Con người là trái tim đích thực của một nền văn hóa
Khi chọn nhân vật để trò chuyện về vai trò của nền tảng văn hóa trong mối lo sợ văn hóa bị lùi lại và ở thế yếu so với "đồng tiền bát gạo", chúng tôi quyết định gặp PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học - nghệ thuật Trung ương. Ông không chỉ là nhà báo, nhà văn, nhà nghiên cứu, mà còn là nhà quản lý, từng trực tiếp tham gia xây dựng chính sách về văn hóa khi là Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam...
PV: Trước những biến đổi nhanh chóng, đa dạng, phức tạp của đời sống trong nền kinh tế thị trường và bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, có vẻ như chúng ta chưa lường hết tính phức tạp và những tác động của mặt trái kinh tế thị trường đối với đời sống văn hóa. Trên thực tế, có một mối lo sợ, đó là trong suy nghĩ, hành động, không ít tổ chức, cá nhân còn thiên lệch về kinh tế, coi nhẹ văn hóa. Văn hóa vô hình trung bị thu hẹp phạm vi và bị “hành chính hóa”, không còn là một phạm trù tổng thể các giá trị vật chất, tinh thần.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Mối lo sợ mà chị nói đến làm tôi nhớ lại câu chuyện cũ, thời tôi mới được điều về huyện Nam Đàn. Từ một nhà báo, đang là Tổng Biên tập Báo Nghệ An trở thành Bí thư Huyện ủy một huyện đặc biệt, rất đặc biệt của cả nước, không biết có phải vì tôi là người hoạt động nhiều năm ở lĩnh vực báo chí, văn hóa không mà tôi luôn quan tâm, trăn trở nhiều điều, nhiều nỗi về văn hóa, nhất là việc bảo tồn, gìn giữ không gian văn hóa có tính đặc biệt của huyện Nam Đàn. Mảnh đất này đã sinh ra những con người vĩ đại của đất nước như Mai Hắc Đế, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh và nhiều bậc anh hùng, khoa bảng rạng ngời khác.
Tôi nghĩ, về Nam Đàn, có lẽ việc đầu tiên là cùng tập thể lãnh đạo huyện, các xã, thị trấn của huyện tranh thủ sự giúp đỡ của các cơ quan ở tỉnh và Trung ương xây dựng, triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Nam Đàn, quy hoạch này chí ít cũng phải có tầm nhìn vài ba chục năm. Có 2 địa phương cấp xã cũng cần hết sức quan tâm về quy hoạch tổng thể là xã Kim Liên quê Bác Hồ và thị trấn Nam Đàn. Nếu không xây dựng quy hoạch và bảo vệ quy hoạch thì chỉ trong một thời gian ngắn, không gian kinh tế - văn hóa của huyện và các xã, thị trấn sẽ bị băm nát theo “tư duy nhiệm kỳ”, “đổi đất lấy công trình”, nhăm nhăm vào việc bán đất để “làm ngân sách”.
Sau khi tiến hành thực hiện đầy đủ các quy trình, phiên họp của HĐND huyện tổ chức vào tháng 10/2004 đã thảo luận và ra một nghị quyết “có tính lịch sử” về phát triển văn hóa, du lịch Nam Đàn đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020. Trong bản nghị quyết đáng nhớ này, có ghi một câu rất đáng nằm lòng: “Từ nay (tháng 10/2004), không cấp đất ở và công trình không quá quan trọng dọc hai bên Quốc lộ 46 từ cầu Mựu, giáp huyện Hưng Nguyên về tới trung tâm thị trấn Nam Đàn”. Đây là tuyến đường, là con đường văn hóa - lịch sử đưa du khách trong và ngoài nước về thăm quê hương Bác Hồ. Phải giữ làm sao để khi du khách đang ngồi trên ô tô, có thể thấy rõ cảnh quan và cảm nhận, rung động sâu sắc về quê Bác; Khu Di tích quốc gia đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Kim Liên; Khu Di tích quốc gia đặc biệt về Mai Hắc Đế; Khu Di tích quốc gia đặc biệt về Phan Bội Châu... Nếu không xây dựng quy hoạch và bảo vệ quy hoạch thì chỉ vài ba năm, hai bên Quốc lộ 46 về quê Bác là điệp trùng “nhà ống”, nhà bê tông, là hàng quán ồn ào, chật chội. Nam Đàn có nhiều quần thể du lịch văn hóa - lịch sử hấp dẫn. Du khách trong và ngoài nước đến đây phải được đắm mình trong không gian lịch sử - văn hóa hùng vĩ, thiêng liêng đó. Chị đã đến Nam Đàn rồi thì chị biết, cả một vùng non xanh nước biếc đẹp như tranh. Bên kia là sông Lam xanh ngắt như dải lụa “Rú Đụn cây bày như giáo dựng/ Buồm xuôi Lam phố tựa cờ giăng”; là núi Chung mà La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp ở thế kỷ XVIII đã ca ngợi: “Chung sơn tam đỉnh hình vương tự/ Kế thế anh hùng vượng tử tôn” (Trên đỉnh núi Chung có hình chữ vương/ Đất này đời đời con cháu nổi lên những anh hùng); là thành Vạn An gắn liền với cuộc khởi nghĩa Hoan Châu của Mai Hắc Đế “Hùng cứ Hoan Châu đất một phương/ Vạn An thành lũy, Vạn An hương/ Bốn phương dậy tiếng phù Mai Đế/ Trăm trận sức dư át Lý Đường”. Rồi những đêm trăng hát ví dặm, hát phường vải, hát kéo gỗ, hát giao duyên... Không gian ấy - mà quan trọng hơn là hồn thiêng sông núi - sẽ nuôi dưỡng cảm xúc văn hóa đặc biệt cho du khách khi đặt chân tới vùng đất đặc biệt này.
PV: Như vậy là, sẽ phải hy sinh lợi ích kinh tế để giữ gìn các giá trị văn hóa?
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Cũng không hẳn thế. Có khi tốn rất nhiều tiền mà vẫn chả giữ gìn được, thậm chí còn phá vỡ mất giá trị văn hóa lẽ ra phải bảo tồn. Tôi kể câu chuyện này vì tôi là người trong cuộc. Đó là một khu lưu niệm về một nhà cách mạng tiền bối của Đảng ta, dân tộc ta, được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia, được một số lần tôn tạo. Nhà cách mạng tiền bối đó sinh ra trong một gia đình nhà Nho nguồn gốc nông dân. Do cụ thân sinh của nhà cách mạng thông thạo và tài giỏi về Nho, y, lý, số nên nhà có của ăn của để. Đầu thế kỷ XX, cụ xây ngôi nhà 2 tầng bằng vôi, mật mía, cát; gỗ bên trong thuộc nhóm “tứ thiết”. Theo thời gian, ngôi nhà bị xuống cấp chút ít. Ngành Văn hóa tỉnh và chính quyền địa phương rất sốt sắng trong việc trùng tu, cũng là để bày tỏ lòng tôn kính đối với tiền nhân. Nhưng rồi, họ đã gần như dỡ bỏ tất cả những gì thuộc về kiến trúc cổ của ngôi nhà mà thay vào đó là một khối bê tông cốt thép. Đúng là đổ tiền vào xây một ngôi nhà mới trên nền di tích. Tức là họ chỉ biết phá dỡ, làm mới mà không hề có ý thức, kiến thức, kỹ năng bảo tồn. Từ Hà Nội, tôi về công tác đúng thời điểm đó. Cũng may là những cột, kèo, rui, mè gỗ, hoành phi, câu đối gần trăm tuổi họ mới dỡ ra chứ chưa kịp dọn dẹp vứt đi. Tôi yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và lãnh đạo huyện, xã phải tận dụng nhiều nhất, cao nhất các vật liệu của di tích gốc, đưa di tích trở lại với hình hài và giá trị vốn có. Đó là bài học có thể gọi là “xương máu” không chỉ cho địa phương này, có lẽ là của nhiều nơi. Báo chí đưa nhiều rồi. Di tích hàng trăm tuổi bị biến thành di tích 1 tuổi, thậm chí một vài tháng tuổi đã từng xảy ra, làm dư luận dậy sóng. Thế rõ ràng là tốn kém tiền của mà vẫn không bảo tồn được các giá trị vô giá của văn hóa, lịch sử. Nên, tôi nghĩ rằng, quan trọng nhất vẫn là con người, hay nói cụ thể hơn là nhận thức, kiến thức, năng lực thực tiễn của con người, trước hết là của đội ngũ cán bộ làm văn hóa các cấp.
PV: Vâng, nói đến văn hóa chính là nói đến con người...
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Năm 2014, tôi được tham gia soạn thảo Nghị quyết 33/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) “Về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Khi đó, có anh em nêu ý kiến như chị, đó là nói đến "văn hóa" chính là nói đến "con người" nên băn khoăn, nếu nhắc tới cả hai thành tố đó có vẻ thừa. Nhưng, thực ra không thừa đâu bởi Nghị quyết muốn nhấn mạnh yếu tố con người. Quan điểm đó trong Nghị quyết cũng nêu rõ: "Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo".
Người ta từng tổng kết có đến mấy trăm cách định nghĩa về văn hóa khác nhau. Nhưng, dù định nghĩa theo cách nào, nhìn trên phương diện nào thì cũng đều có một số điểm chung, trong đó có yếu tố con người là một hằng số. Văn hóa do con người sáng tạo nên. Bản sắc dân tộc về văn hóa là sự thống nhất trong tính đa dạng và phong phú của văn hóa các dân tộc, tôn giáo, vùng miền; là những phẩm chất được xây dựng, sáng tạo, chắt lọc, kế thừa, phát huy từ đời này sang đời khác, tạo nên sức sống mãnh liệt và bất diệt của dân tộc.
Chị thấy không, trên dải đất hình chữ S này có biết bao ngọn núi, con sông vốn là sự vật vô tri vô giác nhưng khi được thấm đẫm những huyền thoại do con người tạo ra từ cảm xúc, trí tuệ, ký ức thì trở thành văn hóa. Nàng Tô Thị bồng con chờ chồng ở Lạng Sơn hay Hòn Chồng, Hòn Vợ ở Nha Trang trở thành biểu tượng của lòng chung thủy, bất chấp những éo le của thân phận con người trong thiên tai, địch họa. Hay những nỗi niềm chinh phu, chinh phụ trong suốt cuộc chiến tranh chống ngoại xâm dài dằng dặc đã thổi hồn vào những ngọn núi, con sông trong những câu chuyện dân gian lưu truyền, bi tráng, đớn đau và đẹp đẽ.
PV: Đúng là con người đã mang những nét đẹp trong tâm hồn của mình khắc họa và khoác lên nhiều sự vật chiếc áo văn hóa, bởi thế giá trị của sự vật ấy đẹp đẽ hơn, trường tồn cùng thời gian. Ngài Federico Mayor (cựu Tổng Giám đốc UNESCO) cho rằng: “Con người vốn là trái tim đích thực của văn hóa, của một nền văn hóa”. Quan niệm của Mayor đã khái quát tính bản chất của văn hóa, khi mà những giá trị của nó dần dần được khẳng định và tạo nên không chỉ những bước đi của văn minh nhân loại, mà còn tạo thành bản sắc, sự nhận diện của cá nhân hay cộng đồng thấm nhuần nền văn hóa đó. Ví dụ, kim chi vốn chỉ là món dưa muối trong bữa ăn truyền thống của người Hàn Quốc, nhưng nó mang trong mình những giá trị gia đình, giá trị của lao động và trở thành biểu tượng của đất nước với danh xưng "xứ sở Kim chi". Còn Việt Nam, theo ông, đâu là bản sắc văn hóa Việt Nam?
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Do vị trí địa lý và các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội... trong suốt hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc ta phải đương đầu với nhiều thử thách do thiên tai, địch họa, nhất là các cuộc chiến tranh xâm lược từ bên ngoài. Truyền thống yêu nước, đoàn kết, bản lĩnh, cốt cách, phẩm giá dân tộc đã giúp chúng ta tồn tại vững vàng và phát triển mạnh mẽ. Quá trình đó cũng xây dựng, hun đúc, phát triển truyền thống văn hóa vẻ vang của dân tộc, bản sắc và sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt Nam. Tôi từng viết trong bài thơ "Tổ quốc": “Bão trường chinh ào ạt mấy ngàn năm.../ Ào ạt mấy ngàn năm châu thổ/ Những bờ đê chắn lũ, ngăn thù/ Cùng bọc trứng trăm con đi trăm ngả/ Vẫn thắm lòng dưa hấu chốn đảo xa/ Ào ạt mấy ngàn năm... Thánh Gióng/ Mới lên ba đã giáp sắt, tre ngà/ Câu thơ thần nhuộm đỏ sông Như Nguyệt/ Đỏ Bạch Đằng cuồn cuộn sóng bể xa/ Mấy ngàn năm... Vọng Phu xứ Bắc, Phụ Tử bùi ngùi doi đất trời Nam...".
Thế nên, cũng rất dễ lý giải khi xác định đặc trưng và bản sắc văn hóa Việt Nam, dù có những điểm nhìn khác nhau, thì nhiều người, nhiều giới đều dễ gặp nhau ở những điểm chung nhất. Đó là các phẩm chất yêu nước, thương nòi, đoàn kết, tôn kính tổ tiên, dũng cảm, tài trí, hiếu học, cần cù, ngay thẳng, tình nghĩa, hòa hiếu, khoan dung... Từ ngày có Đảng, nhất là từ khi đất nước ta thoát khỏi ách nô dịch của chế độ phong kiến, thực dân, xây dựng chính quyền dân chủ nhân dân theo định hướng xã hội chủ nghĩa, văn hóa Việt Nam cùng với các yếu tố đậm đà bản sắc dân tộc đã có, còn được bổ sung và phát triển thêm các phẩm chất mới mang tính tiên tiến. Tiên tiến về trình độ học vấn, về dân trí, trình độ khoa học và công nghệ; tiên tiến về tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống; tiên tiến về sự kết hợp giữa hiện đại và truyền thống, giữa hình thức và nội dung; giữa văn hiến dân tộc và chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
PV: Thực ra thì ngay từ Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, “nền văn hóa mới” mà Đề cương xác lập đã đặt con người ở vị trí trung tâm. Theo đó, vị thế của con người nằm ở vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác văn hóa, văn nghệ và quan trọng là quần chúng nhân dân chính là chủ thể của văn hóa, là lực lượng sáng tạo, trao truyền, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa. Văn hóa bám rễ vào cội nguồn lịch sử và không ngừng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để bồi đắp và làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Khi đặt con người ở vị trí trung tâm, bản Đề cương văn hóa Việt Nam đã thể hiện tính tiên tiến, tính khoa học về mặt lý luận. Tôi muốn nói thêm về bối cảnh của bản Đề cương này để chúng ta hiểu sâu sắc hơn tính khai sáng của nó. Năm 1943, đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng vận dụng các quan điểm của Chủ nghĩa Mác, của Đảng ta và của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo Đề cương về văn hóa Việt Nam (còn gọi Đề cương Văn hóa 1943). Lần đầu tiên Đảng Cộng sản Việt Nam nêu cương lĩnh văn hóa, nội dung, tính chất, tổ chức, định hướng phát triển của một cuộc cách mạng văn hóa chỉ có thể gắn với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và tương lai của nền văn hóa ấy sau khi cách mạng đã thành công. Đề cương Văn hóa 1943 xác định xây dựng nền văn hóa Việt Nam (bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật) “...sẽ do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mở xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn hóa tân dân chủ thế giới”; khẳng định ba nguyên tắc: “Dân tộc hóa”; “Đại chúng hóa”; “Khoa học hóa”. Sự nghiệp văn hóa là của toàn dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; khẳng định rõ tính chất nền văn hóa mới Việt Nam: Dân tộc về hình thức, tân dân chủ về nội dung.
PV: Tức là văn hóa do nhân dân tạo ra thì đến lượt nó phải trở về với nhân dân, phục vụ nhân dân...
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Trong bộn bề công việc của Nhà nước chống lại giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất khai mạc ngày 24/11/1946 tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội. Trong diễn văn khai mạc, từ cách đặt vấn đề “Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần túy Việt Nam để hợp với tinh thần dân chủ”, Hồ Chí Minh đi đến khẳng định: “Văn hóa liên lạc mật thiết với chính trị". Người muốn văn hóa là nền tảng để xã hội tốt lên khi trăn trở: "Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ". Quan điểm của Người trong hội nghị này đến nay vẫn còn nguyên giá trị, đó là "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi".
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm từng viết rất hay về nhân dân và những giá trị văn hóa ngàn đời được trao truyền tạo nên một sức mạnh diệu kỳ cho nhân dân, đó là sức mạnh của niềm tin: "Nhưng lạ lùng thay nhân dân thông minh/ Không hề lừa ta dù ca dao, cổ tích/ Ta lớn lên bằng niềm tin rất thật/ Biết bao nhiêu hạnh phúc có trên đời/ Dẫu phải khi cay đắng dập vùi/ Rằng cô Tấm cũng về làm hoàng hậu/ Cây khế chua có đại bàng đến đậu/ Chim ăn rồi trả ngon ngọt cho ta/ Đất đai cỗi cằn thì người sẽ nở hoa/ Hoa của đất, người trồng cây dựng cửa/ Khi ta đến gõ lên từng cánh cửa /Thì tin yêu ngay thẳng đón ta vào/ Ta nghẹn ngào: Đất Nước Việt Nam ơi...". Cho nên, thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc không chỉ là thắng lợi của đường lối chính trị, quân sự đúng đắn mà còn là thắng lợi của chủ nghĩa yêu nước và những giá trị tinh thần cao đẹp của con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam.
PV: Khi đến Hội An, tôi đã xem show thực cảnh "Ký ức Hội An" với hơn 500 diễn viên trình diễn ngay trong lòng thành phố giàu bản sắc này. Lịch sử vùng đất được tái hiện một cách sống động với những câu chuyện kể về con người Hội An, khám phá nét đẹp văn hóa, bản sắc của người Hội An trải dài suốt 400 năm. Với tôi, đó không đơn thuần chỉ là một chương trình nghệ thuật. “Ký ức Hội An” khiến tôi thấy những con phố cổ, những mái nhà cũ có sự hấp dẫn mới khi nó được khoác lên mình tấm áo mỹ miều của lịch sử... Rõ ràng văn hóa là tài nguyên, đầu tư cho văn hóa tạo ra hiệu quả bền vững phục vụ cho phát triển. Văn hóa đã góp một phần rất lớn hình thành nên "sức mạnh mềm" của dân tộc. Bản Đề cương Văn hóa 1943 đã xác định “Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa)". Tuy nhiên, đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho lâu dài và tất nhiên nó không thể mang lại "đồng tiền bát gạo" ngay lập tức hoặc hiệu quả của nó là nằm ở việc nâng cao nhận thức, giữ gìn vẻ đẹp tâm hồn... cho nên có vẻ khó đong đếm được cụ thể.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Đó cũng là một phần nguyên do khiến cho nhiều khi văn hóa chưa được đầu tư đúng mức, chưa thực sự là "một mặt trận" ngang bằng với kinh tế. Hưởng lợi với di tích đôi khi lại chỉ là câu chuyện bán vé. Hay nhiều chuyện buồn về đời sống còn eo hẹp, khó khăn của các diễn viên hoạt động trong các bộ môn nghệ thuật truyền thống như chèo, tuồng, cải lương... Chắc chị cũng từng đọc các bài báo viết về các "ông hoàng, bà chúa" chạy xe ôm. Họ là diễn viên chèo, tuồng... ban đêm oai phong thét ra lửa trên sàn diễn khi vào vai vua, chúa; ngày thì đi chạy xe ôm kiếm sống vì thù lao cho đêm diễn ít ỏi, khó chèo chống được nỗi lo cơm áo. Trong khi những người sống chết với nghệ thuật đích thực phải chật vật để sống thì những thứ đội lốt nghệ thuật, thực ra là nhảm nhí, lại được một bộ phận không nhỏ công chúng tiếp nhận, tung hô. Những lời bài hát vô nghĩa đôi khi qua ngón nghề truyền thông lại trở thành "trend", thành “hot”.
Việc ầm ĩ về cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam suốt mấy năm qua như chị đã thấy, rõ ràng là khúc vĩ thanh quá buồn. Là cái nôi của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam với các bộ phim kinh điển thì giá trị văn hóa của Hãng Phim truyện Việt Nam không thể đo đếm được bằng tiền như mảnh đất vàng số 4 Thụy Khuê. Tôi đồng cảm với giọt nước mắt của NSND Trà Giang trên sự hoang tàn của trụ sở Hãng Phim truyện Việt Nam cũng như mong ước cháy bỏng của bà là được Thủ tướng một lần đến thăm và các cấp có thẩm quyền giải quyết dứt điểm việc cổ phần hóa mang nhiều rắc rối và tai tiếng ở đây.
Hay như câu chuyện về rác trên không gian mạng. Bộ Thông tin - Truyền thông tới đây sẽ tiến hành thanh tra toàn diện mạng xã hội TikTok. Từ năm 2022 đến nay, trên TikTok đã có nhiều nội dung vi phạm như sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động để tạo xu hướng nhằm phát tán nội dung giật gân, câu view, bất chấp đó là nội dung độc hại, phản cảm, gây ảnh hưởng xấu tới giới trẻ và cộng đồng người dùng. Tôi nghĩ, thanh tra toàn diện để chấn chỉnh vi phạm là một việc làm rất cấp bách và cần thiết. Nhưng, mặt khác, chúng ta cần đầu tư nguồn lực xây dựng một nền tảng văn hóa đủ tốt, tự mỗi con người có sức mạnh nội sinh để từ chối tiếp nhận, cao hơn là phải đánh bật những thứ rác văn hóa phẩm ra khỏi đời sống.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện lý thú này.
* Ảnh trong bài: Thắng Nguyễn.