rối loạn nhân cách, hoặc theo tà đạo... Người bình thường rõ ràng không thể hành động như người có vấn đề vừa đề cập. Cùng một sự việc xảy ra, người bình thường sẽ xử lý theo cách này, người có vấn đề rối loạn tâm thần sẽ xử lý theo cách khác, đôi khi rất tiêu cực. Cùng là một câu sỉ nhục nhưng người bình thường sẽ phản ứng và có cách kết thúc câu chuyện theo cách khác, người có bệnh họ không chịu nổi, lại chọn tự tử.

- PV: Dân gian ta hay có câu "mười lăm phút trong ngày" để chỉ một khoảng thời gian nhất định của một người nào đó trong ngày với những biểu hiện không bình thường. Bản thân chúng tôi nhiều lúc cũng có những phút không kiểm soát được lời nói và hành động của mình, liệu đó có phải là dấu hiệu nhẹ của rối loạn tâm thần không, thưa ông?

- Giáo sư Cao Tiến Đức: Cũng nhiều người nói như thế. Ai cũng có lúc "rối loạn tâm thần", nếu nó chỉ xảy ra một vài lần trong cuộc đời thì không sao chứ nếu nó lặp đi lặp lại thì người đó có vấn đề, ít nhất là họ bị rối loạn nhân cách. Có khoảng 1% dân số bị rối loạn nhân cách. Ví dụ, có những người rất thích kiện cáo, cả đời đi kiện hoặc có người lại thích chống đối xã hội, xã hội làm gì cũng không vừa lòng họ. Nếu "mười lăm phút trong ngày" xảy ra thường xuyên thì rất nên quan tâm, cần khám, chữa sớm.

- PV: Sau dịch COVID-19, có nhiều người mất trí nhớ hoặc sinh ra bệnh trầm cảm, thậm chí có người tự tử vì trầm cảm rối loạn lo âu. Giáo sư có lời khuyên nào cho người dân, liệu có cách phòng chống trầm cảm do COVID không?

- Giáo sư Cao Tiến Đức: Rối loạn tâm thần trong hoặc sau COVID-19 do gặp vấn đề tâm lý, bệnh lý, tác động đến cơ thể, gây tổn thương thần kinh, đặc biệt là các bệnh nhân phải thở máy khi điều trị COVID-19. Tỉ lệ mắc trầm cảm lo âu, stress sau dịch tăng cao. Vì vậy, khi đã mắc bệnh rồi thì phải có niềm tin sẽ được chữa khỏi chứ không bi quan mắc bệnh là sẽ chết. Sự sợ hãi, áp lực đôi khi "giết" bệnh nhân chết trước khi chết vì COVID-19. Song song với việc dùng thuốc thì phải rèn luyện ý chí, vượt qua những lo âu, sợ hãi. Còn một khi đã trầm cảm rồi thì bản thân người bệnh và gia đình phải động viên họ đi chữa trị.

- PV: Xin cảm ơn giáo sư!

- PV: Hiện nay, trước áp lực cuộc sống, nhiều người đã lựa chọn theo học những lớp thiền, những lớp dạy "chữa lành", để tìm sự cân bằng trong cuộc sống, cho lòng mình dịu lại. Thưa giáo sư, đó có phải là phương pháp được khuyến khích thay vì dùng thuốc và phụ thuộc thuốc? Nếu có bệnh không lựa chọn chữa trị theo cách thiền chữa lành này thì có hiệu quả không, thưa giáo sư?

- Giáo sư Cao Tiến Đức: Trước hết phải nói rằng, những phương pháp đó giúp cho người bệnh thư giãn, hồi phục sức khỏe, người bị bệnh hoặc chưa bị bệnh đều có thể tham gia các lớp đó. Vì ít nhất nó được hiểu như một liệu pháp tâm lý. Ví dụ như một bác sĩ chữa bệnh, nếu bệnh nhân được bác sĩ vỗ vai nói "anh yên tâm đi, chúng tôi sẽ chữa khỏi cho anh" thì người bệnh sẽ rất tin tưởng và càng yên tâm hơn, quyết tâm chữa bệnh hơn, thay vì chán nản, buông xuôi. Nhưng, phải khẳng định tất cả những phương pháp đó chỉ là hỗ trợ còn một khi đã có bệnh rồi thì phải được điều trị đúng phương pháp mới giải quyết được các dấu hiệu, triệu chứng bệnh lí.

Như Bình - Đinh Hiền (thực hiện)
.
.