Từ Thượng đỉnh Mỹ - Triều đến sức mạnh mềm Việt Nam
- Những “hàng rào sống” bảo vệ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều
- “An ninh chủ động”, bảo đảm tuyệt đối an toàn Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2
- Vị thế, uy tín Việt Nam được nâng cao nhờ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều
Việt Nam được gì khi đứng ra tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều? Đấy là một câu hỏi lớn đã được đặt ra và trả lời từ nhiều góc độ khác nhau.
Nhưng An ninh thế giới Giữa tháng - Cuối tháng vẫn muốn đặt lại câu hỏi này với Thiếu tướng, PGS. TS. Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học chiến lược Bộ Công an, bởi chắc chắn trong con mắt của một nhà nghiên cứu chiến lược giàu kinh nghiệm, Thiếu tướng Lê Văn Cương sẽ có những phân tích, đánh giá không giống với số đông.
Có một chi tiết đặc biệt là ở thời điểm trước khi diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Chủ tịch Triều tiên Kim Jong-un, khi đông đảo dư luận cho rằng có tới 90% khả năng sẽ có một "Tuyên bố Hà Nội" về việc chấm dứt chiến tranh trên Báo đảo Triều Tiên thì Thiếu tướng Lê Văn Cương đã nhận định riêng với chúng tôi: "Sẽ không có một tuyên bố như vậy".
Và sau đó, khi đúng là "không có một tuyên bố như vậy" thì ông lại đưa ra một nhận xét rất đáng chú ý: "Dẫu vậy thì cũng đã có rất nhiều thành công với cả phía Mỹ, phía Triều Tiên và đặc biệt nhất là với chủ nhà Việt Nam".
- Nhà báo Phan Đăng: Thưa Thiếu tướng Lê Văn Cương, để trả lời câu hỏi "Việt Nam được gì?" khi tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh này thì nhất định phải trả lời câu hỏi "Vì sao cả chính quyền Mỹ lẫn Triều Tiên đều đồng ý chọn Việt Nam để gặp gỡ?". Thực lòng là tôi đã đọc rất nhiều bài báo, lắng nghe rất nhiều câu trả lời về vấn đề này nhưng bây giờ, khi sức nóng của cuộc gặp gỡ qua đi, bình tĩnh nhìn nhận lại thì trong tôi vẫn có rất nhiều thắc mắc và tôi rất muốn được nghe lý giải của một nhà nghiên cứu chiến lược như ông.
- Thiếu tướng Lê Văn Cương: Câu hỏi của Phan Đăng vừa nhắc đến khái niệm "chính quyền Mỹ" và tôi muốn bắt đầu từ chính khái niệm này. Về mặt nguyên tắc thì Phan Đăng nói đúng, bởi ở đây đúng là phải nói đến quan điểm của "chính quyền Mỹ". Nhưng kể từ lúc này tôi sẽ không dùng cụm từ "quan điểm của chính quyền Mỹ" nữa mà dùng thẳng là "quan điểm của Tổng thống Mỹ Donald Trump".
Tại sao thế? Tại vì trên thực tế, chúng ta phải thấy là ông Trump khác tất cả các tổng thống tiền nhiệm, khác cả Obama, Bush “cha”, Bush “con” lẫn Clinton. Khác ở chỗ, ông ấy luôn có những quyết định không cần tham mưu gì cả. Thậm chí tham mưu nói một đằng, ông ấy làm một nẻo. Tổng thống Obama trước đây thường nghe tham mưu rất cẩn thận rồi mới quyết định, còn với ông Trump, nhiều lúc nghe thì cứ nghe nhưng quyết thì cứ quyết.
Thống nhất như vậy rồi, giờ phải thống nhất tiếp một điều, ông Trump gặp ông Kim, về nguyên tắc là chia sẻ 50-50, phải được cả hai người đồng ý đúng không? Nhưng về thực chất, tôi nghĩ, trong cuộc chơi này, ông Trump muốn gặp và cần gặp ông Kim hơn là ngược lại.
Với ông Kim, chúng ta hiểu là kể từ 12-6-2018, tức là sau cuộc gặp gỡ lần đầu giữa hai bên ở Singapore, Triều Tiên đã phá bỏ 1 địa điểm thử hạt nhân, đã trao cho phía Mỹ 55 bộ hài cốt của lính Mỹ, trong khi đó về phía Mỹ, người Mỹ chỉ làm mỗi một việc là dừng cuộc tập trận trung giữa nước này với Hàn Quốc.
Như thế, theo quan điểm của phía Triều Tiên, mọi thứ diễn ra không công bằng và ông Kim cần gặp ông Trump để cố gắng tìm những quyết định mà họ cho là công bằng hơn, đặc biệt là việc muốn được tháo dỡ bớt lệnh cấm vận để có điều kiện phát triển nền kinh tế.
Nhưng lại phải thấy với bản thân ông Kim, bất luận cuộc gặp này như thế nào thì ông ấy vẫn cứ là nhà lãnh đạo Triều Tiên. Với bản thân ông ấy và địa vị quyền lực của ông ấy, cuộc gặp này không tạo ra những thay đổi mang tính long trời lở đất nào hết.
Nhưng với ông Trump thì lại hoàn toàn khác. Bởi sau cuộc gặp lần đầu tại Singapore, ngay nội bộ Mỹ cũng đánh giá rất khác nhau, thậm chí là đối nghịch nhau. Rất nhiều nghị sĩ, kể cả nghị sĩ của đảng Cộng hòa cũng không yên tâm về cuộc gặp này. Đấy là còn chưa nói, giới tình báo cũng phản đối khá mạnh, mà giới tình báo thì luôn có tiếng nói rất quan trọng trong chính quyền Mỹ.
Nếu để xã hội còn có những đánh giá ngược nhau như thế thì lực lượng chống ông Trump trong nội bộ nước Mỹ, cả trong quốc hội, cả trong giới tình báo, cả trong giới truyền thông sẽ càng tăng lên.
Đừng quên là trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, trong 100 hãng truyền thông lớn của nước Mỹ, chỉ có duy nhất 1 hãng ủng hộ ông Trump. Phần còn lại, nghiêng hẳn về phía bà Hillary clinton.
Tất cả những điều đó dẫn đến một nguy cơ: khả năng thắng cuộc của bản thân ông Trump trong cuộc bầu cử sắp tới vào năm 2020 là rất thấp. Phải nhìn như thế mới thấy cuộc gặp lần này liên quan trực tiếp đến sinh mệnh chính trị của ông Trump.
- Theo logic phân tích của ông thì nếu cuộc gặp có kết quả tốt, ông Trump sẽ có lợi thế lớn trước cuộc bầu cử rất quan trọng vào năm 2020?
- Thế nào là kết quả tốt? Nhiều người cho rằng phải có một tuyên bố chung nào đấy giữa hai bên mới là kết quả tốt? Hãy thử tưởng tượng nếu vì mong muốn có một tuyên bố chung mà ông Trump đưa ra một quyết định vội vàng, để rồi bị nội bộ nước Mỹ phản đối thì với ông ấy, đấy có phải là tốt không?
Thế nên theo tôi, những gì đã diễn ra ở Hà Nội vừa rồi vẫn là rất tốt. Bởi mặc dù không có một tuyên bố nào về việc chấm dứt chiến tranh hay vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên thì ngọn lửa đối thoại giữa hai bên vẫn tiếp tục được duy trì.
Mặc dù Tổng thống Mỹ nói rằng ông chưa nghĩ đến một cuộc gặp thượng đỉnh tiếp theo nhưng chắc chắn là hai bên vẫn sẽ duy trì đối thoại, bàn bạc với nhau ở cấp bộ trưởng, cấp thứ trưởng, cấp chuyên viên. Nó sẽ giúp cho 45 triệu người Hàn Quốc và 25 triệu người Triều Tiên có thể yên tâm sống trong một không khí hòa bình, ổn định, ít nhất là cho đến hết năm 2020.
- Trước cuộc gặp thượng đỉnh này nếu chúng ta đọc báo chí phương Tây thì sẽ có cảm giác là hai bên chuẩn bị đưa ra tuyên bố kết thúc chiến tranh đến nơi rồi.
- Đấy là những nhận định ảo tưởng của báo chí. Như tôi đã nói với Phan Đăng ở thời điểm trước cuộc gặp thượng đỉnh này, sẽ không thể có một tuyên bố kết thúc chiến tranh đâu vì vấn đề không đơn giản và dễ dàng như vậy.
Rồi cả những nhận định về việc phi hạt nhân hóa trên Báo đảo Triều Tiên cũng vậy, đó là những nhận định ảo tưởng. Triều Tiên nghiên cứu, chế tạo vũ khí hạt nhân từ hàng chục năm nay và coi đó là vấn đề chiến lược, sống còn để bảo vệ quốc gia.
Làm gì có chuyện họ đồng ý phi hạt nhân hóa chỉ sau 2 cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore và Việt Nam trong vòng chưa đầy một năm. Đây là vấn đề mang tính chiến lược và theo tôi để có thể giải quyết được những vấn đề chiến lược như thế, người ta sẽ mất từ 10 đến 20 năm nữa.
Điều tích cực mà chúng ta có thể thấy ở đây là sau lịch sử 70 năm thù hận, bây giờ họ đã ngồi lại với nhau. Và chỉ riêng điều ấy thôi đã là một cột mốc lớn mà cả hai ghi điểm, đặc biệt là từ phía ông Trump, bởi những người tiền nhiệm trước đó không làm được.
- Ông Trump đã nhiều lần nói rằng những người trong những nội các tiền nhiệm chỉ biết ngồi một chỗ để chỉ trích ông nhưng tại sao họ không nghĩ là ở thời của mình họ đã không làm được những điều như ông.
- Đúng rồi! Và vì điều này mà có một bộ phận nhỏ dư luận ở nước Mỹ cho rằng nhờ sự hòa hoãn thông qua cuộc gặp này, biết đâu đấy, năm 2020, trước cuộc bầu cử ở Mỹ, ông Trump có thể nhận giải Nobel vì Hòa bình thì sao? Tôi xin nhắc đi nhắc lại rằng, không có tuyên bố chấm dứt chiến tranh thì với không khí hòa bình, đối thoại được tạo ra, ông Trump vẫn thành công.
Nhìn rộng ra sẽ thấy, ông Trump không ghi điểm tại Syria, không ghi điểm tại Iran, không ghi điểm tại Isarel - Palestine, cũng không ghi điểm trong mối quan hệ giữa Nga và Ukraina, cho nên đây là nơi duy nhất ông ấy ghi điểm cho mình.
- Bây giờ chúng ta sẽ trở lại với vấn đề chính: Hà Nội thực sự có gì khác những thành phố khác mà lần này ông Trump và ông Kim lại quyết định gặp nhau ở đây?
- Về nguyên tắc, việc chọn Hà Nội phải được sự đồng ý của cả ông Trump và ông Kim nhưng ở đây, tôi nghĩ phần chủ động vẫn có vẻ thuộc về ông Trump.
Những cố vấn của ông Trump đã tính toán chán và chắc chắn là cũng đã đưa ra những địa điểm gặp gỡ ở Bắc Âu, chẳng hạn như Thụy Sĩ - nơi ông Kim từng du học. Thế thì tại sao cuối cùng vẫn cứ là Hà Nội - Việt Nam?
Theo tôi, vì ông Trump hiểu được thực tâm ông Kim không muốn sang Bắc Âu hay Tây Âu trong bối cảnh này. Dù sao gặp ở châu Á thì ông Kim như được ở "sân nhà" của mình mà nếu gặp ở Việt Nam thì ông Kim - người vốn không thích đi máy bay cũng có điều kiện di chuyển thuận lợi nhất cho mình.
Ngoài ra, chọn Việt Nam thì độ an toàn là 99,99% vì Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2017 rất an toàn.
Rồi ngày 13-9-2018, Diễn đàn Kinh tế thế giới cũng đã được tổ chức tại Hà Nội và chúng ta nhớ là người sáng lập ra diễn đàn này kết luận trong suốt 27 năm qua, Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Hà Nội là thành công nhất, trên cả 3 phương diện: phương diện về nội dung, phương diện về an ninh, phương diện về kết nối. Trong bối cảnh thế giới bị chia rẽ thì cuộc gặp gỡ ở Việt Nam đã làm được một điều rất quan trọng là tất cả các quan điểm khác nhau đều hội tụ, từ đó ra được một tuyên bố chung.
Tất nhiên, phải sòng phẳng với nhau là trên thế giới còn nhiều quốc gia an toàn và có khả năng hội tụ chứ không phải chỉ có riêng Việt Nam. Nhưng vấn đề đặt ra là quốc gia ấy lại phải có mối quan hệ thân thiện với cả Mỹ lẫn Triều Tiên.
Quan hệ Việt Nam - Triều Tiên gần 70 năm qua liên tục ổn định, quan hệ Việt - Mỹ sau 24 năm bình thường hóa cũng rất tốt. Một điều nữa mà nhiều nhà quan sát đã nói, rất có thể ông Trump muốn ông Kim đến Việt Nam để nhìn thấy sự phát triển của Việt Nam sau khi đổi mới.
Và như thế, phải chăng ông Trump có một thông điệp ngầm với ông Kim: Ông hãy sang Việt Nam với tôi, ông sẽ thấy thế nào là giá trị của đổi mới. Nước tôi và Việt Nam va chạm với nhau đến tận năm 1975, thế mà bây giờ đã có thể bình thường hóa quan hệ, hợp tác với nhau và nhờ hợp tác mà phát triển, còn nước tôi và nước ông đã va chạm từ năm 1953, rất lâu rồi, tại sao lại không thể ngồi lại, hợp tác với nhau?
- Như thế có nghĩa là với việc tổ chức thành công, an toàn hội nghị này, Việt Nam ít nhiều cũng xác lập được một vị thế nào đó của mình trên trường quốc tế, phải không ạ? Tôi xin lấy một ví dụ rất đơn giản là lâu nay mỗi khi gặp người Việt Nam thì có không ít bạn bè quốc tế vẫn hay hỏi: Ồ, Việt Nam bây giờ còn chiến tranh không? Nhưng sau cuộc gặp thượng đỉnh hút sự quan tâm của toàn bộ thế giới, chắc chắn khi gặp người Việt Nam, bạn bè quốc tế sẽ không hỏi một câu rất xưa cũ như vậy nữa.
- Nên nhớ là hội nghị này có tới 3.000 nhà báo quốc tế đến Việt Nam và từ ít nhất là 3.000 nhà báo này sẽ có hàng trăm ngàn bài bình luận khác nhau. Họ sẽ không chỉ bình luận về hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, cho dù đấy là dòng chảy chính mà còn bình luận về đất nước Việt Nam sau chiến tranh đã phát triển như thế nào, rồi họ còn bình luận về con người Việt Nam đầy thân thiện.
Nói không quá, từ 3.000 nhà báo này, Việt Nam sẽ thể hiện được sức mạnh mềm, vô cùng quan trọng của mình.
- Đúng rồi, sức mạnh mềm, điều rất quan trọng trong thế giới toàn cầu và hội nhập hôm nay.
- Đặt trong sự so sánh với các nước lớn trên thế giới, rõ ràng sức mạnh cứng của Việt Nam thể hiện trong lượng GDP là không bao nhiêu, trong lượng vũ khí là không bao nhiêu, trong lượng phát minh khoa học cũng là không lớn. Nhưng qua sự kiện lần này, sức mạnh mềm mà chúng ta có được lại cực lớn. Tuy nhiên, không phải mặc nhiên chúng ta có một vị thế, một uy tín, một sức mạnh mềm như thế.
Trước tiên, là kết quả của chính sách đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đây thì chưa đầy đủ. Theo tôi, nguyên nhân sâu xa nằm ở ý thức quật khởi, quật cường chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
Thử nghĩ xem, nếu chúng ta không có ý thức quật khởi mạnh mẽ để thống nhất, đất nước vẫn chia cắt hai miền Nam - Bắc thì bây giờ chắc chắc không ai chọn miền Bắc Việt Nam làm nơi gặp gỡ cả. Và lại phải thấy cái tinh thần quật khởi, làm nên một đất nước thống nhất năm 1975 thì cũng không chỉ có ở thời hiện đại mà có từ trong truyền thống xa xưa, từ những truyền thuyết Thánh Gióng nhổ tre đánh giặc đến những trang sử anh hùng của Bà Trưng, Bà Triệu...
Cho nên phải nói sâu xa rằng chúng ta có được vị thế như ngày hôm nay là nhờ sự đóng góp của hàng triệu triệu con người đã ngã xuống vì khát vọng thống nhất, độc lập dân tộc. Và vì thế có thể kết luận rằng vị thế chúng ta có được thông qua việc tổ chức thành công những hội nghị lớn tầm thế giới như thế này chính là nhờ sự kết hợp của sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. Phải biết cách kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại mới có thể làm nên vị thế quốc gia.
- Thưa Thiếu tướng, có cơ hội để thể hiện vị thế của mình dường như mới là một vế. Vế còn lại, quan trọng hơn là chúng ta sẽ tiếp tục tận dụng cơ hội để phát triển vị thế ấy như thế nào. Thiếu tướng có nghĩ đấy cũng là một vấn đề phải tính đến, nếu không muốn nói là vấn đề chiến lược ở thời điểm này hay không?
- Thông qua cuộc gặp thượng đỉnh vừa rồi, cộng đồng quốc tế đã ghi nhận Việt Nam là một quốc gia đang phát triển và có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế.
Để tận dụng vị thế này, theo tôi chúng ta phải tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Trung ương 6 của Đảng theo tinh thần phải tổ chức bộ máy nhà nước trong sạch vững mạnh, phải làm cho Đảng gắn với dân, từ đó trở thành môi trường thân thiện để các tập đoàn kinh tế lớn của Mỹ, của châu Âu, của Nhật Bản sẵn sàng đổ vào đầu tư. Đối với các nhà tư bản, có một câu nói hình ảnh rằng, chỗ nào có lợi nhuận, chỗ ấy là tổ quốc.
Cho nên sau khi người ta biết đến mình, có thiện cảm với mình thì chúng ta phải tiếp tục trong sạch hóa bộ máy và cho người ta thấy rằng bộ máy của mình thực sự vì dân, vì doanh nghiệp. Làm được như vậy thì chắc chắn các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế lớn nước ngoài mới yên tâm đổ vào nước mình đầu tư.
Điều thứ hai, để tận dụng vị thế này chúng ta phải tiếp tục thực hiện triệt để chính sách quan hệ quốc tế đa phương. Hiện nay chúng ta có mối quan hệ với trên 180 quốc gia. Xét về chính trị, kinh tế, quốc phòng thì hiện nay, Trung Quốc và Mỹ có tác động nhiều nhất đến chúng ta.
Vậy thì chúng ta phải mở rộng và làm cho sâu sắc hơn các mối quan hệ quốc tế này. Ngoài ra chúng ta phải có nhiều sáng kiến hơn nữa trong cộng đồng ASEAN - cái sân nhà của mình, để xây dựng và duy trì một ASEAN đoàn kết.
Thứ ba, tận dụng cơ hội này không chỉ là việc riêng của Đảng và Nhà nước mà còn cần sự tham gia nhiệt tình của nhiều lực lượng khác nữa, ví dụ như lực lượng báo chí. Khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều, tôi đã đưa ra đề nghị lực lượng truyền thông Việt Nam phải tổ chức hàng chục cuộc đối thoại trực tiếp với các nhà báo quốc tế để họ hiểu mình. Họ hiểu mình thì mới có thể ủng hộ mình.
Ví dụ chúng ta có thể mời họ trao đổi về vấn đề an ninh khu vực Thái Bình Dương, vấn đề an ninh xuyên biên giới, vấn đề hợp tác môi trường...
Có biết bao nhiêu vấn đề có thể trao đổi được. Và từ dịp này, lực lượng báo chí của ta, kể cả báo hình, báo nói, báo in phải xây dựng một cầu nối thường xuyên với báo chí thế giới. Nếu chúng ta làm tốt điều này, có thể nói rằng hình ảnh từ 3.000 nhà báo quốc tế đã đến Việt Nam, chúng ta có thể hy vọng sẽ có tới 3 tỷ người trên thế giới biết về Việt Nam, hiểu về Việt Nam và ủng hộ Việt Nam.
Công an Hà Nội ra quân bảo vệ an ninh Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều. |
- Nhìn lại quá khứ, ông có thấy là có một giai đoạn, một thời điểm nào đó chúng ta chưa tận dụng được cơ hội để xác lập vị thế của mình không? Cá nhân tôi thì nghĩ rất nhiều đến việc chúng ta phải mất đến 20 năm sau chiến tranh mới có thể bình thường hóa quan hệ với Mỹ, mở ra cơ hội hợp tác, phát triển nền kinh tế. Vẫn biết là có rất nhiều rào cản, rất nhiều khó khăn nhưng nếu như có một nỗ lực phi thường nào đấy, thậm chí là một phép màu nào đấy để chúng ta có thể bình thường hóa quan hệ với họ sớm hơn thì biết đâu đấy cơ hội xây dựng vị thế của chúng ta đã đến sớm hơn rồi? Dĩ nhiên đây chỉ là một suy nghĩ mang tính giả định để hy vọng rút ra những bài học cho tương lai, chứ tuyệt đối không có ý đánh giá - kết luận một vấn đề của quá khứ. Là một nhà nghiên cứu chiến lược, ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?
- Thật ra mà nói thì từ 1945 đến năm 1975, nhiệm vụ chính của chúng ta là giải phóng dân tộc. Sau năm 1975, khi thống nhất được đất nước rồi thì ta lại nằm trong một tình huống chính trị cực kỳ khó khăn.
Đấy là bối cảnh Chiến tranh Lạnh và chúng ta thì đứng hẳn về một phía. Do đó cũng có lúc, có nơi, có việc chúng ta không tiếp cận được những thay đổi của thế giới. Chúng ta có rất ít cơ hội để khẳng định vị thế của mình. Nhưng bây giờ chúng ta đã ổn định kinh tế, đã phát triển toàn diện mọi mặt. Tôi nghĩ đây chính là cơ hội lớn nhất, cơ hội chưa từng có của chúng ta.
- Chúng ta sẽ không nói cụ thể về Việt Nam nữa mà nói về nguyên lý nói chung. Theo ông, xét về mặt nguyên lý, vị thế của một quốc gia được xác lập như thế nào?
- Có những quốc gia giàu có về tài nguyên nhưng lại không có được vị thế và ngược lại. Cho nên quan trọng nhất là phải tổ chức được một bộ máy quy tụ lòng dân, phát huy sức mạnh tổng lực của mình và thực hiện một chính sách đối nội đối ngoại đúng đắn.
Quốc gia ấy nhất định phải nhìn ra được mạch đập của thời đại, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, từ đó làm sao để bạn bè quốc tế tin cậy. Tuyệt đối không được để người ta nghi ngờ mình. Nếu không thực hiện được những điều như thế thì có cả một kho vàng trong tay cũng không khẳng định được vị thế nào.
- Xin cảm ơn Thiếu tướng!