Tiến sĩ Giáp Văn Dương: Tự do trong khai sáng là những gì cần hướng tới!

Thứ Ba, 01/09/2015, 12:38
Tốt nghiệp thủ khoa đầu ra Khoa Hóa Đại học Bách khoa Hà Nội, trở thành giảng viên rồi đi tu nghiệp ở nước ngoài, từng có công việc đàng hoàng tại Áo, Anh, Singapore, thế nhưng Tiến sĩ (TS) Giáp Văn Dương đã dứt bỏ cuộc sống yên bình ở nước ngoài để trở về với môi trường giáo dục còn quá nhiều bề bộn ở Việt Nam, những mong nhen lên đốm lửa nhỏ của tinh thần tự do, khai sáng. 

Trường học trực tuyến GiapSchool mà anh sáng lập đã từ thế giới ảo bước ra đời thật, đóng góp vào thực tiễn đời sống bằng những khóa đào tạo thiết thân nhất: Sửa tật nói ngọng cho giáo viên, trở thành nhà giáo khai sáng và sắp tới là trở thành phụ huynh đích thực cho các bố mẹ, cai nghiện game online, Internet cho giới trẻ...

Thiếu một tổng công trình sư của giáo dục

- Phóng viên: GiapSchool từ một kênh giáo dục trực tuyến hoạt động phi lợi nhuận đã bắt đầu bước ra đời thật với định hướng sẽ chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn. Khóa học ngắn ngày sửa tật nói ngọng cho giáo viên đã được anh tổ chức và nghe nói khá hiệu quả. Liệu có thể biến một người mắc cố tật nói ngọng thành nói “sõi” trong thời gian ngắn sao?

- Tiến sĩ Giáp Văn Dương: Đúng vậy. Trước thực tế Hà Nội đang có quá nhiều giáo viên nói ngọng, tôi nghĩ phải tìm một cách nào đó để sửa tật này. Chúng tôi đã mở được một lớp cho mấy chục giáo viên, và chuẩn bị mở thêm lớp nữa. Kết quả rất khả quan. Ngọng ở đây không phải là do bẩm sinh mang tính sinh học, mà do tiếng địa phương, như nhầm lẫn n và l, e và ie. Có người mắc tật nói ngọng mấy chục năm đã tự sửa nhiều năm không thành công nhưng nay đã khắc phục được sau hai ngày tham gia khóa học. Các giáo viên nhiệt tình tham gia vì điều này liên quan đến quyền lợi sát sườn của họ. Nói ngọng, họ hoàn toàn có thể mất việc. Nhưng sức người có hạn, tôi sẽ đúc kết bài giảng thành tài liệu hướng dẫn và chuyển giao, vì một mình làm không xuể.

- Theo sát các diễn tiến của đời sống giáo dục hiện thời, anh chắc không thể bỏ qua kì thi quốc gia đang khiến cho cả các bậc phụ huynh và thí sinh quay cuồng nháo nhào vì xét tuyển?

- Kì thi năm nay cho đến thời điểm này, khâu xét tuyển đang loạn cả lên. Tôi có cô cháu suốt 10 ngày qua phờ phạc theo dõi điểm số của các trường để nộp hồ sơ. Trong cuộc chạy đua này, rất có thể các học sinh sẽ bị cuốn theo mà quên mất mình yêu thích ngành nào, để rồi tất cả sức lực chỉ dồn vào việc rút và nộp, miễn sao đỗ vào một trường nào đó. Các trường thì cũng mệt mỏi không kém. Nhưng điều tôi lo ngại là cách tuyển sinh như vậy sẽ cắt mất cơ hội vươn lên của các trường tốp dưới. Nếu trong các năm trước, trường tốp dưới cũng có thủ khoa điểm khá cao, thì năm nay, do màn nộp - rút này mà thủ khoa của trường tốp dưới sẽ có điểm gần sát với điểm rớt của trường tốp trên. Những thủ khoa có điểm cao này sẽ là những “thăng giáng”, có ý nghĩa rất lớn với các trường này. Nhưng tuyển sinh như năm nay các trường tốp dưới sẽ không có hy vọng nhận được sinh viên giỏi để vươn lên.

- Trong khi với mỗi một cá nhân việc học và làm nghề mình yêu thích, hợp khả năng đáng lẽ phải được ưu tiên hàng đầu?

- Khâu xét tuyển của Bộ (Bộ Giáo dục và Đào tạo - PV) như hiện nay dẫn đến việc chắc một suất trong trường đại học lại thành mối bận tâm trước nhất. Kì thi đổi mới, nhưng tỉ lệ tốt nghiệp trên 90%, không khác những năm trước bao nhiêu. Việc kết hợp điểm thi với điểm học bạ tuy đảm bảo tỷ lệ tốt nghiệp cao, nhưng dẫn đến một rủi ro rất lớn, đó là thúc đẩy bệnh thành tích. Với cách làm này, dự đoán từ năm sau số lượng học sinh khá giỏi lớp 12 sẽ nhiều đột biến. Điều này lại tạo ra một sự gian dối mới trong giáo dục. Không thể vẫn với thầy cô đó, học trò đó, chương trình học đó mà số lượng học sinh giỏi lại vọt lên. Tôi cho rằng đã làm thì phải làm đến đầu đến đũa, hoặc là cấp chứng chỉ tốt nghiệp cho tất cả học sinh học xong lớp 12, còn tuyển sinh đại học thì để các trường lo, hoặc tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp thật nghiêm túc để đánh giá chất lượng dạy và học, và dùng nó làm kết quả tuyển sinh đại học, chứ nửa vời thế này thì ý nghĩa của thi cử không còn.

- Tức là theo anh, từ sang năm không nên áp dụng tiếp kì thi này?

- Vẫn nên tổ chức một kỳ thi quốc gia nghiêm túc để đánh giá việc dạy và học. Nhưng Bộ cần buông trả tuyển sinh về cho các trường. Bộ làm việc của Bộ, trường làm việc của trường. Tuyển sinh đại học là câu chuyện của các trường. Tôi đi học tôi bỏ tiền ra tôi phải được tìm hiểu về các trường, học sinh phải được tìm hiểu nhà trường. Ngược lại nhà trường cũng cần được biết rõ nhất về học sinh thông qua việc đánh giá bằng những tiêu chí của họ. Đại học Ngoại thương có tiêu chí khác, Đại học Quốc gia tiêu chí khác... Các trường cần được chủ động trong tuyển sinh theo cách phù hợp nhất với yêu cầu, mục tiêu của họ, miễn sao điều đó là minh bạch. Bộ chỉ cần giám sát, làm trọng tài xem các trường có tiêu cực không, có khách quan công bằng không. Có thể nói bất cập lớn nhất của kì thi năm nay là nhiều học sinh không được học ngành mình yêu thích và các trường tốp dưới mất cơ hội có những học sinh giỏi làm hạt mầm vươn lên. Gần một triệu học sinh đã rình rập nhau như đầu cơ chứng khoán, người này đưa vào người khác rút ra, rất mệt mỏi...

- Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể để lấy ý kiến đóng góp. Dự thảo có đề cập đến câu chuyện dạy và học tích hợp. Lập tức nhiều thầy cô giáo băn khoăn theo kiểu họ đang dạy địa lí, giờ muốn dạy thêm lịch sử chẳng nhẽ phải đi học thêm 4 năm nữa. Rồi lãnh đạo Bộ trấn an, chương trình mới sẽ giúp các thầy cô có thể vừa dạy địa lý vừa dạy lịch sử, và sẽ không giáo viên nào bị mất việc khi chương trình dạy tích hợp được áp dụng?

- Đây là chủ đề lớn trong thời gian tới, nhưng không ai nói rõ ra là dạy và học tích hợp thì sẽ như thế nào. Tích hợp không phải được diễn giải theo một cách cơ học như vậy, và một giáo viên cũng không thể dạy nhiều môn. Dạy tích hợp dựa trên tư duy giải quyết vấn đề. Trên thực tế, để giải quyết một vấn đề thì cần kiến thức của nhiều ngành khác nhau. Nhưng điều đó không có nghĩa là một người phải biết hết những kiến thức đó, mà là một nhóm, mỗi người giỏi một thứ, cùng hợp tác với nhau để giải quyết vấn đề. Còn nếu không nhắm đến việc giải quyết các vấn đề cụ thể của cuộc sống, thì dạy tích hợp sẽ hướng đến việc trang bị tri thức theo chủ đề lớn, xuyên ngành. Ví dụ, tôi soạn chương trình giảng dạy khoa học cho học sinh bậc tiểu học theo hướng tích hợp: cách tiếp cận đi từ hiểu biết về con người đến thế giới xung quanh, tự nhiên, xã hội rồi rộng hơn ra là trái đất, hệ mặt trời, vũ trụ, và những dạng thức tương tác trong tự nhiên và xã hội. Chương trình sẽ đi vào 6 chủ đề chính: con người, sự đa dạng trên trái đất, các chu trình, các hệ thống, các tương tác và các dạng năng lượng. Cấu trúc sẽ lồng vào nhau, với độ phức tạp và chi tiết tùy bậc học, nhưng vẫn không đi ra khỏi các nhóm chủ đề lớn đó. Khi đó người thầy cần một kiến thức tổng hợp tốt, hoặc một nhóm thầy cô kết hợp với nhau, và sử dụng nhiều tư liệu để học sinh tham khảo và thảo luận. Tổ chức chương trình học như thế thì sẽ không còn ranh giới giữa vật lí, hóa học và sinh học vì toàn bộ đây là môn khoa học... Như vậy mới là dạy tích hợp chứ không phải lấy một mảnh của vật lí, một mảnh của hóa học, một mảnh của sinh học trộn vào nhau rồi cho một giáo viên dạy tất cả...

- Với cách dạy học tích hợp này, thì theo anh, phương pháp giảng dạy có cần phải điều chỉnh?

- Phương pháp giảng dạy cũng cần phải thảo luận và hiện giờ vẫn gần như bỏ ngỏ. Tôi đưa ra phương pháp áp dụng là bàn tay kiến tạo; chính học sinh tự làm ra tri thức cho mình, và rộng hơn là làm ra tương lai của mình... Tương lai của mỗi người là do họ tạo dựng. Chính họ mới là người kiến tạo tương lai của họ. Giáo dục bây giờ đặt ra tiêu chí chuẩn bị cho tương lai là sai. Đang học lớp một ai biết được mười mấy năm sau cuộc sống sẽ ra sao mà chuẩn bị. Nói giáo dục để đáp ứng nhu cầu của xã hội cũng không đúng. Đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện tại chứ không phải bốn năm sau. Như những năm trước ngành ngân hàng và quản trị kinh doanh rất “hot”, mọi người đổ xô theo. Giờ nhân viên ngân hàng lại không còn là công việc hấp dẫn, lương cao nữa. Vì vậy cách tốt nhất để chuẩn bị cho tương lai là tạo ra nó, bằng chính bàn tay và khối óc của mình. Ngoài kiến thức học sinh phải học rất nhiều kĩ năng khác. Kĩ năng tư duy, giao tiếp, giao tiếp bằng văn bản, nói, ngôn ngữ cơ thể, tiếng Anh. Khi buộc người học phải tự tạo tương lai cho chính mình thì chương trình học phải khác đi. Học sinh phải học tư duy, học cả kỹ năng lãnh đạo. Lãnh đạo chính bản thân, lãnh đạo nhóm của mình. Tôi là người tạo ra cuộc đời của tôi, tương lai của tôi, tôi không phải một sự mặc định mà là một sự trở thành. Nếu học, xin việc như một thứ quán tính, hay phân việc như ngày xưa thì không thể trở thành được... Làm giáo dục ở một việc nhỏ thế thôi nhưng phải giải quyết cả kho các vấn đề phức tạp ở đằng sau. Cách dạy cách học cũng phải khác đi rất nhiều.

- Tức là nếu áp dụng phương pháp dạy tích hợp theo kiểu ráp nối máy móc các môn học với nhau cho một thầy cô dạy, sẽ dẫn đến thất bại?       

- Chắc chắn là thất bại. Làm như thế là chưa hiểu hết về dạy học tích hợp. Cái thiếu của giáo dục Việt Nam bây giờ là một tổng công trình sư để thiết kế toàn bộ nội dung chương trình theo một triết lý nhất quán, dựa trên những cơ sở của giáo dục học hiện đại. Viết sách cho bậc tiểu học phải hiểu rất rõ lớp một thế nào, lớp hai thế nào, lồng ghép trong các chủ đề ra sao. Sách giáo khoa phải tải về được tinh thần của giáo dục xuyên suốt chứ không phải mỗi ông viết một phần rồi ráp lại theo kiểu cơ học. Tôi làm giáo dục, mở trường theo sở thích nhưng cũng phải xây dựng một phòng thí nghiệm bài bản. Tôi nói rằng tôi dạy theo phương pháp này hoặc cái này là tốt thì tôi sẽ phải thí nghiệm... đâu có thể nói khơi khơi. Dạy tích hợp là như thế này thì phải thí nghiệm xem có tốt hay không. Cả Bộ Giáo dục chưa có một phòng thí nghiệm. Tôi là cá nhân phải tự bỏ tiền đầu tư... làm thí nghiệm về công nghệ giảng dạy, phương pháp giảng dạy... rồi mới đúc kết, mới kết luận được.

- Như anh nói giáo dục Việt Nam đang thiếu một tổng công trình sư, có phải vậy nên đặc điểm của giáo dục những năm gần đây là luôn đổi mới, đổi mới, đổi mới rồi mãi vẫn chưa hết bất cập và học sinh thì vẫn phải vất vả theo vòng quay đó?

- Vì thiếu một tổng công trình sư xây dựng chương trình, một nhà lãnh đạo có tư tưởng, có triết lí giáo dục cầm trịch nên mọi thứ mới rối lên như thế. Ở đây tôi không nói tới cá nhân ai mà phải bắt đầu từ những quan điểm, tập thể những người lãnh đạo về giáo dục. Ngay cả những câu hỏi rất cơ bản như học cái gì, học thế nào, học để làm gì cũng chưa trả lời rành mạch được. Ngoài ra, giáo dục Việt Nam là nền giáo dục ngồi trên khán đài, giống như mình ngồi trên khán đài xem bóng đá vậy, nặng về mô tả, diễn giải, mà không phải là trực tiếp trải nghiệm. Bây giờ nếu có một cuộc thi quốc tế tìm hiểu về bóng đá thì sau khoảng ba năm Việt Nam sẽ vào top 10 ngay. Nhưng như thế không có nghĩa chúng ta đá bóng giỏi, vì đá bóng phải đá ở trên sân. Nhưng ở ta, thầy trò đều ngồi trên khán đài, nội dung chương trình cũng ở trên khán đài, mà chưa ai xuống sân cả. Ví dụ, sách giáo khoa dạy học sinh rằng, nước là một chất lỏng không màu, không mùi, không vị, sôi ở 100ºC. Học sinh học thuộc, đi thi điểm rất cao. Nhưng chưa bao giờ trực tiếp trải nghiệm nước ở trong giờ học, để hiểu thấu đáo về nó. Vì thế rất thuộc bài về nước, nhưng ra trường không biết sử dụng nó, hay tạo ra sản phẩm liên quan đến nó như thế nào. Tại sao mình có mấy chục nghìn tiến sĩ mà không có đóng góp gì đáng kể cho sự phát triển? Lý do đơn giản là vì tất cả đều đang ngồi trên khán đài, trong khi cuộc sống thực lại ở dưới sân. Nếu bây giờ xác định thầy trò xuống sân thì nội dung chương trình học sẽ khác. Sách giáo khoa sẽ phải viết lại. Muốn viết lại như vậy thì phải có cách nhìn, cách nghĩ khác đi. Phải có một nhóm dẫn dắt do một tổng công trình sư đứng đầu. Nhưng bóng dáng của những điều đó vẫn chưa thấy hiển lộ.

- Việc cứ đôi ba năm lại đổi mới chương trình, thay sách giáo khoa một lần có thực sự cần thiết cho việc dạy và học?

- Sách giáo khoa cũng không nhất thiết phải ổn định, thậm chí càng nhiều bộ sách giáo khoa càng tốt. Ổn định là ở khung chương trình. Ví như học sinh học xong lớp 1 yêu cầu phải đọc thông viết thạo và làm được các phép cộng trừ trong phạm vi 100. Vậy đứa trẻ ấy có thể học bộ sách nào cũng được, miễn là hoàn thành khung chương trình yêu cầu, vượt qua được các đợt kiểm tra, sát hạch.

Tự thân khai sáng

- Tức là trong tư tưởng của anh, với nền giáo dục của chúng ta, học giỏi không đồng nghĩa với... giỏi?

- Chính xác. Tôi là thủ khoa đầu ra của Trường Đại học Bách khoa, rồi làm giảng viên, nhưng sau đó tôi thấy mình vẫn thiếu hụt kiến thức và kỹ năng ghê gớm. Thậm chí, sau 10 năm ở nước ngoài, học và làm việc ở nước ngoài, tôi mới gỡ bỏ được những điều đã bị học khỏi đầu mình, biến mình thành tờ giấy trắng. Nói cách khác, tôi đã tự gỡ bỏ lăng kính nhận thức mà nhà trường quàng vào mắt mình, để tự tạo ra một lăng kính mới tự do và khoáng đạt hơn, thật với cuộc sống hơn. Tôi đã tự làm lại mình như thế. Nói vậy không có nghĩa là tôi phủ nhận tất cả những gì thầy cô cho mình trong trường, mà tôi muốn nói tới tư duy trong nhìn nhận vấn đề.

- Từ lúc nào anh bắt đầu tham góp bàn bạc về giáo dục?

- Từ năm 2009. Năm đó Bộ lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi, đúng tuổi con tôi đang học ở Anh. Tôi thấy chuẩn đó vô lí. Trước đó tôi đã quan tâm và coi giáo dục như một sở thích, đến lúc gặp việc cần lên tiếng, thế là tham gia góp bàn. Cũng chính thời điểm 2009 tôi mới trở thành con người khác về nhận thức, đủ trải nghiệm quốc tế để biết câu chuyện thực sự là gì, điều gì đang thực sự diễn ra. Tôi thấy cần phải xem lại từ nền tảng đầu tiên, từ triết lí giáo dục, chúng ta muốn đào tạo ra con người nào, phục vụ cho mục đích nào? Chúng ta muốn đào tạo ra con người thế nào thì chương trình học sẽ ăn khớp như vậy. Triết lí giáo dục hiện thời của ta là đào tạo con người công cụ, biết vâng lời, không được chệch hướng. Bởi vậy bài giảng phải là văn mẫu, là học thuộc lòng, đích đến là những học sinh tròn trịa giống hệt đám đông. Với tôi thì ngược lại, con người tự do phải là đích đến của giáo dục. Muốn có tự do thì phải được khai sáng. Tự do trong khai sáng, đó là tất cả những gì tôi hướng tới.

- GiapSchool trực tuyến của anh đang hoạt động miễn phí. Vậy với anh, giáo dục thì không thể kinh doanh kiếm lời, không bao giờ là sản phẩm bán mua?

- Giáo dục phải đi xa hơn chuyện kinh doanh, bán mua. Nhưng giáo dục cũng phải tính đến khía cạnh kinh tế thì mới sống được, chứ cứ trông chờ vào sự hảo tâm thì không bền vững. Tuy nhiên giáo dục phải đi xa hơn, nếu chỉ thuần túy đặt yêu cầu kinh doanh thì không nên làm giáo dục.

- Tư duy như thế nên anh đã có những lớp học khai sáng cho giáo viên?

- Hiện giờ tôi đã làm một lớp như vậy cho giáo viên, và sẽ mở rộng trong thời gian tới. Lúc đầu tôi nghĩ chỉ nên làm với học sinh nhưng rồi thực tiễn cho thấy sức kiềm tỏa từ đội ngũ giáo viên là rất lớn. Lực lượng cản trở đổi mới giáo dục bây giờ lớn nhất lại đến từ giáo viên, nên phải phát triển chương trình đào tạo giáo viên, để tạo ra những giáo viên khai sáng. Việc học của mình xưa nay mới chỉ dừng lại ở học thông tin, cứ nghĩ rằng nhồi thông tin vào đầu, tiếp thu càng nhiều càng tốt là học. Thời đại bây giờ lại không cần điều đó... Thời bây giờ cần kỹ năng xử lí thông tin, và quan trọng hơn là kỹ năng tự chuyển hóa mình để trở thành một con người mới, con người làm chủ đời sống mình, trong tự do và nhân ái.

- Tức là theo anh chúng ta trước hết phải nhìn thẳng vào chính mình, sòng phẳng với chính mình. GS-TS Trần Ngọc Vương từng phân tích: Trước Cách mạng Tháng 8, nước ta có trên 90% dân số là mù chữ. Đã mù chữ nhiều như vậy thì sao gọi là hiếu học. Và đã không đi học thì lấy đâu ra truyền thống “tôn sư trọng đạo”.

- Chắc chắn là như vậy. Chúng ta đã không dám nhìn thẳng, và luôn tự tô vẽ, tạo ra những cái ảo tưởng, ảo tưởng về sự hiếu học, về tinh thần tôn sư trọng đạo. Bỏ lăng kính ấy đi chính là khởi đầu của một sự thay đổi, đổi mới. Môi trường giáo dục của ta khiến đối tượng phải chịu đựng nhiều nhất là học sinh. Học sinh trở thành công cụ của cả hệ thống giáo dục, công cụ của thầy cô, thậm chí của cả gia đình, của các bậc phụ huynh. Đừng nghĩ rằng đẻ con ra là ta đã thành bố mẹ, làm bố mẹ cũng phải học, phải trở thành bố mẹ thì mới là bố mẹ đích thực. Bố mẹ cũng phải khai sáng, phải biết lắng nghe con, trong nhà mà không biết lắng nghe nhau thì thật khổ... Giáo dục còn nhiều bất cập như hiện nay thì gia đình lại càng quan trọng, bài toán giáo dục gia đình lại càng cấp thiết hơn. Vì thế, bố mẹ phải giành lấy việc dạy con, dạy một cách hiểu biết, có phương pháp chứ không phải một kiểu áp đặt nữa như ở trường.

- Nhìn cảnh các bậc phụ huynh khốn khổ cùng con trong các kì thi đại học thật là một trải nghiệm nhọc nhằn. Vậy đại học có phải là lựa chọn duy nhất cho những người trẻ bước vào đời?

- Không. Nhưng văn hóa học để làm quan, học để lấy bằng quá ám ảnh nếp nghĩ của các nước phương Đông, kể cả Hàn Quốc và Nhật Bản. Tôi có thực hiện khảo sát với câu hỏi học đại học để làm gì thì tới 80, 90% số học sinh được hỏi không trả lời nổi. Chúng ta phải kiến tạo tương lai của mình, và đại học chỉ là một công cụ để hiện thực hóa nó. Đấy mới là giáo dục đại học. Giáo dục đại học của mình còn không đạt được bước đầu tiên là giúp cho người học ý thức được tương lai của mình chứ chưa nói tới việc kiến tạo được tương lai cho mình.

- Dường như ngày xưa, cũng chưa lâu lắm, một hai ba thập kỉ trước, việc học không vất vả nhọc nhằn như bây giờ?

- Ngày xưa trong tư duy chúng ta còn có một chút tự do, tự do bay nhảy chăn trâu cắt cỏ và công nghệ chưa phát triển. Nếu không có cách ứng xử phù hợp thì công nghệ càng phát triển, con người càng mất tự do. Công nghệ xuất hiện là điều chưa từng có trong quá khứ. Con người không được chuẩn bị cách ứng phó với tình huống mới. Bởi thế mới dẫn đến các chứng nghiện Internet, nghiện game online. Những thứ này chưa từng có trong quá khứ, bố mẹ không biết chúng như thế nào, không rõ phải ứng xử ra sao nếu con cái mình mắc phải? Nếu không có gì thay đổi cuối tháng 9, đầu tháng 10 tôi sẽ có lớp học cai nghiện Internet và game online cho giới trẻ.

- Nhiều bậc phụ huynh đã lựa chọn cho con em mình đi du học nước ngoài ngay từ bậc phổ thông, một kiểu “tị nạn giáo dục” để vượt qua sức ép của việc học ở trong nước. Điều này với một người nhiều trải nghiệm quốc tế như anh, lời khuyên sẽ là thế nào?           

- Nên hay không thì phải tham chiếu với họ xem họ muốn con họ thành người như thế nào. Muốn là một người Việt Nam, mang nặng văn hóa mang bản sắc Việt, làm việc ở Việt Nam thì không nên du học từ sớm. Còn muốn con cái họ thành công dân toàn cầu thì nên đi, càng sớm càng tốt. Ở nước ngoài dù sao môi trường học tốt hơn, rủi ro cũng ít hơn...

- Trân trọng cảm ơn TS Giáp Văn Dương và chúc cho những dự định của anh sẽ sớm được hiện thực hóa... 

Ngô Hương Sen
.
.